Ông Mỗ làm Huyện lệnh Ngô huyện, quên mất tên họ, cứng rắn có tiếng. Tục đất Ngô rất trọng thần Thành hoàng, dùng gỗ tạc tượng, may gấm làm áo, dáng vẻ như người sống. Gặp ngày cúng thần thì dân cư góp tiền mở hội, xe kiệu chật đường. Cờ phướn la liệt, trống kèn đàn sáo vừa trỗi vừa đi, ồn ào ầm ĩ, chen chúc trên đường. Thói quen đã thành lệ, không năm nào dám bỏ phế. Ông tới đó, gặp lúc họ đang đi, bèn ngăn lại hỏi, dân ở đó kể lại chuyện. Lại nói tiền bạc đóng góp rất nhiều, ông tức giận, chỉ vào thần trách mấy câu "Thành hoàng là chủ một huyện, nếu ngu xuẩn ương bướng không thiêng thì là ma. quỷ tối tăm ngu muội, không đáng để thờ phụng. Còn nếu linh thiêng thì phải biết tiếc của cải, sao lại được tốn phí vô ích, làm hao tổn máu mỡ của dân”. Nói xong kéo tượng thần xuống đất, đánh hai mươi roi. Từ đó tập tục lập tức thay đổi. Ông trong sạch ngay thẳng không riêng tư, chỉ là trẻ tuổi thích đùa giỡn. Ở đó hơn một năm, ngẫu nhiên bắc thang trong giải vũ trèo lên bắt chim sẻ, hụt chân rơi xương gãy đùi, kế chết. Người ta nghe thấy trong đền Thành hoàng có giọng ông tức giận lớn tiếng, giống như tranh cãi với thần, mấy ngày không ngớt. Mọi người không quên ơn ông, kéo nhau tới tụ họp, khẩn cầu xin thôi, sẽ xây một miếu riêng, giọng ông liền tắt. Miếu mới cũng gọi là miếu Thành hoàng, xuân thu cúng tế, còn linh thiêng hơn miếu cũ Ngô huyện đến nay vẫn có hai Thành hoàng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT