Họ Lưu người trong huyện là kẻ hung dữ. Sau rời huyện Truy tới ở huyện Nghi (đều thuộc tỉnh Sơn Đông), tính cũ vẫn không bỏ, người làng vừa sợ vừa ghét. Lưu có mấy mẫu ruộng liền bờ với ruộng Miêu mỗ, Miêu vốn chăm chỉ, ven ruộng trồng rất nhiều đào. Đào vừa có trái, con Miêu ra vin hái, Lưu tức giận xua đuổi, nói là đào của mình. Đứa con kêu khóc chạy về kể với Miêu, Miêu còn đang kinh ngạc sợ hãi thì Lưu đã tới trước cổng mắng chửi, lại đòi đi kiện. Miêu cười ra dàn hòa, Lưu không biết trút giận vào đâu, tức tối bỏ đi. Lúc ấy trong huyện có Lý Thúy Thạch đi buôn bán ở huyện Nghi, Lưu mang đơn kiện lên huyện thì gặp nhau trong thành. Lý thấy là người cùng huyện vốn quen biết, hỏi là đi đâu. Lưu kể lại, Lý cười nói "Tiếng tăm của anh mọi người đều biết rồi, ta vốn biết Miêu mỗ rất hòa hoãn hiền lành, đâu dám chiếm đoạt của ai, có phải là anh nói ngược không vậy?”, rồi xé nát đon kiện của Lưu, kéo Lưu vào quán rồi khuyên giải. Lưu tức tối không chịu, lấy trộm bút mực trong quán rượu viết lại đơn kiện nhét vào bọc, định sẽ đi kiện nữa.

Không bao lâu Miêu cũng tới, kể lại hết mọi việc rồi năn nỉ Lý cứu giúp, nói "Ta là người nhà quê, nửa đời không gặp bậc quan trưởng, nếu có thể khỏi phải kiện tụng, thì đâu dám giữ mấy gốc đào?". Lý gọi Lưu ra, nói việc Miêu tình nguyện nhường nhịn, Lưu còn chỉ trời vạch đất chửi mắng không thôi, Miêu chỉ lễ phép thưa gởi, không dám cãi lại câu nào. Chuyện xong cùng về, qua bốn năm ngày, thấy người trong thôn đồn rằng Lưu đã chết, Lý ngạc nhiên than thở. Hôm sau Lý có việc ra ngoài, thấy Lưu nghiễm nhiên chống gậy đi tới. Tới nơi, ân cần hỏi thăm, lại mời Lý tới nhà chơi. Lý đi theo, hỏi "Hôm trước nghe tin dữ, té ra là sai”. Lưu không đáp, chỉ kéo Lý vào thôn, tới nhà, bày rượu ra khoản đãi, mói nói "Tin đồn hôm trước không sai đâu. Hôm trước vừa ra khỏi nhà, thấy có hai người tới bắt lên gặp quan, hỏi có chuyện gì chỉ nói không rõ. Ta tự nghĩ mình ra vào nha môn mấy mươi năm nay, chẳng sợ gì gặp quan, cũng chẳng sợ hãi gì nên cứ đi theo. Tới công thự thấy người ngồi trên vẻ mặt giận dữ nói "Ngươi là Lưu Mỗ phải không? Tội ác ngập đầy mà không tự hối, lại còn cướp đoạt của người về làm của mình, loại ngang ngược này thì phải bỏ vào vạc dầu. Một người tra sổ nói "Người này có làm một điều lành, có thể tha tội". Người ngồi trên giở sổ xem, dịu nét mặt nói “Tạm đưa y về". Mấy mươi người đồng thanh quát đuổi ra, ta hỏi "Vì việc gì mà bắt ta tới, vì việc gì mà tha ta ra, xin được hỏi rõ”. Viên lại cầm sổ bước xuống chỉ cho xem một hàng, trên ghi năm Sùng Trinh thứ 13 (1640) thời Minh bỏ ra ba trăm đồng cứu một người, giúp cho vợ chồng họ được đoàn tụ. Viên lại nói “Nếu không như thế thì hôm nay đã phải chết, đầu thai làm súc vật rồi". Ta sợ quá bèn theo hai người kia đi ra. Hai người đòi tiền hối lộ, ta tức giận nói “Không biết rằng Lưu Mỗ ta ra vào nha môn hai chục năm nay, chỉ chuyên cướp đoạt của cải của người khác à? Tại sao lại dám đòi thịt từ miệng cọp già hả?". Hai người không đáp, đưa ta tới thôn rồi chắp tay nói “Chuyến này bọn ta chưa uống của ngươi hớp nước nào đấy nhé". Hai người đi rồi, ta vào nhà thì sống lại, té ra đã chết một ngày rồi".

Lý nghe xong lấy làm lạ, nhân hỏi rõ đầu đuôi chuyện Lưu làm điều lành. Trước là vào năm Sùng Trinh thứ 13 mất mùa lớn người ta phải ăn thịt nhau. Lúc ấy Lưu làm chức Chủ Bổ lệ ở huyện Truy, gặp hai người đàn ông đàn bà khóc lóc rất thảm thiết, hỏi thăm thì họ đáp "Vợ chồng mới lấy nhau được hơn một năm, năm nay mất mùa, không thể cả hai cùng sống nên thương tâm”. Lát sau Lưu lại thấy họ trước quán bán dầu, như đang cãi cọ gì đó. Tới gần hỏi han, chủ quán họ Mã nói "Hai vợ chồng này đói sắp chết, hàng ngày vẫn xin ta bã dầu ăn qua ngày, nay lại muốn bán vợ cho ta, nhưng ta đã mua cả chục người trong nhà rồi. Cũng có gì quan trọng đâu, rẻ thì ta mua, không thì thôi. Kể cũng buồn cười, cứ đem tới ép người ta mua". Người đàn ông nói "Năm nay gạo thóc đắt như ngọc, tính ra nếu không có đủ ba trăm đồng thì không đủ phí tổn đi tránh nạn đói. Vốn là muốn cả hai người cùng được sống, chứ nếu bán vợ mà cũng không thoát chết thì cần gì. Thật không dám nói giá cả chỉ mong ông làm việc để đức lại cho con cháu thôi". Lưu thương xót, hỏi Mã trả bao nhiêu, Mã đáp "Hôm nay giá đàn bà chỉ có một trăm". Lưu xin đừng nói bớt, lại xin giúp thêm một nửa cho đủ số ba trăm, Mã nhất định không chịu. Lưu nổi nóng nói với người đàn ông rằng "Y keo kiệt như thế chẳng đáng nói nữa, ta xin tặng đủ số anh cần, nếu có thể tránh nạn đói mà còn được vợ chồng thì càng hay!". Bèn dốc túi đưa tiền cho, hai vợ chồng khóc lạy rồi đi. Lưu kể xong, Lý cực lực ca ngợi.

Từ đó Lưu bỏ hẳn nết cũ, đến nay đã bảy mươi tuổi vẫn còn khỏe mạnh. Năm rồi Lý tới thôn, thấy Lưu đang cãi cọ với người ta, mọi người xúm quanh can ngăn mà không được. Lý cười gọi “Ngươi lại muốn kiện giành cây đào phải không?”. Lưu vội vàng thay đổi sắc mặt, khép nép thu tay lại bỏ đi.

Dị Sử thị nói: Anh em Lý Thúy Thạch đều có tiếng là giàu có nhưng Thúy Thạch tính thuần hậu, ưa làm điều lành, chưa từng kiêu ngạo rằng mình giàu có, cũng là bậc quân tử thành thật cẩn thận vậy. Xem việc ông can chuyện tranh cãi, khuyên làm điều lành thì con người bình sinh thế nào có thể biết được. Lời xưa nói "Kẻ giàu có không nhân đức”, ta không biết Thúy Thạch là kẻ trước nhân đức rồi sau giàu có hay là trước giàu có rồi sau nhân đức?

Phụ: Một Truyện Trong Truy Xuyên Chí, Nghĩa Hậu Truyện (Truy Xuyên Chí Nghĩa Hậu Truyện Nhất Tắc)

Lý Vĩnh Khang tự Thúy Thạch, tính thuần hậu, hay cứu kẻ nạn, ưa giúp kẻ nghèo. Cách huyện thành Truy Xuyên ba mươi dặm về phía tây có đường hang núi, dân ở đó bắc cầu để tiện qua lại. Cầu bắc ngang hai bờ vực, tính ra phí tổn tới hàng ngàn đồng vàng, Khang phá gia tài tới giúp đỡ mới làm được. Lại quyên tiền sửa cầu ở thôn Tiêu, chưa xong thì qua đời, em là Vĩnh Dự hết sức giúp đỡ làm cho xong để noi chí anh. Trong làng có nhà thế hào độc ác họ Mỗ ở cạnh nhà họ Miêu, Miêu trồng mấy gốc đào, con Miêu ra hái trái, Mỗ giận dữ nói là đào của mình, định kiện lên quan. Khang gặp biết chuyện, xé nát đơn kiện, ra sức can ngăn, Mỗ còn tức giận không chịu thôi, kế bị âm phủ trừng phạt nên hối hận tỉnh ngộ, rất cảm ơn Khang. Bài Long Tuyền ký của quan Thái sử họ Đường, bộ Liêu Trai chí dị của viên Minh kinh họ Bồ* đều có chép. Quan Tri huyện là ông Dương My viết tặng bốn chữ “Danh cao nguyệt đán” (Nổi tiếng như vầng trăng rằm) để biểu dương, người trong huyện đều cho là vinh dự.

* Bộ Liêu Trai chí dị của viên Minh kinh họ Bồ: tức Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play