Ông nội của tiên sinh Vương Xuân Lý chơi rất thân với em ông nội ta là ông Ngọc Điền. Một đêm ông nằm mơ thấy ông Ngọc Điền tới nhà, buồn bã trò chuyện. Hỏi có việc gì thì ông Ngọc Điền đáp “Ta sắp đi xa, nên tới chia tay với ông thôi". Hỏi đi đâu, ông Ngọc Điền đáp "Xa lắm", rồi đi ra. Ông tiễn tới sơn cốc, thấy vách đá có chỗ mở toang ra, ông Ngọc Điền chắp tay cáo biệt rồi đi giật lùi vào trong, dần dần mất hút, gọi không thấy trả lời, kế giật mình tỉnh dậy. Sáng ra, ông kể cho con lớn là Thái công Kính Nhất, sai chuẩn bị các vật dùng đưa đám, nói “Chuẩn bị để giúp đỡ cho đám tang ông Ngọc Điền". Thái công xin cứ qua hỏi thăm trước, nếu đúng sẽ qua phúng điếu. Ông không nghe, cứ mặc quần áo trắng sang, tới cổng thì phướn báo tang đã treo lên rồi. Than ôi! Người xưa với việc sống chết của bè bạn thành tín tới như thế đấy, việc xe tang của Nguyên Bá đợi Cự Khanh* há có phải là chuyện bịa đặt đâu!
*Cự Khanh: Hậu Hán thư, Độc hạnh truyện chép Phạm Thức tự Cự Khanh, chơi thân với Trương Thiệu ở Nhữ Nam. Thiệu tự Nguyên Bá, khi Nguyên Bá chết, Thức nằm mơ nghe Nguyên Bá gọi "Cự Khanh? Ta đã chết hôm ấy, sẽ chôn vào giờ ấy, huynh chưa quên ta nhưng làm sao tới kịp". Thức giật mình tỉnh dậy, vội vàng lên đường tới phó tang, còn chưa tới thì xe tang đã ra khỏi nhà Nguyên Bá. Nhưng tới gần miệng huyệt thì xe chở quan tài dừng lại không đi nữa. Giây lát thấy có người cưỡi xe mui trắng thắng ngựa bạch kêu khóc chạy tới, mẹ Nguyên Bá nói "Đó ắt là Phạm Cự Khanh". Cự Khanh tới, lạy phục trước quan tài khóc nói "Đi thôi anh Nguyên Bá! Sinh tử đôi đường, từ nay xin vĩnh biệt!", rồi cầm lá phướn đi trước dẫn đường, xe tang mới tiến lên được.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT