Thành Gia Cát cũ có Thương Sĩ Võ là kẻ sĩ nhân. Vì say rượu nói năng xúc phạm người thế hào, bị người ấy sai gia nhân xúm lại đánh tơi bời, cõng về tới nhà thì chết. Thương có hai trai, lớn là Thần, thứ là Lễ và một gái là Tam Quan, mười sáu tuổi, đã hẹn ngày cưới nhưng gặp việc cha chết phải đình lại. Hai anh Tam Quan đưa đơn kiện nhưng cả năm sau cũng chưa được xử nhà thông gia sai người đến gặp mẹ nàng xin cho tòng quyền làm đám cưới. Người mẹ định ưng thuận nhưng cô gái bước lên nói "Xác cha mất còn chưa lạnh mà đòi cưới xin, họ không có cha mẹ à?". Nhà thông gia nghe thế xấu hổ đành thôi. Không bao lâu hai anh đi kiện không được, chịu lép trở về, cả nhà bi phẫn. Hai anh định quàn xác cha để tiếp tục thưa kiện, Tam Quan nói "Người bị giết mà quan không xét, việc đời thế nào đủ biết rồi, chẳng lẽ trời sinh riêng cho hai anh em anh một Bao Công à? Để thi hài cha phơi ra như thế thì nỡ lòng nào!". Hai anh phục lời ấy, bèn lo mai táng cha.
Việc chôn cất vừa xong, Tam Quan ban đêm trốn đi, không biết đi đâu. Người mẹ lấy làm xấu hổ, sợ nhà thông gia biết, không dám nói cho họ hàng hay, chỉ dặn hai con trai ngấm ngầm tìm kiếm, nhưng suốt nửa năm vẫn không thấy tăm hơi. Gặp dịp người thế hào mở lễ mừng thọ, gọi phường trò tới giúp vui. Người phường trò tên Tôn Thuần dẫn theo hai đứa học việc để sai vặt, một người tên Vương Thành, mặt mũi bình thường nhưng tiếng hát trong vắt mọi người đều khen ngợi, một người tên Lý Ngọc, mặt mày xinh đẹp thanh tú như con gái, gọi ra bảo hát thì từ chối là ít luyện tập, ép thì những bài hát ra có một nửa chen cả các điệu hò vè của đàn bà con gái, cả tiệc vỗ tay ầm lên. Tôn thẹn quá, thưa với chủ nhà rằng thằng nhỏ này theo học chưa bao lâu, chỉ mới biết mời rượu, xin đừng trách, rồi sai ra chuốc rượu.
Ngọc lui tới dâng rượu, rất khéo đón ý chủ nhân, người thế hào rất vừa ý. Đến khi tan tiệc, khách khứa ra về, người thế hào giữ Ngọc lại ngủ cùng. Ngọc dọn giường cởi áo cho chủ, hầu hạ rất chu đáo, người thế hào càng thích, cho người hầu ra hết chỉ giữ có Ngọc lại trong phòng. Ngọc đợi đám người hầu ra hết liền đóng của cài then. Đám người hầu sang phòng khác ăn uống, lát sau nghe thấy trong phòng chủ ngủ có tiếng cành cạch, một người bước qua xem, chỉ thấy trong phòng tối đen yên lặng, đang định quay đi chợt nghe tiếng động lớn như vật nặng treo trên cao đứt dây rơi xuống, vội lớn tiếng hỏi nhưng không thấy ai trả lời. Y gọi mọi người phá cửa vào, thấy chủ nhân đã đầu lìa khỏi xác. Ngọc thì treo cổ tự tử, dây đứt xác rơi xuống đất, đầu dây vẫn còn lủng lẳng trên xà nhà. Mọi người hoảng sợ, gọi nhau vào tụ họp trong phòng bàn bạc nhưng không hiểu vì sao.
Đem xác Ngọc ra sân thì thấy trong giày tất trống không như không có bàn chân, cởi ra xem thấy bàn chân bó nhỏ, té ra là con gái. Họ càng hoảng sợ, gọi Tôn Thuần tới căn vặn. Thuần sợ lắm, không biết vì sao, chỉ nói “Tháng trước Ngọc tới xin học nghề, hôm nay xin đi theo tới đám mừng thọ, thật không rõ là từ đâu tới" Thấy Ngọc mặc tang phục bên trong, nhà thế hào ngờ là thích khách của họ Thương, bèn cắt ra hai người canh giữ xác chết. Cô gái mặt đẹp như ngọc, vỗ về thì thấy thân thể tay chân ấm áp mềm mại, hai người bèn bàn nhau lén hành dâm. Một người ôm xác cô gái nắn bóp vần vò, đang định cởi dây lưng thì chợt như bị đập mạnh vào đầu, hộc máu mồm chết ngay tại chỗ. Người kia sợ hãi kể lại, mọi người đều kính cẩn coi cô gái như thần minh. Sáng ra lên báo quan, quan gọi Thần và Lễ lên hỏi, họ đều nói không biết gì, chỉ nói em gái là Tam Quan đã bỏ nhà đi nửa năm rồi, sai tới xem xác chết thì đúng là Tam Quan. Quan cho là vịệc lạ lùng, cho hai người mang xác em gái về chôn cất, lại khuyên gia đình người thế hào không nên thù hằn.
Dị Sử thị nói: Trong nhà có nữ Dự Nhượng* mà không hay, thì hai người anh làm đàn ông ra sao cũng có thể biết rồi. Nhưng làm người như Tam Quan thì ngay cả kẻ qua sông Dịch** cũng còn thẹn là chưa bằng, huống hồ những kẻ tầm thường chìm nổi theo đời sao? Mong sao những đàn bà con gái trong thiên hạ mua chỉ về thêu tranh nàng để thờ, thì phúc đức chẳng kém gì so với việc thờ phụng Quan Đế đâu.
*Dự Nhượng: người thời Xuân thu, hủy hoại thân thể để cải trang báo thù cho chủ, người sau coi là bậc hiệp nghĩa.
** Kẻ qua sông Dịch: tức Kinh Kha, người thời Chiến quốc, kiếm khách của Thái tử Đan nước Yên sai đi hành thích Tần vương (tức Tần Thủy hoàng). Tương truyền khi sang sông Dịch để tiến vào địa giới nước Tần, Kinh Kha ngẩng mặt hát, lời ca rất khảng khái thê thiết.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT