Trình Hiếu Ân người đất Kiếm Nam (tỉnh Tứ Xuyên), lúc trẻ rất thông minh, giỏi văn chương. Cha mẹ đều mất sớm, nhà nghèo không có chút của cải, không biết làm gì để sống, tới xin làm thuê giữ việc sổ sách cho quan Thông chính ty họ Hồ. Ông Hồ sai làm văn để thử tài, rất hài lòng, nói "Người này không nghèo mãi được, có thể gả con gái cho”. Ông Hồ có ba trai bốn gái, đều đã hứa cưới gả cho các nhà đại gia ngay từ lúc mới sinh ra, chỉ có con gái út là Tứ Nương là con người thiếp, mẹ mất sớm nên đến tuổi cập kê vẫn chưa hứa gả cho ai, bèn gả cho Trình. Có kẻ chê cười cho rằng ông Hồ già nua lú lẫn, nhưng ông không hề đếm xỉa tới, cắt nhà cho sinh ở, chu cấp rất đầy đủ. Các công tử khinh bỉ không thèm ngồi ăn chung với Trình, bọn tôi tớ cũng về hùa. Sinh im lặng không so hơn kém, chỉ ra sức học hành. Bọn họ dè bỉu chê bai, Trình vẫn học hành không nghỉ, họ làm ầm ĩ cạnh chỗ học thì Trình mang sách vào phòng vợ ngồi đọc. Lúc trước khi Tứ Nương chưa lấy chồng, có người thầy bói giỏi biết số phận sang hèn xem tướng cho cả nhà đều không khen ngợi ai, chỉ khi Tứ Nương tới mới nói "Cô này đúng là bậc quý nhân". Đến khi Tứ Nương lấy Trình, các chị em đều gọi là quý nhân để chế nhạo. Nhưng Tứ Nương đoan chính cẩn trọng ít nói, cứ làm như không nghe thấy, dần dần tới bọn tớ gái cũng gọi như vậy.

Tứ Nương có đứa tỳ nữ tên Quế Nhi nghe thế rất bực tức, nói lớn "Biết đâu lang quân nhà ta làm nên bậc quý quan thì sao?". Người chị thứ hai của Tứ Nương nghe thấy khinh bỉ nói "Trình lang mà làm được quý quan thì khoét tròng mắt ta đi". Quế Nhi tức giận nói “Chỉ sợ lúc ấy không móc tròng mắt ra được thôi". Người chị thứ hai của Tứ Nương có đứa tỳ nữ tên Xuân Hương thấy thế nói “Nhị Nương mà nuốt lời ta sẽ móc mắt thay cho". Quế Nhi càng tức tối đập tay Xuân Hương lập lời thề, nói "Đánh cuộc hai tròng mắt đấy". Nhị Nương giận là hỗn láo tát Quế Nhi, Quế Nhi kêu gào rầm rĩ, phu nhân nghe biết chuyện nhưng không biết bênh vực ai, chỉ nhếch mép cười. Quế Nhi về kêu khóc với Tứ Nương, Tứ Nương đang kéo sợi không tức giận cũng không nói gì, chỉ bình thản kéo sợi như không nghe thấy.

Gặp ngày sinh nhật của ông Hồ, các con rể đều tới mang quà mừng thọ chất đầy sân. Đại Nương đùa hỏi Tứ Nương “Nhà ngươi mừng thọ vật gì?", Nhị Nương nói “Hai con mắt mang một cái mồm", Tứ Nương thản nhiên không hề tỏ vẻ xấu hổ, mọi người thấy nói gì nàng cũng như không hiểu, càng xúm vào chế nhạo. Chỉ có người thiếp yêu của ông Hồ là Lý thị, mẹ ruột của Tam Nương là coi trọng Tứ Nương, thường quan tâm thương xót nàng, vẫn nói với Tam Nương rằng "Tứ Nương bên trong thông minh mà bề ngoài chất phác, giữ kín khôn ngoan không để lộ ra, bọn ranh con kia đều không tự biết mình đang trong cõi bao la, huống hồ Trình lang ngày đêm ra sức học hành, há lại ở dưới người măi sao? Con đừng có học thói xấu của họ, cứ đối xử với nàng cho tốt, ngày khác còn dễ nhìn mặt nhau”, nên Tam Nương mỗi khi về thăm nhà vẫn trò chuyện vui vẻ với Tứ Nương. Năm ấy Trình nhờ ông Hồ được vào học trường huyện, năm sau quan Học sứ về khảo thí sĩ tử thì ông vừa chết, Trình cư tang như con ruột, chưa được dự thi. Kế mãn tang, Tứ Nương đưa tiền cho bảo lên đường dự thi khoa Di tài, dặn rằng "Trước nay ở đây lâu mà không bị đuổi đi là nhờ có cha già còn sống, nay thì muôn phần không được nữa, nếu chàng thi đỗ thì may ra lúc trở về mới có nhà ở thôi". Lúc Trình lên đường, Lý thị và Tam Nương tặng tiễn rất hậu. Trình vào trường ra sức nghiền ngẫm làm bài, quyết tâm thi đỗ bằng được. Nhưng không bao lâu ra bảng thì bị đánh rớt, rầu rĩ uất ức khó nỗi trở về. May là trong túi còn tiền, bèn lên đường vào kinh. Lúc ấy bên nhà vợ có nhiều người làm quan trong kinh, Trình sợ họ biết được chế nhạo mĩa mai bèn thay tên đổi họ, khai dối quê quán xin náu thân ở nhà bậc quan lớn.

Quan Ngự sử họ Lý người Đông Hải (huyện Diệm Thành tỉnh Sơn Đông) gặp Trình rất quý trọng, nhận làm môn khách, giúp cho tiền bạc học hành, nộp tiền mua cho chức Cống sinh bảo ứng thí ở phủ Thuận Thiên. Trình thi mấy kỳ đều đỗ, được trao chức Thứ Cát sĩ, lúc ấy bèn nói thật mọi chuyện. Ông Lý cho mượn ngàn lượng vàng, sai người tới Kiếm Nam mua nhà cho Trình trước. Lúc ấy Hồ Đại Lang vì cha chết nên bán những nhà đẹp ruộng tốt nhân mua lấy, sau đó sai xe ngựa tới đón Tứ Nương. Trước là khi Trình thi đỗ Tiến sĩ có người tới báo tin mừng, cả nhà nghe thấy phát ghét, lại nhìn thấy tên họ không phải là Trình bèn quát đuổi đi. Gặp hôm Tam Lang cưới vợ, khách khứa thân thích tới ăn mừng, các anh chị em đều có mặt, chỉ Tứ Nương là không được anh trai chị dâu gọi tới. Chợt có một người chạy vào dâng thư của Trình gởi Tứ Nương, các anh em mở ra xem, nhìn nhau tái mặt. Khách khứa thân thích trong tiệc đều xin gặp Tứ Nương, các chị em đều lo lắng chỉ sợ Tứ Nương căm hòn không chịu tới.

Không bao lâu thấy nàng thong thả bước vào, kẻ thì chúc mừng, kẻ thì mời ngồi, kẻ thì hỏi thăm ầm ĩ cả phòng. Ai nghe cũng nghe Tứ Nương, ai nhìn cũng nhìn Tứ Nương, ai nói cũng nhắc Tứ Nương, nhưng Tứ Nương vẫn bình thản như cũ. Mọi người thấy nàng vẫn thế cũng hơi yên tâm, rồi đó tranh nhau rót rượu mời Tứ Nương. Đang lúc ăn uống vui vẻ, chợt ngoài cửa có tiếng kêu khóc rất gấp, cả tiệc lạ lùng hỏi nhau, chợt thấy Xuân Hương chạy xộc vào, mặt mũi đầy máu. Mọi người cùng hỏi, cô ta chỉ khóc không đáp, Nhị Nương quát hỏi mới mếu máo thưa “Quế Nhi đòi móc tròng mát con, nếu không giảng ra được thì đã bị nó khoét mắt rồi". Nhị Nương sượng ngắt, mồ hôi toát ra chảy trôi hết cả son phấn, Tứ Nương vẫn im lặng. Cả tiệc im lặng không ai nói một câu, khách khứa thấy thế lục tục chào về. Tứ Nương ăn mặc đẹp đẽ, chỉ lạy chào Lý phu nhân và Tam Nương rồi lên xe đi, mọi người mới biết người mua nhà ruộng là Trình. Tứ Nương vừa về tới nhà mới, đồ dùng còn thiếu thốn, phu nhân và các công tử đều tặng đầy tớ vật dùng nhưng Tứ Nương không nhận gì cả, chỉ nhận một tỳ nữ của Lý phu nhân tặng.

Không bao lâu Trình về dự đám giỗ, xe ngựa tùy tùng đông đặc như mây, tới nhà nhạc gia vào lạy linh cữu ông Hồ, kế lạy chào Lý phu nhân, các công tử vừa đội mũ mặc áo xong ra chào thì Trình đã lên kiệu đi rồi. Ông Hồ chết, các công tử hàng ngày cứ lo tranh giành gia tài không ngó ngàng gì tới linh cữu, qua mấy năm chỗ quàn quan tài hư dột, chỉ tạm lấy nhà rộng làm lăng mộ mà thôi. Trình thấy thế đau xót, cũng không bàn bạc với các công tử, chọn ngày chôn cất, mọi nghi lễ đều lo liệu đầy đủ. Ngày tống táng mũ lọng chen chúc tới thăm viếng, xóm giềng đều ca ngợi. Hơn mười năm sau Trình làm quan lớn, phàm gặp những người làng có chuyện nguy cấp đều hết sức giúp đỡ. Kế Nhị Lang giết người bị bắt, việc đưa tới quan Tuần phương là bạn đồng khoa với Trình, tin tức rất gấp. Đại Lang nhờ cha vợ là Quan sát họ Vương viết thư nhờ vả nhưng không thấy trả lời, càng thêm sợ hãi, muốn tới nhờ em gái nhưng thấy xấu hổ. Bèn xin Lý phu nhân viết thư cầm đi, tới kinh không dám vào ngay, rình lúc Trình đi chầu mới tìm vào nhà, mong Tứ Nương nghĩ tình anh em mà quên hiềm khích cũ.

Người giữ cổng vừa báo tin, lập tức có bà vú cũ ra đưa Đại Lang vào sảnh đường, bày rượu thịt ra mời qua loa. Đại Lang ăn uống xong thì Tứ Nương ra, mặt mày tươi tắn hỏi "Đại ca nhiều việc bận rộn, sao lại ngàn dặm vất vả tới đây”. Đại Lang lạy phục xuống đất khóc lóc kể lể nguyên do, Tứ Nương đỡ đứng lên cười nói "Đại ca đường đường là đàn ông thì chuyện đó có gì là lớn sao lại làm thế. Em đây chỉ là một người đàn bà nhưng anh đã thấy kêu khóc với ai bao giờ chưa?". Đại Lang liền đưa thư của Lý phu nhân ra, Tứ Nương nói "Nương tử ở nhà các anh đều là người trời, cứ nhờ cha anh các nàng là lập tức xong việc ngay, sao lại bôn ba tới đây?”. Đại Lang không biết nói sao, chỉ năn nỉ lạy lục. Tứ Nương giận dữ nói "Ta tưởng là anh trai lặn lội tới thăm em gái, té ra là vì có tội lớn nên tới cầu xin bậc quý nhân à?", rồi phẩy tay áo bỏ vào. Đại Lang thẹn thùng uất ức ra về, tới nhà kể lại tường tận, cả nhà lớn nhỏ ai cũng chửi rủa, Lý phu nhân cũng cho rằng Tứ Nương tàn nhẫn.

Qua vài hôm Nhị Lang được tha về nhà, mọi người cả mừng, càng cười nhạo Tứ Nương chuốc lấy sự hờn oán chê bai. Chợt có người bẩm Tứ Nương sai người tới hầu. Lý phu nhân, bèn gọi vào. Người ấy dâng vàng lụa xong, nói phu nhân gởi thư về việc cậu hai, công việc gấp quá chưa có thư trả lời, xin dâng chút lễ mọn thay thư phúc đáp. Lúc ấy mọi người mới biết Nhị Lang được tha về là nhờ sức của Trình. Về sau Tam Nương dần dần sa sút, Trình giúp đỡ báo đáp rất hậu, lại vì Lý phu nhân không có con trai nên đón bà về phụng dưỡng như mẹ ruột.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play