La Tử Phù người huyện Phần Châu (tỉnh Sơn Tây), cha mẹ đều mất sớm lúc tám chín tuổi, được chú là Đại Nghiệp nuôi. Nghiệp làm Tả sương Quốc tử giám, giàu mà không có con nên yêu thương La như con ruột. Năm La mười bốn tuổi bị kẻ xấu dụ dỗ đi uống rượu chơi gái, gặp lúc có một kỹ nữ ở Kim Lăng (tỉnh thành Giang Tô) tới ngụ ở quận, sinh gặp gỡ rất thích, đâm ra say mê. Khi nàng ta trở về Kim Lăng, sinh bỏ nhà trốn theo, ở kỹ viện nửa năm thì tiền bạc hết sạch, đám chị em đều rẻ rúng lạnh nhạt nhưng chưa thẳng thừng dứt tình. Không bao lâu mắc bệnh lở loét, máu mủ thối tha ướt cả giường chiếu, bị đuổi đi, ra chợ xin ăn, người ở chợ cứ nhìn thấy là tránh xa.

Sinh sợ chết ở quê người bèn lên đường xin ăn trở về Sơn Tây, mỗi ngày đi được ba bốn mươi dặm, dần dần tới địa giới Phần Châu, nhưng lại nghĩ mình rách rưới hôi thối không mặt mũi nào về làng nên cứ quanh quẩn ở huyện bên cạnh. Trời tối, sinh tới chùa trên núi định ngủ nhờ, dọc đường gặp một cô gái dung mạo như tiên, tới gần hỏi đi đâu. Sinh kể thật chuyện mình, nàng nói "Ta là kẻ xuất gia, nơi ở có cái hang núi, có thể cho khách nghỉ lại, không sợ gì cọp sói". Sinh mừng đi theo nàng vào tới giữa núi sâu, thấy một tòa động phủ, vào trong thì thấy trước cửa có khe nước chảy, có chiếc cầu đá bắc qua. Đi thêm vài bước tới hai gian thạch thất, ánh sáng chói lọi không cần đèn đuốc. Cô gái bảo sinh cởi bỏ quần áo ăn mày xuống khe mà tắm, nói "Tắm ở đó sẽ khỏi bệnh". Lại kéo màn quét giường chiếu giục sinh đi ngủ, nói “Xin cứ đi nghỉ, ta sẽ may áo quần cho”. Kế lấy lá to như tàu lá chuối cắt may thành áo, sinh nằm nhìn thấy nàng may không bao lâu đã xong, xếp lại đem đặt ở đầu giường mình, nói "Sáng ra lấy mà mặc", rồi lên chiếc giường đối diện nằm ngủ.

Sinh sau khi tắm rửa sạch sẽ thấy những chỗ lở loét không đau đớn nữa, lúc tỉnh dậy sờ tới thì đều đã lên da non. Trời sáng sắp dậy còn ngờ lá chuối không mặc được, cầm lên nhìn kỹ thì là gấm xanh bóng loáng. Lát sau dọn cơm, cô gái lấy lá trên nói là bánh, sinh ăn thấy quả là bánh. Nàng lại cắt lá thành hình gà và cá đem nấu nướng, ăn vào thấy đều như gà và cá thật. Trong góc nhà có một cái vò đựng rượu ngon, cứ đem ra uống, khi nào đã vơi thì múc nước suối đổ thêm vào. Mấy hôm sau sinh lành hẳn, qua giường cô gái xin ngủ chung, nàng nói "Gã khinh bạc vừa được yên thân đã sinh tà niệm”. Sinh đáp "Ta muốn đền ơn thôi", bèn cùng ngủ chung, vô cùng đằm thắm.

Một hôm có thiếu phụ bước vào cười nói "Con ranh Phiên Phiên vui sướng quá, chừng nào có bầu đấy?". Cô gái bước ra đón, cười nói “Nương tử Hoa Thành lâu quá không hạ cố tới chơi, hôm nay gió tây nam nổi mạnh mới bị thổi tới, đã được bế cậu bé chưa?” Hoa Thành đáp "Lại là một con nhãi". Cô gái cười hỏi “Hoa cô mắn con gái thật, thế sao không đưa cháu tới chơi?", Hoa Thành đáp “Vừa khóc rồi ngủ yên đấy". Rồi đó cùng ngồi uống rượu” lại nhìn qua sinh nói "Chàng trẻ này đốt hương thơm đấy”, sinh nhìn thấy nàng khoảng hai mươi ba hai mươi bốn tuổi, vẫn còn khá đẹp, trong lòng thích lắm. Lúc gọt trái cây lỡ làm rơi xuống dưới bàn bèn cúi xuống nhặt, lén sờ lên hài nàng, Hoa Thành nhìn qua chỗ khác cười như không hay biết. Sinh đang vui mừng ngây ngất chợt thấy người lạnh ngắt, tự nhìn lại thì quần áo đã biến thành lá cây, vô cùng hoảng sợ, ngồi yên một lúc mới biến thành vải vóc như cũ, mừng thầm là hai nàng không thấy.

Lát sau trong lúc thù tạc lại gãi vào bàn tay Hoa Thành, Hoa Thành thản nhiên cười đùa như không biết gì sinh đang hồi hộp lo sợ thì quần áo đã biến thành lá cây, lát sau mới trở lại như cũ, vì thế hổ thẹn ngồi im không dám nghĩ bậy nữa. Hoa Thành cười nói "Lang quân nhỏ nhà cô thật không đứng đắn, nếu cô không phải là nương tử mang hũ giấm thì e là y đã nhảy lên tới mây xanh rồi". Phiên Phiên cũng mỉm cười đáp "Cứ mặc cho quân bạc bẽo chết rét", hai người cùng vỗ tay cười lớn. Hoa Thành đứng lên nói "Con nhãi thức dậy khát sữa e khóc tới đứt ruột mất". Phiên Phiên cũng đứng lên nói "Ham dụ dỗ chồng người ta, không nhớ gì tới cô Thành con cả". Hoa Thành về rồi, sinh sợ Phiên Phiên trách mắng nhưng nàng vẫn đối xử như trước. Không bao lâu hết thu qua đông, sương sa lá rụng, cô gái bèn nhặt lá rơi để làm lương ăn mùa đông, thấy sinh co ro bèn đem túi ra ngoài cửa động vốc mây trắng làm bông may áo rét cho sinh mặc, thấy ấm áp mềm mại mà nhẹ nhàng như bông mới vậy.

Qua năm sau nàng sinh một con trai rất xinh xắn thông minh, sinh hàng ngày trong động đùa chơi với con làm vui nhưng vẫn nhớ quê, muốn cô gái cùng về. Nàng nói "Thiếp không theo được, thôi chàng cứ đi một mình”. Nấn ná hai ba năm, đứa con lớn dần, bèn đính ước thông gia với Hoa Thành. Sinh thường lo nghĩ tới chú đã già, cô gái nói “Chú tuy đã già nhưng may là còn mạnh khỏe, không cần lo lắng, cứ chờ con cưới vợ xong thì đi hay ở tùy chàng". Cô gái ở trong động cứ lấy lá làm giấy viết chữ dạy con học, đứa nhỏ học qua là thuộc lòng, nàng nói "Thằng nhỏ này có phúc tướng, thả vào cỏi trần thì chẳng lo gì không làm nên quan lớn” Không bao lâu con sinh được mười bốn tuối, Hoa Thành tự đưa con gái tới gả. Cô gái ăn mặc đẹp đẽ, dung nhan lộng lẫy, vợ chồng sinh cả mừng, cả nhà yến tiệc linh đình. Phiên Phiên gõ trâm hát rằng:

Ta có con hiền

Không cần quan sang

Ta có dâu thảo

Không cần bạc vàng

Đêm nay tụ họp

Cả nhà hân hoan

Mời chàng một chén

Chúc chàng an khang

Kế Hoa Thành ra về, hai người cùng vợ chồng con trai ở đối diện nhau trong động phủ. Con dâu hiếu thảo, quấn quýt cạnh mẹ chồng, nàng thương yêu như con ruột. Sinh lại bàn chuyện về quê, nàng nói "Chàng có cốt tục, rốt lại không thành tiên được, con ta cũng là người trong mạch phú quý, chàng nên đưa về để khỏi làm lỡ cuộc đời của nó". Con dâu đang nghĩ việc từ giã mẹ thì Hoa Thành đã tới, hai con lưu luyến, nước mắt lưng tròng, hai bà mẹ an ủi, nói "Các con hãy tạm ra đi, sẽ có dịp trở lại mà". Phiên Phiên cắt lá thành hình lừa, bảo ba người cưỡi về. Đại Nghiệp lúc ấy đã già yếu về hưu, cho rằng cháu đã chết, chợt thấy sinh dắt con trai con dâu về, mừng rỡ như bắt được của báu. Vào tới trong nhà, ba cha con nhìn lại áo quần của mình thấy đều biến thành lá chuối, xé ra thì bông lót bên trong nghi ngút bay lên không, bèn thay quần áo khác. Sau sinh nhớ Phiên Phiên, dắt con vào núi thăm thì lá vàng lấp ngõ, cửa động mây phong, đành sa lệ quay về.

Dị Sử thị nói: Phiên Phiên và Hoa Thành là bậc tiên chết chăng? Ăn lá mặc mây, sao mà kỳ quái như vậy? Nhưng đùa cợt trong phòng, lấy chồng sinh con, cũng có gì khác người trần đâu! Ở trong núi mười lăm năm, tuy lạ lùng ở chỗ không có nhân dân thành quách, nhưng trở lại thì mây mờ cửa động không biết tìm đâu, xem cảnh huống ấy thì thật đúng như lúc Lưu Nguyễn trở lại Thiên Thai* vậy.

* Lưu Nguyễn trở lại Thiên Thai: Thần tiên truyện chép Lưu Thần và Nguyễn Triệu thời Hán vào núi hái thuốc bị lạc đường, gặp hai tiên nữ bèn ở lại đó kết làm vợ chồng với họ nửa năm. Sau hai người nhớ nhà đòi về, tới quê nhà thì đã trải qua mười năm, khi quay lại Thiên Thai tìm hai tiên nữ thì không còn nhận ra lối cũ nữa, đành ngậm ngùi trở về.ng con hiếu nhiều khi vẫn bị oan uổng, đây chỉ nhân vật Công Tôn Cửu Nương.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play