Kim Đại Dụng là con nhà thế gia cũ ở Trung Châu (tỉnh Hà Nam), cưới con gái quan Thái thú họ Vưu tên Canh Nương, xinh đẹp mà hiền đức, vợ chồng rất thương yêu nhau. Vì có bọn giặc nổi loạn, mọi người đều bỏ nhà tìm nơi trốn tránh, Kim dẫn gia quyến đi về miền nam. Giữa đường gặp một thiếu niên cũng dắt vợ chạy loạn, tự nói là Vương Thập Bát ở đất Quảng Lăng (huyện Giang Đô tỉnh Giang Tô), tình nguyện dẫn đường. Kim vui mừng, lúc đi lúc nghỉ đều có nhau. Tới Hà Thượng, Canh Nương nói thầm với chồng “Đừng đi chung thuyền với người này. Yđã mấy lần nhìn thiếp, ánh mắt láo liêng mà sắc mặt thay đổi, là người tâm địa khó lường", Kim ưng thuận.
Nhưng Vương đã ân cần đi tìm thuê một chiếc thuyền lớn, lăng xăng khiêng vác hành lý lên giúp, rất là sốt sắng nên Kim không nỡ từ chối để đi riêng. Lại nghĩ y có đem vợ theo, chắc cũng không có ý gì khác. Vợ Vương cùng ngồi với Canh Nương trong thuyền, thấy ý tứ cũng hiền hậu dịu dàng, Vương thì ngồi trên mũi thuyền trò chuyện rì rầm với chủ thuyền như quen biết thân thiết với nhau từ lâu. Không bao lâu mặt trời lặn mà đường sông quanh co dần dần không còn nhận ra phương hướng, Kim nhìn quanh thấy vắng vẻ hiểm hóc đã hơi ngờ sợ, lát sau trăng mọc, chỉ thấy lau sậy ngút ngàn. Kế thuyền đậu lại, Vương mời cha con Kim ra ngoài ngắm cảnh, thừa cơ xô Kim xuống sông. Cha Kim nhìn thấy định la lên thì bị người chủ thuyền cầm sào gạt xuống nước, cũng chìm luôn. Mẹ Kim nghe tiếng bước ra xem, lại bị gạt rơi xuống nốt, bấy giờ Vương mới kêu cứu. Lúc mẹ bước ra, Canh Nương ở phía sau đã rình thấy mọi việc, kế nghe nói cả nhà chết đuối cũng không có vẻ sợ hãi, chỉ khóc nói “Cha mẹ chồng đều chết, ta biết về đâu?".
Vương vào thuyền khuyên "Nương tử đừng lo, xin theo ta về Kim Lăng (tỉnh thành Giang Tô), nhà ta có ruộng đất đủ sống, quyết không có gì đáng ngại". Nàng nín khóc nói "Nếu được như vậy là ta thỏa nguyện rồi", Vương cả mừng, đối xử với nàng hết sức ân cần. Tối đến kéo nàng đòi giao hoan, nàng nói thác là đang kỳ kinh, Vương bèn về chỗ vợ nằm. Đến hết canh một, hai vợ chồng cãi nhau ầm lên, không biết vì chuyện gì, chỉ nghe vợ nói "Ngươi làm như thế thì e sấm sét đánh nát đầu ra". Vương đánh vợ, vợ la lớn "Chết thì thôi chứ ta quyết không làm vợ thằng giặc giết người". Vương tức giận gầm lên, túm lấy vợ lôi ra ngoài, nghe một tiếng ùm, rồi Vương kêu lên là vợ mình ngã xuống sông chết đuối rồi.
Không bao lâu tới Kim Lăng, Vương dẫn Canh Nương về nhà, lên sảnh đường ra mắt mẹ. Mẹ ngạc nhiên vì không phải là con dâu cũ, Vương nói “Vợ con chết đuối, mới lấy người này”. Về tới phòng riêng, Vương lại muốn giở trò này nọ, Canh Nương cười nói “Đàn ông ngót ba chục tuổi mà còn chưa biết xử sự. Cho dù là mua tỳ thiếp thì đêm thành thân cũng phải có ly rượu nhạt, nhà anh giàu có thì chuyện ấy cũng không khó, chứ lặng ngắt nhìn nhau thì còn ra thể thống gì?”. Vương mừng rỡ bèn dọn tiệc đối ẩm, Canh Nương nâng chén mời rất ân cần. Vương dần say, chối từ không uống nữa, nàng bèn rót một chén lớn gượng lả lơi mời mọc, Vương không nỡ chối từ liền uống cạn, lúc ấy say mèm, cởi tuột quần áo ra hối đi ngủ. Canh Nương dọn mâm tắt đèn rồi nói thác là đi tiểu, ra ngoài phòng cầm dao trở vào, trong bóng tối lấy tay mò lên cổ Vương. Vương còn vuốt tay nàng lè nhè lả lơi, Canh Nương ra sức cứa mạnh một nhát nhưng Vương không chết ngay, rú lên vùng dậy, nàng bồi thêm nhát nữa mới chết.
Mẹ Vương nghe có tiếng chạy qua hỏi, nàng cũng giết nốt. Em trai Vương là Thập Cửu biết chuyện chạy tới, Canh Nương tự biết không thoát được vội tự tử nhưng lưỡi dao đã cùn không cứa sâu được, vội mở cửa bỏ chạy. Thập Cửu đuổi tới thì nàng đã nhảy xuống ao rồi. Thập Cửu gọi láng giềng cứu lên thì nàng đã chết nhưng dung mạo vẫn tươi đẹp như khi còn sống. Mọi người cùng vào xem xác Vương, thấy có bức thư trên cửa sổ, mở ra xem thì là thư của nàng kể rõ sự oan khổ, đều cho rằng nàng trinh liệt, bàn nhau góp tiền chôn cất. Sáng ra có mấy ngàn người tới xem, nhìn thấy dung mạo nàng đều vái lạy. Trọn ngày thì quyên được trăm lượng vàng, chôn nàng ở phía nam thành, những kẻ hiếu sự còn đem mão ngọc áo bào liệm cho nàng, xây mộ rất to cao.
Lúc trước Kim sinh rơi xuống sông bám được tấm ván trôi trên sông nên không chết, chiều hôm sau trôi tới Hoài Thượng thì gặp một chiếc thuyền nhỏ vớt lên. Thuyền này là của nhà phú hộ họ Doãn đặt trên sông để cứu người chết đuối, Kim tỉnh lại rồi bèn tới tạ ơn ông Doãn, ông đối xử rất tử tế, giữ Kim ở lại nhờ dạy con mình học. Kim không rõ cha mẹ sống chết ra sao, đang còn ngần ngại chưa quyết thì có người tới thưa ông Doãn rằng vừa vớt được xác hai ông bà già. Kim ngờ là cha mẹ mình, chạy tới nhìn mặt quả đúng. Ông Doãn sắm quan tài chôn cất cho, sinh đang đau đón khóc lóc, lại nghe báo vớt được một người đàn bà, tự nói chồng mình là Kim sinh. Kim giật mình gạt lệ ra xem thì người đàn bà đã tới, không phải Canh Nương mà là vợ Vương Thập Bát. Nàng nhìn Kim khóc lớn, nói xin đừng bỏ nhau. Kim nói “Ta đang lúc lòng dạ rối bời, còn rảnh đâu mà lo cho vợ người khác?”, nàng càng đau xót. Doãn hỏi rõ đầu đuôi, mừng là đạo trời báo ứng, khuyên Kim lấy nàng làm vợ. Kim chối từ nói đang có tang, vả lại đang định báo thù cho cha mẹ, sợ nàng yếu ớt sẽ bị liên lụy. Nàng nói "Nói như chàng thì giả như Canh Nương còn sống chàng cũng vì việc cư tang và báo thù mà bỏ hay sao?”. Doãn khen lời ấy, xin tạm thu dưỡng nàng thay, Kim mới ưng thuận. Hôm chôn cất cha mẹ Kim nàng cũng mặc tang phục khóc lóc như là cha mẹ chồng thật.
Chôn cất xong, Kim định giắt dao đeo bị xin ăn tìm tới Quảng Lăng, nàng ngăn lại nói "Thiếp họ Đường, tổ tiên vốn ở Kim Lăng, cùng làng với gã lang sói ấy, lúc trước y nói ở Quảng Lăng là dối trá. Vã lại bọn thủy khấu chốn sông hồ có một nửa là đồng đảng của y, coi chừng thù không trả được mà rước vạ vào thân”. Kim ngần ngừ không biết tính sao, chợt có tin đồn về chuyện cô gái giết chết kẻ thù, khắp một vùng sông hồ đều xôn xao, nói rõ ràng cả tên họ. Kim nghe được một phen hả dạ nhưng càng đau đớn, chối từ không lấy Đường thị, nói "May mà ta không bị mang nhục, nhưng trong nhà có người vợ trinh liệt như thế thì đâu nỡ phụ lòng mà cưới vợ nữa”. Đường thị nói đã bàn bạc thành chuyện rồi, không chịu giữa đường chia tay, nguyện làm nàng hầu vợ lẽ.
Gặp lúc có Phó Tướng quân họ Viên quen biết Doãn, nhân lên đường phó nhiệm ở miền tây ghé thăm, gặp Kim rất thích, mời theo làm Ký thất. Không bao lâu sau giặc cướp nổi loạn phạm vào kinh đô, Viên đánh dẹp lập công lớn, Kim cũng tham dự việc quân cơ, được bảo cư phong chức Du kích trở về, lúc ấy vợ chồng mới làm lễ thành thân. Vài hôm sau Kim dắt vợ đi Kim Lăng viếng mộ Canh Nương, ngang huyện Trấn Giang (tỉnh Giang Tô) định lên Kim Sơn ngắm cảnh. Đang xuôi dòng chợt có chiếc thuyền đi ngược chiều, trong có một bà già và một thiếu phụ, ngạc nhiên vì thấy thiếu phụ rất giống Canh Nương. Thuyền Kim lướt mau qua, thiếu phụ nhô ra cửa sổ nhìn Kim, càng thấy thần thái giống nàng. Kim kinh ngạc ngờ vực không dám đuổi theo hỏi, vội gọi lớn “Nhìn lũ vịt con đang bay trên trời kìa” Thiếu phụ nghe thấy cũng lớn tiếng gọi "Chó con lại muốn ăn thịt mèo sao?", đó là lời nói lóng của vợ chồng vẫn đùa nhau trong phòng riêng ngày xưa.
Kim giật mình cho quay chèo đuổi theo, tới gần thì quả là Canh Nương. Con hầu đỡ Canh Nương qua thuyền Kim, vợ chồng ôm nhau khóc nức nở, người trên thuyền đều thương cảm. Đường thị lấy lễ vợ thiếp chào Canh Nương, Canh Nương ngạc nhiên hỏi, Kim bèn kể lại mọi chuyện. Canh Nương cầm tay Đường thị nói "Trò chuyện một lần với nhau trên thuyền, lòng vẫn không quên, không ngờ nay lại được Hồ Việt một nhà. Đội ơn thay mặt chôn cất cha mẹ chồng, lẽ ra ta phải tạ ơn trước, sao lại làm lễ với nhau như thế?”. Bèn so tuổi tác Đường thị kém một tuổi nên làm em.
Trước là canh Nương đã được chôn cất, cũng không tự biết đã bao lâu, chợt nghe có người gọi nói "Canh Nương, chồng ngươi không chết đâu, rồi vợ chồng sẽ được sum họp”, liền thấy như vừa tỉnh mộng. Sờ thấy bốn phía đều là vách tường, mới hiểu ra rằng mình chết đi đã được chôn, nhưng chỉ thấy hơi buồn bực chứ cũng không có gì khổ sở. Có bọn thiếu niên bất lương biết nàng có nhiều vật tùy táng quý giá bèn đào mộ phá quan tài, đang định tìm tòi nhặt nhạnh thì thấy Canh Nương vẫn còn sống, cả bọn đều khiếp đảm. Canh Nương sợ chúng làm hại nên năn nỉ, nói "May có các ông tới nên ta lại được nhìn thấy mặt trời, bao nhiêu trâm vòng xin cứ lấy hết, xin đem bán ta cho chùa làm ni cô thì có thể cũng được thêm ít nhiều, ta không nói lộ ra với ai đâu"
Bọn trộm dập đầu nói "Nương tử trinh liệt, thần người đều khâm phục. Bọn tiểu nhân chẳng qua vì nghèo túng hết cách sống mà phải làm việc bất nhân này, chỉ cần nương tử không nói lộ ra là may lắm rồi, chứ đâu dám bán nương tử làm ni cô". Canh Nương đáp "Đó là tự ta muốn mà”. Một tên nói "Cảnh phu nhân ở Trấn Giang góa chồng mà không có con, nếu gặp được nương tử ắt là mừng lắm". Canh Nương tạ ơn rồi tự tháo hết các vật châu báu trang sức ra đưa, bọn trộm không dám nhận. Nàng cố ép, cả bọn cùng lạy tạ nhận lấy rồi chở nàng đi. Tới nhà Cảnh phu nhân, họ nói thác rằng nàng bị gió bạt thuyền lạc tới đây. Cảnh phu nhân nhà giàu có mà lớn tuổi góa chồng vò võ một mình, gặp Canh Nương cả mừng, coi như con đẻ, hôm ấy là hai mẹ con đi chơi Kim Sơn trở về. Canh Nương kể hết đầu đuôi xong, Kim bèn qua thuyền lạy mẹ. Phu nhân tiếp đãi như con rể, mời tới nhà chơi mấy ngày mới cho về từ đó vợ chồng qua lại nhà bà luôn luôn.
Dị Sử thị nói: Trước biến cố lớn, kẻ dâm thì cầu sống mà người trinh thì thà chết, kẻ sống thì khiến người ta xốn mắt, người chết thì khiến người ta rơi lệ vậy. Đến như cười nói không sợ, vung đao báo thù thì các bậc trượng phu nghĩa liệt ngàn xưa cũng có mấy người sánh được? Ai nói đàn bà con gái không thể theo kịp bậc anh hùng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT