Trường học ở trấn nhỏ có một ông lão thấp bé tên là Trần Chân Dung, tuy là lão sư tiên sinh nhưng quần áo lại lôi thôi, còn thích uống rượu. Sau khi say rượu sẽ vươn ngón tay tùy ý vạch vào không khí, ngoằn ngoèo rối rắm, không ai biết ông ta rốt cuộc đang viết gì hay vẽ gì. Say thì nói liên thiên, không phải tiếng phổ thông Đại Ly, cũng không phải ngôn ngữ thông dụng Đông Bảo Bình Châu, tóm lại không ai nghe hiểu được.

Mặc dù ông lão họ Trần, nhưng không xuất thân từ họ Trần quận Long Vĩ. Đám lão sư trong trường đều có ấn tượng không tốt với ông lão tính tính quái gở này, nhưng Trần Tùng Phong thân phận tôn quý thì lại rất kính trọng ông ta.

Hôm nay Trần Chân Dung uống rượu, say khướt băng qua cầu vòm đá, đi về hướng tiệm rèn, dùng tiếng địa phương nhà mình cao giọng nói:

- Nâng sông ngân, động núi lớn, cưỡi nguyên khí, dạo trời cao, mây mưa bốc hơi, trời buông biển dựng, tráng lệ thay!

Ông ta đi tới ngoài cửa tiệm, cuối cùng lại không xông vào, vẫn biết chạy đến sông Long Tu rửa mặt. Có lẽ là mấy vốc nước lạnh không rửa hết được men say, ông ta dứt khoát nằm xuống đất, nhúng cả đầu vào trong nước sông lạnh giá, ra sức lắc lư. Cuối cùng đột nhiên ngẩng đầu lên, cười ha hả:

- Thoải mái, thoải mái!

Bỗng dưng ông ta lại thở dài, bởi vì nhớ tới cảnh ngộ ảm đạm của rất nhiều con cháu họ Trần trong trấn nhỏ, lại làm nô làm tỳ cho nhà khác. Mặc dù ông ta không có ngọn nguồn gì với bọn họ, cũng biết thế đạo gian khổ, không thể trách được những con cháu họ Trần làm mất mặt tổ tông kia, nhưng dù sao cũng cùng một họ, thật sự buồn rầu khó tiêu.

Ông ta đành phải mở bầu rượu ra, do dự đấu tranh trong lòng một phen, nhìn xung quanh một vòng, lúc này mới lén lút uống một ngụm giống như kẻ trộm, nhỏ giọng nói:

- Nếu là ở Nam Bà Sa Châu, chỉ cần là hậu duệ họ Trần có căn cứ để tra xét, cho dù có sa sút cũng sẽ không đến mức làm trâu làm ngựa cho người khác. Như vậy đúng là làm mất mặt họ Trần thuần nho.

Nói đến đây, ông ta lại tát mình một cái:

- Đúng là già không biết xấu hổ, lại không quản được miệng, đã nói là không uống nữa mà vẫn cứ uống!

Ông ta tát xong lại cười hì hì, dứt khoát không chịu sửa đổi, lại uống hai hớp, cũng tát mình thêm hai cái giống như gãi ngứa.

Uống xong hai hớp rượu mạnh mua của một vị phu nhân xinh đẹp, Trần Chân Dung cuối cùng hài lòng thỏa dạ, đi thẳng vào tiệm rèn, lớn tiếng gọi tên Nguyễn Cung.

Rất nhanh Nguyễn Cung từ phía sau một lò kiếm đi ra, tháo quần da trâu trên hông xuống, tiện tay ném cho thiếu niên mày dài phía sau.

Trần Chân Dung vừa thấy vị thánh nhân Binh gia xuất thân từ miếu Phong Tuyết này, liền bắt đầu đập tiệm:

- Nguyễn Cung, ngươi không bằng Tề Tĩnh Xuân, thật sự kém xa Tề Tĩnh Xuân...

Nguyễn Cung không để bụng chuyện này, giống như đã sớm quen rồi, cũng không thèm chào hỏi Trần Chân Dung, trầm mặc kiệm lời. Thiếu niên mày dài sau lưng ông ta thì nhíu mày, nhưng vẫn nhẫn nại không nói gì.

Nguyễn Cung đi trước dẫn đường. Trần Chân Dung đi kề vai với ông ta, vẫn không muốn tha cho lỗ tai của đối phương, không ngừng lải nhải giống như đàn bà chợ búa. Lần này ông ta dùng ngôn ngữ chính thống của Nam Bà Sa Châu, lại có một phong thái khác:

- Nguyễn Cung, ngươi xem Tề Tĩnh Xuân đi, văn mạch bị chúng ta công kích như vậy, nhưng vẫn sẵn lòng lấy đức báo oán, giúp đỡ chăm sóc cây hoàng liên kia. Nếu đổi lại là ta, trước hết sẽ để nha đầu Trần Đối kia nhìn thấy cây ở ngôi mộ, sau đó một chân đạp nát, khiến chúng ta uổng công vui mừng một phen, có sảng khoái không? Chỉ tiếc Tề Tĩnh Xuân là chính nhân quân tử, không làm những chuyện như vậy. Vì vậy khi người nào đó tìm lão tổ tông của chúng ta nói đạo lý, cho dù hắn đã trộm đi một vầng mặt trời trên vai lão tổ, lão tổ vẫn không muốn trở mặt, để cho hắn “mượn dùng” trăm năm. Ngươi lại nhỉn mình thử xem, không phải ta nói ngươi, khí thế sa sút, đạo hạnh tu vi không tiến chút nào, kết quả lại nhận hai ba con chó nhỏ mèo nhỏ làm đệ tử khai sơn. Chẳng hạn như thằng nhóc mày dài này, dựa vào khí số của gia tộc liệu có được bao nhiêu năm tốt đẹp? Một trăm năm, hay là hai trăm năm?

Nói đến đây, Trần Chân Dung tươi cười nhìn thiếu niên mày dài kia. Thiếu niên nghe được chỗ hiểu chỗ không, còn hơi nổi nóng vì ông lão không tôn kính sư phụ mình. Nhưng khi ông lão nhìn hắn với vẻ mặt hiền lành của trưởng bối, thiếu niên Tạ gia thích mềm không thích cứng đành phải khẽ gật đầu, lại không biết lão hồ ly này tâm địa gian trá, thực ra là đang nói xấu hắn.

Trần Chân Dung theo Nguyễn Cung đi đến dưới mái hiên, nơi đó có đặt mấy chiếc ghế trúc nhỏ xanh biếc ướt át.

Sau khi ba người ngồi xuống, Trần Chân Dung hừ lạnh nói:

- Tiểu nha đầu đã mất đi ngón cái, đúng là ngu xuẩn, thật là người đồng đạo của ngươi sao? Cái tên cuối cùng kia càng buồn cười, một con heo rừng tinh, lại biến hóa thành một công tử bột trẻ tuổi anh tuấn. Ha ha, Nguyễn Cung ơi Nguyễn Cung, ông đây sắp bị ngươi làm cười đến rụng răng rồi. Ngươi không cảm thấy mất mặt, ta cũng mất mặt thay ngươi.

Nguyễn Cung cuối cùng lên tiếng:

- Nói xong chưa? Xong rồi thì mời ngươi uống rượu.

Ông ta bảo thiếu niên mày dài đứng dậy đi mang rượu tới.

- Mời ta uống rượu? Cái này thì được, không phải là ta muốn uống, chỉ là nhập gia tùy tục, nhập gia tùy tục. Là đạo đãi khách của thánh nhân ngươi, loại rượu này uống được, uống rất được.

Trần Chân Dung ngồi trên ghế trúc, xoay về phía Nguyễn Cung:

- Nhưng uống rượu là uống rượu, thu đồ đệ là thu đồ đệ. Ngươi đã rời khỏi ngọn núi nhỏ kia của miếu Phong Tuyết, còn muốn khai sơn lập phái. Hôm nay đã có ngọn núi, cũng nên thảo luận về đại đệ tử khai sơn rồi. Nếu thật sự không được, ông đây sẽ tìm cho ngươi ba đồ đệ, thay thế hết. Cho dù chỉ lựa chọn trong số con cháu họ Trần ở Nam Bà Sa Châu ta, cũng bảo đảm mạnh hơn ba đệ tử ký danh hiện giờ của ngươi.

Nguyễn Cung không hề dao động:

- Ta thu đệ tử, không nhìn thiên phú, không trọng tố chất, chỉ chọn tâm tính.

Trần Chân Dung tức giận nói:

- Cũng biết văn vẻ như vậy, Nguyễn Cung ngươi đúng là đá hôi trong hố xí.

Nguyễn Cung lần đầu tiên cười nói:

- Vậy mà Trần Chân Dung ngươi còn làm bằng hữu với ta?

Lúc trước Nguyễn Cung có thể dùng thân phận Binh gia thay thế Tề Tĩnh Xuân của Nho gia quản lý động tiên Ly Châu, dĩ nhiên có liên quan đến cảnh giới rất cao của ông ta, nhưng họ Trần thuần nho ở sau màn cũng đã ra sức không ít. Nguyễn Cung không hề phủ nhận chuyện này.

- Ông đây vui lòng, ngươi quản được sao?

Trần Chân Dung thở phì phì xoay người, kêu ầm lên:

- Rượu đâu, đã nói là rượu đãi khách sao còn chưa tới? Thằng nhóc kia xảy ra chuyện gì, có phải cố tình chọc ta không...

Nguyễn Cung nhìn bạn già đang hò hét, lại cười hỏi:

- Thế nào, đến quận Long Tuyền rồi, nhìn thấy cảnh ngộ của hai nhánh họ Trần ở trấn nhỏ, trong lòng không vui sao? Không phải ta nói ngươi, bọn họ vốn không dính dáng gì đến ngươi và họ Trần thuần nho, ngươi bực bội cái gì?

- Không nói chuyện này nữa, nhắc đến lại bực.

Trần Chân Dung thở dài, liếc nhìn Nguyễn Cung một chút:

- Ngươi thì sao? Vì Tú Tú nên muốn ẩn cư thanh tịnh. Bây giờ thì hay rồi, nơi này lại biến thành một mảnh đất thị phi. Ngươi vẫn tốt chứ?

Nguyễn Cung lắc đầu nói:

- Không sao, rối rắm thì có thủ đoạn của rối rắm.

Trần Chân Dung cười nhạo nói:

- Xương cứng thì được, nhưng đừng cứng miệng.

Nguyễn Cung nhẹ giọng nói:

- Nếu gặp phiền phức, ta chắc chắn sẽ không khách sáo với ngươi.

Khóe mắt Trần Chân Dung liếc thấy thiếu nữ áo xanh từ phía xa đi tới, cùng với thiếu niên mày dài bên cạnh, hai người bọn họ cùng nhau đưa rượu tới. Ông ta lập tức mặt mày hớn hở, vẫy tay với thiếu nữ:

- Tú Tú, tới đây... Ài, sao lại quay đầu đi rồi? Đừng đi. Tú Tú, có thích chàng trai nào chưa? Nếu chưa thì ta sẽ tìm giúp cháu. Đừng tìm ở Đông Bảo Bình Châu lớn bằng cái rắm này, nơi mọi rợ chim không ỉa phân thì có đàn ông nào tốt? Ngụy Tấn miếu Phong Tuyết và Tống Trường Kính Đại Ly cũng không tệ, nhưng tuổi tác lại hơi lớn. Cho nên muốn tìm thì hãy tìm ở Nam Bà Sa Châu chúng ta... Ài, Tú Tú đi mất rồi.

Ông ta chán nản cúi đầu, may mà có hai bầu rượu do thiếu niên mày dài đưa tới, một bầu đặt ở bên chân, một bầu mở ra, ngẩng đầu uống ừng ực.

Nguyễn Cung cầm lấy bầu rượu, lại không có ý định nếm thử:

- Họ Trần thuần nho các ngươi tìm tới tìm lui, còn không phải chỉ tìm được Tào Tuấn sao? Nếu ta không nhớ sai, hắn cũng đã hơn trăm tuổi rồi đúng không?

Trần Chân Dung tức giận nói:

- Tào Tuấn thì sao, ta thấy rất tốt, nếu không phải năm xưa bị người khác hãm hại thì sẽ không kém hơn Ngụy Tấn. Trong lịch sử cũng có nhiều đại kiếm tiên tài năng nhưng thành danh muộn. Ài, muốn trách thì trách lão tổ tông Tào Hi của hắn, bản lĩnh không đủ lớn. Nếu đổi thành con cháu họ Trần chúng ta, có thiên phú tư chất như vậy thì ai dám ngáng chân?

Nguyễn Cung không nói gì, ấn tượng của ông ta với Tào Tuấn rất kém.

Trần Chân Dung thổn thức nói:

- Ta lại thấy lạ, cùng là một họ, người ở trấn nhỏ này sao lại thê thảm như vậy. Những khí vận kia chạy đi đâu hết rồi? Trong một hai ngàn năm này, có người họ Trần nào ở Đông Bảo Bình Châu hoặc là châu khác thăng tiến rất nhanh không?

Nguyễn Cung ngẫm nghĩ:

- Hình như không có.

Trần Chân Dung đột nhiên suy nghĩ:

- Như vậy thì đúng rồi, nhưng để phòng ngộ nhỡ...

Nguyễn Cung giống như lâm đại địch, có vẻ trách cứ:

- Từ lúc nào Trần Chân Dung ngươi lại biến thành con buôn như vậy?

Trần Chân Dung vươn một tay ra, nguyên lai năm ngón tay vẫn không ngừng run rẩy:

- Vẽ không được chân long rồi, chỉ có thể vẽ một chút thằn lằn yếu đuối. Còn chân dung, ta thấy sau này đổi tên cải trang mới đúng.

Ông ta uống một hớp rượu, bất đắc dĩ nói:

- Nếu là trước kia, những lời ta nói còn có một chút tác dụng, bây giờ thì không được rồi.

Nguyễn Cung tức giận nói:

- Đường đường là họ Trần thuần nho...

Trần Chân Dung ngắt lời Nguyễn Cung:

- Có gia tộc nào không phải vàng thau lẫn lộn. Trong đạo chính thống của Nho gia, chẳng phải còn có thánh nhân, quân tử, hiền nhân, không phải cũng phân chia cao thấp sao? Huống hồ chuyện này không xấu như ngươi nghĩ.

Nguyễn Cung im lặng, tâm tình nặng nề giống như núi lớn đè ở trong lòng.

Sức người có lúc cạn, thánh nhân cũng như vậy. 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play