“Ngôn này, chú Dũng muốn nhờ mày dạy cho con chú đấy.”

Bố Ngôn nói xong, khum khum bàn tay chắn gió để bật lửa. Hít một hơi thật sâu, ông nheo mắt, phả luồng khói thuốc lá vào không khí. Luồng khói cuộn tròn rồi tan biến.

“Con chú Dũng lớp mấy vậy bố?”

“Lớp 6.”

“Con chỉ dạy môn Toán thôi đấy. Bố có nói vậy không?”

“Có. Con bé nhà đó mới chuyển cấp nên lóng ngóng môn Toán lắm.”

“Vâng ạ. Nhiều cái khác lạ mà. Bố cho con số chú ấy.”

“Đây, mày xuống đây tìm trong danh bạ này. Bố mắt kèm nhèm lắm.”

Ngôn từ trên gác bước xuống, tìm số điện thoại chú Dũng trong máy bố và lưu vào máy mình.

“‘Dũng ba bánh’ nhé.” Bố Ngôn và chú Dũng vẫn hay hợp tác chở hàng bằng xe lam. “Nhà chú ấy ở ngõ 54 Trần Khát Chân.”

“Vâng ạ. Còn lịch thì chú có nói gì không bố?”

“Con chú ấy rỗi tất cả buổi tối. Mày có muốn chọn ngày nào thì chọn, nhưng gọi điện trước cho cô chú.”

“Vâng ạ.”

Sang tháng 11, Ngôn bắt đầu đi dạy gia sư cho cô con gái chú Dũng, người bạn làm ăn vẫn thường hay nhờ bố Ngôn chở hàng. Với anh, kiến thức toán lớp 6 cũng bình thường thôi, không có gì khó khăn to tát cả. Nhưng cô học trò của anh thì quá non nớt và không được sáng dạ cho lắm. Tuy nhiên, điều thuận lợi cho Ngôn là từ lần tiếp xúc của buổi học đầu tiên, cô bé rất quý Ngôn và thích cách giảng bài của anh: thật hiền hòa và từ tốn. Cô bé không bướng bỉnh, đanh đá; trong mọi câu chào hỏi hay trả lời Ngôn, đều rất lễ phép lịch sự. Chú Dũng và cô Phương, vợ chú, là những người rất quý mến con người trí thức như Ngôn. Một gia đình có nề nếp, gia giáo. Họ tìm chọn cho con được học ở trường tốt, lớp ngoan; mỗi ngày cô con gái tan học là lại thấy mẹ đứng đợi sẵn ở cổng trường đón về; lịch học, lịch nghỉ của con, họ đều nắm được hết. Ngôn nghe cô Phương kể chuyện như vậy, và qua sự quan sát của mình, anh cũng nhận thấy không khí tốt lành, bình an nơi mái ấm này. Anh trân trọng sự chăm sóc, dạy bảo con cái của bố mẹ cô bé. Nhưng trong thâm tâm, anh có chút lo lắng cho cô học trò của mình. Anh so sánh cô bé với anh, và dường như có nhiều điểm tương đồng. Sự bao bọc quá kỹ lưỡng dành cho con cái của các bậc phụ huynh như một cánh cửa thép bảo vệ chắc chắn. Nó ngăn ngừa mọi kẻ xấu xâm nhập và mọi yếu tố làm tổn hại đến tâm hồn trong trắng của các em. Nhưng nó lại là một trở ngại không nhỏ để các em có thể nhìn ra thế giới, mở rộng và phát triển tối đa các năng lực bẩm sinh của mình. Ngôn nhìn lại mình cũng giống như một chú gà choai nhốt hoài trong lồng, đến khi lớn tướng rồi mới ra ngoài chạy loăng quăng, tìm kiếm và học hỏi cuộc đời. Anh tự nhận thấy mình còn nhiều kém cỏi về những kỹ năng đối nhân xử thế, giao tế với tha nhân. Anh vẫn đang nỗ lực lao mình ra với cuộc sống, học hỏi xã hội và điều chỉnh bản thân để sớm thoát khỏi cái tù túng của tầm mắt hạn hẹp nơi mình. Nhìn bé Thu, học trò của anh, Ngôn ước mong sao cô bé có thể tiếp cận và động chạm đến cuộc đời sớm hơn anh, để dần dần đủ cứng cáp, đứng vững trong đời. Nhưng anh chỉ suy tư như vậy, tất cả chỉ là nội tâm, bởi lẽ anh chỉ là một phần của tuổi thơ Thu, chỉ là một người anh, người thầy gia sư, chứ không phải là bố mẹ của cô bé.

“Bây giờ Thu hãy xem nhé: 2 + 3 = 5; 2 = 5 - 3. Đó là ví dụ thứ nhất. Bây giờ anh cũng có 2 x 3 = 6; 2 = 6 : 3. Đó là ví dụ thứ hai. Vậy em thấy ở từng ví dụ, có các phép tính gì?”

“À... Em thưa anh, có một phép cộng và một phép trừ ở ví dụ thứ nhất. Có một phép nhân và một phép chia ở ví dụ thứ hai ạ.”

“Ô kê!” Ngôn xắn tay áo, cầm viên phấn vẽ mũi tên theo lời giảng giải của mình. “Đó chính là những phép tính ngược của nhau. Chúng ta sẽ nhận thấy ở đây: một ‘số nhỏ’ cộng một ‘số nhỏ’ được một ‘số to nhất’; một ‘số nhỏ’ nhân một “số nhỏ” được một ‘số to nhất’. Vậy nếu em muốn tìm một trong hai ‘số nhỏ’ của phép cộng, em chỉ việc lấy ‘số to’ trừ đi ‘số nhỏ’ kia. Đúng không nào? Phép trừ chính là phép tính ngược của phép cộng. Nhân và chia cũng như vậy. Ngược nhau. Làm thử cho anh bài này xem nào.”

Ngôn viết lên bảng một phép tính cộng. Số x phải tìm ở vị trí số hạng. Thu chép đề bài xong, giải ra được kết quả.

“Đó, mỗi khi em gặp phép tính cộng hay nhân mà yêu cầu tìm số nhỏ, là chỗ này, chỗ này này...” Ngôn chỉ những số hạng và thừa số trên bảng. “... Em chỉ việc liên tưởng đến phương pháp phép tính ngược của anh nhé.”

“Vâng ạ.”

“Với phép trừ và chia cũng vậy, em sẽ lật ngược lại thành cộng và nhân. Tuy nhiên, cực kỳ chú ý một ngoại lệ! Anh cho em ví dụ nhé: 8 – x = 3. Vậy em có dùng phép tính cộng để tìm x không?”

“Có ạ. Em sẽ lấy 3 cộng 8... À không, không được ạ.”

“Đúng rồi. Phải đặc biệt chú ý hai trường hợp: khi tìm số trừ và số chia, mình sẽ không dùng phép tính ngược. Mình phải tưởng tượng xem số nào là ‘số to’ và số nào là ‘số nhỏ’ để rồi khi tìm ‘số nhỏ’ thì phải lấy ‘số to’ trừ đi hoặc chia đi ‘số nhỏ’ thứ hai nhé. Nghĩa là không dùng phép tính ngược để tìm số trừ và số chia!”

“Em nhớ rồi ạ.”

Mỗi lần giảng giải cho bé Thu, Ngôn căng hết các sợi dây thần kinh ra để chỉ huy cho suy luận và miệng lưỡi của mình. Anh là một người cực kỳ nhẫn nại. Vì để giúp cho một cô bé chậm tiếp thu như vậy hiểu được bài, chỉ có duy nhất một đức tính cần thiết nhất nơi người giảng viên chính là nhẫn nại. Có những bài toán cùng một cách thức giải quyết nhưng Thu lại không nhớ phương pháp để áp dụng cho đúng. Phải qua hai ba buổi học, phải qua hơn năm bảy lần nhắc đi nhắc lại cách làm, Thu mới có thể giải thành thạo các bài toán cơ bản.

Kết thúc mỗi giờ học, Ngôn luôn ngồi lại trò chuyện với cô bé một hồi để hiểu rõ hơn về các vấn đề trường lớp hay chương trình học-chơi-ăn-ngủ ở nhà mà bố mẹ Thu đã đặt ra cho em. Anh lắng nghe cả tất cả những câu chuyện cô bé hồn nhiên kể, giải đáp tất cả những thắc mắc về kiến thức khoa học hay yêu cầu lạ lùng nào đó của các thầy cô trên trường,... Cũng có những lần, Thu lại được làm thính giả thưởng thức những câu chuyện ngụ ngôn, truyện cười thú vị của Ngôn. Đôi khi một màn ảo thuật nhỏ của “anh thầy” cũng làm Thu lưu luyến mãi...

Sau khi chào cô Phương, Ngôn phóng xe ra về. Ánh đèn chiếu từ xe anh tỏa sáng một góc ngã ba. Những con ngõ ở Trần Khát Chân thật là ghê rợn với độ dốc hiểm trở khôn lường. Nếu xe máy, xe đạp bị hỏng phanh hoặc chạy yếu, thể nào cũng bị lao tuột về xuống cuối chân dốc tối hù. Về số hai, chiếc Wave Alpha của Ngôn ồ ồ phi ngược trên triền dốc có lẽ phải nghiêng bốn mươi lăm độ – như một con bò điên đang thời sung sức, rồi đâm bổ ra trục đường chính. Ngôn muốn sắm một chiếc máy quay phim để ghi lại những hình ảnh này lắm. Anh hình dung đoạn video mình tải lên mạng sẽ thu hút hàng nghìn lượt xem, với tiêu đề: “Có một Hi-ma-lay-a bên sườn Hà Nội!”

Bon bon trên đường Đại Cồ Việt, anh tranh thủ ngắm nhìn những khoảng không gian lộng gió và rực sáng ánh đèn. Lần nào cũng vậy, trước mỗi khung cảnh hùng vĩ, anh luôn dùng hết mọi cảm quan để tận hưởng những vẻ đẹp tuyệt vời như đang dâng lên và tràn ngập tâm hồn. Lao đi trên cây cầu vượt bắc vuông góc với các con đường Bạch Mai, Phố Huế, anh thấy mình như đang được nhấc bổng lên không trung, để mặc cho luồng gió mát lạnh của khí trời tháng mười một lướt trên những vành tai và cánh tay mình một cách sảng khoái. Nếu như bộ chip tự điều khiển xe gắn máy trong tưởng tượng của anh có thật trên đời thì có lẽ trong giây phút này, anh đang đưa mắt rảo khắp ba trăm sáu mươi độ của tầm nhìn mà tận hưởng...

Giá mà có một người nữa cũng đang ở bên, và cùng chung niềm hạnh phúc này đây với mình thì thật tuyệt diệu biết bao!... Trong tâm trí Ngôn bỗng hiện lên hình ảnh Huế Anh. Ngôn cảm thấy nhớ cô. Đã mấy tuần rồi chưa gặp lại, nhưng hình ảnh khuôn mặt thon thon và đôi mắt dịu dàng của cô vẫn in đậm trong tâm trí Ngôn. Không biết giờ này cô đang làm gì? Có lẽ đang học bài? Đọc sách? Hoặc lướt mạng? Xem phim?... Anh không biết hiện giờ cô đang vui buồn ra sao, cười nói thế nào, nhưng đối với anh, mỗi khi nhớ đến cô, như trong giây phút này, đều khiến lòng anh bừng lên một nỗi niềm hạnh phúc khó tả. Anh vui vì được biết cô trong đời và cảm thấy may mắn vì từng được ngắm nhìn từng làn tóc, bờ mi của cô. Anh thấy cuộc sống của mình đáng quý hơn vì biết yêu mến cô.

“Từ khi quen em, anh đã biết bối rối

Vì những lúc thoáng nghe em cười

Anh đã biết con tim

Yêu em mất rồi

Người yêu ơi, xin em chớ quên...”

Về đến nhà, nhìn thấy mâm cơm mẹ đã dọn sẵn, có đậy lồng bàn, nhưng Ngôn chưa vội. Anh không thấy đói – có lẽ chỉ cần nhớ đến Huế Anh thôi đã đủ no rồi. Quẳng chiếc cặp qua một bên, anh ngồi phịch xuống ghế đệm, rút điện thoại từ trong túi quần ra, bấm bấm tin nhắn. Anh chọn lọc chi li từng từ từng chữ để viết, và hình dung nếu mình là người đọc thì liệu có dịch được không. Viết hoàn chỉnh một đoạn tin rồi, anh lại nhấn lên trên đầu để đọc toàn bộ hai lần nữa. Cuối cùng, tin nhắn đó không được gửi đến bất kỳ một cái tên nào trong danh bạ, vì số điện thoại của người nhận ấy, Ngôn đã thuộc nằm lòng từ buổi chiều ngày mười chín tháng mười rồi.

“Thỏ đang làm gì đấy em? Ăn cơm chưa? Anh mới đi dạy về này. Mời em cùng xơi cơm nhé.”

Cái nickname “Thỏ” được anh đặt cho Huế Anh, kể từ khi cô vui mừng nhận được món quà của anh. Buổi tối hôm ấy, về phòng, bóc quà ra, cô hết sức ngỡ ngàng và ngồi ngắm nghía chú thỏ mãi. Cô khâm phục bàn tay khéo léo của Ngôn và tự hỏi không biết anh đã làm thế nào để có thể dựng được hình khối chú thỏ đáng yêu này bằng giấy được. Và từ khi nhận được lời cám ơn của Huế Anh, mỗi ngày Ngôn đều gửi ít nhất một hai tin trò chuyện với cô. Khi thì hỏi thăm sức khỏe, khi thì nói về chuyện học tập hoặc hỏi han về một số từ vựng trong tiếng Pháp – những thứ sẵn có trên mạng. Có những hôm “bí” chủ đề, anh đợi đến mười giờ rưỡi tối để chúc cô ngủ ngon. “Chúc Thỏ ngủ ngoan nha. ^^” Hoặc “Thỏ đắp chăn ấm và mơ đẹp nhé. ^^” Và rồi tự cười tủm tỉm một mình khi đọc được dòng hồi âm: “Anh Ngôn khò đều đặn ạ.”

Có vẻ như muốn căn thời gian thật chuẩn với lúc Ngôn đã xong bữa cơm, Huế Anh trả lời tin nhắn:

“Em ăn rồi ạ. Anh đi đường có bị mưa không ạ?”

Hóa ra lúc nãy, trong khi mải ngắm nhìn đường phố và tưởng tượng ra Huế Anh đang ngồi sau lưng mình, Ngôn không để ý có chút mưa bay bay trên vai áo anh.

“Không, anh nhớ một người đến nỗi không biết mình về lúc nào nữa kia.”

“Hi hi. Ai mà có phúc thế không biết? Mai thứ bảy đấy, anh có đi chơi với chị ‘gấu’ không?”

“Không, anh chẳng có ‘gấu’ nào cả. Anh chỉ có thỏ thôi.”

“Thôi, em đi nhúng nước rồi khò đây. Chúc anh ngủ ngon nhé.”

“Uhm, chúc em ngủ ngon và mơ thấy anh...”

“Hik. Mơ thấy em còn không dễ, nói gì là mơ thấy anh. Bye anh nhé.”

“Bye em. Have a sweet dream...”

Vẫn thói quen cũ, sau khi kết thúc cuộc “chat” qua tin nhắn, Ngôn mở lại các tin đầu tiên của Huế Anh để đọc, dường như có bữa cơm “tăng hai” vẫn luôn dọn sẵn cho anh nhấm nháp vậy. Thỉnh thoảng anh còn đọc lại các tin trong mục “hộp thư đi” để xem mình đã viết những gì và liệu cảm nhận của em ấy sẽ ra sao... Rồi tự cười tủm tỉm, sướng sướng...

* * *

Nhìn bé Thu với khuôn mặt trái xoan xinh xinh cùng chiếc gọng kính đen dày, Ngôn nhớ lại thời niên thiếu của mình, một thời ngây ngô, trong sáng. Ở độ tuổi ấy, con trai phát triển sau con gái một quãng xa: người ngợm còn nhỏ nhắn, vẫn mang trên mình đôi vai thon nhỏ của một “cậu bé” chứ chưa được vạm vỡ và rộng chắc của một “chàng trai” thực thụ. Hồi ấy, thằng nào hay chơi với con gái thì sẽ bị trêu chọc là... “bê đê” ngay! Nhiều đứa còn “sợ” phải chạm vào người con gái, dù chỉ là đặt tay lên vai khi xếp hàng. Các “cậu bé” vẫn đang là các “cậu bé”, vẫn hồn nhiên vô tư chơi đùa, đuổi bắt nhau, chạy khắp sân trường với tốc độ phi thường, đôi khi khiến các thầy cô giáo đang dạo bước ngang qua với tập sách trên tay, phải giật mình đứng lại nhường đường cho các “trâu con”. Còn các cô nàng, khi ấy đã bước vào tuổi dậy thì, đã biết làm duyên làm dáng, đã dần biết tơ tưởng đến chuyện tình cảm yêu đương. Dĩ nhiên các “đấng mày râu” cùng tuổi bấy giờ chưa lớn, vẫn còn trẻ con lắm, và không thể lọt vào những trái tim hồng kia được. Các nàng để ý đến những anh lớn học các lớp trên, thường là lớp 8 hoặc 9, đôi khi còn có người yêu ở một trường cấp ba nào đó.

Nhưng có một cô nàng không như vậy – Hân, bạn học cùng tiểu học của Ngôn. Hân thích Ngôn từ khi lên lớp 6. Hai đứa học cùng trường. Một đôi kính cận gọng hồng, một chiếc cặp xanh da trời là những gì Ngôn thường thấy nơi cô bé xinh xắn ấy sau mỗi buổi tan học. Hân dáng cao, có nước da trắng và một khuôn mặt trái xoan nhỏ nhắn. Cô bé trầm lặng, ít nói, ít cười, luôn tự làm mọi việc một mình. Mặc dù cậu bé Ngôn khi ấy còn chưa biết thế nào là yêu, còn chưa biết tỏ ra là một chàng trai thực thụ, nhưng Hân vẫn thích. Cô bé mến Ngôn vì tính cách hiền lành, trong sáng của cậu. Ngôn không chửi bậy, Ngôn chăm chỉ học bài, làm bài tập, lại còn hăm hở tham gia các hoạt động văn nghệ của trường nữa. Hồi còn học chung lớp, Hân vẫn thường nhờ bàn tay nghệ thuật của Ngôn vẽ giúp các bức tranh để nộp chấm. Cô bé mến Ngôn, nhưng mãi đến học kỳ hai của năm lớp 6 mới mạnh dạn bày tỏ. Những lời thư viết trong một cuốn sổ tay màu xanh da trời của Hân khiến Ngôn rung động. Cậu đọc thư tình của cô bạn gái được gửi qua một thằng trung gian trong lớp Ngôn mà lồng ngực cứ giần giật, còn mặt thì tưởng chừng như bốc hỏa. Quá choáng ngợp trước những lời có cánh đầu tiên nhận được trong đời, nhất là ba chữ “Mình Yêu Cậu”, Ngôn không biết phải nói gì với chính mình. Sợ bố mẹ phát hiện, cậu vội nhét cuốn sổ vào sâu trong ngăn tủ sách và... lên giường đi ngủ – lúc năm rưỡi chiều! Sau đó, mẹ gọi dậy ăn tối, Ngôn xử lý hai bát cơm thật nhanh rồi về phòng. Mở thư ra, đọc lại một lần nữa, cậu vẫn chưa hết “sốc” vì những dòng chữ hiện lên trước mắt mình. Khi ấy, Ngôn vẫn còn là một cậu bé, nghĩa là vẫn mang nơi mình cách hành xử của một cậu bé. Nếu là một chàng trai, hẳn Ngôn đã không mất tự chủ đến mức xé tan bức thư thành từng mảnh nhỏ, rồi đút tất cả vào trong một bịch ni-lông, kẹp vào cuốn sách dày cộm, cũ kỹ nhất trên kệ sách của mình. Suốt một thời gian dài lảng tránh ánh mắt cô bạn, Ngôn đã trở nên không bình thường như những thằng bạn của mình. Mãi đến khi lên cấp ba, anh mới tìm lại những mảnh vụn của ba trang giấy bằng lòng bàn tay mình từng xé nát, cố gắng ghép từng mảnh một với nhau để dán thành bức thư tình hoàn chỉnh năm nào...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play