Nói về ông bố Đào Xán Trương, tên là Đào Phú, hiện đang giữ chức Hộ bộ
Thượng thư, song tính tình cương trực, trong triều không hợp với ai.
Trước đây, khi Hoàng Dung cha Cúc Anh còn ở trong triều, thì duy có ông
ta cùng Đào Phú là tâm tình hơi hợp nhau, cho nên thường vẫn cùng nhau
đi lại. Sau đó Hoàng Dung cáo quan về nghỉ thì các quan trong triều còn
rặt những hạng nịnh hót tầm thường, không có một ai ra vẻ công liêm
chính trực.
Bởi thế Đào Phú lấy làm buồn bã không biết đi về bè bạn với ai mà cũng
không thiết đến việc làm quan chi nữa. Rồi thì một hôm kia Đào Phú bèn
làm biểu dâng vua, quyết xin từ chức.
Vua xem biểu xong cho vời ngay Đào Phú vào triều, ra dáng ân cần mà phán rằng :
- Khanh cùng Hoàng Dung ngày trước đều là những người học hay hạnh tốt,
trẫm đây vẫn riêng có lòng yêu mến bấy lâu. Chẳng may trước đây Hoàng
Dung vì sức già yếu bỏ trẫm mà về, trẫm đã lấy làm buồn bã, song cũng
còn có điều yên dạ, vì là có khanh còn ở lại đây. Tới nay khanh lại bỏ
trẫm mà toan về nốt, thì giang sơn xã tắc, trẫm còn trông cậy vào ai!
Vậy dù sao mặc lòng còn trẫm ở đây, khanh tất cũng còn phải ở lại trong
triều chứ trẫm không thể nào cho khanh đi được.
Nhà vua nói đoạn, nhân lại nghĩ thương Đào Phú là người liêm chính thanh bạch, bèn xuất ngay nội bộ ban cho Đào Phú mấy trăm lạng bạc và bắt cứ
giữ nguyên chức cũ, không cho treo ấn từ quan.
Đào Phú vâng mệnh nhà vua quay về, tuy phải miễn cưỡng lưu lại giữ chức
Hộ bộ Thượng thư, song trong lòng vẫn chán nản buồn rầu, không thiết đến công đến việc. Rồi được ít lâu trong mình sinh bệnh, tựa như có chứng
hơi đầy, thành ra đối với triều đình, Đào Phú cũng ít có khi vào được,
trừ phi lúc nào có việc quan hệ to tát, Đào Phú mới chịu miễn cưỡng đi
vào, còn ngoài ra ông lại xin phép ở nhà tĩnh dưỡng. Minh Thành Tổ thấy
vậy cũng đặc cách cho ông tự do tịnh dưỡng, không bắt buộc ông phải vào
triều luôn luôn song cũng vẫn không cho từ chức.
Tào Quan Bảo cùng các bọn gian thần trong triều thấy Đào Phú không hay
vào triều thì ai nấy đều vui mừng hớn hở lại càng bè đảng làm liều,
không còn nể kiêng chi nữa. Tuy vậy bọn họ thấy nhà vua vẫn còn đem lòng trọng riêng Đào Phú, thì cũng ghen tuông tức tối tìm cơ hội để trị mà
không sao có một dịp gì. Lại nhân Đào Phú vì trong mình cũng không được
khỏe, không muốn mua việc bận mình nên mỗi khi gặp có việc gì thì cũng i a xong chuyện, mặc cho bọn họ tự ý tung hoành.
Bởi thế suốt từ Quan Bảo trở xuống, cho tới các hàng liêu thuộc tuy có
bất bình trong bụng, mà bề ngoài cũng vẫn không dám nói ra. Đào Phú cũng nhân thế, lại được tiêu dao tuế nguyệt làm ra một bậc an nhàn không có
việc làm bận đến mình được nữa.
Trong bụng Đào Phú hồi đó duy còn một việc thường lấy làm phàn nàn không thôi, tức là về việc Đào Xán Trương là con trai của y. Xán Trương tuy
sanh trưởng vào nhà văn chương đài các, song tính tình của chàng thì lại khác hẳn người ta.
Khi Xán Trương mới lên năm lên sáu tuổi đã có cái ý nghịch tinh, nghịch
quái, chỉ hay sinh sự đánh nhau. Đào Phú đã có phen cho chàng đến một
trường ta ở gần ngay nhà học tập. Song Xán Trương thủy chung vẫn hờ hững với việc học hành. Suốt ngày chàng chỉ tìm kiếm những anh em cùng học,
gây sự lôi thôi, hễ đứa nào có điều gì khác là chàng lập tức đánh ngay,
không hề nể sợ.
Còn nhớ có một lần trong bọn trẻ học với chàng có một đứa tên là Nguyễn
Tiểu, đã lớn hơn chàng đến bảy tám tuổi. Hôm ấy tan học ra về, Nguyễn
Tiểu có ý cậy mình là lớn bắt nạt anh em ít tuổi phải đi sau theo mình
còn mình thì nghênh ngang đi trước.
Đào Xán Trương thấy vậy vội vàng đến ngay can thiệp, đôi bên cãi cọ nhau một lúc rồi thành một trận ẩu đả rất to. Đào Xán Trương tuy ít tuổi
nhưng sức lực khỏe mạnh, thường hay luyện tập các món võ nghệ nên có ý
nhanh nhẹn, láu lỉnh hơn người. Bởi thế khi hai bên đánh nhau, thì
Nguyễn Tiểu bị Đào Xán Trương choảng cho một trận vỡ đầu mẻ tai, mà
không sao chống cự lại nổi.
Việc đó đến tai Đào Phú, y tức giận Xán Trương vô cùng bèn bắt về đánh
cho một trận và nhất định cấm chỉ không cho học nữa. Xán Trương từ đó
lại càng lấy làm đắc ý, ngấm ngầm tìm người tài giỏi để học thêm các môn võ nghệ mà giấu hẳn đi không cho Đào Phú biết đến.
Cách đó ít lâu, các ngón võ nghe chừng đã hơi thào thạo thì Xán Trương
nghiễm nhiên cho mình là một tay hiệp sĩ, tỏ ý không còn sợ hãi chi ai.
Thỉnh thoảng chàng đi rong chơi ngoài đường, chợt thấy ai có việc gì bất bình thì chàng bèn sấn vào can thiệp, bênh giúp kẻ yếu. Đối với những
phường cậy thân cậy thế quen mùi bắt nạt người ta, thì Xán Trương rất là ác cảm. Bởi thế hôm đó gặp Bao Nhân Cùng sinh sự với người con gái ở
đường, thì chàng sấn đến đánh ngay cho dẫu thế lực tới đâu chàng cũng
không hề sợ hãi.
Tuy vậy song đối với cha mẹ trong nhà thì Xán Trương vẫn có ý kính trọng sợ hãi. Đôi khi cha mẹ mắng quở điều gì, chàng dù không phục song cũng
phải im lặng để nghe không dám cãi lại. Nhất là đối với công việc của
chàng, mỗi khi có làm việc gì ra ý hung hăng bướng bỉnh ở đâu thì lúc về nhà chàng lại giữ rất cẩn thận, không dám lộ ra cho cha mẹ biết.
Hôm ấy sau khi chàng đã trị cho Bao Nhân Cùng một mẻ rồi thì đắc ý ra
về. Trong bụng cũng tưởng câu chuyện đến thế là thôi, không còn điều gì
có thể lôi thôi đến nữa.
Nhưng không ngờ buổi tối hôm ấy chàng ta ngủ yên một giấc rồi đến sáng
tinh ra thì chợt có một việc làm cho chàng cũng hoảng hồn kinh sợ.
Nguyên cái buồng của chàng nằm thì lại ở về phía bên tả chỗ thư phòng
của Đào Phú. Còn cái phòng của Đào Phú nằm thì cũng ở giáp ngay cửa phía trong. Sáng hôm ấy trời vừa tảng sáng, Đào Xán Trương đã dậy và quen
như mọi sáng chàng định qua lối thư phòng rồi mới lẻn về phía sau để
luyện tập một vài ngón võ.
Nhưng khi vừa bước chân ra tới thư phòng thì chợt trông thấy ở trên cái
ghế ngay phía trước bàn lại có để một cái đầu người hãy còn đằm đìa
những máu. Xán Trương vừa mới trông thấy giật mình, nói to lên mấy tiếng :
- Quái lạ, giống ma quỷ nào mà lại hiện hình trêu ta thế này!
Lúc đó hai vợ chồng Đào Phủ nằm ở phòng trong cũng đã tỉnh dậy cả, tới
khi nghe thấy tiếng Xán Trương nói to, thì Đào Phú hỏi vội ngay lên rằng :
- Cái gì? Cái gì mà thằng Xán Trương nó léo xéo ở đấy?
Nói dứt lời Đào Phú lật đật trở dậy, khoát cái áo lên vai, rồi mở của
chạy vội ra ngoài thư phòng. Khi ra tới nơi thấy Xán Trương đương đứng
thần người ra, mặt nghĩ ngợi.
Đào Phú toan chạy lại để hỏi, không ngờ y vừa chạy đến cũng trông ngay thấy cái đầu người để ở trên ghế trước bàn.
Đào Phú giật mình bắn lên một cái, nét mặt xám hẳn ngay, lại lâu lâu mới nói lên được một câu rằng :
- Thằng con khốn nạn này, mày giết người ở đâu mà lại đem đầu về đây như thế! Mày định làm hại cả nhà ta hay sao?
Xán Trương nghe nói chưa kịp trả lời, thì Đào phu nhân ở trong phòng
cũng đã hoảng hốt chạy ra. Đào phu nhân vừa ra tới chỗ cái sập thì trông thấy ngay cái đầu kia. Bà ta kêu rú lên một tiếng rồi nằm vật xuống cái sập bất tỉnh nhân sự.
Đào Xán Trương vội vàng chạy đến kêu gọi ầm lên, một lúc lâu thì Đào phu nhân mới dần dần tỉnh dậy.
Bấy giờ Đào Phú mới thét hỏi Xán Trương rằng :
- Cái đầu người này ở đâu, mày đã giết ai mà đem về đây? Muốn sống thì phải nói thực ngay ra...
Xán Trương run run sợ sợ, liền đem ngay sự thật vừa rồi thuật lại cho
Đào Phú nghe. Đào Phú nghe nói lại lấy làm ngạc nhiên không cho là thực
bèn thét người nhà lên toan sai vật cổ Đào Xán Trương ra để tra tấn các
nhẽ.
Đương khi ấy Đào Phú ung dung ngồi xuống sập, chợt trông xuống dưới bàn
giấy, thấy ngay có một tờ giấy viết đặc những chữ đặt ở giữa bàn. Đào
Phú ngạc nhiên cầm tờ giấy lên xem, thấy trong giấy có nói:
“Ngày hôm qua tôi đi tìm bạn qua đây, chợt gặp quý công tử là Đào Xán
Trương đương đánh thằng Bao Nhân Cùng ở phố, bấy giờ hiện có người xem
đông đúc mà ai ai cũng ra dáng cảm phục vui mừng...
Duy tôi bắt đầu vừa đến chưa hiểu đầu đuôi ra sao, tưởng là một người
trẻ tuổi bắt nạt một kẻ già nua, cho nên trong lòng lấy làm bất phục,
hỏi ra mới biết Bao Nhân Cùng là một thằng đại gian đại ác, xưa nay chỉ
quen ỷ thế Tào Quan Bảo mà làm những việc bạo ngược bất lương, quấy hại
dân gian không biết tới đâu mà kể.
Tôi nghe hiểu đầu đuôi lấy làm tức giận, liền đợi đến đêm dò vào tướng
phủ để nghe tin tức. May sao vừa khi tôi vào thì gặp ngay lúc Bao Nhân
Cùng đương ton hót với cha con Tào Quan Bảo và định lập kế giết hại cả
nhà họ Đào. Tôi nghe thấy thế khí tức nổi lên; không sao chịu nổi, bất
đắc dĩ phải giết thằng gian nô Nhân Cùng để tỏ ý khuyên răn bọn chúng...
Nay tôi đem đầu thằng gian nô ấy đến đây để làm tang chứng. Vậy mong
rằng đại nhân nên mau mau tìm phương lánh gót, chớ có lưu luyến đây chi
nữa mà sau này hối không sao kịp! Mấy lời thành thực, nghe chăng tùy ở
đại nhân”.
Đào Phú xem xong bức thư thì nét mặt biến sắc khi hồng khi xám, ngồi lặng cả người đờ hai mắt không nói được một câu gì.
Đào phu nhân thấy vậy liền hỏi ngay Đào Phú rằng :
- Ông xem cái thơ gì thế? Chắc hẳn lại có chuyện gì can hệ... Vậy sao ông không nói cho tôi nghe một thể?
Phu nhân nói tới đó thì Đào Phú thở dài một tiếng rồi quay ra trỏ vào mặt Xán Trương mà quát lên rằng :
- Chỉ cái thằng con ác nghiệt này nó gây sự ra đây, chứ còn gì nữa? Nhà
ta cũng là vô phúc, mới sinh ra một đứa con bất hiếu, bất mục thế này... Động đi đến đâu là nó sinh sự lôi thôi đến đó, nó làm cho có khi tai vạ đến chết cả họ cũng nên? Cứ cái nông nỗi thế này, thì thà mình chết
quách ngay đi cho rảnh... kẻo còn sống vất vưởng ở trên đời này thì tất
là có phen bị nguy với nó...
Nói tới đây Đào Phú liền đứng phắt dậy chạy ra chỗ tường toan đập đầu
vào tường tự tử. Xán Trương, trông thấy cuống cuồng sợ hãi, không hiểu
đầu đuôi ra sao, vội vàng chạy lại ôm lấy phụ thân và nói lên rằng :
- Cha làm gì mà vội thế? Con có điều chi không phải thì xin cha xử tội
thế nào con cũng chịu vâng, can chi mà cha phải làm như thế?
Những người nhà đứng đây thấy vậy cũng đều xúm lại để khuyên Đào Phú.
Rồi Đào phu nhân cũng chạy vội ra kéo Đào Phú vào sập và nói liền rằng :
- Ông còn sống được bao nhiêu nữa mà ông phải làm như thế! Nó có tội gì, thì ông hãy cứ nói cho tôi xem nào...
Đào Phú lúc đó ngồi lặng người một lát rồi mới thở dài lên mà bảo Xán Trương rằng :
- Ta hỏi mày, hôm qua mày làm gì mà phải đánh thằng người nhà của Tào
thừa tướng, để cho họ đem lòng thù oán đến ta? Rồi cũng vì đó mà có
người giết thằng người nhà Tào thừa tướng và đem đến đây để toan gieo vạ cho ta? Nếu thế nào đêm nay lỡ ra họ sai người đến giết cả nhà mày, thì mày tính sao cho thoát?
Đào Xán Trương nghe tới đó mới hiểu đầu đuôi câu chuyện, vội vàng quỳ
xuống trước mặt Đào Phú thú hết các chuyện hôm qua và lại ra dáng nằn nì mà nói rằng :
- Bây giờ việc đã lỡ ra như thế, dù cha có lôi đình thịnh nộ thì cũng
không thể quay lại được rồi... Vậy xin cha hãy cứ yên tâm, khắc rồi con
sẽ có cách xử trí...
Đào Phủ không đợi cho Xán Trương nói hết lời, đứng phắt ngay dậy đi vào phía trong, ra dáng giận mà nói lên rằng :
- Ừ, thôi mày giỏi... Mày muốn xử trí thế nào thì mày xử trí... Tao đây cũng không cần có những đứa con bất hiếu làm chi.
Tào phu nhân thấy vậy vội vàng chạy theo vào phía trong để tìm lời can
ngăn Đào Phú. Lúc ấy có một tên người nhà là Kiền Trung cũng đứng ở đó.
Kiền Trung là một tên quản gia rất trung thành của Đào Phú, cũng có biết võ vẽ một vài ngón võ và đối với Xán Trương thì lại rất thân tình xưa
nay.
Kiền Trung thấy công việc xảy ra như thế, liền bàn với Đào Xán Trương rằng :
- Đôi với việc này ý cậu nghĩ sao không biết... Duy những như tôi thì
tôi thiết tưởng ta nên im bặt chuyện đi, cấm hết người nhà không cho hở
ra để người ngoài biết được. Còn về việc đề phòng bọn họ, thì tôi có một kế này rất là thần diệu, dù cho họ có giỏi đến đâu cũng không thể nào
mà thoát tay ta được.
Đào Xán Trương nghe tới đó vội hỏi Kiền Trung :
- Bác dùng kế gì, hãy thử nói trước tôi nghe, xem có được hay không...
Kiền Trung liền ghé vào tai Đào Xán Trương sẽ nói thì thầm mấy câu, rồi lại hỏi dồn ngay rằng :
- Cậu thử nghĩ xem kế ấy có diệu hay không?
Xán Trương ra dáng nghĩ ngợi một lát rồi cười cười gật gật đáp rằng :
- Được lắm, nếu ta cứ làm như thế thì chắc là phải thành công... Nhưng
việc này tôi giao bác, bác phải thu xếp cho ổn thỏa cho tôi. Còn tôi thì chỉ biết cứ đến lúc đêm là tôi nấp ở một nơi để rình với bác mà thôi...
Kiền Trung gật lấy gật để mà rằng :
- Vâng xin cậu cứ giao mặc tôi. Nhưng lúc xong việc thì tôi sẽ bảo cậu để ta cùng trị cho chúng nó một phen.
Kiền Trung nói đoạn, liền tìm một ít gỗ vụn sai người đóng một cái hòm
con, bỏ đầu Bao Nhân Cùng vào đó rồi tự mình đem ra phía sau vườn hoa để chôn không cho một ai biết tới. Đoạn rồi chàng ta quay về, sai người
lấy cuốc lấy mai, đào một khu vừa sâu vừa rộng ở ngay phía trước công
đường đi thẳng ra cổng. Khi chúng đào sâu ước chừng hơn đầu người, thì
Kiền Trung liền sai lấy bốn cái võng thật bền giăng khắp cả trên mặt cái hố ấy, sai lấy một ít rơm rắc lên trên cái võng và cho súc cát đổ mỏng
một lượt ở trên, thoạt trông tựa như đất liền cả.
Bốn cái võng ấy tuy giăng cẩn thận, nhưng chỗ hai bên mép vẫn còn có thể chui ra chui vào được. Kiền Trung lại ra lệnh cho hết thảy người nhà
nội nhật ngày hôm ấy là cấm chỉ không cho ai bước chân ra ngoài, để
phòng cơ mưu khỏi bị tiết lộ.
Buổi chiều hôm ấy cơm nước xong rồi, Kiền Trung liều chọn lấy tám tên
gia đinh rất khỏe mạnh, bắt chui ở bên khe võng, cầm sẵn khí giới trong
tay rồi chia ngồi dưới bốn gầm để đợi. Trước khi bọn chúng xuống hầm,
Kiền Trung đã dặn cẩn thận phải chực suốt đêm và thấy có người vướng
võng ngã xuống thì phải đổ ra bắt trói ngay lấy mà không cho đánh chết.
Tám tên gia đinh không hiểu là có việc chi, song cũng phải vâng lệnh
xuống đợi không dám hỏi lại nửa lời.
Tối hôm ấy, vào khoảng nửa trống canh một thì vợ chồng Đào Phú đều đã
yên ngủ tất cả. Kiền Trung bèn chạy lên chỗ phòng riêng của Xán Trương
mà bảo chàng rằng :
- Công việc các nơi, tôi đã cắt đặt ngăn nắp cả rồi. Vậy bây giờ cậu với tôi cứ nấp ở hai bên khe cửa rình xem hễ thấy ai vào thì ta cứ sấn ra
mà đánh, tất là phải được thành công...
Xán Trương nghe nói liền nai nịt gọn gàng, tìm mấy thanh đao rất sắc rồi cùng Kiền Trung đi ra. Bấy giờ Kiền Trung cũng ăn mặc ra lối con nhà võ biền, tay cầm thanh đao sáng loáng, đi ra đứng nấp ở một bên cửa, còn
Đào Xán Trương thì nấp ở bên kia.
Ở trong gian giữa công đường, Kiền Trung cho thắp một ngọn đèn nhỏ để ở
chính giữa, còn hai cánh cửa thì khép hờ hờ mà không đóng chặt để cho ở
ngoài có thể trông thoáng thấy ánh đèn sáng phía trong.
Đêm hôm ấy hai người chực mãi đến khoảng canh hai cũng không thấy có một chút gì động dạng. Xán Trương đã lấy làm thất vọng, sẽ bảo Kiền Trung
rằng :
- Hay là chúng nó biết tin mà không dám lần mò đến đây nữa chăng?
Kiền Trung tắc lưỡi đáp rằng :
- Cậu đừng tưởng thế mà lầm: ở bên nhà Tào thừa tướng có thằng Tào Long
và Tào Hổ đều là những tay võ nghệ gớm ghê, chúng nó phỏng còn sợ ai mà
không dám đến. Vậy ta hãy vững gan đợi một lúc nữa, chắc là sẽ có chuyện ngay...
Xán Trương nghe nói như vậy, ngoài miệng tuy cho là phải, nhưng trong
bụng thì có vẻ e ngại chán nản, liền toan ngồi xuống đấy để nghỉ một
lúc.
Không ngờ chàng ta chưa kịp ngồi xuống, thì chợt đã thấy trên nóc cổng
phía ngoài tựa như có người vừa mới nhảy lên và hiện đương ngấp nghé ở
đó. Xán Trương thấy vậy toan ra hiệu để bảo Kiền Trung, thì thấy Kiền
Trung sẽ suỵt một tiếng tựa như ra hiệu để bảo cho mình.
Lúc đó hai cái bóng đen ở trên nóc cổng ngó nghiêng một hồi, rồi bỗng
thấy đứng thẳng cả lên, thì quả nhiên là hai người to lớn khỏe mạnh, ăn
mặc gọn gàng và đều có cầm khí giới trong tay. Khi hai người đã đứng lên nóc cổng được một tí, thì liền thấy có một người co cẳng nhảy vót một
cái vào trong. Bất đồ cái tầm nhảy của người ấy, không dài không ngắn mà lại nhảy chính ngay vào giữa cái hố của bọn họ đã đào.
Bởi thế nên vừa khi người nhảy xuống thì thấy “bịch” một cái, người bị
thụt ngay xuống hố, tức thời ở trong hố có tiếng lục xục nổi lên.
Đào Xán Trương thấy vậy, đã toan múa ngay thanh đao nhảy ra cái hố để
đánh người kia. Nhưng vừa khi ấy thì lại thấy còn một người nữa ở trên
nóc cổng cũng vỗ đùi đến tạch và nhẹ nhàng nhảy xuống. Người này có lẽ
đã biết nơi kia có hố, lập tâm muốn nhảy tránh ra cho nên cái tầm nhảy
xa hẳn khác tầm người trước, nghĩa là đã nhảy qua một cái hố mà vào
thẳng đến trước cửa công đường là nơi Kiền Trung và Đào Xán Trương đương đứng.
Đào Xán Trương vội vàng vác ngay thanh đao toan xông ra đánh. Thì Kiền Trung đã quát lo lên một tiếng mà rằng :
- Cậu không cần phải ra, cứ để tôi cho nó một mẻ, nó cũng không sống được đâu...
Kiền Trung vừa nói vừa vác cây đao phăm phăm chạy ra múa lên để đánh
người kia. Xán Trương đứng ở trong trông ra thì thấy người ấy mình cao 8 thước, sức dài vai rộng, ăn mặc rất gọn gàng, tay cầm cây thiết giản
chỉ dài ước chừng 3 thước mà cách tiến lui đánh đỡ rõ ra một tay thạo
giỏi vô cùng. Vừa khi Kiền Trung vác đao nhảy ra đánh sả vào người kia,
thì người kia nhảy đến vụt một cái tựa như con én đâm nhào xuống nước để tránh ngọn đao. Kiền Trung thấy thế, chưa kịp xoay mình trở lại, thì
người kia đã lại tiến mình sấn đến, giơ cây thiết giản đánh rối rít tung hoành, làm cho Kiền Trung luống cuống cả lên, không biết lối nào mà đỡ.
Xán Trương đứng ở trong, trông thấy tình thế của Kiền Trung sắp nguy đến nơi, chàng bèn sấn sổ chạy ra múa thanh đao lên giúp sức Kiền Trung
cùng đánh. Kiền Trung thấy có người giúp mình, thì tinh thần cũng mạnh
mẽ thêm, lại cố dùng hết sức bình sinh tay múa loang loáng thanh đao
xông vào đối địch.
Lúc đó người kia tuy bị Kiền Trung cùng Xán Trương ra sức đánh trước,
đánh sau, đâm tả, đâm hữu, song chàng ta vẫn ung dung, xoay trở một
thanh thiết giản đánh đỡ với cả hai người mà hình như vẫn còn dư sức.
Một lúc lâu, đôi bên đánh nhau đương hăng, thì chợt thấy người kia quát
lên một tiếng, rồi đánh một giản trúng vào bên hông Kiền Trung làm cho
Kiền Trung ngã lăn ngay xuống.
Xán Trương thấy Kiền Trung bị ngã như vậy, thì cũng hơi lấy làm chột dạ, bất giác đao pháp cũng có bề loạng choạng không được kín đáo, vững vàng như trước. Tuy vậy Xán Trương cũng vẫn phải gắng gượng tinh thần, dùng
hết sức lực bình sinh để chống cự lại.
Ngờ đâu đương khi đánh nhau hăng hái, đằng này Xán Trương vừa giơ cái
đao lên toan chém người kia, thì thấy người kia giơ thanh thiết giản gạt đỡ một cái rất mạnh làm cho thanh đao của Xán Trương bỗng bị gẫy phăng
làm đôi, một nửa chuôi thì còn cầm ở tay Xán Trương, mà một nửa đằng mũi thì đã bắn văng đi mất. Đoạn rồi người kia lại múa luôn thanh giản xông đến rất hăng để đánh Xán Trương.
Xán Trương thấy vậy cuống cuồng kinh sợ, vội vàng chạy ra phía ngoài.
Người kia liền cười ha hả vừa chạy đuổi theo vừa nói lên rằng :
- Tao là thằng Tào Hổ, nếu hôm nay không đánh được chúng mày, thì không phải là tay hảo hán...
Xán Trương nghe vậy mới biết người ấy chính là Tào Hổ trong bụng lại
càng kinh sợ, vội quay lại nhìn thì thấy Tào Hổ đã chạy như bay, như
biến, gần đuổi sát đến chân. Lúc đó trong bụng Xán Trương nghĩ thầm đoán chừng khó lòng mà sống được thoát, nhân trong tay còn nửa thanh đao còn lại, chàng bèn toan dừng lại đâm liều Tào Hổ mấy nhát rồi sẽ tự tử cho
xong.
Bất đồ chàng ta vừa mới dừng lại thì chợt thấy Tào Hổ thét lên một tiếng thật to, rồi bỗng ngã vật xuống đất, đánh huych một cái. Xán Trương
quay cổ lại nhìn, thấy Tào Hổ đương nằm quằn quại dưới đất, thì trong
bụng không hiểu ra sao liền săm săm vác thanh đao cụt toan xông lại để
chém.
Khi chàng tới nơi, đương sắp giơ thanh đao lên thì bỗng thấy Tào Hổ rền rĩ mà kêu lên rằng :
- Tôi đã bị tên bắn ngã, nếu ai chém tôi bây giờ thì không phải là tay hảo hán!
Xán Trương nghe nói, nhân thấy Tào Hổ rền rĩ như thế thì đoán biết không phải là hắn kêu vờ. Nhân vậy chàng ta cũng dừng tay đao lại không thèm
chém nữa và tri hô người nhà đem thừng ra trói Tào Hổ.
Vừa hay khi đó thì Kiền Trung cũng đã xoa bóp khỏi chỗ vết thương, bèn
cũng chạy ra bảo người trói Tào Hổ khiêng thẳng vào trong. Khi bọn đó đi gần tới cửa công đường, thì thấy tám tên nấp ở dưới hầm lúc nãy cũng đã bắt được một người cùng khiêng lên đó.
Đào Xán Trương trông đến người ấy thì thấy đầu vỡ sứt sở máu me chảy ra
đầm đìa, song cũng còn rền rĩ kêu van, chứ chưa chết hẳn.
Đào Xán Trương lại trông đến Tào Hổ, thì thấy trước bụng Tào Hổ có một
cây tên cắm phập vào, chia tư còn có ba phần vẫn thò ra ngoài, chàng vội sai người rút mũi tên ra, bắt lau sạch đi xem ngắm hồi lâu, thì thấy ở
phía cuối mũi tên có khắc hai chữ “Thiên Bảo” trông rất rõ ràng. Xán
Trương thấy vậy trong bụng nghĩ thầm :
- Người này ta chưa từng quen biết bao giờ, nhưng không hiểu tại sao mà
lại đuổi bắn mấy đứa người nhà Thừa tướng như vậy, hay hoặc là người ấy
cố ý đến đây để cứu cho ta mà ta không biết... Vậy sau đây ta phải để ý
dò xét cho ra và cảm tạ người này mới được. Vì ngày hôm nay đây nếu
không có mũi tên của người này bắn trúng vào thằng Tào Hổ, thì tính mệnh của ta chắc khó lòng mà giữ được...
Chàng nghĩ tới đó liền quay ra hỏi Tào Hổ rằng :
- Lũ chúng bay là người thế nào? Ta với chúng bay xưa nay có thù oán
việc chi? Vậy cớ sao đương lúc đêm hôm bay lại định lẻn vào nhà ta mà
làm những thủ đoạn tàn ác như vậy?
Tào Hổ rền rĩ đáp lên rằng :
- Thưa Đào công tử, việc này không phải là tự ý chúng tôi muốn gây ra
thế... Tôi đây chính tên là Tào Hổ, còn người kia là em ruột tôi tên gọi là Tào Long. Hai người chúng tôi cùng là người nhà ở trong dinh quan
Thừa tướng. Hôm qua vì công tử đánh đập Bao Trạch ở giữa ngoài phố, và
lại mắng nhiếc Thừa tướng, làm cho Thừa tướng phải đem lòng tức giận
công tử. Rồi đến lúc đêm công tử lại sai thích khách vào trong tướng phủ dọa nạt Thừa tướng và cắt đầu Bao Trạch mang đi. Thừa tướng biết đích
những công việc đó chỉ là một mình công tử làm ra, cho nên mới sai chúng tôi tới đây để báo thù kia cho hả... Vậy các việc đó chúng tôi chẳng
qua chỉ biết vâng lệnh của Tào thừa tướng chúng tôi, chứ thực ra đối với công tử thì chúng tôi không có thù oán điều chi... Vậy bây giờ công tử
đã bắt được đây, xin công tử cũng lượng tình nghĩ lại cho chúng tôi, thì chúng tôi được đội ơn vạn bội...
Đào Xán Trương nổi giận hầm hầm mà rằng :
- Thằng Bao Nhân Cùng là một đứa khốn nạn đại gian đại ác xưa nay, ta
đánh nó như thế, rất là một việc xứng đáng. Ta đây cũng không thèm chối
cãi làm chi! Nhưng còn sau đó, nó bị người nào giết chết, thì ta đây có
biết vào đâu. Vậy mà thầy trò nhà ngươi lại dám đổ bừa cho ta, rồi lại
sinh sự với ta như thế, thì còn ra nghĩa lý làm sao. Ta nói thế cho
ngươi biết, ai kia thì còn sợ một ông Thừa tướng, chứ nhà tao đây phỏng
ta còn có sợ gì... Vậy nay ta hãy giam các ngươi đây, rồi sáng mai ta sẽ kéo thày trò nhà ngươi vào cả trước mặt Thiên tử, để xem các ngươi sẽ
nói ra sao...
Nói đoạn liền quay sang bảo Kiền Trung rằng :
- Bác lấy bút mực biên hết những lời Tào Hổ vừa mới nói và bất hắn ký tên vào đó để ta giữ làm bằng chứng ngày mai.
Kiền Trung nghe tới đó, liền bảo ngay Đào Xán Trương rằng :
- Việc này tôi tưởng công tử không nên tự quyết mà làm thế vội. Bây giờ
đã bắt được họ đây rồi, dù thế nào thì họ cũng không tránh đi đâu được
nữa, vậy chi bằng công tử hãy vào bẩm với đại nhân nhà ta, để xem đại
nhân dạy bảo ra sao rồi ta sẽ liệu...
Xán Trương nghe nói mới nghĩ ra lấy làm phải, bèn định quay vào mà bẩm
với Đào Phú, thì vừa hay khi ấy Đào Phú cũng biết chuyện chạy ra tới
nơi. Xán Trương cùng Kiền Trung bèn đem các việc bẩm lại cho Đào Phú
nghe.
Đào Phú nghe nói ngẩn người ra, trong bụng nghĩ thầm rằng :
- Ta cũng không ngờ công việc ngày này lại xảy ra như thế. Tào Quan Bảo
là một người thân thế to nhất bây giờ, bao nhiêu các quan trong triều
đều su phụng theo về hắn cả. Nay nếu ta đem hai đứa này mà giết nó đi,
thì tất là Quan Bảo lại lôi thôi sinh sự, tuy không làm rõ ra mặt, nhưng thế nào cũng đem lòng thù oán với ta, mà rồi sau này lại càng khó lòng
cư xử... Vậy chi bằng nhân tiện việc này ta dùng cái mẹo giảng hòa, bắt
hai tên này giải sang cho hắn thì tất là từ nay trở đi hắn không còn có
thể lôi thôi với ta được nữa...
Đào Phú nghĩ tới đó, nhân làm bộ nghiêm khắc quát mắng Đào Xán Trương và Kiền Trung rằng :
- Chúng bay là đồ trẻ con, không được nhung nhăng nói hỗn... Tào thừa
tướng với ta là tình tử tế đi lại xưa nay không hề có điều gì hiềm khích với nhau. Ngày nay không khéo lại có đứa nào nịnh hót nói càn nói rỡ để cho Thừa tướng nghe nhầm, nên mới xảy ra câu chuyện bất bình như thế... Vậy các ngươi hãy cứ yên tâm để ta sang bên Thừa tướng nói rõ mấy câu,
thì khắc là công việc lại được phân minh lập tức, không cần làm rối lên
chi.
Nói tới đó vội vàng sai người cởi trói cho Tào Hổ, Tào Long, cười bảo hai người rằng :
- Bản chức cũng biết các anh chẳng qua cũng đều là người lương thiện
theo hầu Thừa tướng đã lâu, chứ không phải là phường trộm cướp gian tham chi cả. Duy việc này xảy ra tất có một mối lầm lẫn rắc rối chi đây, cho nên Thừa tướng mới sai các anh đến nhà tôi đó. Vậy để lát nữa, tôi sang nói với Thừa tướng thì chắc là câu chuyện yên ngay, các anh đừng nên để tâm làm gì thêm bận.
Tào Hổ và Tào Long thấy Đào Phú nói như vậy đều rền rĩ van lạy mà rằng :
- Đại nhân là bậc cao xa sáng suốt, xin đại nhân soi xét lại cho... Việc này manh mối từ đầu thực chúng con không được rõ. Chúng con chỉ biết
Thừa tướng sai đi thế nào thì chúng con theo làm như thế, chứ không phải là công việc gây ra bởi tự chúng con. Vậy lát nữa đại nhân có sang chơi bên Thừa tướng, thì khác là đại nhân hiểu thấu chuyện ngay...
Đào Phú gật gật cười cười mà rằng :
- Ta đây cũng biết lắm rồi, các anh bất tất phải nói chi nữa... Các anh
hãy vào trong này uống mấy chén rượu “áp kinh” rồi cùng đi về bên dinh
quan Thừa tướng với ta một thể...
Nói đoạn liền bảo Tào Hổ và Tào Long cùng vào ngồi chơi trong phòng
khách sai lính rót hai chén rượu lên cho hai người ấy uống, rồi tự mình
thì quay vào sắm sửa mũ áo và gọi lính sắp ba cỗ kiệu để cùng đi sang
dinh quan Thừa tướng.
Về phần Thừa tướng Tào Quan Bảo đêm hôm trước bị Đổng Thiên Bảo vào tận
tư thất giết Bao Nhân Cùng cắt đầu đem đi, thì cha con lại càng lấy làm
tức giận, cho là việc đó quyết nhiên lại chỉ Đào Xán Trương làm ra, chứ
không còn có ai lọt vào đấy nữa, vì thế Tào Lương bèn nói với Tào Quan
Bảo rằng :
- Cha con họ Đào đối với nhà ta như thế, thực là vô lễ không còn gì hơn! Vậy nếu phụ thân không quả quyết sai người sang giết hẳn cả nhà nó đi,
rồi sau sẽ tâu với triều đình, thì cái tội ác của nó càng lớn không có
cách nào trị đi được nữa!
Tào Quan Bảo gật gật mà rằng :
- Ta cũng đã nghĩ cả rồi... Chúng tuy giông càn như thế, nhưng không có
gì là tang chứng để có thể tâu với triều đình ngay được! Vậy hiện nay
cũng chỉ còn một kế là phải sai Tào Hổ, Tào Long đêm mai lần sang nhà nó mà giết chết cha con nó đi, để cho tuyệt hẳn cái họa về sau thì mới hả
lòng ta được.
Nói đoạn liền quay ra bảo mấy tên thị vệ lập tức khiên xác Bao Nhân Cùng lấp vào một chỗ, sai rửa sạch vết máu trong nhà và cho gọi ngay Tào
Long, Tào Hổ cùng lên. Khi Tào Long, Tào Hổ ra tới nơi, Tào Quan Bảo
liền trao cho mỗi người năm trăm lạng bạc và hẹn cho đến đêm hôm sau
phải sang bên dinh Hộ bộ Thượng thư để giết cha con Đào Phú.
Tào Hổ, Tào Long nhận được món tiền thì lấy làm hí hửng vui mừng, vội
vàng lạy tạ Tào Quan Bảo nhận lời ngay, rồi quay ra bàn kế với nhau để
đêm hôm sau cùng đi sang bên nhà Đào Phú.
Tối hôm sau, vào khoảng nửa trống canh một, Tào Hổ, Tào Long ăn uống no say rồi mới lên xin phép Tào Quan Bảo để đi.
Trong khi ra đi, Tào Quan Bảo còn ân cần dặn hai người rằng :
- Các người ra đi, phải cố sức làm sao cho được việc... Ta đây thức đợi
đêm nay để chờ tin tức... Khi các ngươi về, rồi ta lại sẽ hậu thưởng nữa cho...
Tào Hổ và Tào Long đều ra dáng hăng hái hớn hở vâng lời quay ra đi
thẳng. Sau khi hai người đi rồi thì Tào Quan Bảo và Tào Lương quả nhiên
cùng nhong nhóng ngồi với nhau một chỗ để đợi chờ tin tức, chớ không sao mà ngủ được.
Bất ngờ bây giờ mới vào khoảng canh hai, thì chàng thấy ở phía ngoài có
tiếng người kên dội lên, rồi thấy lính tráng trong phủ chạy nôn lên sình sịch. Cha con Tào Quan Bảo thấy vậy, chợt nghĩ đến câu chuyện Bao Trạch bị giết tối hôm trước, thì bất đắc cuống cuồng sợ hãi tưởng là lại có
thích khách đến nơi.
Tào Quan Bảo vội vàng đứng phắt dậy chui xuống cái gầm án thư ở trước
mặt mình để toan chạy trốn. Bất đồ chàng vừa chui xuống thì cái vụt áo
của chàng bị vướng vào một cái khe ghế kéo giật trở lại làm cho chàng ta không đi được nữa.
Quan Bảo lại càng kinh sợ hoảng hồn, chân thì cố bước đi để mà miệng thì kêu van luôn rằng :
- Trăm lạy tráng sĩ, nghìn lạy tráng sĩ, tráng sĩ tha chết cho tôi, rồi tráng sĩ dạy bảo điều gì tôi xin nghe tất cả.
Chàng ta càng kêu như thế, thì lại càng thấy cái vạt áo lôi về phía sau
không sao mà giật ra mà đi được. Chàng ta lại càng hoảng hồn sợ hãi, kêu lạy ầm ĩ cả lên, làm cho Tào Lương ở trong đó cũng cứ chạy cuống chạy
cuồng không biết lối nào mà dở... Đương khi đó, thì sực thấy gia đình
cùng lính tráng ở ngoài hất hơ hất hải mở cửa chạy vào. Tào Quan Bảo vội kêu lên rằng :
- Chúng bay đâu, gia nhân lính tráng của ta đâu, hàng cơ hàng đội đâu
cả! Chúng bay mau mau bắt hộ cái thằng cường đạo này, hay cái ông tráng
sĩ nào ông ấy đương nắm áo tao đằng sau đây...
Chúng nghe nói trông quanh trông quẩn không thấy một ai duy cái vạt áo
của Tào Quan Bảo thì dắt vào cái ghế gỗ, mà Tào Lương thì cứ nắm lấy cái ghế gỗ luống cuống giơ đi, giơ lại, làm cho cái vạt áo của Tào Quan Bảo càng dằng trở lại mà cũng không biết. Bọn gia đinh cùng lính tráng thấy vậy thì nhịn cười không được, đổ xô nhau vào gỡ cái áo của Tào Quan Bảo ra, đỡ cho ông dậy và nói lên rằng :
- Xin Thừa tướng yên định tinh thần lại, có ai là cường đạo hay là tráng sĩ nào đâu?
Tào Quan Bảo lúc đó vẫn còn hoảng hốt tinh thần trỏ ngay vào con là Tào Lương đứng ở đằng sau mà nói lên rằng :
- Nó đây, nó vừa mới nắm áo tao đây chứ còn đâu nữa! Các ngươi trói cổ nó lại cho ta...
Chàng vừa nói dứt lời, quay nhìn kỹ lại thì mới biết đằng sau chỗ mình
quả nhiên chỉ có một mình Tào Lương đứng đó, chứ ngoài ra nào có thấy
ai... Bấy giờ chàng mới yên định tinh thần, hỏi vội đám gia đinh rằng :
- Vậy thế ở phía ngoài ấy các ngươi có trông thấy quân gian nào lẻn vào
hay không? Làm sao mà vừa rồi ta thấy ồn ồn đến thế? Ta tưởng rằng nó đã đánh phá tướng phủ đến nơi.
Trong đó có một tên gia đinh bẩm lên rằng :
- Vừa rồi cũng có một tên lạ mặt đi vào trong phòng bí mật, vướng phải
cơ quan bánh xe, chúng con đổ đến bắt được, hiện trói để ngoài kia xin
vào trình để Thừa tướng biết...
Tào Quan Bảo nghe nói bấy giờ mới khoa chân khoa tay, sờ tay lên cổ mà nói rằng :
- Có thế chứ! Nếu tao không giỏi mà liệu trước thì cái cổ của tao đây
còn thế nào được! Chúng bây ra giải cổ nó vào đây để tao hỏi xem nó là
đứa nào mà dám táo gan đến thế.
Bọn người nhà nghe nói dạ vâng răm rắp rồi vội vàng xô nhau chạy ra để giải người kia mang vào.
Ngô hầu cửa tướng thâm nghiêm,
Vì đâu bỗng nổi một đêm kinh hoàng?
Phải chăng những việc bất thường
Trời xanh cốt để răn phường bất nhân?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT