Tối qua là thứ Năm, theo kế hoạch, phải đăng tiểu thuyết mới lên mạng.
Tôi thấy rõ ràng, trong thời gian không ở bên cạnh mẹ, cuộc sống cần chậm rãi nhẹ nhàng hết mức, phải thả lỏng được tinh thần và cả thể xác đang trong tình trạng cảnh giác cao độ, nếu không sớm muộn thân thể cũng xảy ra chuyện. Sức khỏe mà có chuyện, thì không thể chăm sóc mẹ, nguồn lực trong nhà sẽ thiếu khuyết, người khác phải vất vả hơn mà lại còn làm mẹ lo lắng. Đã sang mùa đông, mấy hôm nay trở lạnh rõ rệt, lại còn mưa. Nhất định không được cảm lạnh.
Bên cạnh công việc giữ sức khỏe, thả lỏng còn để ổn định nữa.
Từ phút đầu tiên sau khi có kết quả xét nghiệm của mẹ, tôi đã quyết định phải duy trì cuộc sống trong nhịp điệu ổn định. Cần viết vẫn cứ viết, mặc dù từ khi sáng tác đến giờ tôi gần như không hề gặp cái gọi là vấn đề về cảm giác, nhưng sự trôi chảy trong sáng tác rất có thể đã được duy trì nhờ thói quen tốt từ bao năm tháng tích lũy, hễ ngừng nó lại, sau này phục hồi thế nào, tôi chẳng dại gì đi lãnh ngộ lần nữa.
Muốn xuất bản dài kỳ Truyền kỳ về thợ săn mạng sống, bắt buộc sáng tác phải đi trước ba tập, tôi mới xử xong một tập, phải tiếp tục chiến đấu. Mẹ quan tâm nhất là sự học của bọn tôi, vì vậy tôi cũng phải gửi bản thảo luận văn cho giáo sư hướng dẫn nhận xét.
Sự ổn định này nhờ vào những người liên quan đến tôi, giúp tôi duy trì, vì thế ngay lập tức tôi thông báo bệnh tình của mẹ tới những bạn thân, các đối tác thân thiết trong công việc, để họ biết tình hình của tôi.
Tại vì hai ngày trước hôm mẹ nhập viện, trong nhà có thêm một chú cho con Kurumi (lấy tên từ một bài hát của Mr. Children), mới chưa đầy hai tháng tuổi. Lúc này việc chăm sóc nó thật là “lực bất tòng tâm”, đành nhờ người bạn tên Hòa nhà cũng mở tiệm bán thuốc chăm giúp mấy ngày, nhân tiện huấn luyện nó biết đi tè ngoan. (Xin lỗi nhé, Hòa ơi, nghe nói Labrado lúc bé thích cắn các thứ lắm!)
Khi từ bệnh viện về nhà để cắt tóc và trám răng, hễ có mạng là tôi gửi thư cho các nhà xuất bản liên quan, bảo cho họ biết việc mẹ tôi mắc bệnh, nhắc họ nếu có kế hoạch quảng bá, viết trang bìa, hoặc thảo luận hội nghị v.v… thì gọi thẳng cho tôi, định làm gì đều phải báo trước để tôi sắp xếp thời gian.
Nhưng mà, chỉ một mình tôi ổn định cũng vô ích, mỗi người trong nhà đều cần mau chóng thích nghi phải làm thế nào với những tháng ngày không có mẹ. Từ đơn giản như giặt giũ phơi phóng, nấu cơm, cho tới phức tạp như kinh doanh tiệm thuốc.
Đây là một trận chiến trường kỳ gian khổ. Mỗi người đều phải học cách làm thế nào “vừa không xa rời lý tưởng, vừa chăm sóc được mẹ”. Sự ổn định này sẽ thể hiện rõ nhịp điệu của nó sau không đầy một tháng tới, tôi mong vậy.
S.T.E.N.T
Một ngày của tôi có khoảng 2 tiếng đồng hồ trôi qua trên mạng, trao đổi, trả lời thư, đăng truyện. Sau khi vào bệnh viện chăm mẹ, thời gian lên mạng thu hẹp rất nhiều, nhưng bạn bè và độc giả đã “thương thì củ ấu cũng tròn”, khiến tôi thấy rất ấm áp khi trải qua những giây phút ngắn ngủi trên mạng.
Đọc được rất nhiều lời khuyên của mọi người đối với chữa trị và chăm sóc bệnh ung thư. Chẳng hạn ăn gì để duy trì thể trạng kiềm nhẹ (nghe nói tế bào ung thư không tồn tại được trong môi trường máu kiềm nhẹ), làm sao căn cứ vào danh mục bảo hiểm chi trả và tự chi trả tìm được đơn thuốc chống nôn và kinh phí nằm viện phù hợp nhất với bệnh nhân. Các thông tin tư vấn cần lưu ý quả là khổng lồ, trong đó còn có bạt ngàn cách chữa mẹo, bài thuốc dân gian và phương pháp tôn giáo như khí công, trường sinh công v.v…
Có lá thư của một người bạn trên mạng làm tôi rất xúc động. Anh ấy nói đang cùng bạn bè tu đạo, có thể tập trung năng lượng thành quả cầu ánh sáng truyền cho mẹ tôi, hy vọng tôi có thể cung cấp họ tên và địa chỉ của mẹ v.v… Tôi đọc xong, phản ứng đầu tiên là “Á! KUSO[1]” Nhưng sau đó là niềm xúc động khó tả. Một KUSO rất chân thành đã đốn tim tôi hoàn toàn.
[1] Một cách chửi tục trong tiếng Nhật, nghĩa là “cứt!”.
Trước khi ngủ còn vào website PTT tìm thấy một chủ đề thảo luận về ung thư, đọc rất nhiều chia sẻ của những người nhà bệnh nhân, những kiến thức trên mạng quả là rất rất nhiều, lơ là một chút đã tới 2 giờ sáng. Hôm nay ngủ suốt chặng đường đến trưa. Tệ hại thật, thói quen ngủ sớm dậy sớm khó khăn lắm mới rèn được nhờ việc chăm sóc mẹ đã tan tành mây khói. Lại phải điều chỉnh từ đầu.
Vẫn ở Đài Bắc.
Buổi tối hẹn hò với Xù, lựa chọn phương thức hiệu quả nhất để giải tỏa tình cảm: xem phim. Hai đứa rất tâm đầu ý hợp lựa chọn bộ phim kinh dị đầy máu me Run rẩy, thật ra cũng vì chẳng có phim nào hay. Tuyệt đỉnh công phu của Châu Tinh Trì còn phải đợi đến cuối tháng Mười hai mới chiếu.
Run rẩy hình như nói tiếng Pháp? Không quan trọng, bởi vì cảnh máu chảy thành sông thì ngôn ngữ nước nào cũng chỉ còn lại tiếng gào thét kinh hoàng nguyên thủy nhất. Run rẩy là một phim hay, rất sáng tạo, chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí của tôi suốt 90 phút.
Xù cũng xem trọn bộ phim qua kẽ ngón tay, mắt nheo lại chỉ còn một sợi chỉ. Nếu không quen một con nghiện phim như tôi, chắc Xù chỉ “kinh nhi viễn chi” với loại phim kinh dị này.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT