Mấy hôm trước, nhà văn Xuân Tử gọi điện thoại cho tôi. Cô ấy gần đây hay làm vậy. Cô nói không chỉ người ốm cần động viên, người đồng hành cùng người bệnh cũng cần sức mạnh động viên. Nhất là sau khi đọc tự truyện đồng hành cùng mẹ này của tôi, cô thấy cảm động và hy vọng có thể làm điều gì đó.
Nói khá nhiều chuyện. Xuân Tử nhắc tới những thứ cô từng nghĩ lung tung trong thời gian trầm cảm trước đây. Trong đó có triết lý ma quái về cái chết, rất kinh khủng, nhưng cũng kinh khủng một cách thú vị. Đại khái là, loài sâu róm không biết cái chết là gì, cũng không biết việc hóa bướm là lịch trình cố định của vòng đời mình. Sâu róm nghĩ, biết đâu cái gọi là chết, chính là con bướm diễm lệ sau khi phá vỡ quan tài là cái kén. Cái chết chẳng qua là một hình thái khác, hoặc, trở nên một bản ngã mới tốt đẹp hơn.
Sau đó tôi liên tưởng tới họa sĩ truyện tranh kinh dị Ito Junji, có một truyện rất ngắn là Triết lý ma quỷ, rất tà ác. Trong trường truyền tai nhau có một thứ triết lý hễ nghe xong sẽ bị mê hoặc, sinh ra ý nghĩ tự hủy diệt, thế là học sinh liên tiếp tìm các phương pháp để tự sát.
Nhưng trong toàn bộ câu chuyện đó không hề nhắc đến nội dung triết lý khiến mọi người tò mò kia. Tôi nghĩ có 3 khả năng, một là Ito Junji vốn không hề nghĩ ra một triết lý có sức thuyết phục mạnh mẽ như vậy. Hai là, dù có sức thuyết phục lớn cũng không thể thuyết phục mọi loại độc giả, cho nên thà không viết ra còn hơn. Thứ ba, cũng là khả năng lớn nhất, đó là hoàn toàn không cần thiết.
Tôi nói với Xuân Tử, nếu Ito Junji nghe thấy những thứ cô tâm sự, không chừng sẽ sử dụng cũng nên.
Có thể là sự sống quá đẹp đẽ, nên đối với triết lý về cái chết, tôi chỉ có mấy từ đơn giản: “đừng vội chết làm gì.”
Nếu chắc chắn có thể hóa thân thành bướm, thì càng phải biết tận hưởng những cay đắng ngọt bùi khi làm sâu róm, bởi vì bướm sẽ không biến trở lại thành sâu róm được nữa, không còn cơ hội cảm nhận thêm lần nữa những mùi vị cuộc đời của sâu róm.
Suy nghĩ này cũng giống như tình yêu.
Cho dù biết rõ người đó không phải một nửa đích thực của mình, cũng nên yêu chân thành.
Bởi vì ta chỉ có thể yêu người ấy một lần thôi.
Bây giờ là 9 giờ 26 phút. Anh cả đi chơi với người yêu, tôi ngồi hoàn thành cuốn tiểu thuyết điện thoại di động thứ bảy trên giường phụ.
Hôm qua mẹ bắt đầu đọc một cuốn sách: Từ bệnh sắp chết đến chạy maraton, tác giả lấy bút danh là bác sĩ Aegerter. Sách kể về quá trình điều trị của một bác sĩ mắc bệnh ung thư máu. Nội dung rất sinh động, không chỉ đơn thuần mô tả quá trình điều trị. Trọng tâm là vị bác sĩ đã giành thắng lợi cuối cùng, còn chạy được maraton để khoe thể lực, vì vậy được chúng tôi xếp vào loại “sách tốt đẹp”.
Nhưng vừa xong, trước khi ngủ, mẹ ngồi trên giường bỗng nức nở khóc rất yếu đuối.
“Mẹ ơi, sao thế... cả nhà đều yêu mẹ lắm.” Tôi xoa nắn vai mẹ.
“Tự nhiên rất muốn khóc.” Mẹ nói, người co ro.
Trong sách rất hay nói đến bệnh nhân trước khi đi ngủ thường rơi vào trạng thái dễ suy sụp, bởi vì sự yên tĩnh vào thời điểm đó dễ khiến người ta nghĩ quẩn nhất.
Tôi đoán có lẽ đây là nguyên nhân?
Nhưng mẹ vừa khóc vừa nhắc tới một đoạn trong sách, nói về “phương pháp quan niệm sóng biển” tác giả lĩnh hội từ sách nhà Phật.
Tưởng tượng bản thân đang ngồi bên bờ biển, ngắm sóng biển. Sóng biển xô vào bờ hết lớp này đến lớp khác. Ta biết sóng cứ xô mãi, nhưng ta không nhất định phải có phản ứng gì. Tự ta quyết định có phản ứng với nó hay không. Phương pháp này có hai điều quan trọng: thứ nhất không nên nghĩ đến việc xóa sổ những con sóng biển liên tục ập đến trước mặt ta, bởi vì muốn xóa cũng chẳng được; thứ hai, bình thản quan sát chúng, không nhất thiết phải có phản ứng với chúng...
Tôi buồn bực, đoạn này có gì đáng khóc?
“Lúc xem kết quả xét nghiệm, mẹ ở dưới nhà, không dám khóc, đành lên tầng bốn mới khóc, ba cũng khóc ở tầng hai, khóc to lắm… Mẹ chưa bao giờ thấy ba khóc như vậy, tự nhiên thấy ba đáng thương lắm.” Người của mẹ run run.
“Vâng, ba rất đáng thương, cũng rất ăn năn. Ở nhà bây giờ ba toàn nói với bọn con vào bệnh viện phải động viên mẹ thật nhiều, để mẹ thêm lạc quan, thêm cứng cỏi.” Tôi nói.
“Mẹ chỉ nhớ cảnh hồi xưa với ba ở bên bờ biển, nhìn sóng vỗ bờ liên tục.” Mẹ vẫn khóc.
Hóa ra là vậy.
Mẹ thật đáng yêu.
“Vâng, sau đó ăn trái cây với nhau đúng không?” Tôi nhớ lại.
“… sao mày biết?” Mẹ khựng một cái.
“Mẹ kể với con rồi mà, mẹ đem theo trái cây, để trong hộp cơm, đúng chưa nào?” Tôi cười, lúc này đâu phải lúc khóc.
Mẹ gật gật đầu nói, đó là hồi mẹ học trung cấp hộ lý ở Cơ Long, ba đến thăm mẹ vào một ngày nghỉ.
Chỗ đấy hình như tên là núi Ngoại Mộc. Kết quả nhiều năm sau mới biết là một chuyện hiểu lầm đẹp đẽ, chỉ có điều không biết bãi biển tên gì. Mẹ tiếp tục nói về chuyện hồi đó.
“Hồi đó ba có lớn hơn con bây giờ không?” Tôi hỏi.
Mẹ lắc đầu nghĩ ngợi.
“Hồi đó có lẽ chỉ hai mươi hai tuổi.” Giấy vệ sinh ướt đẫm trong tay mẹ đã nhiều đến bết cục lại.
“Ồ, nhỏ hơn cả thằng út.” Tôi nói, thật khó tưởng tượng.
Giường bên cạnh đang mở đại hội phê phán về điều trị y khoa trong phạm vi họ hàng, ghế ngồi thành vòng, may thay âm thanh cũng cố kiềm chế.
Tôi mượn cớ ra ngoài uống lon cà phê và hỉ mũi. Vừa ra khỏi phòng bệnh lập tức gọi điện thoại cho ba.
“Ba ơi, mẹ mới nhớ lại chuyện ba mẹ ăn trái cây với nhau bên bờ biển, mẹ khóc mãi.” Tôi rất xót xa.
“À, núi Ngoại Mộc.” Ba lập tức trả lời.
“Mẹ nhớ ba lắm, tiệm đóng cửa xong ba có thể đến thăm mẹ một lát không?” Tôi hỏi.
“Ừ, ba đã định đi rồi.”
Không lâu, ba đóng tiệm sớm, vạch tấm rèm ra, nắm chặt lấy tay mẹ.
Tôi xuống dưới lầu ăn bánh bao xá xíu, để cho hai vợ chồng già hò hẹn trong không gian hai mét vuông.
Chuyện kể thêm
Sau khi ba về, mẹ vui mãi, thế là mất ngủ.
“Thôi thì dậy khiêu vũ cho rồi.” Mẹ nói, chân đá đá.
“Chi bằng ra phòng hộ lý ăn vụng đồ ăn.” Tôi nói.
Sau đó bắt buộc mẹ mau ngủ đi.
Sáng sớm mẹ hắt hơi, xì ra được cục vảy làm khổ mẹ suốt bốn tuần qua.
Cục vảy đó rất tệ, từ vết thương hết sức khó lành đến lúc hình thành lớp vảy là một quá trình cực kỳ chậm chạp. Nó cản trở hô hấp, nhất là bôi thuốc xong không được động chạm. Rất ngứa, nên mẹ hay không kìm được lấy tay móc nó, để bị chúng tôi trách mắng, nói mẹ nghịch bướng.
Có lúc tôi dùng tăm bông thấm ướt làm sạch nó, lôi ra được một thứ kỳ dị là tổng hợp của thuốc mỡ tích tụ lâu ngày và gỉ mũi đặc khô.
Cục vảy bị bật ra, ai cũng vui mừng. Cho là chuyện khoan khoái nhất trong ngày.
Lúc tôi đổi ca cho anh cả, mẹ hân hoan khoe ra túi ni lông đựng cục vảy đó. Lúc ba đến, mẹ lại khoe lần nữa.
Tôi bèn dùng máy ảnh chụp lại, một kỷ lục quý giá.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT