Nghe nói, nếu chẵn năm ngày liên tục không sốt, có thể lấy được vé ra viện.
Hôm qua khi vợ chồng ông Ngô chuyển ra khỏi buồng cách ly, chúng tôi ngưỡng mộ vô cùng. Không phải vì có thể ra viện, mà vì mẹ mỗi ngày ít nhất một lần bị sốt, chứng tỏ sức đề kháng của mẹ chưa sẵn sàng, còn phải bồi dưỡng thêm.
Hôm qua có kết quả xét nghiệm máu, chỉ số hồng cầu là 9, tiểu cầu 20000, bạch cầu về tổng lượng là 700 nhưng bạch cầu khả dụng chỉ có khoảng 300, phần còn lại bị dị dạng, coi như rác vứt đi.
“Lượng bạch cầu khả dụng phải đạt ít nhất 2000, mới được ra viện.” Anh cả nói. Để giúp các vị ôn tập lại, người bình thường có số lượng bạch cầu trong mỗi đơn vị máu là 10000.
Nhưng mà thái độ ông Ngô khi rời phòng để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng rất kém.
Lúc đó anh cả đang ở phòng bệnh. Anh kể, lúc ông Ngô bắt đầu chuyển đồ đạc, đã thay đôi giày đi bên ngoài rồi mà vẫn đi qua đi lại trong buồng cách ly, không thèm mặc áo cách ly, không cả đeo khẩu trang nữa. Anh cả ngồi một bên nổi cáu toàn phần. Y tá cũng thấy chướng mắt, lên tiếng trách ông Ngô quá ích kỷ. Lúc đó ông Ngô mới bớt tùy tiện một chút.
À phải, nói đến y tá, chị đối xử với mẹ thật tốt.
Chị này tên Vương Kim Ngọc, rất hay trò chuyện với mẹ, hai mắt khá mảnh, lời ăn tiếng nói ngắn gọn lưu loát, nghe vài lần là có thể hình dung lại rất dễ dàng trong đầu, các bộ phận khác của khuôn mặt chị Kim Ngọc đều khuất sau khẩu trang.
Chị Kim Ngọc có hai nhóc, cũng là một người mẹ, có thể lâu ngày thấy anh em tôi luân phiên chăm sóc mẹ, chị rất quan tâm cảm xúc và bệnh tình của mẹ. Điều này khiến chúng tôi thấy mát ruột.
Cũng vì mẹ từng làm hộ lý, chị Kim Ngọc còn giải thích với mẹ lý do của mỗi bước điều trị. Nếu thuốc đang truyền cho mẹ đã hết trong lúc chị Kim Ngọc bận không kịp xử lý, tôi giúp chị khóa dây truyền lại, chị sẽ nói cảm ơn tôi.
“Kim Ngọc, cháu có cho con gái mình làm y tá không?” Mẹ hỏi, đúng là một kẻ giả thân giả quen rất bạo.
“Không đâu.” Chị Kim Ngọc hơi ngạc nhiên, sau đó liền quả quyết. “Làm giáo viên tốt hơn. Làm y tá mỗi ngày thay ba ca, mệt lắm.”
Đúng thế, làm y tá rất vất vả. Tôi ở bên cạnh dễ dàng quan sát thấy điều đó.
Chị Kim Ngọc nói, có nhiều bạn trẻ học hộ lý đều không trụ lại nổi trong bệnh viện chỉ vì quá mệt, quá áp lực. Có những y tá trẻ thậm chí bỏ làm ngay trong giai đoạn thử việc, kể cả phá hợp đồng cũng mặc kệ, chỉ nghĩ đến bỏ đi. Nếu ta làm phòng khám tư cũng chưa chắc nhẹ nhàng hơn. Làm việc với bác sĩ nổi tiếng cực kỳ vất vả, làm với bác sĩ vườn có khi còn phải làm tạp vụ, trông trẻ con.
Từ những động tác rất thuần thục của y tá, tôi cảm thấy làm y tá rất mạnh, không hổ danh là những người đủ dũng khí trụ lại. Nhưng người rất mạnh lại rất ít, nếu không định nghĩa “rất mạnh” chẳng còn ý nghĩa gì.
Những y tá chăm sóc mẹ hầu như đều rất tốt. Có người rất biết cười đùa, có người rất dễ thương, nhưng điểm chung là rất mạnh. Có y tá ban đầu trông rất lạnh lùng, nhưng về sau vẫn bị câu chuyện phiếm của mẹ và anh cả đốn hạ. Giao lưu giữa tôi với y tá thì kém hơn nhiều. Trừ phần lớn thời gian nói chuyện linh tinh với mẹ, tôi toàn ôm ibook viết các loại truyện, nhật ký chăm sóc mẹ và các hồi tưởng. Khi có y tá hỏi tôi đang làm gì, tôi đành lúng túng trả lời tôi đang viết truyện… Nếu mẹ không lôi tấm ảnh chụp lễ trao giải tiểu thuyết một triệu kẹp dưới gối của mẹ ra.
Dưới sự gợi ý của anh cả, tôi ngượng ngùng tặng chị Kim Ngọc một cuốn Cà phê đợi một người. Có vẻ chị sẽ không đọc, nhưng vẫn nói cảm ơn tôi.
Đến khi nào xuất bản Tình yêu, hai hay ba dở tôi sẽ tặng thêm mấy cuốn cho các y tá. Tương lai cuốn tự truyện đồng hành cùng mẹ này dĩ nhiên cũng sẽ nằm trong danh mục sách tặng. Còn như cuốn Khách trọ tầng dưới, tôi nghĩ… có lẽ nên thôi!
Chuyện kể thêm
“Mẹ, con bảo này. Cô Thảo và lão Tào cuối cùng đã bên nhau rồi!” Tôi tì người lên thành giường.
Cô Thảo và lão Tào đều là bạn thân với tôi từ thời phổ thông, mẹ cũng rất quen, vì thường nghe tôi kể chuyện khùng khùng của cả đám bạn chơi với nhau mười mấy năm qua.
Cô Thảo và lão Tào đều từng theo đuổi các cô gái, nhưng đều bị gắn mác “anh quá tốt”, nên chưa từng có người yêu.
“Bên nhau?” Mẹ ngờ vực.
“Vâng, tụi nó tuyên bố bắt đầu hò hẹn, rất dê, nhưng biết làm sao.” Tôi thở dài.
“Nghe mày nói lung tung, chờ bắt được con hổ ở Chương Cơ xong rồi tính.” Mẹ không thèm để ý, tiếp tục im lặng theo đuổi suy nghĩ riêng.
“Thật mà, mẹ không để ý tụi nó chưa có người yêu à?” Tôi nghiêm túc.
“…” Mẹ nhíu mày, bắt đầu nghĩ ngợi.
Tôi “chém gió” cũng có một nguyên tắc và một đặc trưng.
Nguyên tắc là, không có bản nháp, gió tới đâu chém tới đó, thế mới mang chất đùa chơi, không phải rắp tâm cố ý dối trá. Vừa tiến hành vừa kích thích trí tưởng tượng vô tận của người đối diện, đó là trò sở trường của tôi.
Đặc trưng là, sẵn sàng bổ sung những ký ức chung có thật, tăng độ tin cậy của nội dung chém. Dù là những sự thăng thiên độn thổ không ai tin, tôi cũng biến nó thành một câu chuyện đầu đuôi đường hoàng hoàn chỉnh.
Còn chém gió thành công hay thất bại ra sao, giờ mới chỉ bắt đầu.
“Con nghĩ rồi, như thế cũng tốt, quan hệ tình tay tư giữa Cô Thảo với XXX với Dương Trạch Vu với lão Tào cuối cùng đã có kết cục.” Tôi thở dài.
XXX và Dương Trạch Vu cũng là bạn thời phổ thông của tôi, dĩ nhiên khỏi phải nói, hoàn toàn không có chuyện đó.
“Á? Tụi đó cũng pê đê luôn?” Mẹ kinh ngạc.
“Vâng ạ, về sau XXX yêu một cô người Nhật, rút lui khỏi quan hệ tay tư, nhưng cô này chỉ là bình phong che mắt thôi. Con là con thấy mệt mỏi thay cho tụi nó. Dương Trạch Vu bây giờ thành ra thất tình, thấy Cô Thảo đi với lão Tào, nó chắc chắn vô cùng đau khổ.” Tôi nói.
Mặt mẹ đầy ngờ vực.
“Mẹ không tin.”
“Đó là sự thật, không phải ba nói với mẹ, ông già nhà thằng Cô Thảo hôm qua đến tìm ba à.” Đầu óc tôi cực nhanh.
“Hình như nghe ba nói vậy.” Mẹ trả lời, bắt đầu đi theo tưởng tượng của tôi.
“Ông già nó bề ngoài là đến hỏi thăm ba vụ con được giải thưởng truyện Comic Ritz, nhưng thực ra muốn nhờ con khuyên can thằng Cô Thảo chia tay lão Tào, thử qua lại với tụi con gái xem sao.” Tôi nói, quá hợp lý hợp tình.
“Thật à?” Mẹ thảng thốt.
Lung lay rồi.
“Ông già thằng Cô Thảo còn đỡ, bà già nó khóc thảm luôn. Bà ý bây giờ rất căm thằng Tào. Nếu mẹ ở nhà, bà ý nhất định chạy đến chửi nó cho mẹ nghe.” Tôi nói.
Mẹ thằng Cô Thảo cũng quen biết mẹ tôi, chúng tôi sống trên cùng con đường một chiều, số nhà chỉ cách 70 số.
“May mà Cô Thảo đang ở Đài Trung, không thì bị mẹ nó mắng cho điếc tai.” Tôi xòe tay.
“Cô Thảo ở Đài Trung à?” Mẹ nghĩ lại.
“Vâng ạ, nó làm ở Viễn thông Trung Hoa tại Đài Trung mà, dĩ nhiên ở Đài Trung.” Tôi trả lời. Cái này là thật, nhưng không phải trọng tâm vấn đề.
Bí quyết của chém gió, là không được chỉ tập trung xoay quanh trọng tâm, phải nói thật nhiều những điều thứ yếu không quan trọng mà mọi người biết nhưng chưa kịp nghĩ tới mà thôi. Việc không liên quan gì cũng không sao, không nên vội vàng đắp đầy những thứ hợp lý vào câu chuyện, cố ý quá lại hóa ra chữa lợn lành thành lợn què.
“Ôi, sao lại ra như vậy… mẹ nó chắc rất lo nghĩ.” Mẹ bắt đầu lo lắng.
“Không cần lo đâu, thời nay con trai yêu nhau cũng chẳng lạ gì, bình thường thôi mà. Thế hệ bọn con thấy chẳng vấn đề gì cả. Cả lũ đều chúc mừng tụi nó.” Tôi cười.
“Mẹ buồn cho mẹ nó chứ.” Mẹ thở dài.
“Tối thứ Sáu con đổi ca cho anh cả, đi ăn cơm với đám thằng Hòa.” Tôi nhắc mẹ.
“Phải rồi, không phải con chiêu đãi mọi người à?” Mẹ nói.
Cõng một triệu, không mời đám bạn lâu năm thì khó coi quá.
“Đó là cái cớ, thật ra Cô Thảo và lão Tào muốn nhân dịp mọi người đông đủ cùng ăn, sẽ chính thức tuyên bố mối quan hệ.” Tôi thêm: “Con còn tính hô hào mọi người bắt tụi nó hôn nhau công khai đấy.”
“Đừng làm thế mà, mày ngồi lặng lẽ một bên xem là được, hô với hào cái gì.” Mẹ dặn dò, tay véo tai tôi. Vâng ạ, tuân lệnh.
Tối thứ Sáu, trong khi chiêu đãi mọi người, tôi đem kể đầu đuôi quả lừa ngẫu hứng rất KUSO, ai nấy cười nghiêng ngả.
Vừa khéo lão Tào gọi thừa khá nhiều rượu, lãng phí tiền của tôi. Tôi nói: “Đ. mày bảo Cô Thảo chụp chung kiểu ảnh, tao sẽ tha tội gọi thừa rượu.”
Thế là, lão Tào và Cô Thảo nghĩa hiệp tài trợ một tấm ảnh chụp chung với nụ cười rất dị...
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT