Cú điện thoại của anh cả gọi từ bệnh viện sáng hôm qua làm tôi hết vía.

Anh đứng ngoài nhà vệ sinh chờ mẹ, chờ rất lâu không thấy bên trong động tĩnh gì, anh cảnh giác mở cửa đi vào trong, phát hiện mẹ đã nằm trên sàn, cong như con tôm, đang run rẩy miệng nói ú ớ, trán bên trái có một vết thương đang chảy máu không ngừng.

Anh cả hoảng hồn, nhưng vẫn cố hết sức giữ bình tĩnh, bấm chuông cấp cứu gọi mấy y tá đến, xử lý được vết thương trên trán mẹ.

May mà mẹ không chốt cửa, nếu không hậu quả thật không dám tưởng tượng.

“Có lẽ là hạ huyết áp tư thế.” Anh cả do dự phỏng đoán, rồi lại dặn thêm: “Chiều nay em cùng với ba đem áo của mẹ đi hốt vía, xem có cần qua đình Quán Âm làm lễ nữa không, có thời gian nhớ niệm chú Dược sư cho mẹ.”

Anh cả giải thích, có người bảo sở dĩ bị ung thư, thật ra là do chủ nợ trong quan hệ nhân quả từ kiếp trước về đòi, cho nên phải xin Quán Âm Bồ tát làm chủ hóa giải cho. Những lời này nói ra từ miệng một người sang năm tốt nghiệp tiến sĩ, tôi không thể phản bác, càng nghe càng thấy sợ.

Tắm nước nóng xong liền cùng ba đi lễ Phật. Ba dặn anh em tôi nhớ khấn Địa Tạng Vương Bồ tát nhiều nhiều, sẽ dễ thấu tới Ngài hơn, dù sao Ngài vốn nổi tiếng là người con hiếu thảo.

Buổi chiều theo bà nội cầm áo ngủ của mẹ đến ngôi miếu gần nhà xin hốt vía. Bà thím hốt vía cầm một nắm gạo nhỏ trong tay, miệng không ngừng lặp đi lặp lại và lắp ghép câu: “Gần đây vận hạn không tốt nên ngủ cũng không ngon nhỉ? Gặp vận đen rồi, phải hốt vía cho dễ ngủ, người mới phấn chấn tinh thần được.” Ghép đảo các vế câu được tới năm lượt.

Còn sáng nay chăm mẹ ở bệnh viện. Mẹ đi đại tiện, tôi vào bên trong cùng mẹ, lúc mẹ run lẩy bẩy đứng dậy khỏi bệ xí, bất chợt lại thấy choáng váng, run rẩy toàn thân, ngồi thụp ngay xuống thở hổn hển. Tôi vội vàng niệm chú Dược sư, mới niệm ba lần đã lập tức “hồi hướng”, kẻo lỡ mất “thời gian vàng”.

Mẹ bảo cảm giác choáng váng trong người hoàn toàn giống sáng hôm qua, như là rơi vào một cái hố tối đen. Tôi bất giác liên tưởng tới oán nợ kiếp trước đến đòi mà anh cả từng nói.

Chiều hôm qua nói chuyện điện thoại với Xù, Xù tha thiết khuyên tôi gia nhập tôn giáo “Chân như nguyện” của Nhật Bản mà Xù rất sùng tín. Từ oán nợ kiếp trước, hai đứa nói càng lúc càng xa, đến tận ý nghĩa của tôn giáo.

Từng nói rồi, tôi thì hầu như cái gì cũng tin.

Người ngoài hành tinh, quái vật hồ Lochness, xác sống, ma cà rồng, người sói, Hanako, ma rạch miệng, Ito Junji đã bán linh hồn cho quỷ dữ từ mười năm trước, Elvis Presley thật ra chưa chết v.v… Đối với quỷ thần tôi không phải thà tin còn hơn không, mà là tin sái cổ.

Nhưng mâu thuẫn ở chỗ, trong đầu tôi thật ra vẫn còn tồn tại chủ nghĩa thực chứng. Những sự kỳ quái trên đây mà tôi tin, đều có người làm chứng rõ ràng.

Còn Chân như nguyện trong lời của Xù, là một giáo phái từ Nhật Bản vượt biển vào đây, nghe nói là một chi của Phật giáo Mật tông, tại vì nhà sư sáng lập là người Nhật Bản nên kinh chú tụng niệm cũng bằng tiếng Nhật. Xù và chúng đệ tử khi niệm phải xem bản chú âm. Còn vì sao Xù theo đạo này, là do một giáo viên dạy tiểu học của bọn tôi tin theo Chân như nguyện, tính cách từ đó trở nên rất thiện lương, cuộc đời cũng xuôi chèo mát mái hơn, nên đã tích cực “khuyến hóa” Xù thử tu theo.

@STENT:

Nói qua nhận thức của tôi về giáo lý của Chân như nguyện. Tôi cực kỳ hứng thú với giáo lý của các tôn giáo ngày nay.

Chân như nguyện cho rằng tất cả mọi thứ của mỗi người trên đời này đều liên quan đến chuyện tổ tiên có tu tích công đức hay không, vì vậy siêu độ tổ tiên là điều cần thiết, niệm kinh hồi hướng cho tổ tiên cũng rất quan trọng. Vì sao nên tu theo Chân như nguyện? Bởi vì thần minh không thể trông nom đến sự hành thiện của mỗi người trên thế gian này, nếu ta làm mười việc thiện, thần minh có lẽ chỉ thấy được một việc của ta, và tỉ suất giá trị của công đức mà chúng ta đạt được (tỉ suất CP) chỉ là 10%. Còn Chân như nguyện là Phật giáo Mật tông, có thể đưa con người vào pháp môn nơi thần minh trông nom đặc biệt, làm một việc thiện là một điều công đức, mười việc mười điều, tỉ suất giá trị là 100%.

Chân như nguyện thu phí gì cũng chỉ năm mươi, một trăm đồng thôi. Bảo đấy là trục lợi cũng không phải, lại không bắt buộc chúng tín đồ phải tham gia các hoạt động. Bất luận một tôn giáo nào đó có tồn tại “pháp lực” hay không, chỉ cần không trục lợi, giáo lý tốt đẹp lương thiện, tôi đều thấy đó không có gì là không tốt, nên cũng đồng ý việc Xù tu tập. Có lúc tôi còn hỏi đùa: “Pháp lực của em đã mạnh lắm chưa?” Sau đó bị trừng mắt.

Từ khi mẹ bị bệnh, Xù tốt bụng khuyên không nên để một mình cô ấy thay mẹ điền sớ siêu độ cho tổ tiên của mẹ (thu phí chỉ có năm mươi đồng), làm vậy cô sẽ hưởng mất một phần công đức, mẹ sẽ lâu khỏi bệnh hơn. Tốt nhất là tôi cũng gia nhập, như vậy hành vi tích thiện của tôi mới được thần minh chứng giám trọn vẹn, chứ không phải thỉnh thoảng mới tình cờ liếc thấy.

“Chỉ điền tờ sớ siêu độ là được công đức, có đơn giản quá không?” Tôi đưa ra nghi ngờ. Thậm chí còn không cần tự mình tụng kinh.

Không phải tôi nhằm vào Chân như nguyện, nhưng nguyên nhân các tôn giáo ngày nay hưng thịnh hàng loạt và thu hút rất nhiều tín đồ đều liên quan mật thiết đến “phương thức tu hành nhanh chóng hiệu quả”. Nhịp sống đô thị bận rộn, thời gian con người dành cho tôn giáo ngày càng ít, cho nên nếu có thể dùng phương pháp hiệu suất cao nhất để đạt được “công đức” thì ai mà chẳng động lòng?

Có một số tôn giáo, chỉ cần quyên tiền là có công đức (còn có thể xây cung điện ở thế giới Tây phương Cực Lạc theo tiến độ quy định, sau này đắc đạo rồi có thể chuyển tới đó sinh sống), có tôn giáo thì chỉ cần luyện khí công là tăng được phúc phận, có cái chỉ cần kiên trì niệm chú mỗi ngày là có thể tu thành chính quả. Có cái chờ đĩa bay ngoài hành tinh đến hủy diệt trái đất và đem mình đi, càng đơn giản hơn nữa còn có loại chỉ cần đứng và quay sang trái không ngừng là được. Tôi từng đọc sách về chuyển pháp luân, trong đó vị giáo chủ Lý Hồng Chí nhấn mạnh bản thân đã thực hiện tối giản hóa pháp môn tu hành của mình, các tín đồ chỉ cần có tâm là có thể nâng cao đạo đức và năng lượng với tốc độ khó tin.

Tôi bắt đầu thảo luận với Xù về phương pháp tính toán công đức. Nói thật, tự đáy lòng tôi cho rằng nếu có thời gian ngồi tụng kinh, chi bằng chuyên tâm đi giúp đỡ người khác, tìm trên báo xem hoàn cảnh nào cần viện trợ hơn chúng ta đang cần tiền, gửi cho họ vài trăm hay vài ngàn đồng, có lẽ thiết thực hơn.

Đối với quan điểm “gia nhập Mật tông làm việc thiện mới được thần minh nhìn thấy hoàn toàn và phù hộ độ trì” của Chân như nguyện, tôi nói thẳng: “Pháp lực của vị thần minh này có vẻ không lớn lắm nhỉ, mắt ngài cũng hơi nhỏ.”

Xù bèn trả lời: “Em tin là thần minh cũng có những đặc tính con người mà, ai càng tin ngài thì ngài càng giúp người đó.”

Tuy nhiên điều này có sự khác biệt căn bản so với nhận thức của tôi về Phật giáo Đại thừa.

Cách hóa giải nhân quả của Chân như nguyện, phương pháp chính là tụng kinh siêu độ. Nhưng tôi cho rằng không thể hóa giải nhân quả. Nếu hóa giải được nhân quả, thì nhân quả đâu còn đáng sợ nữa. Hoặc không còn ý nghĩa răn đe vốn có nữa.

Hồi nhỏ tôi rất thích đọc sách truyện các loại. Anh hùng kháng Nhật, câu chuyện Phật giáo, đều là những chuyện thích nhất. Tôi có ấn tượng rất sâu về sự giải thích nhân quả của Phật Thích Ca Mâu Ni.

Một hôm, Thích Ca Mâu Ni cùng đệ tử đến bên bờ sông, nhìn thấy một khúc gỗ, bèn ra hiệu cho đệ tử hãy quan sát cẩn thận những việc sẽ xảy ra. Khúc gỗ bỗng hung hăng lao đến chỗ Thích Ca Mâu Ni. Thích Ca tránh né thế nào đi nữa, thậm chí dùng pháp lực bay vút lên trời cao, khúc gỗ vẫn bám riết lấy ngài, sau cùng đâm ngài bị thương vào bàn chân.

Thích Ca Mâu Ni giảng giải, do một kiếp trước nào đó ngài từng giết chết một bà già đã giúp đỡ mình, bà lão giờ hóa thành khúc gỗ, nằm bên sông chờ thời gian trả oán ngài. Hiện tại ngài đã ngộ đạo nhân quả và hóa Phật, nhưng vẫn không thể thoát khỏi nhân quả vướng mắc. Đủ thấy sức mạnh của nhân quả lớn lao thế nào, các đệ tử phải lấy đó làm gương.

Tôi bị câu chuyện này làm cho phát khiếp. Cho nên tôi rất chi đồng ý với quan điểm không thể thay đổi nhân quả trong phim Running on Karma mà Lưu Đức Hoa và Trương Bá Chi hợp diễn. Ngoài gánh chịu ra, chúng ta chỉ có thể bắt đầu làm tốt những việc cần làm ở kiếp này, mong rằng sẽ không gieo thêm mầm ác nữa.

Xù luôn hiểu rõ các suy nghĩ này của tôi, vì thế cũng không tích cực thuyết phục tôi, cô ấy chỉ xuất phát từ lòng tốt.

“Thế cho nên người sáng lập ra Chân như nguyện đã nghiên cứu ra thần chú cực mạnh, vượt cả Thích Ca Mâu Ni.” Phải công nhận là giọng tôi hơi cao.

“Này chồng, em hiểu ý anh. Nhưng Chân như nguyện nhấn mạnh ‘làm trước, tìm hiểu sau’, dù sao thì cũng chẳng mất gì.” Xù trả lời.

Tôi cũng hiểu.

Tất cả các tôn giáo đều nhấn mạnh đến “tin hay không tin”, chứ không phải là “chứng minh hay không”.

Hoặc, “chứng minh” chỉ tồn tại trong tâm những người đã tin theo. Ngay cả đạo Ki tô của phương Tây cũng như vậy, không thể dùng logic đi đo lường pháp lực, nguyên tắc và lòng khoan dung của thần thánh. Kẻ dặn người ta đừng ăn táo nhưng lại trồng cả vườn, và vị Thượng đế nếu không tin Ngài thì sẽ đi tới hủy diệt, là cùng một người. Tin rồi thì mọi thứ đều hợp lý, không tin thì kiểu gì cũng như đang nói dối.

Tôi rất mong mọi vị thần trong truyền thuyết đều tồn tại, có rất nhiều rất nhiều, đông chật cứng cả trời. Sau đó, giao cho một vị chăm sóc mẹ tôi.

“Thế thì vậy đi, điền giúp anh, mẹ anh và ba anh các thông tin nhập đạo, sau đó làm siêu độ giùm mẹ anh. Anh nghĩ sự cự tuyệt bây giờ cũng chỉ là vấn đề lòng tự tôn thôi, không cần thiết và vô nghĩa. Anh hy vọng lý luận về công đức mà em nói đủ đứng vững.” Tôi trả lời.

Khuất phục rồi.

—

Chuyện kể thêm

Buổi chiều mẹ lên cơn sốt. Tôi bèn nói chuyện phiếm với mẹ.

“Mẹ, ngoặc ngón tay.” Tôi nói giọng thần bí: “Ngoặc xong con cho mẹ biết một bí mật.”

“Bí mật gì mà phải ngoặc ngón tay thần bí thế?” Mẹ hơi hào hứng, giơ ngón tay ra.

Ngoặc ngón tay.

“Mẹ biết không, thực ra Hiểu Vy có bầu từ lâu rồi, và đã lén sinh con.” Tôi trịnh trọng thông báo. Hiểu Vy là chị dâu tương lai của tôi.

“Nói bậy.” Mẹ không tin.

“Thật đấy, thật ra Kurumi là con của anh cả với Hiểu Vy, họ cũng đau đầu lắm, không biết phải làm sao. Vì vậy họ mới tạm gửi ở nhà A Hòa, chứ có tặng A Hòa đâu. Sau này Hiểu Vy sẽ mang Kurumi về nhà chăm sóc.” Tôi cau mày. Kurumi là con Labrado bỗng dưng xuất hiện ở nhà tôi.

“Mày toàn nói linh tinh, còn lừa mẹ ngoặc tay nữa. Hừ, cái đầu mày chứa những gì thế.” Mẹ dở khóc dở cười.

“Thật mà, Hiểu Vy cũng thấy tức cười lắm, bảo làm sao lại đẻ ra một con Labrado.” Tôi nghiêm túc: “Mẹ nói vậy chị ấy sẽ đau lòng lắm.”

“Không bao giờ ngoặc tay với mày nữa đâu!” Mẹ cười phá lên. Cuối cùng mẹ hết sốt.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play