Khi đến, đã biết số phận định là cô độc. Không có dáng vẻ vội vã, không có tâm tình buồn vui, trong ban mai của buổi chớm thu, chỉ bình thản đi lại như thế. Là duyên phận dẫn dắt, hay là số mệnh an bài, đều không quan trọng. Đến Huệ Sơn, sẽ tìm kiếm những gì? Là bóng dáng dần nhạt nhòa của vương triều thời cổ, thiên hạ đệ nhị tuyền nức danh trong trường đình biệt viện, cổ sát Giang Nam giữa chốn non xanh thâm u, hay là vườn cảnh cổ xưa quanh co lắt léo? Non nước tú lệ của vùng Huệ Sơn Vô Tích có thể nói cho chúng ta những điều gì?

(1) Thiên hạ đệ nhị tuyền

Cơn gió thuở chớm thu đã se sắt hơi lạnh, thỉnh thoảng lá rụng lác đác bay lả tả, người đi chầm chậm thả bước trên đường, nhưng không hề cảm thấy tiêu điều.

Một tia nắng đã khiến tâm tình dễ chịu hơn, thử đi tìm một nơi có nước chảy, đi tìm tiên sinh mù kéo nhị hồ A Bỉnh[14] năm xưa.

[14] A Bỉnh tiên sinh: tên thật là Hoa Ngạn Quân, nhạc sĩ dân gian, đồng thời là đạo sĩ. Vì mắc bệnh nên mắt bị mù, ông khổ công nghiên cứu âm nhạc Đạo giáo, không ngừng nâng cao, và hấp thu rộng rãi các làn điệu âm nhạc dân gian, cả đời tổng cộng sáng tác và diễn tấu hơn 270 khúc nhạc dân gian. Hiện còn bảo tồn được sáu bài, gồm: “Nhị Tuyền ánh nguyệt”, “Thính tùng”, “Xuân hàn phong khúc” (nhị hồ) và “Đại Lãng đào sa”, “Long thuyền”, “Chiêu Quân xuất tái” (tì bà).

Nhị Tuyền, dường như mọi thứ ở nơi đây đều liên quan đến suối mát trong lành.

Con đường nhỏ lát đá xanh, cho dù đã in dấu chân của biết bao người đi, vẫn cổ kính rêu xanh. Sàn đá nơi này dường như vĩnh viễn mang dấu ấn ẩm ướt, những quá khứ không thể xóa nhòa đó vẫn trong trẻo như xưa giữa dòng năm tháng già nua.

Hành lang dài quanh co tọa lạc giữa đầm, một cơn gió nhè nhẹ thổi qua. Dựa lan can ngắm hoa sen, những cánh hoa tàn tạ, đài sen căng đầy nuôi những hạt sen non, khiến người ta cảm nhận được một niềm vui sướng của sự thu hoạch. Nhà thơ thời Đường Lý Thương Ấn có thơ rằng: “Lưu đắc tàn hà thính vũ thanh.” (Giữ được sen tàn nghe tiếng mưa) Cỏ cây chốn nhân gian, khô héo là chuyện thường. Ngàn vạn sự vật nơi thế gian đều là phong cảnh, chỉ là tâm trạng khi ngắm cảnh khác nhau mà thôi.

Hai cánh cửa lớn màu vàng sẫm mở ra chào du khách, dường như vô tình nhắc nhở người ta, nơi đây đã từng phồn hoa và đầy thi vị. Khẽ chạm vào khóa đồng trên khoen cửa, mong sao có thể trùng với dấu tay của một văn nhân hoặc một trí giả thời cổ nào đó. Có lẽ như Thế Âmới có thể xuyên qua thời gian không gian mưa gió, cùng người ấy có một mối tâm ý tương thông thoảng qua.

Bước vào bậu cửa, lọt vào tầm mắt là năm chữ lớn: Thiên Hạ Đệ Nhị Tuyền. Trắng đen đan xen hút mắt, những điêu khắc im lìm trên vách đá, cho thấy danh hiệu đẹp hết sức đặc sắc của chúng. Mái hiên trên tường đá dây leo phủ kín, một vài cành cây xanh mướt tự do vươn dài ra những hướng khác nhau, cho đến nơi mà chúng muốn dừng lại – chốn về của đời người.

Trường đình cách đó không xa vang lên khúc cổ cầm dìu dặt réo rắt, ở đó có một cụ già diễn tấu bản “Nhị Tuyền ánh nguyệt” cho người khác nghe. Một thân áo dài màu xanh, đôi tay đầy nếp nhăn, khung cảnh mơ hồ, luôn khiến người ta ngộ nhận rằng ông chính là tiên sinh A Bỉnh năm nào. Mà những ngày trăng sáng sao thưa của năm xưa đó, khi A Bỉnh đến nơi non xanh suối biếc diễn tấu nhị hồ, liệu có diễn ra một cuộc tương phùng rượu trắng một bầu hay không?

Tháng năm như nước, vẫn luôn tham luyến cuộc vui. Những câu chuyện được cất giấu nơi sâu thẳm của thời gian, hoặc phồn hoa, hoặc lạnh lẽo, đến nay đều không còn tồn tại. Mà người đời sau đi xuyên qua những hành lang thông tới qua khứ, rốt cuộc có thể tìm được những gì?

Khi chúng ta cúi xuống nhìn Nhị Tuyền danh chấn thiên hạ đó, trong lòng khó tránh nảy sinh cảm giác hụt hẫng khôn xiết. Hàng lan can sắt ngăn du khách ở bên ngoài giếng cổ, năm đó mạch suối có hai nguồn chảy sống động biết bao, đến nay đã thành dòng nước chết. Không còn nhìn thấy nước trong văn vắt chảy róc rách sủi bọt trắng, còn đâu thảm rêu xanh rì ẩm ướt ven bờ. Chiếc giếng cổ có thành giếng bằng xi măng bị hàng rào bao quanh, trở thành một phong cảnh cho du khách thưởng lãm.

Năm ấy, đặc sứ từ kinh thành tới, đường dài rong ruổi chỉ vì muốn lấy nước Nhị Tuyền, đem dâng cho đế vương đun trà nấu nước. Nhưng nước suối đã khô cạn, niên đại tinh tế phong nhã ấy đã dần dần lùi xa. Một ly trà thơm, vài quyển thi thư, ngày tháng mộng sâu thăm thẳm bên ô cửa sổ nhỏ không biết đã đi về đâu, mà lịch sử thì chưa từng kể lại.

Đi men theo con đường lát đá có mấy phường trà cổ kính, trang nhã mở gần hành lang, dăm du khách ngồi xuống nghỉ chân thưởng trà. Cho dù nước không phải là nước của Nhị Tuyền, trà cũng không pha ra được mùi vị năm xưa, chỉ là thân ở chốn cổ tích non ngàn, đã tự nhiên có một tâm tình nhàn tản khác biệt rồi.

Gió lười biếng thổi, mây trôi tự tại. Ngồi trên ghế trúc, uống một bình nhàn trà, từ khi vị đặc đến khi vị nhạt, từ ấm sang nguội. Trà của Nhị Tuyền thích hợp cho những người hoài cổ thưởng thức; trăng của Nhị Tuyền thích hợp cho những người ưa nằm mộng ngắm trông.

Thiều quang đến đi lặng lẽ, cũng như rất nhiều duyên phận không thể nói thành lời, khởi diệt bất định. Rời Thiên hạ đệ nhị tuyền, những người đó lại vội vã bước đi, và sẽ đến một cuộc hẹn chưa từng gặp gỡ khác.

(2) Huệ Sơn cổ sát[15]

[15] Cổ sát: chữ Phạn, “sát sắc” là chùa Phật, “cổ sát” là cảnh chùa xưa.

Chùa miếu còn chưa thấy, đã nghe thấy tiếng chuông vang vẳng thinh không, dường như đang chiêu gọi những linh hồn tìm kiếm thắng cảnh chốn thâm u. Giang Nam có rất nhiều chùa cổ, chùa Huệ Sơn chỉ là một trong hàng vạn số đó. Gặp gỡ nơi này, chính là túc duyên mà Phật nói tới.

Men theo bậc thang đi lên trên, đi qua mấy tầng cửa cổ, xuyên qua cổ thụ um tùm. Ngước mắt nhìn bốn chữ khiến người ta chăm chú dán mắt: Bất Nhị Pháp Môn[16]. Đây có phải là tượng trưng cho một loại chấp trước hay không? Có lẽ người bước vào cửa Phật, tin nghe nhân quả, là thực sự không còn nảy sinh trần niệm. Có người nói, đây là một loại lánh đời, cũng có người nói, đây là tu hành. Tóm lại, tại bồ đề đạo tràng này, nghe chuông trống Phạn âm là có thể trải qua cuộc sống thanh tịnh vô cầu một bát thiền trà, một chiếc mõ như thế.

[16] Bất Nhị Pháp Môn: Còn gọi là Pháp Không Hai, là một pháp môn trong đạo Phật, dành cho các hành giả ở cõi Ta Bà đi khỏi lạc đường. Cốt yếu của pháp môn này là để chứng minh rằng: “Những sự vật, sự việc ở cõi Ta Bà này là có thật”, cốt để đưa chúng sinh thoát khỏi chấp trước, trở về với chân như, Phật tính.

Trong đại điện, các tăng nhân đang làm pháp sự, họ đọc tiếng Phạn, khiến khách dâng hương thoát ly phàm trần, bước vào thiền cảnh xa xăm. Rất nhiều người không thể thực sự thấu hiểu Thiền ý, không hiểu bồ đề nở hoa, nhưng lại cam tâm tình nguyện giam mình trong một quyển kinh thư, tự tại đến đi trong biển Phật mênh mông. Còn đức Phật vẫn dùng đôi mắt từ bi hiền hòa như cũ cúi nhìn chúng sinh mờ mịt, độ cho hết thảy những người có thể độ trên thế gian.

Đi qua Bất Nhị Pháp Môn lại là một thắng cảnh khác. Trên thềm đá là một tòa điện đường cổ kính tọa lạc, tên gọi là Đại Bi. Mà đằng sau của Đại Bi các chính là Huệ Sơn ẩn hiện. Ngước mắt dõi trông, trên tường đá còn khắc bốn chữ lớn “Tây Trúc Lưu Ngân”. (Tây Trúc lưu dấu) Nó đã dẫn chúng sinh đến Thủy Thiên Phật quốc xa xôi chỉ trong một sát na ngắn ngủi. Đứng sững dưới trời xanh mây trắng, ngắm nhìn vách núi miếu đài, ta thấy sinh mệnh nhỏ nhoi mà mênh mang biết mấy.

Sáng sủa sạch sẽ, tự viện dường như vĩnh viễn không vương bụi trần, đến mái ngói xanh cũng sạch lau sáng bóng. Mái hiên cong cong, cô độc ngạo nghễ dõi nhìn phương xa, không phải chờ đợi ai, cũng không phải tiễn biệt ai. Từng cánh cửa sổ cũ kỹ hoặc đóng hoặc mở, trên đó chạm trổ những hoa văn muôn hình vạn trạng, tinh xảo đẹp mắt, mà cũng không kém phần trang nhã thanh tịnh. Những người đến nơi này đều không kiềm lòng mà mơ một giấc mộng về Giang Nam.

Buổi hoàng hôn mưa gõ nhịp trên lá chuối, các tăng giả đẩy cửa nghe mưa với tâm trạng gì? Trong đêm trăng sáng như sương, họ đứng trước cửa sổ ngắm trúc với tâm thái gì? Những cảnh tượng phong nhã trữ tình ấy luôn luôn tồn tại và kéo dài cho đến ngày hôm nay. Thời gian vô tình, sẽ tước bỏ rất nhiều ký ức tươi đẹp; thời gian cũng hữu tình, sẽ lưu lại rất nhiều quá vãng sáng trong.

Phật nói, quay đầu là bờ, không biết có phải tất cả trường hợp quay đầu đều có thuyền bè đợi chờ, chuyên chở chúng sinh sang bờ bên kia sen nở hay không? Lần tìm theo con đường cũ, lại qua một tầng cửa đá nữa. Một cây ngân hạnh cổ thụ có niên đại hơn sáu trăm năm tọa lạc trước miếu, kể cho khách đến chuyện cũ tang thương của nó. Nghe nói năm xưa, được một tiểu sa di trong chùa trồng, tên của người ấy đã bị xóa nhòa theo năm tháng thời gian, không ai hay biết. Mà cây ngân hạnh này lại trường tồn ngàn năm, lá vàng rụng xuống lá xanh mọc chồi, không màng đến ngày hôm qua.

Trên thế gian thực sự có cuộc sống vĩnh hằng không? Thế nhân biến chuyển, sớm đã thay đổi hoàn toàn, nhưng núi đá cỏ cây dường như vẫn giữ nguyên hiện trạng. Thế sự vô thường, không biết tòa cổ sát nghìn năm này có thể gánh được sương gió của bao nhiêu năm? Phật nói, tùy duyên tự tại, cho dù có một ngày trùng phùng hay không, đều không quan trọng.

Một tấm ngự bi[17] cao chót vót, trên đó khắc câu thơ năm xưa Càn Long ngâm vịnh khi du ngoạn chùa Huệ Sơn. Vị hoàng đế nhàn nhã đa tình này đã từng nhiều lần xuống Giang Nam, quyến luyến vùng bảo địa non nước linh thiêng này, không nỡ rời xa. Bỗng nhiên, tựa như nhìn thấy bóng dáng của vị đế vương ung dung tài hoa tôn quý này. Tài tử áo gầm xòe quạt, phong lưu phóng khoáng ấy là Càn Long sao? Ngài ra khỏi cung điện dát vàng khảm ngọc, tới Giang Nam, đây có phải giấc mộng mà ngài lạc mất hay không?

[17] Ngự bi: Bia đá do hoàng đế ban tặng.

Chúng sinh bình đẳng trước Phật, cho dù là đế vương khanh tướng hay là bình dân phố chợ, ly hoan bi hợp đều như nhau. Có một ngày, nguyện cho chúng sinh đều có thể hóa thân thành hoa sen, ngồi dưới núi Tu Di[18], nghe thiền đọc kinh, bình hòa yên ổn.

[5] Tu Di là tên của một ngọn núi trong truyền thuyết cổ Ấn Độ, còn gọi là Tu Di Lâu, Mạn Đà La. Theo quan niệm Phật giáo, núi Tu Di là vua của các ngọn núi, là trung tâm của thế giới, là vũ trụ quan của Phật giáo.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play