Nếu như bỏ qua những
bàn tán lạ lùng về ba hồn bảy phách, vậy thì con người sau khi chết,
linh hồn tất sẽ rời khỏi thể xác của người đó, xuống Hoàng Tuyền hay vào trong mộ, bất luận là đi đâu, tóm lại phải có một chỗ để quay về. Nhưng linh hồn lìa khỏi xác không có nghĩa là người đó nhất định sẽ chết, đôi khi linh hồn vẫn duy trì một mối liên hệ hoặc mạnh hoặc yếu với thể xác của nó, còn bản thân nó tự duy trì trạng thái hoặc âm hoặc dương. Đương nhiên, ngoài linh hồn của thần tiên có thể tự do ra vào thể xác bất cứ
lúc nào, khoảng cách giữa hình (thể xác) và thần (linh hồn) này, đối với cả hai mà nói đều là chuyện bất đắc dĩ. Cách linh hồn thoát khỏi thể
xác ôn hoà nhất có lẽ là trong giấc mơ, mặc dù con người khi mơ chưa
chắc tất cả đều mộng hồn xuất khiếu (hồn rời khỏi xác), “tứ mộng” được
liệt kê trong sách Phật, đa phần đều là hư chứ không thực còn thuyết
“lục mộng” của Trung Quốc cổ đại, mặc dù không nói rõ là thực hay hư,
nhưng bất luận là chính mộng, hỷ mộng hay ác mộng, cụ mộng (giấc mơ sợ
hãi) thì thứ mà con người chú ý chính là điềm báo trong giấc mộng đó,
còn việc xuất nhập hành tung của nhân vật chính thì không ai quan tâm.
Ngoài cách này, những lần hồn thoát xác đa phần đều có chút kịch liệt,
đau đớn, ví dụ nếu nguyên nhân thoát xác xuất phát từ sự cố hoặc một
loại bệnh nào đó, đại loại như kiểu bị sợ hãi, ngất xỉu, hay những kẻ
ham tiền ham chức dẫn đến mắc bệnh thần kinh. Tóm lại, hồn lìa khỏi xác, xác không có hồn, một thứ thì lang thang khắp nơi, một thứ thì vô tri
vô thức, khoảng cách giữa hình và thần, đối với chủ nhân mà nói đúng là
một việc bất hạnh. Nhưng thực ra cũng chưa chắc đã hẳn như thế, chuyện
gì cũng có hai mặt của nó, linh hồn đang phiêu du khắp nơi, có thể nói
là không có nhà để về, nhưng cũng có thể nhận định rằng nó không bị giam hãm nữa. Mặc dù đột ngột mất đi sự bảo hộ của cả hai thế giới âm và
dương, nhưng cũng có thể lý giải là nó không còn chịu sự kìm kẹp, quản
thúc của hai thế giới đó nữa. Thế là hồn lúc này trở thành một kẻ lang
thang, một độc hành hiệp, một chú dê nhỏ bị lạc đường, thành con chim
ưng khoẻ mạnh sổ lồng, thành yêu tinh phụ thuộc vào các loài khác nhau,
thành thần tiên du ngoạn khắp nơi, cảnh do tâm tạo, tâm trạng biến đổi
theo hoàn cảnh, thế nào cũng được. Như vậy, trong những câu chuyện về
thế giới u minh sẽ xuất hiện những tình tiết ly kỳ do rất nhiều linh hồn đóng vai chính. Nói không cũng vô nghĩa, chi bằng kể một câu chuyện.
Những câu chuyện hồn lìa khỏi xác thì muôn hình vạn trạng, nhưng chung quy
lại, có thể thu về hai dạng chính, một là “Trang Sinh hoá điệp”, hai là
“Sảnh Nương ly hồn”. Dạng đầu tiên là kể về những linh hồn sau khi thoát xác đã biến mình thành loài khác, dạng thứ hai là những linh hồn đi về
một mình, nhưng cũng tương đồng với những dạng tạm thời thoát khỏi sự
ràng buộc của thể xác.
Nếu cảm thấy chán ghét với cái vỏ cũ của
chính mình, tạm thời thay đổi khẩu vị cũng không phải là không hay, có
điều du hồn vô căn, lang thang theo gió, nếu vô tình bay lạc vào bàn
tiệc hoặc nơi vẩn đục thì khẩu vị đó vô cùng khác biệt.
Trong
truyện Tiết Vĩ, quyển hai Tục huyền quái lục do Lý Phục Ngôn người đời
Đường viết về chi huyện huyện Thục Châu Thanh Thành tên là Bộ Tiết Vĩ,
bệnh nặng bảy ngày, đột ngột qua đời, nhưng tim vẫn còn ấm, người nhà
không nỡ nhập quan, ngồi xung quanh hầu hạ. Hơn hai mươi ngày sau, Tiết
Vĩ đột nhiên thở dài một tiếng, rồi đứng lên, nói: “Các ngươi mau đi xem mấy vị đồng liêu của ta có phải họ đang ăn cá không? Nếu đúng thì yêu
cầu họ dừng đũa ngay, mau mau tới đây nghe ta kể chuyện lạ.”
Người hầu đi xem, quả nhiên không sai, mấy vị đồng liêu lập tức đi theo họ.
Tiết Vĩ nói: “Con cá mà các vị ăn, có phải là con cá do gác cổng Trương
Bật mua về không?” Mọi người đáp phải. Trương Bật cũng đến, Tiết Vĩ liền hỏi anh ta: “Khi ngươi mua cá, người đánh cá Triệu Can có phải đã giấu
con cá to nhất đi, chỉ mang ra những con cá nhỏ, sau đó ngươi tìm được
con cá to đó ở trong đám lau sậy, mang nó về nha nội, rồi giao cho đầu
bếp Vương Sĩ Lương giết thịt đúng không?” Trương Bật nói không sai. Mọi
người hỏi: “Sao ngài lại biết những chuyện này?” Tiết Vĩ đáp: “Con cá to mà các người giết đó chính là ta!” Rồi ông ta kể lại câu chuyện mình
bệnh nặng, sốt cao, mộng thấy hồn xuất ra, chỉ muốn tìm một nơi mát mẻ
để gửi gắm, liền đi ra ngoài thành, muốn “trải nghiệm cảm giác chim trời cá nước”. Ông ta vào rừng sâu, thấy đầm nước mênh mông, đột nhiên nảy
ra suy nghĩ, lại thêm sự mời gọi của đàn cá dưới đầm, liền hoá thân
thành cá. Thế là lượn theo sóng nước, thảnh thơi không ai bằng, tam
giang ngũ hồ, bay nhảy khắp nơi. Nhưng vì Hà Bá phân chia phía đông đầm
cho cá chép, nên mỗi khi chiều xuống, nhất định phải quay về. Vừa đói
vừa khát, không xin được cái ăn, ông đi tìm thuyền, thấy Triệu Can đang
câu cá, ngửi thấy mùi thơm, biết là tai hoạ nhưng vẫn mắc câu. Mặc ông
ta có kêu gào thế nào, Triệu Can cũng như không nghe thấy, lại dùng một
sợi thừng quấn chặt, ném vào giữa đám lau sậy. Sau đó lại bị Trương Bật
tìm thấy, xách về bếp. Vương Sĩ Lương đặt ông ta lên thớt, mấy người
đứng bên cạnh xem, chỉ trầm trồ khen con cá to quá. Ông ta vừa khóc vừa
gào, người khác đến nhìn cũng không thèm, cho đến khi Vương Sĩ Lương một dao bổ xuống, chặt đứt đầu cá, ông ta mới giật mình tỉnh mộng.
Hồn rời khỏi thân xác hoá thành cá, có thể du ngoạn ba sông năm bể, mặc dù
cuối cùng phải chịu một nỗi sợ hãi lớn nhưng cũng đã được trải nghiệm
cuộc sống của một chú cá. Trong Liêu trai có chuyện Ấp nhân[1], không
biết có phải phóng tác theo nội dung của truyện trên hay không, nhưng
với cấu trúc tương đồng đã viết một câu chuyện phản biện, mặc dù không
dài nhưng sức hấp dẫn lại vượt trội câu chuyện trước. Truyện này kể về
một tên vô lại trong chợ, bị hai người không biết là người hay ma bắt
mất hồn, thấy trong quầy bán thịt có treo một tảng thịt lợn, liền nhét
hồn hắn ta vào trong đó. “Người đồ tể chặt thịt bán, vung dao cắt xẻo,
cắt tới đâu y thấy đau tới đó, buốt tới tận xương tuỷ. Sau có ông lão
hàng xóm tới mua thịt, cò kè trả giá, hết đòi thêm mỡ lại cắt thêm nạc,
cho tới khi cắt vụn cả miếng thịt ra, thêm muôn phần đau đớn. Khi bán
hết thịt, tự khắc sự đau đớn đó cũng hết.” Khi bán miếng thịt cuối cùng, hồn của tên vô lại kia mới coi như được giải thoát. Bồ Tùng Linh tỏ ra
đắc ý với tình tiết câu chuyện đầy thú vị của mình: “Trong một buổi sáng mà trải qua một phen bị tùng xẻo như thế, há chẳng rất kỳ lạ hay
sao!”[2]
[1] ‘Ấp nhân’: hay có nơi còn đặt tên là ‘Người trong huyện’.
[2] Nhưng cũng có thể Bồ Lưu Tiên (tên tự của Bồ Tùng Linh) lấy cảm hứng từ nội dung câu chuyện ‘Lô Nhiễm hoá cá’ trong quyển ba của tập ‘Tây dương Tạp trở’. Đấy là một phiên bản khác của truyện Tiết vĩ, nhưng có thêm
tình tiết về trừng phạt. Lô Nhiễm trong câu chuyện bình sinh rất thích
ăn cá, kết quả có một ngày anh ta cũng biến thành cá, và đích thân trải
nghiệm quá trình bị con người lọc thịt, cho tới khi bị chặt đầu mới kết
thúc trận khổ hình. Sau khi hoàn hồn, anh ta không những ăn chay, thậm
chí còn xuất gia làm hoà thượng.
Tên vô lại này bị thế là đáng
đời, ngày thường hay chèn ép bạn hàng, xưng hùng xưng bá nơi chợ búa,
quen bắt nạt người khác rồi, giờ để hắn trải nghiệm cảm giác bị bắt nạt, ông trời có đức hiếu sinh, nên ngại gì mà không cho hắn một bài học.
Nhưng cũng từ chuyện này mà nghĩ rộng ra, cùng là một vật, ứng với những linh hồn khác nhau lại cho những kết quả khác nhau như chim phượng và
chim cú, hoàn toàn tương phản. Ví dụ chuyện làm quan, có người cảm thấy
như cá gặp nước, chu du tam giang ngũ hồ, vui vẻ nhàn nhã, chỉ cần giấc
mộng hoàng lương[3] không có đoạn cuối thì sẽ khiến người ta vô cùng hài lòng. Nhưng đối với người khác, cảm giác lại giống như đang phải gửi
hồn vào xác một con lợn chết vậy. Còn nhớ một câu chuyện trong quyển
sách cũ, trong đó danh sĩ này làm quan huyện chưa tới một năm, liền cáo
quan về quê, lý do của anh ta là làm quan khổ không kể hết. Quan trên về kiểm tra, phải khúm núm khép nép nhìn sắc mặt họ, xuống làng xuống xã
để khám nghiệm thi thể, phải nhìn bộ phận sinh dục của cô gái bị người
ta hãm hiếp và giết chết, chẳng còn gì để nói. Thậm chí, sau nhiều lần
như thế, tạo thành một phản xạ có điều kiện, hễ nhìn thấy mặt quan trên
là lại liên tưởng đến âm hộ của nữ giới, vô cùng phản cảm. Cùng là làm
quan, nhưng đối với vị danh sĩ này mà nói, một năm đó chẳng khác gì phải chịu cảnh đày ải.
[3] Giấc mộng hoàng lương/ giấc mộng kê vàng:
xuất phát từ câu chuyện trong ‘Chẩn trung ký’ của Thẩm Kỷ Tế đời Đường:
ngày xưa, có một chàng trai tên là Lưu Sinh. Lưu Sinh gặp một đạo sĩ tên là Lữ Ông trong quán trọ ở Hàm Đan. Anh ta than thở với đạo sĩ là mình
nghèo túng quá, vị đạo sĩ cho anh ta mượn một chiếc gối, bảo anh ta gối
đầu mà ngủ. Lúc anh ta ngủ, quán đang nấu một nồi kê. Trong giấc ngủ,
Lưu Sinh đã được hưởng thụ một cuộc sống vinh hoa phú quý. Khi anh ta
tỉnh dậy, nồi kê của quán vẫn chưa chín.
Sau khi linh hồn rời
khỏi thể xác, tự do đi lại, không lo lắng việc đánh mất bản sắc, nhưng
cũng không thể nghênh ngang vô ích mãi như thế, cuối cùng vẫn phải tìm
một nơi để về. Giống như vị Trương Sảnh Nương trong Ly hồn ký của Trần
Huyền Hữu, hồn theo tình lang đến Thành Đô, trong năm năm đã sinh con,
nhưng vẫn nhớ thương bố mẹ ở nhà, nếu như cô ta biết rằng thể xác mình
vẫn đang nằm liệt giường vì bạo bệnh, có lẽ cô ta càng muốn nhanh chóng
quay về.
Linh hồn Sảnh Nương quay về đương nhiên khiến ai nấy đều vui sướng, nhưng cũng có những trường hợp lại không được tốt đẹp như
thế.
Gặp một người hoặc một vật tốt đẹp, thương nhớ vấn vương, sẽ nương theo mùi thơm trong gió mà đuổi theo một cách vô thức, giống như
câu nói của Trương Quân Thuỵ: “Lại có người hoa mắt chóng mặt không biết phải nói gì, linh hồn bay lơ lửng trên trời”. Yêu cái đẹp là đức tính
thường tình của con người, không có gì đáng trách, như tình yêu đơn
phương của Tôn Tử Sở trong truyện A Bảo trong Liêu trai có thể thông cảm và bỏ qua, còn câu chuyện tình đầy nước mắt của Chu Hiếu Liêm trong Hoạ bích càng không cần người khác phải bàn ra tán vào. Nhưng có những việc làm người ta nhìn thấy khó chịu, hãy nói tới một chuyện xảy ra ở kinh
sư những năm Quang Tự đầu tiên trong quyển bảy Động linh tiểu tạp. Có
“thư sinh nào đó” đi từ Tuyên Võ Môn đến Tây Thảo Xưởng, gặp một thiếu
nữ xinh đẹp, liền nảy sinh ý muốn chiếm đoạt, liên tưởng miên man. Đến
tối, ông ta mơ thấy mình ra khỏi thành, đến nơi ở của người con gái gặp
ban ngày, và thấy thiếu nữ xinh đẹp đó đang nằm ngửa. Kể đến đây phải
nhắc nhở một chút, vị này mặc dù tự xưng là “thư sinh”, nhưng không phải “tuổi tầm hai mươi ba”, mà đã gần ngũ tuần, nghe thế thôi cũng đã thấy
mất hết hứng thú. Thì ra cô gái đó đang đẻ, còn vị “thư sinh” này, đức
hạnh lại không đủ để kiềm chế tà ý, nên đã bỉ ổi lén nhìn trộm. Có lẽ vì ông ta tập trung quá mức, quên hết mọi chuyện trên đời, nên “bất giác
thân nhập vào bụng người con gái đó, trong giây lát biến thành một đứa
trẻ”. Mơ thấy hồn đầu thai, trong nháy mắt liền tham gia vào kiếp luân
hồi. Cũng may hồn ông ta đầu thai vào cái thai con hoang, lập tức bị bà
đỡ bóp chết, linh hồn mới thoát được khỏi cái thai đó. Càng may mắn hơn
là linh hồn đó vẫn giữ được diện mạo cũ của kiếp trước, chưa biến thành
một đứa trẻ chưa biết đi, biết bò, cuối cùng trải qua rất nhiều trắc
trở, cũng coi như tìm lại được nơi để dừng chân, nhập lại vào thể xác
của mình. “Chỉ như một giấc mơ, mà cũng đã chết hai ngày.” Nếu hai người có duyên, sẽ gặp lại vào một ngày khác, lão thư sinh nghĩ lại lần được
làm con của người ta đó, sao chịu được sự đả kích này?
Bên trên
chỉ là ví dụ về hai kiểu chính của việc hồn rời khỏi xác. Lẽ nào ngoài
hai kiểu này, không còn “ngoại lệ” nào hay sao? Nói có cũng được mà
không cũng không sai. Bởi hai kiểu hồn rời khỏi xác trên chính là sự tử
vong của con người, con người chết rồi thì đương nhiên hồn phải rời đi.
Nói đúng hơn, khi thể xác vừa tắt thở, linh hồn lập tức bay ra, cùng lúc phối hợp rất chặt chẽ, nhưng nếu gặp phải hồn phách có tính nóng vội,
không đợi tín hiệu, thoát ra trước khi thể xác tắt thở và khoảng cách nó bỏ đi đủ xa thì có thể coi là một “ngoại lệ”, người chưa chết mà hồn đã rời đi. Chúng ta hãy đọc một câu chuyện trong Quảng dị ký của Đới Phu
đời Đường:
Năm Đường Huyền Tông – Thiên Bảo, trong thành Trường
An có một thầy bói tên Liễu Thiếu Du, khá có danh tiếng. Hôm ấy, nhà có
khách, tay cầm một miếng lụa mỏng làm lễ vật, đến nhờ Thiếu Du gieo quẻ, nói rằng muốn biết mình thọ được mấy năm nữa. Thiếu Du gieo quẻ xong,
buồn bã nói: “Quẻ này của ngươi không lành, trong chiều nay sẽ từ trần.” Người khách nghe vậy, vô cùng buồn bã, một lúc lâu sau, muốn uống một
hớp trà nóng. Người ở nghe tiếng chủ nhân cho gọi, bưng trà đi lên, đột
nhiên sững lại, hai người trước mắt giống nhau như đúc, đều là Liễu
Thiếu Du, không thể phân biệt được đâu là chủ, đâu là khách. Khách cáo
từ, người ở tiễn anh ta ra cửa, chỉ vài bước chân đã vội quay lại, sau
đó trong không trung truyền đến tiếng khóc ai oán. Người hầu kể lại
những gì mình nhìn thấy cho chủ nhân nghe, Liễu Thiếu Du lúc này mới
biết vị khách đó chính là linh hồn của mình, than thở rằng: “Thần bắt ta đi, ta tất phải chết!” Đúng như quẻ bói, ông ta phán cho chính linh hồn của mình, tối đó ông ta chết.
Những câu chuyện kể về việc linh
hồn sau khi rời khỏi thể xác có thể nhìn thấy thể xác của mình thì rất
nhiều, nhưng người đó có thể nhìn thấy linh hồn của chính mình, hoặc
những câu chuyện về sự tương chuyển giữa “tôi” và “tôi” thì rất hiếm
gặp, chắc chỉ có một câu chuyện này thôi, nhưng lại khiến tôi rất thích. Tự bản thân mình có thể nhìn thấy linh hồn của mình, lại còn được tiếp
xúc, được gieo quẻ, thế thì “bản thân” kia là vật gì? Có lẽ nhục thể mất đi linh hồn kia cũng chính là “thể phách” rồi. Con người trong giấc mơ
mà linh hồn có thể rời khỏi thể xác và hoạt động, thậm chí còn có thể
“nhìn thấy” hoặc cảm nhận được chính linh hồn của mình, lúc đó chính
phách đã duy trì sự sinh tồn của con người. Nhưng thể phách của người
này vẫn có khả năng và trí não để gieo quẻ cho khách thì lại không đơn
giản chỉ là thể phách mà thôi. Cũng có thể dùng quan niệm con người có
“ba hồn bảy phách” để giải thích, nhưng tốt nhất vẫn không nên giải
thích. Câu chuyện phức tạp, rất có thiền cơ[4], một vài chi tiết trong
đó rất thú vị. Đôi lúc chúng ta lấy danh nghĩa là phải xem xét, khảo
sát, phê phán, đả kích linh hồn của chính mình, “cái tôi” khi đó là gì
đây? Thực ra chẳng là gì cả!
[4] Thiền cơ/ cơ thiền: bí quyết thiền sư dùng để ám thị giáo nghĩa qua ngôn ngữ cử chỉ hoặc sự vật khi thuyết pháp.
Trong những câu chuyện về hiện tượng có thể gặp chính linh hồn mình, có một
chuyện trong quyển ba của Sưu Thần hậu ký của Đào Tiềm người đời Tấn.
Chủ nhân không chết, chỉ biến thành kẻ ngớ ngẩn, được ghi chép như sau:
Có hai vợ chồng nhà nọ, hôm ấy bà vợ dậy trước để làm việc nhà, một lúc
sau, ông chồng cũng dậy và đi ra ngoài. Bà vợ vẫn nghĩ rằng chồng mình
đang ngủ, lúc quay vào phòng ngủ, quả nhiên thấy chồng đang nằm cuộn
mình trong chăn. Đột nhiên gia nhân từ ngoài chạy về, nói chủ nhân sai
hắn ta quay về nhà lấy gương. Bà vợ cho rằng gia nhân nói năng linh
tinh, liền kêu hắn ta nhìn chủ nhân đang ngủ say trên giường. Gia nhân
nói: “Đúng là tôi vừa ở bên cạnh chủ nhân.” Bà vợ liền bảo hắn ta mau đi mời chủ nhân bên ngoài về đây. Chủ nhân nghe gia nhân nói vậy, sợ hãi,
kinh ngạc, lập tức quay về nhà. Hai vợ chồng cùng vào phòng ngủ, quả
nhiên trên giường có một người giống hệt mình đang nằm. Ông ta nghĩ,
chắc vị này là “linh hồn” của mình, cũng không dám làm người đó kinh
động, từ từ tiến lại gần, sờ sờ lên giường, liền nhìn thấy vị đó “từ từ
trở lại vị trí”. Không lâu sau, người chồng bị bệnh thần kinh, ngơ ngơ
ngẩn ngẩn, không hiểu chuyện gì, cả đời cũng không khỏi.
Có lẽ do anh ta dậy quá vội nên để quên hồn mình trên giường. Sau khi mất hồn,
vẫn có thể sống bình thường, giống như trên chiến trường, chân bị trúng
đạn mà vẫn có thể chạy một đoạn nữa, nhưng cuối cùng vẫn không trụ vững, trở nên mất trí. Nhưng từ điểm này cũng có thể nhìn ra được, ái lực
giữa hồn thần và chủ nhân của nó rất yếu. Vương Phật Đại ba ngày không
uống rượu, cảm thấy như “người không còn là của mình nữa” cũng chính là ý hồn đã lìa khỏi xác, làm gì cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Không biết liệu có
phải vị chủ nhân này cũng mắc căn bệnh đó, thiếu vài bữa rượu, dẫn đến
thân xác suy sụp như thế, cũng là đáng thương, không bằng chết như Liễu
Thiếu Du còn nhẹ nhàng hơn.
Thể xác giống như một căn phòng, bình thường cửa đóng then cài, linh hồn không thể thoát ra, nhưng then cửa
của một thân thể già nua yếu ớt sẽ bị lỏng lẻo, một phút bất cẩn, linh
hồn sẽ thoát ra ngay. Tác giả của Tam cương thức lược – Đổng Hàm từng
ghi chép chuyện em trai ông là Tương Mỗ trước khi chết. Sức khoẻ Tương
Mỗ vốn yếu, sau đó lại mắc bệnh ho ra máu. Hôm ấy, anh ta đang nằm trên
giường, đột nhiên nhìn thấy có một người ngồi ở mé giường bên cạnh, khi
định thần lại, thấy đấy là chính mình, cũng đang nhìn mình chăm chăm,
ngay sau đó từ từ rời đi. Tương Mỗ thất kinh, biết là linh hồn mình đã
thoát xác, không còn sống được bao lâu nữa, quả nhiên mấy ngày sau anh
ta lìa trần. Vị Tương Mỗ này tuổi còn trẻ, đang thời huy hoàng, hay
huênh hoang khoe khoang, bình thường cũng thích trau chuốt mọi chuyện.
Đổng Hàm vì anh ta là em trai mình nên cũng không tiện nói những chuyện
không hay, không phải của anh ta, đoán chắc người này cũng đã phải hao
tâm tổn trí trong việc xử lý mối quan hệ.
Việc hồn rời khỏi xác,
đôi khi còn thể hiện trong giấc mơ. Trong quyển tám Duyệt vi thảo đường
bút ký có ghi lại một chuyện, con gái Vương Tri Châu ở Thương Châu lâm
trọng bệnh, hôn mê bất tỉnh. Nửa đêm, người nhà đi đến thư phòng đằng
sau hậu viện, liền nhìn thấy tiểu thư đang một mình đứng dưới ánh trăng
trong vườn hoa, bất giác hoảng hốt, vội vàng quay lại. Tiểu thư rõ ràng
đang bệnh nằm trên giường, sao trong vườn hoa lại có bóng dáng của
người. Mọi người đoán hẳn là do hồ ly hoá tinh, liền thả chó xông ra, và bóng người đó lập tức biến mất. Một lúc sau, nghe tiếng Vương tiểu thư
yếu ớt vọng ra từ phòng bệnh: “Vừa rồi ta mơ thấy mình ra thư phòng ngắm trăng, đột nhiên xuất hiện một con mãnh hổ, suýt chút nữa thì bị nó vồ, giờ vẫn còn sợ.” Lúc ấy mọi người mới biết đã nhìn thấy linh hồn của
tiểu thư. Thầy thuốc nghe xong, than: “Linh hồn của tiểu thư đã rời đi,
cho dù thầy thuốc Lô hay Thiên Thước có sống lại, cũng bó tay không cách nào cứu chữa.” Quả nhiên, không lâu sau đó Vương tiểu thư qua đời.
Người mắc bệnh lâu ngày vào đêm trước khi chết, linh hồn sẽ rời đi, song
những người già tuổi cao sức yếu thì tinh thần không còn mình mẫn nữa,
giờ người ta gọi đó là bệnh Alzheimer, nhưng ngày xưa thì lại bị mọi
người giải thích rằng linh hồn đã thoát xác. Tình hình của họ với Tương
Sinh không giống nhau, bởi vì có thể duy trì trạng thái này mấy năm,
thậm chí đến mười mấy năm. Cực đoan một chút thì có thể nói rằng anh ta
lơ lửng giữa sự sống và cái chết một thời gian dài, coi cái xác đó như
người còn sống, nhưng thực ra, linh hồn đã phiêu du vào thế giới u minh
từ lâu.
Trong quyển ba của Hữu đài tiên quán bút ký do Du Việt
viết có một ví dụ, nói về bà của Kim Thiếu Bá. Vị lão thái thái này sống gần trăm tuổi mới tạ thế, nhưng những năm cuối đời đã rất lẫn rồi, nhìn thấy con dâu, con trai, cháu trai, cháu gái lại cho rằng họ hàng tới
thăm, luôn miệng gọi “chị cả, chị hai”. Điều này cũng không có gì đáng
nói, kỳ lạ là, mỗi dịp lễ tết, trong nhà thắp hương cúng tổ tiên, các
con dâu mang cơm cho bà, bà liền nói: “Vừa ăn rồi, sao lại cho ăn nữa?”
Lúc đầu mọi người cho rằng bà đã lú lẫn, nhưng sau đó phát hiện ra, mỗi
lần cúng tế, bà đều nói như thế, hỏi lại bà rằng: “Mẹ nói là ăn rồi, vậy mẹ ăn những gì?” Lão thái thái liền kể ra các món, mọi người đều sợ
hãi, thì ra những thứ mà bà ăn giống hệt những đồ đang bày cúng trên bàn thờ. Linh hồn của bà lúc này đã rời khỏi thể xác, cùng với hồn phách
của tổ tiên thụ hưởng đồ cúng tế.
Chuyện mơ thấy mình thụ
hưởng đồ cúng tế của người thân kiếp trước, trong bút ký từ đời Nam Tống của Thiệu Bác Ghi chép từ những gì mà Thiệu Thị nhìn thấy có không ít.
Tôi đã từng viết bài giới thiệu trong một chuyện về “vấn đề ăn uống ở
thế giới bên kia”, nhưng chuyện linh hồn rời khỏi thể xác đến âm thế
hưởng thụ đồ cúng tế thì lại gặp không nhiều. Mặc dù gặp không nhiều,
nhưng câu nói: “Thi cư dư khí” trong sách cổ, chắc là muốn ám chỉ trạng
thái này. Khuất Nguyên tiên sinh khi viết về một vị tổ tông của bạn
mình, không biết liệu có kiểu liên tưởng bất kính như thế này không:
“Thái hậu lão phật gia của chúng ta liệu có phải cũng đã từng ở trong
“trạng thái” đó, dùng thứ dinh dưỡng hư không có được từ âm giới để suy
trì số phận của Đại Thanh?”
Nhưng có những người già trước khi
chết mặc dù linh hồn thỉnh thoảng có chu du ra ngoài, nhưng tinh thần
vẫn sáng suốt, không những không phải mắc bệnh Alzheimer mà còn có được
sự linh ứng của hồn, có thể nhìn thấy trước những chuyện trong tương
lai. Trong quyển bảy Động linh tục chi do Quách Tắc Vân viết có ghi lại
một chuyện lạ mà anh ta nghe được từ chỗ bạn mình, Uông Quân Cương: Tiền Trượng đời Đường Ngụy trước khi chết hai tháng, sau khi tiễn khách quay lại, ngồi trong phòng khách, hút tẩu thuốc: “Thần hồn đột nhiên thoát
xác, đến phía tây đường Trường An, nhìn thấy trước cửa hiệu cầm đồ, một
bức hoành câu đối chữ trắng viết trên nền xanh, chữ không nhiều. Lại đến Thiên An Môn, nhìn trên cửa, dưới lầu, thấy tượng một người mặc Tây
phục. Đi vòng quanh ra khỏi chính Dương Môn, lại quay về ngôi nhà cũ, cả ngày tha hương” đột nhiên như tỉnh mộng, phát hiện mình vẫn đang ngồi
trong phòng khách, tay cầm tẩu thuốc. Thế là anh ta vội gọi Uông Quân
Cương đến, nói: “Chuyện này rất lạ, sau này mới có thể kiểm chứng, nhất
định phải ghi chép lại.” Nhà họ Tiền là đại tộc lớn ở Chiết Giang, nhưng vị Tiền Lão Trượng du ngoạn kinh sư này là ai, mất năm nào, không ai
rõ, chỉ là bản in của Động linh tục chi năm 1936, còn ở Thiên An Môn
xuất hiện tượng lãnh tụ là sau năm 1945, vì vậy những gì Quách Thị ghi
lại không thể là chuyện xảy ra sau đó. Cái gọi là “hồn đột nhiên rời
khỏi xác” không phải nói Ngụy Lão Trượng có đạo “xuất thần” mà cũng chỉ
giống như hồn phách của Kim lão thái thái tạm rời khỏi xác mà thôi.
Nhưng Nguỵ Trượng sau khi tỉnh lại có khả năng tiên đoán, cho thấy đó
không phải là một giấc mộng bình thường. Đương nhiên, dù là tiên đoán
thì cũng không có ý nghĩa gì, chỉ có điều khiến người ta cảm thấy rất
thần kỳ mà thôi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT