Nói là kể chuyện ma, nhưng lần này chỉ bàn đến linh hồn trong văn hoá u minh của Trung Quốc, vì vậy, ngay khi đặt bút viết, tôi từng nghĩ đến việc đặt tên cho cuốn sách này là Bàn chuyện linh hồn. Nhưng khi chia sẻ với bạn bè, ai cũng phản đối, nói nếu đặt tên như thế, các hiệu sách nhất định sẽ xếp nó lên kệ dành cho các loại sách: Bàn về nhân sinh, Đàm đạo về tu dưỡng,… dễ gây ra những hiểu lầm chồng chất cho lớp thanh niên có chí khí bây giờ. Ban đầu tôi cũng không thừa nhận, nhưng sau một hồi tra từ điển, đầu óc tôi đã được mở mang, không chỉ hiểu được sự khác biệt giữa hai từ “linh hồn” và “hồn”, mà tôi cũng đã hiểu hai từ “hồn” và “linh hồn” không thể nói bừa bãi.

Ở thời cổ đại, “linh hồn” và “hồn” được sử dụng như nhau, nhưng trong tiếng Hán hiện đại, không thể tuỳ tiện sử dụng thay nhau đươc. Mấy chục năm trước, chúng ta có những mẫu câu thông dụng như “tư tưởng… là linh hồn…”, giờ vẫn được mọi người sử dụng, như “tư tưởng của người quản lý là linh hồn của doanh nghiệp”, “tư tưởng của… trưởng là linh hồn của phòng…”,… Câu “… của… trường”, có thể điền vào dấu ba chấm những từ như xưởng, hiệu, đội… không bao giờ có thể nhầm được. Nhưng nếu bạn thử thay hay từ “linh hồn” bằng từ “hồn”, sẽ khiến người nghe phải nổi da gà, bởi họ dễ dàng liên tưởng tới câu: “Xưởng trưởng là hồn ma của công xưởng”, và tiếp theo sẽ suy ra xưởng trưởng đã mất rồi.

Vì vậy, từ “linh hồn” trong khẩu ngữ hằng ngày thường có hàm ý khác. Năm mươi năm trước, tôi cũng ngờ nghệch không hiểu hàm ý này là gì, đáng tiếc là không tìm từ điển để tra. Còn nhớ năm đó, trong giờ Chính trị, cô giáo đã đọc đi đọc lại một câu: “Chính trị là thống soái, tư tưởng là linh hồn”, tôi nghĩ mãi về hai từ “linh hồn” đó, nhưng vẫn chỉ mơ hồ, không biết nó là cái gì. Vì vậy, khi chỉ còn hai phút nữa là hết giờ học, cô giáo đi xuống phía dưới lớp và hỏi: “Các em còn chỗ nào không hiểu không?”, tôi đã giơ tay hỏi: “Thưa cô, linh hồn là gì ạ?” Sắc mặt cô giáo đột nhiên trở nên lạnh lùng, thoáng ngập ngừng, sau đó hùng hồn nói: “Linh hồn? Linh hồn chính là tư tưởng!... Ngồi xuống! Hết giờ!” Năm đó, bài thi môn Chính trị của tôi được sáu mươi điểm. Đấy là lần đầu tiên tôi sẩy chân trong môn Chính trị, lần thứ hai khi đang học cấp ba, sự sẩy chân đó trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng không liên quan gì tới linh hồn cả. Từ đó tôi đã hiểu, trong giờ học môn Chính trị tốt nhất không nên đưa ra câu hỏi mà chỉ cần lắng nghe, học thuộc rồi đọc cho người khác nghe hoặc viết ra cho người khác xem là được.

“Linh hồn chính là tư tưởng!” Khi cô giáo dạy môn Chính trị thốt ra câu này, mặc dù mang chút tâm trạng nhưng câu này không sai. Trong Hán ngữ đại từ điển có năm cách giải thích cho từ “linh hồn”, một cách giải thích đó là “tinh thần, tư tưởng, tình cảm”. Nhưng sau này lại được một vài người tự cho mình là anh minh, giỏi giang diễn giải thành các câu cách ngôn kiểu như: “Tư tưởng là một kiểu của linh hồn”, “Tư tưởng là liều thuốc hay cho linh hồn”, khiến một vài người bắt đầu mất phương hướng. Rốt cuộc là tư tưởng của ai và linh hồn của ai đây? Không thể nói tư tưởng của mình chính là một kiểu khác và là vị thuốc tốt cho chính tư tưởng của mình được.

Chuyện càng nói càng xa, tóm lại một câu, từ “linh hồn” mà bây giờ mọi người hay nói không phải là “hồn” trong những câu chuyện ma quỷ mà chúng ta thường được nghe. “Hồn” nếu nói văn vẻ một chút, thì chính là “hồn linh”. Mà “linh hồn” có lẽ đã trở thành đề tài to lớn trong kho từ vựng ngày nay rồi. Còn về “hồn”, chẳng qua chỉ là “hồn” trong Tiêu dao luật mà Hán Hiến Đế xui xẻo đã hát thôi. Vì vậy, cuốn sách này chính là muốn nói tới “hồn” đó, khẳng định lại mội lần nữa, nội dung cuốn sách này đề cập đến “hồn” chứ không phải “linh hồn”.

Nhưng “hồn” này cũng không dễ bàn, theo cách nói của những người già thì con người sống có hồn, mà chết cũng có hồn. Vậy chúng ta muốn bàn tới “hồn” của người sống (tức sinh hồn) hay là hồn của người chết (tức quỷ hồn) đây?

Thực ra, những người bình thường khi sống, đại đa số không ai quan tâm tới “hồn” của mình vì mình còn có những vấn đề quan trọng hơn như ăn uống, quan hệ nam nữ…

Bạn bè gặp nhau, thăm hỏi chủ yếu là có khoẻ không, tinh thần thế nào, chu đáo hơn thì là mắt có bị mờ không, chân còn nhanh nhẹn không, chứ chẳng có ai hỏi: “Hồn của cậu có khoẻ không?” cả. Chỉ có những nhà đạo đức học, nhà tôn giáo và các chính trị gia là có thể có ngoại lệ, nhưng thứ mà họ quan tâm là “hồn” của người khác, còn về “hồn” của mình thì dường như chẳng để ý lắm. Vì vậy, thường xuyên xảy ra chuyện thế này, thiện nam tín nữ bị người thuyết giáo khuyên hoặc lừa lên thiên đường, nhưng bản thân người thuyết giáo lại phải xuống địa ngục, điều này cũng có thể do bản thân người đó không cẩn thận sẩy chân, nhưng đại đa số là vì họ cảm thấy ở dưới đó tốt hơn.

Còn về việc con người sau khi chết thật sự, thì ngoài hồn ra chẳng có thứ gì khác nữa, nói một cách chính xác hơn thì quỷ hồn và u linh, thực ra đã là dị vật, tức là “hồn” rồi. Một hồn đang phải chịu án chờ Diêm Vương phán xét, không thể tự chủ nữa, lúc này có muốn quan tâm, muốn tịnh hoá, muốn cải tạo,… nói gì cũng vô ích. Hồn này một khi đã “dị hoá” thành quỷ, liền mang theo nghiệt duyên ở nhân thế, giống như một lớp da vậy, không sao gọt hết, luật dưới âm phủ chỉ có trừng phạt, không có cải tạo, mà trừng phạt cũng không bao giờ rửa hết được tội nghiệt. Nếu những hồn này còn chưa uống canh mê hồn thì họ sẽ luôn nghĩ đến việc giá như kiếp trước mình sống tử tế hơn thì đã không đến nỗi này rồi.

Nghĩ đi nghĩ lại, lúc hồn được người ta quan tâm nhất, có lẽ chính là thời khắc giữa sự sống và cái chết, là người mà không phải người ấy, cũng chính vì cho dù hồn có chạy, có trốn, hoặc bị trộm mất, bị lừa mất bị bắt mất, nhưng vẫn chưa rơi vào quãng thời gian trước khi trở thành dị vật.

Còn sống hay đã chết, đây là hai việc đối lập, nhưng liệu có tồn tại một cảnh giới không sống mà cũng chẳng chết không? Sống là người, chết là ma, nhưng liệu có người nào ở trong trạng thái không phải người mà cũng chẳng phải ma không? Ổn định trường kỳ thì chắc chắn không có, nhưng tạm thời hoặc một thời gian ngắn thì không nơi nào không có, những trường hợp này ví dụ như hôn mê, phát điên, xuất thần, mất hồn,… Sau khi hồn rời khỏi xác, nằm lại đó là một thể xác không sống mà cũng chưa chết, còn phiêu du bên ngoài là một du hồn không phải âm cũng chẳng phải dương. Hình thần tương ly, nhưng cũng không hoàn toàn đoạn tuyệt quan hệ, chỉ cần có điều kiện thích hợp, chúng vẫn hợp làm một. Đấy chính là những “hồn” mà tôi muốn nói tới, bàn tới.

Ngoài ra cũng có một lượng lớn những hồn ở trạng thái từ sáng vào tối, cũng chính là muốn nói con người sau khi chết, hồn của họ sẽ thoát khỏi thể xác, bất luận đi một mình hay thành đôi thành cặp với những hồn khác dưới âm phủ, thì cũng là trên đường đi “gặp Diêm Vương”. Nhưng chỉ cần họ chưa vào Quỷ môn quan, hoặc vào Quỷ môn quan rồi nhưng chưa bị nhập hộ tịch dưới âm phủ thì vẫn chưa được coi là hồn “hợp pháp”. Giống như cuối đời Minh, một vị nào đó đã viết câu đối dán ở cửa điện Diêm Vương như sau: “Nếu chưa thành quỷ án, chưa vào cửa thì vẫn có cơ hội hồi sinh”, bởi nếu đột nhiên có công văn gửi xuống, nói là bắt nhầm hoặc tự người ấy tìm được bạn bè thân thiết, gặp được người quen dưới đó thì hồn của họ có thể được trả về dương gian nhân lúc thể xác còn chưa bị thối nát. Trạng thái lúc này nếu nói là tử vong, thì nói là hình thần tương ly sẽ hợp lý hơn, chết hay sống còn chưa chắc chắn, giống như những “nghi phạm” trên nhân gian. Hồn ở trạng thái này, cũng được tính là một trong những vấn đề sẽ được đề cập tới trong cuốn sách.

Phạm vi đề cập đến thì nhiều, nhưng không phải nội dung nào trong phạm vi ấy cũng được nói đến. Do sự nghiên cứu có hạn, cũng chỉ có thể nghĩ được đến đâu thì viết đến đấy thôi. Nhưng cũng có những đề mục, ví dụ như Mộng hồn, tài liệu về mộng hồn rất nhiều, chỉ sợ khi đề cập đến thì cuốn sách nhỏ này không thể nói hết được, nên không đưa vào nội dung. Đương nhiên, cũng có những việc liên quan đến hồn mà ngay từ đầu không nằm trong dự định của tôi, nếu như cảm thấy thú vị, ví dụ như “Di hồn đại pháp” thay tim tẩy não rồi mà vẫn còn ghê gớm, lợi hại chẳng hạn, cũng không phải không nói đến, có điều nó là ngoại lệ mà thôi.

Cũng có thể sẽ có độc giả cho rằng, nói về hồn thì thà nói về ma còn thú vị hơn. Thực ra cũng chưa chắc, nếu chỉ nói ma mà không đề cập tới hồn thì nó giống hệt Hà điển vậy. Có điều cuộc sống trên nhân gian thay đổi, chuyện ba cửa hàng chuyển vào trong quỷ cốc, ngoài những người có sự ham thích đặc biệt hoặc là chút khoái cảm nhất thời đối với khái niệm địa ngục thì có thể nói còn kém thú vị hơn cả chuyện nhân thế. Mà một khi có thêm “hồn” vào, kết nối hai thế giới âm dương với nhau, ba nick QQ có thể diễn một vở kịch rồi.

Đương nhiên, giống như tôi đã nói ở trên, hồn khiến người ta để ý, chỉ bởi vì nó đã lìa khỏi xác. Nhưng nếu hồn không ở trong xác, phiêu du vô định, thân không có hồn chủ, đối với con người mà nói, không nghi ngờ gì việc họ đang rơi vào một giai đoạn bất hạnh. Nhưng nếu giống những vở bi kịch trên sân khấu, hiện thực bất hạnh được nghệ thuật hoá một cách lãng mạn, cho dù tác giả không hề có ý “vui mừng trong hoạn nạn” thì kết quả lại khiến người xem có cảm giác như đang thưởng thức. Vì vậy, trong một vài câu chuyện dân gian và tác phẩm văn học, có những tình tiết kỳ diệu trong cuộc sống bất hạnh ấy.

Không chỉ dừng lại ở đây, trong những câu chuyện về thế giới u minh được lưu truyền trên nhân gian, luôn có một chủ đề mang “tính nhân dân”. Cho đến tận đầu đời thanh thì Bồ Lưu Tiên đã đưa ra một quan điểm rõ ràng, đó là: “Sống bị ràng buộc, chết không cấm kỵ!” (Con gái Lỗ Công) hoàn toàn tương phản với các loại thể chế chuyên chế của hệ thống minh phủ. Trong văn hoá u minh của người dân, quỷ hồn được tự do hơn sinh hồn, dường như con người khi đã chết thì hồn sẽ thoát khỏi “lưới hồng trần”, được giải thoát, những thứ như môn đệ, lễ giáo, pháp chế… không còn ràng buộc được họ nữa. Thế là họ có thể thoải mái yêu đương, kết hôn, thậm chí còn có thể vô duyên vô cớ báo thù lũ tham quan vô lại trên trần gian… Có thể nói, trong một bộ phận những câu chuyện ma, chúng ta thỉnh thoảng còn đọc được “nhân tính” thật sự, rất hiếm gặp trong những “câu chuyện về con người”! Nhưng cùng với việc âm phủ được xây dựng và dần hoàn thiện, nó chiếm lĩnh không gian sống của con người trên dương thế thì sự tự do của quỷ hồn ngày một hẹp lại. Kiểu vừa có thể thoát được lễ giáo phiền hà trên nhân gian, lại chưa phải hồn nằm trong pháp chế dưới địa phủ ấy, chỉ có thể thường gặp trong trạng thái “ly hồn”.

Trong những câu chuyện về âm phủ của Liêu trai chí dị, đề tài “ly hồn” rất cảm động. Hồn của những cặp đôi nam nữ đa tình nhưng phải sinh ly tử biệt khiến người ta phải xót xa, rồi những chuyện như tráng sĩ trên nhân gian xuất hồn đi xuống âm gian, báo thù những kẻ hống hách khiến người ta phải ngẩn ngơ.

Tôi nói tới những điểm tốt của hồn, không phải vì muốn quảng cáo cho cuốn sách này. Chữ nghĩa thì cũng bày cả ra đây rồi, một đề tài hấp dẫn như thế, những độc giả muốn đọc truyện ma, hoặc muốn đọc những câu chuyện ma khủng bố, cũng vẫn cảm thấy rất vô vị. Mặc dù nội dung có nhiều tình tiết hơn cuốn sách trước, thiếu phần nghị luận và dẫn văn, nhưng ngòi bút thiên tài hết thuốc chữa này vẫn chưa được cải thiện là bao, mặc dù kể chuyện không phải là nội dung chính của cuốn sách này, nhưng cũng là một phần cần thiết. Vì vậy, đối với những độc giả hiểu lầm đây là một cuốn truyện ma mà phải mất tiền oan, tôi cũng chỉ biết nói lời xin lỗi thêm lần nữa. Mặc dù khi bày tỏ tình cảm tôi thường ngượng ngùng không dám mở miệng, cảm thấy giống trò hề của những diễn viên trên sân khấu báo đáp lại tiếng vỗ tay của khán giả ở phía dưới, nhưng cuối cùng vẫn phải lấy hết dũng khí, nói lời cảm ơn với những nhà phê bình và những độc giả, bạn bè đã quan tâm tới cuốn sách trước của cuốn này. Đó hoàn toàn không phải vì sự khen ngợi quá mức của họ, mà nhờ những bình luận của họ khiến tôi có cảm giác vui mừng như tâm linh tương thông. Điều này đương nhiên cũng chính là nguyên nhân chủ yếu cổ vũ tôi viết tiếp đề tài này.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play