Vẫn bắt đầu bằng Tôn
Hành Giả, con khỉ này đã quệt mực lên sổ sinh tử, tiếp đó còn ăn đào
tiên của Vương Mẫu nương nương, ăn linh đơn của Thái Thượng Lão Quân,
như vậy Tôn Hành Giả quả thật “thị cùng với trời đất, sống cùng với
tháng năm”. Nhưng lão Tôn lại không ngờ rằng, hóa ra trường sinh bất lão cũng không thoát khỏi bệnh tật, hơn nữa lão Tôn sẽ rất nhanh được nếm
trải nỗi khổ đó. Ngọc Hoàng Đại Đế mời Phật Tổ từ Tây Thiên tới, nhốt
con khỉ dưới Ngũ Hành Sơn, chỉ cho lộ ra chiếc đầu khỉ. Khi khỉ đói thì
cho ăn sắt viên nung đỏ, khi khát cho uống nước đồng nung, gió sương đâm xé da thịt, mưa băng, nắng gắt đốt da đó là chuyện thường tình, còn thả côn trùng chui vào hai lỗ tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng, đủ để lão
Tôn chịu đựng. Lúc này lão Tôn đâu có hy vọng “năm trăm năm sau thành
hảo hán”, vậy cái “bất tử”của ông đã trở thành “mong chết mà không
được”, trở thành nỗi khổ hình vô hạn. Vậy là, cho dù lúc đó ông nghĩ
những gì, là “không có tự do, thà chết còn hơn”, hay là “ chết thanh
thản còn hơn sống vật vờ”, tất cả đều vô dụng, mà mục tiêu khác trong
đời người đã được thể hiện rất rõ ràng, đời người không chỉ là dài hay
ngắn, mà còn có thêm vấn đề chất lượng, cũng có nghĩa là “chỉ số hạnh
phúc”. Ai cũng có thể nhận ra rằng, “chỉ số hạnh phúc” của lão Tôn dưới
Ngũ Hành Sơn đã hạ thấp đến con số âm.
Đời người - nội dung quan
trọng này đương nhiên cũng được thể hiện trong sổ sinh tử. Quan lại
trong điện Diêm la dường như cũng rất có ý thức hướng tới tương lai, vì
thế họ đã định ra “chỉ số hạnh phúc” cho xã hội loài người và đến nay
cũng không hề bị lỗi thời, đó chính là ăn uống, trai gái và thăng quan
phát tài. Từ đó các loại sổ thực phẩm, sổ công danh được ra đời.
1
Trong các câu chuyện ma quỷ, ngoài sổ sinh tử, loại sổ được bàn đến khá nhiều đó là “sổ thực phẩm”. Sổ thực phẩm là hồ sơ để các quan âm phủ ghi lại
tất cả các loại thực phẩm, số lượng thực phẩm mà một người dùng trong
suốt cuộc đời. Một cá nhân được chỉ định có thể hưởng dùng một lượng và
chủng loại thực phẩm nhất định, sau khi đã dùng hết, không còn gì nữa,
hoặc là bày thức ăn ra trước mặt anh cũng không thể nuốt nổi nữa, lúc
này anh không muốn gặp Diêm Vương cũng không được.
Động cơ sáng
tạo quyển “sổ thực phẩm” này đương nhiên cũng xuất phát từ thuyết định
mệnh. Trong quyển Tiền định lục của Trọng Lộ, người thời Đường có ghi,
dưới âm phủ có chức quan chuyên quản lý vấn đề thực phẩm trên trần gian, vấn đề thực phẩm của mỗi cá nhân lại được âm phủ quản lý bằng một quyển sổ riêng. Những người có chức quan từ tam phẩm trở lên, thực phẩm hằng
ngày sẽ do Diêm phủ cấp phát, chức quan ngũ phẩm trở lên sẽ được cấp
phát theo tuần, chức quan từ lục phẩm đến cửu phẩm được cấp phát theo
quý, người dân thường không có lộc vị sẽ được cấp phát theo năm. Quy
định cấp phát như vậy cũng khá hợp tình hợp lý, bậc quan nhân quý tộc hễ tổ chức ăn uống là coi như tương đương với gia sản của một gia đình
trung lưu, làm sao quy ra được số lương thực ít ỏi cả năm của những
người dân lao khổ! Nhưng việc cấp phát ở đây lại có một tầng nghĩa khác, đó là số thực phẩm dùng hằng ngày của lớp quan nhân quý tộc đều có quy
định, cho dù là bữa ăn giá trị vạn tiền của Nhiệm Khải, hay lối sống xa
hoa của Vương Tế, cũng đều được Diêm Phủ sắp xếp, còn đối với tầng lớp
thảo dân, cấp cho anh lượng củ cải đường dùng cho một năm, khi bận thì
ăn khô, khi nhàn tản thì ăn canh, anh muốn chế biến thế nào đó là việc
của anh, có trời mới rảnh rỗi giúp anh soạn thực đơn hằng ngày! Đương
nhiên cũng có thể gọi một cách dễ nghe hơn là “sống theo tập thể sẽ
thiếu tự do”.
Dựa theo những kiến thức trong xã hội loài người,
việc này quá hợp tình hợp lý, tuy nhiên nó cũng chỉ là cách nói của
riêng Tiền định lục. Nếu như việc ăn uống đều phải được sắp đặt trước,
Phật gia và chúng sinh bình đẳng với nhau, ngay cả những loài động vật
nhỏ bé như chim sẻ, chuột cũng không phải là ngoại lệ, mỗi một đĩa cải,
đĩa rau của người dân thường cũng không được ăn tự do. Vì thế, quan điểm thường thấy là không phân biệt giàu nghèo, trên có Đế Vương, dưới là ăn mày, thực phẩm sử dụng trong cả cuộc đời họ đều được chuẩn bị trước.
Nhưng cách nói này cũng phân ra làm hai trường phái, phái không gian và
phái thời gian.
Theo quan điểm của phái thời gian, tất cả mọi
người trong thiên hạ đều ăn uống theo sự sắp đặt trước, thời gian, địa
điểm đều do trời định, ăn ít hay ăn nhiều không phải cứ muốn là được.
Mỗi ngày, mỗi bữa ăn những gì, trong sổ thực phẩm đều đã ghi rõ, chỉ
định cho anh ăn, anh muốn ăn ít đi một miếng cũng không được, tương tự,
chỉ định anh không có phúc ăn uống, dù thức ăn có bày ra trước mặt anh
cũng không cho được vào miệng. Trong quyển Dật sử, thời Đường có câu
chuyện như sau: “Tại huyện Vạn Niên có vị quan bắt trộm họ Lý, một hôm
ông tổ chức bữa tiệc chiêu đãi, mời bạn bè tới ăn món cá lát xào tại nơi làm việc. Trong đó có một vị khách bất ngờ đến, chần chừ không chịu đi, rõ ràng là muốn tới đây ăn cơm, nhưng vẻ mặt lại tỏ ra rất kiêu căng,
không tỏ ý muốn ở lại. Quan Lý thấy vậy rất tức giận, bèn hỏi người đó
có tài năng gì. Người đó đáp: “Ta biết hôm nay ngài dùng những thực phẩm gì.” Quan Lý lại hỏi: “Vậy ngươi xem trong bữa cơm ngày hôm nay, những
người ở đây ai không ăn được?” Ý ông muốn nói không muốn cho người này
ăn. Không ngờ vị khách này mỉm cười đáp: “Trong tất cả những người ở đây chỉ có ngài là không được ăn.” Quan Lý nổi giận: “Làm gì có lý đó! Bữa
cơm này do ta làm chủ, sao ta lại không được ăn?” Đang nói, quan Lý thấy một người thúc ngựa đi tới, nói Triệu Dẫn đại nhân nơi kinh thành đang
cần triệu Lý mỗ gấp. Quan Lý không dám không đi, bèn bảo mọi người ăn
trước, còn nhắc nhà bếp để lại cho mình hai đĩa. Rất lâu sau, quan Lý
mới trở về, mọi người đều đã ăn xong, trên bàn bày hai đĩa cá để lại
phần ông. Vị quan bổ đầu cởi áo ngồi xuống ghế, cầm đũa lên, miệng mắng
vị pháp sư vừa rồi, rằng: “Chẳng phải bây giờ ta đã được ăn cá sao,
ngươi còn ngồi đây làm gì?” Vừa nói dứt lời, từ trên trần nhà có một
miếng vữa to chừng ba mươi centimet rơi xuống giữa bàn, khiến đĩa cá vỡ
tan thành từng mảnh, thịt cá và vụn vữa hòa lẫn vào nhau. Lúc này Lý bổ
đầu vẫn cố nén cơn giận, nuốt miếng cá như đang nuốt một cục rác vào
bụng.
Tương tự, trong cuộc đời, có lúc muốn không ăn cũng không
được. Quyển mười, cuốn Tử bất ngữ có ghi lại câu chuyện về một người tuy nghèo khổ nhưng cũng thấy vui, đấy được coi là đại diện cho phái này:
“Bờ bắc sông Trường Giang có vị Trương tú tài, mỗi năm anh đều đến Nam
kinh dự thi, và đều sống trong chùa Báo n. Sau khi trụ trì của chùa là
Ngộ Tây qua đời, Trương tú tài cũng tỏ lòng đau xót vô hạn, nhiều ngày
bỏ không ôn bài. Năm nay, học trò của Ngộ Tây qua sông tới thăm, nói nằm mơ gặp thầy của mình, bảo ông giục Trương công tử đi ứng thí, nói rằng
lần này nhất định Trương công tử sẽ trúng bảng. Trương tú tài nghe vậy
vô cùng vui mừng, liền hứng khởi qua sông đi ứng thí. Nhưng khi kết quả
được đưa ra, tú tài vẫn “trượt”. Trương tú tài vô cùng tức giận, chửi
mắng vị hòa thượng nọ, trù cho ông ta chết không được yên. Đêm hôm đó
Trương tú tài nằm mơ thấy Ngộ Tây đến nói rằng: “Năm nay Diêm phủ phái
lão tăng phân tán chỗ cơm cháo chuẩn bị cho khoa trường. Nhưng một người không tới, lão tăng không biết tống tán chúng đi đâu. Trong đời công tử đã tham gia ba kỳ khoa trường, vậy công tử phải ăn mười một bát cơm và
cháo, vì thế ta đã nhờ tên học trò ngu ngốc của ta tới mời công tử đi.”
Nếu như ăn cái gì cũng đều do số phận sắp đặt, vậy thì người nào, vật nào
bị ăn cũng không ngoại lệ. Cũng có nghĩa là, chỉ cần số phận sắp xếp anh phải làm đồ ăn cho người khác thì anh đừng mong thoát khỏi lưới trời.
Bắt đầu từ thời Đường, không ít những câu chuyện đều nói tới những chú
cừu, chú dê bị giết lấy thịt, sau đó đến chỗ Diêm Vương kêu kiện, kết
quả khi tra sổ âm phủ, thì đó là số mạng đã sắp đặt anh như thế, nên anh phải làm đồ ăn cho vị đại nhân nọ. Vì thế, những oan hồn này cuối cùng
lại trở thành những hồn ma gian xảo. Bò dê đã như vậy, vậy nếu là những
người dân thì sẽ ra sao? Bò, dê, người dân hiểu được những điều này, thì sự hòa hợp tốt đẹp giữa âm dương hai giới tất sẽ được bảo đảm, những
năm tháng thái bình không địa ngục, không nhục hình sẽ không còn xa nữa.
Còn theo quan điểm của phái không gian, chỉ quản lý vấn đề thực phẩm cả đời của một con người, vậy thì tổng số lượng phải là một số nhất định, thế
còn thời gian, địa điểm ăn lại không được quản lý chặt như vậy, cũng có
nghĩa là, cho dù là lúc nào, chỉ cần anh ăn hết đồ ăn là được mời đến
báo cáo Diêm Vương. Trong Ngọc đường hiếm thoại của Vương Nhân Dục thời
Ngũ Đại viết, Diêm phủ không những có kho hồ sơ chuyên lưu giữ “sổ thực
phẩm” của nhân gian, mà còn có cả một “kho thực phẩm” thực sự. Bất kỳ ai trong đời cần ăn bao nhiêu thực phẩm đều được để trên một mảnh đất
trống dưới âm phủ, bên trên có cắm tấm biển ghi họ tên của người đó.
Đương nhiên, những chú gà, vịt, bò, dê mà người này phải ăn cũng đều
được nuôi ở đó, hơn nữa còn được ghi chú tên chủ sở hữu. (Còn như con bò hoặc con dê này là do mấy người cùng ăn, thì sẽ giải quyết như thế nào? Còn có Vương Tam Tỉ mười bảy năm rưỡi ăn rau dại, lẽ nào cũng có mấy
hec ta đất chuyên trồng rau dại dành cho Tam Tỉ? Hơn nữa lại không lo
cho chúng?) Trong Liêu trai có mẩu truyện Lộc số viết, có một kẻ làm
quan từng làm rất nhiều việc bất đạo. Một người tu luyện tự xưng có thể
biết được tuổi thọ của người khác, nói rằng kẻ nọ chỉ có thể ăn thêm
được hai trăm đấu gạo, bốn trăm đấu bột mỳ nữa. Kẻ nọ tính toán lượng
gạo và bột mỳ một người ăn một năm không quá hai mươi đấu, như vậy ít
nhất mình có thể sống thêm được hai mươi năm nữa, thế là ông ta càng
không kiêng kỵ gì. Chẳng ngờ ông ta bỗng nhiên mắc bệnh lạ, một ngày ăn
mười bữa, chưa đến một năm ông ta đã ăn hết chỗ gạo và bột mỳ còn lại
của cuộc đời mình. Điều khiến người ta không thể hiểu nổi, đó là ông ta
đã biết số gạo và bột mỳ là có hạn, thì “tại sao không đi ăn thịt nhỉ?”
Nếu nói rằng phái thời gian nói thay cho giới Phật môn, thì phái không gian lại bị các nhà đạo đức học lợi dụng, vì thế cho rằng âm ti tạo ra sổ
thực phẩm, mục đích là khiến con người biết “trân trọng phúc phận” của
mình. Nếu như kiếp này đã có lượng thực phẩm với số lượng cố định, vậy
thì anh càng trân trọng thực phẩm thì anh càng trường thọ. Ngược lại,
nếu anh lãng phí của trời, tức anh ăn hết chúng sớm, thì đương nhiên anh sẽ rời bỏ thế gian này sớm. Tác phẩm Lạc thiện lục của Lý Xương Linh có viết, trong trường Thái học có hai học trò sinh cùng giờ, cùng ngày,
cùng tháng, cùng năm, có lẽ số mệnh của họ cũng giống nhau, số lượng
thực phẩm bọn họ ăn ít nhiều cũng như nhau. Hai người sau này được làm
quan, trong đó một người chết sớm, bèn báo mộng cho người kia rằng:
“Trước đây ta sinh ra trong giàu sang phú quý, tiêu dùng quá lãng phí,
vì thế mà ta chết sớm. Còn các hạ sinh ra trong hoàn cảnh hàn vi, chưa
được hưởng thụ nhiều, vì thế mà vẫn sống.” Rồi người đó kết luận rằng:
“Con người không nên hưởng thụ và sử dụng quá mức.” Câu nói này nghe rất hay, nhưng hai chữ “quá mức” ở đây lại vô cùng linh hoạt, con người mỗi người có một “mức” khác nhau, vẫn còn không gian lớn dành cho các đại
nhân và lão gia thả sức xa xỉ.
2
Sổ thực phẩm và sổ sinh
tử tạo nên hai loại thước đo, một là lấy thời gian sống làm giới hạn,
một lấy số lượng thực phẩm phải ăn trong đời làm giới hạn, người ta nên
nghiên cứu xem nên dựa theo tiêu chuẩn nào để kết thúc cuộc đời của
mình. Nhưng từ câu chuyện của Lý Xương Linh có thể thấy rằng, nếu như
coi sự phóng túng và tiết kiệm thực phẩm là chiếc van khống chế cuộc
đời, vậy thì giữa hai quyển sổ này vẫn có thể thông cảm được cho nhau.
Nhưng điều này dường như chỉ phù hợp với những người giàu sang phú quý,
còn đối với người nghèo, chút thực phẩm đó nếu “trân trọng” một chút thì bụng sẽ lập tức đứng lên đấu tranh, còn nếu làm cho no bụng thì lại
đoản thọ. Trong quyển Chí lâm của Tô Đông Ba có đoạn viết vui thế này:
Nhan Hồi ăn cơm bằng rá, uống nước bằng vầu nên không tránh khỏi cái
chết yểu, nếu như ông ta mỗi lần có thể ăn được hai rá cơm, hai vầu nước thì chắc chắn muốn sống đến năm hai mươi tuổi xem chừng cũng khó!
Tuy nhiên, những kẻ giàu sang phú quý lại không muốn “trân trọng phúc
phận”, cứ mở tiệc rượu là lên tới hàng ngàn, hàng vạn đồng, ăn không hết thì đổ đi, không hề tiếc rẻ. Nếu bạn nói với anh ta rằng, tuy chỗ đồ ăn đó được kê khai vào quỹ công, nhưng lại nằm trong sổ thực phẩm của anh, liệu anh ta có tin không? Anh ta không tin, và người dân thường cũng
không tin, rõ ràng là mồ hôi nước mắt của chúng tôi, dựa vào cái gì mà
các người tính đó là phúc phận của tôi? Cho đến lúc bệnh gan nhiễm mỡ
tìm đến, cholesterol trong máu tăng cao, anh làm điều ác giờ đây bị báo
ứng, có lẽ lúc này anh ta mới nghĩ tới việc “trân trọng phúc phận”,
nhưng cũng như viên quan tham ô, ngồi trong tù rồi mới nghĩ tới “bà con, cô bác nơi quê nhà”. Đến lúc này, mệnh trời đã định, anh có điều chỉnh
lượng thực phẩm của mình như thế nào cũng vô tác dụng mà thôi.
Tác phẩm Tuyên thất chí của Đới Phù có viết, Lý Đức Dục là tướng quốc nhà
Đường, bị cách chức đi Lĩnh Nam. Trước khi lên đường, ông hỏi một vị hòa thượng xem liệu ông có được quay trở lại miền Bắc hay không. Vị hòa
thượng nói: “Lúc bình sinh, tướng quốc chỉ được ăn một vạn con dê, nay
tính ra đã được chín nghìn năm trăm con rồi. Vì thế ngài trở lại miền
Bắc là vì vẫn còn năm trăm con dê đang chờ ngài quay trở lại ăn.” Ai ngờ vừa nói xong, quan sai của Tiết độ sứ Trấn Vũ trình lên một lá thư,
đồng thời tặng cho tướng quốc năm trăm con dê (Khi vị quan sai này xuất
phát chắc chắn vẫn chưa nhận được tin Lý Đức Dục đã bị giáng chức.) Lý
Đức Dục vô cùng kinh hãi, nói với hòa thượng rằng: “Ta không ăn chúng,
như vậy chắc có thể tránh được chứ?” Hòa thượng đáp: “Dê đã được đưa đến nơi này, chúng đã thuộc quyền sở hữu của tướng quốc, ăn hay không thì
chúng cũng đã được ghi dưới tên của ngài rồi.” Vì thế, Lý Đức Dục giáng
chức đi Triều Châu, sau đó đi Nhai Châu, và trút hơi thở cuối cùng tại
một nơi hẻo lánh của tỉnh Hải Nam. Cũng một câu chuyện đại loại như vậy, Dung ảm bút ký của Tiết Phúc Thành kể, có người lúc bình sinh rất thích ăn vịt, mỗi bữa đều phải giết một con làm thịt ăn. Một ngày, anh ta nằm mơ thấy mình lạc tới một đầm nước. Trong đầm nước có một đàn vịt béo
đang bơi lội, người trông vịt nói: “Đàn vịt này là để cho ngươi ăn!” Lúc tỉnh dậy người này tự cảm thấy rất vui, và giết vịt ăn một cách vô độ.
Nhưng về sau anh ta lại mơ thấy mình đến đầm nước nọ, lúc này số vịt
trong đầm còn lại không nhiều. Sau khi tỉnh lại, anh ta vội vã lệnh cho
người nhà không được giết vịt nữa. Thật trùng hợp, không lâu sau anh ta
mắc bệnh nằm liệt giường, họ hàng, bạn bè đến thăm nom, ai đến cũng mang cho anh một con vịt đã được làm chín. Anh ta đếm, trùng khớp với số vịt mà anh đã thấy trong mơ, vừa ngạc nhiên vừa sợ, rồi đột nhiên anh ta
kêu lên một tiếng buồn bã. Thường ngày thích ăn thứ đó, bỗng nhiên bị
cấm không được ăn, thói quen đó làm sao có thể thu lại được. Xem ra phái không gian cuối cùng cũng vẫn phải quy thuận phái thời gian, càng nhiều càng khó tránh (chết sớm).
Tiết kiệm ăn uống có thể giảm béo,
nhưng có thể cứu được mạng sống hay không thì rất khó nói. Nhưng nếu
không muốn sống nữa, anh cứ việc ăn nhiều, uống nhiều, cho dù không đạt
đến cấp độ căng bụng mà chết, nhưng việc giảm thọ sẽ có khả năng thành
công rất lớn. Nhưng có kẻ nào khờ khạo đến vậy không? Đương nhiên là có, hơn nữa, chưa hẳn tất cả đều là những kẻ khờ khạo. Bậc đại hiền như Tín Lăng Quân - Tứ công tử thời Chiến Quốc đã từng dẫn quân binh năm nước
đánh bại quân Tần, lập công lớn gây chấn động các bậc đế vương, bị kẻ
xấu lên kế hoạch hãm hại, đồng thời bị giáng chức. Từ đó, ông “ngày đêm
rượu chè, khách khứa, ham vui tửu sắc”, chỉ trong bốn năm ông mắc bệnh
nặng mà chết. Tín Lăng Quân chết được mười tám năm thì nước Ngụy suy
vong, giang sơn chuyển sang quyền cai quản của nhà Đại Lương. Đó là hậu
quả mà Tứ công tử nước Ngụy cho dù chết sớm cũng không mong được chứng
kiến.
Có lẽ mọi người cho rằng câu chuyện ở đây không hề nhắc tới sổ thực phẩm, vậy thì tôi lại kể đến một sự việc khác. Tuy chỉ là một
câu chuyện, nhưng nhân vật trong đó là có thực, rõ cả họ cả tên.
Câu chuyện được kể trong Tử bất ngữ xảy ra vào năm Khang Hy. Huyện lệnh
huyện Thạch Khang là Uông Dĩ Hân, có người bạn thân họ Lâm. Lâm Mỗ chết
sớm, sau đó được làm thần thổ địa vùng Thạch Khang. Hai người tuy âm
dương cách biệt nhưng hằng đêm họ vẫn gặp nhau trong mơ, vui vẻ như khi
còn sống. Một đêm, Lâm thổ địa nói với Uông Dĩ Hân rằng: “Nhà huynh gặp
nạn, đệ không dám không nói cho huynh biết, trời định mẫu thân của huynh bị sét đánh chết.” Uông Dĩ Hân kinh ngạc, kêu khóc van xin Lâm Mỗ cứu
mẫu thân mình. Nhưng Lâm thổ địa nói: “Đây là cái nghiệt của kiếp trước, đệ chỉ là một viên quan nhỏ, làm sao có thể cứu được?” Uông Dĩ Hân vừa
khóc vừa van xin, Lâm Mỗ nói: “Chỉ có một cách, huynh nhanh chóng tận
hiếu đạo làm con, tất cả những đồ ăn, đồ uống, chăn màn, quần áo thường
ngày bà dùng, tất cả chuẩn bị gấp mười lần bình thường, huynh chịu lãng
phí một chút, như vậy tất cả số lộc trong đời cụ đã hưởng hết, lúc đó cụ sẽ ra đi, huynh có thể tận hiếu đến việc cuối cùng, khi đó Lôi thần có
đến thì cũng chẳng có việc để làm nữa rồi.” Uông Dĩ Hân làm đúng theo
lời Lâm thổ địa, quả nhiên đã tiễn mẫu thân của mình lên đường sớm. Ba
năm sau, trong một trận mưa gió bão bùng, Lôi thần ghé thăm nhà Uông Dĩ
Hân, một tia điện cứ lia vòng quanh chiếc quan tài bà cụ đang nằm, mùi
sulfur bốc lên nồng nặc khắp nhà, nhưng không tìm thấy mục tiêu, tia sét đó không đánh xuống được. Lôi thần không biết phải báo cáo với Diêm phủ thế nào, đành giáng xuống phá tan ngôi nhà rồi đi, tượng thần thổ địa
bị đánh cho nát vụn,
Tận hiếu là một phẩm chất tốt đẹp, nhưng
không nên tận hiếu đến quá mức, phá hoại thiên vật để mang danh tận
hiếu, như vậy lại thành mang cái chết đến nhanh, hiển nhiên không thể
chọn phương án này được, trừ phi chết muộn hơn nhưng phải chịu bị sét
đánh. Nhưng từ đó chúng ta cũng phải nghĩ rằng, tự tìm đường chết để
tránh né sự trừng phạt của trời, cũng có thể coi đó là kế sách hay giúp
đưa lũ dân tặc ngu ngốc vào nhà đá.
Vũ An Hầu Điền Phẫn sau khi
chết không lâu, vụ việc ông câu kết với Hoắc Nam Vương bị bại lộ, Hán Vũ Đế căm hận nói rằng: “Tiếc là hắn chết sớm, nếu không ta sẽ diệt cả
dòng tộc nhà hắn!” Có lẽ vào thời bấy giờ, người chết rồi sẽ được miễn
sự truy cứu của pháp luật. Vì thế, một số tham quan khi có dự cảm sự
việc không được thuận lợi, bọn chúng sẽ “hi sinh vì nhiệm vụ” trước, như vậy không những bảo toàn được số tiền đã tham nhũng và cuộc sống hạnh
phúc của người thân, mà bản thân mình còn được truy điệu tử tế. Người
dân nói: “Không phải không báo ứng, mà là thời điểm chưa chín muồi.”
Nhưng nếu không đợi thời điểm đến mà hắn đã trốn thoát, vậy anh còn báo
ứng cái gì đây? Vì thế, kẻ tham quan sáng suốt tốt nhất là hãy biết
“chọn ngày mà chết”, chỉ cần chú ý đừng chết trên giường của gái điếm
trong khách sạn là được, thông thường trường hợp đó không thể gọi là hi
sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ được, mặc dù “nghề” của hắn vốn là làm
những việc như vậy.
3
Gần giống với sổ thực phẩm là sổ lợi lộc, có điều, sổ thực phẩm chỉ giới hạn trong nội dung ẩm thực, còn sổ
lợi lộc lại bao gồm tất cả thu nhập trong đời, không chỉ có tiền lương,
lương thực được cấp phát, mà cả những khoản tham ô, bóc lột của quan
lại, thổ phỉ cũng nằm trong đó, chỉ cần anh không bị tóm và nôn chúng
ra. Nói rằng mỗi người đều có một quyển sổ này, nhưng thực ra nó chẳng
liên quan gì đến người nghèo, hỏi “lợi lộc” của người nghèo chẳng khác
nào anh tìm ăn mày đòi danh thiếp, như vậy có khác nào anh định lấy họ
ra làm trò cười. Nhưng Diêm phủ lại khăng khăng đòi bình đẳng, có tiền
hay không có tiền đều phải ra ngân hàng lập một tài khoản, thôi thì đành vậy, chỉ có điều sổ tiết kiệm của người nghèo cũng chỉ là những phiếu
cơm bắt buộc phải tiết kiệm mà thôi.
Lộc có hai loại, cũng có thể nói là ba loại, đối với quan thần thì là “lộc quan”, là lượng thóc gạo, vàng bạc do triều đình cấp, đối với người bình thường thì nó là “lộc
lãi”, nếu ngay cả “lộc lãi” cũng không có thì chỉ có “lộc ăn uống” - là
những phiếu ăn. Nhưng trong sổ Diêm phủ, lộc quan không được sạch sẽ như bảng lương hằng tháng, mà tất cả những khoản thu nhập đen, bao gồm các
nguồn thu phi pháp như tiền hối lộ, quà tặng, cướp bóc, chỉ cần “đời anh nên có” thì chắc chắn chúng sẽ được ghi vào sổ này. Về mặt pháp luật ở
dương thế, chúng được coi là bất hợp pháp, chỉ cần âm phủ ghi án vào sổ
lợi lộc, “số mệnh được chỉ định”, thì đó không những hợp lý mà còn hợp
pháp, hơn nữa đó còn là cái mà thần thánh không thể xâm phạm, bởi “mệnh” là thứ ông trời đã an bài mà không ai có thể can thiệp được. Trong
chương Núi phá tiền, quyển m sơn bát cảnh, tôi đã từng nói tới câu
chuyện giữa Lô Hoài Thận và Trương Thuyết, Diêm phủ đã mở một xưởng đúc
tiền dành riêng cho Trương Thuyết, vậy anh có thể nói những khoản thu
nhập đen này là không hợp pháp ư? Vì vậy, nhìn thấy người ta vàng bạc,
của cải đầy cửa, núi vàng, núi bạc lần lượt khuân về nhà, thì những
ngưởi dân thường chúng ta tốt nhất đừng nên than thở gì, càng không cần
đem luật pháp dương gian ra để nói, chỉ cần nhớ rằng, đó là số mệnh của
người ta! Đây chính là chân lý mà “sổ lợi lộc” muốn nhắc nhở chúng ta.
Đương nhiên, không chỉ hiện nay, mà ở thời cổ đại, những tên tham quan cỡ lớn chỉ là thiểu số, bởi mồ hôi xương máu của người dân là có hạn. “Đi ngàn dặm để nhận chức quan, cũng chỉ vì vấn đề ăn mặc”, làm quan là bát cơm
của người đọc sách, vì thế làm quan sớm hay muộn, quan to hay quan nhỏ,
giữ chức lâu hay chỉ tạm thời, cuối cùng cũng quy kết về một chữ “lộc”.
Nói ngược lại cũng vậy, sổ lợi lộc chính là quyển sổ ghi lại hành trình
phía trước của những kẻ làm quan.
Trong những cuốn tiểu thuyết,
người ta chưa xác định các danh mục của sổ lợi lộc, có quyển ghép lợi
lộc và tuổi thọ lại cùng nhau để bàn luận, rồi gọi chung là “sổ lộc
thọ”. Chương Trong ruộng có chôn tiền, quyển mười, cuốn Di Kiên chí bổ
của Hồng Mại viết, huyện Thụy An - Ôn Châu có người thợ mộc tên Vương
Tuấn, năm đó mười bảy, mười tám tuổi. Một hôm, cậu ta nằm mơ thấy mình
đi vào phủ quan, gặp quan âm phủ đang ôm hồ sơ đi qua. Vương Tuấn liền
hỏi, viên quan đó đáp: “Đây là sổ lộc thọ của người trần thuộc sự quản
lý của ta.” Mà huyện Thụy An lại vừa đúng nằm trong sự quản lý của ông
ta. Thế là Vương Tuần van xin mãi, mong được biết những gì mình được
hưởng trong đời. Sau khi lật tìm, viên quan âm phủ để cậu ta xem, bên
trên viết: “Ruộng không quá sáu mươi mẫu, thọ không quá tám mươi tuổi.”
Dựa theo quyển sổ đó, lộc và thọ đi cùng với nhau, đây là kiến thức mà
người thường nào cũng biết: người chết rồi, tiền lương hay tiền dưỡng
lão sẽ không được cấp phát nữa. Nhưng rất ít người có “tư duy ngược
chiều” như vậy, nếu dứt khoát không lĩnh nhận khoản tiền lương mà mình
được phép có trong đời, thì có phải sẽ kéo dài tuổi thọ, thậm chí có thể không chết hay không? Và thế là có người thông minh biết trước số lương thực của mình lúc bình sinh là có hạn, bèn dùng cách tẩy chay các khoản lộc mà mình được hưởng để kéo dài tuổi thọ. Di kiên chi chí đinh tập,
quyển một có câu chuyện như sau: “Quách Đại Nhiệm nhận lệnh tới làm tri
phủ huyện Vu Tiềm, Hàng Châu. Trước khi đi nhậm chức, ông nằm mơ có
người đến đưa cho ông một trăm quan tiền và một thưng gạo, nói rằng:
“Lộc khoa của lão huynh lúc bình sinh chính là đây.” Sau khi tỉnh dậy,
Quách Đại Nhiệm tỏ ra buồn rầu, nếu như lộc ta được hưởng chỉ ít như
vậy, chẳng khác nào vừa nhận chức đã chết hay sao, vậy tiền đồ của ta
còn gì nữa đây? Thế là ông ta thà chết chứ không chịu đi nhận chức. Ông
ta không nhận phần bổng lộc này, và đương nhiên cũng không chết được, cứ như vậy nhiều năm trôi qua. Nhưng về sau, triều đình điều tra ra việc
đó, lại bổ nhiệm cho Quách Đại Nhiệm làm huyện lệnh huyện Kiến Đức,
Nghiêm Châu. Vốn là một thư sinh nghèo, lúc này kinh tế gia đình đang eo hẹp, người nhà cầu xin ông đi nhận chức để giải quyết tình hình túng
thiếu hiện nay, đương nhiên không phải chỉ vì “một trăm quan và một
thưng gạo” phần bổng lộc hàng tháng. Quách Đại Nhiệm đành chấp thuận,
sau khi nhận chức, lần đầu tiên ông nhận “một trăm quan và một thưng
gạo”, nhưng trước ngày phát bổng lộc của tháng thứ hai một ngày, Quách
Đại Nhiệm đã qua đời.
Có thể thấy, chỉ cần Quách Đại Nhiệm không
lĩnh khoản bổng lộc “một trăm quan và một thưng gạo” đó thì ông ta có
thể sống mãi mãi. Như vậy, Quách Đại Nhiệm quá vớ bở rồi còn gì! Nhưng
ông trời không dễ bị chơi khăm như thế, bởi đến khi nhà túng đến mức
không có gì ăn, anh không lĩnh khoản lộc quan đó thì cũng vẫn chết vì
đói mà thôi, do vậy, cuối cùng Quách Đại Nhiệm vẫn phải đi nhận chức
quan. Nói mãi, cuối cùng vẫn không thoát khỏi cái “mệnh”.
Hơn nữa còn có cách nói rằng, nếu giữ chức quan mà chỉ ăn không ngồi rồi thì
tuổi thọ của người đó cũng bị quan dưới âm ti cắt bớt, giống như Quách
Đại Nhiệm trốn ở nhà không đi nhận chức, không khéo đến một ngày nào đó, ngay cả khoản bổng lộc “một trăm quan và một thưng gạo” cũng bị bốc hơi mất. Điều này cũng có câu chuyện để chứng minh. Trong Bắc đông viên bút lục tục biên của Lương Cung Thần, quyển năm có chương Dung sư chiết
lộc, đây là chương ghi lại câu chuyện tách rời thọ và lộc: “Huyện Ngân
tỉnh Chiết Giang có một người học trò, viết văn cũng khá nhưng luôn lận
đận lúc khoa cử. Một ngày, anh ta nằm mơ thấy mình xuống âm phủ, ở đó
anh gặp một viên quan nhỏ, người đó lại chính là người bạn đã mất của
mình. Thế là anh ta liền hỏi dò số công danh bổng lộc của mình ra sao.
Viên quan kiểm tra trong sổ âm phủ, rồi nói: “Thọ của huynh chưa hết
nhưng lộc thì đã hết rồi, không lâu sau huynh sẽ được ghi vào danh sách
chết, còn trông mong gì về công danh nữa!” Người này nói: “Thường ngày
ta chỉ biết dạy học kiếm sống, càng chưa từng phung phí quá mức bao giờ, vậy tại sao lộc của ta lại hết trước?” Quan âm phủ thở dài, nói: “Huynh nhận tiền học phí của người ta mà lại dạy dỗ qua loa, không nghiêm túc. Theo luật pháp âm phủ, ngồi mát ăn bát vàng, không làm đòi hưởng lợi
thuộc vào tội lãng phí, bị phạt trừ hết mọi bổng lộc mà người đó được
hưởng, để bù vào những gì anh lấy không của người khác. Người có bổng
lộc làm quan thì cắt bổng lộc, người không có lộc làm quan thì cắt lộc
ăn uống.” Quả nhiên không lâu sau, vị thư sinh này mắc chứng nghẹn khi
ăn, không nuốt được gì hết, lúc này dù tuổi thọ của anh chưa hết thì anh vẫn không thể không chết.
Nhưng những chuyện đó đều là việc của
người dân không có lộc quan, còn những kẻ gian ác số một như Tần Hội lại không thấy Diêm phủ động đến một sợi lông chân của ông ta, hằng ngày
ông ta vẫn ăn no ngủ say, khi chết được chết tại nhà. Nhưng nói đi thì
cũng phải nói lại, có thể Tần Hội lại chính do ông trời phái xuống để
thực hiện nhiệm vụ đặc biệt cũng nên. Vì thế, đừng ai nghĩ có thể tìm ra lỗi của ông Trời. Đặc biệt là luật trời, “người có lộc quan thì cắt lộc quan, người không có lộc quan thì cắt lộc cơm”, nó cũng giống như ở
trần gian, quan chức là mạng sống thứ hai của con người, quan càng cao
thì “mạng sống” giữ được càng nhiều, tương tự trong trường hợp phạm tội, quan cao thì bị giáng chức, quan thấp thì bị cách chức, còn đám dân
thường chúng ta không có chức tước thì đành phải để anh bạn dùng để ăn
cơm kia nghỉ hưu sớm mà thôi. “Anh bạn” ở đây là đầu hay là bát cơm thì
kết cục cũng như nhau cả, chỉ có điều, nó có sự phân biệt nhanh tức khắc hay từ từ mà thôi, vì thế ít tham gia vào việc của người khác thôi, từ
câu chuyện này chúng ta chỉ cần lĩnh hội được rằng, thọ và lộc luôn
tương thông với nhau, hết thọ thì lộc cũng tự hết, mà hết lộc thì muốn
sống cũng không được, dân thường chúng ta phải biết nắm chặt lấy bát cơm đó của mình.
Ngoài ra, giống như việc có sổ thực phẩm lại có
“kho thực phẩm”, dưới cõi âm, ngoài “sổ lợi lộc” ra còn có “kho lộc
tài”, tương ứng với sổ lợi lộc. Quyển Khuê xa chí của Quách Thoán có câu chuyện như sau: “Huyện Giang Sơn, Cù Châu có người họ Mao, một hôm ông
mơ thấy mình lạc xuống âm phủ, quan âm phủ dẫn ông ta tới một nơi, ở đó
có hai dãy nhà lớn, bên trong đầy tiền, nhưng bên trong lại lấy chức
quan của từng người làm mốc đánh dấu, hóa ra đây là bổng lộc của các
quan trên trần gian. Những khoản tiền này đều có hạn định. Thử nghĩ,
nhân vật có cấp bậc như Hòa Thân sợ phải xây dựng một nhà kho riêng để
chứa bổng lộc của hắn. Diêm phủ phải đặc biệt mở một trăm chiếc lò rèn
ngày đêm không ngừng đúc tiền, như vậy cũng chưa chắc đã theo kịp tốc độ nhận quà cống tặng của hắn ở dương gian.”
4
m phủ có sổ
sách ghi lại công danh khoa cử của con người, danh mục cũng không xác
định. Trong Di kiên giáp chí, quyển mười tám, chương Dương Công Toàn mơ
gặp cha gọi loại sổ đó là “sổ văn”, còn trong Tử bất ngữ của Viên Mai,
quyển mười một, chương Thú dân sách lại gọi là “sổ khoa giáp”. Tiếp đến, ngoài danh mục thứ tự khoa cử như “Đỉnh giáp”, “Tiến sĩ hiếu liêm”,
“Minh kinh tú tài” ra, còn có sổ “Tú dân” được coi như một sự sáng tạo
mới lạ. Gọi là “Tú dân”, tức chỉ những người có học vấn mà không có bổng lộc, học vấn rộng, viết văn hay, nhưng không có duyên với khoa bảng, và tất nhiên không được hưởng lộc quan rồi. Tuy Diêm Vương nói: “Người
trần coi “Đỉnh giáp” là số một thì trên trời coi “Tú dân” là số một”,
nhưng số một trên trời không thực tế bằng chiếc bánh ngô dưới hạ giới,
vì thế, vị học trò giữ vị trí đầu tiên trong sổ “Tú dân” rất tỉnh táo,
không hề hứng thú với chiếc đầu rùa trên trời chút nào.
Bởi công
danh chốn khoa trường do Diêm phủ quyết định, vì thế vào thời Đường, mỗi đêm trước ngày công bố bảng vàng, Diêm phủ lại phái các quan đưa danh
sách tới những nơi tổ chức thi cử. Việc giao nhận giữa âm dương hai giới có phần rất bí ẩn, quan âm phủ mang công văn tới trường thi, đương
nhiên các quan chủ khảo không nhìn thấy quan âm phủ, cũng không nhìn
thấy công văn, nhưng không hiểu làm sao mà các quan chủ khảo bỗng xúc
động, họ lĩnh hội ý chỉ từ phía âm phủ một cách không so đo thắc mắc, dù nội dung những bài thi được xem như thế nào, nhưng căn cứ để điền tên
lúc đó hoàn toàn là do thiên ý. Tác phẩm Tục huyền quái lục của Lý Phức
Ngôn, người thời Đường có kể câu chuyện thuộc thời vua Đường Đức Tông:
“Lý Tuấn thi tiến sĩ nhiều lần không đỗ, năm nay Lý Tuấn nhờ người bạn
cũ của mình là Bao Cát - giữ chức Quốc tử tế tửu (chủ quản Quốc tử học)
giúp đỡ, cũng coi như đã chạy được qua cửa quan chủ khảo. Trước ngày
phát bảng, quan quản lý định mang danh sách những người trúng bảng báo
lên tể tướng. Hôm đó vừa qua canh năm, Lý Tuấn liền chạy tới nhà Bao Cát hỏi thăm tình hình, giờ này cửa trong vẫn chưa mở, Lý Tuấn bèn đứng bên ngoài chờ đợi. Bên cạnh có quầy bán bánh ngọt, lại có một viên thư lại ở đó, viên thư lại này nhìn như người từ nơi khác tới kinh thành đưa công văn, hắn nhìn chằm chằm vào chỗ bánh ngọt mà nuốt nước miếng. Lý Tuấn
thấy đáng thương, bèn mời hắn ăn một bữa no say. Viên thư lại rất cảm
kích, bèn nói: “Nói thật, ta là quan lại dưới âm phủ, được cử tới đây
đưa danh sách kết quả thi tiến sĩ. Có phải huynh đang đợi thông tin này
không? Danh sách những người đỗ bảng ở đây, huynh cầm lấy mà xem.” Kết
quả khiến Lý Tuấn kinh ngạc, trên bảng vàng không hề có tên anh ta, hóa
ra người khác có quan hệ còn ghê gớm hơn anh ta, đá anh ta ra khỏi danh
sách. Nhưng quan hệ có ghê gớm cỡ mấy cũng không bằng có sự ra tay trước của viên thư lại dưới âm phủ, Lý Tuấn bỏ thêm ít tiền, quả nhiên khiến
viên thư lại này sửa tên người trúng tuyển thành tên Lý Tuấn trên bảng
vàng. Tất nhiên, danh sách của âm phủ là không có thực, danh sách do chủ quản viết vẫn cần có người sửa chữa, nhưng nếu như danh sách của phía
âm phủ đã được sửa lại, thì coi như đã thông qua được cửa quan chủ quản, danh sách phía dương gian muốn sửa cũng không được.
Nhưng như
vậy, lẽ ra mười năm sau Lý Tuấn mới đỗ bảng vàng thì giờ đây đã được làm tiến sĩ trước, điều này chẳng phải đi ngược lại với “định mệnh” sao?
Không hẳn thế, bởi “định mệnh” ở đây chính là do “Diêm phủ quyết định”,
bàn tay của âm phủ sẽ quyết định tất cả. Ngày nay chẳng phải ta vẫn có
câu: “Tháng Sáu học sinh thi, tháng Bảy phụ huynh thi” sao? Vậy thì phải xem những bậc phụ huynh này có qua được kỳ khoa cử của Diêm phủ hay
không!
Không chỉ kỳ thi tiến sĩ, mà cả thi cử nhân, tú tài, thậm
chí cả các kỳ thi tuyển học trò tại các phủ huyện cũng đều do thiên mệnh sắp đặt, đều được ghi vào sổ âm phủ. Những câu chuyện về đề tài này có
quá nhiều, chỉ riêng trong Liêu trai chí dị đã có vài chuyện, nếu kể ra
sẽ khiến mọi người mất hứng, khiến các bậc anh hùng trượt bảng vàng khó
tránh khỏi thốt lên một câu rằng: “Nếu sớm biết như vậy thì có phải đã
tốt hơn không!” Nhưng thực ra những câu chuyện này đa phần viết về những bậc anh hùng rớt bảng, chúng ta có nói, có kể cũng là để tự an ủi mỉnh
phần nào.
Cuối cùng ta bàn tới một cơ quan khác của cõi âm, đó là “Phòng mũ ô sa” - chuyên quản lý mũ ô sa của dương gian. Tác phẩm Canh
tỵ biên, quyển hai, chương Thích biên tu của Lục sán, người triều Minh
có ghi lại những việc Thích Lan nhìn thấy khi đi xuống âm phủ thời trẻ.
Thích Lan lâm bệnh mà chết, rồi xuống âm phủ, nhưng hóa ra lần này Diêm
phủ lại hồ đồ bắt nhầm người, thế là phải trả Thích Lan trở lại dương
gian. Trên đường gặp trận mưa rào, tất cả bèn đi vào ngôi chùa Phật trên đường tránh mưa. (Rất ít tài liệu ghi phía dưới aa6m phủ cũng có mưa,
có chùa chiền, vì thế tôi đặc biệt chú ý đến điểm này.) Đi vào phòng đầu tiên, trên nền nhà đều là khung cốt của mũ ô sa, Thích Lan đưa tay định cầm lên nhưng không thể di chuyển được nó. Lúc này, người bên cạnh mới
nói: “Những cái này không liên quan đến ngươi, cái của ngươi ở đây cơ.”
Nói rồi người đó chỉ cho Thích Lan thấy, Thích Lan đưa tay nhấc nó lên,
quả nhiên khẽ đưa tay đã nhấc được, bên phía trong cốt mũ có hai chữ
“thất phẩm”. Quả nhiên sau này Thích Lan làm đến chức quan Biên tu tại
Hàn lâm viện thì qua đời, vừa đúng là chức thất phẩm. Trong tập khác của quyển Canh tỵ biên còn nói, Thích Lan sau này trở thành thủy thần ở hồ
Bà Dương, không biết đó là chức quan mấy phẩm, cho dù là “thần thông
minh chính trực”, chắc chức vị cũng không cao lắm. Nhân vật sau khi chết trở thành thần, lúc sống chẳng qua cũng chỉ là một viên quan nhỏ bé, có người nhìn thấy trên đầu lợn, đầu chó có đội mũ san hô, mũ lông công,
bèn giận dữ than trời bất công, có cần thiết như vậy không nhỉ?
Những câu văn vụng về đến đây cũng nên được kết thúc, nhưng phần kết không
tránh khỏi cảm giác khô khan, cứng nhắc. Cũng may hôm đó gặp mấy người
bạn, rồi cùng bàn về “sổ âm phủ” và “sổ dương gian”, sổ nào “thắng thế”
hơn. Một người bạn bèn nói: “Anh nói rằng sổ âm phủ “giống ở dương
gian”, thậm chí còn phúc tạp và nghiêm ngặt hơn so với dương gian, tôi
cho rằng chưa chắc. Để tôi kể cho anh nghe về quyển “sổ dương gian” mà
tôi đã tận mắt nhìn thấy, trong các loại sổ âm phủ mà anh biết chưa chắc đã có.” Sau khi anh bạn kể xong, tôi thử quy nó vào loại “sổ sinh tử”,
thấy không thỏa đáng, quy vào “sổ thực phẩm” cũng không phù hợp. Nay tôi xin thuật lại câu chuyện đó phía dưới, xin quý độc giả phân loại giúp.
Tuy ở đây có chút trật thứ tự, nhưng nó cũng chính là lối “không có căn
cứ”.
Bỉ nhân theo học một khoa,làm quan năm mươi năm nay, lộc thu về đương nhiên cũng có, nhưng xem ra vẫn chưa đủ để gia nhập bảng xếp
hạng đại gia tại các trường đại học bây giờ. Nhưng khoa chúng tôi cũng
có những sự tích đủ để lưu danh thiên cổ, tuy không đến mức kinh thiên
động địa, nhưng đôi khi cũng khiến quỷ thần phải rơi nước mắt. Người xưa nói: “Thà làm miệng gà, chứ không làm đuôi trâu.” Người nay nói: “Không sợ Xuy Phá Thiên[6], tôi có một chiêu riêng.” Sự việc tuy nhỏ nhưng
cũng không phải là không thể gia nhập Vô song phổ[7]. Có điều đáng tiếc
là, hiện nay, tuy hầu hết các trường đại học danh tiếng đều đã viết lịch sử trường, nhưng không hiểu vì ai mà người viết kỵ húy không viết những điều như vậy vào quyển “chính sử” của họ.
[6] Tên nhân vật biểu diễn của diễn viên xiếc nổi tiếng Hà Thụ Sâm.
[7] Quyển sách tổng hợp thơ, văn, hình ảnh của bốn danh nhân nổi tiếng thời xưa của Trung Quốc là Hạng Vũ, Tô Vũ, Lý Bạch, Tư Mã Thiên.
Đó
chính là vào thời kỳ đấu tranh giai cấp gay gắt, còn khoa chúng tôi lại
luôn có thể tạo ra sự thực để luận chứng cho chữ “gay gắt” này. Tôi xin
lấy tài liệu tại chỗ luôn, tài liệu ở đây chính là những sinh viên không cần bỏ tiền mua chỗ ngồi trong trường học, bình quân mỗi năm có thể gây ra hai vụ “phản động”, hơn nữa chủ đề luôn thay đổi theo thời gian, bắt kịp với sự thay đổi của tình thế. Ví dụ, thời kỳ 1963 -1964, đây là
thời kỳ “phản đối chủ nghĩa sửa đổi”, năm đó những sinh viên trúng tuyển có đặc điểm là thích chạy dài và học tiếng Nga, hai môn học này đủ để
giúp họ đào tẩu sang biên giới Trung - Xô (Nga). Chủ đề của giai đoạn
1964 - 1965 là “tính phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp”, thế là năm
đó, bí thư chi bộ Đoàn của lớp sinh viên tốt nghiệp lập tức rơi vào sa
đọa, còn kẻ tay chân không được sạch sẽ cho lắm đã được giai cấp vô sản
chúng tôi cứu vớt, trở thành ngôi sao chính trị cấp khoa. Đến nửa cuối
năm 1965, chúng tôi gia nhập lớp “sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp”, chủ đề tuy vẫn chưa rõ ràng, nhưng kẻ xử lý và kẻ bị xử lý đều thấy căng thẳng trong thầm lặng. Lúc này, có một sinh viên bất ngờ gia nhập Đảng. Dùng
từ bất ngờ là vì, thứ nhất thư ký chi bộ Đoàn là lớp trưởng còn chưa vào Đảng, mà người này rõ ràng thuộc loại “siêu đẳng” rồi, hai là người này lại ngầu như Thổ Hành Tôn trong “bảng Phong Thần” mà Thẩm Mạn Vân đã
vẽ, thường ngày luôn miệng nói cười, vui vẻ làm trò gây cười cho người
khác, thật không hiểu, rốt cuộc cấp trên thấy được điểm gì ở cậu ta nhỉ? Lúc đó nghĩ lại, mọi người mới nhớ ra cậu ta thường lén lút ghi chép
cái gì đó vào vở, nhìn thấy người khác đi tới là vội vã giấu ngay. Có
một ngày, cậu ta ở trong ký túc giả vờ “khờ khạo” chọc cười cho người
khác, có lẽ là muốn nhân cơ hội để tiếp tục thu thập một số thông tin
tình báo chăng? Mọi người bèn nghĩ kế, nhân lúc huyên náo lộn xộn, một
người cướp lấy quyển vở trên người cậu ta. Khi lật ra xem, thật ngạc
nhiên, đó không phải là những bí mật ghi chép người nào ở đâu, làm gì,
nói gì, mà là ghi lại chi tiết việc một bạn sinh viên mỗi sáng ăn mấy
cái bánh bao (sau này mới biết, bạn sinh viên này là đối tượng bồi dưỡng được chỉ định trước, chuẩn bị trở thành sinh viên phản động của khóa
tiếp theo), nếu ngày nào cậu sinh viên này ăn thiếu nửa cái, bên dưới sẽ được ghi chú hôm đó trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Việt Nam đã bắn
rơi mấy chiếc máy bay của Mỹ, rõ ràng cậu ta đang thể hiện tinh thần
“một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” mà. Cái phiền phức là, báo chí lúc đó
dường như ngày nào cũng đăng tin máy bay bị bắn rơi, vì thế chỉ cần
người này ăn ít đi vài miếng bánh bao thì có thể cậu ta đang câu kết với chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Những ghi chép này thực sự đáng sợ, những lời
nhảm nhí có thể không nói, những điều vô căn cứ có thể không bàn luận,
nhưng mỗi bữa ăn hằng ngày đều phải suy xét xem có nên “liên hệ” đến thế lực phản động trong và ngoài nước hay không thì thật là khó.
Trước vụ việc đó, một ngày tôi ăn ba bữa, sáng, trưa, tối mỗi bữa đều ba cái
bánh bao (năm 1965, nền kinh tế đã có sự chuyển biến tốt đẹp, nhà ăn
trường tôi không giới hạn suất ăn của sinh viên), tuyệt đối không có
trường hợp ngoại lệ. Có bạn học nói tôi thực hiện “kế tự bảo vệ mình”,
đó là một câu nói đùa đầy thiện ý, nhưng sau này nghe nói trong “nội bộ” có người từng hoài nghi tôi cố ý “đối phó” với tổ chức. Đó quả là nỗi
oan ghê gớm.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT