Phòng Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh H. nằm ngay trong khuôn viên của khu trại tạm giam. Đây là trại giam có từ thời Pháp và sau này, khi số lượng phạm nhân tăng lên, trại không đủ chỗ giam, Bộ Công an đã cho xây thêm một trại mới ngoài ngoại ô. Trại cũ được chia làm hai: một phần dành để giam những loại tội phạm dính đến các vụ án về an ninh và loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm; một phần được cải tạo lại thành phòng làm việc cho Phòng Cảnh sát Điều tra.

Phòng làm việc của Đại úy Tường nằm ngay dưới một giàn nho cổ thụ có từ hơn năm mươi năm trước. Anh không thích giàn nho này bởi lẽ thỉnh thoảng cứ phải nhìn thấy những con sâu nho to như ngón tay, xanh lè. Có hai thứ động vật mà Tường sợ là sâu và rắn. Khi phát hiện ra điều này, nhiều người không tin bởi lẽ Tường là con nhà nông dân chính cống "ba đời ăn củ chuối", đi làm công an thì trưởng thành từ trinh sát, vào sinh ra tử mấy lần, đụng độ với nhiều băng cướp hung hãn, chứng kiến cảnh máu đổ không ít... vậy mà lại có nỗi sợ rất đàn bà. Có lần để thử xem Tường sợ sâu đến đâu, cô nhân viên Đội Tổng hợp của phòng đã bắt một con sâu nho và vứt lên chiếc ghế quay bọc da của Tường. Hậu quả là chiếc ghế đó bị vứt ra ngoài sân, còn Tường thì lấy chiếc ghế gỗ khác để ngồi. Câu chuyện đó đã trở thành giai thoại trong công an tỉnh.

Tường cho họp Ban chuyên án ngay đầu giờ làm việc. Có tất cả bảy người dự họp. Điều tra viên của Phòng Cảnh sát Điều tra tham gia chuyên án có Đại úy Lê Hữu Thành, Đội phó Đội 1 là Đội Điều tra trọng án. Thành có khuôn mặt gồ ghề, rất dữ tợn, nhưng lại là người hay xúc động, thậm chí xem phim, thấy cảnh nào bi lụy có khi rơi nước mắt. Thành trước vốn là cảnh sát trại giam sau về cảnh sát hình sự làm Đội phó Đội Chống cướp, mới điều sang điều tra trọng án được hơn một năm nhưng nhanh chóng trở thành một chỉ huy điều tra xuất sắc, rất có bản lĩnh, trung thực và hơi cực đoan. Người thứ hai là Thượng úy Trần Văn Đức, điều tra viên của Đội 1, một anh chàng đẹp trai, da trắng, nom rất thư sinh, vẻ ngoài của anh hoàn toàn trải ngược với Thành. Trong cuộc sống, hai người là một "cạ", còn trong nhiều chuyên án, Đức và Thành luôn là trợ thủ đắc lực và rất được Tường tin cậy. Bên Phòng Cảnh sát Hình sự tham gia chuyên án thì có Tâm và Lưu. Thư ký của ban chuyên án là nữ Thượng úy Hòa, và một nhân viên khoa học hình sự. Trưởng ban chuyên án là Trung tá Vũ Văn Đắc, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra thì do bận quá nhiều việc nên thường giao cho Tường làm hết. Tất cả số dự họp đều mặc quần áo dân sự, trừ cô thư ký.

Đức báo cáo:

- Theo đặc tình M1 báo cáo thì qua các cuộc tiếp xúc, Tiên Chỉ tỏ ý rất khó chịu vì dư luận nghi rằng hắn giết Oanh Sói. Tiên còn tâm sự với đặc tình là sẽ chuyển sang kinh doanh một loại hàng điện máy nhưng bằng phương thức khác và được bọn buôn lậu quốc tế hỗ trợ. Cũng có khả năng là Tiên giúp bọn tội phạm quốc tế tẩy rửa tiền. Công an phường Quang Hoa và phường Nhật Tảo báo cáo là hai sòng bạc ở hai phường bỗng dưng không hoạt động. Hai sòng này bấy lâu nay đồn rằng của Tiên Chỉ. Đặc tình H2 cho hay rất có khả năng Tiên sẽ cho đệ tử tìm kẻ nào đã giết Oanh và sẽ dùng luật rừng để xử.

Tâm xin phát biểu:

- Sáng nay, khi biết tôi đi họp ở đây, đồng chí Cường đã nhờ tôi nói với Ban chuyên án là với tất cả những thông tin mà anh ấy có được thì thủ phạm chính là Tiên. Một cơ sở bí mật của đồng chí Cường cho biết thì kẻ giết Oanh là Thắng Trố, là một đệ tử thân cận của Tiên Chỉ, đã được hắn cho tách ra, mở một nhà hàng lẩu dê ở thôn Bình, nơi giáp ranh với phường Quang Hoa. Tuy nhiên, quán lẩu dê này hoạt động chỉ được vài tháng rồi phải dẹp vì không có khách và số người ăn rồi nợ nhiều quá đòi không được. Sau đó Thắng Trố đi chạy xe ôm...

Tâm mở cặp lấy ra hai tấm ảnh:.

- Đây là ảnh Thắng Trố. Tuy nhiên, dạo này không ai thấy Thắng Trố đâu nữa, có người nói hắn đã đi Lạng Sơn. Vợ hắn thì bảo không biết hắn bỏ nhà đi theo con nào?

Tường cầm bức ảnh lên xem rồi thốt lên:

- Hay quá! Thế này là có đầu mối rồi.

Lê Hữu Thành đứng lên:

- Thông tin này rất quan trọng, nhưng theo tôi biết thì Thắng Trố từ sau cái chết của người anh trai là Lâm Bốn Ngón, hắn gần như không quan hệ với giới giang hồ. Năm ngoái, khi vợ Thắng ốm nặng, cả nhà lâm vào tình trạng túng quẫn, Tiên có bảo Thắng đến trông coi sòng bạc cho hắn, nhưng Thắng từ chối. Với những thông tin của cơ sở bí mật như vậy mà ta cho bắt hay gọi hỏi Thắng là quá non về chứng cứ và không khéo dứt dây động rừng. Tôi đề nghị phải tìm cho ra Thắng Trố đang ở đâu và bố trí cơ sở tiếp cận, tìm kiếm thêm thông tin, từ đó sẽ áp dụng các biện pháp tiếp theo.

Tường gật đầu đồng tình rồi hỏi:

- Các đồng chí có thông tin gì về các băng nhóm khác không?

Đức báo cáo tiếp:

- Thực hiện yêu cầu của đồng chí Trưởng ban chuyên án, hôm qua tôi đã trao đổi với chỉ huy Phòng Cảnh sát Hình sự Hà Nội, Hà Tây, thành phố Vũng Tàu Và Đà Nẵng... Thông tin về các nhóm Sơn Bạch Tạng, Thắng Tài Dậu, Năm Cam... không có nhiều. Tuy nhiên, để các đơn vị cung cấp cho ta thông tin cụ thể về sự hoạt động của các nhóm này, phải có sự chi đạo của Tổng cục Cảnh sát. Tôi đề nghị anh Tường báo cáo Ban giám đốc, gửi công văn cho công an các tỉnh đề nghị cung cấp thông tin.

Tường lắc đầu:

- Không nên gửi công văn... lâu lắm. Ngày mai, tôi sẽ đi thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Đức, Hà Tây, đồng chí Thành đi Hải Phòng. Chúng ta cũng cần phải thay đổi cách nghĩ cách làm. Công văn, thư từ đi lại, mất thời gian và nhiều khi không chính xác.

Có tiếng gõ cửa, một cán bộ khoa học hình sự cầm tờ giấy bước vào:

- Báo cáo anh, Viện Khoa học Hình sự có kết quả giám định vỏ đạn.

- Đồng chí đọc luôn xem nào.

- Vỏ đạn là loại đạn 7 ly của súng K54. Đặc điểm dấu vết: kim hỏa bị mòn phía dưới, chốt vỏ đạn bị sứt 0,02mm. Đặc điểm dấu sứt này trùng với vỏ đạn thu được trong vụ bắn nhau ở vũ trường Napoli năm 1998.

Tâm vỗ đùi đánh đét:

- Đúng thằng Thắng rồi. Vụ bắn người bị thương ở Napoli hồi đó, có người trông thấy thằng Thắng cầm súng, nhưng sau đó công an quận điều tra bảo, hung thủ là Vòng, người Hoa, đã đi Campuchia.

- Rất tốt, bây giờ đồng chí Tâm và Lưu sang công an quận rút hồ sơ và củng cố chứng cứ về Thắng "trố" sau đó đi bắt hắn. Trước hết ta cứ bắt hắn Về tội! iên quan đến vụ giết người ở Napoh.

Bây giờ, tôi thông báo Với các đồng chí nguyên tắc làm việc: Trước hết là tôi sẽ trực tiếp giao nhiệm - vụ cho từng đồng chí và không ai được tiết lộ về nhiệm vụ của mình.

° ° °

Tiên Chỉ ngồi chăm chú xem Bình, con gái út mới 9 tuổi đang đùa với con chó Đức to lớn trong khuôn viên nhà. Cháu bắt con chó bò đến chân Tiên rồi gục đầu xuống:

- Bố xem con dạy con Bốp này có tài không?

- Con giỏi lắm. Nếu con thích thì bố mua thêm cho con một con nữa.

- Không, nếu có con khác, Bốp nghĩ là mình không yêu nó nữa, nó buồn đấy.

- Không sao đâu, có hai con, chúng đùa với nhau chả hơn ư. Vả lại, giống chó không bao giờ giận chủ cả. Các cụ xưa có câu: "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo".

- Thế là sao hả bố?

- Ờ.. Nghĩa là con cái thì không bao giờ coi khinh nhà, khinh cha mẹ nghèo, con chó thì chủ có cực mấy đói khổ mấy nó cũng không khi nào bỏ chủ.

Con bé lắng nghe thích thú, nhưng bỗng nó thốt lên:

- Bố ơi, thế sao ngày trước, anh Quý lại bảo là.. bảo là "ông không phải bố tôi?"

Tiên lặng người đi:

- Sau này bố sẽ giải thích cho con hiểu. Nhưng... nhưng khi đó anh Quý còn nhỏ, dại, nói năng không biết suy nghĩ.

- Nhỏ gì, anh to hơn lớn hơn con bao nhiêu. Mà sao lâu nay không thấy anh? Con thích được anh cõng đi chơi lắm.

- Anh đang đi học ở Pháp. Hè này sẽ về.

Tiên Chỉ đang vui, nghe con bé nói vậy, bị cụt hứng. Tiên là người có hoàn cảnh gia đình vốn không êm đẹp gì. Ngày xưa, khi mới chưa đầy hai mươi tuổi thì Tiên đã lấy vợ là một cô gái hơn mình đến ba tuổi và đã có một đời chồng. Những năm ấy, Tiên mới bước chân vào giới giang hồ bằng việc tổ chức các chiếu đánh chắn ngay tại nhà mình. Nhà Tiên nằm trong ngõ nhỏ lại ngoắt ngoéo, chằng chịt như mạng nhện và hầu như nhà nào cũng nuôi chó cho nên không công an nào đến mà không bị lộ. Bố của Tiên cũng là một tay chơi tổ tôm có hạng và rất uy tín ở trong vùng, vì vậy, người đến chơi khá đông. Từ tầm giữa trưa cho đến quá nửa đêm, trong nhà lúc nào cũng có ba chiếu đánh chắn theo kiểu bí ngũ (năm người) và có thêm khoảng chục người chầu rìa. Tiên thu tiền chơi bằng cách hễ cứ ai ù có cước sắc thì cứ mỗi dịch là nộp cho chủ sởi một số tiền bằng "dịch" đó. Đầu tiên là chơi cò con, ù suông năm hào, dịch năm hào, ù có lèo gấp đôi tôm.... Chơi kiểu này, ai đen lắm thì thua khoảng 10 đồng. Hồi đó phở bò tái có năm hào một bát thì số tiền đó không phải là nhỏ.

Mở sòng, ai thua được không biết, chỉ có chủ là luôn luôn thắng. Rồi từ đó, theo đà mất giá của đồng tiền, cuộc sắc cứ được nâng dần, nâng dần... Trong những người đến chơi có bà Diệu nhà ở phố Hàng Ngang, là dân Hà Nội gốc. Bà Diệu chỉ chơi tổ tôm chứ không chơi chắn và tỏ ý coi thường những ai chơi chắn mà đánh bí tứ. Bà thường chơi với bốn ông khác, trong đó có một ông nhà văn, một thầy giáo nghỉ hưu và phong cách của họ cũng lịch lãm, mang chất tiêu khiển rõ ràng. Bà đến khi trời đã sập tối và trở về nhà lúc Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu "đọc truyện đêm khuya". Bà tới bao giờ cũng có cô con dâu tên là Lương Thị Điều đi cùng. Có lẽ vì có người ngồi cạnh tên là Điều cho nên bà hay ù thập điều... Tiên để ý thấy Điều có gương mặt rất lạ, lúc nào cũng phảng phất một nỗi buồn, ngay cả khi bà mẹ chồng nhờ cô ta cầm bài hộ. Điều đánh tổ tôm không đến nỗi tồi. Cô xoay tưng, xoay phu khá nhanh, duy có một nhược điểm là hay bỏ ù, dường như ngay lúc đánh bài, cô ta cũng nghĩ đi đâu. Mãi sau, Tiên mới biết là Điều lấy con trai bà Diệu đã hơn hai năm nhưng không có con vì anh ta ngày bé bị quai bị, do không kiêng khem cẩn thận nên bị teo tinh hoàn. Điều quê ở Lương Sơn tỉnh Hòa Bình. Nhờ có người mối lái và cũng là tham lấy chồng người Hà Nội nên cứ nhắm mắt nhắm mũi cưới. Lấy nhau rồi mới biết chuyện... Chả hiểu sao, từ khi biết nỗi khổ của Điều, Tiên thấy thương xót cho cô và đem lòng yêu từ lúc nào không biết. Trong nhà, thi thoảng hai người cũng nói chuyện dăm ba câu và dần dà thân nhau. Điều coi Tiên như thằng em vì kém mình hơn ba tuổi, còn Tiên yêu Điều bằng tình yêu của một anh chàng mới lớn và nhìn tình yêu bằng con mắt thơ ngây. Kể cũng lạ, Tiên vốn là kẻ "sát gái", từ năm 17 tuổi đã biết "tòm tem" và trong tay lúc nào cũng có vài ba cô. Nhưng có ai đó làm cho Tiên yêu thì chưa.

Thế rồi đúng là "cái duyên ông trời xe, cái que ông trời buộc", một hôm bà Diệu nhờ Tiên đưa Điều về quê bởi vì Tiên có chiếc xe máy Java-05 của Tiệp Khắc. Thời đó, ai có chiếc xe máy thì còn được mọi người chú ý hơn nhiều so với bây giờ ai có hiếu xe Mercedes loại S600. Cho đến nay, mặc dù đã hàng chục năm trôi qua, Tiên vẫn nhớ như in cái cảm giác được chở người con gái mà mình hằng yêu quý. Linh cảm của người con gái mách bảo Điều rằng trái tim của anh chàng Tiên kia đang dành cho cô. Về đến bản, hầu như cả bản đổ xô ra xem chiếc xe máy và họ cứ tưởng Tiên là chồng của Điều. Nghe mọi người nói với nhau bằng tiếng Mường, Tiên chả hiểu gì cả và chỉ thấy mặt ấm lên khi thấy bao nhiêu ánh mắt dồn vào mình. Mãi sau có một người mới nói với Tiên: "Bà con ở bản khen cái Điều tốt phúc, lấy được người chồng có xe máy". Về quê buổi sáng, đến chiều, ăn cơm xong, Tiên lại đưa Điều về Hà Nội. Đến một rừng bạch đàn mới trồng, Tiên dừng xe và hai người ngồi nghỉ dưới gốc bạch đàn. Khi mặt trời mùa thu đỏ bầm chầm chậm trôi xuống đỉnh núi phía Kim Bôi thì Tiên lấy hết can đảm, ấp úng: "Chị Điều... Điều này.. chị... à Điều làm vợ tôi nhé". Tiên nói xong thấy nhẹ cả người nhưng lại né ngồi ra xa vì sợ "chị" cho một cái bạt tai. Lặng đi một, lát, bỗng Điều ôm chầm lấy Tiên, khóc nấc lên: "Đời em khổ lắm! Anh cứu em với!" Trong tiếng nấc, trong nước mắt và trong cả những nụ hôn vội vàng, tiếng được tiếng mất, Điều cũng kể lại chuyện cay đắng của cuộc đời mình cho Tiên nghe. Hóa ra từ khi lấy chồng, Điều chỉ là cơn chó trong nhà bà Diệu không hơn không kém. Gã chồng là kỹ sư hẳn hoi nhưng do mặc cảm vì bệnh tật của mình đã thiếu điều xích cô vào chân giường... Tiên xót xa ôm Điều vào lòng và đêm hôm đó, khi về đến Hà Nội, thấy bà Diệu vẫn đang ngồi đánh tổ tôm, Tiên ngang nhiên ôm vai Điều và tuyên bố với tất cả mọi người đang đánh bạc: "Em về làm đơn xin ly hôn ngay với thằng chồng ấy đi rồi đến ở với anh. Mà thôi, em không phải về nữa, ở luôn đây. Chuyện ly hôn sẽ bàn sau." Mọi người trố mắt nhìn Tiên như thể hắn mới trên trời rơi xuống. Mãi lúc sau, ông bố Tiên mới hỏi: "Mày nói cái gì thế, thằng ranh con, chúng tao là trẻ con đấy à?" Tiên nghiêm túc trả lời: "Con không đùa. Con đã quyết định rồi. Con chi xin bố mẹ đồng ý và bác Diệu cũng đừng ngăn cản. Mọi người biết tính Tiên này rồi đấy. Xin đừng ai phá ngang?"

Bố Tiên ngẩn người ra chẳng biết nói thế nào bèn nhìn bà Diệu dò hỏi. Bà cười dịu dàng và thong thả: "Nếu thế thì tốt quá, tôi cũng đỡ ân hận." Nói xong, bà lại xòe bài: "Bốc nọc đến cửa nào rồi?" Thế là chỉ nửa tháng sau, Điều trở thành vợ của Tiên và một năm sau đó, thằng Quý ra đời. Thời gian này có lẽ là những ngày hạnh phúc duy nhất của Tiên. Nhưng Tiên không phải là kẻ biết bảo vệ hạnh phúc cho mình, trong lúc Điều chăm con mọn thì Tiên lại lăng nhăng với nhiều cô gái khác mà tất cả cũng là dân giang hồ. Khi thằng Quý lên ba tuổi thì Tiên bị bắt về tội tổ chức cờ bạc và bị ra tòa lĩnh án hai bốn tháng tù. Tiên ra tù, lại dính vào một vụ buôn bán tem phiếu gạo của bộ đội và bị bắt. Mới đi trại được ba năm thì Điều bị chết trong một vụ tai nạn giao thông. Mãn hạn cải tạo, Tiên về, lấy ngay vợ mới là một cô gái phe tem phiếu thực phẩm ở chợ Khâm Thiên và ném thằng Quý sống với ông bà nội. Sống với người vợ hai được hai con gái và rồi khi gặp Cúc trong một quán cà phê, Tiên đã phải lòng và kiếm cớ bỏ vợ hai. Sống với Cúc được bé Bình, tâm tính Tiên bỗng thay đổi. Sự thay đổi đó đến chầm chậm, chậm tới mức Tiên cũng không còn nhận ra - đó là ước mơ một cuộc sống yên tĩnh, bình lặng. Nhưng muốn thế cũng không phải là dễ... Đôi giày đã nhúng bùn, giặt làm sao cho sạch...!

Một người phục vụ cầm mấy tờ báo vào. Tiên hỏi:

- Anh đọc hết chưa?

- Dạ thưa hết rồi ạ. Ông coi tờ báo này.

Nói rồi anh đưa tờ báo cho Tiên. Tiên trợn mắt nhìn bài báo có tít "Ai bảo kê cho những hoạt động mang tính xã hội đen của Tiên Chỉ?" Hắn đọc xong và cười nhạt:

- Vẫn giọng thằng này. Thì ra mày chưa biết sợ là thế nào? Tiếc thật!

Tiên cho gọi gã phụ trách bảo vệ ở nhà hàng Cánh Buồm Nhỏ đến và đưa cho hắn tờ báo:

- Chú làm thế nào thì làm, tôi không muốn thấy cái tên thằng này trên báo nữa.

Gã bảo vệ đó là một tay đao búa có hạng ở khu vực bến xe phía Nam, được Tiên đưa về làm mới hơn nửa năm nhưng đã được Tiên tin cậy vì tính quyết đoán, trung thành và kín mồm. Hắn cầm tờ báo, đọc lướt qua vài dòng rồi nhếch mép cười khó hiểu. Nhưng rồi hắn lại nhíu mày suy nghĩ. Tiên Chỉ ngạc nhiên trước thái độ của hắn nhưng không hỏi. Một lát sau, hắn rụt rè:

- Thưa anh, cho phép em nói thật...?

- Chú cứ thẳng thắn nói.

- Bài báo của thằng này, nó cũng như muỗi đốt làm cho ta mất ngủ khó chịu, nhưng không đến nỗi chết. Nếu bây giờ ta trị hắn, không khéo lại làm cho công an chú ý và có thêm cớ để điều tra... Theo em, ta cứ lờ đi, nhưng em sẽ nghĩ cách trị hắn sau.

Nghe hắn nói vậy, Tiên giật mình và thầm cảm ơn sự nhìn xa của đệ tử..

- Chú nói phải. Trong lúc khó khăn này, các chú cố gắng giúp anh. Việc thằng nhà báo, cứ để sau đã.

° ° °

Cường đang ngồi ở phòng làm việc thì có chuông điện thoại.

- Xin chào, công việc tiến triển thế nào? Có ngon không?

Nghe giọng ngất ngưởng ấy, Cường giật bắn người:

- Trời ạ, ông đừng có gọi điện... Tôi đã nói nhiều rồi.

- Ơ hay, chả lẽ cơ quan công an lại bố trí nghe trộm điện thoại của cán bộ ư? Ông có buôn gian bán lận, có buôn heroin, có làm hồ sơ giả đâu mà sợ.

- Thôi đi, có gì ông nói luôn xem nào.

- Ông cứ bảo quân ông hãy đi Hải Phòng, Thắng Trố đang hú hí với con bồ mới ở một nhà hàng ngoài khu Cầu Rào. Tối nay tôi cho xe đón ông nhé... Công việc nhiều, cũng nên thư giãn chút ít. Làm việc quá sức, chóng già, mà già thì thiệt.

- Tôi không đi đượv đâu.

- Ấy, đừng từ chối vội. Sẽ có nhiều thông tin bổ ích và lý thú cho ông đấy. Chào.

° ° °

Phóng viên Vọng đến tòa soạn báo Công Luận để đưa bài mới. Anh trưởng ban biên tập khen:

- Bài cậu viết về thằng Tiên Chỉ khá lắm. Tuy nhiên, cậu phê phán công an và chính quyền hơi nặng nề. Viết báo thì đừng có nên cao giọng, nâng quan điểm. Bài của cậu có tác dụng tạo áp lực từ phía dư luận, buộc chính quyền phải ra tay nhưng tớ sợ rằng bọn thằng Tiên sẽ gây sự đấy. Bên hình sự họ gọi điện sang bảo tay nào mà tài thế. Nghe nói Tổng biên tập "đì" cậu dữ lắm hả?

- Em chuẩn bị xuống làm bảo vệ rồi. Nhưng... đừng hòng. Lành làm gáo, vỡ làm môi. Chả làm báo này đi báo khác. Mình có nghề, sợ cóc gì. Nghe nói sếp em chơi với Tiên thân lắm. Vừa rồi lại có chiếc xe Nissan, nghe nói là của Tiên bán rẻ nhưng thực chất là biếu.

- Đánh chó, ngó chủ. Cậu choang chiến hữu của sệp thẳng cánh như vậy, bị ăn đòn là phải. Thôi, về báo của tôi, bên ấy, cậu làm hợp đồng dài hạn hay ngắn hạn?

Vọng cười nhăn nhó:

- Ngắn hạn. Đang chờ thi công chức. Kiểu này coi như tắc luôn. Nhưng về báo của anh có phải học thuộc câu "đánh chó, ngó chủ" không?

- Ơ hay, ở đâu mà chả phải thuộc lòng câu đó. Cậu nên nhớ nghề làm báo là nghề phải đào sâu chôn chặt trong lòng mình một nửa những thông tin mình biết và phải viết một nửa những thông tin mà mình chả hiểu quái gì cả. Thế cậu tưởng cái gì cũng tương lên báo được à? Nhà trường dạy các cậu viết báo phải trung thực, phải dũng cảm, đừng bẻ cong ngòi bút, nhưng hình như trường quên không dạy các cậu phải biết khi nào thì im lặng.

Vọng thở dài ngao ngán. Anh Trưởng ban giải thích:

- Sở dĩ báo chúng tôi đăng được bài của cậu là vì Tổng biên tập của tớ chả chơi bời quan hệ gì với thằng Tiên cả. Anh em ở dưới thì có đấy. Đang xì xào là có một cậu hàng tháng ăn lương của nó... Thời buổi này, các mối quan hệ đan chéo nhau, chằng chịt phức tạp lắm. Nhiều người có quyền mà chả có lực thì cũng bằng không. Hôm nọ, tớ đến một bộ, nghe kể mà chết cười. Một ông thứ trưởng, phụ trách công tác nghiên cứu chiến lược, đi xuống cơ sở chả ai thèm gặp cả. Đùn đẩy mãi cuối cùng mới có anh chánh văn phòng đưa đi ăn cơm bụi. Trong khi đó, một thằng cha phó phòng tổ chức phụ trách địa phương xuống, cả dàn chánh, phó giám đốc khúm núm, xun xoe.

- Vậy thế nào là người có lực?

- Là người có tiền và có mối quan hệ xã hội rộng.

Là một phóng viên trẻ, đang đầy nhiệt huyết, nghe anh trưởng ban biên tập nói như vậy Vọng cảm thấy bàng hoàng. Những điều đó chưa bao giờ anh nghĩ tới.

- Nghe anh nói thì xã hội buồn quá?

- Sao lại buồn? Cậu ngạc nhiên à. Cậu làm báo mà cứ chúi mũi, chúi mắt vào nhìn tiêu cực của xã hội, của con người; kiểu như bác sĩ ngó đâu cũng thấy vi trùng... Thế thì chết. Uất ức vỡ đầu ra mà chết; tức phát điên lên mà chết; lo phát ốm mà chết! Cậu hãy đi cơ sở, hay xông tới những nơi gian khổ, ở đó vô vàn con người hay, biết bao chuyện cổ tích thời đại mới. Chống tiêu cực, chống tham nhũng là quan trọng nhưng xây dựng con người mới đó là chuyện sống còn đấy. Cậu ra trường hình như ba năm rồi hả? Đã đi Tây Bắc, đi Tây Nguyên, đi Tây Nam chưa? Đã ra các hải đảo chưa, đã lên các công trường xây dựng các nhà máy lớn chưa?

Chắc là chưa và chỉ loanh quanh ở thành phố này rồi dòm dòm chỗ nào có chuyện tiêu cực là xông vào? Tất nhiên là quan nào lính nấy, sếp của cậu chỉ thích "đánh" các doanh nghiệp, và rồi để cho quân đi ngửa tay xin quảng cáo của họ. Làm gì thì cũng phải biết lấy cái chung làm nghiệp. Ngày xưa, giảng về con người mới là dễ lắm. Nhưng bây giờ, mô hình con người mới xã hội chủ nghĩa thời đổi mới là gì? Cậu đã hình dung ra chưa. Cậu xin thôi bên đó đi, về báo của tôi. Đang cần những phóng viên trẻ, máu nghề như cậu.

- Em cảm ơn anh. Tuần tới em sẽ trả lời.

° ° °

Rời tòa soạn, Vọng thấy ngao ngán trong lòng. Anh phóng xe máy ra chợ trung tâm để tìm gặp Lý Què, là chỉ huy đội quân bốc xếp ở chợ. Lý Què cũng là một tay giang hồ có hạng và có đến hai tiền án, còn tiền sự thì nhiều không đếm được. Nhưng từ ngày công an thành phố áp dụng biện pháp "lấy độc trị độc", giao cho Lý làm đội trưởng đội bốc xếp, Lý đã nhanh chóng hoàn lương và giúp công an được không ít việc. Công an phường và Cảnh sát Hình sự đã giúp Lý cai quản đội quân cửu vạn. Với "uy danh" của mình Lý đã làm cho hàng chục gã "oi khói" phải kiêng nể. Không một kẻ nào dám qua mặt Lý để kiếm ăn riêng hoặc gây mất trật tự trị an trong chợ. Mất hai năm gây dựng, Công an phường đã đưa Lý trở thành một điển hình trong phong trào tự quản. Đang đứng xem đàn em bốc hàng rau quả lên một xe côngtenơ, liếc thấy Vọng, anh ta vội lảng đi và chuồn vào phía trong chợ. Vọng ngạc nhiên về thái độ của Lý, anh đang định hỏi một người thì có một chú bé ra bảo:

- Chú về ngay đi. Đừng đến đây nữa, nguy hiểm đấy.

- Ai bảo cháu?

- Có người bảo như vậy.

Vọng ngạc nhiên và tỏ rõ vẻ hoảng sợ. Nhưng rồi anh trấn tĩnh lại và vào một quán cà phê ngồi.

- Anh kia uống cà phê gì? - Cô bán hàng hỏi hờ hững:

- Cho một ly đen.

- Đá hay nóng?

- Đá.

Thấy vẻ mặt khó chịu của Vọng, cô gái cũng tỏ vẻ bất cần. Cô ngúng nguẩy quay đi. Bỗng có ai đó gọi, cô ta vội vã ra cửa, sau khi đặt lên bàn một ly cà phê đá pha cẩu thả. Lát sau cô ta vào đến bên Vọng:

- Anh là nhà báo à?

- Sao cô biết?

- Nghe từ "cô" ghê quá! Thôi thì cứ gọi "chị" đi. Có phải anh mới viết bài về Tiên Chỉ đăng trên tờ báo Công luận phải không?

Vọng ngạc nhiên:

- Ai nói với cô như vậy? Có chuyện gì?

- Có người nhờ tôi nói lại với anh rằng: "Họ không ngờ anh lại dại dột đến thế." Anh đã tự ký án tử hình cho mình rồi. Những điều họ kể cho anh nghe là để anh hiểu thêm về con người đó, chứ không phải để viết báo. Thôi, bây giờ anh hãy cao chạy xa bay.

Vọng vứt vội mấy ngàn lên bàn rồi lao bổ ra ngoài. Anh chạy đi tìm Lý Què nhưng anh ta đã đi đâu mất. Vọng cảm thấy ớn lạnh về những sự việc xem ra đầy chất "hình sự" như vừa rồi. Anh kể lại chuyện đó với một anh bạn là cảnh sát hình sự của công an phường. Nghe Vọng hói, anh cảnh sát lăn ra cười:

- Các ông chỉ khéo tưởng tượng cho tăng phần quan trọng. Chả có thằng xã hội đen nào dại dột đến mức đi trả thù nhà báo ngay khi anh vừa viết bài tố cáo. Ông cứ yên tâm đi, chúng tôi bảo vệ ông.

Nghe anh ta nói vậy, Vọng cũng thấy phải. Buổi tối, Vọng ở nhà. Đó là một căn phòng anh mới thuê được với giá ba trăm ngàn. Trong phòng chẳng có gì ngoài chiếc tivi màu 14 inh cũ rích, một chiếc quạt bàn và một đài bán dẫn. Vọng đang viết bài thì có tiếng gõ cửa.

- Ai đấy?

- Em đây? Em là quân của anh Lý đây.

Vọng vội ra mở cửa. Nhưng một mũi dao đã dí vào cổ Vọng, đẩy anh ngược vào nhà. Cả ba gã trông mặt mũi rất cô hồn xông vào.

- Mày thở mạnh tao thịt, thở mạnh chứ chưa nói đến kêu hét. Nghe đây! Ai cung cấp tài liệu cho mày viết bài về Tiên Chỉ?

- Tôi... tôi nghe trinh sát hình sự.

- Mày lừa tao hả? Án đang làm, không có hình sự, điều tra nào cung cấp tài liệu cho báo chí đâu nhé. Vả lại nếu hình sự có tài liệu như mày thì chúng tao vào kho lâu rồi. Thằng Lý Què phải không?

- Không.

- Mày ra chợ tìm nó làm gì?

- Tôi có quen Lý Què, định ra nhờ xin việc cho đứa cháu chân bốc xếp.

- Lý do hợp cảnh đây? Thôi được, chuyện thằng Lý, tao sẽ tính. Còn mày, lần trước đã nói rồi nhưng không nghe. Nhớ bài học này và đi mà viết người tốt việc tốt. Viết người xấu việc xấu là khổ đấy? Bây giờ mày thích khóc hay thích cười?

- Tôi không hiểu các anh nói gì?

- Cho nó sướng trước, khổ sau - Một tên hất hàm ra lệnh.

Hắn vừa nói dứt lời, hai thằng xông vào túm lấy Vọng và giang hai tay anh ra. Tên kia cù vào nách. Đầu tiên thì Vọng cố nhịn, nhưng rồi anh bỗng cười sằng sặc, cười chảy nước mắt...

- Sướng chưa... gớm, mấy khi được cười thoải mái thế này. Một nụ cười bằng một thang thuốc bổ đấy nhé.- Tên cù anh nói thủng thẳng.

- Ối giời... Giời ơi, tôi chết mất? - Vọng nói không ra hơi.

- Nào, ai cấp tài liệu cho mày?

- Tôi... tôi không biết? Hí hí...

- Không biết à, thế thì lại cười?

Một người hàng xóm đi qua, thấy tiếng cười sằng sặc, ông dừng lại nghe ngóng rồi lắc đầu:

- Gớm, chả hiểu anh nhà báo này khoái chí cái gì mà cười ghê thế.

Vọng rũ người vì phải cười. Đến lúc chúng buông anh ra thì Vọng nằm vật ra vì cười đã kiệt.

- Thôi nhé, sung sướng thế là đủ rồi, bây giờ phải nếm tý đau khổ.

Bọn chúng xông vào đấm đá Vọng túi bụi, cho đến lúc anh gục xuống. Chúng đổ nước mắm vào tivi, quẳng chiếc đài vào xô nước, đập vỡ chiếc máy ảnh Canon FT của Vọng.

° ° °

Tường xem báo cáo của trinh sát về vụ hành hung nhà báo Vọng. Anh bảo Đức:

- Tôi không ngờ là thằng Tiên sai đệ tử làm vụ này bởi hai lẽ. Tiên không phải là kẻ ngu, hắn phải thừa biết là cơ quan điều tra đang tập trung vào hắn, vì vậy lúc này hắn cần nằm im thở khẽ. Việc hắn cho đóng cửa may sòng bạc là một bằng chứng. Thứ hai là Vọng vừa mới viết bài vạch mặt hắn mà hắn cho người gây ra vụ này thì không khác gì mình đang ngồi trên đống rơm lại... nghịch bật lửa xăng. Với bọn tội phạm hình sự, có nhiều điều chúng làm ngoài sự tính toán của rình. Các cậu có tin gì mới không?

- Lý Què, người cung cấp tin cho Vọng đã trốn biệt tăm. Lý sợ thực sự!

- Các cậu đi tìm ngay Lý và lần tìm bọn hung thủ càng sớm càng tốt.

Đức ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Em cũng không tin thằng Tiên ra tay làm vụ trả thù này. Trong vụ án giết Oanh Sói này có nhiều điều mờ ám lắm. Nó không đơn thuần chỉ là một vụ thanh toán theo kiểu ân oán giang hồ. Nhưng Lý Què mà đã phải trốn thì rõ ràng là tại thành phố này có một tên trùm nào đó rất ghê gớm.

° ° °

Hôm sau, Tường cùng Tâm và Lưu đi ra Hải Phòng tìm Thắng Trố. Theo quy định thì các anh phải báo cáo công an thành phố Hải Phòng, tuy nhiên, do chưa nắm chắc được thông tin nên các anh chỉ nhờ cơ sở là một người chạy xe ôm ở bến xe Niệm Nghĩa dẫn đường. Cơ sở dẫn các anh ra khu Cầu Rào và vào một xóm nhỏ. Trời tối đen như mực. Đường đi lại lắt léo, cuối cùng họ cũng đến một căn nhà nhỏ nằm sát ngoài khu ruộng lúa đang chuẩn bị gặt:

- Thằng Thắng ở đây với con bồ là dân buôn cá từ Đồ Sơn về Hà Nội. Mấy hôm trước, chúng toàn ở khách sạn, nhưng chả hiểu sao ba ngày rồi, chúng về đây. Chiều nay nó còn nhậu rất say với hai thằng từ Hà Nội ra.

Tâm rút súng lên đạn rất nhẹ nhàng rồi gõ cửa. Im lặng, không có tiếng trả lời. Tâm gõ hồi nữa. Vẫn im lặng. Tường chạy vòng đằng sau, nhìn qua khe cửa sổ. Thắng Trố đã chết trong tư thế bị treo cổ.

° ° °

Ngày hôm sau, Tường họp với Tâm và Lưu. Tâm báo cáo về kết quả khám nghiệm tử thi Thắng Trố của công an Hải Phòng:

- Theo kết quả khám nghiệm tử thi thì Thắng Trố uống quá nhiều rượu, say mềm, bị bọn chúng dựng lên cho vào thòng lọng treo cổ. Đây là bản khai của người yêu anh ta.

Tường đọc bản tự khai rồi nói:

- Các đồng chí cố gắng đánh thêm cơ sở bí mật vào Tiên Chỉ, đồng thời nhanh chóng xác mình tìm cho ra hai tên đã uống rượu với Thắng Trố. Chúng đã uống rượu say với nhau, chắc chắn đó phải là bạn thân, rất thân và tin cậy. Lưu ý là trong đó có một tên có súng ngắn, theo như lời khai này. Cô ta thấy một kẻ uống rượu với Thắng, lúc lột áo để gãi, để lộ khẩu súng gài thắt lưng. Cô bồ nhí này cũng không phải là vừa, đã từng đi tù về tội buôn lậu hàng qua biên giới rồi tấn công cả hải quan..

° ° °

Không hiểu sao Lê Quang Cường lại có vẻ khó chịu với Tường trong việc anh được ban giám đốc giao cho làm Phó trưởng ban thường trực chuyên án. Cường hay để ý đến công việc của Tường, điều mà trước kia không hề có. Cứ vài ba ngày, anh lại bắt hai trinh sát của mình báo cáo về công tác điều tra. Một hôm, anh gay gắt nói với Tâm và Lưu:

- Mình không hiểu tại sao cậu Tường lại làm án kiểu câu dầm thế này. Chỉ cần vụ hành hung nhà báo Vọng, vụ Thắng Trố này là gô cổ thằng Tiên được rồi.

- Anh Tường thấy chứng cứ về Tiên còn non và càng không tin là hắn giết Thắng Trố, bởi làm như thế, khác nào "lạy ông tôi ở bụi này".

- Tường hiểu bọn tội phạm này sao bằng tôi được. Thôi được rồi, nếu cứ làm án kiểu rùa bò thế này, tôi sẽ báo cáo Ban giám đốc. Các cậu không biết sáng nay, hội đồng nhân dân tỉnh, người ta chất vấn công an thế nào đâu. Ông Phó chủ tịch tỉnh còn bảo nếu bọn tội phạm hoành hành thế này, nguyên nhân là do công an bảo kê. Ông ấy nói thế thì quá đáng. Chống tội phạm đâu chỉ công an, mà là từ gia đình, từ tất cả các ban, ngành, đoàn thể. Công an là chủ công, là mũi nhọn, nhưng công an có phải là đầy tớ của họ đâu. Cái gì cũng công an... Các cậu thấy, ở phường, đi vận động sinh đẻ có kế hoạch, đi dọn lòng lề đường cũng phải công an. Hiệu lực của chính quyền cơ sở càng yếu thì phải đưa công an ra dọa... Thế là càng làm nhiễu, càng đối đầu với dân, dân càng ghét. Việc chuyên sâu công tác cơ bản thì bỏ... Chết là từ đó. Gia đình cũng thế, cha mẹ nuông chiều con, phó mặc con cái cho xã hội, cho nhà trường, không hư sao được.

Cường nói hùng hồn, như thể đang diễn thuyết trước cử tọa. Tâm và Lưu cũng ngạc nhiên. Cường tiếp tục giảng giải:

- Vụ án cần điều tra ra, cần phải có những biện pháp nghiệp vụ đặc biệt. Tập trung lực lượng, vừa trinh sát vừa tấn công và phải đánh theo kiểu cắt cành cho gốc trơ ra rồi chặt gốc, biến một chuyên án trinh sát thành chuyên án truy xét. Có như vậy bọn tội phạm mới lo sợ, hoang mang, cá nằm trong lưới, con nào to là con quẫy khỏe, ta bắt... Được rồi, tôi sẽ giao cho đội đặc nhiệm lên kế hoạch trinh sát và, cảnh sát hình sự sẽ ra tay tấn công các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức.

° ° °

Vợ Tường ngày càng về muộn. Hầu như ngày nào chị cũng theo giám đốc Cheng đi tiếp khách. Vì thế những bữa cơm chỉ có hai bố con ăn với nhau ngày một nhiều hơn. Một buổi tối, Tường lựa lời nói với vợ:

- Em cố gắng thu xếp công việc, buổi chiều tối về ăn cơm với con. Anh thì đã bận, án từ chẳng lúc nao rỗi.

- Thì em cũng có rỗi đâu. Anh tưởng đi ăn tiệc sướng lắm à? Phải cười giả, nói giả, phải nịnh nọt, thậm chí phải lả lơi. Hôm nào anh đi với em dự một buổi, anh sẽ thấy đi dự tiệc bây giờ khổ thế nào, và cũng thấy mặt thật của nhiều ông quan chức? Các hợp đồng kinh tế ký kết với nước ngoài, họ đâu chỉ có quan tâm đến giá cả, đến chất lượng kỹ thuật... Cái mà họ quan tâm là nếu ký thì sẽ được bao nhiêu? Ôi dào, vô vàn chuyện ăn uống bẩn thỉu. Em nói thật, làm công an như anh, đến giờ vẫn không có tấc đất cắm dùi là... là đần. Anh thử ngó đồng đội anh xem?

Tường cười nhẹ nhàng:

- Em chỉ biết một mà không biết hai, thấy ngọn mà không thấy gốc. Anh không dám nói cả lực lượng Công an mà chỉ riêng có ở phòng thôi. Gần 200 quân, ba năm qua, hơn hai chục anh em bị thương, ba cậu hy sinh, hơn 60 cậu đang chen chúc trong nhà tập thể. Loại được chui gầm chạn như anh cũng hàng chục. Hôm nào anh chỉ cho em xem một số anh em trong phòng anh đang phải chạy xe ôm, phải đi gác thuê để kiếm sống. Dĩ nhiên, số người lợi dụng bộ cảnh phục để kiếm tiền không phải là không có, nhưng đó không phải là tất cả.

- Anh giáo điều lắm. Thôi chả nói chuyện với anh nữa. Chỉ có điều là em thấy lạ...

- Lạ gì?

- Là đàn bà đi làm kiếm tiền nuôi chồng. Là chuyện nước chảy ngược.

Tường nghẹn cổ. Anh cảm thấy nhục nhã quá, nhưng không biết nói thế nào. Tường nhìn con gái đang ngủ thiếp, bất giác anh ứa nước mắt. Liên cũng cảm thấy mình lỡ lời, cô ôm cổ chồng nói lả lơi:

- Thôi, đừng có cả nghĩ, anh cứ yên tâm theo đuổi nghiệp vụ điều tra của mình. Em không làm gì cản đường anh đâu.

° ° °

Đức và Tâm gọi cô bồ nhí của Thắng Trố lên trụ sở cảnh sát điều tra. Đức nhẹ nhàng gợi hỏi:

- Cô và Thắng sống với nhau lâu chưa?

- Dạ, mới có hơn một năm. Em biết anh ấy từ khi còn ở trong trại cải tạo của công an tỉnh. Sau đó mỗi đứa đi một nơi. Đầu năm ngoái gặp lại...

- Thế cô ở với Thắng không sợ vợ nó à?

- Sợ gì, vợ anh ấy vô sinh, mà anh ấy là con một... à không, thứ hai, nhưng mà ông anh cả là Lâm Bốn Ngón chết rồi. Vì vậy cứ mong có mụn con nối dõi.

- Thế lần này Thắng xuống ở với cô được bao lâu rồi?

- Được ba tháng rồi. Trước kia mỗi lần anh ấy xuống đây, chủng em thuê khách sạn... nhưng lần này, anh ấy bảo ở bao giờ có chửa thì về, cho nên chúng em mới thuê nhà ngoài xóm cho đỡ tiền.

- Thế... thế bây giờ có gì chưa?

- Dạ, có ạ. Anh ấy bảo ở thêm bao giờ thấy con đạp trong bụng thì lại về với... vợ.

Nói rồi cô ta khóc rưng rức. Đức động viên:

- Thế cũng là may, cô cứ yên tâm là tất cả những gì cô cung cấp cho chúng tôi sẽ được giữ kín. Nào bây giờ cô cho chúng tôi biết một số người bạn thân của Thắng.

- Thưa các anh, bạn thân của Thắng em không biết nhiều, những người mà em rõ chỉ có anh Tài, anh Tùng, chú Quyết Râu, chú Tạ Béo.

- Thắng hay đi nhậu với ai?

- Từ khi quen em, rất ít khi anh ấy nhậu. Mà nếu có đi thì không khi nào cho em hay. Mỗi năm, anh thường lén xuống với em vài lần. Lần thì mười ngày, lần thì cả tháng. Lần này, anh ấy bảo sẽ ở với em nửa năm. Chính vì vậy mà chúng em mới thuê nhà cho đỡ tiền. Trước kia, chúng em thường thuê khách sạn mini để ở.

- Chị đã gặp vợ Thắng chưa?

- Gặp một lần. Anh ấy rất nể vợ vì nghe đâu hồi xưa khi ở tù, hai người cùng ở một trại. Anh ấy ở đội nuôi lợn, chị ấy ở đội trồng rau. Một lần anh ấy bị mấy đứa cùng tổ tranh ăn, đánh cho gần chết, chị ấy xông vào cứu. Lấy nhau được bốn năm rồi mà không có con, hóa ra chị ấy bị... bị hỏng "máy".

Đức lấy ra một chục tấm ảnh chân dung cỡ 9x12:

- Chị nhìn kỹ xem, trong số này có đứa nào là bạn thân của Thắng không?

Chị ta chưa kịp xem thì cánh cửa phòng bật mở, một phụ nữ chít khăn tang lao vào. Trông thấy bồ nhí của Thắng, cô ta gào lên:

- A, con đĩ đây rồi. Mày giúp thằng nào giết chồng bà hả? Ôi giời ơi, giời có mắt, bà đang đi tìm mày...

Cô ta lao vào cô gái nọ, Đức vội ngăn lại, quát nhỏ:

- Hiền Đồng Nát! Cô biết đây là đâu không?

Hóa ra cô ta tên là Hiền, do ngày xưa đi buôn bán hàng đồng nát nên có biệt danh là Hiền Đồng Nát. Hiền và Thắng Trố sống với nhau nhưng không có hôn thú. Tuy nhiên họ cũng làm đám cưới tử tế. Nghe đồn chính Hiền là người không muốn đăng ký kết hôn. Cô tuyên bố: "Phải sống thử với nhau 5 năm đã." Hiền sững người nhìn Đức và thay đổi nét mặt rất nhanh:

- Ôi cán bộ. Bây giờ cán bộ về điều tra à? Khiếp, cứ ở trại giam mãi, chán chết. Chúng em "từ", cán bộ thì "tội" - Hiền Đồng Nát liến thoắng - Em xin phép cán bộ, có vào tù nữa cũng được. Em quen rồi. Nhưng em phải cho con này một trận.

Tâm giữ cô ta lại:

- Rất may là cô đến đây, chúng tôi cũng đang định đi tìm cô đây. Nào, uống nước đi rồi xem đống ảnh này. Cô biết thằng nào?

Hiền Đồng Nát vừa xem ảnh, thỉnh thoảng lại liếc nhìn cô bồ nhí của chồng với ánh mắt đầy căm thù. Bỗng Hiền nhìn như xoáy vào tấm ảnh của người có cặp mắt xếch dử tợn:

- Thằng này... thằng Long Xếch. Hồi cùng ở trại, nó với nhà em cùng một tổ nuôi lợn. Nhà em cứ khen Long Xếch là thằng biết điều. Nó bị án tù bảy năm, nên về sau nhà em hai năm.

- Gần đây Long Xếch có đến nhà không?

- Không. Em nghe nói là nó đi làm vệ sĩ ở một ông chủ nào đó.

Cô bồ nhí của Thắng cũng lên tiếng:

- Đúng thằng này rồi? Em nhớ, mắt nó dữ lắm.

- Thôi được rồi, bây giờ mỗi cô viết cho tôi một bản tường trình, viết tất cả những gì mà các cô hiểu về Thắng cũng như đám bạn bè của nó.

Hai người đàn bà ngồi viết tường trình nhưng vẫn hẩm hứ, đánh mắt về nhau. Viết xong, Hiền nói nhỏ:

- Rồi đời mày còn khổ, em ạ.

- Rồi xem đứa nào khổ hơn đứa nào.

Tâm và Đức nhìn hai người thở dài ngao ngán. Họ nộp đơn xong, Đức nghiêm giọng:

- Này hai cô, thằng Thắng thiệt thân chết đã đành, hai cô bây giờ còn tranh hơn kém, ghen tuông thì cũng bằng không. Vì vậy, tôi cấm cô Hiền giở trò gì đấy. Việc quan trọng là các cô xem thằng nào giết thằng Thắng, có thông tin gì thì báo ngay?

Nhớ chưa.

Hiền cười hì hì:

- Thì là em cũng... cũng muốn các anh bắt ngay thằng... thằng Long đi. Chỉ có nó được thằng nào thuê mướn mới ra tay hại nổi nhà em. Mà cũng tại lão ấy. Cứ mê mẩn con này... cứ ở nhà với em thì đâu đến nỗi.

- Ở nhà với cô thì cần gì phải Long Xếch với Long "xác"... cũng toi rồi.

- Á à! Con đĩ này, mày định gây sự với bà hả? Ra ngoài kia... Ra ngoài kia, bà thì gọt đầu bôi vôi. Nói cho biết nhé, bà đã ba năm đi trại rồi đấy.

- Không phải khoe, còn ít lắm. Đây kém hai tháng thì cũng tròn năm năm đấy.

Nghe nói vậy, Hiền giật mình:

- Thế à, ở trại nào?

Đức lại phải nghiêm mặt cảnh cáo hai người:

- Được rồi, thích đánh nhau, chờ vào trại giam rồi hãy giở trò. Còn bây giờ, mỗi đứa đi một nơi.

Hiền lại thay đổi:

- Em nóng quá mất khôn. Xin anh thể tất. Nhưng xin anh giúp em với... chẳng còn đồng nào đi xe về quê cả?

Đức lục túi còn được ba chục ngàn, Lưu cũng còn được năm chục ngàn, họ gộp lại đưa cho Hiền. Cô ta ứa nước mắt:

- Em cảm ơn các anh. Thật không ngờ đời em lại có lúc khốn khổ đến thế này.

Cô bồ nhí của Thắng mím môi suy nghĩ rồi cũng mở túi xách tay ra, lấy xấp tiền 50.000 đồng và đến bên Hiền:

- Thôi, em xin chị. Anh ấy chẳng may mất rồi. Em gửi chị về thắp hương cho anh ấy... Còn em... em sẽ... - Cô ta nghẹn lời không nói được nữa và khóc tấm tức.

Đức bảo nhỏ với Hiền:

- Cô ấy có mang với thằng Thắng được gần ba tháng rồi.

Hiền sững người:

- Cái gì? Có mang rồi à? Ối giời ơi, thế là còn phúc rồi.

Hiền lao đến bên cạnh cô gái mà mới mấy phút trước còn nhìn nhau bằng con mắt nảy lửa:

- Em, có phải không em?

- Dạ, phải.

- Trai hay gái?

- Em cũng chưa rõ, nhưng thày bói bảo là sinh con trai?

Hiền ôm lấy cô gái và hai người cùng khóc nức nở.

° ° °

Tâm và Đức báo cáo lại toàn bộ sự việc với Tường. Tâm nói:

- Long Xếch trước kia có một tiền án và hai tiền sự. Hắn vốn là đệ tử của Tiên Chỉ vào những năm đầu thập kỷ 90, được Tiên Chỉ cho cai quản khu chợ vải và chợ thủy sản, đồng thời chỉ huy luôn mạng lưới cho vay nặng lãi ở khu vực chợ này. Năm 1993, Long bị bắt vì chống người thi hành công vụ và làm bị thương gãy tay đồng chí cảnh sát khu vực, bị kết án 7 năm tù. Hắn ra trại năm 1997, do được giảm hai năm và đi làm xe ôm. Không hiểu sao hắn không quay về làm cho Tiên Chỉ nữa. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, hắn hay lang thang ngoài cảng Tân Phú, nghe đồn rằng hắn làm cho một đại gia nào giàu có lắm..

- Các đồng chí cho điều tra triển khai bắt ngay Long Xếch. Coi chừng hắn có vũ khí. Nếu bắt bí mật được thì tốt. Tôi cử thêm ba điều tra viên giúp các đồng chí. Khi phát hiện ra hắn, báo cảo cho tôi. Nhớ mang theo súng ngắn và công cụ hỗ trợ.

Tâm lắc đầu:

- Thôi, em sợ công cụ hỗ trợ của ta lắm. Cái roi điện hôm nọ, gí thử vào chó, nó cứ nhảy cẫng lên mừng, tưởng được đùa. Đến lúc bấm lại, mình sờ vào, bị giật ngã bổ chửng.

° ° °

Tiên ra sân bay đón Vi Kiến Đức từ Đài Loan sang. Một cơ sở của Tường đã báo cáo cho anh biết tin này. Anh báo cáo Giám đốc và xin ngoại tuyến giám sát mạnh hoạt động của Đức và Tiên. Giám đốc đồng ý nhưng gợi ý Tường nên cho một số anh em trong ban Chuyên án đi cùng để nhận mặt Đức và Tiên Chỉ. Tường cử điều tra viên Thành và nữ đồng chí thư ký của ban chuyên án đi theo tổ ngoại tuyến.

Trong bộ comple màu ghi sẫm may rất khéo và chiếc cặp da, nom Vi Kiến Đức sang trọng và toát lên vẻ đĩnh đạc, từng trải, điềm tĩnh của một ông chủ lớn. Trông thấy Tiên, Vi Kiến Đức chỉ hơi nhếch mép cười và sau đó nét mặt trở lại nghiêm nghị pha chút lạnh lùng. Sau những thủ tục xã giao, Vi Kiến Đức bảo Tiên:

- Bây giờ tôi sẽ đi về khách sạn. Sau đó tôi sẽ đi taxi đến cửa hàng Hưng Thịnh của ông và bàn về nhập lô hàng sắp tới ở đó. Ngày mai tôi sẽ đi thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết một số việc rồi trở về Đài Loan ngay.

Họ chia tay nhau ngay ở sân bay. Vi Kiến Đức gọi một xe taxi về khách sạn, còn Tiên lên chiếc Mercedes đi thẳng về của hàng Hưng Thịnh. Tiên kiểm tra cửa hàng mới sửa chữa lại với vẻ hài lòng. Để kiểm tra độ nhạy của hệ thống báo cháy, Tiên hút thuốc lá, pha khói vào một sen-xơ cảm ứng nhiệt và khói gắn trên tường. Lập tức chuông báo động reo vang, hệ thống điện nguồn tắt và hệ thống điện ắc quy dự phòng bật sáng. Phụ trách cửa hàng là một thanh niên nom đẹp như diễn viên trình bày:

- Thưa ông, nếu nhiệt độ trong phòng tăng đột ngột - tức là trong trường hợp có lửa thì hệ thống phun nước tự động sẽ hoạt động ngay và tạo ra một màn sương hơi nước để ngăn chặn sự lây lan của lửa. Sau đó ta sẽ xem xét là cháy do chập điện hay do xăng, từ đó quyết định dùng nước hay bình bọt để dập lửa.

Tiên gật gù:.

- Tốt, nhưng vấn đề là có bể nước dự trữ riêng cho chữa cháy không?

- Dạ có một bể hai ngàn lít.

- Ban đêm trực mấy người?

- Dạ thưa, ba ạ, trong đó có một bảo vệ thuê của công ty Long Sơn.

Tiên nhíu lông mày:

- Ai cho thuê?

- Dạ. thưa ông, anh Hòa ạ.

Tiên lộ vẻ khó chịu bấm điện thoại di động gọi Hòa:

- Ai bảo mày thuê bảo vệ Long Sơn... Mày có chắc không... phải công an cài người không? Cắt hợp đồng ngay... Hả, không ý kiến ý cò gì hết. Tao bảo cắt là cắt. Từ sau, làm gì phải hỏi tao chứ. Mày đến đây ngay cùng tao tiếp khách.

Khi trời về chiều thì Vi Kiến Đức đến cửa hàng Hưng Thịnh. Trong phòng khách của cửa hàng Tiên và Hòa tiếp Vi Kiến Đức. Vi mở đầu:

- Tôi được biết những khó khăn của ông hiện nay đối với chính quyền. Theo lẽ thường tôi phải ngưng việc bán hàng trả chậm cho ông. Nhưng tôi tin là ông sẽ vượt qua được.

- Thưa Vi tiên sinh, trong thời gian qua, tôi đã nhận được sự hợp tác chí tình của ông, từ đáy lòng tôi rất biết ơn.

- Xin đừng khách sáo quá. Bán hàng cho ông tôi rất tin tưởng. Những gì ông đã thực hiện tôi đánh giá rất cao. Ông là người biết trọng chữ tín, tôi rất tin.

- Lát nữa, tôi sẽ mời ngài đi thăm khu kho hàng mới. Đảm bảo sẽ rất an toàn.

- Tìm được một khu kho an toàn không khó. Vấn đề là ông đã thu xếp xong các thủ tục với Hải quan cảng Tân Phú chứ?

- Cơ bản là được.

- Sao lại cơ bản? Ông đã làm việc với ai? Cụ thể ra sao? Hàng về, ai giúp thủ tục đưa ra khỏi cảng. Chả lẽ côngtenơ nào cũng phải mở ư?

Tiên cười trước sự quá lo lắng của lão Vi:

- Xin tiên sinh yên tâm. Hải quan vừa có một cách cải tiến thủ tục kiểm hóa rất hay nhằm giải phóng hàng nhanh, tránh phiền nhiễu cho các doanh nghiệp.

- Ông nói rõ hơn?

- Đơn giản thế này thôi. Ví dụ tôi nhập hàng của ông, dĩ nhiên là thông qua một công ty nào đó mà họ ở cách đây hàng trăm cây số... Hàng về cảng, cán bộ kiểm hóa hải quan sẽ áp tải hàng về kho, sau đó họ sẽ mở niêm phong, làm thủ tục.

- Như vậy là phải mua bằng được số nhân viên kiểm hóa đó..

- Đúng vậy. Khi họ còn ở trong cảng, trong đơn vị thì sẽ khó khăn đôi chút, nhưng khi họ đã ra khỏi cảng, trên đường họ đi với mình, gây thiện cảm không khó.

- Còn người phụ trách đội chống buôn lậu?

- Chúng tôi cũng đã thỏa thuận xong. Nếu là hàng của chúng tôi, mỗi côngtennơ nộp riêng cho ông ấy là một ngàn, còn bao nhiêu cho các nhân viên khác thì tính sau.

Vi ngạc nhiên:

- Thật thế ư? Làm ăn với những người sòng phẳng, quyết đoán dễ chịu thật. Tôi chúa ghét những kẻ tiền thì thích nhưng cứ hay lên giọng đạo đức giả. Nếu có thể ông bố trí cho tôi gặp vị đội trưởng đó.

- Khó đấy, hắn ta không ăn nhậu, chơi gái thì rất kén, toàn với bọn hoa hậu, á hậu, không ăn diện, và cũng nổi tiếng là đánh buôn lậu giỏi. Năm ngoái anh ta được đi dự hội nghị cán bộ tiêu biểu.

- Thú vị quá, thú vị quá? Mà này, ông dự định chọn loại hàng nào?

Tiên suy nghĩ hồi lâu:

- Hiện nay tivi, đầu video, tủ lạnh... Việt Nam đã có một số liên doanh. Hàng của liên doanh chất lượng không tồi, nhưng giá cả thì hoàn toàn không rẻ.

- Tôi rất hiểu, nhưng tôi chưa cung cấp cho ông các loại ấy sớm... Trước mắt, ông vui lòng nhập về vài chục côngtennơ máy nông ngư cơ. Loại có thuế suất bằng không? Sau đó ta sẽ... đưa dần hàng điện máy vào?

- Quả là cao kiến. Ngài đúng là có tầm nhìn xa... xa vạn dặm.

- Tôi không dám nhìn xa vạn dặm... mà tôi chỉ mơ luôn nhìn thật gần, thật gần, gần như tôi luôn thấy túi tiền của mình.

Tiên rót rượu mời lão Vi và liếc mắt cho Hòa, ra hiệu bảo hắn đi ra.

- Thưa Vi tiên sinh, tôi chắc rằng ông cất công sang đây không chỉ vì mấy côngtennơ hàng?

- Đúng thế. Người của tôi cho hay rằng, ông đang ở trong tình trạng có thể bị công an bắt bất cứ lúc nào?

- Nhưng tôi không hề giết con Oanh.

- Thế ông có cho vay nặng lãi, có mở sòng bạc không? Ông có cho đàn em gây lộn xộn rồi bắn nhau ở nhà hàng Mây Hồng không? Các nhà hàng của ông có nhập rượu lậu, có khai gian trốn thuế không? Ông nên nhớ ngày xưa ông đã phải đi trồng rau nuôi heo trong trại cải tạo.

Tiên vã mồ hôi, lắp bắp:

- Vậy... vậy theo ngài thì làm thế nào?

- Ông có một người bên cạnh là ông Cường, tuy nhiên phải rất cẩn thận với con người này. Hãy dùng tiền buộc chặt ông ta vào mình và dùng mọi cách để loại thằng cha đại úy trẻ kia ra khỏi cuộc chơi. Với các loại tội lỗi mà không thể dẫn đến án tử hình như cá độ, sòng bạc... thì hãy làm thế nào để chuyện to hãy biến thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ biến thành chuyện không có. Tôi không tin là có doanh nghiệp tư nhân nào đó lại khai đúng một trăm phần trăm thu nhập để đóng thuế theo đúng yêu cầu của nhân viên thuế.. Buôn rẻ bán đắt, trốn thuế, nhập hàng lậu... đó là thuộc tính của giới kinh doanh. Nếu không có thuộc tính ấy thì cần gì phải có hải quan, có công an kinh tế. Bây giờ ông hãy ốm, đi Singapore chữa bệnh... trong thời gian đó, thuộc hạ của ông sẽ giải quyết vấn đề với tay cảnh sát điều tra đó.

- Nhưng... nhưng tôi biết, hình như tôi bị cấm xuất cảnh.

- Chưa đâu, ông hãy cố gắng lên, hình như ông có cả hộ chiếu công vụ kia mà?

° ° °

Nhằm thăm dò ý đồ của công an và cũng là để tranh thủ Cường, Tiên mời anh đi ăn cơm tại một nhà hàng Tứ xuyên tửu lầu. Tiên than thở:

- Tôi dạo này sức khỏe tồi quá, hay sốt linh tinh và lắm lúc cứ mệt rũ ra. Có lẽ phải đi Hà Nội tìm một thầy lang giỏi bắt mạch kê đơn xem sao? Nếu có điều kiện tôi sẽ đi Trung Quốc chữa bệnh ít ngày.

- Sức khỏe là tất cả. Anh nên đi mà lo cho cái thân mình theo cả hai nghia.

- Điều đó có nghía là...

- Là không lối thoát. Tôi cũng cố giải thích cho anh ta biết tình hình của anh, đặc biệt là chuyện anh không có lý do gì để hại con Oanh. Nhưng... nhưng chứng cứ ngày càng nhiều..

Tiên vừa gắp thịt định đưa lên miệng bỗng ngừng lại, buông đũa. Cường thủng thẳng:

- Anh điên hay sao mà cho quân đánh thằng nhà báo? Cái tờ báo của nó là tờ báo lá cải, sắp chết vì không có tiền... Nay chỉ vì mấy cú đấm đá của quân ông mà tờ báo bỗng trở nên nổi tiếng. Và bây giờ, ai chửi ông càng khỏe thì càng được ủng hộ. Còn chuyện thằng Thắng Trố. Tại sao ông lại sai thằng Long Xếch giết nó...

iên nghiến răng trèo trẹo, mắt nảy lửa:

- Tôi xin thề có ngọn đèn, tôi không biết chuyện đó. Thằng chó đẻ nào gây chuyện...

- Thằng Long là đệ tử của ông, thằng Thắng cũng vậy.

- Nó bỏ tôi từ lâu rồi? Thằng... thằng nào gắp lửa bỏ tay người?

Rồi Tiên năn nỉ:

- Anh có cách nào giúp tôi... giúp tôi gặp tay Tường đó. Hãy nghĩ kế giùm tôi đi?

Cường bậm môi suy nghĩ:

- Bây giờ thì chưa nghi ra được. À này, nghe nói vợ chồng nó mới cãi nhau to. Tường không muốn vợ đi Đài Loan vì sợ mất vợ. Nó đang lo buồn, chứ nếu nó rảnh tay thì ông không còn ngồi được đến hôm nay đâu..

Mắt Tiên sáng lên khi nghe Cường nói thế. Trở về nhà, Tiên lấy tập ảnh chụp trộm cảnh vợ Tường và gã giám đốc Cheng trong khách sạn và cười thích thú. Tiền cho vào một phong bì và sai một nhân viên đem ra bưu điện tỉnh ngoài gửi cho Tường.

° ° °

Vợ Tường lại về muộn. Tắm xong, chị ra, nói với chồng:

- Anh Tường, hôm nay em muốn nói chuyện với anh.

Chị lấy thuốc hút. Tường ngạc nhiên:

- Em hút thuốc từ hồi nào vậy?.

- Cũng mới thôi. Em đã quyết định rồi tuần sau em đi Đài Loan học hai tháng, sau sang Canada học thêm ba tháng nữa. Em muốn anh đừng ngăn cản em.

Tường mệt mỏi:

- Được, tùy em. Lúc nào em đi cũng được. Và... và đi bao lâu cũng được.

Vợ Tường nheo mắt nhìn chồng và nét mặt bất ngờ lộ rõ vẻ đanh đá:

- Sao hôm nay anh thay đổi nhanh thế?

- Không phải là nhanh mà là nghĩ kỹ rồi.

- Này có phải anh... anh ghen bóng ghen gió phải không?

Tường im lặng hồi lâu, bỗng anh bật dậy, nói thong thả, rõ từng chữ:

- Không phải là bóng, là gió... mà là thật sự.

- Sao anh hồ đồ thế. Làm ăn bây giờ nó khác xưa lắm. Em là trợ lý tổng giám đốc, thì phải đi họp đi hành, phải đi tiếp khách... Anh đi làm án, biền biệt cả tháng, nửa đêm gà gáy, ai hỏi là bật dậy... vợ con được nhờ gì nào?

- Vâng, trợ lý... trợ lý là gì nhỉ? À, "nói năng thì lý nhí, thập thò xin chữ ký, giúp việc thủ trưởng lúc... bí và nghe quát những điều vô lý". Vâng, cô giúp việc thủ trưởng bận rộn thế này đây.

Tường sôi máu, mở cặp lấy ra tập ảnh:

- Đây cô xem đi. Cô giúp thủ trưởng thế này ư?

Vợ Tường mặt lạnh tanh xem những tấm ảnh rồi lạnh lùng:

- Ông Cheng mà xem những tấm ảnh này, thích phải biết. Chỉ tiếc hơi non sáng.

Rồi cô quắc mắt:

- Anh còn phim không, rửa hết cả cuộn đi. Tôi không ngờ anh lại hèn đến thế. Dùng máy ảnh nghiệp vụ đi chụp trộm ảnh vợ, anh dùng cả nghề công an để theo dõi vợ. Đã thế, tôi cũng không cần giấu nữa. Tôi sẽ đi sang Đài Loan và đi làm vợ ông Cheng. Tôi không muốn sống như thế này nữa. Anh thử nghĩ xem, lấy chồng phải được nhờ chồng chứ. Tôi được bổng lộc gì của nhà anh, hay là anh về đây với tôi với mấy bộ quân phục cũ và... anh đã mua được gì, sắm được gì cho cái nhà này... Phải, tôi phải ngủ với giám đốc cũng là vì sự nghiệp của anh đấy. Từ ngày lấy anh, tôi nào biết đồng tiền của anh, hay là mỗi lần anh đi phá án lớn án bé lại phải ngửa tay lấy tiền của con này. Đồ hèn! Có giỏi đến mà gặp ông ấy. Chao ôi, đường đường là cảnh sát điều tra mà phải đi chụp ảnh trộm.

Tường gằn giọng:

- Tôi không thèm làm cái việc đốn mạt này. Có điều là kẻ nào đó gửi cho tôi... Tôi cấm... tôi cấm cô nói đến hai chữ cảnh sát!

- Anh không làm thì đồng đội anh làm. Làm gì có ai có đủ sức, đủ công đi theo dõi người rồi có phương tiện làm những trò này?

Tường nổi nóng, anh tát liền hai cái vào mặt câng câng của vợ.

- Câm ngay! Tôi cấm cô nhắc đến đồng đội của tôi. Họ không làm việc hèn hạ đó.

Vợ Tường tỉnh như không sau hai cái tát. Cô ta sờ má rồi đi uống nước.

- Hay lắm, hôm nay mới lộ rõ bản chất của anh cảnh sát điều tra. Với vợ còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì không hiểu với phạm nhân thì còn thế nào? Thảo nào, hễ sa vào tay công an là vô tội cũng thành có tội. Có tội bé thì thành tội lớn...

Thôi, thế là đủ rồi. Bây giờ anh nghe đây? Trước kia, anh bước vào nhà như thế nào thì nay quay ra như thế. Tôi sẽ bán nhà và đi. Ân huệ duy nhất tôi dành cho anh đó là con Thảo. Còn nếu anh không đủ tiền nuôi nó, cứ nói đi, tôi sẽ giúp.

Con bé Thảo đã dậy từ lúc nào, nó chạy ra ôm chặt lấy bố.

° ° °

Hôm sau Tường phải đưa con gái đến ở tạm tại phòng làm việc của mình. Anh sắp xếp lại phòng và để con gái ngủ trên chiếc giường xếp anh vẫn ngủ lại khi trực ban. Buổi trưa, hai bố con đi sang hàng cơm ở gần cơ quan ăn cơm. Bà bán hàng vốn đã quen biết Tường từ lâu. Bà bảo:

- Anh Tường này, hay... hay ban ngày anh đi làm, anh cứ đưa cháu sang đây tôi trông cho. Nhà tôi có mấy đứa trẻ ngoan đáo để, mà đứa cháu nội tôi cũng bằng tuổi con Thảo. Anh cứ lo công việc đi. Hằng ngày về đây, ăn cơm với chúng tôi.

- Cám ơn bà. Bố con cháu tự lo được.

- Đừng có ngại, chả giúp những người như anh thì giúp ai.

Buổi tối, Tường để con ngủ ở giường còn anh xếp hai chiếc bàn lại, làm giường ngủ. Sáng sớm, cô thư ký Ban chuyên án đến đón cháu Thảo đi ăn sáng.

- Bố ơi, cho con đi chơi với cô Vân nhé?

- Thảo, cô phải làm việc sớm, con đi ăn sáng với bố. Hay bố nấu mì cho cả hai bố con nhé?

- Không, con muốn đi với cô Vân cơ?

- Anh Tường, đừng có giữ ý như cụ già thế. Anh em trong đội đã họp và phân công rồi. Em sẽ chăm sóc cháu Thảo, đưa nó đi ăn sáng, ăn trưa, đi gửi trẻ... Còn anh Trung trưởng phòng sẽ đề nghị Ban giám đốc cấp nhà sớm cho anh..

° ° °

Chỉ một ngày sau, chuyện Tường bị vợ đuổi lan khắp Công an tỉnh. Trưởng phòng điều tra Vũ Văn Đắc rất ái ngại, anh nói với Tường:

- Công văn xin nhà cho cậu tớ đã ký đây. Đích thân tớ sẽ lên gặp Ban giám đốc. May ra thì được nhà tập thể ở tầng năm.

- Cảm ơn anh, mình tôi thì không sao, đằng này còn cháu Thảo. Tôi định xin anh cho nghỉ ít ngày đem cháu về quê?

- Cậu điên à? Ở quê, hai ông bà già còn chưa trông nhau được. Nghe nói bà già yếu lắm... Cậu cứ để cháu ở đây. Đơn vị sẽ giúp, mỗi người một tay... ổn thôi.

° ° °

Trưởng phòng Vũ Văn Đắc gặp Phó giám đốc phụ trách hậu cần:

- Báo cáo anh, đơn vị chúng tôi có trường hợp đồng chí Tường căng quá...

- Làm sao?

- Trước đây ở nhà vợ, nay vợ nó đuổi. Hai bố con phải ra... phải đến ở cơ quan.

- Anh xem còn căn hộ tập thể nào cấp cho cậu ấy?

- Đợt xét nhà qua rồi. Năm năm rồi, tỉnh mới cho được hai chục phòng. Trong khi đơn xin nhà gần ba trăm người. Anh bảo chia bôi thế nào? Nát cả óc rồi lại bù đầu về đơn thưa, đơn kiện tụng. Chán mớ đời, toàn quân ta kiện quân mình. Giờ không còn căn nhà nào, không có mét đất nào? Mấy phường mới thành lập, cũng đi ở nhờ đình, ở nhờ ủy ban, rồi lấn chiếm cơ đê. Cậu đến phường Nhật Thành mà xem. Ở lù lù giữa ngã ba đường mà mấy ông ủy ban quận, thành phố có thèm để ý tới đâu? Đơn xin đất làm trụ sở cho một số đơn vị chờ ba năm nay chẳng ai duyệt: Kể ra có tiền đi hối lộ thì cũng nhanh đấy.

° ° °

Vũ Văn Đắc lại cầm lá đơn xin cấp nhà lên gặp giám đốc Trần Phúc. Ông xem đơn xong, bặm môi suy nghĩ hồi lâu rồi đứng dậy đi lại trong phòng làm việc:

- Không còn một mét nhà nào, không còn một mét đất nào. Thôi thì tôi viết giấy, cậu xuống Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ. Ở đó có mấy gian nhà, lính vừa mới chuyển đi cứ ở tạm đã, tính sau vậy.

- Anh ạ, xuống tiểu đoàn... gần tám cây số, xa quá. Còn cháu bé nữa.

Giám đốc ngồi phịch xuống ghế, bất lực ca thán:

- Nói thật với cậu, gần đây tôi không dám đi xuống mấy phường mới thành lập nữa. Mà mới gì nữa, bốn năm rồi. Nhìn anh em phải đi ăn nhờ ở đậu thậm chí có công an phường phải vào nhà dân xin từng xô nước, nhục quá. Người ta... người ta thì cứ đòi công an thế này, công an thế kia, nhưng người ta quên rằng phải lo đến điều kiện làm việc tối thiểu cho anh em.

Ngừng một lát, giám đốc Công an tỉnh nói tiếp vẻ rất băn khoăn:

- Các đồng chí hãy cố gắng động viên Tường vượt qua khó khăn lúc này. Cậu ấy đang chịu trách nhiệm điều tra một vụ án đặc biệt quan trọng... Ban chỉ huy phòng hãy giúp đỡ đồng chí ấy tăng tốc độ điều tra.

Thấy Giám đốc nói vậy, Đắc rụt rè:

- Đúng là tốc độ điều tra có chậm, nhưng trong chuyên án, nếu ta làm tốt khâu trinh sát, thu được chứng cứ, thì sẽ tạo được đòn tấn công bất ngờ, hốt trọn cả ổ... Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ câu dầm như thế này, biết đến bao giờ mới đủ chứng cứ. Tội phạm có tổ chức thì kẻ chủ mưu bao giờ cũng giấu mặt, giao nhiệm vụ cho đệ tử qua hai, ba cầu... Nếu tìm cho ra chứng cứ, cực kỳ khó. Nhưng vấn đề không phải là ở đó.

- Là ở cái gì.

- Đồng chí Tường thời gian gần đây, gia đình có trục trặc. Vợ đi theo lão Cheng, Tổng giám đốc Vạn Lợi, đuổi hai bố con ra khỏi nhà... Những chuyện đó làm cho Tường không còn đầu óc nào tập trung cho công việc. Cũng có tin rằng Tiên đã tìm cách gặp Tường...?

- Tôi biết là Tiên không quen Tường mà có quan hệ với đồng chí... à, với mấy cậu ở hình sự... - Giám đốc lo lắng nói. - Tội phạm phải tìm cách chạy thầy chạy thuốc, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng tốc độ điều tra quá chậm khiến dư luận thắc mắc. Theo tôi anh nên gặp đồng chí ấy, tìm hiểu thêm xem.

- Được, tôi cũng đã biết một vài chuyện về Tường, nhưng tôi tin cậu ấy. Đồng chí về làm báo cáo, tôi sẻ ký trợ cấp đặc biệt. Trước mắt phải ổn định từ tưởng cho Tường.

° ° °

Cuối cùng hai bố con Tường được Ban giám đốc cho ở nhờ một căn nhà rộng hơn 9m2, trước đây vốn là nhà của anh em đội xe. Trưởng phòng Hậu cần Công an tỉnh cho Tường mượn nhà nhưng phải làm cam đoan là trả nhà ngay nếu đơn vị cần sử dụng. Tường chán không muốn nhận. Trưởng phòng nói:

- Ấy cậu đừng tự ái. Ai mà chả phải thế. Bao gương lấn chiếm đất, chiếm nhà trái phép... Cẩn tắc vô áy náy.

Tường ký vào giấy cam đoan. Rồi dọn đến ở. Anh em trong đội góp cho Tường nồi cơm điện, giường, bàn, tủ con... Tường rất cảm động trước tình cảm của họ.

Buổi tối, Tường chuẩn bị cho con đi ngủ thì có điện thoại của Tâm:

- Báo cáo anh, chúng em đã tìm ra Long Xếch. Các cô ca ve ở quán karaoke Mây Tím cũng khai hết rồi.

- Long Xếch đang ở đâu?

- Nó đang đánh bạc ở nhà trông hồ cá của Phú Béo.

- Ai đang theo dõi ở đó?

- Em và Đức.

- Được rồi, tôi sẽ xin điệu thêm năm cảnh sát đặc nhiệm đến.

Tường cùng tổ đặc nhiệm, trang bị áo giáp, súng đạn đầy đủ đến hồ cá nhà Phú Béo ở ngoại vi thành phố. Long Xếch và đồng bọn đang đánh bạc tại lều trông cá ở giữa hồ. Thuyền đi ra hồ chúng đã mang theo. Nhìn địa hình, Tường lo lắng:

- Như thế này thì không thể tấn công chúng được Chúng ta phải ở đây canh chừng, hết sức bí mật. Nếu chúng tan sởi, lên bờ, ta đón bắt ngay. Còn nếu chúng ngủ lại đó, sáng mai ta sẽ bao vây.

Tường vừa nói đến đó, bỗng ngoài lều có tiếng chửi bới:

- Tao giết mày? Đồ bịp bợm.

- Mày bảo ai bịp bợm... Mày có giỏi thì giết tao đi?

Có tiếng la hét, tiếng đấm đá uỳnh uỵch và căn lều ngoài hồ chao đảo tưởng như sụp đổ đến nơi. Từ trong lều, có một tên bị đạp ngã lộn cổ xuống hồ... Rồi lại một tên nữa lao vọt ra như nhảy bơi. Chúng lóp ngóp bơi vào bờ. Tổ đặc nhiệm đón bắt ngay và bịt mồm lại. Tường lôi nghiến chúng vào bãi ngô:

- Chúng tao là cảnh sát đặc nhiệm đây. Cấm kêu to. Nào, nói mau, ngoài đó có ai?

- Dạ, có Phú Béo, Long Xếch, Thành Cùi và lão Tài Ất Ơ.

- Thằng nào gây sự?

- Dạ, thằng Phú thua nhiều, nghi thằng Long bịp... Chúng em làm thuê trông ao cá cho Phú Béo, ngồi xem chúng nó đánh bạc. Thấy chúng nó sinh chuyện, định can thì bị thằng Long ném xuống hồ.

- Thằng Long có súng không?

- Dạ... dạ có ạ! Không, hình như thằng Phú có.

- Bao giờ nó tan cuộc.

- Kiểu này là tan ngay bây giờ...

Hắn chưa dứt lời, có tiếng súng nổ... Tiếp theo là tiếng thét rùng rợn. Rồi một người nhảy xuống chiếc thuyền gò bằng tôn, khỏa tay làm mái chèo bơi vào bờ.

Tường ra lệnh cho Đức, Thành đưa hai tên mới bị bắt vào sâu trong bãi, đề phòng chúng báo động, còn anh chỉ huy ba cảnh sát đặc nhiệm nằm sát mé hồ chờ đợi.

Long Xếch vừa nhảy lên bờ thì bị các cảnh sát lao bổ tới, quật ngã, tước súng và khóa tay. Lúc đó, ngoài lều có tiếng kêu:

- Có ai không, cứu với Thằng Long giết Phú Béo rồi.

Long Xếch được đưa ngay vào trại giam. Tường báo cáo Giám đốc và bàn với Giám thị trại cho hắn vào một buồng giam có hệ thống camera giám sát đồng thời bố trí ba phạm nhân tự giác canh giữ. Long vừa vào trong buồng giam đã hất hàm hỏi:

- Thằng nào là "cán bộ" ở đây?

Một phạm nhân đã đứng tuổi nói:

- Tôi phụ trách buồng.

- Có luật gì không?

- Chả có luật gì cả, trông kia kìa - Anh ta chỉ tay lên camera.

Long nhếch mép cười:

- Thế thì càng tốt. Đói quá, ai có gì ăn, cho xin một miếng.

Một phạm nhân đưa cho Long gói bánh "bích-cốt" và ca nước. Long bình thản ăn bánh, uống nước. Ăn xong, Long lăn ra ngủ và ngáy như sấm. Từ phòng kỹ thuật, Tường cùng Đức, Thành thấy cảnh Long "xếch" án uống, Tường bảo: - - Nó đã chuẩn bị tinh thần kỹ lắm rồi cho nên mới bình tĩnh được như vậy.

Hôm sau, Tường trực tiếp hỏi cung Long Xếch. Đức ngồi ghi biên bản:

- Ngày thứ năm tuần trước, anh đi đâu? - Tường hỏi ngay, không úp mở.

- Tôi đi chơi, gặp thằng Thắng Trố ngoài chợ cá Đồ Sơn... Lâu ngày gặp nhau, anh em rủ đi uống rượu ở quán gỏi cá...

- Ngoài anh ra, còn có ai nữa?

- Còn có thằng Phú Béo, thằng mà tôi nhỡ tay bắn chết hôm qua đó.

- Được. Việc anh giết Phú Béo sẽ khai sau. Thế uống rượu với Thắng Trố xong thì sao?

- Tôi... tôi uống xong là lúc hai giờ chiều. Tôi đi đến một quán karaoke và... và ở đấy với bọn cave. Sau này, tôi biết Thắng đã treo cổ tự tử.

- Thắng treo cổ hay anh treo nó lên?

- Các anh cho là tôi giết nó à? Đi mà hỏi nó?

- Nghe đây? Chuyện anh rủ nó đi uống rượu là đúng. Anh đến quán karaoke Mây Tím và ngủ ở đó đến chiều là đúng. Nhưng từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối, anh đi đâu?

- Dạ... tôi... tôi đi bộ lang thang, ngắm thành phố.

- Hay lắm, mày định đùa tao hả Long - Đức vằn mắt - Để tao nói nốt cho mà nghe, chính mày đến gặp Thắng Trố vào lúc hơn 6 giờ. Mày thấy nó vẫn say mê mệt, mày liền treo cổ nó lên... Nhưng không chỉ có mình mày và thằng Phú mà còn một thằng nữa. Lúc mày giết nó xong, ra về, bị con chó nhà hàng xóm cắn vào bắp chân... Nào vén ống quần lên?

Thành tóm lấy Long, vén ống quần lên. Đúng là có ba vết răng chó.. Đức nói tiếp:

- Mày sợ bị chó dại, đã đến trạm vệ sinh dịch tễ tiêm. Con bé cave ở nhà hàng Mây Tím đã lấy nước xà phòng rửa chân cho mày.

Long tái mét mặt, gục đầu.

- Nào, ai thuê mày giết Thắng? Tao biết mày với nó không thù hằn gì nhau?

Bỗng Long gào lên:

- Vâng, tôi giết nó, tôi giết thằng Phú.. Tôi có tội, các ông bắn tôi đi! Bắn đi.

Rồi hắn đập đầu xuống bàn bình bịch

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play