- À ! Không . Không . - Ông Kiết Minh sực tỉnh - Ta về thôi.
Bà Uyển Phấn giao giỏ xách cho Kỳ Cương:
- Con xách hộ ta nhé.
Kỳ Cương tinh ý nhận ra ngay, thay đổi trong cách xưng hô, nhưng anh không suy đoán được điều gì cả, chỉ cảm nhận được có cái gì đó như yêu thương từ phía bà Uyển Phấn làm anh thấy xúc động.
Bà Uyển Phấn nhìn ông Khiết Minh, bàng hoàng . Vậy là đúng rồi . Kỳ Cương chính là con của họ . Đứa bé sau khi sinh ra, bà đã biết mình không thể cưu mang, đành bấm bụng gởi vào cô nhi viện.
Giờ đây, nó đã trở thành một thanh niên hai mươi tuổi, khôi ngô tuấn tú nhưng nghèo khổ . Nó sẽ nghĩ gì, nếu biết những người sinh thành ra nó đã vất bỏ nó như vất bỏ rác rưới ? Chắc là nó hận lắm.
Bà nghe nghẹn đắng :
- Tôi sợ nó sẽ không nhìn nhận chúng ta . Nó sẽ không hiểu lý do vì sao tôi từ bỏ nó.
Ông Khiết Minh cũng thấy nặng nề :
- Thôi đừng nói nữa . Trước mắt đành phải không nhìn nhận . Tìm cơ hội giúp đỡ nó rồi tính sau vậy.
Bà Uyển Phấn lo lắng :
- Nhưng tôi sợ Ngọc Chi lắm . Tôi sẽ chết mất, nếu chị biết sự thật.
- Chúng ta đều đã già hết rồi . Tôi nghĩ, Ngọc Chi sẽ không gây khó khăn gì trong chuyện này đâu.
Uyển Phấn lẩm bẩm :
- Không đơn giản như ông tưởng đâu . Giá đừng có nó thì hay hơn cả . Thà rằng tôi cam tâm chịu tội với Trời Đất, còn hơn phải đối mặt với Ngọc Chi như thế này . Tôi khổ tâm lắm.
- Có nó hay không có nó thì chúng ta cũng đã lỗi với Ngọc Chi rồi . Vì vậy, chuyện gánh trách nhiệm hay hậu quả là điều bắt buộc . Lẽ ra bà phải nói với tôi từ trước, chứ bỏ con như thế thật là đáng trách.
Ông Khiết Minh trách nhẹ.
- Chỉ có tội thôi sao ? - Uyển Phấn uất ức - Phải, tôi đã hèn nhát trốn trách nhiệm . Tôi đã không có gan chịu cơn thịnh nộ của bạn, một người đã hết lòng cưu mang giúp đỡ mẹ con tôi . Nhưng tôi sống sung sướng được sao ? Suốt hai mươi năm trời, tôi sống trong dằn vặt, ray rứt . Tại sao tôi lại có thể đang tâm phản bội bạn chứ ? Để rồi tôi được gì ? Một đứa con không dám nhìn, và cái đầu lúc nào cũng phải cúi xuống vì mặc cảm, vì lo sợ.
Ông Khiết Minh chặc lưỡi :
- Tôi cũng đâu có nói mình vô tội . Tôi đã nói chúng ta kia mà . Nhưng tôi không thể không đau lòng . Trong khi tôi sống sung túc giàu có thì con tôi lại chật vật khổ sở vì miếng cơm manh áo . Nếu tôi được biết thì cho dẫu ngày xưa Ngọc Chi có bầm gan, xé ruột, tôi cũng chịu . Còn hơn con tôi phải như thế này . Tôi nói ra không phải vì xót nó mà nói, mà vì bà đã làm cho mọi chuyện trở nên khó giải quyết . Bây giờ, chúng ta không chỉ đối mặt với Ngọc Chi, mà còn phải đối mặt với Kỳ Cương nữa.
- Vậy theo ông, mình phải làm gì ?
- Tôi đã nói rồi . Tìm cách nâng đỡ nó trước đã.
Từ cô nhi viện trở về, ngay chiều hôm ấy, ông Khiết Minh cho gọi Kỳ Cương đến văn phòng . Kỳ Cương hồi hộp, không biết mình có điều gì sai sót . Anh vào làm ớ "Thành Đạt" có một tháng và chưa tìm ra cách để trả đũa Nguyên Tân . Thành thử, cuộc gặp mặt bất ngờ này làm anh hoang mang . Không biết là tốt hay xấu nữa.
- Con ngồi đi . Chắc là con lo lắng lắm, phải không ?
Nụ cười ấm áp và cách nói thân tình của ông Khiết Minh làm anh nhẹ lòng . Kỳ Cương khép nép ngồi xuống :
- Dạ, cũng có hơi lo, vì bất ngờ quá.
- Vậy ta vào thẳng vấn đề để con khỏi sốt ruột . Với cách nhìn của ta, con rất có khả năng trong kinh doanh . Ta muốn đưa con vào phòng kế hoạch của Tùng Nam cho con học hỏi phát triển . Con thấy sao ?
- Con... tôi... à ? - Kỳ Cương sửng sốt - Không thể được . Tôi có biết gì đâu . Tôi chỉ có thể làm nghệ thuật thôi.
- Nghệ thuật ?
- Vâng . Tôi rất thích vẽ . Chỉ tiếc là không có điều kiện nên đành lái xe để sống qua ngày.
Ông Khiết Minh gật gù :
- Thì ra vậy . Nhưng sao con không cho mình một cơ hội ?
Kỳ Cương lắc đầu :
- Tôi không dám . Chuyện quan trọng như vậy, tôi thật sự không có khả năng.
- Ta cho con học hỏi kia mà.
- Tại sao như vậy ?
Kỳ Cương hỏi thẳng . Ông Khiết Minh thoáng bối rối :
- À ! Ta đã nói là ta có cách nhìn riêng, và ta tin là ta sẽ không lầm .
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT