- Bộ tưởng ta sợ sư sãi các ngươi hay sao? Mau mau tháo dây xích xiềng
trói Giác Viễn đại sư ra thì ta để yên, nếu không ta sẽ lôi Thiên Minh
lão hòa thượng ra hỏi đấy.
Nhà sư lùn nghe thấy Quách Tương ăn nói lếu láo, bên hông lại đeo đoản kiếm, nên gằn giọng:
- Cô tháo binh khí để lại, chúng tôi không cãi lý với cô, mau xuống núi đi.
Quách Tương tháo đoản kiếm ra, hai tay nâng lên cười nhạt:
- Hay lắm, xin tuân lệnh tôn đài.
Gã sư lùn từ nhỏ xuất gia, trước nay nghe sư bá, sư thúc, sư huynh đều nói là Thiếu Lâm tự là nguồn gốc chung của võ học, lại nghe là dù thanh
vọng lớn đến thế nào chăng nữa, võ lâm cao thủ tài ba đến mấy chăng nữa, cũng không ai dám đeo binh khí tiến vào trong chùa Thiếu Lâm. Cô gái
trẻ tuổi này tuy chưa bước chân vào cổng chùa, nhưng cũng đã thuộc phạm
vi của Thiếu Lâm, hẳn là cô ta cũng sợ nên líu ríu giao đoản kiếm. Nghĩ
thế nên y đưa tay nhận kiếm. Tay gã vừa chạm vào bao kiếm bỗng thấy cánh tay chấn động như bị điện giật. Một luồng sức mạnh từ đoản kiếm truyền
lên, hất về phía sau, chân đứng không vững khiến gã ngã bổ chửng. Gã
đang đứng tại triền núi dốc, bị ngã liền lộc cộc lăn xuống mấy trượng,
may cố gượng mới dừng lại được.
Nhà sư cao gầy vừa tức vừa sợ, quát:
- Ngươi ăn tim sư tử, uống mật báo hay sao mà dám tới Thiếu Lâm tự gây rối hả?
Y xoay người lại, tiến lên một bước, tay phải tung ra một chưởng, tay
trái cũng đi theo đè lên tay phải, hai tay cùng đánh ra, chính là thế
thứ hai mươi tám trong Sấn Thiếu Lâm, Phiên Thân Phách Kích.
Quách Tương tay cầm cán kiếm, dùng cả kiếm lẫn bao nhằm vai gã điểm tới. Nhà
sư hạ vai xuống phản kích, vươn tay chộp lấy bao kiếm. Giác Viễn đứng
bên thấy thế hoảng hốt kêu lên:
- Xin đừng động thủ, đừng động thủ! Hãy từ từ nói chuyện phải quấy.
Lúc đó tăng nhân đã nắm được bao, đang định vận kình đoạt kiếm, chỉ thấy
lòng bàn tay bị chấn động, hai cổ tay hơi tê đi, kêu lên một tiếng:
"Hỏng rồi", Quách Tương chân trái đã quét ngang, đá y văng xuống sườn
núi.
Y bị đòn so với gã sư lùn nặng hơn nhiều, lăn xuống, trên
đầu, trên mặt bị va vào đá máu chảy lênh láng, mãi mới ngừng lại được.
Quách Tương nghĩ thầm: "Ta lên chùa Thiếu Lâm vốn chỉ muốn dò hỏi tin
tức đại ca, vô cớ cùng bọn họ động thủ, xem ra không ổn rồi".
Liếc mắt thấy Giác Viễn mặt mày buồn thiu đứng tại bên cạnh, nên rút đoản
kiếm ra, chặt những xích buộc ở tay ông ta. Tuy đoản kiếm đó không phải
là vật hi hữu, quý báu, nhưng cũng là một loại binh khí rất sắc bén, chỉ nghe loảng xoảng mấy tiếng, dây xích đã đứt thành ba khúc. Giác Viễn
luôn mồm kêu:
- Không được đâu! Không được đâu!
Quách Tương hỏi lại:
- Cái gì mà không được?
Rồi chỉ tay về phía hai tăng nhân cao lùn đang chạy vào chùa mà nói:
- Hai tên ác hòa thượng đó hẳn là vào chùa phi báo, mình phải chạy ngay. Đồ đệ họ Trương của ông đâu? Dắt cậu ta theo với.
Giác Viễn chỉ xua tay. Bỗng phía sau có tiếng người nói:
- Đa tạ cô nương quan tâm, tôi đang ở đây.
Quách Tương quay lại, thấy đằng sau lưng một thiếu niên chừng mười sáu, mười
bảy tuổi, mày rậm mắt to, thân thể cao lớn, nhưng mặt vẫn còn trẻ con,
chính là Trương Quân Bảo, người ba năm trước đã gặp trên núi Hoa Sơn. So với bây giờ, cậu ta đã cao lớn hơn nhiều, nhưng dung mạo không thay đổi mấy. Quách Tương mừng quá, vội nói:
- Bọn ác hòa thượng ở đây chèn ép sư phụ ngươi, mình nên chạy ngay đi.
Trương Quân Bảo lắc đầu:
- Không ai chèn ép sư phụ tôi đâu.
Quách Tương chỉ Giác Viễn:
- Hai gã ác hòa thượng đó lấy xích buộc sư phụ ngươi, lại một câu cũng không cho nói, chẳng chèn ép thì là gì?
Giác Viễn nhăn nhó lắc đầu, chỉ xuống chân núi, ý muốn Quách Tương mau mau
thoát thân, đừng để bị rắc rối. Quách Tương biết rằng trong chùa Thiếu
Lâm số người võ công cao hơn nàng không biết bao nhiêu, nhưng thấy việc
bất bình trước mắt, không thể xuôi tay bỏ qua; lại ngại cao thủ trong
chùa chạy ra ngăn trở, nên một tay nắm Giác Viễn, một tay nắm Trương
Quân Bảo, dậm chân nói:
- Chạy mau, chạy mau, có chuyện gì xuống núi đã rồi hãy nói cũng được.
Hai người chỉ đứng yên không trả lời. Bỗng thấy cửa chùa ở triền núi bên
dưới chạy ra bảy tám tăng nhân, tay cầm tề mi đại côn, kêu lên:
- Con nhỏ mất dạy nào dám đến chùa Thiếu Lâm mà phá phách?
Trương Quân Bảo đưa tay làm loa kêu lớn:
- Các vị sư huynh không được vô lễ, đây là…
Quách Tương hoảng hốt:
- Đừng nói tên tôi ra.
Nàng nghĩ chuyện ngày hôm nay xem chừng không nhỏ, thể nào rồi cũng đồn ra đến tai cha mẹ, nên thêm một câu:
- Bọn mình nên theo đường núi chạy ngay, tuyệt đối đừng đề cập đến tên cha mẹ, bạn bè tôi.
Chỉ nghe thấy sườn núi phía sau cũng có tiếng người la ó, lại thêm bảy tám
nhà sư nữa chạy ra. Quách Tương thấy trước sau đều có sư bao vây, nhíu
mày, trách:
- Các ngươi cứ lừng chà lừng chừng, không có chút khí phách gì của nam nhi, chạy hay không nào?
Trương Quân Bảo nói:
- Sư phụ, cô nương đây có lòng tốt…
Ngay lúc đó, cửa chùa bên dưới lại ra thêm bốn nhà sư áo vàng, phấp phới
chạy thẳng lên, tay không cầm binh khí nhưng thân pháp nhanh nhẹn, gió
thổi vào áo phần phật, xem ra võ công không phải tầm thường. Quách Tương thấy tình thế như vậy, xem chừng chạy thoát thân một mình cũng không
xong, nên ngưng khí đứng yên, chờ xem chuyện gì xảy ra. Nhà sư chạy đầu
đến cách cô ta chừng bốn trượng, lớn tiếng nói:
- Thủ tọa La Hán
đường sư tôn truyền rằng, người đến chùa mau bỏ binh khí, xuống lều
tranh dưới núi nói rõ sự tình, để nghe pháp dụ.
Quách Tương cười nhạt:
- Gớm, các đại hòa thượng chùa Thiếu Lâm quan cách quá, nghe thật lọt
tai. Xin hỏi các đại hòa thượng là quan của hoàng đế Đại Tống, hay là
quan của hoàng đế Mông Cổ đấy? Sao vẫn còn lên mặt như quan của hoàng đế Đại Kim?
Khi đó đất đai phía bắc sông Hoài không còn thuộc về nhà Đại Tống nữa, vốn do nước Kim cai quản, nay nước Kim đã mất vào tay
Mông Cổ, khu vực chùa Thiếu Lâm cũng đã thuộc về Mông Cổ từ lâu. Thế
nhưng quân Mông nhiều năm qua còn bận công thành Tương Dương chưa được,
phải lo điều binh khiển tướng không hơi sức đâu mà lo chuyện chùa chiền, nên chùa Thiếu Lâm mọi sự vẫn y như ngày trước.
Gã tăng nhân nghe Quách Tương mỉa mai thật là chua cay, nên không khỏi đỏ mặt, cảm thấy
đối với người ngoài mà truyền dụ như vậy quả không ổn, nên chắp tay nói:
- Không biết nữ thí chủ có chuyện gì mà quang lâm tệ tự, xin để binh nhận, mời xuống vi đình dưới chân núi uống trà nói chuyện.
Quách Tương thấy y đổi giọng hòa nhã, nên cũng muốn làm hòa, nên nói:
- Các ông không cho tôi vào chùa thì thôi. Hừ, hay là trong chùa có báu vật, tôi trông thấy sẽ được thơm lây chăng?
Nói rồi liếc nhìn Trương Quân Bảo, nói nhỏ:
- Có chạy hay không thì bảo?
Trương Quân Bảo lắc đầu, nhếch mép về phía Giác Viễn, ý nói muốn ở lại hầu hạ sư phụ. Quách Tương lớn tiếng nói:
- Thế thì thôi ta không lo cho nữa, ta đi đây.
Nói rồi rảo bước chạy xuống núi. Nhà sư áo vàng đi đầu né sang nhường lối.
Người thứ hai và người thứ ba giơ tay ngăn lại, cùng nói:
- Hãy khoan, để binh khí lại.
Quách Tương nhướng mày, tay để lên cán kiếm. Nhà sư thứ nhất nói:
- Chúng tôi không dám giữ binh nhận của nữ thí chủ đâu. Khi xuống đến
chân núi, chúng tôi lập tức đem bảo kiếm giao lại. Đây là quy củ của
chùa Thiếu Lâm hàng nghìn năm nay, xin lượng thứ cho.
Quách Tương
nghe y ăn nói lễ độ, trong lòng thầm tính: "Nếu như mình không để kiếm
lại, thế tất phải đánh nhau, ta chỉ có một mình, đâu phải là địch thủ
của tăng chúng chùa Thiếu Lâm. Thế nhưng nếu để kiếm lại, chẳng há đem
thể diện ông ngoại, cha mẹ, đại ca ca, Long tỉ tỉ bỏ đi sao?".
Nàng còn đang trù trừ chưa quyết, chỉ thấy trước mắt một bóng vàng thấp thoáng, một người thét:
- Đã đeo kiếm đến chùa Thiếu Lâm, lại đả thương người, trên đời này đâu có lý nào như thế.
Kình phong xô tới, năm ngón tay đã chộp lấy bao kiếm. Giá như tăng nhân đó
để yên không ra tay, Quách Tương thấy trước mắt tình thế bất lợi, ắt sẽ
tạm nhịn cái khí nhất thời, sau sẽ cùng với ông ngoại, cha mẹ bàn luận
rồi quay lại tính chuyện. Thế nhưng đối phương đột nhiên ỷ mạnh, chẳng
lẽ để y khơi khơi đoạt kiếm sao?
Cầm nã thủ pháp của nhà sư đó quả thực xảo diệu, vừa nắm được bao kiếm, nghĩ là thể nào Quách Tương cũng
giật lại, một hòa thượng cùng một cô gái co co kéo kéo, trông rất bất
nhã, nên y vận kình đẩy sang bên trái, thuận thế lại kéo về bên phải.
Quách Tương bị y vừa nắm vừa đẩy như thế quả nhiên không cưỡng lại được
phải lỏng tay ra, vội chụp lấy cán kiếm, chỉ soẹt một tiếng, hàn quang
lấp lánh. Tăng nhân nọ tay phải tuy cầm được bao kiếm nhưng hai ngón tay trái đã bị đoản kiếm thuận thế cắt đứt, đau quá phải ném bao kiếm, lui
sang một bên.
Chúng tăng nhân thấy đồng môn bị thương, vừa kinh
vừa giận, múa trượng giơ côn cùng xông lại. Quách Tương nghĩ thầm: "Thôi thì đến đâu thì đến, chuyện hôm nay xem không xong rồi". Nghĩ rồi sử
dụng tài nghệ gia truyền Lạc Anh kiếm pháp, vừa múa vừa xông xuống chân
núi. Các nhà sư xếp thành ba vòng, chia nhau đỡ gạt.
Lạc Anh kiếm
pháp vốn do Hoàng Dược Sư theo Đào Hoa Lạc Anh Chưởng mà chế ra, tuy
không tinh diệu bằng Ngọc Tiêu kiếm pháp, nhưng cũng là một tuyệt kỹ của đảo Đào Hoa. Chỉ thấy ánh xanh lấp loáng, kiếm hoa từng điểm, như phất
phới đang rơi khắp bốn bề. Trong chốc lát đã có hai tăng nhân bị thương. Thế nhưng phía sau lại có mấy nhà sư xông lên, thế từ cao đánh xuống.
Nếu theo lý thì Quách Tương không thể nào đương cự nổi, nhưng tăng chúng Thiếu Lâm lấy từ bi làm gốc, không muốn hại đến tính mệnh cô ta, chiêu
số đánh ra không dùng sát thủ, chỉ cốt đánh ngã, dạy dỗ một phen, giữ
binh khí lại, đuổi xuống chân núi. Thế nhưng Quách Tương kiếm quang mù
mịt, không dễ gì tới được gần.
Lúc đầu tăng chúng nghĩ rằng cô gái tuổi còn trẻ, nên coi thường. Đến lúc thấy kiếm pháp tinh kỳ, biết là
không thuộc dòng dõi danh môn cũng là đồ đệ danh sư, không nên đắc tội,
phải ra chiêu dè dặt, một mặt cấp báo cho thủ tọa La Hán Đường Vô Sắc
thiền sư.
Đang lúc đó, một vị sư già thân thể cao gầy chầm chậm đi tới, hai tay luồn trong tay áo, mỉm cười xem hai bên giao đấu. Hai tăng nhân chạy đến trước mặt ông ta, nói khẽ vài câu. Quách Tương lúc này đã thở hồng hộc, kiếm pháp lăng loạn, kêu lớn:
- Vậy mà dám gọi là nguồn gốc võ công thiên hạ, hóa ra hơn một chục hòa thượng vây đánh một người thiếu nữ.
Vị lão tăng đó chính là thủ tọa La Hán đường Vô Sắc thiền sư, nghe vậy, liền nói:
- Mọi người dừng tay!
Những nhà sư nghe thế vội ngưng lại nhảy ra ngoài. Vô Sắc thiền sư nói:
- Cô nương tên họ là gì, lệnh tôn và lệnh sư là ai? Đến chùa Thiếu Lâm chẳng hay có chuyện gì thế?
Quách Tương nghĩ thầm: "Ta không nên nói tên họ cha mẹ cho ông ta biết. Việc
ta đến chùa Thiếu Lâm để thăm hỏi tin tức của đại ca cũng không thể nói
ra cho mọi người nghe được. Mình đã gây rắc rối thế này, cha mẹ và đại
ca biết được thể nào cũng rầy rà, chi bằng mình cứ lặng thinh là hơn".
Vì thế nàng đáp:
- Tên họ tôi không thể cho ông biết được, chẳng
qua tôi thấy trên núi phong cảnh đẹp đẽ, nên lên ngắm cảnh đấy thôi. Nào ngờ chùa Thiếu Lâm so với nội viện hoàng cung còn khó khăn hơn, chẳng
làm gì cũng đòi giữ binh khí người ta lại. Xin hỏi đại sư, tôi đã bước
chân vào cổng chùa chưa? Có chỗ nào đắc tội với Thiếu Lâm tự? Ngày trước Đạt Ma tổ sư truyền võ nghệ, chẳng qua cũng chỉ để cho tăng chúng thân
thể khỏe mạnh, giúp cho việc tham thiền thành Phật, nào hay danh tiếng
càng to, võ công càng cao, thì cái việc cậy đông cậy mạnh lại càng lớn.
Hay lắm, nếu các ông muốn giữ binh khí của tôi, thì tôi để lại, dù có
giết tôi đi, việc hôm nay đừng tưởng trên giang hồ không ai biết đến.
Cô ta bản chất nhanh mồm khéo miệng, việc này lại không phải hoàn toàn lỗi ở nàng, chỉ một câu khiến Vô Sắc thiền sư cứng họng không trả lời được. Quách Tương nhìn mặt đặt tên, nghĩ thầm: "Việc quấy phá này chính ta
mới là người sợ lộ ra ngoài, nhưng xem ra Thiếu Lâm tự còn ngại hơn. Hơn một chục hòa thượng vây đánh một cô gái trẻ tuổi, nghe có gì là hay
ho?". Nghĩ thế bèn hứ một tiếng, ném đoản kiếm xuống đất, quay mình bước đi.
Vô Sắc thiền sư lạng người tiến lên, phất tay áo một cái đã cuộn được thanh kiếm, hai tay cầm lấy lưỡi kiếm, nói:
- Cô nương nếu không nể tình thầy trò chúng tôi, thanh bảo kiếm này xin cầm lại. Lão nạp cung kính tiễn cô xuống núi.
Quách Tương nghe vậy cười đáp:
- Xem ra lão hòa thượng thông đạt tình lý, thế mới gọi là phong phạm của bậc danh gia.
Cô ta thấy mình được thế nên thuận mồm khen Vô Sắc một câu, rồi thò tay
nhắc kiếm, bỗng thấy giật mình. Nguyên lai lòng bàn tay đối phương sinh
ra một hấp lực, tuy cô ta đã cầm được cán kiếm nhưng không sao nâng lên
được. Nàng ra sức vận kình ba lần nhưng vẫn không sao lấy được đoản
kiếm, bèn nói:
- Hay nhỉ, ông định khoe công phu chăng. Bạn đang xem truyện được sao chép tại: t.r.u.y.e.n.y.y chấm c.o.m
Đột nhiên tay trái vung ra, nhẹ nhàng hướng vào hai huyệt Thiên Đỉnh, Cự
Cốt ở bên trái cổ ông ta phất tới. Vô Sắc kinh hãi, né người tránh, khí
kình hơi lỏng ra nên Quách Tương thuận thế mà lấy được đoản kiếm.
Vô Sắc nói:
- Công phu Lan Hoa Phất Huyệt Thủ hay thực. Chẳng hay cô xưng hô Đào Hoa đảo chủ như thế nào?
Quách Tương cười đáp:
- Đào Hoa đảo chủ ư? Tôi gọi ông ta là Lão Đông Tà.
Đào Hoa đảo chủ Đông Tà Hoàng Dược Sư chính là ông ngoại của Quách Tương,
tính tình khác người, trước nay vốn không câu nệ lễ phép, thường đùa cô
cháu ngoại gọi là Tiểu Đông Tà, Quách Tương liền gọi lại ông ngoại là
Lão Đông Tà, Hoàng Dược Sư không những không la rầy, còn tỏ ra hoan hỉ.
Vô Sắc lúc thiếu thời vốn là lục lâm, tuy đã nương thân cửa thiền mấy chục năm tu trì, Phật học uyên thâm, nhưng hào khí xưa vẫn chưa dứt, nếu
không làm sao kết bạn được với Dương Quá? Thấy cô gái này không chịu
khai sư thừa lai lịch, định thử một chuyến, nên lớn tiếng nói:
- Tiểu cô nương tiếp ta mười chiêu, để xem nhãn lực lão hòa thượng thế nào, có nói ra được môn phái của cô chăng?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT