Phàm nhân sống đến một trăm tuổi đã là đại thọ. Bậc đế vương có khí vận gia trì thì cũng chẳng thể sống quá hai trăm tuổi. Sau ba trăm năm, Đại Tề có một vị quân vương mới cũng không phải là chuyện lạ. Điều lạ là người này có tên Vương Cẩn Chi.

Một tên thái giám lên làm vua thế nhưng không ai dám phản đối, bởi những kẻ phản đối đều đã bị thiến cả. Mỗi lần có người dị nghị, lão thiến người đó. Dị nghị lần thứ hai, con cháu người đó liền bị thiến. Nếu tiếp tục tái phạm thì ai thiến được liền thiến kẻ ấy. Đám quan lại trong triều bây giờ hầu hết là hoạn quan. Nhiều kẻ sau này vì muốn thăng quan tiến chức cũng tự cung để làm vui lòng cấp trên. Cũng vì thế mà trong miệng của các quốc gia lớn nhỏ xung quanh, nơi này còn được gọi là Vô Căn quốc.

Vị quốc vương của Vô Căn quốc vừa mắt địa thế của Diệu Âm cốc nên đã dựng nên thành Vọng Hải tại đó. Từ nơi này chiến thuyền của lão có thể thuận lợi tiến vào Vô Tận hải, biến quần đảo Lãm Thượng trở thành thuộc địa của nó.

Các vật phẩm khai thác được từ Lãm Thượng thành được đưa về Vọng Hải rồi từ Vọng Hải theo các lộ tuyến cố định đưa về trung tâm của Tây Ngưu hóa châu. Dần dần Tây châu không còn cần phải lệ thuộc quá nhiều vào các tuyến đường thương mại từ Trung Châu nữa. Kế sách án binh bất động, phong tỏa Tây châu của Lưu Ly quốc đã vô hiệu.

Những thay đổi to lớn này không được thuật lại trong “Tân Huyền Không”, bởi theo nó đế quốc phàm nhân dù có hùng mạnh đến đâu thì cũng không đáng để nhắc đến. Nó chỉ coi trọng một mình Vương Cẩn Chi mà thôi. Kẻ đầu tiên tự ghép cho mình hai khỏa linh căn.

Người viết nên Tân Huyền Không có nằm mơ cũng không thể ngờ, chỉ sau 300 năm, phàm nhân đã đủ hùng mạnh để tru tiên diệt thần.



Ở bên trong Diệu Âm cốc, nói đúng hơn là bên trong Vọng Hải thành đang có tiên nhân sắp bị tru diệt.

Lúc này, Kim Mạc con trai của Kim Tỏa chân nhân đang khổ chiến cùng binh lính của Đại Tề.

Theo thân pháp của hắn, mái tóc dài xõa che kín mặt bay múa như rồng.

Mũi thương của Kim Mạc xoay tròn, xoắn thủng giáp ngực của tên binh sĩ. Rõ ràng đã xuyên tâm vậy mà kẻ đó vẫn không chết.

Dưới chiếc mũ thép dày cộm, đôi tròng trắng đột ngột nhuốm máu. Tên tướng lĩnh hét lên một tiếng dữ tợn rồi dùng tay nắm chặt lấy trường thương của Kim Mạc, chết cũng không buông. Chiến ý ngập trời.

Khi vũ khí bị đối phương dùng tay không nắm được, kẻ thiện chiến đã sớm từ bỏ vũ khí, đổi chiến thuật.

Kim Mạc trước giờ tuy rất chăm chỉ tập luyện thương thuật thế nhưng kinh nghiệm thực chiến của hắn lại là một con số không tròn trĩnh. Tay của hắn vẫn vịn chặt lấy thương, tâm thần thì bất định bởi đối thủ có thể dũng mãnh hò hét đối đầu với sát chiêu của hắn.

Còn đang thất thần thì ba bốn luồng linh lựcđã đâm thẳng vào lưng và sau gáy. Linh lực trong cơ thể rối loạn khiến hắn hét lên một tiếng đau đớn rồi quỵ ngã.

Cũng may Kim Mạc tu luyện Tán Linh quyết, dù là ở Tây châu vẫn có thể tự do sử dụng linh lực hộ thể. Nếu là tu sĩ của một châu khác thì đã sớm bị đinh sắt đâm thủng mấy lỗ.

Tên binh sĩ đang bị trường thương đâm xuyên kia hoàn thành xong sứ mệnh làm bị thịt cũngđã tắt thở. Bộ giáp sắt dày nặng nề ngã xuống đất; đồng tử trợn ngược, máu xối xả đổ ra từ ngũ quan.

Một tên tướng lĩnh cầm nỏ trong tay ra lệnh:

- Nhanh bắt lấy!

Đám binh sĩ vòng trong cầm nguyệt đao áp sát kẻ nằm trên đất, đám binh sĩ vòng ngoài thì giương nỏ đã được kéo căng. Cây đinh sắt trên nỏ tỏa ra ánh sáng bàng bạc.

Tất cả binh sĩ đều được trang bị huyền thiết trọng giáp phủ kín người. Bàn tay và vị trí các khớp cũng được bao bọc kín bằng giáp xích. Trên đai lưng của mỗi người có khảm một con thao thiết đang há miệng chờ được đút linh thạch.

Phàm nhân có thể dùng pháp khí cũng không còn là chuyện quá bất ngờ bởi vì một phát minh động trời, ngoại đan. Ngoại đan này có thể thay thế sự vận hành của linh căn.

Nếu một người thân thể khỏe mạnh có thể tiếp nhận ngoại đan. Tùy theo tinh thần lực của chủ thể và cấp bậc của ngoại đan mà kẻ đó có thể sử dụng một số pháp khí nhất định. Dĩ nhiên những người này không thể tu thành tiên tâm cũng không thể truy cầu trường sinh bất tử, nhưng chiến lực của họ vô cùng đáng sợ, đặc biệt là ở Tây Ngưu Hóa Châu.

Cũng bởi vì ngoại đan không bị giới hạn bởi lời nguyền Đoản Mệnh Diệt Linh, không sợ bị phản phệ, thế nên chỉ riêng ở Tây Châu, những phàm nhân được "nâng cấp" này có ưu thế hơn hẳn tiên nhân.

Tương truyền rằng các nguyên soái của Đại Tề còn nắm giữ ngoại đan đủ mạnh để hỗn chiến với thượng thần, dĩ nhiên là chỉ ở trong phạm vi của Tây Châu mà thôi.

Những binh lính ở đây không mạnh mẽ như vậy, cũng yếu kém hơn Kim Mạc nhiều nhưng bọn họ có lợi thế của đám đông, yếu tố bất ngờ, cùng kinh nghiệm chiến đấu với tiên nhân. Kim Mạc thua không oan.

...

Đúng lúc này pháp tắc Ngũ Hành Ẩn Ẩn vốn đóng kín bao lâu nay lại được mở ra.

Tên tướng quân vừa hạ lệnh lúc này liền quyết đoán hướng đại nỏ về phía Kim Mạc rồi bóp cò, diệt trừ hậu hoạn không đáng có.

Thế nhưng hắn không nhanh bằng niệm lực của A Nhất. Cây đinh được làm bằng huyền thiết vừa đâm thủng lớp da đầu mỏng của Kim Mạc thì đã ngừng lại, lơ lửng ở đó.

Một chiếc quan tài dần lộ ra từ trong hư không. Màu sơn đen kịt như màn đêm thôn phệ hết tất cả ánh sáng chiếu lên nó rồi phản chiếu lại niệm lực của A Nhất. Niệm lực lan xa rồi bao trùm cả Diệu Âm Cốc.

Hư ảnh mờ ảo của cái đầu thần thánh bao bọc lấy quan tài. Hai mắt nhắm kín, gương mặt vô thần có nét tương tự A Nhất, tóc dài búi cao đơn giản, quanh cái cổ ngắn có đeo một chiếc vòng gỗ. Trên vòng có khắc một dãy cổ ngữ.

Vị thần chết mù lòa… À không! Vị thần hòa bình mù lòa đã trở lại.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play