Thực ra trường cấp hai của tôi đã tổ chức cho học sinh đi tham quan ngay từ
lớp 6. Nhưng chuyến tham quan hồi lớp 8 chứa đựng nhiều kỷ niệm nhất.
Với tôi, nó là kỷ niệm buồn. Còn với Linh, nó lại rất vui và đáng nhớ.
Chuyến tham quan đã trôi qua hơn mười năm, nhưng Linh vẫn nhớ những chi
tiết quan trọng nhất, em nói:
-Tùng nhớ lúc xe đi về Hà Nội không? Xe bị thủng lốp, gần chín giờ tối mới về đến nơi!
-Có! – Tôi gật đầu – Về muộn quá! Linh nhớ thằng Ú (biệt danh) không?
Thằng béo béo cắt đầu cua ấy? Cái thằng có điệu cười dã man tàn bạo ấy?
Ờ, xe hỏng mất đèn, nó liền kể chuyện ma Nguyễn Ngọc Ngạn. Đêm ấy mình
sợ vào nhà vệ sinh lắm!
-Nhớ, nhớ! – Linh cười ngất – Ú kể hay thật! Cả điệu cười dã man nữa,
hợp chuyện kinh! Gà hôm ấy về không ngủ được luôn! À mà Tùng có biết bây giờ Ú ra sao không?
Tôi lắc đầu:
-Không! Học cấp hai xong, nó mất tích luôn! Không để lại yahoo hay địa
chỉ e-mail nữa! Nó không thân thiết với ai mấy. À… có thằng Lỉnh (biệt
danh) hay chơi với nó. Nhưng mình hỏi thằng Lỉnh thì nó cũng không biết. Chịu thôi!
Linh cười, miệng nhấp ngụm café. Ly café sữa của em chưa vơi mấy, trong
khi ly của tôi đã cạn. Tôi gọi người phục vụ mang thêm một ly nữa, trong lòng không quan tâm chuyện tiền nong nữa. Chín mươi nghìn! Hai bát tái
gầu! Đắt! Nhưng chẳng sao! Đồng hồ mới chỉ 4 giờ 15 phút, nắng còn gay
gắt, thời gian hẵng còn dài để tôi kể chuyện cũ cho Linh và em cũng rất
hào hứng. Khoảng thời gian hòa nhập cuộc sống công nghiệp đã khiến chúng tôi quên đi nhiều thứ. Và giờ đây, khi nhắc lại quá khứ, chúng tôi có
thể nhìn lại và cười, như tận hưởng một thú vui nho nhỏ vậy.
-Tùng uống nhiều thế, không sợ mất ngủ à? – Linh hỏi.
-Không, quen rồi! – Tôi lắc đầu – Ờ, nhưng mà mình hỏi nhé? Linh gọi
mình ra đây để làm gì vậy? Không phải là dụ khị mình bán hàng đa cấp
chứ?
Linh nhổm người vỗ đầu tôi. Em cười:
-Như trẻ con ấy! Sao Tùng thích nói mấy câu làm người khác phật ý thế nhỉ?
-Chỉ với Linh thôi! – Tôi nhăn răng cười.
Em vuốt lại chỗ tóc bị xờ lên của tôi rồi nói:
-Tùng có biết hồi lớp 8, mình ghét Tùng cỡ nào không?
-Rồi, rồi. Nghe rồi! – Tôi gật gù – Vô duyên, cục súc, quái gở… bọn con gái nói mình như vậy phải không? Mình biết chứ!
Linh trầm ngâm một lúc rồi lên tiếng:
-Dạo trước, mình thấy trên facebook có một cái ảnh. Nó nói rằng có những người thích quấy phá trêu chọc người khác là bởi họ có chuyện không
vui. Có phải vì chuyện hồi lớp 7 nên Tùng mới như vậy?
Tôi mỉm cười. Có thể là chuyện bạn bè, có thể vì tôi quậy phá thật. Nhưng bản thân tôi biết rằng còn một lý do khác.
Đã bao giờ bạn trở nên ngu ngốc khi đối diện cô gái mình thích chưa?
*
* *
Chuyện đáng buồn năm lớp 7 rồi cũng qua đi. Những nỗi đau rồi cũng chấm
dứt. Nhưng chẳng có đau thương nào không để lại di chứng. Như một nạn
nhân trở nên ngớ ngẩn sau khi chứng kiến vụ án kinh hoàng, tôi dần biến
thành một thằng tưng tưng, hoặc “hâm dở”, tùy cách mọi người nhìn nhận.
Vào năm lớp 8, học sinh tiếp nhận thêm hai môn mới: hóa học và vật lý.
Tôi học vật lý không tệ, nhưng hóa thì không thể tiếp thu. Lần đầu tiên
tôi tiếp xúc một mớ công thức gồm những số to số nhỏ, chữ đi trước số,
số đi trước chữ, tôi thực sự choáng! Bài kiểm tra mười lăm phút đầu tiên của môn hóa, tôi ăn nguyên con ngỗng to đùng. Không nản chí, tôi bỏ ra
hai tháng ôn luyện. Sau hai tháng chuyên cần chăm chỉ, trình độ học hóa
của tôi chuyển đổi từ mức dốt lên hạng cao cấp của… ngu. Ngoài H2 + O2 = 2H2O, tôi chẳng biết tí gì về hóa học nữa. Điều này chỉ khiến thành
tích học tập của tôi thêm tệ hại. Chưa hết, tôi lại học kém cả môn văn,
thành thử tôi là thằng vô “văn hóa”. Kết thúc học kỳ I, tôi vẫn bết bát
cuối lớp với học lực trung bình.
Sang lớp 8, thêm một tuổi, tôi càng bất trị và quậy phá. Ở nhà, tôi lầm
lì, bướng bỉnh, không chịu nghe lời bố mẹ. Tới lớp, tôi liên tục nói
chuyện riêng, tham gia vô số trò nghịch ngợm. Ở cái tuổi ấy, mọi lời nói của người lớn với tôi chỉ như muỗi vo ve. Lời khuyên của họ bao năm vẫn cũ rích: “Nếu không học, mày sẽ đi quét rác!”. Thế hệ trước nói với
chúng tôi như thế, họ tiêm nhiễm vào đầu chúng tôi những ý niệm không
hay về nghề quét rác, họ khiến bọn trẻ khinh thường những con người lao
động chân tay. Và tôi học hành trong sự hoài nghi, chán nản và đối phó.
Thế nên chỉ còn cách quậy phá thật nhiều ở lớp mới giúp tôi khuây khỏa.
Tôi biết rằng mình sướng hơn những học sinh ở nông thôn hay miền núi,
tôi sống như một thằng thừa thãi. Tôi biết rõ, rất rõ là đằng khác!
Nhưng ở tuổi ấy, trong cuộc sống đầy hoài nghi ấy, tôi chẳng thể biến
mình tốt đẹp hơn.
Thực ra thì ở thời của tôi, quậy phá của lũ học sinh tương đương với
“nghịch ngu” chứ không hẳn là phá trường phá lớp. Bất cứ trò gì có hơi
hướm nhộn nhộn là được đem ra thử ngay. Hai trò nghịch ngu nổi tiếng
nhất thời đó là bắn giấy và bóng nước. Giấy được vo viên thành những
cuộn hình chữ V rồi bắn bằng dây chun. Giấy cuộn càng nhiều, đạn bắn
càng đau. Thằng Choác là chúa bắn giấy, nó thường cuộn ba mảnh giấy lại
nên phát đạn bắn ra mạnh như bi sắt. Bắn nhau trong lớp chưa đủ, lũ trẻ
kéo cả lớp ra chiến đấu, đạn giấy rơi vãi trắng hành lang nhà trường.
Còn trò bóng nước thì khỏi nói về độ bẩn lẫn độ nhây. Kinh hoàng nhất là vào mùa đông, đang co ro trong cái rét, bỗng đâu một quả bóng nước đập
trúng đầu. Hoặc đứa nào xấu số thì bị ném bóng nước khi đang đi vệ sinh, cứ phải gọi là nhớ đời. Nhưng tởm nhất phải kể đến những thằng súc vật
thay nước bằng mực bút máy, áo trắng ngày ấy loang lổ như áo rằn ri. Hai trò kể trên, tôi tham gia đủ, may sao chưa bao giờ bị bêu trước toàn
trường.
Dù vậy, sau nhiều năm sống dưới mái trường, tôi đúc kết một chân lý:
nghịch ngu đều xuất phát từ hai nguyên nhân chính, do ngu thật và do sĩ
gái. Những màn nghịch ngu của tôi xuất phát từ lý do thứ hai. Nói toẹt
ra là vì Linh, Hoa Ngọc Linh.
Phải nói rằng suốt năm lớp 8, quan hệ giữa tôi và Linh xấu đi rất nhiều. Em dành kha khá thời gian với thằng Gà, và tôi không thể chen ngang.
Nhưng khi rảnh, em cũng không muốn nói chuyện với tôi, như thể tôi là
cái gì đó đáng ghét lắm.
-Ê mày, làm bài chưa? Cho tao chép! – Tôi hỏi.
-Chưa làm đâu! – Em trả lời.
-Hả? Tiếng Anh mà mày chưa làm? Thôi mà, cho tao mượn vở!
-Đã bảo là chưa làm! – Em nổi nóng.
Giọng nói của em đầy gắt gỏng, nhưng không nồng ấm như một năm trước mà
lạnh ngắt tựa cốc nước đá giữa mùa đông. Đau! Thực sự đau! – Tôi thở
dài. Không gì đau đớn hơn cảm giác một người thân quen tự dưng vứt bỏ
hoặc không quan tâm đến mình. Nhưng biết nói sao? Lỗi tại tôi, không
phải tại em. Vậy nên em có quyền. He! Sau này, tôi nghĩ thằng đàn ông
đôi lúc nên dính mấy phát như vậy mới biết trân trọng những thứ mình có.
Khi đã không thể nói chuyện, tôi tìm đủ mọi cách khiến Linh chú ý. Mỗi
khi em ở gần, tôi cố gắng cười nói thật to, hoặc làm đủ trò hề trước mặt lũ bạn. Nhưng trái tim em khi ấy sắt đá còn hơn cả sắt đá, mọi việc tôi làm, em không quan tâm. Họa chăng chỉ còn nước vỗ đầu hay giật tóc mới
làm em lưu tâm. Nhưng tôi không thể làm trò đó được. Khi bạn yêu thích
thứ gì đó, bạn sẽ không để nó tổn hại dù chỉ một chút, huống hồ đây lại
là con người. Hết cách, tôi bèn chuyển sang phương án cuối cùng hòng
mong em hồi tâm chuyển ý, ấy chính là nghịch ngu.
Hồi đó, lớp tôi hay tổ chức trò đuổi bắt, cả con trai lẫn con gái chơi
chung với nhau. Cái trò này có thể coi là phiên bản mở rộng của trò đuổi bắt thông thường. Đại khái có khoảng ba mươi đứa thi oẳn tù tì, những
đứa thua làm “thợ săn”, số còn lại làm “mồi”. Lấy cột ống nước chạy dọc
dãy nhà cũ làm “chuồng”, bọn “thợ săn” sẽ lùng bắt “mồi” về chuồng. Bọn
bị tóm sẽ nắm tay nhau thành một hàng dọc chờ đứa khác đến cứu, với điều kiện thằng đứng cuối phải chạm tay vào ống nước. Màn căng thẳng nhất là khi bên “mồi” còn đúng một đứa và thằng đó phải cứu hàng chục chiến hữu trong “chuồng”. Ngày trước, khi trường cấp hai chưa xây dựng thêm nhà
thể chất thì sân trường rất rộng, tha hồ cho lũ trẻ chạy nhảy. Lớp tôi
hay chơi trò này trước hoặc sau giờ học thêm, hoặc khi có tiết được
nghỉ. Nó đơn giản nhưng lại thu hút hơn cả mấy trò điện tử. Thật!
Và cái trò đuổi bắt này là nơi phô diễn những trò nghịch ngu của tôi
trước mặt Linh. Chẳng biết có gã nào giống tôi không, nhưng quả thực khi đứng trước người con gái mình thích, tôi không thể lớn, cũng không thể
khôn hơn được.
Đó là một buổi chiều tháng hai. Trời còn lạnh, nắng còn hiu hắt, dư âm
ngày Tết vẫn nhảy múa trong tâm trí bọn trẻ con. Hôm ấy, bà giáo môn văn nghỉ dạy học thêm, thế là bọn lớp tôi tổ chức trò đuổi bắt thay vì về
nhà hoặc tạt vào quán điện tử. Phe “mồi” tính ra được hai mươi nhân
mạng, phe “thợ săn” khoảng mười đứa. Tôi và Linh ở chung nhóm con mồi,
còn bên kia có thằng Choác. Thằng Choác hồi trước nằm trong top 5 thằng
chạy nhanh nhất (do được luyện tập với con bé hung dữ nhất lớp), thoáng
cái nó đã vơ vét được nửa con mồi, trong đó có Linh. Khoảng mười phút
sau, hai mươi đứa bị tóm hết, ngoại trừ tôi. Bọn “thợ săn” cắt cử một
nửa ở lại trông chuồng, nửa còn lại lùng bắt tôi. Thằng Choác nhanh
chóng phát hiện tôi đang ẩn nấp ở khu hành lang tầng một, nó lùa tôi lên tầng hai. Tôi chạy chí chết còn nó cười hô hố:
-Mày chết rồi koan (con) ơi!
-Chết cái Đan Mạch á! – Tôi ngoạc mồm đốp lại.
Thằng vẹo dồn tôi vào lớp học bỏ hoang. Tôi chạy qua hàng bàn ghế cũ,
còn thằng Choác trèo hẳn lên bàn truy đuổi tôi. Tôi gào thét “Đan Mạch,
Đan Mạch” còn nó cười sằng sặc như thú dữ sắp tóm được mồi. Khi thằng
Choác chạy đến cái bàn cuối cùng, chân bàn chắc do quá cũ nên bỗng đổ
sập xuống, thằng cu con té dập mông. Tôi cười ha hả rồi nhanh chóng
chuồn mất, thằng Choác la thất thanh như mụ hàng cá mất tiền:
-Bắt thằng Tóp (Tóp là biệt danh của tôi, đầy đủ là Teo Tóp)! Bắt nó!
Thằng Choác ngoài chạy nhanh thì cũng to mồm thuộc loại bậc nhất. Nghe
thấy tiếng nó, hội “thợ săn” chồm ngay đến đầu cầu thang khu nhà cũ. Tôi thì ở ngay phía trên, không thể nào vượt qua năm bảy đứa được. Nhưng
ngay lúc đó, tôi chợt thấy cánh tay của Linh đang hướng về phía mình. Từ cầu thang đến “chuồng” khoảng mười mét, chỉ cần tôi nắm được tay em,
toàn bộ chiến hữu sẽ chạy thoát. Em như nàng công chúa trong game Mario
đang cầu cứu, và tôi là gã sửa ống nước cứu em. Tôi sẽ trở thành người
hùng!
Rất nhanh, chẳng nghĩ chẳng rằng, từ bậc cầu thang cao nhất, tôi nhảy
xuống. Bọn trẻ con không cao lắm, tôi thấp bé nhẹ cân và cầu thang cũng
dốc nên tôi lao vọt qua đầu bọn kia. Như bay vậy! Tuyệt vời! Nhưng hỡi
ôi, phía cuối cầu thang là cửa sắt, bảo vệ sẽ đóng cửa vào mỗi tối. Ác ở chỗ, bao quanh cửa còn có một khung sắt, phần trên của khung lại thò
xuống, chặn ngay phần trán của tôi đang lao xuống. Bốp! Tôi chẳng nhớ gì ngoài việc lưng mình dộng xuống sàn, trời đất quay mòng mòng như sắp
tận thế. Chừng một phút sau, khi đầu óc trở lại bình thường, tôi thấy
đám bạn vây quanh mình. To chình ình trước màn hình là thằng Choác, nó
vỗ mặt tôi, hỏi:
-Ê, không sao chứ mày?
Dù đầu đau như búa bổ nhưng tôi vẫn ra hiệu mình ổn, như thể pha đập đầu vừa rồi chỉ là thương tích vớ vẩn. Thấy tôi còn nhăn nhở, cả lũ bạn bắt đầu cười ầm ĩ; chúng nó không thể tin tôi não ngắn đến thế. Thằng Choác thậm chí còn diễn lại pha đập đầu thần thánh nhằm chọc quê tôi. Nhưng
Linh không coi đó là trò vui. Em nhìn tôi với vẻ mặt vô cùng khó chịu.
Thấy tôi nhìn lại, em lạnh lùng quay đi chẳng thèm để ý. Có lẽ tôi lại
diễn trò ngu ngốc rồi!
Nhưng Estein đã từng nói: có hai thứ vô hạn là vũ trụ và sự ngu dốt của
con người. Sau màn “cứu công chúa” bất thành ấy, tôi lại diễn màn khác
ngu hơn nữa.
Ấy là vào buổi chiều tháng ba, nắng đã gay gắt, áo khoác mùa đông cất
trong ngăn tủ và mồ hôi bắt đầu chảy nhễ nhại khắp gương mặt của lũ trẻ
ưa chạy nhảy. Vẫn là một tiết học thêm được nghỉ, lớp tôi lại tổ chức
trò đuổi bắt. Lần này tôi lại ở bên “mồi” cùng Linh. Khổ thay, bên “thợ
săn” lại có thằng Choác (sao mày oẳn tù tì kém thế hả Choác?). Nhờ chiến thuật anh hùng núp, tôi lại trở thành đứa cuối cùng sống sót. Thằng
Choác lại lãnh trách nhiệm bắt tôi. Nó nhanh chóng lùa tôi lên tầng hai
khu nhà cũ và dồn tôi tới phía cuối hành lang. Thằng Choác nhe răng cười đắc thắng:
-Nào, mày muốn bay cầu thang như lần trước hay để tao bắt mày đây?
Tôi vừa cười vừa lẩn sau chiếc bàn gãy chắn ngang hành lang:
-Đan Mạch mày nhá! Mày mà bắt bố là mai bố không bao mày chơi điện tử!
Hai đứa cứ luẩn quẩn quanh cái bàn cũ như trò mèo và chuột. Bỗng nghe
thấy tiếng hò hét của lũ bạn, tôi nhận ra ngay dưới tầng một là đám
chiến hữu đang xếp thành hàng dọc quanh ống nước. Trông vẻ mặt chúng nó, chẳng đứa nào nghĩ tôi có thể thoát khỏi tay thằng Choác. Mà nếu có
thoát thật thì bọn “thợ săn” khác đã đón lõng tôi dưới cầu thang rồi.
Tôi cũng định bỏ cuộc thật nhưng, lại nhưng, phía dưới kia, Linh đang
nhìn tôi. Xong! Cảnh quay đầy đủ! Người đẹp có, nhân vật phản diện có,
tình huống éo le có, còn thiếu mỗi người hùng! Và tôi, chính tôi, xả
thân vào vai người hùng. Chẳng nghĩ chẳng rằng, tôi trèo qua lan can
nhảy từ tầng hai xuống. Thằng Choác cùng bọn “thợ săn” há hốc mồm nhìn
tôi. Một giây sau, tôi tiếp đất an toàn rồi chạy tới giải thoát toàn bộ
chiến hữu. Tôi bị bắt ngay sau đó nhưng chẳng sao, bởi vì Linh đã mục
kích toàn bộ sự việc, và tôi trở thành người hùng trong mắt em (tôi
hoang tưởng thế).
Song vấn đề xảy ra khi tôi được cứu. Chạy được vài bước, cái chân tôi
đột nhiên đau nhói. Cho tới khi không chịu nổi nữa, tôi bèn ngồi xuống
và cởi giầy ra. Mẹ ơi, cổ chân tôi sưng vếu, phồng lên hệt quả bóng bay! Như thường lệ, lũ bạn lại chạy ra xem xét, sau cùng thằng Choác phán:
-Mày ngu thật Tóp ạ!
Tôi nhe răng cười trước lời “khen tặng” của thằng bạn. Trong cơn đau
đớn, ánh mắt tôi tự động tìm đến Linh. Em đứng kia, gương mặt vẫn lạnh
ngắt như nước đá. Trông thấy tôi nhăn nhó với vết thương, em cũng chẳng
có biểu hiện gì đáng kể. Sau đó, tôi về nhà và vào bệnh viện. Kết quả
chẩn đoán: trật khớp. Dĩ nhiên là tiếc mục dại gái này của tôi được
khuyến mãi thêm màn chửi như tát nước của mẹ.
Nhưng màn trật khớp vẫn chưa thấm gì so với sự vụ xảy ra một tháng sau
đó. Vào ngày chủ nhật khoảng trung tuần tháng tư, cả lớp bị gọi đến
trường tập dượt cho tiếc mục văn nghệ. Nhân dịp gì thì tôi không nhớ,
nhưng đại khái là sự kiện quan trọng. Bọn trẻ gào thét ông ổng khoảng
hai tiếng rồi ra về. Nhưng lúc ấy trời còn nắng chang chang, mà trường
lại chẳng có ai. Vậy là… bạn biết rồi đấy, cái trò đuổi bắt lại tái
diễn. May cho tôi, thằng Choác không còn ở bên thợ săn nữa (lạy trời,
lần đầu tiên nó thắng oẳn tù tì!). Hơn bốn mươi đứa chơi nên sàn đấu là
toàn bộ sân trường gồm cả sân trước khu nhà cũ và sân trước khu nhà mới. Đứa trốn khu nhà cũ, đứa trốn ở bãi để xe, có thằng chui cả vào nhà vệ
sinh trốn. Tôi thì lẩn sang khu nhà mới. Vì chân mới khỏi chưa lâu nên
tôi ngồi yên một chỗ và ngắm nhìn chúng nó đuổi bắt qua khe lan can. Tôi bịt mồm cười khi thằng Choác bị ba bốn đứa con gái đuổi như fan cuồng
vây bắt anh chàng diễn viên điển trai. Nó chạy thoát tốt, nhưng chẳng
hiểu sao lại bị bắt một cách rất lãng nhách. Nhìn qua ngó lại, tôi thấy
trong đám con gái có con Miu (con bé mà thằng Choác từng hỏi là xinh hay xấu). Thế mà chửi tao dại gái, mày cũng bỉ ổi lắm koan! – Tôi lẩm bẩm
chửi.
Đang cười vì thằng Choác, tôi chợt nghe thấy tiếng bước chân vọng lại.
Tưởng là bọn “thợ săn”, tôi rúm người chờ chết. Nhưng không, đó là Linh. Trông ánh mắt dáo dác của Linh, đoán chứng em đang tìm chỗ trốn, tôi
bèn vẫy tay:
-Ở đây nè!
Ban đầu, Linh hơi ngập ngừng, nhưng rồi em cũng tiến đến chỗ tôi rồi
ngồi xuống. Linh im lặng, còn tôi lại muốn em lên tiếng. Suy nghĩ chán
chê, tôi nói bâng quơ:
-Hôm nay nóng nhể?
Linh không trả lời. Tôi nói tiếp:
-Mày nghe album mới của Simple Plan chưa? Hay lắm! Hôm trước tao vừa mua đấy! (Album Still Not Getting Any của Simple Plan ra đời năm 2004)
Linh vẫn im lặng. Cái chủ đề rốc rít vẫn không thể lay chuyển em. Tôi bèn lái sang vấn đề khác:
-Xin lỗi nhá, năm nay tao chưa tặng mày cái gì cả. Muốn tao tặng gì không?
Nếu gọi đây là tán gái thì tôi tán gái thuộc dạng ngu nhất quả đất. Quả
thật, gương mặt Linh lúc ấy đỏ bừng nhưng không phải ngượng mà vì tức.
Tức vì ngồi cùng thằng hay lảm nhảm như tôi, tức vì tôi không tặng quà,
tức vì… tức. Em lẩm bẩm:
-Thằng điên…
Tôi nhăn răng cười:
-Ế? Sao chửi tao?
-Mày im đi cho tao nhờ! – Linh phát cáu.
-Tao đâu có làm gì đâu?
Hai đứa đang mải cãi lộn, đột nhiên một thằng “thợ săn” xuất hiện. Là
thằng Ú! Nó to gấp đôi tôi, hai cánh tay của nó to bằng đùi tôi luôn.
Thấy hai con mồi ngon lành, nó hùng hục chạy đến như con trâu nước. Game nhập vai đây rồi! – Tôi nghĩ. Kia là con quái vật, tôi là đấu sĩ còn
Linh là công chúa. Đấu sĩ thì phải bảo vệ công chúa. Và thế là tôi nhào
ra cản thằng Ú. Nhưng thằng Ú khỏe kinh hồn, nó như con trâu còn tôi như con muỗi đậu trên con trâu. Tôi hét lên với Linh:
-Đứng đó làm gì? Chạy đi mày!
Linh ngớ mặt ra nhìn tôi, mãi lát sau em mới lách qua khe hẹp rồi chạy.
Thằng Ú liền hẩy tôi ra một bên và đuổi theo. Chân tôi loạng choạng nhào về phía trước; theo thói quen, tôi bèn giơ tay ra, chẳng may vồ vào cửa kính lớp học. Choang! Một âm thanh vang dội khắp hành lang, lớp kính
tan nát còn tay tôi chảy đầy máu. Tôi và thằng Ú tái mét mặt, còn Linh
hét bằng tất cả những gì mà cổ họng em có thể phát ra được.
Không đầy năm phút sau, cả lớp đã xuất hiện tại khu nhà mới, đứa nào đứa nấy xanh mặt khi thấy cánh tay be bét máu của tôi. Chúng nó không dám
chửi tôi ngu nữa vì tôi đã vượt qua giới hạn của ngu rồi. Cũng không đầy mười phút sau, bố đến trường và đưa tôi về. Tôi phải nghi hẳn một ngày
để khâu hai mươi mũi trên cẳng tay. Mẹ tôi ban đầu nước mắt ngắn dài khi thấy thằng con rách tay, rồi đợi lúc nó vẫn còn sống nhăn, bả bắt đầu
bài chửi quen thuộc. Bả nói nuôi con bò còn tốt hơn nuôi thằng con sứt
sẹo như tôi. Chục năm sau, khi nhắc lại vụ này, mẹ vẫn chửi tôi ngu, còn tôi không bao giờ nói lý do thực sự.
Cánh tay toét máu của tôi chẳng ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới. Kính mới được thay, trò chơi đuổi bắt vẫn diễn ra cho tới hết cấp hai, vài
ngày phải nhờ thằng Choác mang cặp hộ, thằng Ú vẫn bình thường vì tôi
không muốn đổ tội cho nó (mà thực tình là tại tôi ngu chứ không phải tại nó). Thứ năm tuần kế tiếp, thằng Ú có mời tôi nộm với cá chỉ vàng, gọi
là đền bù chuyện hôm trước. Trông nó to con ghê gớm vậy chứ thực ra khá
hài hước và khoái buôn dưa lê dưa chuột. Mọi thứ đều ổn, tuy nhiên, tôi
khá phiền lòng về Linh. Em không hỏi thăm tôi một tiếng, cũng chẳng quan tâm tôi ra sao. Đàn bà sắt đá thật! – Tôi tự nhủ. Không có chuyện người đẹp dễ dàng về tay anh hùng như trong game hay phim ảnh đâu nhé! Khẳng
định luôn đấy!
Nhưng ngày trước, tôi đã đánh giá sai về Linh, bây giờ vẫn thế. Vào thứ
bảy, khi tiết cuối cùng kết thúc, lúc đang chuẩn bị ra về cùng thằng
Choác thì tôi thấy Linh ra dấu hiệu, chừng như muốn tôi ở lại. Tôi bèn
viện cớ mượn vở bài tập của em và đẩy thằng Choác ra ngoài (kinh nghiệm
đời tôi là khi nói chuyện với gái, không được để cho mấy thằng bạn nhảy
vào). Đợi thằng Choác đi rồi, Linh mới đến trước mặt tôi, hỏi:
-Sao rồi?
Em chỉ chỉ vào cánh tay, tôi cười phớ lớ:
-Khỏe re! Tao khỏe lắm!
Em ngó ngó cánh tay buộc băng trắng của tôi. Tôi bèn giơ tay ra trước mặt em rồi nói:
-Muốn coi vết khâu không?
Em không trả lời song đôi mắt đỏ hoe chực khóc, môi run run mấp máy điều gì đó. Tôi sợ điếng người, vội nói:
-Ê ê ê! Tao có làm gì mày đâu? Sao thế?
Linh nói, nói tới đâu, dòng nước mắt của em lăn dài tới đó:
-Ai bảo mày nhảy cầu thang… ai bảo mày nhảy từ tầng hai xuống?
Tôi cứ nghĩ Linh không hề quan tâm những màn biểu diễn của mình. Tôi lắp bắp:
-Ơ… ơ…
Em lại nói tiếp, tay quệt nước mắt, giọng đứt quãng:
-Ngu gì… mà ngu thế? Ngu vừa vừa thôi chứ! Ngu… ngu hết cả phần người khác! Ngu… ngu lắm!
Nói rồi em bỏ chạy khỏi lớp, để lại thằng cu con tôi đây chết đứng như
Từ Hải. Cái Đập Con Muỗi! Chuyện gì thế? – Tôi há mồm tự hỏi. Thằng
Choác ngó vào lớp, hỏi:
-Mày lại “quấy rối” con Linh à?
-Quấy cái đầu mày ấy! – Tôi ngoạc mồm.
Tôi trở về nhà trong tâm trạng khó hiểu. Linh đang hỏi thăm tôi hay đang chửi tôi đây? Có cần thiết phải lặp từ “ngu” nhiều thế không? Không lẽ
tôi ngu thật? Tôi không rõ, nhưng tôi cảm nhận được những lời mắng mỏ
của em đã không còn sự băng giá nữa. Mùa đông giữa hai đứa chúng tôi đã
biến mất, chỉ còn lại khoảng cách.
Và tôi còn một năm học cuối cùng của cấp hai để khỏa lấp khoảng cách ấy.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT