Ngoài sân vầng nguyệt quang chiếu hàng nghìn tia sáng vằng vặc, in hai chiếc
bóng một nam một nữ lên trên vách phòng. Bên trong thư phòng hai xác
thân lại xà vào nhau, siết chặt, ghì sát. Một mùi hương trinh nữ toát
ra từ thân thể Nữ Thần Y khiến Cửu Dương thấy kích thích cao độ, lửa dục trong lòng chàng mỗi lúc một bùng cháy. Chàng quàng hai tay quanh lưng nàng, ghì chặt tấm thân phong nhuận vào người chàng, tham lam ép mạnh
môi mình lên đôi môi mơn mởn hồng nhuận của nàng, tâm thần mê đắm, vừa
toan lấn thêm bước nữa chợt cảm nhận được đôi má nàng ươn ướt.
Một cảm giác bất nhẫn trỗi dậy, Cửu Dương rời khỏi môi nàng, tay nâng
gương mặt kiều diễm lên. Nữ Thần Y thừa thế dụng lực giằng ra song vẫn
không thoát được. Bên ngoài hành lang hắc y nhân cũng vừa đi khỏi. Cửu Dương nghe được tiếng chân hắn hậm hực bỏ đi, không nhẹ nhàng như khi
hắn đến.
Cửu Dương thở phào một hơi nhẹ nhỏm rồi lẳng lặng nhìn Nữ Thần Y như thể cảnh hai người áp sát vào nhau lúc nãy là quá sức bình thường vậy. Và
đột nhiên có ý muốn trêu nàng, Cửu Dương xoay đầu sang áp miệng vào tai
nàng phà nhẹ một hơi, thì thào:
- Nữ Thần Y này, có phải là muội không muốn lấy huynh… vì muội yêu thích Dương Tiêu Phong không?
Nữ Thần Y vội vàng lắc đầu, thở gấp một hơi đáp:
- Không phải thế, huynh đừng nói lung tung, không có việc đó...
- Thế thì huynh yên tâm rồi… - Cửu Dương vờ nói như trút được gánh
nặng, chàng cười – Muội biết không, Nữ Thần Y, huynh yêu mến muội biết
bao nhiêu. Huynh đã dành một thời gian dài để đợi muội lớn lên. Muội
yên tâm nhé, rồi muội sẽ thấy huynh không phải là người chồng vũ phu.
Huynh sẽ đối đãi với muội rất tốt, muội đừng lo gì...
Nữ Thần Y hé môi định nói gì đó, Cửu Dương lại thêm lời:
- Huynh cũng không biết vì sao huynh lại yêu muội đến như vậy. Có lẽ
hai chúng ta từ nhỏ đã ở chung với nhau, cùng nhau lớn lên như là thanh
mai trúc mã, trẻ thơ vui vầy mà… Trong lòng huynh từ lâu chỉ có một mình muội thôi.
Nói đoạn Cửu Dương nhớ tới lời của Mã Lương lão nhân năm nào. Năm xưa
Mã phu tử có lần xem chỉ tay cho chàng, xong nhìn về hướng Nữ Thần Y
đang vui đùa trong sân đình. Nàng chạy qua cửa hình bán nguyệt tít ra
vườn, ở bên cạnh bể cá vàng dưới chân núi giả, nàng quì trên mặt đất
dùng một cọng cỏ chọc chọc bọn dế trong lồng. Tần Thiên Nhân cũng quì
xuống cạnh Nữ Thần Y giúp nàng dém gấu váy để khỏi xòa xuống hồ nước nhỏ quanh núi giả. Cả hai đứa trẻ hiếu kì ngó xem hai con vật bé nhỏ màu
nâu sẫm trong chiếc lồng đan bằng ống tre. Lúc này mỗi con dế đều cố
thủ ở một góc lồng, hai bên gườm gườm nhìn nhau như đang đánh giá đối
thủ của mình, chúng cùng vểnh cao những cặp râu dài lên.
Phu tử vừa quan sát Nữ Thần Y vừa thở dài một hơi và nói “Hồng nhan họa
thủy! Cô bé đó lúc vừa được Sư Thái ẵm về ta đã thấy có vấn đề, rằng cô
ấy quá đẹp, cái gì cũng chẳng lành…” Lời phu tử tiên đoán quả nhiên là
vậy, Cửu Dương thầm nghĩ “bây giờ lời tiên tri đó đích thực là hiệu
nghiệm rồi đây.”
Cuối cùng Cửu Dương cũng buông sư muội ra. Nữ Thần Y đứng gục đầu, gương mặt hãy còn biến sắc, nàng nói như van cầu:
- Con gái trong thiên hạ còn có rất nhiều mà, huynh buông tha cho muội đi!
Nữ Thần Y vừa van xin vừa nguyền rủa bản thân mình tơi bời. Nghĩ tới
Tần Thiên Nhân, nàng không ngừng bảo lòng chuyện này thật tình nhảm nhí, thật là không ra gì, từ trước đến nay nàng chưa bao giờ nghe thấy có
chuyện như thế này. Nhất định là năm xưa nàng vô tư quá hoặc là vô ý tứ quá, đã không chịu tự giữ hành vi, chứ nếu không thì làm sao mà lại dẫn đến bước phải nể tình cả hai mặt và được lòng hai huynh đệ họ như vậy?
Dưng suy cho cùng thì đấy cũng là cái sai của Sư Thái, lẽ ra ngay từ sớm bà đã phải tách rời nàng với hai huynh đệ họ, để đến hôm nay nàng gây
ra cái chuyện đảo trời lộn đất thế này quả thật là quá đáng, không ra
thể thống gì cả. Sự tình đã ra nông nổi thế này nàng cũng chẳng biết
phải làm sao. Nữ Thần Y càng nghĩ càng gục đầu xuống thấp không dám nói thêm nửa lời nào nữa hết, chỉ có nước mắt trào lên lưng tròng. Nàng
nghẹn ngào khóc không thành tiếng.
Phía đối diện Cửu Dương đương nhiên là hiểu tâm tình sư muội, song chỉ
là do bất đắc dĩ mà vừa rồi chàng phải phản ứng như vậy, và rốt cuộc là
nàng có tình với ai chàng cũng đều hiểu ra. Ngày nay thời thế đã khác
xưa rồi, tất cả đều nói tự do, hôn nhân cũng đòi quyền tự do, thế thì
nàng cũng phải có được sự tự do lựa chọn cho cuộc đời nàng. Nàng ưng ý
trung nhân nào, chàng không thể nào ép uổng nàng được.
Tuy nhiên Cửu Dương thầm nhủ diễn kịch thì phải diễn cho trót vai. Ấy
vậy thành thử sau một hồi ngắm nàng mím chặt miệng, răng cắn vào môi,
vẫn khóc không ra tiếng, Cửu Dương nén lòng khẽ bảo:
- Có nhiều việc mình là người khơi ra thật, nhưng kết thúc thế nào thì không do mình quyết định nữa.
Cửu Dương nói xong xoay mình đi ra ngoài. Còn lại một mình ở trong thư
phòng, Nữ Thần Y đổ mình xuống giường khóc. Nàng khóc mãi, thật lâu.
---oo0oo---
Lại nói tới Khang Hi hoàng đế bấy giờ là một thiếu niên mười ba tuổi.
Có một đêm trời nổi cơn dông, trên cao mây đen âm u, trăng mải mê chơi
trốn tìm, từng cơn gió rít lên đầu cây ngọn cỏ. Hoàng thượng đang ở
trong Văn Uyên Các. Thư viện của cố cung bày biện cực kỳ thanh nhã,
xung quanh bốn bức tường đều là giá sách ngăn nắp, có một cái bàn viết
rất to đặt ở giữa phòng, trên mặt bàn bày một chậu tre uốn hình cửu
long. Trong phòng toàn mùi thuốc bắc và thoảng mùi gỗ đàn hương làm
người ta thấy nhẹ đầu óc. Trên chiếc ghế làm bằng gỗ đàn tía một thiếu
niên chừng mười ba tuổi đang ngồi đăm chiêu suy tư. Ung công công mồ
hôi mướt mải tay cầm lồng đèn mở cửa bước vào thi lễ, xong đến bên cạnh
Khang Hi hoàng đế khom người vòng tay lễ phép thưa:
- Bẩm hoàng thượng có phi điểu truyền tấu.
Ung công công nói đoạn đặt lồng đèn xuống sàn nhà, lấy tay áo lau mồ hôi đọng lấm tấm trên trán. Khang Hi phẩy tay ra hiệu cho đám nô tì và
thái giám khác lui ra, chờ họ đi khuất bóng cả rồi ngài mới hạ giọng
hỏi:
- Trong thư nói gì?
Ung công công cũng trầm giọng theo:
- Dạ bẩm hoàng thượng trong thư chỉ ghi duy nhất một dòng chữ, “muốn
giết tam mệnh đại thần, làm cách nào không đổ máu mà đoạt được chính
quyền đó mới là thượng sách!”
Khang Hi nghe vậy liền gấp quyển Đường thi đang đọc dở dang lại ngẩng
đầu lên nhìn Ung công công. Gương mặt lộ nét hân hoan, ngài cả mừng
hỏi:
- Người đang ở đâu?
Ung công công không đáp lời thánh ân. Lão thái giám già nua thận trọng
liếc mắt nhìn tứ bề, trong khi một bàn tay của ông ấy khẽ giơ lên đưa ba ngón làm ký hiệu, ý chừng như muốn nói với hoàng thượng rằng canh ba
đêm này sẽ có người nhập cung diện thánh.
Khuya đêm đó ở cung Càn Thanh, bên trong thư phòng Khang Hi khoanh tay sau
lưng bước đến trước long án, mắt nhìn trên mặt bàn nơi để quốc ấn. Khi
chiêng điểm canh ba, Ung công công dẫn hai người vào làm lễ chào.
Khang Hi vẫy tay bảo Ung công công ra ngoài canh cửa, rồi cho vị tướng quân đắc lực nhất, có mưu lượt nhất đứng dậy.
Dương Tiêu Phong nói:
- Tạ ơn hoàng thượng.
Khang Hi nhìn người thanh niên vận y phục màu đen đang quỳ dưới đất bên
cạnh Dương Tiêu Phong, nói hắn miễn lễ, và hỏi thăm hắn tình hình phe
địch tiến triển thế nào.
Người áo đen vòng tay dập đầu tạ ơn, sau đó đứng lên chậm rãi nói:
- Bẩm hoàng thượng, theo ý hạ quan, trước mắt không thích hợp giao đấu
trực tiếp với liên quân của Ngao Bái bởi vì trong nước còn trăm việc bỏ
phế chưa làm, đại nghiệp thống nhất quốc gia hãy còn chưa vững vàng,
không thích hợp cho việc chinh chiến gây thương vong lớn, sẽ ảnh hưởng
sự an định và phát triển của quốc gia cùng dân tình. Lý do thứ hai là
dù có chiến thắng cũng chỉ làm tăng thêm mối thù oán giữa nội bộ với
nhau, vậy sớm muộn tất lại gây họa cho chúng ta. Ngu kiến của vi thần,
xin hoàng thượng tham tường.
Dương Tiêu Phong đứng cạnh bên người áo đen gương mặt lộ vẻ tán đồng, vì chàng hiểu rõ cách người áo đen này điều khiển quần thần, hắn ta là
người đại trí đại dũng, biết cách tận dụng nhân tài. Đã từ lâu chàng
suy tính cách tiêu trừ Ngao Bái, xem ra ngoại trừ công kích chính diện
ra thì chẳng còn biện pháp gì với lão đó. Nhưng chiến tranh gây nên hao
tổn không hợp với tâm ý của chàng. Chàng cho rằng làm như vậy thuần tuý
là dùng thi thể binh sĩ để giành lấy kết quả thắng lợi. Dương Tiêu Phong vẫn luôn quan niệm như thế. Một tướng lĩnh tốt phải nghĩ ra biện pháp
trả giá thấp nhất nhưng đoạt được thắng lợi to lớn nhất. Binh sĩ buộc
phải hi sinh nhưng hi sinh như thế nào lại rất quan trọng. Người làm
tướng phải giảm sự hi sinh đến mức thấp nhất, như vậy mới chân chính thể hiện được năng lực chỉ huy của tướng lĩnh. Mấy năm qua chàng đã nghĩ
hết mọi biện pháp để dẫn dụ Ngao Bái trúng kế, mưu đồ làm xáo trộn sự bố trí của lão nhưng lão tướng quân dụng binh quả thật là không có kẽ hở,
chỉnh tề ngay ngắn như con người lão vậy. Hơn nữa trình độ khắc phục sơ
hở của lão cũng rất cao. Nay có người áo đen này trợ giúp, Dương Tiêu
Phong hy vọng hắn ta sẽ vì bá tánh mà mang lại sự thắng lợi lớn. Người
áo đen luôn đề cao lập trường tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu nên hắn mới vẽ ra kế hoạch từ từ khởi động binh mã. Hắn ta ở ẩn trong đầm rồng
hang cọp, cam chịu nhẫn nhịn là trên hết.
Khổ một nỗi trái ngược với sự ủng hộ của Dương Tiêu Phong, Khang Hi có ý kiến bất đồng, ngài hỏi người áo đen:
- Ngao tông đường trong bao nhiêu năm qua cậy quyền cao chức trọng mà
tác oai tác quái. Trẫm thân là vua của một nước, tại sao lại phải nép
sang bên nhường nhịn hắn ta chứ?
Lời của Khang Hi không làm người áo đen phật lòng, hơn nữa lại còn bình thản nhận xét:
- Cúi bẩm hoàng thượng – Người áo đen nói - Chúng ta cùng Ngao Bái đang ở thế giằng co. Thần cũng không cần phải đa ngôn nhắc lại, song phương
cách mà thần chỉ ra chính là cách thức duy nhất để có thể giành chiến
thắng, tất cả chỉ là vận dụng chiến thuật một cách linh hoạt. Lần thần
đến Ngao tông phủ thám thính chính xác là để đánh giá và so sánh lực
lượng của ta và địch, thần cần biết rõ sự phân bố binh lực của địch,
cũng đã nghĩ đến kế hoạch tấn công...
Trong khi Khang Hi đang suy nghĩ những lời lẽ này, người áo đen trầm giọng nói thêm:
- Lúc này mục tiêu chính thức của chúng ta không phải là tiến đánh Ngao
Bái, mà rõ ràng là phải tìm phương pháp nào phân tán lực lượng hùng hậu
của lão. Thay vì quân ta cậy tài tiến binh đánh thẳng thì ta có thể chịu khó nhẫn nhịn một chút, chờ cơ hội chắc chắn mới triệt để xua binh, từ
“hữu hình” ta biến thành “vô hình,” như vậy địch nhân tất nhiên vì lo
phòng thủ nhiều chỗ mà binh lực phân chia, trong tình hình ấy sẽ có “ta
tụ đối địch phân” và “ta nhiều cự địch ít.”
Khang Hi nghe lời khuyên của người áo đen, cảm thấy cũng bùi tai. Ngài
biết những lời người áo đen đang nói chính là “thế thiên,” một thiên
trong Tôn Tử binh pháp, trong đó có đề xuất ý tưởng vận dụng binh pháp
làm sao để cải thiện vấn đề khi địch mạnh ta yếu, địch đông ta ít. Tôn
Tử nói “người hữu hình còn ta vô hình, ta tập trung còn địch phân chia,
ta tụ làm một địch chia mười, như vậy mười đánh một thì ta sẽ đông mà
địch sẽ ít, lấy đông đánh ít ta sẽ thắng, rồi lại tiếp tục đánh, và cứ
như vậy…” Đạo lý ấy quả nhiên rất đơn giản và dễ hiểu, Khang Hi nhủ
lòng, nhưng làm thế nào để đạt được mục tiêu thì cũng khó nói. Vì thế
mà Khang Hi cảm giác vô vàng bất an. Cơ mà ở phía đối diện ngài người
áo đen hãy còn thao thao bất tuyệt nói:
- Thêm vào đó, dẫu sao thì Ngao Bái cũng là cố mệnh đại thần có công lập quốc, không phải nói trừ bỏ là trừ bỏ được đâu, dân chúng chắc chắn sẽ
dị nghị, các quần thần trong triều sẽ nảy sinh lòng trắc ẩn. Huống hồ
gì bây giờ lão trong tay nắm gần như hầu hết toàn bộ số nhân mã của quân đội Bát Kỳ. Cho nên nếu xung đột trực diện phe ta sẽ nắm phần thua.
Người áo đen vòng vo một hồi cuối cùng chốt lại một câu:
- Thu phục con người là ở nơi tâm. Nếu tâm không phục, khẩu không hòa, thì làm sao thị chúng?
Sau hồi được quân sư khuyên bảo tận tình, Khang Hi cũng gật đầu lên tiếng:
- Lời ái khanh thốt ra toàn là những lời châu ngọc, ái khanh là một
người nhìn xa thấy rộng, vậy khanh có cách nào giải quyết nan đề này
chăng?
Người áo đen không đáp lời ngay, mà giãi bày ý kiến của mình bằng cách
quay sang Dương Tiêu Phong bảo mở tấm địa đồ đã mang theo ra. Dương
Tiêu Phong lập tức làm theo, trãi tấm bản đồ lên trên bàn trà. Người áo đen giơ tay chỉ địa hình Hà Bắc khoanh một vòng tròn, rồi kéo một lằn
dài tới Tân Cương, nói:
- Quân đội của Ngao Bái phân nửa đang đóng ở Cam Túc, số còn lại canh
giữ Tân Cương. Cho nên chúng thần đã thương nghị đào đường hầm sâu và
dài mãi cho đến khi chạm biên giới Cam Túc thì ngưng lại. Và để ngụy
trang, con đường hầm này sẽ nằm bên dưới một sơn trang, gọi là … Tị Thử
sơn trang.
Người áo đen nói tới đây thì ngừng một lúc để cho hoàng thượng am tường kế hoạch dụng binh xong mới tiếp lời:
- Khải bẩm hoàng thượng, thật ra mục đích xây đường hầm bên dưới Tị Thử
sơn trang không chỉ đơn giản cho việc chiêu tập thêm nhân mã. Xin hoàng thượng hãy nhìn quá trình từ Hà Bắc đến Cam Túc và Tân Cương.
Khang Hi nhíu mày nói:
- Thì ra các người muốn dùng đường hầm này cho mai này, quân ta sẽ bí
mật kéo đến tiêu diệt quân đội của Ngao tông đường đóng ở Cam Túc?
Người áo đen lắc đầu nói:
- Khởi bẩm hoàng thượng… không phải vậy, mà là để quân đội Cam Túc về chiếm tử cấm thành!
Khang Hi càng nghe giải thích càng thêm hồ đồ, ngài lật đật lia mắt nhìn địa hình Tị Thử sơn trang một lần nữa, rồi nhìn vùng đất bao quanh tử
cấm thành Bắc Kinh, xong lại nhìn sang phía biên giới, đi về hướng Tây
là Cam Túc, vượt qua Cam Túc là Tân Cương. Hai nơi này là nơi Ngao Bái
chiêu quân mãi võ, mà người áo đen lại nói sẽ đào đường hầm để quân binh có thể bí mật di chuyển từ Cam Túc về kinh thành.
Khang Hi đầu óc rối tợ mớ bòng bong, ngài tự hỏi lòng binh mã của ngài
đâu phải là đang đóng ở Cam Túc đâu nhỉ, thế thì sao lại có chuyện kéo
quân về chiếm tử cấm thành được? Quân của Ngao Bái mới là trú tại Cam
Túc, vì Cam Túc ở gần đường biên giới nên nghiễm nhiên trở thành một
tiền đồn chiến lược quan trọng và là mắt xích thông tin liên lạc, mang
tin tức của Hồi tộc và đế quốc Nga về kinh thành. Quân số của Ngao Bái
có ba mươi lăm vạn, gã là chủ soái thân kinh bách chiến, tuổi ngoài năm
mươi. Gã là lão tướng quân, một thời oanh liệt, một lão quân nhân
nghiêm túc, cẩn thận tỉ mỉ, và từng là tấm gương sáng trong quân ngũ. Cả đời Ngao Bái nghiên cứu binh pháp, tôn sùng chiến pháp chính thống. Vì thế nên sức bền bỉ trong phòng thủ quân đội của gã cũng không ai bì
được. Trong khi đó Dương Tiêu Phong chỉ là kỳ chủ của Chính Bạch Kỳ!
Dương Tiêu Phong đang nắm trong tay ước lượng trên dưới chỉ khoảng bảy
ngàn năm trăm quân binh. Chính Bạch Kỳ chỉ là một trong Hạ Ngũ Kỳ của
Bát Kỳ Mãn Châu. Như vậy thì Ngao Bái cầm đầu bảy kỳ còn lại. Khang Hi nghĩ nếu phe ngài xuất quân tranh chấp lúc này sẽ lâm phải cảnh một
chọi bảy, khác nào châu chấu đá xe. Ngao Bái nắm toàn quyền điều khiển
phòng vệ quân, gã trở thành thống soái tối cao của tất cả các kỳ, đứng
đầu chỉ huy và ra lệnh. Còn phe ngài, Khang Hi tiếp tục suy ngẫm, đội
hình tựa mãnh hổ hạ sơn bị cẩu vây, binh tướng của ngài căn bản là không chịu nổi một kích, những tử sĩ tuy rằng dũng mãnh thật thế nhưng số
người quá ít so với binh hùng tướng hậu của Ngao đại thần.
Cũng nói thêm rằng Bát Kỳ là một chế độ tổ chức quân sự đặc trưng của
người Mãn, mỗi đơn vị được phân biệt bằng một lá cờ khác nhau, mọi người dân Mãn đều thuộc một trong tám kỳ, đứng đầu là một kỳ chủ và tư lệnh
tối cao là Đại Hãn. Đây là một tổ chức quân sự đặc sắc và cũng là đội
quân hùng mạnh trong lịch sử Đại Thanh. Chế độ Bát Kỳ Mãn Châu là do Nỗ Nhĩ Cáp Xích sáng lập và được hoàn thiện dưới thời kỳ trị vì của Hoàng
Thái Cực. Ban đầu khi chưa hoàn toàn thống nhất các bộ tộc Nữ Chân, Nỗ
Nhĩ Cáp Xích tổ chức các bộ tộc thuộc quyền thành bốn kỳ phân biệt theo
màu cờ hiệu là Hoàng Kỳ, Bạch Kỳ, Hồng Kỳ, và Lam Kỳ. Về sau khi thống
nhất hoàn toàn các bộ lạc, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tổ chức tăng thêm bốn kỳ nữa. Các kỳ cũ được thêm danh xưng “chính,” gọi là Chính Hoàng Kỳ, Chính
Bạch Kỳ, Chính Hồng Kỳ, Chính Lam Kỳ. Còn các kỳ mới có thêm màu viền
trên cờ hiệu, và có thêm danh xưng “tương,” gọi là Tương Hoàng kỳ, Tương Bạch kỳ, Tương Hồng kỳ, và Tương Lam kỳ. Mỗi kỳ có bảy ngàn năm trăm
quân, tổng cộng tám kỳ có sáu vạn quân. Về sau, thông qua việc chinh
phục các bộ lạc, số lượng binh sĩ trong các kỳ tăng dần. Khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích đánh thành Ninh Viễn, tổng binh lực quân Bát Kỳ huy động đã lên
đến mười ba vạn.
Trong Bát kỳ lại có sự phân chia thứ bậc nhất định. Đại Hãn trực tiếp
nắm giữ Chính Hoàng kỳ, Tương Hoàng Kỳ, và Chính Lam kỳ, hợp lại xưng là Thượng Tam Kỳ, có khi còn được gọi là Nội phủ Tam kỳ. Những kỳ còn lại được gọi là Hạ Ngũ Kỳ và được giao cho các trung thần thân tín để thay
mặt Đại Hãn nắm quyền quản lý. Gồm có Chính Bạch Kỳ, Chính Hồng Kỳ,
Tương Lam kỳ, Tương Bạch kỳ, Tương Hồng kỳ.
Thứ tự ưu tiên của các kỳ cụ thể cao nhất là “Chính Hoàng kỳ” cờ vàng
chính, thứ đến là “Tương Hoàng kỳ” cờ vàng nhạt hay cờ vàng có viền,
tiếp đến là “Chính Bạch kỳ” cờ trắng chính, sau đó là “Chính Hồng kỳ” cờ đỏ chính, thứ nữa là “Tương Bạch kỳ” cờ màu sữa hay cờ trắng viền, thấp hơn là “Tương Hồng kỳ” cờ hồng hay cờ đỏ viền, kế cận là “Chính Lam kỳ” cờ xanh chính và thấp nhất là “Tương Lam kỳ” cờ màu xanh lơ hay cờ xanh viền.
Dương Tiêu Phong là chủ soái của Chính Bạch Kỳ, tính theo thứ tự là ở vị trí bậc tam của Bát Kỳ Mãn Châu, đứng dưới hai kỳ, nhưng trên năm kỳ
còn lại.
Nói tiếp theo chuyện xảy ra ở cung Càn Thanh, bấy giờ Khang Hi cảm giác có
hơi mơ hồ, tai nghe những dự tính của người áo đen liệt kê ra, ngài nghe mà không hiểu chi mấy. Thế nên Khang Hi quay sang nhìn Dương Tiêu
Phong bất mãn nói:
- Có lẽ vì đêm đã khuya lắm rồi hay sao mà trí óc của trẫm có lẽ hồ đồ, thật tình không hiểu hai khanh đang nói gì hết.
Người áo đen kiên nhẫn giải thích lại một lần nữa, hắn nói “nếu như phe
mình muốn tiêu diệt tam mệnh đại thần thì hoàng thượng cần làm năm điều, hoặc là phải cần có năm điều xảy ra.” Khang Hi liền hỏi đó là năm điều chi. Người áo đen nói điều thứ nhất chính là tất cả binh quyền kể từ
đêm nay phải do đích tay Ngao Bái nắm giữ, nghĩa là Dương Tiêu Phong nên hoàn trả lại hổ phù đang hiện giữ cho Ngao Bái. Đấy là bước thứ nhất,
còn lý do làm vậy để làm chi và tại sao thì hắn lại không nói rõ. Nước
thứ hai là phương thức chặt đứt đi hai cánh tay phải trái của Ngao tông
đường, ý nói hai kẻ tâm phúc bên cạnh Ngao Bái là Át Tất Long và Tô Khắc Táp Cáp, sau đó thì đến chuyện dụng binh của người Hồi đánh Tân Cương,
rồi xây Tị Thử sơn trang làm mật hầm chiêu động binh mã, cuối cùng là
khuyên hoàng thượng hãy gạt bỏ việc chính sự sang bên đi, chỉ chuyên chú tâm lo đọc sách thánh hiền…
Khi người áo đen nói tới đoạn dùng tất cả số ngân lượng trong ngân khố
để xây Tị Thử sơn trang làm nơi hóng mát, Khang Hi cau mày tỏ vẻ không
đồng tình. Vì theo ngài chuyện bỏ tiền bạc ra để xây cất một sơn trang
đồ sộ làm nơi nghỉ mát quả thật rất là tốn kém, mà trong hiện hữu Hoàng
Hà lại dâng nước lũ, lụt lội đói khát triền miên. Trong khi đó Tị Thử
sơn trang tọa lạc ở huyện Thừa Đức của tỉnh Hà Bắc cần phải dùng tới rất nhiều nhân lực, vì kiến trúc của nó bao gồm tám ngôi chùa miếu lớn,
được thiết kế bằng ngói đồng vàng mạ, xây chùa Tu Di Phúc Thọ, Đỗ Đà
Thừa Tông, riêng số ngói lợp sẽ dùng hết ba vạn lạng vàng, sự xa hoa đạt đến mức không thể tưởng tượng được.
Bốn chữ Tị Thử Sơn Trang có nghĩa là trang trại mát mẻ ở trên núi dùng
để tránh khí hậu nóng nảy oi bức. Người áo đen nói sơn trang này khi
xây dựng xong xuôi sẽ trở thành một lâm viên danh tiếng hơn cả vườn
thượng uyển của đế vương hiện tồn. Người áo đen còn say sưa trình bày
tên của sơn trang này. Khang Hi nghe qua mà lùng bùng cả hai tai, cái
gì là từ tên nguyên thủy của trang trại là Nhiệt Hà Hàng Cung rồi đến
Thừa Đức Ly Cung, nghĩa là cung điện dành cho vua an cư khi xuất tuần du hí ngài đều không thấy vừa lòng.
Người áo đen lại còn hăm hở so sánh diện tích của Tị Thử sơn trang to
gấp đôi Di Hòa Viên, và có kích thước gấp tám lần công viên Bắc Hải.
Sơn trang uy nga đồ sộ hệt như một hoàng cung rút nhỏ, có cả cung điện
và vườn ngắm cảnh. Riêng về cung điện sẽ được kiến trúc với phong cách
cổ phác và điển nhã, bao gồm Chính Cung, Đông Cung, Tùng Hạc Trai, và
Vạn Hác Tùng Phong. Còn khu vườn hoa lá thì có hàng chục hồ cá cảnh và
hàng tá mô hình núi non hùng vĩ. Ngoài ra sơn trang sẽ còn xây thêm một loạt lâu đài điện các, am miếu, chùa và đạo quán, tóm lại lộng lẫy vô
cùng…
Sau hồi trình bày xong xuôi đâu vào đấy cả rồi, người áo đen mới hay hoàng thượng mặt mày buồn xo, hắn vội lên tiếng an ủi:
- Khải bẩm hoàng thượng, đích thật ra thì… ý của thần là chúng ta xây Tị Thử sơn trang đấy chỉ là mở màn mà thôi, mục đích chính thức lại là
điều khác.
Khang Hi có chút nản lòng tuy nhiên vẫn thở dài hỏi lại:
- Ái khanh nói có kế hoạch khác như vậy nghĩa là sao? Rốt cục thì cái
kế trừ khử cố mệnh đại thần Ngao Bái cùng thế lực của gã trong triều
đình để đoạt lại quyền lực đó như thế nào?
Người áo đen đáp:
- Dạ bẩm hoàng thượng, thực sự ra thì muốn giết tam mệnh đại thần là
chuyện vô cùng khó khăn, nếu xung đột trực diện thì khó tránh được tổn
thương nguyên khí của chúng ta, cho nên làm cách nào ít đổ máu nhất mà
đoạt được chính quyền đó mới là thượng sách. Chỉ có một kẻ, kẻ này sẽ
giúp hoàng thượng hoàn thành đại nghiệp.
- Kẻ đó là kẻ nào?
Người áo đen nói:
- Hoàng thượng sẽ nhanh chóng biết rõ.
Khi này Dương Tiêu Phong mới lên tiếng tâu rằng:
- Dạ bẩm hoàng thượng, sáng nay thần có nhận được một bức thư gởi đến từ Tân Cương, trong thư ghi rằng Mộc Nhĩ Trác An Lạc đang trên đường tiến
đến kinh thành để dâng cống nạp cho mùa thuế năm này.
Người áo đen gật đầu nói:
- Nếu tất cả nằm trong sự liệu tính của hạ thần thì kẻ giúp chúng ta hoàn thành đại nghiệp đó chính là An Lạc tứ hoàng tử.
Khang Hi nghe thế tự nhủ “nhưng tứ hoàng tử… tuy rằng năm nào cũng mang
bảo vật sang cống nạp, tỏ vẻ kính nể phục tùng, song cũng không hẳn là
chịu nghiêng về phe ta ra mặt chống đối với tam mệnh đại thần, thế thì
làm sao y lại chịu ra sức giúp cho mình được chứ?”
Cũng nói thêm rằng sở dĩ Khang Hi lo vậy là vì Mộc Nhĩ Trác An Lạc là tứ hoàng tử của tộc trưởng bộ tộc Duy Ngô Nhĩ, mỗi năm đều tuân theo lời
cha mang cống nạp đến kinh thành. Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc Trung Á
mang hai dòng huyết thống pha trộn giữa đại chủng Châu Âu và Á Đông. Họ sinh sống ở biên giới của khu tự trị Tân Cương. Tổ tiên là người Hồi
Hột, và cũng từng là một thế lực hùng hậu thời Tống-Đường. Người Duy
Ngô Nhĩ tôn thờ Hồi Giáo, rất giỏi sản xuất nông nghiệp và làm đồ thủ
công. Họ yêu chuộng hòa bình thế giới, không thích tranh đoạt đất đai
lãnh thổ của các vùng lân cận.
Mỗi năm tộc trưởng của bộ tộc Duy Ngô Nhĩ đều cử người sang Trung Nguyên dân quà cáp, gồm có đa số các loại gấm vóc lụa là và khăn choàng vải
dệt. Riêng năm nay thì món vật cầu hòa đặc sắc nhất là một bộ y phục
của công chúa người Hồi, rất xinh đẹp lộng lẫy.
---oo0oo---
Một thời thần nữa trôi qua, ba người đàn ông ở trong cung Càn Thanh đàm
luận rất nhiều lần về binh pháp và tình hình trong quân ngũ.
Thêm một chốc nữa, sau khi Khang Hi am hiểu tỏ tường mọi sự cả rồi, ngài nhìn hai vị tướng lĩnh tâm phúc của mình, hân hoan nói câu cảm tạ, và
còn cảm kích tới độ có ý định đích thân đưa tiễn hai người ra cửa phòng. Người áo đen vội cúi đầu cung kính nói:
- Xin hoàng thượng cứ an tâm. Thần đây sẽ không phụ sự ủy thác và tính
nhiệm của hoàng thượng! Sớm mai sẽ tiến hành bước thứ nhất. Hoàng thượng tinh tường, biết trọng dụng nhân tài, chắc chắn giang sơn sẽ sớm vào
tay thôi, chỉ cần hoàng thượng từ đây về sau chuyên chú học sách thánh
hiền, không cần lưu ý đám người của tam mệnh đại thần nữa, vì các vụ
việc khác đã có chúng thần phụ trách rồi.
Khang Hi nghe vậy phấn khởi trong lòng, nói đồng ý, thanh âm của ngài
hàm chứa đầy sự kính trọng. Ngài dứt lời xong trong mắt thoáng lộ tiếu
ý, ôm quyền gật đầu chào như kiểu người trong giang hồ, làm cho người áo đen chững lại một thoáng. Hắn chợt nhận ra vị hoàng đế trẻ trung này
thật rất có phong cách của một thường dân, bình dị, giản đơn, hắn bèn
khẽ cười tán thưởng. Sau đó người áo đen cùng Dương Tiêu Phong ra về,
bí mật rời đi cũng như lúc hai người họ đến.
---oo0oo---
Trên đường xuất cung trở về phủ đệ, Dương Tiêu Phong và người áo đen đi song song bên nhau hỏi han nhau dăm ba câu.
Dương Tiêu Phong nói:
- Hoàng thượng được ngươi hết lòng giúp đỡ khiến ta có dịp nở mày nở mặt, đại ân đó không thể cảm tạ bằng lời!
Người áo đen thẳng thắn nhìn lại Dương Tiêu Phong. Hắn biết quan hệ giữa hắn và y hơi tế nhị, mà rào cản chính là một người con gái. Nữ nhân
này lúc nào cũng có thể khiến hai người bọn hắn trở mặt thành thù, và
chỉ cần tiêu trừ được mối hoài nghi của Ngao Bái đối với hắn, hai người
hắn sẽ cùng hợp lực đối phó địch nhân, mối tương giao ấy chỉ có lợi chứ
không có hại.
Và người áo đen nói:
- Hoàng thượng cũng có ngươi hết lòng trợ giúp, người đời biết được chắc sẽ cảm thấy thán phục.
Dương Tiêu Phong cười hỏi:
- Thán phục? Hai từ này thoát ra từ cửa miệng của ngươi quả tình không
dễ dàng. Mà ngươi thán phục bổn quan lắm sao? Tại vì sao?
Người áo đen cũng cười nói:
- Phủ Viễn tướng quân ngươi hiện tại danh chấn giang hồ, dưới ma trảo
của Ngao tông đường vẫn có thể tung hoành không úy kỵ gì, thì ta làm sao mà không thán phục chứ?
Hai người đàn ông lại tiếp tục chuyện trò, cùng nhau thương lượng những
điều sắp sửa xảy ra. Phải tấn công Ngao Bái, họ đồng lòng, phải tiêu
diệt cho được quốc gia bá chủ vô địch hiện nay, phải đánh gục gã, Thanh
triều đệ nhất cao thủ. Vì mục tiêu chung đó nên hai người họ quyết định
bắt tay cùng tiến.
- Ngươi nếu thống suất quân ta, công vào trận địch, có lý lẽ chiến thắng nào không? – Dương Tiêu Phong hỏi, đây là sự suy nghĩ so sánh từ tình
hình thực tế.
Người áo đen đáp lời:
- Điều này lại phải trở lại với vấn đề biết mình biết ta rồi. Chẳng hạn
như năm kia Trịnh Thành Công có thủy sư và xa chiến uy chấn đương thế,
nếu quân của Ngao tông đường và người Đài Loan giao phong trên mặt nước, lại có thể dùng xa chiến để đối địch, tất bại sẽ thuộc về phe của Ngao
Bái, không còn nghi ngờ gì nữa. Vì vậy Ngao Bái quyết định dẫn dụ địch
lên bờ, mà làm vậy gã tất phải huấn luyện bộ binh, thêm vào đó Trung
Nguyên đa phần là sơn địa đầm trạch, bộ binh chuyển động tiến thoái đều
rất linh hoạt. Phải thừa nhận rằng Ngao tông đường rất đa mưu, gã biết
lấy sở trường của quân gã công vào sở đoản của địch, do vậy mà chiến
thắng đã cầm chắc trong lòng bàn tay gã.
Dương Tiêu Phong gật gù nín lặng lắng nghe, lát sau tự dưng hạ giọng nói:
- Ngươi vì thiên hạ bá tánh cam lòng chịu nhẫn chịu nhục, ở ẩn trong đầm rồng hang cọp, thật thiệt thòi cho ngươi.
Người áo đen nghe câu này thì biết Dương Tiêu Phong muốn ám chỉ những
gì, và đang ám chỉ ai, và cũng biết là Dương Tiêu Phong đang có ý muốn
xoay câu chuyện sang hướng khác nhưng vẫn nói cứng:
- Nếu như hoàng thượng xử không được tốt, kém khéo léo, sẽ bị họa diệt
vong, cho nên ta thà bị oan ức cũng không chấp nhận để nhóm tam mệnh đại thần tác oai tác quái, mưu phản nghịch chủ. Gia kỷ của bang phái Đại
Minh Triều có bốn chữ là “tận trung báo quốc,” đó là di huấn duy nhất
của cố đà chủ để lại khi còn sống, các thành viên trong hội phải đời đời kiếp kiếp phục tùng theo đó. Tuy rằng bây giờ đại cục thay đổi, nhưng
ấu chúa xét cho cùng ta thấy lại là một người rất thiện lương. Hôm nay
ta là người đương gia duy nhất còn sống sót, hẳn nhiên sẽ chưởng quản
bang phái, nên càng không thể vi phạm di huấn đó.
Dương Tiêu Phong nói:
- Khi ở di trường Mộc Lan ngươi bất chấp tất cả mọi mạo hiểm ra tay
tương cứu, xuất lẫn trung can, bảo vệ ấu chúa, thật là cực nhọc cho
ngươi. Do đó ngươi không chỉ là ân nhân của ta, mà còn là ân nhân của
bá tánh. Những chuyện ngươi làm ta sẽ khắc cốt ghi tâm, đại ơn đại đức
đó ta ngày nào còn sống quyết sẽ đồi báo.
Người áo đen nói:
- Ngươi trọng lời rồi.
Lúc này ánh bình minh vừa mới hiện lên, phu xe cũng kịp thời đánh ngựa
đến đón. Người áo đen khẽ gật đầu chào cáo biệt và nói nhanh:
- Ta phải đi đây, ngươi nói với hoàng thượng rằng mai này ba người chúng ta không nên gặp mặt nhau nữa, khuyên ngài phải cẩn trọng muôn bề, cáo
từ.
Dương Tiêu Phong nhìn theo dáng người áo đen bước vội lên xe, tự nhủ hắn ta không ngại sống chết, xem quyền thế chức vị như cỏ rác mà quyết tâm
phò trợ cho hoàng thượng đương kim là vì đạo lí gì? Dương Tiêu Phong tự hỏi rồi nhủ lòng hắn ta có lẽ vì tình, đáng lẽ ra phải coi chàng như
địch, nhưng cũng có lẽ hắn làm vậy là vì nghĩa vì trung, thành thử không thể bỏ mặc mọi việc không lo tới.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT