Từ trên bầu trời trong xanh, chiếc máy bay lượn nhẹ rồi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Quế Lâm với một cảm giác hồi hộp đứng bên dì Khoa để chờ đón Hoài Bảo
vừa tốt nghiệp ở Australia, hôm nay là ngày đầu tiên anh về nước.
Thời gian chậm chạp trôi qua. Mọi người với vẻ mặt ngóng trông người thân của mình trong bầu không khí nhộn nhịp.
Từ xa, giọng của Hoài Bảo vang vang:
− Mẹ! Mẹ…
Quế Lâm đưa mắt nhìn sang lối ra vào, Hoài Bảo đứng đó, vẫn cặp kính cận ngày xưa, nhờ nó mà Quế Lâm mới nhận ra anh.
Hoài Bảo bỏ chiếc vali một bên, anh ôm đôi vai dì Khoa, giọng anh rất hiền:
− Mẹ đợi con có lâu không?
Bà Khoa vuốt tóc con:
− Con của mẹ nay đã lớn quá, mẹ nhìn không ra.
Sực nhớ đến Quế Lâm, bà Khoa nói:
− Con có nhận ra ai đây không Bảo?
Bảo mỉm cười cố nhớ lại:
− Hình như Quế Lâm, con của dì Hà phải không mẹ?
Bà Khoa cũng tươi cười:
− Đúng rồi, con đoán chẳng sai.
Rồi bà giải thích thêm:
− Từ lúc dì Hà mất đi, Quế Lâm ở với mẹ. Hình như mẹ có nói với con rồi, đúng không?
Hoài Bảo gật đầu trong khi anh mở cửa xe cho mẹ và Quế Lâm. Anh khẽ đáp:
− Vâng.
Anh đi vòng qua ngồi bên tay lái và cho xe lăn bánh.
Bà Khoa ngồi phía sau lên tiếng:
− Con lái xe của mẹ có quen không? Nếu không thì để mẹ lái cho.
Vừa điều khiển vô-lăng, Bảo vừa nói:
− Không sao đâu mẹ, mẹ hãy an tâm!
Rồi anh đưa mắt nhìn dòng xe cộ tấp nập và những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, anh buông lời nhận xét:
− Mới có mấy năm mà Việt Nam mình phát triển quá mẹ nhỉ?
Sực nhớ đến Quế Lâm, anh hỏi:
− Anh nhận xét như vậy em thấy có đúng không Quế Lâm?
Khi Hoài Bảo trở về, Quế Lâm có một hy vọng cùng một nỗi lo âu. Hy vọng
là anh đối xử tốt với cô, dìu dắt cô trên đường đời, cùng nhau xây dựng
một chân trời hạnh phúc có tiếng cười tiếng nói của trẻ thơ, đó là một
mái ấm gia đình.
Còn nỗi lo sợ là anh sẽ không chấp nhận cô, khi anh biết được lời hứa
của mẹ anh trước khi mẹ cô sắp qua đời, nó còn văng vẳng bên tai cô:
− Hà ơi! Bạn hãy yên tâm, mình hứa sau này khi Hoài Bảo trở về mình sẽ tổ chức đám cưới cho nó và Quế Lâm.
Giọng mẹ cô thì thào:
− Khoa đã hứa như vậy thì mình an tâm lắm. Quế Lâm nó rất ngoan, còn Hoài Bảo thì hiền lành. Mình nghĩ Quế Lâm sẽ hạnh phúc.
Dì Khoa nghẹn ngào:
− Mình cũng nghĩ vậy.
Dì Khoa chỉ nói được bao nhiêu đó là mẹ cô không còn nghe gì nữa. Mẹ đã
vĩnh viễn ra đi để cô ở một mình lạc lõng trên cõi đời này với một lời
hứa, lời hứa đó liệu có được chấp nhận hay không?
Quế Lâm buông tiếng thở dài với vẻ lo lắng. Bởi vì Hoài Bảo là một người như thế nào, cô chưa nhận xét đánh giá được về anh. Không biết anh có
bằng lòng theo sự sắp đặt của dì Khoa hay không? Hay anh nghĩ rồi đây cô sẽ là gánh nặng cho anh trên đường đời, đem đến cho anh nhiều điều khó
xử?
Giọng Hoài Bảo cắt đứt suy nghĩ của cô:
− Anh hỏi, Quế Lâm có nghe không?
Quế Lâm khẩn khoản:
− Em có nghe.
Hoài Bảo hỏi tiếp:
− Vậy tại sao em không trả lời?
Quế Lâm lấp lửng:
− Em vừa định trả lời thì anh đã hỏi tiếp – Cô cố giấu đi suy nghĩ trong lòng.
− Vậy… anh nói có đúng không?
Quế Lâm trả lời theo hiểu biết và suy nghĩ của mình:
− Vâng! Việt Nam mình nay đang trên đà phát triển, rất nhiều nước vào đây đầu tư đấy anh ạ.
Vừa lái xe vừa nhìn vào kiếng hậu, anh nhận ra nét mặt của Quế Lâm. Bộ
áo dài màu thiên thanh thể hiện cho sự thanh thoát. Gương mặt cô chỉ
điểm một chút phấn hồng và một chút son. Nhìn cô không có một nét đẹp
sắc sảo nhưng nó thể hiện một vẻ đẹp nhân ái của người phụ nữ.
Đến ngã rẽ vào nhà, Hoài Bảo không thể quan sát Quế Lâm được nữa. Anh
chỉ thầm nghĩ nhà có thêm một cô em gái thế này cũng thích lắm.
Vào đến phòng khách, mọi người còn quây quần nói chuyện với nhau. Bà Khoa với vẻ quan tâm quay sang hỏi con trai:
− Về đây, con cảm thấy không khí như thế nào hả Bảo?
Hoài Bảo so vai:
− Cũng dễ chịu lắm mẹ ạ. Con lớn rồi, mà hình như trong lòng mẹ nghĩ con còn nhỏ lắm vậy. Thật sự con hạnh phúc lắm.
Vừa nói, anh vừa nhìn mẹ đầy thương yêu.
Muốn để cho Hoài Bảo và Quế Lâm được tự nhiên hơn, bà Khoa đứng lên:
− Con ngồi nghỉ cho khỏe đi rồi hẵng tắm, để mẹ lên phòng thay đồ rồi mẹ sẽ xuống ngay.
Hoài Bảo chỉ mỉm cười. Anh hiểu sự lo lắng chăm sóc của mẹ cũng vì bà quá thương anh.
Khi bà Khoa đi khuất, Hoài Bảo mới hỏi Quế Lâm:
− Em đã đậu đại học rồi à?
Quế Lâm gật đầu:
− Vâng.
Hoài Bảo có chút ít tò mò nên anh hỏi tiếp:
− Em thi ngành nào?
Quế Lâm thật thà đáp:
− Dì Khoa đã chọn cho em ngành du lịch, dì bảo là em rất hợp với ngành này.
Hoài Bảo thân thiện:
− Mẹ anh chọn là đúng lắm.
Quế Lâm cũng hỏi thăm:
− Còn anh, ở bên Úc anh học trường nào?
Hoài Bảo tự nhiên như Quế Lâm là em gái vậy, nên anh ngồi thoải mái dựa lưng vào ghế salon:
− Anh học trường đại học Exceuence thuộc thành phố Perth Education.
Quế Lâm hỏi với vẻ ngây thơ:
− Ở bên đó chắc ngộ lắm hả anh?
Hoài Bảo chỉ mỉm cười đầy vẻ bí mật. Anh hỏi:
− Em có muốn sang bên đó học không?
Quế Lâm chẳng biết trả lời với anh như thế nào, vì anh quá vô tư anh
chẳng biết gì về lời hứa của mẹ anh và mẹ cô. Nhưng Quế Lâm cũng trả lời một câu cho thích hợp:
− Em nghĩ mình chưa thể tự lập được như anh, nên em không dám mơ ước.
Hòai Bảo hỏi lại:
− Chớ em thích gì nào?
Quế Lâm chân thật:
− Em thích một cuộc sống bình thường, không cần giàu sang. Em chỉ cần mọi người yêu thương em, điều đó rất quan trọng.
Hoài Bảo nhận xét khi nghe Quế Lâm nói:
− Anh thấy mẹ anh cũng thương yêu em lắm mà. Còn anh nữa, anh sẽ xem em như em gái của anh vậy.
Hoài Bảo nói xong, Quế Lâm cảm nhận được nỗi lo âu lớn dần trong cô.
Trong lòng anh, cô chỉ là em gái thôi. Tình cảm anh dành cho cô là thế,
chắc cũng chẳng thay đổi được gì khi anh nghe lời hứa của dì Khoa.
Một cảm giác lạc lõng lại đến, Quế Lâm muốn tự tìm cho mình một hướng đi thích hợp mà không gây ảnh hưởng đến mọi người. Giờ đây, cô cần có một
suy nghĩ sáng suốt, nên chỉ muốn được yên tĩnh một mình.
Nghĩ vậy, cô đứng lên:
− Anh Bảo ngồi nghỉ, em về phòng em gnhe.
Hoài Bảo quan tâm:
− Hình như em không được khỏe?
Quế Lâm cố giữ vẻ thản nhiên:
− Em vẫn bình thường anh ạ. Em xin phép anh.
Hoài Bảo khoát tay:
− Em cứ tự nhiên. Em quên chúng mình là người một nhà cả sao?
Hoài Bảo chỉ nói vậy, anh cũng chẳng để ý đến nét mặt đang suy nghĩ của
Quế Lâm. Mà giờ đây anh chỉ nghĩ đến một người: Bách Điệp, người yêu của anh.
Chắc giờ này cô cũng đã về đến nhà rồi. Hai người cũng về chung một
chuyến bay, vì chưa giới thiệu cho gia đình biết trước, nên hai người
đành phải chia tay trước khi gặp người thân của mình.
Anh quen Bách Điệp trước khi vào năm học thứ hai.
Vào một buổi chiều đẹp trời, mọi người đều đi dạo, chỉ một mình anh ngồi trên chiếc ghế đá với quyển sách trên tay. Bỗng một giọng nói ngọt ngào rót vào tai anh:
− Anh Bảo siêng quá ta!
Nghe giọng nói là lạ, anh quay lại nhìn. Một gương mặt trái xoan với mái tóc cắt tém và một nụ cười tự tin trên môi. À! Thì ra đây là một cô gái học chung lớp với anh.
Cô gái rất tự nhiên ngồi xuống kế bên anh. Giựt phăng quyển sách trên tay anh, giọng cô ngọt ngào:
− Anh Bảo! Anh đừng chăm chỉ như vậy! Anh hãy thư giãn một chút đi, anh có nghe em nói gì không hả?
Hoài Bảo hơi ngạc nhiên, anh hỏi một câu thật là ngớ ngẩn:
− Cô cũng biết tên tôi nữa sao?
Bách Điệp lườm anh:
− Trong lớp có ai không biết tên anh – Rồi cô hờn trách – Chỉ có anh không nghĩ đến người khác thôi.
Thì ra là vậy! Hoài Bảo cố nhớ xem cô gái này tên gì, nhưng anh thật sự
không nhớ nổi. Anh suốt ngày chỉ lo học, có để ý đến ai đâu mà biết.
Với một cử chỉ dễ dãi, cô gái nói rất ngọt:
− Em đã biết tên anh rồi, anh có muốn biết tên em không?
Hoài Bảo chân thật:
− Nãy giờ anh cố nhớ tên em, nhưng thật sự anh không nhớ nổi. Vậy em hãy tự giới thiệu về mình cho anh biết đi!
Cô gái chảnh chọe:
− Em tên là Bách Điệp, bạn học cùng lớp với anh, điều này anh đã biết rồi.
Hoài Bảo gật đầu:
− Vâng! Gương mặt trong lớp mình thì anh nhớ hết, nhưng anh nói thật anh chẳng quen cô gái nào cả. Chỉ có em đây là người đầu tiên.
Bách Điệp khôn ngoan:
− Em biết rồi, anh không cần giới thiệu về mình như vậy. Và từ bây giờ mình là bạn với nhau, anh có đồng ý không?
Hoài Bảo mỉm cười thân thiện:
− Anh hân hạnh khi được làm bạn với em.
Bách Điệp nheo nheo mắt:
− Nhưng với một điều kiện, anh có đồng ý không?
− Điều kiện gì em cứ nói, nếu như trong khả năng của anh thì anh sẽ chấp nhận ngay.
Bách Điệp với cặp mắt sáng rỡ:
− Anh phải kèm cho em học mỗi ngày, để em được học giỏi như anh vậy?
Hoài Bảo nhướng mày hỏi:
− Em thích học giỏi lắm à?
Bách Điệp với gương mặt đầy khát khao:
− Trên đời này, em không thích thua kém ai cả. Em chỉ muốn bằng hoặc hơn người khác. Không phải với ý nghĩ đó mà em muốn lợi dụng anh đâu. Chỉ
riêng anh, em chẳng cần lo lắng hơn thua gì cả, bởi vì em rất thích anh.
Hoài Bảo nhớ lại lời tỏ tình của Bách Điệp đã mở lối cho anh như vậy,
rồi mỗi ngày anh lại gần cô, một tình yêu đã đến với hai người.
Có đôi khi anh muốn viết thư hoặc kể qua điện thoại cho mẹ rõ, nhưng anh lại muốn giữ bí mật để sau này về nước rồi dẫn Bách Điệp về giới thiệu
với mẹ luôn. Chắc mẹ anh sẽ bằng lòng, rồi anh và cô sẽ làm đám cưới,
anh sẽ là chú rể, còn Bách Điệp sẽ là cô dâu, bạn bè đến chúc mừng thật
đông với những lời chúc hạnh phúc và hạnh phúc. Nghĩ đến đây Hoài Bảo nở một nụ cười cho tương lai.
Quế Lâm đi học thêm Anh văn vào ban đêm. Về đến nhà, cô cảm thấy nhà vắng lặng chẳng có ai mà sao cửa lại không khóa.
Dựng xe xong, cô nhẹ bước lên lầu. Đi ngang phòng dì Khoa, cô nghe giọng dì Khoa rõ ràng:
− Khi dì Hà mất, mẹ có hứa với dì hà là sẽ cưới Quế Lâm cho con khi con trở về nước.
Giọng của Hoài Bảo có vẻ bất bình:
− Chuyện hôn nhân rất trọng đại, sao mẹ lại vội vàng hứa như vậy?
Giọng bà Khoa vẫn dịu dàng:
− Mẹ hứa như vậy có gì là sai đâu, con bé lại hiền ngoan thế. Nếu nói về ngoại hình thì nó có thua kém ai đâu, con còn muốn chọn lựa ai nữa chứ?
Hoài Bảo vẫn lặng thinh. Thời gian yên lặng trôi qua, rồi tiếng dì Khoa tiếp tục:
− Mẹ đã quyết rồi, không thể thay đổi. Con thử nghĩ lại xem, nếu không
thực hiện lời hứa thì mẹ còn mặt mũi nào nữa. Vả lại, trên đời này, con
bé chỉ có mỗi chúng ta, không còn người thân nào khác. Con nỡ lòng sao?
Lời dì Khoa vừa nói xong thì Quế Lâm nghe tiếng thở dài của Hoài Bảo, rồi anh nói rất nhỏ:
− Mẹ hãy cho con thời gian để con và Quế Lâm quen dần, rồi tính đến
chuyện hôn nhân cũng đâu có muộn. Dù sao Quế Lâm vẫn còn đang đi học mà.
Giọng dì Khoa nhấn mạnh:
− Nhưng mẹ hỏi thật, đã một tuần lễ trôi qua rồi, con có cảm tình với Quế Lâm không?
− Thật sự, từ khi gặp Quế Lâm ngoài sân bay cho tới bây giờ, trong lòng
con chỉ xem Quế Lâm như người em gái, và hôm nay điều mẹ nói khiến con
quá bất ngờ.
Dì Khoa giải thích:
− Suốt cả tuần rồi, mẹ thấy con sắp xếp lại công ty quá vất vả, nên mẹ
muốn để cho con nghỉ ngơi. Hôm nay, sẵn dịp Quế Lâm đi học nên mẹ mới
nói với con cho tiện.
Mẹ anh nói rất đúng, suốt một tuần qua anh đã dành hết thời gian để củng cố lại công ty, về nhân sự, về vốn, về kế hoạch cho năm tới để cho công ty Rạng Đông Tourist của anh càng ngày càng phát đạt hơn. Luôn cả lời
mời của Bách Điệp ra Đà Lạt chơi, anh cũng từ chối, anh nói với cô vì
anh không có thời gian.
Giọng Hoài Bảo khẩn khoản:
− Mẹ ơi! Mẹ hãy cho con một thời gian nữa đi mẹ. Con mới về đây, con
muốn lo cho công ty, đó là nguyện ước của con từ khi còn đi học, và đây
là kết quả bao năm đèn sách của con.
− Mẹ cũng chấp nhận. Nhưng con phải hứa với mẹ là không được quen ai và
cũng không được yêu ai, vì nếu con làm như vậy mọi việc sẽ rắc rối thêm.
Hoài Bảo ngập ngừng:
− Mẹ… mẹ…
Bà Khoa nói tiếp:
− Mẹ đã quyết định như vậy, con đã hiểu tánh mẹ rồi chứ?
Hoài Bảo đành phải lặng im, vì anh đã quá hiểu tính của mẹ, bà đã nói ra là như đinh đóng cột không thể nào lay chuyển được. Anh sẽ giải thích
với Bách Điệp như thế nào đây khi áp lực của mẹ anh quá lớn về chuyện
hôn nhân không tình yêu với Quế Lâm do mẹ anh định đoạt.
Nghe đến đây thì bên trong chợt im lặng, Quế Lâm nhẹ nhàng đi về phòng
mình. Cô nằm dài trên giường để suy nghĩ và phân tích từng lời nói của
dì Khoa và anh Hoài Bảo.
Dì Khoa có vẻ ép buộc Hoài Bảo, còn Hoài Bảo chỉ xem cô như em gái. Thật ra, anh đã có người yêu hay chưa cô cũng chưa biết. Nếu anh có người
yêu rồi thì tốt nhất cô nên tự động rút lui, để cho anh được trọn vẹn
sống với tình yêu của mình. Còn nếu như anh chưa có người yêu thì chờ
thêm một thời gian nữa để anh và cô tìm hiểu, như vậy cũng tốt cho cả
đôi bên trước khi tiến đến hôn nhân.
Chợt có tiếng gõ cửa bên ngoài. Quế Lâm vội vàng ngồi dậy, cô sửa lại mái tóc.
Cửa mở, bà Khoa đi vào và ngồi luôn trên chiếc giường, giọng bà thân mật:
− Con đi học về hồi nào vậy?
Quế Lâm giữ vẻ tự nhiên:
− Dạ, con mới về tới. Dì tìm con có chuyện gì không?
Nhìn Quế Lâm bằng cặp mắt yêu thương, nghĩ Quế Lâm không nghe câu chuyện lúc nãy, bà nói với giọng ngọt ngào:
− Dì định tổ chức đám cưới cho con với Hoài Bảo ngay. Nhưng suy đi tính
lại, bởi công ty còn quá nhiều việc và Hoài Bảo sợ công việc ở công ty
bận rộn không có thời gian để chăm lo cho gia đình, nên nó có nói với dì hãy để nó sắp xếp cho công ty vào nề nếp rồi sẽ đám cưới. Con thấy như
vậy có được không, Quế Lâm?
Trước một câu hỏi quá bất ngờ, Quế Lâm đành nói xuôi:
− Dạ, tùy dì và anh Bảo quyết định, con chẳng dám ý kiến. Con chỉ sợ có
những việc không suôn sẻ rồi con sẽ trở thành gánh nặng cho dì và cho
anh ấy mà thôi.
Đưa tay vuốt mái tóc Quế Lâm, bà Khoa an ủi:
− Sao con lại nghĩ vậy? Dì lúc nào cũng quý mến con. Con không được nói như vậy nữa, con hứa với dì đi Lâm!
Đôi mắt Quế Lâm buồn thảm:
− Nhưng đó là điều mà con lo âu nhất. Con hiểu dì thương con nhiều lắm,
nhưng con sợ những việc bất ngờ sẽ xảy ra làm tổn thương đến mọi người.
Bà Khoa vẫn khuyên nhủ:
− Dì hứa với con là mọi việc sẽ tốt đẹp, chẳng có gì để con phải lo xa – Ngưng giây lát, bà nói tiếp – Từ bây giờ, con phải nghe lời dì chăm sóc sức khỏe của mình và việc học hành phải cố gắng. Còn mọi việc khác để
dì lo tất cả, con hiểu chứ?
Quế Lâm với nét mặt bình thản. Sự chăm sóc của dì Khoa chẳng thua kém gì mẹ Hà của cô. Cô ước ao phải chi mẹ cô và dì Khoa đừng hứa gì với nhau
cả, để dì Khoa xem cô như là con gái của mình, còn Hoài Bảo xem cô như
đứa em gái, được như vậy chắc cô sẽ đỡ lo âu hơn.
Với những ý nghĩ đơn giản đó, Quế Lâm nói với vẻ cởi mở:
− Dì Khoa à! Hiện nay con còn đang đi học. Vả lại, mẹ con cũng mới mất.
Mọi việc chúng ta hãy gác lại, mai sau rồi hãy tính. Còn bây giờ dì hãy
xem con như đứa con gái ruột của dì, và anh Bảo xem con như em gái của
ảnh. Được như vậy, con sống ở đây cũng hạnh phúc lắm rồi – Quế lâm nắm
tay bà Khoa khẩn khoản – Như vậy đi, dì nhé!
Bà Khoa có vẻ phật ý:
− Con nói vậy sao được! Mẹ con lo lắng cho tương lai về sau, vì sợ con
gặp một tấm chồng không ra gì thì khổ cả cuộc đời, con hiểu không?
Quế Lâm tư lự:
− Vậy thì con sẽ không có chồng. Con sẽ sống như vậy với dì mãi, được không dì?
Bà Khoa cười hiền cho ý nghĩ trẻ con của Quế Lâm. Bà nói:
− Dì đâu có lột da sống đời với con đâu. Dì sống giỏi lắm là mười hoặc
hai mươi năm nữa, rồi con sẽ sống với ai đây. Hãy nghe lời dì, đừng suy
nghĩ gì cả, để cho dì thực hiện được lời hứa với mẹ con. Có như vậy, dì
mới toại nguyện.
Quế Lâm vẫn lặng thinh. Khi dì Khoa đã quyết thì cô khó dời đổi được, và bây giờ thì cô đã hiểu mình cần phải làm gì một khi còn ở lại đây. Phải chấp nhận Hoài Bảo thôi, cho dù anh không muốn. Nếu cuộc hôn nhân có
diễn ra, cô ngầm hiểu là cô sẽ không mấy hạnh phúc. Còn nếu như không
chấp nhận Hoài Bảo thì cô biết phải đi đâu, chẳng lẽ cô phải về nhà sống một mình? Nếu như làm vậy thì mang tội bất hiếu với mẹ và làm khó khăn
cho dì Khoa, cô cũng không đành lòng.
Như biết được Quế Lâm đang suy nghĩ điều gì, bà Khoa rào đón:
− Quế Lâm! Con là một đứa con ngoan, con hứa là đừng làm điều gì để cho dì thất vọng nhé?
Quế Lâm đành phải gật đầu:
− Vâng, con hứa sẽ nghe lời dì.
Nghe Quế Lâm hứa như vậy, bà Khoa cười tươi:
− Như vậy là dì yên tâm rồi, con ngủ đi. Dì về phòng đây!
Quế Lâm tiễn dì ra đến hành lang rồi mới trở vào với tiếng thở dài cho ý nghĩ của mình. Kể từ hôm nay cô phải chấp nhận theo sự sắp xếp của dì . Dù có đau khổ hay là hạnh phúc, nhưng bù đắp lại sự thương yêu lo lắng
của dì, cô có hy sinh cả cuộc đời mình thì cô cũng chẳng tiếc rẻ gì.
Nghĩ thế, cô tìm đến cho mình một giấc ngủ bình yên.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT