Sáng hôm sau, tôi đang ngủ thì giật mình bởi tiếng gõ cửa. Như thường lệ, tôi chụp ngay cây 9 mm rồi lăn một vòng nhào ra cửa nghe ngóng. Đứng nép vào tường, con mắt tôi liếc nhìn mặt đồng hồ và đau đớn nhận ra lúc ấy đã gần 10 giờ sáng. Thế là lại thêm một ngày nữa không đi làm. Sang Mỹ mà cứ sống như thế này thì chẳng bao lâu sẽ bị chết đói, tôi thầm nghĩ vậy và lắc đầu...
Tiếng gõ cửa vang lên lần thứ hai kéo tôi về thực tế. Kèm theo đó là tiếng nói vọng vào:
- This is the police...
Tôi tá hỏa tam tinh như bị ai đấm một quả thôi sơn vào giữa mặt. Tôi lảo đảo như sắp té. "This is the police..." có nghĩa là "Đây là cảnh sát..."
Câu nói quả là có mãnh lực dữ dội. Chỉ cần nghe có chừng đó thôi là người tôi co rúm lại. Từ lúc tôi còn nhỏ cho đến lúc có trí khôn, tôi không sợ câu nào bằng câu nói này. Mồ hôi trong người tôi toát ra đầy trán. Tôi nhìn xuống bàn tay mình đang còn cầm cây 9 mm và hoảng hốt không biết phải làm gì.
Tiếng gõ cửa phía ngoài lại vang lên, lần này mạnh hơn, đúng điệu... cảnh sát Mỹ:
- Có ông Le trong nhà không. Đây là trung sĩ Ken, tôi muốn nói chuyện với ông Le một chút...
Biết không thể chờ được, tôi bèn hét to "Chờ tôi chút!" rồi phóng vào phòng trong thay đồ. Vừa mặc quần áo tôi vừa suy nghĩ tìm cái lý do tại sao cảnh sát lại đến đây tìm tôi. Và tôi khỏi cần phải suy nghĩ lâu. Nói về lý do thì thật ra cảnh sát có hàng ngàn lý do để tìm tôi. Từ cái chết của thằng Rao, đến thằng Mike, cho đến chuyện chị Báu, cho đến chuyện tôi uống rượu lái xe bị cảnh sát bắt mấy lần mà chưa đóng phạt, v.v. Lạy chúa, tôi không ngờ con người mình lại có nhiều "tội lỗi" đến như vậy. Tội lỗi đầy ắp như thế kia mà giờ này chưa bị ngồi tù thì kể cũng lạ thật...
Thay đồ xong, tôi xoay người nhìn mình trong gương và tự nhiên, hình ảnh ông Gordon Liddy lại trở về trong trí tôi. Tôi tự hỏi, nếu ông ta ở trong trường hợp tôi, ông sẽ làm gì nhỉ? ồng sẽ làm nhiều chuyện nhưng chuyện đầu tin là ổng sẽ không cuống lên như tôi bây giờ. Tôi lại nhớ đến những gì đã xảy ra với tôi mấy hôm nay và tự nhiên bỗng đâm ra tự tin. Xác chết mà mình còn nằm ngủ chung được thì nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ này!
Từ từ, tôi trở nên bình tĩnh lạ thường. Bình tĩnh và sáng suốt nữa. Cảnh sát muốn kiếm tôi với bất kỳ lý do gì thì để cho họ kiếm, tôi khỏi cần phải suy nghĩ làm chi cho mất công. Tôi bình thản đánh răng, mặc quần áo. Thỉnh thoảng, cái tiếng nói bên ngoài vẫn vọng vào hối thúc nhưng tôi đã bình tĩnh nạt lại:
- Chờ một chút cha nội!
Xong xuôi đâu đó, tôi nhét cây 9 mm vào hộc tủ rồi bình thản bước ra.
Mở cửa, tôi nhìn thấy một người cảnh sát đẹp trai có râu mép, mặc thường phục, mỉm cười chào tôi. Hắn đưa cho tôi coi cái thẻ hành sự có hình con chim hay con cò gì đó giữa cái ngôi sao bằng đồng rồi nói:
-Tôi là Ken. Tôi chỉ muốn làm phiền ông chút xíu thôi. Tôi vào nhà được không?
Tại sao không. Tôi đứng sang một bên cho người cảnh sát bước vào. Tôi chỉ cái ghế sô pha:
- Mời ngồi.
Người cảnh sát ngồi xuống. Tôi ngồi đối diện, nhìn vào mắt người cảnh sát. Hắn mở lời:
- Ông xem có vẻ là một tay rất cừ khôi.
Mẹ kiếp, được cảnh sát Mỹ khen như thế thì tôi khoái chí lắm nhưng vẫn làm bộ lắc đầu, cất giọng lạnh lùng:
- Tôi không hiểu ông muốn nói gì?
Hắn móc ra bao thuốc lá, lịch sự hỏi:
- Tôi hút thuốc được không?
Tôi gật đầu, với tay lấy cái gạt tàn để gần hắn trên tay cái ghế sô pha. Người cảnh sát mồi thuốc, nhả khói:
- Chẳng những là một tay cừ khôi, ông còn nói tiếng Mỹ rất hay nữa. Khá lắm, so với một người mới tới Mỹ như ông.
Cứ theo những gì hắn nói thì trước khi vào đây, hắn đã biết hết về tôi. Cũng chả sao cả, nhưng trong đời tôi, cái tôi ghét nhất là nói chuyện với cảnh sát. Tôi thật hoàn toàn không muốn kéo dài cái giây phút gặp gỡ với cảnh sát này chút nào cả. Tôi thẳng thừng:
- Cám ơn lời khen của ông, nhưng ông Ken, tôi sắp phải đi làm. Nếu ông có muốn hỏi gì xin đi ngay vào vấn đề...
Có lẽ xưa nay hắn đã quen "cầm đầu" câu chuyện rồi nên Ken có vẻ ngạc nhiên vì sự hối thúc của tôi. Hắn đưa mắt nhìn tôi như con cọp nhìn con nai để ước lượng. Tôi cũng đưa mắt nhìn lại hắn. Ken gật đầu rồi để điếu thuốc lên cái khay gạt tàn, thò tay móc ra một cuốn sổ và cây bút. Đúng điệu cảnh sát hỏi cung, tôi nhủ thầm. Hắn dở dở mấy trang trong cuốn sổ rồi ngẩng mặt lên nhìn tôi:
- Ngày đó... tháng đó... vào giờ... đó, ông ở đâu và làm gì?
Tôi nhún vai, ngạc nhiên vì sự tỉnh táo của mình:
- Làm sao tôi nhớ được ông nội. Để tôi hỏi ông, ngày đó, tháng đó, ông có nhớ là ông làm gì không?
Ken hơi khom người tới trước, thò tay cầm điếu thuốc lên, cất giọng lạnh lùng:
- Ông phải nhớ.
- Tôi phải nhớ? Tại sao?
Ken cười:
-Tại sao hả. Lý do rất là đơn giản bởi vì chúng tôi đang điều tra coi thử ông có phải là thủ phạm của cái vụ giết người cách đây mấy tuần lễ...
Tôi có cảm giác như mình vừa bất ngờ bị giáng xuống đầu một luồng điện mạnh mấy ngàn volts. Trong một giây phút, tôi thấy mắt mình hoa lên và chập chờn trước mặt là hình ảnh một cái ghế điện đen thùi lùi với giây nhợ tùm lum. Có lẽ tôi sẽ đi vào lịch sử là người Việt Nam đầu tiên bị xử tử hình trên ghế điện của nhà tù Mỹ...
Nhưng tôi lấy lại bình tĩnh được ngay. Tôi lắc đầu, nói và đồng thời cũng nhận ra giọng nói mình run run:
-Tôi hoàn toàn không biết gì về việc đó. Nhưng nếu tôi có thể giúp gì được ông, xin ông cho biết.
Ken ngã người ra sau và trước sự ngạc nhiên của tôi, hắn bật cười lên sằng sặc:
- Oh, Jesus Christ... Jesus Christ. Người ta đồn ông là một tay rất cừ, quả thật không ngoa... Ông cho điểm cái hệ thống tư pháp và cảnh sát của nước Mỹ vào hạng thứ mấy trong thế giới này?
- Hệ thống tư pháp và cảnh sát của Mỹ là số một thế giới.
- Tốt. Ông có biết là ông đang nói chuyện với một nhân viên lỗi lạc của hệ thống cảnh sát Mỹ không?
- Tôi rất hân hạnh được nói chuyện với ông. Như tôi đã nói, nếu tôi có thể giúp gì được ông xin ông cho tôi biết.
Ken ngồi thẳng người, dụi điếu thuốc lá:
- Trở lại vấn đề chính, ông biết tại sao tôi tới đây không?
- Ông muốn điều tra về cái vụ giết người gì đó.
- Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai, tôi muốn hỏi ông là cách đây 3 tuần, ngày đó... giờ đó... ông làm gì?
- Làm sao mà tôi nhớ được. Tôi ngủ, tôi nghĩ vậy.
Ken cười, vừa ghi vào sổ vừa nói:
- Ngủ.
Rồi hắn đóng sổ lại, đưa cắp mắt sáng như dao liếc nhìn quay phòng một vòng:
- Ở một chỗ thiếu an ninh như thế này, ông có sử dụng thứ vũ khí gì để phòng thân không?
Tôi tái mặt lại, nhớ đến cây .38 còn nằm trong tay thằng Jay:
- Tôi nghĩ đó là chuyện cá nhân. Nhưng tại sao ông hỏi vậy?
Ken cười:
- Bất cứ chuyện cá nhân nào có dính dáng tới tội ác đều trở thành chuyện chung hết... Nhưng, dĩ nhiên, đây không phải là một cuộc thẩm vấn chính thức. Nên nhớ, tôi đến đây để điều tra sơ khởi...
- Điều tra sơ khởi...
- À tôi quên, để tôi cắt nghĩa cho ông hiểu về thủ tục làm việc của cảnh sát nước Mỹ. Tất cả các vụ phạm pháp, nếu người phạm pháp bị bắt quả tang thì khỏi cần phải điều tra làm chi. Cảnh sát sẽ thành lập biên bản căn cứ theo những bằng chứng của sự quả tang phạm pháp đó rồi đưa qua cho cho biện lý cuộc. Đây là việc làm dễ dàng nhất, xong hồ sơ là coi như xong việc. Ông có đồng ý với tôi ở một chỗ là nếu tất cả những vụ phạm pháp ở đất Mỹ này đều xảy ra như vậy thì chúng tôi sẽ thất nghiệp mất... hì hì...
Ken cười. Tôi không cười. Hắn tiếp:
- Nhưng đa số, phải nói là hầu hết các tội ác xảy ra ở cái đất đầy rẩy tự do và... súng ống này thường là không như vậy. Cho tôi nói một thí dụ. Như khi chúng tôi tìm thấy một người bị bắn chết, không biết ở đâu, hãy ví dụ như chúng tôi tìm thấy một cái xác chết trong một cái thùng rác chẳng hạn... hì hì... Dĩ nhiên, chuyện hơi lạ nhưng phải nói đây là một tội ác. Và vì là tội ác đã xảy ra cho nên chúng tôi phải thiết lập một hồ sơ và gọi đó là một case. Mỗi một case thường được giao cho một nhân viên cảnh sát chịu trách nhiệm để điều tra. Ông có hiểu tới đó chưa.
- Hiểu.
- Khi điều tra, dĩ nhiên, người cảnh sát thường bắt đầu bằng việc đi hỏi thăm một cách lịch sự. Lịch sự ở đây tôi muốn nói là đi nói chuyện, Khỏi cần phải có trát của tòa án, khỏi cần phải gởi giấy mời vào ty cảnh sát. Châm ngôn của cảnh sát luôn luôn là "Mình đẹp với người ta thì người ta sẽ đẹp với mình." Ai cũng hiểu, ở nước Mỹ có hai nơi mà ít ai muốn đến nhất là thứ nhất nhà xác, thứ nhì ty cảnh sát. Mục đích của những cuộc thăm viếng xã giao như vậy là để nhân viên điều tra biết rõ hơn một chút về vấn đề. Ví dụ như cảnh sát tình nghi một người có tên X chẳng hạn có dính líu tới một vụ giết người rồi bỏ xác người ta vào thùng rác chẳng hạn... hì hì... Khi đi thăm sơ khởi, người điều tra mới khám phá ra tên X là một người đàn bà 85 tuổi, lại đang ngồi xe lăn và ở trong một viện dưỡng lão. Dĩ nhiên, một người đàn bà như vậy không thể nào lại có thể là một người tình nghi được. Thế là cái tên X được dẹp qua một bên. Chính phủ khỏi tốn giấy mực ký trát, người đàn bà 85 tuổi khỏi phải chịu cái cực hình đi trình diện cảnh sát và gọi luật sư. Tốt cho cả hai bên. Tuy nhiên, nếu cuộc đi thăm sơ khởi cho thấy cái tên X lại là một tay chơi thượng thặng, lại từ chối mọi câu hỏi của cảnh sát, tỏ một thái độ hoàn toàn bất hợp tác thì người điều tra phải bắt đầu và phải có quyền nghi ngờ... Ông Le có đồng ý với tôi tới đó không đã?
Đù mẹ cảnh sát Mỹ làm việc có khác. Cái gì cũng văn vẻ và cắt nghĩa đàng hoàng mà mình nghe cứ như xé ruột. Tôi gật đầu. Ken tiếp:
- Dĩ nhiên, trong những trường hợp "đáng tiếc" như thế, cảnh sát phải làm mạnh tay. Người điều tra sẽ về ty và viết một bài phúc trình về chuyến viếng thăm và đề nghị cấp trên cho tiến hành cuộc điều tra theo theo thủ tục thông thường. Thủ tục thông thường có nghĩa là cảnh sát sẽ gởi giấy mời người đó và nếu cần, còng tay bắt người đó đến ty để hỏi cung. Tôi lập lại hai chữ "hỏi cung" đàng hoàng chứ không phải nói chuyện một cách lịch sự như lúc ban đầu... Nếu cần hơn nữa, cảnh sát sẽ lấy trát để lục soát nhà cửa của nghi can, sẽ chụp hình và lăn tay, sẽ sử dụng thuốc hóa học... tóm tắt là cảnh sát sẽ làm mọi cách để tìm hiểu hay chứng minh nghi can là người phạm pháp. Sau đó, sau nhiều lần điều tra và hỏi cung, nếu tìm được bằng chứng, nhiều hay ít gì đi nữa thì sẽ đưa hồ sơ qua biện lý cuộc. Tại đây, ông biện lý là người sẽ quyết định có nên truy tố nghi can ra toà hay không. Nếu nghi can bị truy tố thì toà sẽ quyết định là người đó được đóng tiền thế chân để ở ngoài hay là phải ôm gối vào tù mà chờ ngay xử án.
Ken cười, mồi một điếu thuốc rồi tiếp:
- Dĩ nhiên, ông biết mà, ở nước Mỹ này, tất cả mọi người được coi là vô tội cho đến khi họ bị chứng minh là có tội. Người đó sẽ được coi là vô tội cho đến khi nào toà án xử tội họ.
Nói tới đó, đột nhiên Ken chồm người tới trước, nhìn sâu vào mắt tôi:
- Ông có nhớ ngày đó... tháng đó... ông làm gì không?
Cây lao trong tay tôi đã phóng đi, tôi đã trót chơi đòn lì nên bây giờ không thể thay đổi được. Tôi trả lời nhẹ nhàng:
- Tôi nhớ ngày đó, giờ đó, tôi ngủ ở nhà.
Ken cười khó hiểu rồi tiếp:
- Thế còn ngày đó tháng đó chắc ông cũng ngủ luôn?
Tôi gật đầu. Ken lại hỏi:
- Thế ông có biết bắn súng P-38 không?
- Ông nên nhớ, cách đây mấy tháng tôi còn là một phi công. Tất cả mọi phi công của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đều biết bắn súng P-38.
Câu hỏi tiếp theo mới làm tôi toát mồ hôi hột:
- Thế cây P-38 của ông đâu rồi?
Tôi nhún vai:
- Tôi nói là tôi biết bắn, tôi đâu có nói là tôi có một cây súng P-38.
- Vậy ông có cây P-38 không?
- Không.
Ken ghi chép rồi nhét cuốn sổ vào túi áo, mặt hơi nhăn lại:
- Ông Le... Tôi quả thật không biết đóng cái hồ sơ này như thế nào. Theo như ông thì tôi phải làm gì?
Tôi cười:
- Cứ việc đóng hồ sơ và quên hết mọi chuyện.
Ken cũng cười, nhìn xéo vào nhà trong:
- Tôi cũng muốn như vậy nữa, nói thật với ông đó. Nếu được như vậy thì tiện hết sức, tốt cho tôi và tốt cả cho ông. Tôi thấy ông là một người rất thông minh và vui tính... nhưng kẹt một cái là ông có đủ mọi dấu hiệu của một kẻ đã phạm tội giết người...
Nụ cười trên môi tôi tắt ngấm. Tiên sư, cười thế chó nào nỗi nữa mà cười khi nghe cảnh sát bảo mình là "có đủ mọi dấu hiệu của một kẻ đã phạm tội giết người." Nhưng tôi không phải là một kẻ đầu hàng dễ dàng, liền quyết định tố ngược:
- Coi, ông Ken. Nếu ông có bằng chứng rằng tôi giết người thì ông còn chờ gì mà chưa còng tay tôi đi.
Ken đưa tay lên vuốt hàng ria mép, có vẻ hơi bối rối:
- Ông biết ở nước này, muốn bắt ai người ta phải có bằng chứng. Chúng tôi nghi ngờ ông nhưng chưa có bằng chứng.
Như vậy là cây súng tôi vẫn còn nằm trong tay thằng Jay. Tôi cảm thấy nhẹ nhỏm trong người, dù biết rằng đây chỉ là một sự nhẹ nhỏm... tạm thời. Cảnh sát Mỹ làm việc có quy tắc, cứ từ từ từng bước một nhưng bước nào là chắc bước đó.
- Ông nói là ông chưa có bằng chứng gì cả?
- Tôi phải thú thật là cho đến bây giờ thì chưa. Như đã nói, tôi đến đây là chỉ muốn biết mặt ông và xem qua vài chi tiết của vụ án mạng. Trưa nay tôi sẽ làm phúc trình và sẽ ghi hết những gì tôi khám phá sáng hôm nay để cấp trên của tôi quyết định. Và ông biết đó, phần tiếp theo sẽ là chính thức.
Không hiểu vì vô tình hay cố ý để hăm dọa, Ken nhấn mạnh ở hai chữ "chính thức". Tôi hỏi:
- Ông có thể cho tôi hỏi, lý do nào làm cho ông nghĩ rằng tôi là thủ phạm của cái vụ giết người kia?
Ken cười:
- Một câu hỏi rất là thông minh... Đúng ra thì tới hai vụ nhưng rất tiếc, vì lý do kỹ thuật, tôi không thể nói được.
Tôi không ngạc nhiên vì câu trả lời, nhưng không thể chịu được cái nụ cười khó thương kia. Rồi Ken đứng lên, đưa tay sửa lại cái cà vạt:
- Tôi cám ơn ông đã cho tôi có thì giờ nói chuyện... Tôi xin chào... À quên, xin cho tôi hỏi thêm một câu..
- Tự nhiên.
- Ông không đi làm à?
Đây là một câu hỏi mới nghe qua thì là ngớ ngẩn nhưng nghĩ cho cho kỹ thì không phải vậy. Tôi nhún vai:
- Đi làm chứ, nhưng hôm nay tôi nghỉ.
Ken đưa mắt đánh một vòng thật nhanh chung quanh phòng tôi một lần nữa rồi bước ra.
"Mẹ, cảnh sát có khác..." Tôi nhủ thầm như vậy rồi khóa cửa lại, nhào tới chụp cái điện thoại, quay số gọi ông Bob liền. Ông Bob lên máy, chưa kịp mở miệng thì tôi đã nói ngay:
- Có thằng cảnh sát mới tới đây kiếm tôi.
Giọng ông Bob có vẻ ngạc nhiên:
- Cảnh sát? Nó muốn gì?
- Nó hỏi tôi về cái xác chết của thằng Rao.
Ông Bob ngừng một chút như muốn có thêm thì giờ để suy nghĩ. Tôi nói:
- Tôi kẹt rồi ông ơi. Bây giờ phải làm gì?
- Mày cứ ở nhà chờ tao chút. Tao phải gọi vài cú điện thoại rồi tao gọi lại.
- Ông nhớ gọi lại nghe ông. Tôi lo lắm.
- Đừng lo gì cả, mày cứ ở nhà mở ti vi lên coi. Tao sẽ gọi lại.
Tôi cúp máy, ngồi xuống giường ôm đầu suy nghĩ. Tôi nhớ hình như lúc ấy nước mắt mình có ứa ra...
Mẹ kiếp, cái năm này quả là một năm đầy dẫy những biến cố. Vừa mới chạy tóe khói ra khỏi nước hơn nửa năm trước đây bây giờ lại sắp sửa lên ghế điện. Mà có ghế điện không nhỉ, tôi suy nghĩ. Ghế điện là cái chắc rồi chứ còn gì. Giết người có chủ tâm như thế kia, dụ dỗ con người ta ra ngoài thùng rác rồi bắn chết tươi như vậy thì không chủ tâm thì là gì. Mà theo luật pháp của tiểu bang này, giết người như thế là ghế điện... chờ. Chao ôi, giá như cái "buổi chiều định mệnh" hôm ấy, tôi cho quách thằng Rao 25 xu thì đời tôi đâu có như thế này.
Nếu hôm đó tôi cho nó 25 xu thì giờ này tôi đang làm gì nhỉ? Tôi liếc mắt nhìn đồng hồ. À, giờ này gần 12 giờ trưa, tức là cái giờ sắp sửa bận rộn vì khách hàng đến ăn trưa. Phải, nếu hôm ấy tôi thí cho thằng Rao 25 xu thì giờ này nhất định là tôi phải đang... đứng khom lưng lau chùi cái sàn nhà bếp. Tôi hơi nhăn mặt khi nghĩ đến đó. Hình ảnh... chùi rửa chẳng bao giờ là một hình ảnh đẹp nhưng chắc chắn phải đẹp hơn cái hình ảnh của tôi bây giờ: ngồi một đống trên giường và lo nghĩ về chuyện lên ghế điện.
Tôi ngã người nằm xuống giường suy nghĩ mông lung một lúc nữa rồi giật mình ngồi dậy, gọi cho ông Bob. Ông Bob mắng tôi:
- Mày phải hiểu giờ này là giờ ăn trưa, tụi tao đang bận rộn tối mắt. Lát nữa rảnh một chút thì tao gọi cho mày liền.
Tôi cúp máy, vào phòng trong pha ly cà phê. Nhưng cà phê pha xong mà tôi chẳng còn lòng dạ nào để uống nữa. Tôi cảm thấy bất lực, cảm thấy buồn, cảm thấy nhớ nhà, nhớ quê hương và cuối cùng là nhớ Linh...
Linh, hình ảnh của nàng lại trở về chế ngự tôi và tôi cảm thấy tiếc vô cùng vì có lẽ từ này về sau sẽ chẳng còn bao giờ có dịp lên cái hộp đêm kia để gặp nàng nữa.
Tôi cầm ly cà phê ra đứng nơi hành lang, tựa vào thành ban công nhìn lơ đãng xuống. Quang cảnh của khu chung cư này, như mọi khu chung cư rẻ tiền khác của chính phủ khác vào cái giờ này thật là vắng lặng. Bọn vô công rỗi nghề thì ngủ chưa dậy, còn người lao động thì đã ra đi từ sáng sớm.
Tôi nhìn xuống một lúc rồi giật mình tự hỏi: mình đang sống trong một thành phố của Phi Châu hay là mình đang ở nước Mỹ vĩ đại giàu sang nhỉ. Dĩ nhiên là tôi đang ở Mỹ, một quốc gia giàu có và tân tiến nhất của thế giới, nhưng cứ căn cứ theo cặp mắt của tôi thì tôi chẳng nhìn thấy giàu sang tân tiến chút nào cả mà chỉ thấy toàn một giống người da đen như lọ nồi.
Tôi nhớ từ lúc mình đến Mỹ tới giờ, đa số người Mỹ mà tôi gặp và tiếp xúc đều là người da đen. Chẳng phải vì số phận tôi hẩm hiu gì và cũng chẳng phải nước Mỹ toàn là da đen nhưng vì tôi sống trong khu nhà nghèo thì chỉ toàn gặp phải bọn người này. Tổ tiên mình đã chẳng có câu "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" là gì.
Suy nghĩ vẩn vơ một lúc tôi lại trở vào nhà và gọi điện thoại cho ông Bob. Lần này thì người ta bảo ông Bob đang bận nấu nướng cái gì đó, không vào nghe máy được. Tôi ném cái phôn xuống, bực mình lắc đầu. Cuộc đời thường là như vậy. Khi người ta cần mình thì lên xe xuống ngựa, cái gì cũng có, còn mình cần thiên hạ thì phải chầu chực như vậy đó. Tôi nhìn lên trần nhà và cảm thấy mình bất lực trước cuộc đời...
Cứ đi ra đi vào như thế một lúc, gọi mãi cho đến gần 2 giờ chiều tôi mới nói chuyện được với ông Bob. Tưởng ông nói gì, hoá ra cũng bảo tôi cứ yên tâm chờ vì người ta sẽ gọi lại cho ông ta. Dĩ nhiên, ông Bob nói chuyện với tôi bằng một giọng bình tĩnh lắm nhưng tôi thì ruột gan cứ đứt lên từng khúc một.
Tôi cứ đi ra đi vào và suy nghĩ để tìm một kế thoát thân cho mình. Xưa nay, tôi vốn không phải là người thụ động, ngồi yên chịu trận. Kinh nghiệm gần nhất là cuộc thất trận vừa rồi của miền Nam. Ngay đến những giây phút cuối cùng của cuộc chiến, lúc mọi người đã đầu hàng thì tôi vẫn lẻn vào phi trường và lấy tàu bay cất cánh được để thoát thân...
"Trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất mà mình còn thoát thân khỏi Việt Nam được, không lý lại không thoát nổi thằng trung sĩ cảnh sát này sao?" tôi thầm nghĩ như vậy và ngửa mặt lên nhìn trời.
Đột nhiên, tôi nhìn thấy một đàn chim bay qua đầu mình và nẩy ra một ý nghĩ: "Mẹ bố, tẩu vi thượng sách. Có thế mà nghĩ hoài không ra!"
Thật vậy, chiếc xe hơi của tôi đã được ông Bob sửa chữa giùm nên bây giờ chuyện đi xa không còn là một vấn đề nữa. Tiền xăng và tiền ăn uống thì khỏi phải lo vì tôi còn đến 3 cái check lương tổng cộng khoảng gần 400 bạc nằm gọn trong túi chưa đổi. Cứ phóng lên xe hơi rồi cứ hướng Tây mà lái thì trước sau gì chẳng lại chẳng nhìn thấy tấm biển "California chào mừng quý khách". Sang tới Cali rồi thì ai muốn tìm tôi ắt cũng khó...
Nghĩ thế là tôi phóng vào nhà dọn quần áo liền. Độc thân như tôi thì di chuyển đâu có gì khó khăn.
Tôi nhét mớ quần áo vào cái bao ni lông, tôi cảm thấy tiếc rẻ khi nhận ra quần áo tôi mặc bây giờ toàn là những thứ mới và đắt tiền do ông Bob và Dalena mua tặng. Có thể nói, so với người tị nạn Việt Nam hồi đó, ít có ai dám mặc cái áo giá gần trăm đô la, cái quần 200 đô la, chiếc áo vét 700 đô la. Tôi nhớ chiếc xe cũ tôi mua cách đo vài tháng chỉ có 300 đô la. Mớ quần áo này nếu thiên hạ cho tôi đem đi trả để lấy tiền mặt thì giá trị của nó có thể lên đến vài ba ngàn đô. Thật là một chuyện hi hữu chỉ có thể xảy ra ở cái xứ cờ huê này. Quần áo giá trị bằng 10 lần chiếc xe hơi. Chuyện này mà đem về Việt Nam kể lại thì chẳng ai có thể tin được. Nhưng đó là sự thật.
Tôi gom góp đồ đạc thật mau, vừa làm việc vừa suy nghĩ về cái sự phù du của cuộc đời mình. Quê hương mình chẳng phải ở đây, có đi đâu thì cũng vậy thôi...
Gom xong mớ quần áo, tôi sực nhớ đến Linh. Tôi tự nhiên nảy ra ý tưởng táo bạo là... rủ nàng bỏ nhà đi với mình. Tôi tưởng tượng ra ngay một hình ảnh... oai hùng, Linh ngồi bên tôi trên chuyến hành trình về phương Tây ngàn dặm. Khi đến đó, tôi sẽ làm việc để nuôi Linh, sẽ mua nhà cho Linh ở, sẽ sinh con đẻ cái với Linh, v.v. Lòng tôi thấy xốn xang khi nghĩ đến đó, dù biết rằng đó chỉ là một giấc mơ hạng bét mà tất cả người nào cũng có thể có được.
Tôi toan đem mấy bao quần áo xuống xe nhưng quyết định gọi Linh trước. May quá, chuông reo hai lần thì tôi nghe tiếng Linh ở đầu giây:
- Hello!
- Anh đây, Linh.
Linh như sững người khi nghe được tiếng tôi. Tôi nói nhanh:
- Đáng lẽ anh không gọi nhưng anh có chuyện quan trọng.
- Chuyện gì vậy?
- Anh gọi để từ giã.
- Từ giã? Anh đi đâu vậy?
- Chuyện này không thể nói được, nhưng anh phải đi.
- Đi trốn hả?
Linh tính của người đàn bà quả thật là ghê gớm! Tôi chưa kịp nói gì thì Linh nói luôn:
- Mấy ông mafia kiếm anh hả? Em nghe tối qua anh say rượu nắm cổ ông quản lý. Anh ẩu quá, ngay cả người Mỹ sừng sỏ nhất ở đây cũng chưa dám làm vậy. Đúng là chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ...
Tôi lắc đầu:
- Em dẹp dùm anh cái màn sỉ vả đi. Anh biết lỗi rồi. Suốt đời anh khổ vì rượu nhưng anh đi không phải vì chuyện đó. Chuyện đó giải quyết êm đẹp rồi.
- Anh nói thật... Anh đi thật à...
Ở cuối câu nói của Linh hình như có một chút ít tiếc nối làm tôi thấy ngậm ngùi. Tôi hỏi:
- Tối hôm qua sao Linh không đi làm?
Linh ngừng một chút rồi cười, nói:
- Anh sắp đi xa, không có chuyện gì để nói sao lại nói chuyện tối hôm qua? Mà anh có nói thật không hay...
Linh nói tới đó thì tôi nghe được tiếng chửi thề bằng tiếng Mỹ ở bên kia đầu giây. Tôi nhận ra ngay giọng nói của thằng chồng khốn nạn của Linh. Linh nói thật vội vàng:
- Linh không nói chuyện lâu được, anh đi bằng an...
Nàng vừa nói tới đó thì tôi nghe được một tiếng “chát” thật rõ trong điện thoại. Tiếp theo đó là tiếng gào lên nức nở của Linh bằng tiếng Mỹ.
- Tại sao lại đánh tôi... hu hu...
Tôi nhăn mặt lại và thấy người run lên với một cơn giận. Nếu trong đời tôi, tôi có thể ăn tươi nuốt sống ai thì tôi nghĩ phải là giây phút này. Tôi hét vào ống nói:
- Linh, Linh... có chuyện gì không?..
Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng khóc nức nở của Linh và một tiếng "cụp" lạnh lùng. Đường giây đã bị cúp.
Tôi gọi lại liền cho Linh và người nhấc máy lên là thằng chồng nàng. Tôi hỏi bằng tiếng Mỹ, giọng run lên vì xúc động và giận giữ:
- Tôi có thể nói chuyện được với Linh không?
Ở ống nghe là một giọng nói hằn học và mất dạy:
- Mày là ai?
- Tên tôi là Trương...
- Mày muốn nói với vợ tao có việc gì?
- Chúng tôi là bạn quen biết.
- Quen ở đâu?
- Ở hộp đêm Bahama nơi nàng làm việc.
- Motherfucker thằng da vàng... Mày quen ở đó thì chờ ra đó mà gặp, đây là nhà riêng và tao không muốn cho vợ tao nói chuyện với ai hết!
Nói xong nó cúp máy cái rụp. À, thằng này muốn làm trò khó dễ, đã thế tao coi thử mày khó dễ đến nước nào? Tôi gọi lại. Nhưng nó nhấc ống nói lên rồi lại bỏ xuống. Tôi lại gọi lại và cái màn cũ lại tiếp diễn. Gần chục lần như thế, tôi chán nản bỏ cái điện thoại xuống, ngồi thừ xuống giường suy nghĩ.
Tôi phải làm gì nhỉ? Nhiều chuyện lắm, như phóng xe tới nhà nó, kê súng vào mang tai và lôi cổ nó ra ngoài tẩn cho nó một trận rồi tới đâu thì tới. Nếu cần, có thể đẩy cho nó một phát cho nó đi luôn... Nhưng sự suy nghĩ, cũng như những dự tính trong đầu, cũng như mộng mơ là một chuyện rất dễ làm, thực hành mới là chuyện khó. Nhìn lại thân mình, tôi thấy tôi lúc này như một con chuột sắp phải bỏ hang chạy trốn, người ta chưa bắt mình giao cho cảnh sát thì thôi, mình có còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện đánh đấm ai. Cái điệu này thì chắc phải lẳng lặng mà đi...
Nghĩ đến đó, tôi buồn quá, liền ngã người nằm xuống giường. Tôi căng mắt nhìn trần nhà và cảm thấy mình bất lực, cô đơn, lại thấy nhớ nhà, nhớ quê hương bè bạn, nhớ những ngày còn mặc áo lính chỉ mới cách đây hơn sáu tháng... Trong cơn đau khổ, người ta thường nhớ đủ thứ và tôi cũng vậy. Tôi nhớ luôn cả Linh và mơ ước một cuộc đời bình lặng như những người khác. Ngày xưa đi lính, tôi thường nghe câu một túp lều tranh với hai quả tim vàng, bây giờ mới thấy thấm thía ý nghĩa. Người ta sao xây túp lều lý tưởng dễ dàng thế còn mình thì suốt đời cứ lang thang, cứ ba chìm bảy nổi, tương lai mờ mịt và lâu lâu lại bị dính vào những chuyện tầm phào vô ích.
Than ôi, nếu ngày hôm đó tôi thí cho thằng Rao 25 xu thì đời tôi đâu có khốn khổ như thế này, tôi nằm nghiêng người chắc lưỡi nhủ thầm. Đây không biết là lần thứ mấy ngàn tôi tự nhủ thầm với lòng mình như vậy.
Nằm một lúc, mệt mỏi, tuyệt vọng và chán chường, tôi ngủ thiếp đi... Không biết tôi ngủ được bao lâu, hình như chừng một tiếng thì tiếng chuông điện thoại gọi tôi dậy. Tôi chụp máy và nghe được tiếng khóc nức nở của Linh trong máy:
- Anh Trường, anh đến chở Linh đi... Linh phải đi liền ra khỏi cái nhà này...
Tôi tưởng mình đang mơ ngủ. Trời ạ, sao lại có chuyện "thần tiên" như trong cổ tích như thế này. Linh rủ tôi tới chở nàng bỏ chồng đi! Cô công chúa rủ "thằng bé lọ lem" tị nạn bỏ hoàng cung đi xây tổ ấm. Không, không thể được, tôi chỉ ngủ mơ thôi. Tôi hỏi lại:
- Em nói cái gì?
- Anh đến chở Linh đi liền. Linh đi với anh... hít hít...
Tiếng khóc của Linh nói cho tôi biết tôi không mơ ngủ. Đây là sự thực trời ạ. Tôi hỏi lại, mừng quýnh lên:
- Em nói anh lên chở em đi?
- Vâng.
- Hai đứa mình... đi.
- Lẹ lên, em không có thì giờ. Em chờ anh ngoài cổng nhà.
Nàng gác phôn. Tôi cũng gác phôn rồi ba chân bốn cẳng phóng ra cửa. Nhưng ra tới cửa thì hai bàn chân tôi phải thắng lên ken két vì chuông điện thoại lại reo. Linh gọi lại chăng? Hay là nàng đổi ý rồi, không muốn đi với tôi nữa.
Tôi quay trở vào và nhấc máy lên. Tiếng ông Bob ở đầu giây:
- Hê, thằng bắn súng giỏi. Mày đang làm gì đó, tao có tin...
- Nói lẹ lẹ, tôi có chuyện phải đi liền, đi gấp.
- Đi đâu mà gấp vậy?
- Đi xuống nhà Linda liền bây giờ.
- Linda, lạy Chúa! Hết giờ mê gái rồi sao lại chọn cái giờ này mà mê? Tao tưởng mày đang ỉa trong quần về cái vụ thằng cảnh sát tới thăm hồi sáng. Tao có tin tức cho mày...
Nhưng tôi đâu có còn nghe ông Bob nói nữa. Trong đầu tôi bây giờ chỉ có hình ảnh của Linh. Linh đang chờ mình, mình tới không kịp nàng đổi ý là bỏ mẹ. Hơn nữa, trong hoàn cảnh này, rất nhiều bất ngờ có thể xảy ra cho nàng. Nếu có chuyện gì xảy ra cho nàng thì tôi không thể tha thứ cho tôi được. Nghĩ thế nên tôi nói vội vào máy "tôi phải đi liền" rồi úp điện thoại, phóng ngay ra cửa. Ông Bob chắc phải ngạc nhiên lắm nhưng tôi không biết làm sao hơn.
Quả thật lúc ấy tôi như một người điên.... Nhiều năm rồi nghĩ lại những hành động của tôi ngày hôm ấy, tôi không thể tìm ra cái lý do để cắt nghĩa việc mình làm. Cái ý muốn bỏ đi trốn khơi khơi rồi lại bỗng dưng quên hết đi để đến nhà Linh, bất chấp mọi hậu quả có thể xảy ra cho mình. Câu trả lời hợp lý nhất mà tôi có thể nghĩ ra được, những hành động của tôi là kết quả của tuổi trẻ, sự non nớt, sự háo thắng và sự cô đơn...
Đường tới nhà Linh dù tôi chưa bao giờ đi nhưng đã thuộc lòng vì đã học kỹ trong bản đồ từ lâu. Đúng ra tôi đã học bản đồ vì đã tính đến nhà nàng nhiều lần nhưng không dám. Tôi học bản đồ kỹ đến độ còn biết rõ chỗ nào đường một chiều, chỗ nào đường có bảng xì tốp, chỗ nào có đèn đỏ, v.v. Tôi vốn xuất thân là một phi công mà!
Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, tôi đã quẹo vào còn đường nhà nàng. Tim tôi đập lên thình thịch, vừa vui mừng vừa lo sợ. Vui mừng vì đã được nàng tin tưởng gọi tới chở đi, nhưng lo sợ vì không biết chuyện sẽ xảy ra ở nhà nàng trong những giây phút sắp tới đây. Cứ như tình trạng này thì cái gì cũng có thể xảy ra được hết, kể cả việc đổ máu hay án mạng. Tôi thở dài ra một cái khi nghĩ đến đó...
Tôi tìm số nhà... Nhà nàng kia rồi, căn nhà gạch trắng với một vườn hoa phía trước. Tôi rà thắng, nhận ra vườn hoa được chăm sóc rất đẹp và kỹ càng. Vườn hoa thì đẹp vậy nhưng căn nhà thì lại là một hình ảnh trái ngược. Nước sơn bên ngoài đã cũ kỹ, máng xối như muốn rớt xuống đất vì quá cũ, cột hàng rào xiêu vẹo và sân để cỏ mọc tùm lum. Tôi nhăn mặt lại. Khỏi cần suy nghĩ nhiều tôi cũng biết người bỏ công chăm sóc vườn hoa cho đẹp như vậy chính là Linh, và người chủ nhà bê bối chẳng thèm ngó ngàng gì đến công việc nhà cửa là chồng nàng.
Chiếc xe đã dừng lại ngay trước cửa hàng rào. Tôi đảo mắt nhìn quanh. Quái lạ, Linh đâu nhỉ? Nàng bảo nàng chờ tôi trước cổng mà. Ngay lập tức, tôi đánh mùi được sự bất ngờ mà tôi đã lo sợ lúc nãy. Ngồi nhìn quanh quất một lúc không thấy Linh đâu, tôi quyết định xuống xe gọi cửa. Dù biết làm thế là hơi điên rồ nhưng tới đâu thì tới, thằng Trường này nhất định phải gặp Linh ngày hôm nay.
Tôi tắt máy xe mở cửa phóng xuống xe bước tới cửa hàng rào thò tay bấm chuông. Tôi nhận thấy ngón tay mình run lên không biết vì sợ hãi hay vì xúc động.
Ngón tay tôi vừa bấm vào nút chuông thì bỗng bị một luồng điện giật tôi một phát nảy mình lên, rụt ngay tay lại. Luồng điện giật của cái chuông chỉ nhỏ thôi, không gây hề hấn hay thiệt hại gì nhưng bị điện giật ở vào ngay cái lúc tôi đang thập tử nhất sinh như thế này làm tôi muốn chết điếng như bị luồng điện cỡ ngàn volt.
Tôi lẩm bẩm chửi thề. Tiên sư cái thằng chủ nhà thổ tả này, đúng hơn thằng chồng thổ tả của Linh, mày cứ lo uống rượu, ngay cả cái chuông điện hư cũng không sửa để cho tao bị điện giật.
Không dám thò tay bấm chuông nữa, tôi đứng loay hoay một lúc, nhìn vào nhà để nghe ngóng và gọi lên mấy tiếng cũng chẳng nghe ai trả lời liền quyết định đẩy cửa hàng rào bước vào.
Cái cửa hàng rào lâu ngày không tu bổ nên nặng trịch, tôi phải nâng nó lên mới đẩy nó vào được. Nó lại kêu két két như tiếng xe hơi thắng gấp.
Tôi theo con đường xi măng nhỏ vào đứng trước cửa nhà nàng. Cảnh trí chung quanh cho tôi biết căn nhà thuộc và loại đắc tiền, chỉ tiếc rằng nó không được tu bổ và bảo trì đúng mức như những nhà bên cạnh.
Tôi nhìn thấy một cái nút chuông ngay cửa, vừa thò tay tính bấm thì bỗng cánh cửa bật mở ào ra một phát như một cơn bão. Đằng sau cánh cửa xuất hiện một người Mỹ to con, mắt đỏ ngầu tuổi vào khoảng 40 và một cây shotgun đen thùi lùi trong tay. Theo phản ứng tự nhiên, hễ nhìn thấy súng thì tôi cũng thò tay kiếm súng. Tay tôi chạm vào cán cây 9 mm nhưng tôi không rút ra vội vì chủ nhà cũng chưa chỉa súng vào người tôi. Hắn hỏi bằng một giọng đầy ác cảm:
- Mày kiếm ai?
Tôi nhận ra cái giọng của chồng Linh mà tôi đã nghe trong điện thoại. Tôi nói:
- Tôi kiếm Linda.
Thằng chồng gào lên:
- Linda là vợ tao, mày kiếm vợ tao có việc gì?
Tôi lắc đầu, trả lời tỉnh bơ:
- Nàng gọi điện thoại cho tôi, bảo tôi tới chở nàng đi.
Thằng chồng rú lên, bọt mép sùi ra:
- Đi, đi đâu. mày tới chở vợ tao đi đâu?
Tôi nhún vai:
- Không biết. Nàng bảo tôi tới đây chở nàng thì tôi tới. Tôi không biết gì cả. Linda đâu rồi?
Tôi nhìn thấy hai hàm răng trong miệng thằng chồng của Linh nghiến lại, biểu lộ một sự tức giận vô biên. Nó muốn nói gì đó nữa nhưng thốt không ra lời.
Cũng đồng thời ngay lúc ấy, tôi để ý thấy cánh tay cầm súng của thằng chồng cũng chuyển động. Nhưng cái thằng già nghiện rượu này làm sao lanh bằng một người cỡ như tôi được. Đã chuẩn bị từ trước, cây 9 mm như mọc cánh bay lên tay tôi...
Thằng chồng của Linh chưa kịp nhấc họng cây shotgun lên thì tôi đã đưa nguyên cái họng súng 9 mm trong tay mình ngay vào mặt nó. Tôi nói như quát:
- Linda đâu, vợ mày đâu?
Thằng chồng Linh không ngờ tôi lại có súng trong người và lại phản ứng mau như vậy được. Nó giật mình lên đánh thót một cái, miệng ú ớ bước lùi ra sau. Tôi tiến thêm một bước theo nó, vào hẳn trong nhà. Tôi quát lớn:
- Linda đâu rồi?
Thằng chồng chưa kịp nói gì thì từ phía trong, có tiếng khóc và Linh chạy ra... Nhìn thấy nàng một cái là tôi muốn chảy nước mắt liền. Trời ơi đất hỡi, em sao tang thương như thế này...
Mặt nàng tím bầm đi mấy chỗ, cặp môi sưng vếu lên như có ai nhét một quả ổi giữa lớp môi và lớp răng của nàng. Hèn gì mà ngày hôm qua nàng chẳng đi làm. Hèn gì mà nàng đòi bỏ đi. Nhìn thấy nàng, tôi đau đớn quá, bất giác hai hàng nước mắt chảy ra, thổn thức hỏi: "Nó làm gì em vậy?"
Linh vừa khóc vừa nói:
- Em đây, em đây anh, anh đừng có làm gì để phải hối hận...
Nàng chạy đến sà ngay vào người tôi trước cặp mắt gần như là man dại của người chồng. Tôi phạm phải một lỗi lầm của những tay mơ mới vào nghề là nới lỏng cây súng, đưa mắt nhìn nàng và vòng tay ôm lấy nàng. Lúc tôi nghiên đầu toan hôn lên mặt nàng thì bỗng nghe đến ầm một tiếng, và thấy đau nhói ngang hông. Đau như bị xẻ thịt. Đời tôi chắc đến đây là tàn rồi...
Thì ra lợi dụng lúc chúng tôi ôm nhau, thằng chồng nàng đã quay ngang cây súng, quật một phát thật mạnh ngang vào người tôi. Kinh khủng hơn nữa, lúc tôi và Linh cùng ngã xuống đất, tôi nghe được tiếng lên đạn của cây shotgun.
Cứ theo luật pháp của nước Mỹ thì vào nhà người ta mà lại đem theo súng, lại còn đòi... chở vợ người ta đi thì có bị bắn chết rồi cũng bị người đời nguyền rủa là cái thứ gian phu dâm tặc... ngu dốt. Nó giết tôi chết thì cũng như giết một con chó mà thôi. Than ôi, chết vì tội dâm tặc thì không đến nổi nào xấu hổ lắm nhưng chết vì ngu dốt thì thật là đáng hổ thẹn. Đúng là chết như chó. Và nhìn cặp mắt man dại của thằng chồng Linh thì tôi biết là nó không lên đạn cây súng... cho vui.
Cơ sự đã đến như thế này, mình không giết nó thì nó giết mình... Biết rằng chẳng còn một giải pháp nào khác, tôi chỉa họng cây 9 mm trong tay mình nhắm ngay vào con mắt bên trái của nó. Không hiểu sao, kể từ lúc đi tập bắn với ông Bob về, tôi chỉ khoái bắn vào mắt con trái của hình người...
Bỗng tôi nghe Linh quát to lên: "Anh, đừng anh!" Lúc ấy Linh đang nằm trên người tôi, chưa kịp ngồi dậy. Miệng thì hét, tay nàng đưa ngang gạt cây súng của tôi sang một bên...
Tôi chửi "fuck" lên một tiếng và ngạc nhiên vô cùng. Người đàn bà Việt Nam quả thật là thứ đàn bà... chung thủy. Đến giờ phút này mà nàng vẫn còn chưa chịu cho tôi bắn chết thằng chồng khốn nạn.
Và mình không bắn nó thì nó sẽ bắn mình thôi... Cơ hội quan trọng nhất và quý báu nhất mà tôi có thể bắn được thằng chồng Linh đã vuột khỏi tầm tay. Tôi nhìn thấy họng súng trong tay thằng chồng nàng khạc lửa và khói ra.
Một tiếng nổ long trời lở đất vang lên như xé tai tôi ra. Loại tiếng nổ khủng khiếp mà ngày xưa tôi thường nghe ở Việt Nam khi có những họng súng chỉa thẳng vào mình mà khạc đạn. Thằng chồng Linh đứng đâu có xa, chỉ cách có ba thước cho nên tiếng nổ nghe khiếp lắm. Tôi cũng không ngờ thằng khốn nạn lại dám bắn vào cả hai đứa chúng tôi...
Tôi rướn người lên như để chuẩn bị phát đạn vào thân thể mình nhưng chẳng thấy gì cả.
Tôi quay nhìn Linh và cũng chẳng thấy nàng bị hề hấn gì cả. Liếc sang bên cạnh, tôi thấy cái tủ đựng pha lê lủng một lỗ lớn bằng cái rổ thì mới biết là thằng khốn nạn đã bắn hụt...
Đúng, ngoại trừ tôi ra thì... bắn súng không phải là một việc dễ dàng. Đó là lý do tại sao chính phủ Mỹ phải bỏ ra hàng tỉ đô la mỗi năm để cho lính Mỹ tập bắn. Đó là lý do tại sao trường bắn mọc lên khắp nơi ở nước Mỹ. Đó là lý do tại sao ông Bob lại dắt tôi đi ăn nhậu gần cả tháng nay. Và đó cũng là lý do tại sao giờ này tôi mới ra nông nổi này...
Mày không giết nổi tao thì tao giết mày con ạ. Tôi lẹ làng xoay người và đưa cây súng, nhắm ngay vào con mắt trái của thằng khốn nạn. Vì tôi nằm dưới đất nhắm vào nó đứng cho nên đường nhắm của tôi phải xuyên qua cái mũi thật là to của nó.
Nhưng tôi vừa sắp sửa bóp cò thì một lần nữa, Linh lại gạt bắn bàn tay tôi ra. Thế là một lần nữa cơ hội bắn nó lại vuột mất. Tôi tức muốn điên người, vừa sửa lại đường nhắm, vừa thét to vào tai Linh:
- Em làm cái gì vậy? Muốn chết hả...
Linh vừa khóc vừa tru lên:
- Không, không... anh không thế giết ảnh được...
Bắn xong phát đầu, thằng khốn nạn lên đạn cây súng nghe đến xoẹt một tiếng. Tôi nằm lăn sang một bên, nhắm cây súng vào con mắt trái nó lần thứ ba.
Nhưng Linh đã chồm tới, gào lên:
- Không, không... Linh năn nỉ anh Linh lạy anh...
Tôi toan bóp cò thì một lần nữa, Linh lại gạt tay tôi ra...
"Oành!", một tiếng nổ nữa lại vang lên. Tôi co rúm người lại để đón nhận mấy trăm viên bi từ họng súng shotgun nhưng ngạc nhiên thay, lại cũng chẳng thấy gì. Lần này thì tôi nghe những tiếng véo véo của hàng trăm viên bi nhỏ bay xuống sàn, đục tung tấm thảm rồi dội ngược trở lên tường, bay tản mác đi tứ phương, phá vỡ đồ đạc trong phòng. Kinh thật cái sức mạnh của viên đạn phà. Cứ tưởng tượng nó ghim vào người mình thì bác sĩ giỏi tới đâu cũng phải lắc đầu.
Tôi lại xoay người, lăn đi một vòng. Lần này nhất định không để cho Linh can thiệp nữa, liền đưa một tay nắm lấy cổ Linh đẩy ra xa, tay kia chỉa họng cây súng vào con mắt trái của thằng chồng. Đây là lần thứ tư tôi nhắm vào con mắt trái của nó.
Nhưng Linh khóc ngất lên, nàng bù lu bù loa:
- Đừng.. đừng anh. Em biết tài bắn của anh rồi, đừng giết ảnh tội nghiệp...
Nàng vừa nói xong câu đó thì thằng chồng nàng cũng lên đạn xong cây shotgun. Một cái võ đạn vừa bắn còn nóng hổi bị tống ra ngoài, lăn lông lốc xuống sàn nhà. Nó lại nâng cây súng lên.
Tôi toan bóp cò để thổi tung con ngươi trái ra khỏi cái đầu nó thì Linh bỗng nói mau:
- Bắn vào cây súng... Anh...
Không còn thì giờ để suy nghĩ, tôi hướng mũi súng xuống như một cái máy vào bóp cò theo như lời nàng. Thằng chồng Linh vừa nâng cây shotgun lên, chưa kịp bóp cò thì họng súng tôi đã khạc lửa. Phải, khạc lửa chỉ trước nó chừng 1 phần 10 giây đồng hồ thôi nhưng tôi chỉ cần có vậy.
Cây 9 mm trong tay tôi bung ra một tiếng nổ nhỏ và rất là "thanh tao lịch sự", không ồn ào thô bỉ như cây shotgun của thăng chồng Linh. Cây súng trong tay thằng chồng Linh lập tức bị gẫy làm hai khúc.
Tôi quả là người có tài thần xạ. Tôi đã để ngay một phát vào giữa buồng đạn của cây shotgun, cái xương sườn nối liền đầu vào đuôi của cây súng. Gẫy đôi là phải.
Trong lúc thằng chồng Linh đang đứng khựng người với hai phần của cây shotgun trong hai tay thì Linh ôm chầm lấy tôi, hôn lên mặt tôi và nói: "Cám ơn anh, cám ơn anh... anh hay quá. "
Dĩ nhiên là tôi phải hay rồi, chuyện đó khỏi bàn, nhưng tôi thấy nàng còn hay hơn tôi nữa. Nếu tôi thổi tung con mắt của nó như ý mình thì đời tôi thật sự tàn. Nhưng bây giờ không phải là thì giờ để hôn hít hay biểu lộ tình cảm vì thằng chồng của nàng cũng vừa lao tới, tay vung cái nòng súng vừa gẫy lên cao tính đập xuống. Tôi chỉa cây súng vào mặt thằng chồng Linh, chống tay ngồi dậy và nói như quát:
- Mày muốn chết không? Bỏ súng xuống.
Tiếng quát và cây súng trong tay quả thật có hiệu lực. Thằng khốn dừng tay lại, trợn mắt nhìn tôi. Tôi đứng lên:
- Mày có muốn chết không?
Tôi chỉa cây súng vào trán nó:
- Mày có biết là không nhờ Linda thì đời mày tàn rồi không?
Nhắc tới Linda tức Linh, tôi quay người nhìn lui và thấy nàng đang ngồi trong góc nhà, sụt sùi khóc. Nhìn thấy khuôn mặt bấm tím và cặp môi sưng vếu lên của nàng thì tôi liền nộ khí sung thiên, lại quát lớn:
- Mày là con vật, mày biết không? Mày không đi làm, ở nhà uống rượu say, ăn bám vào vợ rồi lại còn đánh vợ tàn nhẫn như thế kia nữa...
Nói đến đó, tôi không cầm lòng được, quay ngược cây súng trong tay giộng một phát vào giữa miệng thằng khốn. Bụp một tiếng, nó thả cây súng gãy ra, đưa hai tay ôm lấy mặt và bước lùi ra sau.
Từ mấy kẻ ngón tay, tôi nhìn thấy máu miệng thằng khốn chảy ra thành dòng. Nhìn thấy máu, người tôi như muốn điên lên. Chuyện này cho đến bây giờ tôi vẫn không giải thích được nhưng lúc ấy tôi như không còn là tôi nữa. Tôi lao tới vung tay lên và quật xuống mấy lần nữa. Bụp bụp bụp, cây 9 mm trong tay tôi giộng xuống mặt thằng chồng Linh tới tấp. Mới đầu nó còn đưa tay ra đỡ, nhưng làm sao đỡ nổi một thằng cỡ như tôi.
Thằng chồng Linh ngã quỵ xuống đất, tôi vẫn chưa buông tha tiếp tục từ trên cao giộng xuống. Bây giờ thì nó không có đỡ được nữa mà chỉ nằm lăn lộn...
Đang giộng sướng tay như vậy thì tôi bị ai xô một phát thật mạnh từ phía sau. Tôi chúi người tới trước và đồng thời cũng nhận ra người xô ta chẳng ai khác hơn là Linh. Nàng nhào xuống đất ôm lấy người chồng khóc lóc thảm thiết làm tôi phải dừng tay lại.
Đàn bà quả thật khó hiểu. Sao nàng không để cho tôi đánh chết nó đi cho rồi. Tôi bình tĩnh bảo:
- Linh, em xích ra để anh đập cho nó chết luôn cho rồi.
- Không được, anh không thể giết anh ấy được.
-T hì nó vừa bắn tụi mình hai phát. Nó muốn giết tụi mình, em không biết à?
Linh vừa chùi khuôn mặt đầy máu của chồng vừa thổn thức:
- Anh Trường em biết vậy, nhưng giết ảnh thì chẳng đi tới đâu cả. Anh thì đi tù còn em thì mất chồng.
Lời nói của Linh không phải là không có lý. Giết nó thì tôi đi tù chứ có giải quyết gì được đâu? Nhưng câu nói sau làm cho tôi thấy tự ái mình hơi bị tổn thương một chút. Hóa ra nàng vẫn còn coi thằng khốn nạn là “chồng”.
Linh đang lui cui chùi mặt chồng thì bỗng nó đẩy tay nàng ra, thều thào:
- Con đĩ, mày cút ra khỏi nhà tao...
Tôi nghe vậy thì không nhịn được, phóng tới đá vào lưng thằng khốn một phát nên thân. Nó giãy dựng người lên, chỉ vào mặt tôi:
-Tao sẽ gọi cảnh sát, mày sẽ ở tù mục xương con ạ.
Tôi co giò toan phóng thêm một đá thì Linh đã choàng người ra ôm kín lấy nó. Nàng vang lơn:
- Anh tha cho chồng em. Nó khùng rồi...
Trong khi Linh lau mặt mũi và cố làm mọi cách để làm dịu cơn đau cho chồng thì thằng khốn vẫn đưa tay tìm cách đẩy Linh ra và miệng thì chửi lia lịa. Nhưng Linh vẫn chịu đựng, không nói một tiếng nào cả.
Không chịu được cảnh đó, tôi toan mở cửa bước ra ngoài tìm chút gió mát thì bỗng thất kinh rụng rời vì những gì mình vừa nhìn thấy bên ngoài. Một chiếc xe cảnh sát chớp đèn vừa đỗ xịch ngay trước cửa nhà Linh, ngay trước mặt chiếc xe tôi. Trên xe là hai bản mặt cô hồn phóng xuống, mặt mày hầm hầm, súng shotgun cầm tay.
Theo một phản ứng tự nhiên, tôi lùi lại và gọi Linh:
- Linh ơi, cảnh sát.
Linh bỏ chồng đứng lên và rú lên một tiếng kinh hãi khi nhìn thấy hai người cảnh sát đã bước vào phía trong hàng rào. Nàng đưa tay lên bụm miệng rồi nói liền với tôi:
- Anh giấu cây súng liền đi. Đừng để cho tụi nó có lý do để bắn anh.
Mãi đến lúc đó, tôi nhận ra tay mình còn cầm cây 9 mm dính đầy những máu. Linh nói đúng. Cảnh sát Mỹ thường không ưa gì những người dân da màu như da vàng và da đen. Mà hễ đã không ưa thì nếu có dịp, họ chẳng cần ngần ngại gì mà nổ chết tươi cái tụi da màu mất dạy này. Đối diện với cảnh sát mà cầm súng trong tay thì có khác nào tự mua lấy cái chết cho mình. Nhưng tại sao phải giấu? Tại sao không tìm cách chạy trốn nhỉ?
Tôi bước lùi ra sau và hỏi Linh:
- Nhà em có cửa sau không?
- Có nhưng chắc anh không trốn nổi đâu.
Tôi vừa bước lùi ra sau vừa nói:
- Không, anh phải trốn.
- Nếu thế thì đưa cây súng cho em. Em lạy anh. Em không muốn anh bị chúng nó bắn chết...
Lúc này Linh đã bỏ chồng và phóng theo tôi, bắt kịp tôi ở phòng ăn nhà nàng. Nàng tiến gần tới tôi:
- Đưa súng cho em.
- Không.
Linh ôm chầm lấy tôi, nước mắt chảy xuống hai bên má:
- Không anh Trường, đưa súng em cất cho. Em không muốn người ta bắn anh.
Tôi nghiến răng cương quyết:
- Không được. Anh cần nó để tự vệ.
Linh khóc rú lên:
- Không. Anh phải sống, anh còn trẻ lắm. Chuyện ngày hôm nay cùng quá thì anh chỉ ở tù vài năm. Linh sẽ làm chứng cho anh. Anh chỉ tự vệ. Đời anh còn dài...
- Không được. Để anh đi liền bây giờ...
Tôi gạt Linh ra vì đã thấy bộ đồng phục cảnh sát xuất hiện ở cửa trước nhà nàng. Linh ôm cứng lấy tôi nói như van nài:
- Anh nghe lời Linh đi. Ngày anh ra, Linh sẽ chờ anh. Linh sẽ chờ anh. Linh sẽ chờ...
Không hiểu sao tôi chợt nhớ đến mấy câu trong bài hát: "Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em, vẫn chờ em, vẫn chờ..." mà ca sĩ Lệ Thu thường ca ngày xưa. Tôi quay ngược cây súng rồi đưa cho Linh:
- Em sẽ chờ anh?
Linh cúi đầu, thổn thức:
- Vâng. Em sẽ chờ.
Tiếng người cảnh sát từ phía ngoài nói vọng vào bằng một giọng như quát:
- Chuyện gì xảy ở trong vậy. Hàng xóm gọi cho tụi tôi biết có nghe tiếng súng nổ trong nhà này...
Tiếng thằng chồng Linh thều thào trả lời gì đó tôi nghe không rõ và cũng chẳng cần nghe nữa. Tôi nói mau:
- Giữ kỹ nó cho anh. Nhớ cẩn thận. Anh đi. Cửa sau chỗ nào?
Tôi phóng hướng theo bàn tay Linh chỉ. Nhà nàng khá lớn, tôi phải chạy qua một phòng ăn nữa mới nhìn thấy cánh cửa. Tôi tung cửa và lao ra ngoài như một cơn lốc...
Nhưng tôi đã quá coi thường cảnh sát Mỹ. Vừa phóng ra phía ngoài, chưa chạy được quá ba bước thì tôi đã nghe được một tiếng quát như sấm ở bên tai:
- Đứng ngay lại. Mày chạy đi đâu?
Kèm theo tiếng quát là tiếng lên đạn rẹt rẹt của cây shotgun. Tôi dừng lại liền như một cái máy và nhận ra lời nói của Linh là đúng. Nếu lúc tôi phóng ra mà còn cây súng trong tay thì có lẽ tôi đã bị ăn đạn rồi. Không phải cảnh sát Mỹ mới bắn mà nếu là tôi thì tôi cũng phải bắn để tự vệ. Và tôi biết đạn shotgun của cảnh sát Mỹ được nhồi đặc biệt với số lượng thuốc gấp hai số lượng bán ngoài thị trường. Thân thể tôi mảnh khảnh, bị một phát shotgun gần như vậy thì chắc đạn sẽ đi từ phía sau trổ ra phía trước.
Lúc ấy tôi nhìn chung quanh và nhận ra không biết cảnh sát ở đâu mà nhiều thế. Có đến chục thằng là ít!..
Những gì xảy ra tiếp theo đó chỉ là thủ tục thông thường của cảnh sát. Tôi bị bắt nằm xuống cỏ, đưa hai tay ra sau cho cảnh sát còng. Cảnh sát lục soát hết người tôi để tìm vũ khí. Chẳng thấy gì cả.
Tôi nằm dưới đất và không hiểu sao, tự nhiên tôi cảm thấy bình thản ghê gớm. Người ta nói nơi chốn an toàn nhất trong một cơn bão là trung tâm của cơn bão. Đúng thật. Có lẽ tôi đang nằm trong trung tâm của cơn bão nên thấy an toàn vô cùng. Thế này thì lát nữa vào ty, thằng Ken khỏi mất công gởi giấy mời.
Lát sau, họ giắt tôi vào nhà, ngồi nơi ghế sa lông để hỏi cung. Trước mặt tôi là thằng chồng Linh vẫn còn nằm một đống nhưng cái miệng thì làm việc tận tình để tố cáo tôi với cảnh sát.
Một người lo hỏi cung thằng chồng Linh, một người canh chừng tôi, một người khác đi chung quanh dùng phấn trắng gạch một vòng tròn chung quanh những lỗ đạn dưới nền nhà, chỗ cây súng gãy đứt đôi, chỗ mấy vỏ đạn rớt trên thềm nhà và mấy chỗ có vết máu.
Lát sau xe cứu thương tới. Thằng chồng Linh được bỏ lên băng ca. Nhìn phớt qua cái miệng nó, tôi nghĩ thằng này ít nhất cũng phải bị gảy năm cái răng và có thể là nguyên hàm. Ngực và tay nó cũng bị thương tích nữa. Khi người ta khiêng băng ca ra, người cảnh sát vẫn đi theo và tiếp tục hỏi.
Người kế tiếp là Linh. Người cảnh sát hỏi cung nàng là người đứng tuổi, mặt mày có vẻ phúc hậu. Ông ta nhìn thấy cái mặt sưng vếu của Linh thì hỏi:
- Tên tôi là Caven, thanh tra cảnh sát, cô cho phép tôi hỏi cô vài câu nhé... Tôi thấy mặt cô sưng chắc hơn một ngày rồi phải không. Sao vậy?
Linh lắc đầu, che dấu một giọt nước mắt:
- Tôi bị té.
Người cảnh sát có vẻ động lòng, lắc đầu:
- Té làm sao lại bị đến ba bốn chỗ như vậy?
Linh vẫn lắc đầu:
- Tôi té... ba bốn lần.
Caven lắc đầu, mặt hơi nhăn lại. Tôi thấy thế thì giận quá, hét to lên bằng tiếng Mỹ:
- Linda, em nói cho cảnh sát biết là em bị chồng em đánh đi!
Người cảnh sát đang canh tôi liền nhấn vai tôi xuống và quát: "Câm mồm!" nhưng Caven đã quay lại nhìn tôi và ôn tồn hỏi:
- Sao ông biết?
- Đó là lý do tôi tới đây. Chồng nàng đánh nàng đó...
- Ông là gì của cô này? Bà con hay anh em?
Tôi tính nói hai người chỉ là bạn nhưng chưa kịp mở miệng thì Linh đã nói ngay:
- Chúng tôi là bà con.
- À, à, thế ông nghe người bà con bị ăn hiếp rồi ông đến đây... Bây giờ tôi mới hơi hiểu được vấn đề.
Cuối cùng thì Linh cũng phải chấp nhận rằng nàng bị chồng đánh. Ông Caven nói:
- Thế khi cô bị đánh, cô có gọi cho cảnh sát không?
- Không.
- Tại sao vậy? Cô có biết là chồng cô làm như vậy là trái luật không?
- Tôi biết, nhưng phong tục người Á đông chúng tôi không muốn để người khác giải quyết dùm chuyện gia đình mình. Theo quan niệm của chúng tôi thì đây chỉ là một vấn đề riêng tư...
Người cảnh sát già gật gù cái đầu. Tôi nhìn thấy được sự thương cảm dậy lên trên khuôn mặt ông.
- Cô kể cho tôi nghe chuyện hôm nay xảy ra như thế nào?
Linh mạch lạc kể lại mọi chuyện. Nàng nói ngay trước khi tôi vào nhà, khi nhìn thấy tôi gọi ngoài cổng, chồng nàng đã đi lấy cây súng shotgun. Rồi tôi vào nhà và chuyện xảy ra như thế.. như thế...
Linh nói một thôi bằng một thứ tiếng Anh đúng văn phạm và trôi chảy của một người có học thức cao. Ôi, tôi phục nàng quá.
Lúc này đã có thêm bốn năm người cảnh sát nữa đứng bu quanh để nghe cuộc hỏi cung mà bây giờ đã trở thành cuộc kể chuyện rất hấp dẫn của Linh.
Một người hỏi:
- Chúng tôi đã nhìn thấy cây shotgun bị gãy làm hai khúc. Cô bảo rằng cái ông này cố ý bắn vào cây súng?
- Thưa ông đúng vậy. Người bà con tôi không có ý muốn giết người cho nên mới làm vậy. Nếu hắn muốn thì chồng tôi đã chết rồi.
Bốn, năm cặp mắt cảnh sát nhìn nhau rồi cùng sang tôi với một vẻ thán phục. Một người hỏi tôi:
- Ở Việt Nam anh làm gì?
Tôi nhún vai:
- Làm lính. Nhưng chuyện đó không quan trọng.
Tôi không muốn khai mình là phi công để đỡ khỏi làm mất sĩ diện của "phi công danh tiếng muôn đời".
Đến phiên tôi, tôi chẳng có gì để nói vì Linh hầu như đã nói hết. Tôi chỉ nhấn mạnh ở chỗ rằng tôi bị bắn trước, hai phát, và tôi phải tự vệ.
Cảnh sát ghi chép tất cả vào biên bản. Dĩ nhiên, câu hỏi cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là: "Cây súng đâu rồi?"
Nhưng tôi đã học được nhiều về cách đối xử với cảnh sát nơi ông Bob nên bình tĩnh trả lời:
- Tôi rất tiếc, tôi không đưa cho mấy ông được. Tôi sẽ đưa cho luật sư của tôi, ông ta sẽ đưa cho mấy ông.
Biết gặp phải tay chẳng vừa, họ sang phòng bên cạnh bàn định với nhau một lúc rồi trở lại. Ông Caven vỗ vai tôi nói:
- Tôi phải đưa bạn về ty làm biên bản để đưa sang biện lý cuộc.
- Mấy ông bắt tôi về tội gì?
- Cứ theo những gì chúng tôi nhìn thấy thì sơ khởi những tội sau đây: xâm phạm gia cư bất hợp pháp, bạo hành có vũ khí, cố ý gây thương tích bằng vũ khí.
- Tôi đâu có bắn ông ta mà bị kết tội gây thương tích bằng vũ khí.
Người cảnh sát lắc đầu:
- Dùng súng mà đánh thì cũng như bắn mà thôi. Luật pháp của tiểu bang này là như vậy. Dĩ nhiên, những chuyện này ông có thể cãi trước mặt quan tòa nhưng bây giờ thì xin ông đứng dậy...
Tiếp theo đó, là một câu mà bất kỳ người cảnh sát nào cũng đọc trước khi bắt người ta:
"Xin thông báo cho ông biết là ông bị bắt. Ông có quyền im lặng, bởi vì những gì ông nói ra, chúng tôi có dùng nó để kết tội ông. Ông có quyền mướn một luật sư và nếu ông không có tiền thì một luật sư miễn phí của chính phủ sẽ được chỉ định để giúp ông."
Có lẽ vì nhìn thấy tôi tang thương quá, Linh nhảy đến ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở:
- Trời ơi, vì em mà anh phải khổ như thế nào, em làm sao chịu được.
Tôi cười và thầm nghĩ rằng đi ở tù mà nghe được một câu như thế này thì cũng... đáng đi thật. Quả thật, nghe được câu nói ấy, lòng tôi thấy mát rượi như được tắm trong một giòng suối mát. Giòng suối tuyệt vời của tình yêu.
Thấy tôi cười, Linh lại càng nức nở:
- Anh lì lợm lắm anh biết không? Anh còn cười được à?
Người cảnh sát gỡ Linh ra. Ông Caven nói:
- Không hiểu sao, tôi có linh cảm rằng hai người này không phải là bà con...
Tôi nói với Linh:
- Em chờ anh, anh sẽ về. Họ không kết tội anh được đâu, vài tháng là anh sẽ về. Anh sẽ gọi điện thoại cho vợ chồng anh Báu đến lái xe anh về.
Linh gật đầu nói:
- Vâng. Anh đừng lo, em sẽ làm chứng cho anh.
- Thôi anh đi. Nhớ đừng để thằng khốn nạn bắt nạt em nữa. Nó mà đánh em nữa là anh sẽ giết nó.
- Em sẽ chờ anh. Anh nhớ giữ mình...
Tôi muốn hôn nàng một cái nhưng sợ ông Caven nghi ngờ nên thôi. Tôi cúi đầu bước theo người cảnh sát.
Ngồi đàng sau xe cảnh sát trên đường tới bót, tôi nghĩ cái số tử vi của tôi ngày hôm nay chắc bị ngôi sao... cảnh sát chiếu mạng. Mới sáng sớm ra đã gặp thằng cảnh sát Ken, bây giờ lại ngồi trên xe cảnh sát và tối nay thì chắc chắn sẽ ngủ trong ty cảnh sát. Hình như bọn cảnh sát Mỹ chọn cái ngôi sao làm biểu tượng không phải là không có lý do.
Lúc nãy tôi nói với Linh rằng vài tháng sẽ về nhưng thật ra đó chỉ là một lời hứa láo. Tôi biết ở bên Mỹ mà dám xông vào nhà người ta rồi đánh người ta thừa sống thiếu chết không phải là tội nhẹ. Giá chót phải là 5 năm. Đó là chưa kể thêm cái tội giết người mà tôi nghĩ rằng trước sau gì cảnh sát cũng phanh ra...
Ôi, cái ngày gặp Linh chắc chẳng bao giờ có được...
Quả đúng như tôi đoán, sau khi bị chụp hình và lăn tay, tôi vừa được vào phòng tạm giữ, ngồi chưa nóng đít thì đã được gọi lên thẩm vấn. Người ngồi trong phòng thẩm vấn chờ tôi chẳng ai khác hơn là thằng cha Ken.
Thấy tôi, hắn đứng chỉ cái ghế, cười:
- Không ngờ, không ngờ. Rắc rối nữa hả?
Tôi bỉu môi không thèm trả lời, ngồi xuống ghế. Ken mời tôi điếu thuốc:
- Ông mới qua Mỹ chưa tới một năm mà rắc rối nhiều quá.
Tôi nhận điếu thuốc, khum người mồi lửa. Ken nói:
- Ông có muốn nói thêm gì về những gì mình nói với nhau sáng hôm nay không?
Tôi lắc đầu, làm cứng:
- Không. Phần ông, ông có muốn nói gì thêm không?
Ken bất ngờ đổi đề tài nói chuyện:
- Người ta nói ông là người có tài thần xạ.
- Ai?
Ken nhún vai:
- Mấy người trong ty đi về.
Tôi lơ đãng trả lời:
- Cái đó chỉ là chút tài vặt.
- Ông có quen Linda à?
Tôi ngạc nhiên:
- Ông biết Linda?
Ken gật đầu:
- Tụi tui ăn uống ở đó khỏi trả tiền. Nàng đẹp nhất ở đấy.
Tự nhiên, tôi cảm thấy buồn phiền vô tận. Buồn phiền mà không hiểu vì lý do gì. Tôi thấy không muốn nói chuyện gì thêm nữa, liền đứng dậy:
- Nếu ông muốn hỏi thêm gì nơi tôi, tôi cần một luật sư. Nếu không có luật sư thì nhất định tôi không sẽ nói gì thêm nữa. Ông biết luật pháp nước Mỹ mà. Tôi mệt rồi, tôi muốn về phòng tạm giữ nằm nghĩ.
Ken ngạc nhiên nhìn tôi:
- Ủa, tôi có làm gì cho ông buồn không? Tôi xin lỗi. Tôi đâu có hỏi cung gì ông đâu, ông thấy không, đâu có biên bản gì đâu. Tôi chỉ muốn nói chuyện chơi thôi mà.
Tôi vẫn không thay đổi:
- Không, tôi cảm thấy mệt mỏi. Ông biết, ngày hôm nay nhiều việc xảy ra cho tôi quá. Tôi cần sự yên tỉnh để suy nghĩ.
Ken gật đầu, đưa tay ra bắt tay tôi:
- Tôi xin lỗi. Tôi nghĩ ông không ở đây lâu đâu!
Đây là một câu nói rất quan trọng mà nếu chịu khó suy nghĩ một chút thì tôi sẽ mừng quýnh lên, nhưng lúc ấy tôi quả cảm thấy mệt mỏi thật. Tôi chỉ gật đầu cho có lệ rồi bước ra, theo người cảnh sát trở về phòng tạm giữ…
Leo lên giường, tôi nằm vắt tay lên trán và nhớ đến Linh. Câu nói của Ken đã ám ảnh tôi. Ngay cả đến người cảnh sát Ken cũng biết nàng thì nàng quả thật là... nổi tiếng. Không biết đó là thứ tiếng gì, tốt hay xấu nhưng nàng quả thật nổi tiếng... Và tôi ngủ thiếp đi…
Không biết tôi ngủ được bao lâu thì bị thức giấc. Tôi nhìn ra và ngạc nhiên vô cùng khi nhìn thấy ông Bob đứng lù lù một đống phía ngoài cửa song sắt. Tôi tưởng mình ngủ mơ, liền dụi mắt nhìn lại. Đúng rồi, tôi không mơ chút nào hết. Quả tình là ông Bob bằng xương bằng thịt đang đứng lù lù phía ngoài. Miệng ông lại còn cười toét lên nữa làm như vui sướng lắm khi thấy tôi ở trong tù. Tôi ngồi bật dậy, giọng vui mừng hớn hở:
- Ông Bob.
- Tao đây! Tiên sư, mày làm cái gì mà nện thằng Jeff một trận dữ vậy.
- Thằng nào?
- Thằng Jeff, chồng con Linda chớ ai... Nhưng tao không có thì giờ nhiều, mày chuẩn bị ra phòng thăm nuôi cho tao nói chuyện riêng chút. Tao có tin tức rất mới cho mày.
Tôi che tay ngáp rồi thò tay móc bao thuốc trong túi áo ra:
- Mới hay cũ gì? Nhưng làm gì phải ra phòng thăm nuôi, đi ra đi vào mấy cái cửa sắt đóng đóng mở mở mất công thấy mẹ. Ông đã vào tới đây được thì nói chuyện ở đây không được à?
Ông Bob hất đầu về hướng thằng tù khác nằm ở giường đối diện với giường tôi. Tôi nói:
- Nó ngủ rồi.
Ông Bob nói gì đó với người cảnh sát gác ngục. Anh chàng này gật đầu lia lịa rồi mở cửa ra bước vào lay thằng tù kia giậy:
- Ê mày! Thức dậy đi ra ngoài kia tao nhờ chút việc. Đù mẹ ngủ cái gì mà giờ này còn ngủ?
Tôi thấy ông Bob quả thật là người có uy, đây là chốn tù ngục của nhà nước mà ông ra lệnh cho người ta cứ như là trong nhà bếp của ông.
Thằng tù được người cảnh sát dắt ra ngoài, để lại tôi với ông Bob ngồi với nhau trong phòng tạm giữ. Ông Bob nói:
- Mày ẩu quá, hồi chiều tao kiếm mày muốn chết.
- Kiếm tôi làm gì?
-T hì cái chuyện mày nhờ tao chớ gì.
Tôi lắc đầu:
- Tôi tưởng ông lo không được.
Chúng tôi nói chuyện một lúc về những gì xảy ra rồi ông Bob bỗng ngồi thẳng người lên, nói:
- Trường, những gì tao sắp nói đây rất là quan trọng. Tao muốn mày nghe và phải suy nghĩ cho kỹ rồi cho tao biết quyết định liền.
- Nói đi. Tôi đang ở tù, có rất nhiều thì giờ để suy nghĩ.
- Tất cả những vấn đề của mày, từ chuyện bị điều tra, cho đến chuyện phá phách ở hộp đêm tối hôm qua, cho đến chuyện đánh người ta gần chết hồi chiều nay... Tất cả, tao muốn nhấn mạnh chữ "tất cả", tất cả chuyện đó sẽ được tụi tao cho cho chìm xuồng hết. Hồ sơ sẽ được xóa sạch trong sở cảnh sát. Mày sẽ ra về liền bây giờ nếu mày chịu một điều kiện...
Tôi giật mình. Hóa ra trên đời này vẫn còn có phép lạ:
- Điều kiện gì?
- Mày biết rồi. Điều kiện đó là mày về cộng tác với gia đình Gardino.
Tôi ngã lưng vào bức tường nhà tù, mặt nhăn mặt lại với sự suy nghĩ quan trọng nhất đời mình. Tôi biết rằng một khi đã bán linh hồn cho quỷ thì khó mà lấy lại được nhưng tôi chẳng còn lựa chọn nào cả. Ngày hôm qua thì tôi có rất nhiều nhưng bây giờ thì tôi thấy tôi chẳng có gì để mất cả. Tôi gật đầu:
- Tôi đồng ý với vài điều kiện.
- ĐM chết đến nơi còn điều kiện. Điều kiện gì?
- Trước hết, tôi không giết người, ngoại trừ trường hợp tự vệ.
- Cái đó mày đã hỏi và ông Gardino đã đồng ý rồi.
- Tốt. Thứ hai, khi nào tôi muốn rút thì phải cho tôi rút.
Ông Bob có vẻ ngạc nhiên:
- Rút? Tại sao?
- Ông Bob, ông biết tôi không bao giờ trở nên một mafioso được hết vì tôi là dân da vàng mà. Tôi không phải là dân mafioso thì làm sao sống mãi trong gia đình mafia được? Hơn nữa, nói thật với ông, tôi đang ở trong đường cùng nên phải chấp nhận đề nghị. Mai mốt, khi tôi có chút tiền, khi tôi kiếm được một nghề lương thiện nào đó thì tôi sẽ từ giã mấy ông.
Ông Bob nhíu mày suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Cái đó thì tao phải hỏi lại nhưng tao nghĩ chuyện đó không có gì khó khăn. Bây giờ thì tạm thời coi như là tụi mình đồng ý trên nguyên tắc phải không?
Tôi gật đầu, hỏi lại:
- Tôi sẽ được ra khỏi tù liền bây giờ?
Ông Bob vỗ vai tôi:
- Ra liền bây giờ. Ra ngay lập tức.
- Bây giờ mấy giờ rồi? Đồng hồ tôi tụi cảnh sát giữ rồi.
- 8 giờ 13 phút tối...
Tôi lịm người đi vì sung sướng. Bây giờ mới 8 giờ 13 thì 9 giờ tối nay tôi sẽ chở Linh đi chơi. Dĩ nhiên, với bộ mặt sưng vếu của nàng thì chắc chắn tối nay nàng sẽ không đi làm, và thằng chồng nàng thì đang còn nằm nhà thương.
Tôi nói:
- Vậy thì ông còn chờ gì nữa.
- Mày nói đúng, tao mới ngồi đây một chút mà đã thấy chóng mặt... Ơi, thầy đội cảnh sát ơi, mở cửa cho tụi tôi ra, bộ quên tôi rồi sao?
Ông Bob gọi cảnh sát tỉnh bơ như trong nhà bếp ông gọi mấy người rửa chén.
Một thầy đội lú xúp chạy tới, tra ổ khóa vào cánh cửa. Ông Bob chỉ vào tôi, nói với người cảnh sát mở cửa:
- Ông trưởng phòng, xếp ông có nói về trường hợp Mr. Le chưa?
- Có. Mời ông Le sang phòng làm giấy tờ để nhận lại vật sỡ hữu. Chúng tôi đóng hồ sơ ông rồi.
Tôi lắc đầu thầm phục và đồng thời cũng khiếp sợ cái quyền lực của mafia ở xã hội này. Nếu ngày hôm nay tôi không ở tù thì không bao giờ biết được cái quyền lực này nó to lớn tới cỡ ấy.
Ký mấy tờ giấy và nhận lại đồ đạc xong, tôi mượn cái điện thoại gọi liền cho Linh.
Đúng như tôi đoán, nàng đang ở nhà. Nghe giọng tôi, Linh mừng rú lên, hỏi tới tấp một mớ câu hỏi lỉnh kỉnh của những người có người thân bị tù, nhưng tôi đã cắt ngang:
- Chồng em đâu rồi?
- Anh ấy nằm nhà thương, em đi thăm ảnh mới về, trời ơi, anh biết không. Hai hàm răng phải làm lại, ba ngón tay gãy, mặt mũi và mình mẫy tất cả bị 46 đường chỉ khâu. Em mà không can thì anh đánh ảnh chết rồi, ghê quá... Mà sao anh hỏi vậy?
- Em nghe cho kỹ đây, anh vừa được thả ra.
Linh nói như hét, giọng mừng rỡ:
- Thả ra. Người ta thả anh ra?
- Phải.
- Thôi đi, anh chỉ đùa với em.
- Không, anh nói thật. Em nghe cho kỹ, em muốn anh đến chở em đi chơi tối nay không?
Linh như bối rối một lúc rồi trả lời:
- Đi chứ. Mà anh được thả ra thật à? Hay anh chỉ đùa dai với em.
- Chuyện dài lắm, anh sẽ kể cho em nghe. Anh về nhà thay đồ rồi đến em. Có người đưa anh đến nhà em.
- Vâng, anh chờ.
Khi chúng tôi lên xe, ông Bob thò tay ra bắt tay tôi:
- Gia đình Gardino chào mừng người bạn mới.
- Rất hân hạnh được làm việc với gia đình Gardino.
- Bây giờ chú mày muốn đi đâu để ăn mừng cái ngày trọng đại này?
Tôi lắc đầu:
- Cám ơn ông nhưng tối nay thì không được. Ông cho tôi về nhà thay đồ rồi chở tôi lên nhà Linh được không?
Ông Bob gật gật cái đầu ra chiều hiểu ý. Ông nói:
- Ngay từ lúc đầu tiên gặp mày, tao biết mày có số đào hoa...
- Đào hoa con khỉ! Tôi đang thất điên bát đảo vì tình đây ông ơi.
Tôi về nhà tắm rửa thay đồ rồi ông Bob chở tôi tới nhà Linh liền. Tôi xuống xe, ông Bob nói qua cửa sổ:
- Mày cứ ăn chơi vui vẻ đi. Chuyện thằng Jeff để tụi tao lo. Nó chỉ là một con gà mái, đừng bận tâm tới nó. Tao hứa với mày là kể từ giờ phút này trở đi, khi biết mày ở trong gia đình Gardino, có cho kẹo nó cũng không dám hỗn với mày. Sáng mai tao nghỉ làm để chở mày đi gặp xếp lớn.
- OK ông nhớ đừng quên vụ cái cây P-38 của tôi còn nằm trong tay thằng Jay.
- Tao đã nói với mày hồ sơ đóng là đóng, mày đừng lo chuyện đó.
- Tuy vậy nhưng tôi vẫn không muốn thằng Jay giữ nó. Tôi muốn nhìn thấy nó.
- Để tao cố gắng coi. Thôi tao dọt.
Tôi chờ cho chiếc xe Bob biến mất rồi mạnh dạn mở cửa hàng rào bước vào trong.
Linh đã chờ tôi ngoài cửa. Chúng tôi ôm nhau, mừng mừng tủi tủi. Hai người bước vào nhà...
Thật là một cảm giác lạ lùng khi bước vào nhà của một người đàn bà đẹp và chồng người ta không có ở đó. Đó là cái cảm giác vừa sung sướng vừa cảm thấy có tội. Chúng tôi nắm tay nhau, ngồi xuống ghế xa lông nơi phòng khách. Linh quả là một người đàn bà khéo tay. Cảnh tượng tang thương lúc chiều đã được dọn dẹp sạch sẽ. Mấy lỗ đạn nơi thảm được nàng khéo léo để lên đó mấy chậu hoa để che đi.
Nàng đưa lại cho tôi cây 9 mm. Cầm cây súng trong tay, tôi mới thấy biết ơn nàng. Quả thật, nếu hồi chiều không nghe lời nàng để bắn chết thằng Jeff thì đời tôi giờ này chắc chắn phải còn nằm trong khám. Mafia có thể đỡ được nhiều thứ tội nhưng tội giết người thì giá cao quá, khó mà gỡ được, hoặc không gỡ được.
Tôi nhét súng vào bụng. Hai người ngồi xuống ghế sô pha, không ai nói với ai lời nào. Hình như hình ảnh man dại buổi chiều còn quá mới nơi trái tim của mỗi người. Một lúc, Linh nói:
- Anh ra khỏi tù sớm như vậy được thật là một phép lạ. Anh kể em nghe đi, sao anh ra được mau vậy.
- Chuyện dài lắm, mình đi kiếm gì ăn rồi anh kể cho nghe.
- Ừ, em cũng nghĩ vậy. Cái phòng khách bây giờ coi thấy ghê quá, mỗi lần đi ngang nó em cứ rờn rợn trong người.
Linh đã thay đồ và trang điểm, hai đứa leo lên chiếc xe cà tàng của tôi, vui vẻ và hồn nhiên như hai kẻ mới biết yêu lần đầu. Linh nói:
- Anh đi chiếc xe cà tàng như thế này mà dám vào hộp đêm tán em à?
Tôi đề xe hai lần máy mới nổ. Tôi sang số, hỏi:
- Thế thì lái xe nào thì mới tán em được.
- Em không biết nhưng khách tán em toàn lái xe Mercedes hay BMW không à. Có ông còn đi cả Limousine có tài xế lái nữa.
- Thế có ông nào tán được không?
- Không, còn khuya.
Tôi lái xe sang một vùng tên gọi là khu Plaza, nơi nổi tiếng xinh đẹp với những nhà hàng tiệm bán hàng xây cất giống y hệt một thành phố bên Âu châu. Hôm ấy trời mát, tôi đậu xe rồi hai đứa vào ngồi trong một quán cà-phê. Nơi góc quán có người da đen thổi cây kèn to sù. Điệu nhạc phát ra lúc thì buồn bã, lúc thì giật gân, lúc khác lại như một điệu trống.
Chúng tôi lựa một góc tối ngồi để che giấu cái môi còn hơi sưng của Linh rồi gọi rượu và thức ăn. Linh cũng chia vui với tôi một ly sâm banh. Tôi nhìn thấy nàng không được vui lắm nhưng thông cảm được. Ai có thể vui nổi sau một ngày đầy dẫy những biến cố như vậy. Tôi nói:
- Hồi chiều, lúc cảnh sát dẫn anh ra xe, em đâu có ngờ tối nay hai đứa mình lại gặp nhau và ngồi được ở chỗ này phải không?
Linh lắc đầu:
- Có sống đến một ngàn năm nữa, Linh cũng không thể ngờ được.
- Anh cũng vậy. Anh tưởng chắc sẽ chẳng bao giờ được gặp em, vì nếu không bị tử hình thì chắc cũng ở tù cho đến già...
Linh buông cái nĩa xuống:
- Em không hiểu...
- Bình tĩnh, để anh kể cho nghe. Cầm nĩa lên đi... Chuyện còn dài...
Tôi thuật lại cho nàng nghe tất cả những gì xảy ra giữa tôi và ông Bob. Linh nghe tới đâu thì gật đầu tới đó. Thỉnh thoảng, nàng lại chêm vào: "Hèn gì" làm tôi phải hỏi ngược lại:
- Hèn gì làm sao?
- Hèn gì em thấy ông Bob ổng cưng anh quá chừng. Mà không phải chỉ ông Bob và tất cả mọi người trong hộp đêm nữa. Ai cũng dành cho anh một sự đối đãi như là thượng khách... Mãi đến bây giờ em mới hiểu.
- Em biết cái hộp đêm đó là của gia đình Gardino không?
Linh gật đầu:
- Biết. Anh kể tiếp đi...
Tôi tiếp tục cho đến lúc buổi chiều nay rồi kết luận:
- Em thấy đó, anh chẳng còn giải pháp nào khác hơn nữa. Trong cuộc đời, nhiều khi mình không muốn nhưng mình vẫn bị cuốn theo chiều gió...
Linh ngồi trầm ngâm, nhìn ra xa xa và không nói gì. Tôi tiếp:
- Anh kể chuyện đời anh cho em nghe hết rồi, giờ em kể chuyện đời em đi.
Linh xoay xoay cái ly trong tay, nói:
- Em đã kể gần hết chuyện của em cho anh nghe rồi. Đại khái, em gặp chồng em ở Việt Nam trong một bữa tiệc giáng sinh, lúc ấy ảnh làm cai cho hãng thầu RMK... Chúng em yêu nhau. Rồi ảnh về Mỹ, em về theo...
- Kể những gì anh chưa biết kìa, mấy chuyện đó anh biết rồi.
- Đời em tầm thường lắm, em sợ kể tiếp rồi rồi anh sẽ chán nản mà ngủ gục.
Tôi cười:
- Em có cảm tưởng gì trong ngày đầu tiên đi làm ở cái hộp đêm cởi truồng đó?
Linh chớp mắt, im lặng một lúc rồi hỏi ngược lại tôi:
- Vậy anh có cảm tưởng gì hồi chiều nay khi anh nhận lời làm việc cho gia đình Gardino?
Tôi nhún vai, uống cạn ly rượu:
- Anh biết là đời mình từ nay sẽ bước sang một khúc quanh mới. Một khúc quanh mới hoàn toàn xa lạ, đầy dẫy bất trắc nhưng cũng đầy dẫy hứa hẹn, nhiều nguy hiểm nhưng cũng nhiều thú vui... Nhưng cái quan trọng nhất anh biết là anh sẽ không còn là anh nữa... Tâm trạng của em thế nào?
- Cũng giống như anh vậy, nhưng thêm một điều là em cảm thấy nhục nhã lắm...
- Nhục nhã?
- Phải! Em nghĩ mình ngày xưa cũng là con nhà có giáo dục, được nuôi cho ăn học đàng hoàng, không phải dốt nát gì mà bây giờ phải đem đùi đem vú mình ra để đổi lấy những đồng tiền thưởng của khách hàng, em cảm thấy nhục lắm nhưng không biết làm sao hơn... Hồi chưa mất nước, sau khi đi làm ở chỗ này, mỗi lần viết thư về nhà là mỗi lần em khóc. Em phải nói dối với cha mẹ rằng bên này rất hạnh phúc, chồng nuông chiều em đủ thứ, muốn gì cũng có. Ở nhà cứ hỏi em chừng nào thì dắt cháu ngoại về Việt Nam chơi, em không biết trả lời sao...
Tôi rót thêm sâm banh cho Linh và gọi thêm rượu. Tôi muốn say tối hôm nay. Tôi để tay lên tay Linh ở trên bàn, nắm chặt lấy. Nàng cũng nắm chặt lấy tay tôi. Tôi cười, hỏi:
- Hồi ở Việt Nam em có nghe bài hát "Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm" của lính chưa?
Linh lắc đầu, có vẻ hơi ngượng vì phải nói ra một sự thật:
- Không. Linh ít khi nghe nhạc Việt Nam lắm, nhất là nhạc lính. Em chỉ nghe nhạc ngoại quốc không. Tiếc quá, sang Mỹ rồi muốn nghe lại Việt Nam, bên nhà gởi qua hàng núi băng cho em nhưng mà sao nghe chẳng thấy hay gì hết... Hình như cái đất này chỉ hợp với những gì hung bạo, thực tế và... to lớn. Những tình cảm lãng mạn của người Việt mình hình như không hợp ở đây.
- Anh mới qua, chưa biết nhiều. Có thể em đúng.
Rồi hai đứa cùng im lặng. Bồi mang rượu ra. Tôi hỏi Linh:
- Em có tin rằng cuộc đời mình có số mạng không?
- Ai lại không tin như vậy?
- Em nghĩ số mạng đời em rồi sẽ như thế nào?
- Anh nghĩ số mạng anh như thế nào?
Linh quả thật có cái tật hay hỏi ngược lại người đối thoại. Tôi bỏ tay nàng ra, mồi điếu thuốc, nói:
- Anh rán để dành một số tiền rồi anh sẽ từ giã tụi Gardino. Mình đâu có sống bằng cái nghề đó mãi được... Với một số vốn, anh sẽ mua một cái apartment để cho người ta mướn. Anh thấy ở Mỹ chỉ có nghề cho mướn nhà là thoải mái và nhẹ nhàng nhất. Người ta có thể không đi xe mới, người ta có thể không đi ăn, không đi mua sắm nhưng ai cũng cần có một chỗ để ở. Hơn nữa, nhà cửa càng ngày càng lên giá...
Tôi nói một thôi, đem hết số vốn nghèo nàn nghe lỏm được của anh Báu về nghề địa ốc cắt nghĩa cho Linh nghe rồi kết luận:
- Mình chỉ cần có hai khu chung cư cho mướn là tháng tháng thâu tiền mệt nghĩ...
Linh cười:
- Nói như anh nghe dễ thật. Thế chừng nào anh giàu, Linh tới mướn nhà anh, anh có bớt không?
Tôi cười:
- Em là vợ anh thì làm sao anh lấy tiền nhà của em được?
Nhưng Linh không cười. Nét mặt nàng đang tươi bỗng xụ ngay xuống làm tôi giật mình. Tôi hỏi:
- Em có gì không vừa ý?
Linh lắc đầu không nói gì. Hình như nàng đang phải suy nghĩ để đối phó với một vấn đề gì bối rối lắm. Tôi lại nói tiếp:
- Em muốn ở thành phố nào? Muốn qua bên Cali hay muốn lên miền Bắc, hay cứ ở miền Nam? Em muốn đi đâu anh cũng chiều em hết.
Tôi vừa nói vừa cười nhưng Linh cũng vẫn không cười. Nàng đột ngột nắm lấy tay tôi và nói:
- Anh Trường... Linh rất cám ơn những gì anh làm cho Linh nhưng anh biết, Linh là gái có chồng... Linh chưa có thể ly dị được...
Tôi giật mình đánh thót, ngụm rượu vừa uống xém tí nữa thì phun cả ra ngoài. Đàn bà chẳng những khó hiểu mà còn... hơi điên nữa. Hóa ra là từ hồi chiều tới giờ, tôi cứ sống trong mộng. Tôi cứ tưởng sau một ngày như ngày hôm nay thì ngày mai Linh sẽ ra toà để xin ly dị chồng gấp gấp. Và một khi đã ly dị thì nàng sẽ trở về sống với tôi. Tôi sẽ nhờ ông Bob mướn một cái nhà rất sang trọng cho hai đứa chúng tôi lập tổ uyên ương. Tôi sẽ bắt nàng nghỉ việc và gởi nàng đến trường cho nàng đi học lại. Nàng có căn bản học vấn, giờ muốn lấy một cái bằng cử nhân hay tiến sĩ gì đó chắc cũng không khó. Tôi chưa biết bọn mafia sẽ trả lương cho tôi như thế nào nhưng cứ theo những quà cáp và những lần đi chơi thì tôi biết số tiền được trả sẽ dư sức cho tôi sống cuộc đời vương giả. Dĩ nhiên, tôi sẽ không phung phí tiền bạc như chúng nó. Gốc tôi vốn là người bần tiện mà. Sau khi để dành một số tiền, tôi sẽ nghỉ việc, hai đứa sẽ đi đến một nơi nào đó thật xa để sống hạnh phúc với nhau suốt đời. Sẽ sinh con đẻ cái, sẽ có những thằng... Trường con cô Linh con chạy khắp sân nhà, đùa giỡn chí choé, v.v. Mộng mơ không mất tiền mà, ai mộng lại chả được?
Nhưng tôi không ngờ rằng nàng vẫn còn gắn bó với thằng chồng khốn nạn, thằng chồng vũ phu đã đẩy nàng đi làm chiêu đãi viên ở một hộp đêm cởi truồng để nuôi nó, đã đánh nàng nhiều trận thừa sống thiếu chết. Quả thật, đã đến nước này mà nàng vẫn còn gắn bó với thằng chồng mắc dịch thì lạ thật. Rồi đột nhiên, tôi nhớ lại những gì xảy ra lúc sáng tại nhà nàng khi tôi đang dùng súng quật thằng Jeff. Tôi như nhìn thấy rõ lại cái cảnh Linh phóng người xuống ôm lấy chồng. Nàng ôm lấy nó như người mẹ che chở đứa con, như con gà mẹ che chở đàn gà con trong đôi cánh. Không hiểu sao, mãi đến bây giờ hình ảnh đó mới đập thật mạnh vào tâm hồn tôi.
Mẹ, thật là chán đời! Tự nhiên, tôi bung một tiếng chửi thề. Linh siết chặt tay tôi:
- Anh, anh đừng nóng... Anh nghe Linh nói đã...
Nghe được gì nữa mà nghe. Tôi thấy bầu trời như đang sụp đổ trước mắt mình. Tôi nâng ly rượu lên uống cạn. Lúc nãy đã muốn uống say với Linh một đêm cho vui, bây giờ cần uống say hơn để quên sầu. Linh nói, giọng thổn thức và thành thật:
- Tính anh nóng quá. Anh đừng buồn phiền quá như vậy... Anh nghe Linh cắt nghĩa đã...
Tôi dụi điếu thuốc, đưa tay nghiến cho nó nát bấy ra rồi đau khổ nói:
- Anh như một người vừa trên tàu bay bị rớt xuống đất, phải cho anh buồn phiền chút chút chứ...
Linh phì cười:
- Trên tàu bay mà rớt xuống đất thì chết tươi, còn sống thế nào được để mà buồn phiền. Anh tội nghiệp thật, lúc nào cũng bị mấy chiếc tàu bay ám ảnh... Nhưng làm gì đến nổi phải rớt tàu bay? Anh bình tĩnh nghe em nói hết có được không?
Dù tan nát ruột gan nhưng tôi cũng thấy vui lây vì cái tính trẻ trung của nàng:
- Em nói đi.
Linh nhìn thẳng vào mắt tôi, nụ cười tắt ngấm, đôi mắt chớp mau rồi cúi xuống, buồn lạ lùng.
- Anh biết ngày xưa, ảnh là người đã cứu vớt gia đình em.
Tôi lại muốn nhảy dựng lên lần nữa:
- Em học trường Tây, dáng điệu quý phái, anh tưởng em là con nhà giàu lắm.
Linh lắc đầu:
- Ai cũng tưởng vậy. Đúng hơn, nhà em đã có một thời sung sướng giàu có, nhưng khi đảo chánh Ngô Đình Diệm thì mọi chuyện thay đổi...
Tôi sửa lại thế ngồi:
- Vậy ra em lấy thằng Jeff vì tiền chứ không phải vì tình à?
Linh hơi nhăn mặt lại một chút như vừa bị xúc phạm. Nàng nói:
- Mấy ông nhà binh các anh ăn nói... thiếu văn chương và thẳng thừng quá...
Tôi nắm lấy tay nàng:
- Anh xin lỗi. Anh không biết đã làm em buồn bao nhiêu lần về cái vụ ăn nói nham nhở này rồi. Anh ăn nói cộc cằn thô lỗ nhưng lòng anh không như vậy. Em tha lỗi cho anh.
Linh cười nhẹ:
- Nếu không tha thì Linh đã chẳng đời nào đi với anh... Anh phải biết rằng trên đời này có nhiều câu hỏi mà mình không bao giờ nên hỏi, có nhiều cảnh mà mình không bao giờ nên xem và có nhiều chuyện mà mình không bao giờ nên nhớ... Linh mong rằng anh đừng bao giờ bắt Linh trả lời câu hỏi đó.
Tôi gật đầu, nói:
- Anh có một câu hỏi mà không biết có nên hỏi em không?
- Hỏi đi, nếu nó không xúc phạm.
- Em yêu anh lắm phải không?
Linh tròn mắt nhìn tôi rồi ngã người ra sau, cười lớn:
- Ai dạy cho anh cách tán gái vậy?
Tôi lắc đầu:
- Chẳng ai dạy cả. Anh nghĩ rằng em yêu anh thì anh hỏi vậy, thế thôi.
- Anh dựa vào bằng chứng nào mà chủ quan như vậy?
- Này nhé, ngày đầu tiên gặp nhau, em gọi anh là cậu bé. Thường thường, chiêu đãi viên không được nói chuyện với khách hàng như thế. Rồi em để cho anh hôn nữa... Không, nhưng quan trọng nhất phải nói là cặp mắt nhìn của em. Có lúc, anh có cảm tưởng rằng em muốn nghiền nát anh ra... Và quan trọng nhất, trong giây phút đau khổ của em, em đã nhớ đến anh và gọi điện thoại để anh đến chở em đi...
Linh cúi đầu xuống, đưa hai tay bưng lấy mặt. Tôi không biết nàng đang vui mừng hay mắc cỡ. Tôi tiếp:
- Vì những lý do đó, anh nghĩ rằng em phải yêu anh lắm... Nhưng mà anh nói vậy cho vui thôi, nếu em không yêu anh thì anh xin lỗi...
Linh ngửng mặt lên, nắm lấy tay tôi. Tôi thấy có nước mắt trong đôi mắt nàng:
- Anh Trường, anh nói đúng. Em yêu anh. Yêu ngay từ buổi tối đầu tiên gặp anh...
Tôi cười. Có thằng đàn ông nào được người đẹp nói như thế mà không cảm thấy sung sướng tận cõi lòng. Tôi gật gù cái đầu:
- Nói đùa chứ em yêu anh thật à?
Linh gật đầu. Tôi uống cạn ly rượu:
- Tại sao vậy? Chắc em tưởng là anh ngon lành lắm hả?
Linh phì cười:
- Không, em biết chứ, biết từ giây phút đầu tiên. Anh chả có gì ngon lành hết.
- Em có biết anh làm nghề... rửa chén không?
- Biết ngay từ đầu. Nhìn bộ đồ anh mặc, nhìn dáng điệu và thái độ của anh đối với ông Bob thì em biết ngay.
Tôi thấy hơi nghẹn ở cổ họng:
- Quần áo thì em nói đúng, anh mới qua nên ăn mặc xoàng lắm, nhưng dáng điệu và thái độ với ông Bob thì sao?
- Thái độ của một người cấp nhỏ đi chơi với xếp lớn...
Tôi thở phì ra một cái, thấy tự ái hơi bị tổn thương. Mẹ kiếp, thế mà tôi cứ tưởng là tôi ngon lành lắm. Hóa ra cặp mắt của thiên hạ trên cõi đời này thật là tinh, khó mà lừa ai được.
- Vậy mà em cũng vẫn yêu anh à?
Linh gật đầu:
- Vâng.
Ôi, sao mà tôi yêu cái tiếng "vâng" của nàng đến thế.
- Thế thì em còn chờ gì mà chưa bỏ quách thằng chồng khốn nạn của em đi?
Nét mặt Linh bỗng thay đổi, nàng nhìn tôi đau đớn:
- Đừng anh. Đừng bắt Linh phải làm vậy?
- Tại sao? Anh không hiểu được em. Em yêu anh và anh cũng yêu em, và... may mắn hơn nữa, em lại bị thằng chồng khốn nạn ăn hiếp và bạc đãi, thậm chí hồi chiều nó cả gan cầm súng bắn vào hai đứa mình mà chẳng thèm nghĩ lại một lần thứ hai. Em thấy đó, nó có coi em ra cái con khỉ gì đâu, tại sao em lại cứ coi nó như là chồng? Theo anh, cách hay nhất thì em cứ bỏ quách thằng chồng mắc dịch rồi đến ở với anh, anh sẽ làm cho em được hạnh phúc suốt đời...
Linh lắc đầu:
- Có một điều em quên nói với anh.
- Điều gì?
- Lúc hai người cưới nhau ở Việt Nam, em dắt anh ấy về nhà tế lễ gia tiên. Ảnh mặc áo thụng, đội khăn đóng, thề trước vong linh tổ tiên nhà em rằng ảnh sẽ bảo bọc em suốt đời...
Tôi cướp lời:
- Bảo bọc cái con khỉ. Cái thằng làm biếng tối ngày chỉ nằm nhà uống rượu và coi vô tuyến truyền hình không thì bảo bọc cái nỗi gì?
- Đừng anh, để cho em nói hết... Ảnh thề xong thì em cũng đốt nhang và khấn trở lại y như vậy. Em thề với tổ tiên mình rằng em cũng sẽ phục tùng và vâng lệnh ảnh suốt đời...
Tôi văng tục. Thế này thì tôi hết có hy vọng lấy Linh rồi. Tôi nói:
- Người Việt Nam mình quả thật bày vẻ. Muốn lấy nhau thì lấy, muốn hôn nhau thì hôn, muốn sờ mó hay muốn làm gì thì làm, tại sao lại phải ra bàn thờ tổ tiên để đốt nhang cúng vái rồi thề thốt. Mẹ kiếp, suốt đời cứ nhang với đèn, cứ cúng với vái, đến khi ngửng mặt lên thì thua thằng Tây, thằng Nhật, thằng Tàu... Mẹ kiếp, cả thằng Đại Hàn mình cũng thua.
- Anh đừng nói thế mà có tội anh. Đó là chuyện phong tục và lễ giáo của nước mình mà.
- Phong tục cái con khỉ... Phong đòn gánh thì có. Phong tục cái gì mà hại cả một đời con gái của người ta như thế kia...
- Anh đừng vô lý. Em cũng đâu có muốn vậy.
- Nếu thế thì em bỏ quách mấy cái lời thề thốt lẩm cẩm ngày xưa đi, đi với anh.
Linh lắc đầu không nói gì. Tôi lại muốn lộn gan, hỏi:
- Như vậy là em nhất định không chịu bỏ thằng chồng khốn nạn vì mấy lời thề thốt kia à?
Linh lắc đầu không nói gì. Cáu quá tôi đâm khùng, nghiến răng nói:
- Mẹ nó, ngày mai anh sẽ để một phát đạn 9 ly vào giữa con mắt trái thằng khốn nạn.
Linh rướn người lên như bị tôi đâm một nhát dao. Nàng nắm lấy tay tôi, sửng sốt:
- Anh. Anh nói gì kỳ vậy?
- Kỳ cái gì, anh nói thật đấy. Anh sẽ bắn nó nát óc ra coi nó có làm gì được anh không? Đừng quên rằng bây giờ anh là người của gia đình Gardino rồi. Anh muốn bắn ai thì bắn, coi thử có ai làm gì được anh không...
Linh buông tay tôi ra, bật khóc. Nàng quay mặt đi giấu hai hàng nước mắt. Tôi không nói gì, ngồi lầm lì uống rượu và hút thuốc.
Một lúc, nàng ngưng khóc, nói:
- Anh Trường, chuyện tình yêu giữa hai đứa mình vừa mới nẩy nở... Nó tươi đẹp như một cánh hoa buổi sáng, anh đừng để nó héo đi.
Mẹ kiếp, ở lứa tuổi này, đúng hơn là già mẹ nó hết rồi, lại sống ở một nơi yêu cuồng sống vội như đất Mỹ mà còn dám ví von tình yêu như một đóa hoa thì tôi... chịu thua. Đàn bà quả thật khó hiểu... Tôi hỏi, giễu cợt:
- Vậy mình chắc phải tưới nước cho hoa chắc?
Linh lắc đầu, xoay mặt đi. Nhìn nàng thút thít một lúc, tôi bỗng thấy thương nàng. Tôi bảo:
- Linh này.
Linh không trả lời. Tôi mồi điếu thuốc, nói:
- Anh đồng ý với em về phương diện lễ giáo. Nhưng nếu thằng chồng em là một con người đàng hoàng thì có cho kẹo anh cũng không dám nhảy vào tán em, nhưng khổ nổi, thằng chồng em lại là cái quân làm biếng và gian ác. Làm ăn không lo, tối ngày cứ ngồi nhà uống rượu, lại còn để vợ đi làm ở cái hộp đêm cởi truồng. Một thằng chồng tệ bạc như thế, thiết nghĩ em bỏ nó đi cũng không lấy gì là quá đáng...
Linh suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Nhưng lúc người ta cần mình như thế này mà mình bỏ đi thì không phải anh ạ...
Tôi thở dài. Linh lại tiếp:
- Ngày xưa, lúc mình cần người ta, người ta giúp đỡ mình, bây giờ người ta cần mình, mình lại bỏ đi thì coi không được anh ạ...
Câu nói sau của nàng làm tôi thấy cảm động. Nàng quả là một người đàn bà Việt Nam gương mẫu, công dung ngôn hạnh đầy đủ. Giữa thời đại nguyên tử này, ở nơi một đất nước tân tiến như thế này mà nói được như vậy thì Linh không phải là người tầm thường. Tôi cảm thấy thương và kính trọng nàng hơn nữa. Tôi nắm lấy tay nàng ở trên bàn, thay đổi hẳn thái độ:
- Linh, chắc em phải thất vọng về anh lắm phải không?
Linh nhìn tôi:
- Tại sao?
- Vì anh thấy anh tầm thường quá. Anh chỉ nghĩ đến bản thân anh và chỉ muốn chiếm đoạt em, anh quên rằng em còn bổn phận với chồng...
Linh cúi đầu:
- Dù anh ấy thế nào đi nữa thì ảnh vẫn là chồng em. Đã đùm bọc em, đã cứu vớt gia đình em, đã đưa em sang đây...
Tôi buông tay nàng ra rồi ngồi im, dáng điệu tuyệt vọng. Dĩ nhiên, nàng là người đàn bà đáng phục nhưng tại sao cuộc đời tôi lại cứ bị lâm vào những trường hợp như thế này nhỉ? Cả Linh nữa. Có thể nàng còn đáng thương hơn tôi vì tôi còn có lối thoát còn nàng thì không. Thật khó có thể tượng tượng được hai người Việt Nam, một thanh niên lâu ngày chưa gặp đàn bà và một người đàn bà trẻ đẹp không có tình yêu gặp nhau ở một nơi cách quê hương nửa trái địa cầu mà lại nói chuyện lễ nghĩa đạo đức. Thật là... đau khổ cho cả hai.
Mặt tôi chắc phải thiểu nảo lắm nên Linh mới nắm lấy bàn tay tôi bóp nhẹ. Nàng nhìn tôi tha thiết. Tôi cười, đưa bàn tay nàng lên dịu dàng đặt vào đó một cái hôn. Linh mỉm cười, ánh mắt lóe lên một tia lửa hân hoan. Tôi nói:
- Dù sao đi nữa thì anh cũng yêu em.
Linh lại bóp mạnh tay tôi, kề đầu gần tôi, nói nhỏ:
- Em cũng yêu anh nữa. Anh rán chờ Linh đi.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một tia hy vọng ở cuối con đường hầm:
- Chờ em?
- Vâng. Anh rán chờ em.
- Chờ cho đến lúc nào?
- Em nói thế anh hiểu rồi. Em muốn anh cứ chờ em đi, một ngày nào đó cuộc đời sẽ thay đổi...
Tôi buông tay Linh ra, thở dài:
- Anh già rồi, không biết chờ được bao lâu nữa. Thôi mình đi về...
Suốt quãng đường về nhà, không ai nói với ai lời nào. Tôi đốt thuốc lá liên miên, nghĩ đến số phận hẩm hiu của mình. Mẹ kiếp, lúc nãy lái chiếc xe vun vút trên con đường này lòng tôi tươi thắm như mùa xuân. Vừa mới nhận được job thơm, lại có thêm đào đẹp chở đi chơi, tương lai sáng rỡ với hình ảnh một mái nhà xinh với hai trái tim vàng. Mộng ước đơn giản tưởng đã nằm trong tầm tay nào ngờ đùng một phát, thấy mình như người bị... rớt khỏi tàu bay.
Linh ngồi bên cạnh chắc cũng cùng một tâm trạng đau buồn như tôi. Không biết nàng suy nghĩ điều gì mà thỉnh thoảng lại cứ lắc đầu.
Tôi dừng xe trước nhà nhưng không tắt máy, đạp thắng ngồi chờ. Linh mở cửa xe nhưng không xuống. Nàng ngập ngừng một lúc rồi hỏi:
- Anh muốn vào nhà chơi không?
Tôi lắc đầu, giọng cương quyết nhưng lòng thì héo đi với câu trả lời:
- Mai anh phải đi gặp xếp mới, thôi để anh về.
Linh bước xuống xe. Nhưng nàng không đóng cửa, lại khom người xuống và hỏi tôi lần nữa:
- Nhà em còn mấy chai rượu ngon, anh muốn vào chơi chút không? Em sẽ uống với anh một ly.
Tôi nhìn thấy cặp vú no tròn của Linh lúc nàng cúi người xuống. Và dĩ nhiên, hình ảnh đó làm tôi thay đổi ý định. Tôi tắt máy xe mở cửa phóng xuống.
Tôi dừng lại ở phòng khách nhưng Linh kéo tôi vào trong phòng giải trí ở dưới hầm. Căn phòng ấm cúng và xinh đẹp với đồ đạc mắt tiền và trang hoàng khéo léo với ti vi, đờn piano và dàn máy nhạc vĩ đại. Trên tấm thảm là mấy cái gối ni lông rất lớn, có thể nằm lên đó được.
Linh mở vô tuyến truyền hình, bảo tôi ngồi chờ. Nàng vào trong một lát và trở ra với một chai rượu Tây hiệu Martel và hai cái ly:
- Em giấu kỹ lắm mới được chai rượu quý này. Cả mấy năm rồi đó. Bố em ngày xưa ngày xưa cũng thích uống loại này lắm.
Nàng để ly xuống thảm:
- Em đi mở nhạc, anh muốn nghe nhạc gì?
- Nhạc gì cũng được. Hay nhạc cổ điển, em có không?
Linh cười:
- Em cũng thích nhạc cổ điển nữa, anh thích bài nào...
Rồi nàng kể ra một lô những tên bản nhạc cổ điển Tây phương làm tôi chới với. Tôi lắc đầu:
- Anh có biết gì về nhạc cổ điển gì đâu mà em hỏi... Nhà hàng chỗ anh rửa chén chuyên mở toàn nhạc cổ điển, anh nghe hoài nên thích. Có vậy thôi.
Tôi khui chai rượu. Linh đi tắt ti vi rồi mở nhạc lên nhè nhẹ, tắt bớt mấy ngọn đèn. Nàng trở lại, kéo một cái gối tới gần bên tôi. Tôi rót rượu vào hai cái ly, nói:
- Uống cho cuộc tình của hai ta.
Chúng tôi nâng ly. Linh nói:
- Uống để chào mừng anh vào đất Mỹ, để kỷ niệm ngày cái ngày đáng ghi nhớ này.
- Ghi nhớ cái gì?
- Ghi nhớ ngày hai đứa mình yêu nhau...
Tôi lịm người đi vì sung sướng. Hóa ra đời tôi cũng không đến nỗi đau khổ lắm.
Đêm đó, tôi làm tình lần đầu tiên kể từ ngày mất nước.
Làm tình ngay trong phòng giải trí, giữa tiếng nhạc du dương, lúc trầm bỗng, lúc dịu dàng lúc lại phừng phừng như cuồng phong bão tố...
Linh rên rĩ, oằn oại trong bàn tay người thanh niên trẻ. Nàng cho biết, lần cuối cùng nàng gần chồng cách đây đã hơn một năm.
Khi tôi làm tình xong lần thứ năm thì đồng hồ chỉ 4 giờ sáng. Và chai Martel đã vơi đi hết hơn nữa. Linh bảo tôi phải ngủ đi để mai còn lấy sức đi trình diện chủ mới. Tôi nghe lời nằm thiu thiu một lúc nhưng lại tỉnh dậy chừng 15 phút sau đó.
Lần làm tình lần thứ sáu này kéo dài cho đến sáng. Đã từ lâu, tôi chưa được yêu người đàn bà nào như Linh...
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT