Tôi muốn té ngửa bởi vì tiếng nói đằng sau lưng tôi lúc ấy là tiếng nói... bằng tiếng Việt Nam. Phải, tiếng Việt Nam với âm thanh trong trẻo rõ ràng của người miền Bắc.
Tôi giật nẩy mình xoay người lại và nhìn thấy một người đàn bà tóc đen đã đứng sau lưng tôi không biết từ lúc nào. Nàng hơi cao với một cặp dò dài và chắc nịch, bị kềm cứng trong lớp váy bó sát. Mái tóc đen huyền chảy xuống hai bờ vai một cách dịu dàng, quý phái. Ngay lúc ấy, tôi đã biết rằng nàng rất đẹp. Nụ cười của nàng vừa hóm hỉnh, vừa khêu khích, vừa mời mọc.
Tôi ngạc nhiên đến độ ngồi sửng người trên ghế, ú ớ, không biết phải mở miệng ra nói gì. Tôi có nhiều lý do để ngạc nhiên...
Trước hết, dù hồi ấy người tị nạn Việt Nam có mặt tại đất Mỹ khoảng vài trăm ngàn nhưng họ trốn đi đâu không biết, chỉ biết cái thành phố tôi ở lèo tèo không tới chục gia đình. Mỗi lần gặp người Việt Nam dù ở đâu, ai cũng cho đó là một bất ngờ đầy thích thú và luôn luôn mừng rỡ hỏi thăm nhau. Lâu quá không gặp Việt Nam, nhiều khi gặp người Tàu cũng thấy vui, cứ xí xố loạn lên.
Cái ngạc nhiên thứ hai là tôi không ngờ mình có thể gặp được một người đàn bà Việt Nam trong một chỗ ăn chơi trác táng như chỗ này. Nàng xuất thân như thế nào? Tại sao lại lọt được vào đây mà làm việc? Cái khó hiểu là nếu nàng mới sang Mỹ như tôi cách đây mấy tháng thì làm sao đủ khả năng Anh ngữ để xin vào một chỗ ăn chơi nổi tiếng như chỗ này? Nhìn cách ăn mặc, nghe tiếng nói và điệu bộ thì tôi thấy nàng rất thành thạo.
Nàng tiến đến gần tôi. Tôi vẫn còn bị á khẩu, chưa nói gì được. Tuy miệng không nói gì được nhưng mắt vẫn quan sát được. Tôi nhận ra nàng lớn tuổi hơn tôi. Không nhiều, có thể chừng năm tuổi. Đồng thời với sự khám phá đó, tôi cũng tìm thấy ra luôn một điều là sắc đẹp của nàng là một thứ sắc đẹp rất kỳ lạ. Loại sắc đẹp mà bất cứ thằng đàn ông con trai nào nhìn thấy cũng phải chảy nước miếng thèm thuồng, chỉ muốn tán tỉnh hay thò tay bốc hốt nham nhở nhưng đồng thời cũng cảm thấy e dè.
Nàng mỉm cười, đưa tay ra cho tôi bắt bằng một dáng điệu rất tự nhiên:
-Chào... cậu bé. Tôi tên là Linh, tên Việt Nam. Khách ở đây thường gọi tôi là Linda.
Mãi đến lúc ấy tôi mở miệng được, liền gật đầu, nói mau như một cái máy không kịp suy nghĩ:
-Dạ thưa... xin kính chào chị... ý quên quên... chào em. Tên anh là Trường.
May mà tôi "chữa lửa" kịp thời. Chưa gì đã mở miệng ra dạ thưa, kính chào và xưng chị với một người lạ dám gọi mình là "cậu bé" trong giây phút gặp gỡ đầu tiên.
Linh ngã người ra sau, cười ngất. Hai cặp vú hở hang tròn trịa và đầy đặn run lên từng hồi. Tiếng cười thật là tự nhiên và vô tư của những người đã có được một cuộc sống tự do thoải mái lâu năm. Đúng hơn, đây là tiếng cười của đa số phụ nữ Mỹ.
Tôi lại bị á khẩu. Tiếng cười làm cho tôi cảm thấy hơi bất mãn một chút. Mẹ kiếp, sao trên đời này lại có một thứ gái nhảy ngang tàng như thứ cô Việt Nam này? Nàng ta làm cái gì mà dám gọi mình là cậu bé. Dù sao đi nữa thì mình cũng vẫn là khách mà. Hơn nữa, mình cũng chưa hề quen biết cô ta.
-Sao cậu bé, bắt tay tôi đi chứ. Ngồi đó mà ngó sao? Chị không có ăn thịt đâu.
Tôi giật mình, sực nhớ ra "bổn phận", liền thò tay xuống bắt. Ôi, bàn tay mềm mại và dịu dàng làm sao. Đã lâu lắm rồi, tôi chưa cầm được một bàn tay nào như vậy. Tôi giữ bàn tay lâu hơn một chút, chưa muốn buông ra. Linh lại mỉm cười hóm hỉnh:
-Ơ kìa, sao giữ chặt vậy? Bộ hồi nào đến giờ chưa bao giờ được cầm tay đàn bà sao cậu bé?
Đã đến lúc tôi phải phản pháo để giữ thể diện. Nếu nàng cho rằng tôi là một cậu bé thì nàng lầm to rồi. Nhờ chút rượu trợ hứng, máu... dê trong người tôi nổi dậy. Tôi cứ giữ lấy bàn tay nàng, giở trò tán tỉnh nham nhở liền:
-Tay đàn bà thì anh đã cầm nhiều, anh còn để cho bàn tay đàn bà cầm những... chỗ khác trong người anh nữa kìa... nhưng anh chưa bao giờ cầm được một bàn tay nào mềm mại như bàn tay của em. Anh muốn bàn tay dịu dàng này sẽ mãi mãi là của anh, giữ mãi bàn tay dịu dàng này suốt đời anh, Linh ạ.
Nói xong, tôi nhe răng cười nham nhở. Linh cũng cười, đốp chát lại:
-Cậu bé còn nhỏ mà ăn nói bạo nhỉ? Con nít mới rời ghế nhà trường thì ăn nói cũng có hơi khác người lớn. Có lẽ văn chương thi phú trong người còn nhiều quá nên để nó bay tùm lum chăng? Chị không có mắc cỡ cũng không có cảm động đâu. Câu nói ấy xưa rồi. Xưa và hơi cải lương nữa.
Tôi cứng họng. Nàng nhẹ nhàng gỡ tay tôi ra. Tôi buông tay với một vẻ tiếc nuối. Không hiểu sao, dù mới gặp, tôi đã có cảm giác gần gũi nàng vô cùng mà cũng đồng thời thấy xa cách vô cùng. Gần như vợ chồng mà xa cách như trời và đất. Cảm giác này mãi về sau tôi mới hiểu.
Ông Bob nhích người sang một bên. Linh tự tay kéo ghế ngồi ngay bên cạnh tôi. Cặp đùi nàng trông thật là... chết người trong chiếc váy xẻ giữa. Ông Bob hỏi Linh gì đó rồi ngoắc bồi gọi rượu. Linh nhìn tôi, nói nhẹ nhàng:
-Đùa với anh một chút, mong anh không giận.
Không hiểu sao, chỉ với một câu nói đơn giản như vậy mà tôi từ một thằng nham nhở bỗng biến thành một con người lịch sự có thừa. Tôi mỉm cười, cũng trả lời bằng một giọng thật nhẹ nhàng, đúng điệu gentleman:
-Tôi cũng đùa với chị. Tôi tên Trường...
-Trường sơn hay trường giang?
-Trường, Nguyễn văn Trường, vậy thôi.
Rồi chúng tôi bắt đầu câu chuyện như tất cả những người Việt Nam xa quê hương gặp nhau. Nàng hỏi về tôi trước. Dĩ nhiên, nàng khỏi cần hỏi thì tôi cũng đã chuẩn bị đem cái dĩ vãng phi công của mình ra khoe. Và như thường lệ, tôi không bao giờ quên thêm thắt chút ít chi tiết cho nó thêm phần hấp dẫn. Thêm thắt vài chi tiết nhỏ thôi, như đóng lon thiếu úy thì tôi tự động thăng cấp cho mình thành đại úy, lái L-19 đầm già lẹt đẹt thì tôi sửa lại thành lái F-5 Freedom fighter cho nó có vẻ... sang trọng v.v... Lạ một điều là tôi nói thao thao như vậy mà không hề cảm thấy mắc cỡ. Nhiều khi, tôi còn vung chân múa tay y như là mình đang lái F-5 thật.
Tôi nói thao thao bất tuyệt. Nàng chỉ ngồi nghe, đôi lúc gật đầu thích thú. Nàng hỏi:
-Anh làm gì ở đây?
Tôi như chiếc tàu bay đang bay ngon lành bỗng bị kéo xuống đất, trở về với thực tại. Tôi ú ớ. Không lý đang kể chuyện lái máy bay F-5 Freedom fighter cỡi mây lướt gió ào ào rồi bây giờ lại bảo với nàng rằng bây giờ mình đang lái... máy rửa chén sao? Nhưng nàng nhanh trí lắm, biết tôi bối rối, nàng nói ngay:
-Nếu thấy bất tiện thì thôi, đừng kể. Nhưng Linh cũng phần nào đoán được anh làm gì rồi.
Nàng quay liếc nhìn ông Bob rồi nói:
-Linh quen với ông Bob lâu rồi.
Tôi thấy chua chát trong lòng. Nàng biết ông Bob là xếp nấu ăn, tôi đi theo ông Bob thì nếu không phải là dân rửa chén thì cũng chỉ là một thứ thợ phụ nấu ăn hay đúng hơn là tà lọt cho xếp. Đẹp mặt tôi thật.
Tôi đang xụ mặt thì Linh đưa tay ra nắm lấy tay tôi:
-Đừng mặc cảm, anh. Ai cũng phải bắt đầu ở một chỗ nào đó. Không ai tự dưng mà nhảy tót một cái lên mây được.
Câu này hay, làm tôi thấy đỡ tủi thân. "Không ai tự dưng mà nhảy tót một cái lên mây được." Từ đó về sau, tôi thường nhớ lại câu nói này để an ủi mình trong những khi xuống tinh thần. Tôi bắt đầu gạ chuyện nàng:
-Còn Linh thì sao? Em bắt đầu thế nào?
Linh nâng ly rượu lên uống một hớp nhỏ, lắc đầu:
-Mình nói chuyện khác được không?
-Sao vậy?
-Có những câu chuyện phải vào chờ vào lúc đúng thời điểm thì nói nghe mới hay.
Tôi thất vọng và đồng thời cũng ngạc nhiên vì cách dùng chữ của nàng. "Thời điểm" tức là một điểm nào đó trong khoảng thời gian chưa được xác định. Danh từ này thường thường chỉ có những người có trình độ học vấn cao hay đọc sách nhiều mới thường dùng.
-Vậy "thời điểm" này thì nói chuyện gì. Nói chuyện về cặp đùi của em được không? Em sinh đẻ giờ phút nào mà có cặp đùi đẹp như vậy?
Nói xong tôi cười nham nhở. Nhưng Linh không cười. Nàng cũng chẳng tỏ vẻ bất mãn. Hình như, nàng đã quá quen thuộc với những lời ăn nói xàm xở của khách. Cái làm tôi giật mình và xót ruột là ánh mắt nàng. Nó lóe lên một tia lửa buồn tủi lẫn chút bất mãn. Dù chỉ một chút thôi rồi biến đi ngay nhưng cũng gây được trong lòng tôi một chút ngậm ngùi. Sự ngậm ngùi này ngày xưa tôi cũng đã cảm thấy một vài lần nơi những khóe mắt của những em làm nghề chiêu đãi ở những bar bán rượu, những quán bia ôm. Hơn nữa, nàng chính là người vừa an ủi tôi, tôi chưa biết ơn lại chơi nàng một câu hơi tàn nhẫn.
Biết mình lỡ lời, tôi nói:
-Anh nói đùa, Linh đừng buồn anh. Bây giờ mình nói chuyện gì đây? À khoan, để anh kêu gì thêm cho em uống...
Thế là tự dưng, tôi quên hẳn về việc hỏi thăm lý lịch của nàng. Chúng tôi đang ngồi nói chuyện với nhau thì có một người ăn mặc rất sang trọng đến kéo ghế ngồi bên cạnh ông Bob. Trong tiệm rượu lúc ấy thiếu gì người ăn mặc sang trọng và lịch sự, nhưng không hiểu sao, bộ tịch và dáng điệu của người khách làm cho tôi ngờ ngợ nghĩ đến một tay anh chị mafia trong phim "Bố Già". Người khách có một người nữa cũng ăn mặt rất lịch sự đi theo, nhưng không ngồi, chỉ đứng kề kề sau lưng người khách như một thứ cận vệ. Tôi để ý bên hông trái của hắn cộm lên một cục. Mặt hắn lạnh như tiền, cặp mắt như không hề biết gì ngoài chuyện sẵn sàng giết người.
Ông Bob và người khách hình như quen biết nhau đã lâu, bắt tay nhau thân mật và sầm sì to nhỏ gì đó. Tôi thì đang bị Linh hớp hồn nên sau giây phút ngạc nhiên ban đầu, không để ý đến họ nữa. Tuy vậy, tôi cũng thấy ông Bob thỉnh thoảng gật gù cái đầu ra dáng hiểu biết. Tôi cũng không để ý đến một chi tiết nhỏ khác là ông Bob gật đầu mà cái cằm cứ bạnh ra, dường như có vẻ suy nghĩ lung lắm. Mãi sau này tôi mới hiểu cái lý do, nhưng lúc ấy thì tôi chỉ để ý đến khuôn mặt và bộ ngực no tròn của Linh thấp thoáng sau lớp vãi bó sát, căng phồng...
Có một lúc nào đó, tôi đưa tay nắm lấy tay Linh, thì thầm:
-Linh cho anh số điện thoại.
Linh lưỡng lự một lúc làm như suy nghĩ lung lắm rồi cúi đầu nói:
-Em đang ở với chồng.
-Em sạo. Em có chồng mà chồng em dám để em đi làm cái nghề này à?
Linh thở dài, nhíu mắt lại. Tôi đọc được một nổi buồn vừa dấy lên trong lòng nàng. Linh cúi đầu, rồi ngửng lên cắn môi nói:
-Mỗi người một hoàn cảnh anh Trường ạ. Hơn nữa, đối với người Mỹ, công việc mình làm không có quan trọng bằng cách sống...
Nàng nói đến đó thì ngưng vì biết rằng vừa vô tình tiết lộ cho tôi biết một chi tiết quan trọng mà nàng cố dấu lúc nãy: chồng nàng là người Mỹ. Tôi đánh thêm một câu:
-Anh đoán chắc Linh không phải là dân mới qua.
Linh lắc đầu:
-Đừng có ham mà moi móc thêm nữa mà "cậu bé..." Linh vừa nói đến đó thì tôi đã đặt lên môi nàng một cái hôn. Linh hơi lùi lại nhưng tôi ngã người tới trước, ôm ghì lấy nàng. Ở Việt Nam tôi đã quen cái thói ôm gái bia ôm rồi, giờ "thực tập" trở lại cũng chẳng thấy ngượng ngùng gì lắm.
Thật ra hôn một người con gái trong bar rượu trước mặt bao nhiêu người chẳng có hứng thú gì, tôi chỉ muốn thử phản ứng nàng chút thôi. Và tôi thấy Linh bối rối thật. Không hiểu vì nàng sợ chủ hay vì có cảm tình với tôi. Có lẽ sợ chủ thì đúng hơn vì trong bar rượu của Mỹ, khách hàng và hầu bàn không được đụng chạm xác thịt với nhau. Nhưng nghĩ lại thì không phải vì cái khoảng thời gian trời gần sáng này, chủ đã bỏ về hết rồi và ai ở trong bar cũng trở nên mệt mỏi. Ngay cả người pha rượu cũng đang mắt nhắm mắt mở, nói gì đến ai.
Linh ú ớ một lúc rồi nghiêng mặt đi, gỡ môi tôi ra. Nhưng tôi vẫn ôm cứng lấy nàng. Nàng thở hổn hển, nói vào tai tôi:
-Đừng anh, đừng... ở đây không được.
Hơi thở hào hển của nàng bên tai càng làm tăng ngọn lửa tình trong lòng tôi. Tôi giữ chặt lấy nàng hơn nữa, vít đầu nàng xuống. Lần này, Linh chống cự qua loa rồi mềm người ra.
Nhưng nụ hôn vừa mới bắt đầu cảm thấy ngọt ngào hương vị thì đã có tiếng gõ vào vai tôi:
-Đ.m. cứ ngồi đó mà hôn hít à? Đã tời giờ về rồi, mình còn nhiều chuyện phải làm...
Đó là tiếng nói của ông Bob. Tôi tiếc nuối buông Linh ra và đồng thời cũng nhận ra một điều đáng mừng là nàng cũng buông tôi ra. Kinh nghiệm cho tôi biết rằng nàng đã biết đáp ứng.
Vậy là tốt rồi.
Tôi sửa lại cổ áo rồi thò tay nâng ly bia lên uống cạn, tưởng chừng như uống hương vị của nàng. Khi đặt ly bia xuống, tôi hơi giật mình khi để ý thấy cha nội ăn mặt bảnh bao lúc nãy vẫn còn ngồi thù lù một đống bên cạnh ông Bob. Cặp mắt xanh lạnh như tiền đang nhìn tôi quan sát. Đã vậy, cái thằng đứng phía sau coi mới thấy ớn. Người ngợm gì mà coi thấy ghê quá. Cả hai cặp mắt cứ nhìn xoáy vào người tôi như tôi muốn tìm hiểu một cái gì đó.
Tôi phân vân chưa biết có nên đưa tay ra bắt hay không thì ông Bob đã giới thiệu tôi với người khách. Tôi đưa tay ra bắt. Bàn tay người ấy bắt hờ hửng, cái miệng mỏng lạnh lùng buông ra một câu:
-Gọi tôi là Mark.
-Chào ông Mark.
Rồi tôi chồm người tới, đưa tay ra tính bắt tay cái thằng đứng sau lưng ông Mark nhưng nó cứ đứng lặng yên nhìn tôi, chẳng có phản ứng gì cả. Tôi cảm thấy hơi xệ, bỏ tay xuống. Mày không bắt thì tao cũng đếch thèm. Có điều đừng thò tay và nách là được.
Ông Bob nói với Mark:
-Nó ở Việt Nam mới qua, nhưng nếu cần, nó cũng biết cách chơi lắm.
Mark chỉ gật đầu nhẹ một cái, nhìn tôi nhưng không nói gì. Chẳng tán thưởng cũng khỏi cần khách sáo. Tự nhiên, tôi cảm thấy có một cảm giác khó chịu nhưng không nói ra. Tại sao ông Bob lại bình phẩm về tôi với hai người khách lạ này? Tôi có cảm tưởng như ông Bob muốn tạo cho hai người kia một cái ấn tượng rằng tôi chỉ là một cái thứ du thử du thực hoặc là đàn em của ông ta. Dù sao thì tôi vào đây để giải trí với tư cách là bạn của ông ta mà. Tôi ngồi xuống ghế, không nói gì và quay sang Linh nói chuyện tiếp. Nhưng Linh đã đi đâu mất tiêu rồi. Tôi nhìn quanh quất kiếm nàng.
Trời lúc ấy đã gần sáng nên quán xá bây giờ vắng lắm rồi. Đó đây chỉ còn rải rác vài chiếc bàn với những ông khách quá chén. Những em bồi cũng vừa tiếp khách vừa ngáp vặt. Lão pha rượu mặc bộ đồ vét sang trọng đứng sau quầy với dáng điệu mệt mõi. Nhưng Linh "của tôi" đâu nhỉ? Mới đó mà nàng đã lặn đi đâu mất tiêu rồi.
Tôi bỗng cảm thấy buồn bã vô cùng. Ôi, cuộc đời sao lại có những cảnh "tử biệt sinh ly" dễ dàng như vầy nhỉ. Mà sao tôi lại ngớ ngẩn quá, lúc nãy không chịu khó hỏi nàng cái số điện thoại mà chỉ lo hôn hít vớ vẩn, giờ hối hận thì đã muộn. Nơi chốn này là một chỗ mắt tiền, nếu không có ông Bob rủ đi thì làm sao tôi dám dẫn xác vào đây? Thế này thì biết chừng nào tôi mới để dành được đủ tiền để trở lại đây thăm nàng. Tôi đứng xụ mặt một đống, đang ngóng cổ tìm kiếm thì lại nhận được một cú vỗ vài của ông Bob, lần này hơi mạnh:
-Gần sáng rồi, tụi mình phải đi.
Tôi giật mình quay lui và nhìn thấy ông Bob đã đứng dậy không biết từ lúc nào. Hai người khách lạ mặt cũng đã biến mất. Tôi nhìn mớ ly rượu ngổn ngang trên bàn rồi hỏi theo thói quen:
-Tiền bạc xong chưa?
Ông Bob vừa nói vừa xoay người bước đi:
-Bữa nay mình uống chùa, đã có khách trả tiền hộ rồi.
-Này ông.
-Gì?
-Cái cô người Việt Nam đó, ông có biết số điện thoại của cô ta không?
Ông Bob nhìn tôi mỉm cười:
-Mày khoái nó hả?
Tôi nhún vai, làm ra vẻ trong đời mình thiếu mẹ gì con gái:
-Không, tôi chỉ hỏi vậy thôi.
Ông Bob chỉ cười cười mà không trả lời câu hỏi của tôi. Tôi đâm ra hối hận vì câu nói phét lát của mình, nhưng không lý lại mở miệng ra hỏi lần nữa. Thế là tôi học hai tay vào túi áo vét, thề rằng trong đời mình từ này về sẽ dứt khoát bỏ đi cái tật khoét lác.
Ra khỏi cửa, bên ngoài trời đã mập mờ sáng. Tôi liền sực nhớ lại những khó khăn mà mình đã chịu từ tối hôm qua đến giờ, cộng thêm những khó khăn sắp sửa tới. Ông Bob leo lên xe rồ máy, cũng chẳng thèm mở miệng nói cho tôi biết ông sẽ tính làm gì với các thây ma đang nằm thù lù trong nhà tôi.
Ông Bob ghé một tiệm bán bánh, mua hai ly cà phê qua hệ thống cửa sổ rồi lầm lì lái xe, không nói không rằng. Chiếc xe lao vun vút đi giữa phố xá vừa bắt đầu trở nên nhộn nhịp với giờ đi làm buổi sáng.
Chẳng bao lâu, chúng tôi đã về tới chung cư mà ông Bob cũng không hề nói cho tôi biết về dự tính của ông ta. Chờ mãi không chịu được, tôi đành phải mở miệng hỏi:
-Ông tính làm gì với các xác của thằng Mike?
Ông Bob trả lời thản nhiên:
-Gọi cảnh sát.
Tôi giật nẩy mình lên nhưng người ngồi trúng phải cục than đỏ:
-Cảnh sát? Lạy chúa...
Ông Bob thắng xe, mở cửa bước xuống, đứng vặn người cho dản xương cốt. Tôi cũng mở cửa nhảy xuống, chạy sang phía ông ta:
-Ông Bob, ông muốn tôi vào tù sao?
Tôi nhìn thấy nụ cười trên môi ông ta:
-Tại sao mày lại sợ cảnh sát?
Tôi nhún vai:
-Đó là cái tật bẩm sinh của tôi. Không hiểu sao cứ thấy cảnh sát là có cảm giác ớn lạnh trong người.
Ông Bob xoay người vất cái vỏ ly cà phê vào trong xe của tôi, mồi điếu thuốc:
-Mày nói thật với tao một lần đi. Mình là dân chơi mà sao mày cứ dấu tao hoài. Có phải mày đã giết cái thằng đen đó phải không?
-Tại sao ông lại muốn biết rõ vậy? Chuyện đó có liên quan gì tới ông đâu?
Ông Bob nhún vai:
-Kể ra thì tao thấy người Á Đông chúng mày cũng lạ thật. Cái gì tụi mày cũng chỉ muốn giữ kỹ y như là một bí mật, dù là chuyện đó nhiều khi chẳng có ăn nhậu gì, như chuyện tuổi tác, chuyện vợ con v.v...
Tôi đứng yên không nói gì về lời bình phẩm. Ông Bob cũng đứng nhìn tôi một lúc rồi lắc đầu, cười:
-Tao chịu thua mày. Lì đến như mày thì tao cũng chịu thua.
-Tôi làm cái gì mà lì?
Bob lắc đầu:
-Thôi bỏ chuyện đó đi... Bây giờ nói tới chuyện cái xác chết. khi cảnh sát tới đây, mày phải nói là tao với mày đi uống rượu từ hồi tối tới bây giờ mới về. Vì mày say quá nên tao phải đưa về, khi mở cửa phòng ra thì tụi mình đã nhìn thấy cái xác chết trong phòng. Mày ráng nhớ mà khai như vậy có được không?
Tôi ngạc nhiên nói:
-Trời ơi, nếu biết là đơn giản như vậy thì tôi cần gì tôi phải gọi tới ông. Lúc nãy tôi gọi mình tôi cũng được rồi.
-Lúc nãy mày mà gọi cảnh sát thì chúng nó còng đầu mày dắt đi liền.
-Sao thế?
-Vì không có ai làm chứng cho mày cả. Bây giờ thì chẳng những có tao làm chứng cho mày đã đi chơi suốt đêm với tao, mà còn có cả một băng ở hộp đêm Bahama nữa.
Thì ra vậy. Tôi quả thật là ngớ ngẩn.
Hai người chúng tôi lên phòng. Khu chung cư này đa số là dân nhà nghèo thất nghiệp cho nên buổi sáng thường vắng lặng. Chỉ có buổi chiều, buổi tối là đông.
Đứng trước cửa phòng, tôi vừa móc chìa khóa tra vào ổ thì ông Bob đẩy tôi ra, nói:
-Phòng mày từ lúc ra đi có người vào.
Tôi giật mình:
-Từ lúc nào, sao ông biết?
Ông Bob chỉ vào một miếng giấy nhỏ chỉ bằng một nửa cái móng tay nằm dưới đất, cười:
-Trước khi ra đi, tao đã nghĩ rằng nó sẽ trở lại. Tao chỉ muốn thử lại bài toán thôi...
Nói xong ông dằn lấy chìa khóa trong tay tôi:
-Tao sợ rằng bây giờ cái xác trong nhà mày cũng đã biến mất tiêu rồi.
Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì cả. Ông Bob vặn chìa khóa, đẩy cửa bước vào. Tôi ngạc nhiên đến độ muốn rú lên một tiếng: cái xác thằng Mike đã không cánh mà bay. Tôi thò tay bật đèn lên. Cả mấy tấm ra máu me tùm lum cũng biến mất luôn.
Thế này thì lạ thật. Ông Bob quan sát một lúc rồi nói:
-Đ.m. tao dám chắc với mày là thằng Jay đã trở lại đây.
Tôi nói theo sự nhận xét của mình:
-Nếu nó trở lại, không phải là một mình nó mà có ít nhất vài đứa nữa.
Ông Bob quay nhìn tôi, có vẻ hơi ngạc nhiên:
-Sao mày biết?
-Một mình nó thì nó không thể dọn dẹp nhà tôi sạch sẽ như vậy. Ông coi xem, ngay cả sàn nhà cũng được lau chùi. Cái tôi không hiểu là nó làm vậy để làm gì? Tại sao nó lại kéo xác thằng Mike lên phòng tôi rồi lại trở lại khiêng cái xác đi?
-Cái đó tao cũng chịu.
Ông Bob đứng giữa nhà suy tư và trầm ngâm một lúc rồi nói:
-Theo tao thì như thế này. Lúc nãy tao vào đây nó có nhìn thấy. Mày biết những thằng biệt kích chuyên môn đi phục kích Việt cộng ở Việt Nam không phải là những thằng hiền hay là bỏ cuộc dễ dàng. Theo tao nghĩ thì nếu tao là nó, tao sẽ bỏ đi nhưng chừng nửa tiếng sau thì trở lại ngay. Và nếu tao trở lại ngay trong vòng nửa tiếng đồng hồ như binh pháp của biệt kích dạy thì làm sao mày thoát nổi tay tao?
Tôi nhớ lại chuyện thằng Jay kể về việc đi phục kích Việt cộng ngày xưa mà cảm thấy nổi gai gốc trong người. Đ.m. Việt cộng còn thoát không nổi nó thì làm sao tôi thoát nổi? Hơn nữa, nơi đây mới chính là giang sơn của nói.
-Nhưng tại sao nó không xông vào đây mà giết tôi?
Ông Bob nhún vai:
-Có thể là cái số mày chưa chết. Đúng hơn là sau khi bỏ đi, nó nghe lén điện thoại của mày và biết tao sắp tới nên không dám ra tay.
-Ông có biết thằng Jay à? Tại sao nó lại sợ ông?
Chuyện này thì ông Bob chỉ cười cười, không nói gì.
-Nhưng tại sao nó lại kéo xác thằng Mike đi? Cái này thì tôi chịu.
Ông Bob đưa tay lên vuốt mũi:
-Có lẽ nó đoán biết việc tao sẽ làm là gọi cảnh sát nên nó thanh toán cái xác đi.
Tôi vẫn như còn ở trong mê hồn trận:
-Tại sao nó lại sợ cảnh sát đến như vậy? Cảnh sát đâu có thèm để để ý tới một thằng da đen nghiện hút bị bắn mà nó lại lo. Ông thấy đó, thằng Rao chết thê thảm như vậy mà có ai thèm thắc mắc hay điều tra đâu?
Ông Bob lắc đầu, dường như đang để ý quan sát mấy chi tiết gì đó trên giường nên nói:
-Tao không biết nhưng theo sự suy nghĩ của tao thì chúng nó có buôn bán bạch phiến ở đây. Và bọn buôn bạch phiến thì rất sợ cảnh sát. Sau cái màn đùa giai ban đầu, suy nghĩ lại thì có lẽ chúng nó sợ cảnh sát tới điều tra thì sẽ lòi ra tùm lum nên nó mới cất xác đi.
Có lý. Tôi đi một vòng chung quanh phòng mình để xem xét. Vừa quan sát tôi vừa cảm thấy giận mình. Đời tôi hình như mỗi lúc một rớt sâu xuống cái thế giới mà tôi chẳng muốn ở chút nào. Tôi không biết tương lai rồi đây sẽ như thế nào nhưng tôi mơ hồ mường tượng ra rằng nó sẽ không êm đềm như mấy tháng trời làm người Vietnamese refugee vừa qua. Quả thật, nếu hồi ấy tôi nghe lời ông Bob, cho thằng Rao 25 xu thì đời tôi đâu có phải trải qua những giây phút khốn nạn như thế này. Cứ nhớ đến cảnh chúng nó khiêng ra khiêng vô cái xác trong nhà tôi là tôi thấy người muốn nổi gai ốc. Chỗ ở của một người, dù người ấy là dân tị nạn da vàng hèn kém như tôi hay là gì đi nữa thì vẫn phải là cái chỗ quan trọng nhất, bất khả xâm nhập nhất. Thế mà căn phòng của tôi, cái tổ ấm nhỏ nhoi nghèo nàn này ai muốn vào thì vào, ai muốn kéo xác chết vào đây thì kéo mà tôi hoàn toàn không có khả năng gì để bảo vệ thì quả thật là một chuyện khó tin mà có thật.
Suốt một đêm thức trắng với bao nhiêu là biến cố dồn dập đã làm cho người tôi thấm mệt, nhưng tôi đã cố gắng vì nghĩ rằng khi về đến nhà, tôi và ông Bob chỉ cần khiêng cái xác chết của thằng Mike thì yên hết mọi chuyện, hóa ra bây giờ lại đứng trước một hoàn cảnh khó khăn mới, hoàn toàn khác lạ và đầy thử thách. Trước thi ra khỏi nhà, tôi đã khóa cửa cẩn thận mà chúng nó còn vào được như chốn không người thì cái nhà này đâu còn phải là một nơi chốn an toàn cho tôi nữa. Tự nhiên, tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng, không muốn suy nghĩ gì thêm nữa.
Tôi bước ra ngồi nơi cái ghế xa lông. Nhưng vừa ngồi xuống thì sực nghĩ ra một chuyện... Tôi ngồi bật dậy như ngồi trúng ổ kiến lửa và hốt hoảng chạy tới bên giường, thò tay xuống giữa hai tấm nệm mò mẩm tìm cây súng. Vừa mò mẩm vừa tự giận mình vì lúc nãy đã ngu dại không đem cây súng theo.
Quái lạ, cây súng nhét chỗ này mà sao sờ soạng mãi không ra. Bực quá, tôi đưa tay hất tung tấm nệm lên, cũng chẳng thấy cây P. 38 yêu quí đâu. Tôi tỉnh cả người, tái cả mặt lại. Đ.m. cây súng giết người này mà lọt vào tay cảnh sát thì đời tôi sẽ chấm dứt trên ghế điện. Nếu không lên ghế điện thì cũng có thể tống tiền được tôi. Có gì đâu, nó chỉ cần gọi điện thoại tới, nói rằng tao có giữ cây súng giết người của mày trong tay đây thì biểu gì tôi lại chẳng dám làm? Ý nghĩ này làm trán tôi toát mồ hôi lạnh.
Tôi nhìn quanh quất với ý nghĩ kinh khiếp trong đầu. À, hay là cây súng mình cất trong tủ quần áo? Dù biết rằng mình chỉ lừa dối mình vì tôi không bao giờ để súng ở đó nhưng tôi vẫn hy vọng như vậy. Con người khi tuyệt vọng thường có những cái tư tưởng ngu dốt như vậy. Tôi chạy tới kéo tung hết mấy cái học tủ ra. Dĩ nhiên, cũng chẳng thấy súng yêu quí đâu cả.
Tôi sợ quá, sợ đến độ nước mắt muốn chảy ra. Không ngờ cuộc đời của người phi công tị nạn lại chấm dứt trên ghế điện của thành phố Kansas City. Hay là lúc nãy đi tắm, tôi bỏ quên nó trong phòng tắm, tôi lại nghĩ. Dù cũng biết rằng mình chỉ tự dối lòng mình thêm lần nữa nhưng tôi vẫn xông vào phòng tắm.
Dĩ nhiên, làm chó gì có súng trong đó mà kiếm. Tuy không có súng nhưng tôi khám phá ra một chuyện động trời, liền la lên:
-Ông Bob, ông Bob, vào đây gấp tôi cho... ngửi cái này...
-Gì đó mày?
-Tôi biết thằng Jay vừa vào nhà này.
Giọng ông Bob vẫn tỉnh bơ, coi cái chuyện khám phá của tôi chẳng ra gì cả:
-Tao cần gì phải vào. Tao đã nói với mày là thằng Jay ngay từ lúc nãy mà.
-Nhưng tôi muốn xác nhận với ông điều đó. Lẹ lẹ lên, không thì hết mùi.
Có lẽ thấy tôi hối thúc quá, ông Bob cũng miễn cưỡng đi vào phòng tắm. Ông nhìn trên nhìn dưới rồi hỏi:
-Sao mày dám chắc?
-Ông có ngửi được cái mùi của nó không? Cái mùi... hôi nách. Đúng là cái mùi của nó.
Ông Bob khịt khịt hai lỗ mũi rồi phì cười:
-Mày nói đúng thật. Tụi da đen nó có cái mùi kỳ lạ lắm. Nhưng mình đã biết nó là ai rồi thì khỏi cần nữa.
Ông bỏ ra ngoài. Tôi đi theo, có vẻ hơi tiu nghĩu. Chuyện cây súng lại trở về ám ảnh tôi và tôi quyết định nói ông Bob:
-Ông Bob.
-Cái gì?
-Cây súng của tôi bị chúng nó lấy mất rồi.
Đang đi trước tôi, ông Bob bỗng dừng hẳn lại, nói mà không thèm nhìn lui:
-Mày nói cái gì?
-Tôi nói... cây súng tôi bị chúng nó lấy mất rồi.
Ông Bob quay lui, mặt nghiêm nghị:
-Đó có phải là cây súng đã bắn chết thằng Rao không?
Biết rằng không thể chối được nữa, tôi gật đầu:
-Phải.
Ông Bob lắc đầu mấy cái rồi thả người ngồi xuống ghế một cái. Xem ra ông có vẻ rất lo lắng. Lo lắng y như khẩu súng đó là khẩu súng của ông vậy. Ông mồi một điếu thuốc, thỉnh thoảng cứ lắc đầu mấy cái.
Một lúc sau, ông nhìn đồng hồ, nhìn tôi rồi nói:
-Đã gần đến giờ đi làm rồi nhưng mày cần ngủ một giấc.
Tôi không nói gì, nghĩ tới một ngày lao động dài hun hút đang chờ trước mặt. Nhưng ông Bob đã nói:
-Tao thức quen rồi không sao. Để tao cho mày ăn lương ngày hôm nay, tao sẽ vào sở bấm thẻ cho mày.
Tôi không tin được hai lỗ tai mình:
-Ông làm vậy được à?
-Sao không, đừng quên rằng tao là xếp nhà bếp. Đưa chìa khóa xe mày cho tao.
Tôi lại ngạc nhiên:
-Chìa khóa xe tôi, để làm gì?
-Mày chậm hiểu quá. Để tao lái xe mày đi. Mày cứ nằm im trong này ngủ một giấc lấy lại sức, chiều nay tao trở ra đón mày. Tao sẽ đem lại cho mày tấm nệm khác để ngủ. Tấm này máu me không coi ghê quá. Tụi mình có nhiều chuyện cần phải làm.
-Tại sao ông lại muốn lái xe tôi đi?
Ông Bob cười:
-Đơn giản lắm, vì tao không muốn chúng nó xông vào đây lúc mày đang ngủ mà bắn mày chết tươi. Tao lái xe mày đi, chúng nó sẽ tưởng mày đi làm, sẽ để mày yên. Chiều tao về mình sẽ lập kế hoạch đối phó...
Tôi phải nhìn nhận, ông Bob cao kiến và đởm lượt hơn tôi nhiều. Dân cựu chiến binh Việt Nam có khác. Ông lại nói:
-Nhưng khoan đã, tao phải đề phòng trường hợp chúng nó bất ngờ xông vào đây... Mày đi theo tao...
Lại đi đâu đây không biết?
Tưởng đi đâu, lại hóa ra đi xuống xe ông Bob. Ông vừa mở cốp chiếc xe Mustang vừa hỏi:
-Hồi xưa tới giờ mày có xài lựu đạn lần nào chưa?
Tôi nhớ một vụ ném lựu đạn hồi tôi còn ở lính...
Hồi đó ở biệt đội Quảng Đức, bọn phi công chúng tôi có nhiều thì giờ rảnh nên hay xách xe đi chơi đó đây. Một ngày, không biết ai xin được mấy trái lựu đạn, chúng tôi quyết định đi ném cá. Tim được một địa điểm lý tưởng, ba bốn ông phi công rình rình đi tới khúc sông, rút lựu đạn ra ném cái tỏm xuống sông rồi nằm bẹp dí xuống đất, chỉ sợ mảnh lựu đạn nó nổ xuyên qua nước trúng mình. Một người đếm: "Này một, này hai, này ba..."
Nhưng đếm tới "này mười lăm, này mười sáu " mà vẫn chưa ai nghe được tiếng nổ kinh khiếp đang mong đợi. Một người chửi: "Đ.m. lựu đạn thúi..." Tuy chửi vậy nhưng cũng chẳng có ai dám đứng lên, chỉ sợ nó nổ bất ngờ. Người kia vẫn nằm yên, đầu ép sát xuống đất và kiên nhẫn đếm mãi cho đến "Này một trăm" thì mới giật mình nói luôn: "Đ.m. tao quên mở chốt lựu đạn thì làm sao nó nổ được..."
Thế là được một trận cười nhưng tình hình bây giờ khác xưa ngày xưa rồi. Tôi nói:
-Tôi có học ném lựu đạn ở trường bộ binh Thủ Đức, nhưng chưa ném lần nào. Ông biết, tụi tui là phi công mà...
Ông Bob lấy trong xe ra đưa cho tôi một cái bọc ni-lông khá nặng:
-Bốn quả mini trong đó. Lên đây tao chỉ cho cách gài.
Nghe tới lựu đạn mini là tôi tự động thấy muốn lạnh người. Quả thật, trong tất cả mọi loại khí giới của chiến tranh, không có thứ nào nguy hiểm bằng lựu đạn. Nó nguy hiểm ở chỗ, nếu mình ném người ta mà lựu đạn chưa kịp nổ thì người ta sẽ chụp rồi ném lại mình. Cái trò này lính bộ binh đánh giặc làm rất thường nhưng phi công như bọn tôi thì rất kỵ.
Nhưng ngọn dao đã phóng đi, không thể không theo. Tôi cũng đành phải làm quen với thứ khí giới chết người này thôi. Tôi nhìn ông Bob nói:
-Ông Bob, hiện giờ tôi có một giấc mơ lớn lắm, ông biết là gì không?
-Không.
-Tôi mơ ước rằng nếu được sống lại cách đây một tháng, chẳng những tôi đã nộp cho thằng Rao 25 xu mà còn đưa nó luôn 25 đồng. Đưa xong tôi còn quỳ xuống mà lạy nó nữa... Tôi nói thật đấy.
Ông Bob đóng cốp xe, cười hì hì và vỗ vai tôi:
-Mr. Le, cuộc đời mình, có nhiều chuyện xảy ra, mình không thể nào ngờ trước, mình không hề muốn mà nó vẫn cứ xảy ra. Cuộc đời là như vậy...
Chúng tôi trở lại phòng. Ông Bob bảo tôi đặt cái túi lên bàn, rồi móc tay ra lấy một mớ giây điện nhỏ. Mỗi sợi chỉ dài chừng một tấc tay thôi, nhưng có đủ màu.
Ông cắt nghĩa cho tôi:
-Đây là tao chỉ tính kỹ thôi, tao không nghĩ là tụi nó sẽ vào đây để kiếm mày, nhưng nếu chúng nó vào, lựu đạn sẽ nổ.
Tôi lại giật mình:
-Ông nói chuyện lựu đạn nổ mà như người ta nói chuyện chơi...
-Không chơi đâu Trường ạ. Rồi mày sẽ thấy. Này nhé, trước hết, mày thấy trái lựu đạn này không... Cầm lên thử coi.
Tôi cầm trái lựu đạn lên. Ông Bob nói:
-Mày thấy cái khoen này không? Nắm cái thìa và giựt mạnh ra một cái. Trước khi ném, mày bung cái thìa ra là phải ném liền. Trong vòng 2 giây đồng hồ, mày không ném nó đi thì con người mày sẽ thành một... đống thịt...
-Nhưng ném vào ai? Ném trong trường hợp nào?
-Chuyện đó tao sẽ nói sau. Bây giờ mày thực tập thử coi.. Đừng có rút thật mà tao với mày sẽ trở thành hai đống thịt... Rồi... ném... từ từ... cứ tưởng tượng thôi... Đ.m. làm đếch gì mà tay chân run lập cập như là sắp chết vậy...
Trong vòng hai phút đồng hồ, tôi "tốt nghiệp" khóa ném lựu đạn. Ông Bob lại nói:
-Bây giờ tới bài học thứ hai, bài gài lựu đạn. Lựu đạn này có bốn cách gài như sau... Trước hết, trong trường hợp của mày thì tao sẽ chỉ cho mày cách gài bằng giây điện. Này nhé, mày cắm sợi giây này vào chỗ này, sợi kia bắt vào đường giây điện thoại... ấy từ từ, mày nhét mạnh quá, nó ùm lên một cái thì tao với mày thành hai đống thịt bây giờ...
Đại khái cứ như thế, chỉ trong vòng không tới 10 phút đồng hồ, tôi tốt nghiệp luôn khóa "gài lựu đạn". Ông Bob lại nói:
-Thằng phi công này học mau, hèn gì người ta cho mày lái máy bay cũng phải. Bây giờ mình nói tới trường hợp khi nào thì ném, và ném như thế nào...
Ông Bob lại nói thêm một thôi nữa rồi kết luận:
-Nhưng tao làm vậy là chỉ lo xa một chút mà thôi. Khi tao ra khỏi đây thì mày cứ nằm ngủ thẳng cẳng. Sẽ không có đứa nào tới phá đám mày đâu mà lo. Nếu có phá đám thì ít nhất phải là vài ngày nữa...
Dù đã được chỉ bảo nhưng tôi vẫn không thích mấy trái lựu đạn lắm. Tôi hỏi:
-Ông cho tôi mượn cây súng được không?
Ông Bob lắc đầu:
-Chiều này mày muốn thứ đồ chơi gì thì cũng có hết, nhưng bây giờ thì chưa.
Ông Bob mở nước rô bi nê, cúi đầu xuống rửa mặt:
-Mày còn có gì muốn hỏi tao không?
-Có! Chuyện cây súng bị mất của tôi như thế nào, ông có giúp tôi được không? Nói thật với ông, không tìm thấy nó thì tôi chắc phải... bỏ về Việt Nam.
Ông Bob cầm lấy bàn chải đánh răng của tôi, điềm nhiêm xịt kem đánh răng vào y như đó là bàn chãi của ông vậy:
-Tao đang suy nghĩ, chiều nay trở về tao sẽ nói cho mày biết. Tao nghĩ rằng mình còn có rất nhiều chuyện để làm... Vậy mà cũng hay...
"Vậy mà cũng hay..." tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi ý nghĩa câu nói này. Tôi hỏi ông ta câu chót, câu hỏi mà tôi nghĩ là quan trọng nhất suốt từ hồi tối đến giờ:
-Ông Bob, tại sao ông giúp tôi?
-Mày hỏi khôn. Tao giúp mày bởi vì tao biết mày cũng có thể giúp tao được. Tao cần một người như mày.
Trời ạ, thế mà từ lúc gặp nhau đến giờ, tôi vẫn tưởng là ông ta tốt với tôi. Tôi nói:
-Tôi tưởng ông giúp tôi là vì tôi là người Vietnamese tị nạn chứ.
Ông Bob vừa thở nước phì phì xuống phía dưới vừa trả lời:
-Dĩ nhiên, là một người từng đánh giặc ở Việt Nam thì tao phải có cảm tình với mày và phải giúp mày rồi. Chuyện này tao đã làm trong nhà bếp... Nhưng mày không phải là người Vietnamese... bình thường như người ta. Mày là một thằng Vietnamese đặc biệt... Mày phải được đối xử một cách đặc biệt...
-Tôi làm gì mà đặc biệt?
-Mày đã dám giết người. Và tao đang cần một thằng dám giết người để phụ tao.
Tôi thở dài lên một tiếng thật là thảm não:
-Ông hiểu lầm tôi rồi. Tôi xuất thân đâu phải là một dân anh chị. Tôi là một phi công Việt Nam. Chuyện tôi giết người chỉ là việc bất đắc dĩ... Tôi quả thật đã hối hận... Tôi là người tị nạn Việt Nam, tôi không muốn chết như là một tay găng tơ mafia của Hoa Kỳ. Tôi nói thật, tôi hoàn toàn không có ý định đó.
Ông Bob treo cái bàn chải đánh răng của tôi lên giá, nhìn nó phê bình:
-Tao nghĩ mày nên mua cái bàn chải đánh răng mới. Bên Mỹ này người ta cứ 6 tháng thì thay bàn chải đánh răng một lần...
Nhưng tôi không có thì giờ và cũng không muốn bàn về chuyện bàn chãi đánh răng. Tôi nói:
-Ông giúp tôi, tôi cám ơn, nhưng tôi thật lòng không muốn và không bao giờ muốn sống một cuộc đời như ông. Tôi chỉ muốn đi làm để dành tiền rồi mua xe, rồi đi học, rồi tiến thân trong cuộc sống mới này. Ông đừng quên, tôi chỉ là một anh tị nạn da vàng, tôi hoàn toàn không có tham vọng gì cả...
Ông Bob lấy khăn lau mặt, cũng tự nhiên như lúc nãy ông ta sử dụng bàn chãi đánh răng của tôi:
-Mày đừng lo chuyện đó. Mày giúp tao xong chuyến này mày sẽ có một mới tiền khá bộn, sau đó mày muốn đi đâu thì đi, tao không cần biết tới.
-Nhưng mà giúp chuyện gì?
Ông Bob lắc đầu:
-Đừng có lo. Tao với mày sẽ làm được. Và mày sẽ cảm thấy may mắn là đã cộng tác với tao... Bây giờ tao đi làm. Mày cứ nằm nhà ngủ để lấy lại sức. Đừng quên tối nay tụi mình sẽ có nhiều việc làm. Nhờ đừng trả lời điện thoại, đừng mở cửa cho bất cứ ai vào nhà... Ráng đừng ra khỏi nhà, chiều tao tới tao sẽ chở mày đi ăn. À, còn cái này nữa mà tao quên, mày ráng mua cái khăn mặt mới đi, khăn gì mà cũ quá rồi, tao lau ướt hết cái khăn mà mặt tao cũng không khô được. Bên Mỹ này, người ta cũng thay khăn mặt mỗi 6 tháng một lần...
Rồi ông mở cửa, bước ra khỏi nhà, khóa lại. Tôi đem một trái lựu đạn bỏ dưới gối rồi quăng đại một tấm ra lên cái ghế sô pha, phóng mình lên đó. Giày dép cũng khỏi cần cởi ra làm chi cho mất công. Suốt một đêm thức trắng, nằm chưa được bao lâu thì tôi đã ngủ say như chết...
Lạ một điều là sau biến cố bất ngờ như vậy, tôi lại nằm mơ thấy Linh. Tôi thấy tôi lái một chiếc tàu thủy chạy vun vút giữa đại dương, Linh đứng bên cạnh tôi, nhìn ra xa xăm. Đôi mắt nàng hoang dại như đôi mắt của một người đến từ một tinh cầu xa lạ, hoàn toàn ngây thơ và khác lạ với cái thế giới này. Nhưng tôi không để ý nhiều đến đôi mắt. Tôi để ý đến bộ đồ tắm hai mảnh nàng đang mặc. Vú nàng cao, to và đều đặn. Cặp đùi nàng thon, dài. Tôi đang lái tàu ngon lành nhưng chỉ được một lúc thì con lợn lòng trong người lại nổi dậy. Thế là tôi bỏ cả con tàu, từ từ tiến tới phía nàng. Hai đứa chúng tôi ngồi xuống nói chuyện bên nhau. Dĩ nhiên, cuộc nói chuyện không thể kéo dài lâu được. Hai đứa chúng tôi nằm dài trên khoang thuyền, hôn hít và sờ soạng lẫn nhau...
Tuy mùi mẩn như vậy nhưng tôi tỉnh dậy ngay khi nghe mấy tiếng gõ đập nhẹ nơi cánh cửa. Một tay tôi luồn ngay dưới gối rút lựu đạn ra cầm tay và chờ đợi. Ông Bob có nói với tôi rằng nếu ông trở về, ông sẽ gõ cửa ba lần. Mỗi lần 3 tiếng đều đặn "cạch... cạch... cạch..."
Tôi không biết phản ứng gì, chỉ biết nín thở chờ đợi, để ý thấy bàn tay cầm trái lựu đạn run lên bần bật. Mãi đến lúc ấy tôi mới nghĩ ra một điều là trong một căn phòng chung cư nhỏ như thế này, lựu đạn ném ra nếu giết được kẻ thủ thì mình chắc cũng chết chùm theo luôn.
May quá, tiếng gõ cửa đúng là của ông Bob. Tôi liếc nhìn đồng hồ và nhận ra lúc ấy là đã 5 giờ chiều. Vậy là tôi đã ngủ một giấc hơn 8 tiếng đồng hồ...
Tôi ra mở cửa. Như lời hứa, ông Bob có đem theo cho tôi một tấm nệm mới. Chúng tôi khiêng tấm nệm cũ dính đầy máu đem vất vào thùng rác rồi bỏ nệm mới vào. Nửa tiếng sau, tôi ngồi bên cạnh ông Bob trên chiếc xe của tôi. Tôi không hiểu tại sao ông không đi xe của ông mà lại đi chiếc xe cà tàng của tôi nhưng tôi không hỏi. Tôi biết rằng ông Bob luôn luôn có lý do riêng. Một lúc, ông Bob nói:
-Chiếc xe cà tàng này của mày, cũng giống như cái bàn chãi đánh răng của mày, sau vụ này thì mày nên thay đi là vừa. Người Mỹ trung bình thay xe mới mỗi sáu tháng một lần...
Hình như ông Bob này có vẻ rất hãnh diện làm người Mỹ. Cái gì cũng phải đem "người Mỹ" ra để nói chuyện với thiên hạ. Và tôi lại chợt nhớ thêm một chuyện là, hình như, trong bất cứ một quốc gia nào cũng vậy, thành phần ở trong quân đội là thành phần yêu nước nhiều hơn cả.
Tôi ngồi im không nói gì, cũng không thèm hỏi ông Bob sẽ chở tôi đi đâu với chiếc xe thổ tả này của tôi. Có một điều tôi để ý là chiếc xe của tôi không thể đi xa được. Cứ mỗi lần muốn đi thăm ai xa, tôi phải đem theo vài ga-lông nước để chuẩn bị đổ mỗi khi thấy đồng hồ chỉ nhiệt độ chỉ cao. Chuyện này làm thét rồi quen đi, tôi không bao giờ để ý tới mãi cho đến hôm nay. Chiếc xe chạy đã gần một tiếng đồng hồ rồi mà đèn báo hiệu máy nóng vẫn không bật lên.
Ông Bob lái xe, dường như biết đến sự suy nghĩ của tôi liền cười nói:
-Chiếc xe thổ tả này sáng nay tao phải gọi cho thợ máy đến kéo về sửa lại hết cho mày.
Tôi trợn mắt lên:
-Sửa lại hết?
-Đúng. Kể từ giây phút này, mày khỏi phải lo chuyện gì hết. Máy mới, bình điện mới, thắng mới. Xe này ít nhất cũng chạy được khoảng 1 năm nữa. Mày nên nhớ, người Mỹ trung bình thay xe mới mỗi 3 năm một lần...
Lại chuyện cứ mỗi tháng hay mấy năm của người Mỹ... Nhưng tôi quả tình không ngờ ông Bob lại bỏ tiền ra sửa lại chiếc xe thổ ta cho tôi. Đã có một lần, tôi đem chiếc xe thổ tả của mình tới một xe hơi để cho họ làm bản ước lượng những gì cần sửa chữa. Hồi đó mùa đông gần tới và tôi đang lo sợ. Sau khi bắt tôi chờ khoảng nửa ngày trời, ông thợ máy đi vào nhìn tôi, lắc đầu cái kiểu "thợ máy chê". Tôi nhớ mãi, ông già ngồi xuống bên tôi, giọng như của người cha khuyên người con:
-Mày biết rằng làm nghề thợ máy như tao thì rất ham sửa xe để kiếm tiền. Xe càng hư nhiều thì tao càng khoái...
Ông ngừng ở đó, hút một hơi thuốc lá rồi tiếp. Giọng có vẻ hơi... đau khổ:
-Tuy nhiên, chiếc xe của mày, tao nói thật, mày nên gởi nó vào nghĩa địa và kiếm một chiếc xe mới mà mua. Nó không đáng để sửa nữa.
Mãi sau này tôi mới hiểu lời nói đó là do bởi cái tính thực thà và không muốn phí thời giờ của ông thợ máy, và cũng có thể ông ta đoán được ra rằng nếu sửa cho tôi thì chưa chắc tôi đã có tiền mà lấy xe. Nhưng câu nói đó đối với tôi lúc ấy lại làm cho tôi bị mặc cảm nặng nề. Cái mặc cảm mà sau này nghĩ lại tôi mới thấy là lố bịch. Chẳng qua là vì suốt đời tôi chưa hề làm chủ một chiếc xế hộp, nay vừa mới sang Mỹ, được làm chủ chiếc xe mà bị người ta khuyên cho một câu như vậy thì tôi đau khổ lắm. Tôi nói bướng:
-Nhưng ông cho tôi một cái bảng dự tính sửa chửa đi, tôi muốn sửa chiếc xe này.
Tôi biết rằng tôi nói dối, và hình như người thợ máy cũng biết rằng tôi nói dối nhưng ông vẫn kiên nhẫn bỏ đi vào trong. Nửa tiếng sau ông trở ra với cái tờ ước lượng vào khoảng 5 ngàn đô la với đủ các thứ tiết mục cần phải thay thế, từ cái máy cho tới hộp số, thậm chí cái trục bánh phía sau cũng cần phải bỏ đi. Tôi nhớ hồi đó giá tiền một chiếc xe mới tinh chỉ có khoảng 5 ngàn. Và một chiếc xe cũ chạy ngon lành giá chỉ trên dưới 1 ngàn đồng...
Bây giờ tự nhiên nghe nói chiếc xe tôi thay thế hầu như gần hết thì tôi ngạc nhiên hỏi:
-Trong vòng một ngày mà thợ máy thay đầu máy được à?
Ông Bob cười:
-Một ngày là lâu. Thợ máy của tao chỉ cần 3 tiếng đồng hồ là tháo một cái máy, sửa rồi lắp nó lại và còn có thì giờ uống cà phê lai ra trong khi làm việc nữa.
Sau này tôi mới biết là ông Bob nói thật chứ không nói giỡn. Tôi hỏi:
-Thế thì tôi thiếu ông bao nhiêu tiền?
Ông Bob cười:
-Không tốn mày đồng nào hết. Thằng chủ tiệm xe cũng là dân TQLC. Nó là bạn tao.
-Nhưng tại sao ông lại sửa xe cho tôi?
Ông Bob mồi điếu thuốc:
-Thực ra, tao sửa xe cho mày mà cũng như sửa xe... cho tao. Công việc mà mày sắp làm đòi hỏi mày cần có một chiếc xe ngon lành.
Ông Bob chắc lưỡi rồi nói tiếp:
-Bởi vì nếu xe không ngon thì hoặc mày sẽ chết hoặc sẽ tàn đời trong khám đường liên bang.
Tôi lạnh mình. Lạnh mình nhưng đồng thời cũng biết mình không còn lối thoát nào khác hơn. Cây súng giết người của tôi vẫn còn nằm trong tay thằng Jay. Nó chỉ cần gọi một cú điện thoại là đời tôi tàn.
-Mình đi đâu đây?
Ông Bob bận điều chỉnh cái radio, không trả lời tôi. Một lúc sau chiếc xe quẹo vào một khu sang trọng, hình như là một cái club nào đó. Chúng tôi đậu xe ở bãi, ông Bob mở cốp xách theo một cái bị rồi chúng tôi đi vào. Mãi cho đến lúc bước vào trong và nhìn thấy súng ống bày ngổn ngan, tôi mới biết là mình vừa bước vào một cái club của dân tập bắn súng.
Người Mỹ làm chuyện gì cũng đến nơi đến chốn. Cái bãi tập bắn súng này sang trọng và trang hoàng y hệt một phi đoàn Không Quân Mỹ. Phía ngoài thì cỏ cắt thật sát, vòi phun nước đẹp như tranh vẽ. Bên trong thì tường và sàn nhà đánh bóng tưng, các cô thư ký trẻ đẹp tóc vàng tươi cười duyên dáng tiếp khách. Giờ này là giờ tan sở cho nên khách khứa cũng hơi nhiều.
Chúng tôi xếp hàng và khi đến phiên, ông Bob móc cái thẻ đưa cho cô thư ký. Cô ta đưa cho mỗi người chúng tôi một cái "headset" để che tai mới tinh và nói:
-Chúc hai ông có một buổi chiều vui vẻ.
Dĩ nhiên là phải vui rồi, tôi nghĩ thầm trong lòng như vậy vì hai lý do. Trước hết là đã lâu tôi chưa được bắn súng. Thứ hai là ông Bob chưa hề biết tôi là một tay thiện xạ trời cho. Tôi sẽ làm cho ông ta ngạc nhiên.
Ông Bob làm dấu cho chúng tôi đeo ống chống âm thanh vào rồi bảo:
-Vào trong đó, tụi mình nói chuyện... bằng tay.
Lần đầu tiên tôi bước vào một trường bắn súng của Mỹ nên cái gì cũng làm cho tôi ngạc nhiên. Trước mặt tôi là một căn phòng có thể là gấp chục lần lớn hơn những cái sân vận động đá banh ở Việt Nam. Thảm trải kín từ đầu này đến đầu kia. Căn phòng được chia ra thành nhiều đường bắn dài, mỗi khách hàng chiếm cứ một đường. Dĩ nhiên, ở mỗi cuối con đường bắn là bia. Bia bắn gồm có 3, 4 loại, được điều khiển bằng nút bấm điện tử ở đầu bên này. Bó loại bia bấm một cái thì hình người bật lên, loại khác thì hình tròn có tâm ở giữa, có loại bia hình con cọp, con nai cho những tay thợ săn. Hay một cái là mình có thể điều chỉnh bia chạy xa chạy gần theo ý muốn. Sau khi bắn xong, mình có thể cho bia chạy tới ngay trước mặt mình để xem kết quả.
Chọn một đường bắn xa nhất, ông Bob bắt đầu dở thùng đồ nghề của mình ra. Tôi đứng chờ để ông đưa cho tôi một cây nhưng ông không nói gì, chỉ lấy một cây súng từa tựa giống như cây Colt .45 của quân đội ở Việt Nam rồi kề miệng vào tai tôi, nói mà như hét:
-Tao biết mày bắn thằng Rao bằng P. 38 nhưng cây súng đó xưa rồi. Bây giờ người ta xài loại 9 mm. Loại súng này có hai cái lợi: thứ nhất là sức tàn phá của nó cũng khủng khiếp không thua gì cây Magnum, thứ hai là gắp đạn nó có tới 14 viên lận, thứ ba là nó gọn gàng và nhẹ nhàng, và cuối cùng là nó bắn rất chính xác.
Tôi gật đầu ra dấu hiểu vì không muốn hét câu trả lời trở lại. Ông Bob bấm mấy hàng nút.
Từ phía xa, cuối con đường bắn, một cái bia giấy từ từ chạy ngược lên. Ông Bob lấy thế bắn rồi chẳng nói chẳng rằng, bấm cò súng một loạt, liên tiếp. Mỗi khi viên đạn trúng vào bia, một ngọn đèn xanh nổi lên và một con số điểm xuất hiện trong một cái đồng hồ điện tử ở lưng chừng đường bắn, báo cho người bắn biết số điểm họ đạt được. Tôi để ý là phát nà ông Bob cũng được thưởng 5 điểm. Và con số này tự động cộng lại sau mỗi phát. Sau khi bắn hết băng đạn, số điểm ông Bob có là 70 điểm, tức là 14 x 5 = 70 hoặc là kết quả 100 %. Tôi không ngạc nhiên lắm về chuyện này vì một tay sừng sõ cỡ ông Bob thì phải bắn như vậy. Lúc ông kéo bia tới gần, chúng tôi đếm được đúng 14 cái lỗ chi chít chung quanh vùng tim của cái bia giấy. Kể ra, một mục tiêu xa như vậy mà ông Bob bắn được như vậy thì cũng là một thiên tài. Nhưng tôi biết, chưa tài... bằng tôi. Biết vậy nhưng tôi không nói gì, tôi có ý muốn làm cho ông Bob ngạc nhiên.
Ông Bob thay băng đạn và lại bấm nút. Lần này là một thứ bia khác hiện ra nhưng khác với lần trước, bia không đứng yên một chỗ mà chạy tới chạy lui một cách bất ngờ. Ông Bob cũng lấy thế rồi bắn.
Lần này ông bắn cũng phát nào trúng phát đó với số điểm cuối cùng là 70 điểm nhưng có phần chậm hơn lúc nãy. Và khi kiểm soát bia, tất cả những viên đạn đều ghim gần như đúng chỗ trái tim.
Ông Bob lại bấm mấy cái nút sau khi thay băng đạn. Cú này hình như người ta gọi là cú bắn phản xạ. Nghĩa là bất ngờ, sẽ có một tấm bia nổi lên. Lúc thì hình tấm bia là một người đàn bà, khi khác lại lại một thằng ăn cướp. Nhưng khác với những lần trước, lần này vì bắn phản xạ, người bắn không có thì giờ đưa súng lên ngắm cho nên ông Bob đâm ra hơi vụng về. Dĩ nhiên, ông phải chữa cái sự thiếu xót của mình bằng cách bấm có một lần 3 quả liên tiếp. Cho nên hễ cứ 3 phát đạn bắn đi thì tôi chỉ thấy ông được có 5 điểm. Có khi ba phát lại chẳng trúng phát nào. Và ông thay băng đạn liên tiếp như máy. Chẳng mấy lúc đã xài hết 4 ,5 băng.
Tôi đứng yên quan sát và không bình phẩm gì. Thật ra có muốn bình phẩm cũng không được vì có nói cũng chẳng ai nghe ai.
Sau khi bấm nút cho mấy tấm bia chạy tới gần để coi, tôi nghe ông Bob chửi thề lia lịa. Ông nhìn tôi nhún vai rồi hét lên:
-Bắn kiểu này rất khó.
Tôi gật đầu ra dấu thông cảm rồi đưa tay ý muốn thử. Ông Bob chỉ vào cái túi xách của ông ta. Tôi kéo zip và ngạc nhiên khi nhìn thấy trong đó còn đến mấy cây 9 mm nữa. Lại có cả cây M-18 với ống nhắm là một thứ mà tôi rất mê xưa nay. Tôi lôi ra một cây 9mm. Cầm cây súng trong tay là tôi cảm thấy chịu liền. Quả đúng như lời ông Bob nói, nó vừa đẹp, vừa nhẹ lại vừa nhỏ. Tôi xoay tít cây súng trong tay làm ông Bob trố mắt ngạc nhiên nhìn. Dĩ nhiên, ông không thể nào biết rằng suốt năm năm trời trong quân đội, ngoài giờ đi bay, tôi chỉ ăn no rồi nằm nhà tập quay súng để lòe thiên hạ.
Tôi lững thửng bước ra đứng ở chỗ ông Bob đứng lúc nãy. Ông Bob tính chỉ tôi cách bấm nút điều khiển bia nhưng tôi lắc đầu, ra dấu mình đã biết. Nãy giờ đứng nhìn ông, tôi đã học được cách sử dụng mấy hàng nút này. Có gì khó đâu, tàu bay còn lái được thì thứ này nghĩa lý gì.
Hàng bia chạy ra. Tôi khỏi cần đưa súng lên ngang tầm mắt nhắm như ông ta làm gì, chỉ hướng nòng cây súng vào bia và bấm cò. Tôi ngạc nhiên vì thấy sức dội của cây súng rất nhẹ nhàng. Đ.m. súng nổ ngọt và giật ngọt như thế này hèn gì nước Mỹ ngày nào cũng có hàng trăm người chết vì súng.
Ông Bob thấy tôi bắn súng một cách tài tử như vậy liền bước lại tính chỉ cho tôi nhưng đạn đã nổ. Và ngọn đèn xanh bật lên liền cùng với con số 5 điểm trên tấm bảng.
Ông Bob ngạc nhiên nhưng chắc vẫn chưa tin là tôi bắn được như vậy, ông tiến tới gần, la to lên vào tai tôi:
-Mày phải đứng hai chân... đưa súng lên ngang tầm mắt, cầm cả hai tay, nín thở lại... tập trung tư tưởng... Mày chỉ may mắn thôi...
Tôi hét:
-May mắn hả...
Vẫn đứng yên ở vị thế cũ và vẫn cầm cây súng lưng chừng ở hông mình bằng một tay, tôi lại bấm cò. Ngọn đèn xanh lại chớp lên một phát. Bảng số điểm cho tôi thêm 5 điểm nữa là 10.
-Holly shit...
Tôi nghe được hai tiếng đó đằng sau lưng tôi. Đối với người Mỹ, chữ "Holly shit" mà hai chữ mà người ta chỉ thốt ra khi gặp chuyện gì ngạc nhiên đến tận cùng. Tôi nghĩ là ông Bob đang ngạc nhiên lắm. Và tôi rất hài lòng.
-Mày chỉ may mắn hai lần. Mày thử lại tao coi coi...
À, ông muốn tôi thử lại tức là tôi đã tạo được chút "uy tín" rồi. Tôi quay ra sau, liếc nhìn khuôn mặt ngạc nhiên đến ngờ nghệch của ông mà thấy thích thú. Mãi đến bây giờ cái thằng tị nạn da vàng này mới làm cho ông sợ được. Mặt biểu lộ một sự ngạc nhiên thật tình, mặt tái đi, mắt như tròn lại. Tôi quay lui và cũng khỏi cần nhắm, nổ liền một hơi mười phát.
Chiếc đèn xanh bật thêm mười lần nữa và cho tôi số điểm tổng cộng là 60.
"Holly shit..." Ông Bob lại chửi. Rồi ông hét lên:
-Kéo bia lại tao coi coi. Mày bắn chỗ nào?
Tôi bấm nút kéo bia. Và khi bia tới gần, ông Bob lại "Holly shit" lia lịa. Mà không "Holly shit" sao được khi ông ta đếm được đúng 12 phát đạn trên cái đầu chiếc bia đó. Thật càng đáng "Holly shit" hơn nữa khi tất cả những cái lỗ đó đều tập trung vào phần chính giữa cái đầu.
Tôi nhe răng cười hề hề. Ông Bob đưa tay rờ vào từng lỗ đạn, như không tin những gì ông đang nhìn thấy. Tôi nói:
-Mình sang phần bắn phản xạ đi. Tôi chưa bao giờ thử phần bắn phản xạ lần nào.
Ông Bob bấm lia lịa mấy hàng nút. Từ cuối đường bắn, một ngọn đèn đỏ bật lên làm dấu rồi thật bất ngờ, một tấm bia với tấm hình của một khuôn mặt cô hồn hiện ra. "Oành", tôi để một phát ngay con mắt trái tấm bia. Ngọn đen xanh bật lên, tấm bia dội ngược ra sau rồi biến mất. Tôi lẹ tay bấm nút cho băng đạn rớt xuống tay mình. Ông Bob đưa nhét vào tay tôi băng khác. Cứ thế, trong vòng vài phút đồng hồ, tôi bắn hết một loạt mấy chục cái bia với số lượng đạn tiêu thụ ít hơn ông Bob gấp ba lần. Mỗi phát bia chỉ cần một phát đạn ngay mắt trái. Một điều quan trọng nữa là tôi chưa hề bắn lầm. Lúc kéo mấy tấm bia lại để xem, ông Bob xúc động đến độ không nói lên lời. Mỗi một tấm bia đều có một lỗ đạn nơi mắt trái như tôi nhắm.
Ông Bob nhìn ngắm một lúc rồi nhìn tôi nói, giọng run run:
-Mày học bắn súng ở đâu vậy? Không Quân Việt Nam đâu có trường dạy bắn súng lục cho tụi mày.
Tôi nhún vai:
-Chẳng học đâu cả. Tôi nghĩ đây là chuyện trời cho.
Ông Bob lại sờ mấy tấm bia và lẩm bẩm với chính mình như không thể tin được chuyện đang xảy ra: -Chuyện trời cho, trời cho... Trời nào mà thương mày quá vậy... My God...
Nhìn thấy tôi đang xoay tít cây súng trong tay, ông ta lại hỏi:
-Thế còn cái tài quay súng, cũng là "chuyện trời cho" luôn à?
Tôi cười:
-Không, cái này thì tôi phải học cả 5 năm trời mới quay được như thế.
-5 năm trời. Lạy Chúa, mày bỏ 5 năm để học quay súng?
-Phải. Ông không hiểu, phi công tụi tôi có rất nhiều thì giờ rảnh lúc không đi bay. Bạn bè tôi thì đánh bạc hoặc đi tán gái, còn tôi thì chỉ tập quay súng. Tôi mê súng từ hồi nhỏ.
Ông Bob đứng nhìn tôi một lúc rồi đưa tay ra, nói:
-Mày có muốn "làm bạn" với tao không?
-Tôi tưởng tôi là bạn ông từ lâu rồi. Ông giúp tôi nhiều việc rồi mà.
Ông Bob lắc đầu:
-Không. Tao giúp mày vì cảm thông hoàn cảnh tị nạn và mất nước của mày. Mày chưa bao giờ là bạn của tao cả.
-Vậy à. Thế thì tại sao bây giờ ông muốn tôi là bạn ông?
-Mày hỏi ngu thấy mẹ. Tao muốn làm bạn mày tại vì cái tài bắn súng của mày.
À, thì ra vậy. Nhưng tôi khoái người Mỹ ở chỗ đó. Cứ nói thẳng, chẳng sợ thằng Tây thằng Tầu nào hết. Tự nhiên, tôi thấy mình bỗng có giá. Tôi hỏi:
-Làm bạn của ông thì ăn được cái gì?
Ông Bob rất thành thật:
-Được tao coi ngang hàng, đối xử ngang hàng. Nhưng cái đó không phải là chuyện quan trọng...
-Quan trọng là gì?
-Để tao với mày ra Bar rồi tao nói chuyện cho nghe. Tao có vài đề nghị rất là ngon cho mày.
Chúng tôi đi ra trả đồ và bước vào quán giải khát của club. Ông Bob vẫn chưa hết xúc động vì sự khám phá bất ngờ vừa quá. Ông gọi bia rồi cứ ngồi nhìn xửng tôi như nhìn ngắm một kiệt tác ông vừa tìm thấy được. Thỉnh thoảng, ông cứ nói lên nho nhỏ: "Holy Shit..."
Tôi nâng ly bia mời ông. Ông cũng chỉ uống cầm chừng. Một lúc ông nói:
-Mày biết tao đưa mày vào đây để làm gì không?
-Để tập bắn chứ làm gì?
-Phải, tao tưởng một thằng phi công như mày thì phải mất cả tháng mới sử dụng súng được... Nào ngờ...
-Tại sao ông muốn tôi tập bắn súng?
-Chuyện hơi dài...
-Ông kể đi, tôi có thì giờ.
Ông Bob suy nghĩ một lúc rồi nói:
-Chuyện này có liên quan tới thằng Jay...
Tôi thấy hơi rùng mình. Nhưng tôi không tin rằng ông Bob lại tốt đến độ vì chuyện thằng Jay lấy súng tôi mà ông phải dắt tôi đi tập bắn. Thật ra, nếu muốn giải quyết chuyện thằng Jay thì có rất nhiều cách. Một trong những cách đó là gặp nó để điều đình và thương lượng. Dù sao thì tôi cũng chưa hề đụng chạm gì tới nó. Hơn nữa, chính tôi là người đã nhìn thấy nó bắn chết thằng Mike. Nếu tôi khai tin này ra cho cảnh sát thì nó cũng rắc rối như tôi.
Tôi nói:
-Chuyện thằng Jay, tôi nghĩ tôi có thể thương lượng hay điều đình được, nếu tôi biết nó ở đâu...
Ông Bob trầm ngâm không nói gì. Tôi có cảm tưởng hình như ông không để ý đến những gì tôi nói. Trong đầu ông còn chứa đựng những chuyện gì quan trọng hơn.
Tôi làm hết lon bia, đưa tay ngoắc bồi đem thêm. Ông Bob nói, có vẻ hơi khó khăn:
-Chuyện này chẳng những có liên quan đến thằng Jay mà có liên quan đến cả ông Mark và tao nữa...
À, thì ra vậy. Cóc đã bắt đầu mở miệng. Ông tiếp:
-Đúng ra, nếu mày không phải là bạn tao thì tao không bao giờ nói chuyện này với mày. Bây giờ mày đã là bạn thì tao mới nói... Và mày nhớ, những gì tao sắp nói đây, nếu một người thứ ba nghe được thì tao giết mày...
Hợp bia tôi đang uống bỗng muốn phun ra ngoài. Tôi đặt ly xuống và ngước nhìn ông Bob. Cặp mắt của ông nói cho tôi biết là ông không có nói giỡn. Ông tiếp:
-Và nếu tao không giết mày được - có thể vì mày bắn giỏi hơn tao- thì cũng sẽ có người bắn mày. Mày có đi khắp nước Mỹ này cũng không thể trốn được. Mày ráng mà nhớ lấy những gì tao nói ngày hôm nay.
Tôi lắc lắc cái đầu. Cuộc đời mình từ lúc bắn thằng Rao tới bây giờ sao quá nhiều thay đổi. Tôi lại tiếc vì đã bắn nó. Giá như hôm ấy mà tôi cứ thí cho nó 25 xu thì giờ này chắc tôi đang nằm nhà coi ti vi, chuẩn bị đi ngủ cho một ngày mai... rửa chén khác. Rửa chén, tôi khựng người lại khi nghĩ đến hai chữ rửa chén. Phải, cái công việc tôi làm rất thường trong mấy tháng qua kể từ khi mất nước sao tự dưng bỗng trở thành xa xôi và khó nhọc vô cùng.
Ông Bob chồm người tới trước, cắt đứt luồng tư tưởng của tôi bằng một câu hỏi. Giọng ông rất nhỏ, như sợ người thứ ba nghe thấy:
-Mày nghĩ tao là một người như thế nào?
Trời đất, làm sao tôi biết được. Tôi biết ông là một dân cựu TQLC và là một cựu lính Lê Dương, cũng có thể là một tay chơi khét tiếng nhưng không hề nghĩ thêm gì về ông. Tôi nói:
-Tôi biết ông không hiền. Hình như đời ông có nhiều bí mật nhưng tôi không có thói quen tìm hiểu người khác.
Ông Bob gật gù, nói nhỏ hơn nữa:
-Tao là một tay mafioso!
Tôi bật người ra sau, đánh rớt điếu thuốc đang cầm trên tay...
Tôi đã coi phim The Godfather và biết mafia là gì, nhưng chưa bao giờ được gặp một tay anh chị mafia bằng xương bằng thịt. Tôi hỏi, giọng hơi lạt đi:
-Ông nói thật à? Tôi tưởng ông là người Ái Nhĩ Lan?
Ông Bob gật đầu:
-Không! Tao người Ý. Tao gia nhập mafia đã hơn 30 năm nay nhưng hy vọng sẽ được thụ phong (made) trong một thời gian ngắn sắp tới.
-Thụ phong? Sau 30 năm mà ông chưa được thụ phong? Thụ phong là cái gì?
Ông Bob nhìn ra xa xa:
-Đó là sự thành công lớn nhất trên đường hoạn lộ của bất kỳ một thằng mafioso nào. Mày được thụ phong thì chẳng những mày được vinh dự mà cả bà con, cả hàng xóm mày cũng được thơm lây...
Tôi trợn mắt ngạc nhiên. Tụi Ý này quả thật kỳ lạ. Trở thành cái gì thì bà con hàng xóm được thơm lây thì là sự thường của cuộc đời, trở thành tướng cướp mà được thơm lây thì tôi hết ý kiến. Tôi quả thực không thể hiểu được. Nhưng cứ nhìn vào gương mặt của ông Bob thì tôi biết ông không nói đùa.
Thấy tôi ngồi đực mặt, ông Bob lại giải thích tiếp:
-Khó quá, tao không biết cắt nghĩa như thế nào cho mày hiểu được... Đại khái nó như là ngày xưa ở Việt Nam, mày đi lính thì mong được đeo lon làm tướng, mày sẽ sung sướng một đời... Nhưng cái này nó còn hơn thế nữa, bởi vì nếu mày làm tướng thì có ngày mày sẽ phải về hưu, hoặc có thể bị một cú tham nhũng mà mất lon ngồi tù, nhưng một khi mày đã được thụ phong thì suốt đời mày coi như bảo đảm, tương lai mày sáng sủa không chỗ nào nói được.
-Cái kiểu như trong đạo công giáo, người ta gọi là cho thụ phong linh mục đấy phải không?
-Đúng đúng... Nếu mày theo đạo công giáo thì mày phải biết. Cũng giống như linh mục là một chức thánh, không phải ai muốn làm cũng được. Muốn được thụ phong, người đó phải qua nhiều năm dài thử thách, đa số đều được huấn luyện từ hồi còn nhỏ. Một khi đã được thụ phong rồi thì được làm linh mục suốt đời, chỉ có lên làm giám mục chứ không có màn xuống làm thường dân nữa... Hơn nữa, sau khi thụ phong, mày sẽ được dành rất nhiều đặc ân mà bọn mafioso thường không thể nào có được.
-Tổ chức của ông xuất phát từ Nữu ước?
Ông Bob hơi nhăn mặt lại:
-Đừng hỏi nhiều quá mày. Đó là cái điều đầu tiên tao khuyên mày. Chỉ nên biết những gì người ta muốn cho mình biết, ngoài ra đừng hỏi gì thêm nhiều.
Tôi gật đầu nhưng cảm thấy mình không hợp với cái cách nói chuyện kiểu này. Ông Bob tiếp:
-Trở lại câu chuyện... Ngay từ khi gặp mày, tao đã có cảm tưởng là mày sẽ trở thành một contractor lý tưởng...
Tôi đặt ly bia lên bàn:
-Một cái gì lý tưởng lý tưởng?
-Một contractor, nghĩa là gì? Một thứ mafioso hạng sang hả?
Ông Bob lắc đầu:
-Không. Tụi mày không có máu Ý trong người thì dù có tài giỏi và tin cẩn đến đâu cũng chỉ là một thứ người ngoài. Tụi mày không bao giờ lọt vào gia đình mafia được...
Tôi thất vọng. Ông Bob tiếp:
-contractor nghĩa là người làm việc theo từng trường hợp một. Nghĩa là một người làm mướn cho tụi tao, xong cú nào trả tiền cú đó. Tụi tao luôn luôn cần tới những thằng làm việc bằng contract. Vừa đỡ phải nuôi cơm, đỡ phải rắc rối với pháp luật. Xong việc là đường ai nấy đi.
-Trở lại câu hỏi lúc nãy, tại sao ông lại nghĩ tôi là một người lý tưởng?
-Mày biết, một thằng giang hồ suốt đời cỡ như tao thì tự nhiên luyện được một cặp mắt đặc biệt. Cũng như mày thấy tao nấu ăn trong nhà bếp, tao chỉ cần nhìn qua một cái thì biết miếng thịt nào có thể nấu được vào món gì, trái cây nào tốt xấu... Ngay từ lúc mướn mày làm việc, nhìn cặp mắt của mày tao còn thấy... ớn lạnh....
Cái này thì hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Một thằng tị nạn hiền lành như tôi lại làm cho một người cỡ như ông Bob ớn lạnh. Ông Bob tiếp:
-Sau khi biết mày bắn thằng Rao, tao còn chịu hơn nữa. Đừng có hiểu lầm. Đối với tụi tao, chuyện bắn người là chuyện rất thường. Lâu lâu mà mà không bắn ai là cảm thấy khó chịu. Nhưng tao chịu mày ở chỗ mày bắn người mà mày vẫn kín miệng được, không thèm hé răng nói cho ai biết. Tao sợ mày là ở chỗ đó. Và tụi tao cũng cần mày là ở chỗ đó. Mày biết giữ cái miệng mày "đóng."
Cái này thì có thật. Tôi nói:
-Nhưng ông đã từng dạy tôi là tay trái mày phạm tội thì đừng để cho tay phải biết mà.
Ông Bob không để ý đến lời nói của tôi. Ông tiếp:
-Mày đừng tưởng tụi tao hễ gặp bất cứ một thằng nào dám bắn là cứ nhào tới hỏi liền. Còn khuya. Có biết bao nhiêu thằng Mỹ đen, chỉ cần cho nó một xâu bia là nó sách súng đi bắn người ta liền. Nhưng những thứ đó không bao giờ được tụi tao chấm. Tao chấm mày là bởi vì mày có nhiều yếu tố để trở thành một tay chơi thượng thặng.
Tôi nín thở, cảm thấy khoái tỉ trong người. Được người ta bốc lên như thế thì cảm thấy khoái tỉ cũng là chuyện thường tình thôi.
-Trước hết, mày có đầu óc, biết suy nghĩ, không hấp tấp, làm việc có kế hoạch chuẩn bị đàng hoàng. Mày có óc sáng tạo....
Ông Bob bật cười nhẹ:
-Mày dám dụ con người ta vào trong thùng rác rồi nổ đẹp thì phải nói là mày có óc sáng tạo. Vừa tiện lợi, lại vừa kín đáo... Thứ hai, mày là một thằng dám chơi, và biết cách chơi bạo. Và cuối cùng là mày biết "đóng miệng", biết đóng kịch, biết giả vờ làm thằng ngố để qua mặt thiên hạ. Cái mác Vietnamese refugee của mày coi vậy mà ăn tiền. Và tao đã nhìn người không sai một chút nào hết.
Ông Bob gọi thêm bia. Tôi hỏi:
-Vậy là ông đã chấm tôi. Ông muốn làm gì với tôi?
-Biết việc mày làm, tao đã thấy trước là sẽ có một ngày nào đó mày cần đến tao... Tao ở trong thế giới giang hồ lâu nên tao hiểu. Thường thường, khi mày bắn một người nào đó rồi thì mày sẽ cứ bị phiền phức hoài... Và những chuyện sau đây sẽ xảy ra. Nếu mày tài giỏi và khéo léo thì mày sẽ vượt qua được những trở ngại lỉnh kỉnh để tiến lên. Tiền bạc và danh vọng đang chờ đợi mày. Hay là mày sẽ phải bắn nữa để giải quyết những hậu quả của việc làm trước. Rồi nó sẽ dẫn tới mấy con đường sau đây: Một là mày sẽ vào tù ngồi bóc lịch, hai là mày sẽ chết và ba là mày sẽ... giải nghệ, bỏ xứ đi mất biệt... Trong tất cả những trường hợp đó, mày luôn luôn cần một người bạn, một người đồng minh. Mày đó đồng ý với tao không?
-Đồng ý.
-Vì thế, tao mới cho mày cái số điện thoại, và... chờ. Và nói thật, khi nghe mày gọi, tao mừng lắm... Tao biết người Á Đông tụi mày, luôn luôn coi trọng ơn nghĩa, không có dễ quên ơn như bọn tao. Tao biết nếu tao làm ơn cho mày thì mày khó mà quên tao được...
Ra là người Tây Phương cũng biết chuyện này. Ông bob mồi một điếu thuốc, thở khói ra:
-Và tụi tao mới có một kế hoạch để giúp mày.
Những gì ông Bob nói không phải là không có lý. Tôi hỏi:
-Ông có cả một kế hoạch để giúp tôi?
-Phải. Tụi tao dự tính, trước hết, tụi tao sẽ huấn luyện cho mày bắn súng. Sau đó, sẽ cho mày đi tham dự tập sự vài trận đấu súng thật để mày học kinh nghiệm. Dĩ nhiên, mày sẽ được ăn lương đàng hoàng. Lương thật hậu nữa là đằng khác... Đó là lý do tại sao tao lại chở mày tới trường bắn này... Nhưng tao đã lầm, lầm to...
Ông Bob lại đưa mắt nhìn tôi, vẻ mặt vẫn còn nét kinh ngạc:
-Tao không ngờ... Tao nói thật, tao không ngờ...
Ông Bob ngưng một lúc cho tôi thấm ý rồi tiếp:
-Tao quả thật không ngờ. Mày làm cho tao ghen tị với cái tài bắn súng của mày. Nói đúng hơn, mày làm cho tao cảm thấy sợ mày.
-Ông sợ tôi? Đừng có đùa ông Bob.
Ông Bob gật đầu, nói chắc nịch:
-Với tất cả những cái đặc điểm tao nói lúc nãy, bây giờ mày cộng thêm vào đó cái tài bắn súng bách phát bách trúng thì tao sợ rằng xã hội giang hồ nước Mỹ năm nay hoặc vài năm nữa sẽ có nhiều thay đổi lớn. Ngày nào mày lên tột đỉnh vinh quang, nhớ đừng có anh em hồi còn hàn vi nghe mày...
Tôi cười, tự cảm thấy mình... ngon thật. Tôi hỏi:
-Ông tính cho tôi vài công việc để tập sự trước. Nó như thế nào?
Ông Bob nhún vai:
-Mới đầu, vài công tác nhỏ như đi làm cận vệ vài nhân vật quan trọng, hoặc áp tải vài chuyến hàng... Tao bảo đảm mày sẽ học hỏi được nhiều thứ. Sau đó, nếu có cái án lịnh nào cần thi hành thì tụi tao sẽ nhờ mày một tay... Cái đó tụi tao cọi là làm việc theo contract...
Tôi không muốn nghe thêm. Đúng là bọn này muốn tôi trở thành một kẻ giết mướn cho chúng nó rồi. Tôi thở phì ra một cái, cảm thấy thất vọng. Tôi là một người tị nạn chánh trị, vì cộng sản cướp đất mà phải bỏ chạy sang đây, và chỉ muốn an phận đời mình với công việc nào đó. Dĩ nhiên, cái nghề rửa chén mà tôi đang làm là cái nghề bất đắc dĩ. Tôi đã dự tính đi học để mình có cơ hội tìm kiếm một nghề khác. Phải, một nghề khác nhưng không phải cái nghề giết mướn ghê tởm này. Cầm súng chiến đấu cho tổ quốc là một hãnh diện nhưng cầm súng chiến đấu cho bọn mafia này để lấy vài ngàn bạc thì lại là một điều điếm nhục. Hơn nữa, cái thế giới của tụi này là một thứ thế giới ghê gớm và sắt máu. Tôi chẳng muốn dính vào.
Có lẽ nhìn thấy được sự bất mãn trên khuôn mặt tôi nên ông Bob bảo:
-Mày có nghe tao nói không?
Tôi ngửng mặt lên nhìn. Ông Bob tiếp:
-Mỗi người có một cái sở trường. Sở trường của mày là... giết người. Mày phải giữ và rèn luyện cái sở trường đó.
Tôi ngồi xụ mặt một đống. Không ngờ chỉ trong vòng mấy tháng, từ một phi công ở một cái xứ lạ đã trở thành một người được tay anh chị mafia cho là một tay có sở trường giết người.
Đã đến lúc phải thông báo tin buồn này cho ông Bob biết. Tôi nghiêng người tới trước, hỏi:
-Ông Bob, ông nghĩ tôi là hạng người gì?
Ông Bob có vẻ ngạc nhiên vì câu hỏi:
-Mày hả. Mày là người Việt Nam tị nạn.
-Ông nói đúng. Tôi là một người Việt Nam tị nạn. Tôi tới đất Mỹ này là vì chuyện bất đắc dĩ. Quan trọng nhất, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình lương thiện, không phải một gia đình ăn cướp. Tị nạn chính trị ở vùng đất mới này, tôi rất biết ơn người Mỹ đã đứng ra bảo bọc cho tôi trong cơn nguy khốn, sau khi chúng tôi bị thất trận. Vì thế, để đền ơn, tôi muốn sống và trở thành một công dân lương thiện. Tôi lập lại, tôi chỉ muốn sống một cuộc sống lương thiện, bình thường như nhiều người. Tôi không muốn nên một tay làm contract giết mướn cho ai cả.
Ông Bob nhíu mày suy nghĩ. Tôi tiếp:
-Tôi biết ông tưởng tôi là một dân chơi khi tôi giết thằng Rao. Ông lầm to rồi. Tôi giết thằng Rao là chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc. Nội cái chuyện... đái trong quần của tôi đến mấy lần chứng tỏ cho ông biết rằng tôi không phải là một dân chơi. Ít nhất là dân chơi theo tiêu chuẩn của các ông. Nói thật với ông, tôi không bao giờ muốn sống bằng cái nghề vấy máu đó hết. Hơn nữa, ông không hiểu, người Á Đông chúng tôi luôn luôn tin tưởng vào chuyện phúc đức, ai sinh ra cũng muốn là điều nhân đức để con cái sau này được nhờ. Tôi dứt khoát không phải là một người làm contract cho mấy ông đâu.
Câu nói sau cùng tôi nói hơi mạnh làm ông Bob phải làm dấu cho tôi nói nhỏ lại. Ông nói:
-Không lý mày lại đi rửa chén suốt đời sao?
Tôi lắc đầu:
-Không. Tôi rửa chén rồi tôi để dành tiền để đi học. Sau khi học ra trưởng, tôi sẽ kiếm một nghề khác như nghề sửa xe hơi, sửa ti vi hay gì gì đó.
-Nghĩ lại đi. Mày biết một cú như cái cú mày làm với thằng Rao, tụi tao trả bao nhiêu không?
-Bao nhiêu cũng không đủ cho tôi. Tôi nói thẳng với ông như vậy. Tôi tưởng ông chở tôi đi tìm lại cây súng của tôi, đâu ngờ ông muốn tập cho tôi bắn súng để đi giết người cho mấy ông. Tôi dứt khoát không làm chuyện đó.
Ông Bob vẫn tiếp tục, như không muốn để ý đến những gì tôi Nói:
-Một của như cái cú của thằng Rao tụi tao trả ít nhất là 10 ngàn đô la. Có khi còn cao hơn nữa nếu gặp một thằng cỡ như thằng Jay...
Tôi đã toan đứng lên nhưng cái chữ 10 ngàn đô la và cái tên thằng Jay làm tôi khựng người lại. Mẹ kiếp, nếu đi rửa chén như tôi thì suốt đời cũng không để dành nổi 10 ngàn đô la. Làm lương 2 đồng một giờ tức là một năm chỉ có 4 ngàn đô la. 4 ngàn đô la mà trừ đi hết thuế má thì chỉ còn hơn 3 ngàn. Rồi trừ đi tiền nhà, tiền ăn, tiền sửa xe v.v..., nếu dành dụm lắm thì chắc tôi cũng để dành được khoảng vài trăm đô la một năm. Hơn nữa, chuyện cây súng của tôi còn bị thằng Jay giữ làm tôi cứ lo canh cánh bên hông suốt từ ngày hôm qua cho đến nay. Thật tình, khỏi cần phải mướn làm gì, nếu tôi biết được chỗ thằng Jay ở thì tôi dám đi kiếm nó lắm.
Tôi xoay người hỏi ông Bob:
-Thằng Jay có tên trong "danh sách" của mấy ông à?
Ông Bob gật gù cái đầu:
-Có thể lắm, nhưng tao không có quyền quyết định, tụi tao đang còn điều tra.
-Chuyện như thế nào?
Ông Bob lắc đầu:
-Tao không biết nhiều chỉ biết đại khái là nó là một thằng xuất thân từ New Orleans. Ở dưới đó, tụi tao có một đường giây bạch phiến đang bị rắc rối...
-Đường giây gì? Lạy Chúa?
-Bạch phiến. Tức là cocain, cần sa, thuốc phiện, LSD v.v...
-Cocain, bạch phiến, cần sa LSD? Mấy ông chơi bạo vậy à?
-Đừng có ngớ ngẩn. Tụi tao là mafia, không lý lại sống bằng nghề chùi rửa nhà cửa sao.
-Ok, tiếp đi.
Ông Bob lắc đầu:
-Tao chỉ biết có như vậy. Ông Mark chỉ cho tao biết như vậy. Hình như ổng cũng đang lo lắng lắm...
-Ông Mark là cái gì?
-Một thứ caporegime của miền Nam. ồng coi luôn hết miền Nam...
Tôi ngã người ra sau, thừ người suy nghĩ. Cái tên ông Mark làm tôi nhớ đến một người đàn bà tối hôm qua. Người đó là Linh. Nàng đẹp thật, lại khéo léo và duyên dáng. Người như vậy mà đi làm gái nhẩy thì thật uổng.
-Mày suy nghĩ gì vậy?
-Không, không có gì hết.
Tuy nói vậy nhưng tôi không thể nào gạt bỏ Linh ra khỏi đầu óc mình được. Ông Bob lại hỏi:
-Mày có chịu không?
-Chịu cái gì?
-Chịu làm contract cho tụi tao?
Một lần nữa, tôi lại bị dằn vặt vì sự chọn lựa. Nếu đồng ý đi theo ông Bob thì tương lai tôi không biết như thế nào. Còn nếu không thì cuộc đời mình cũng... không biết như thế nào. Cả hai sự chọn lựa đều thật là khó khăn....
Tôi lại đâm ra hối hận: Nếu tôi hôm đó tôi thí cho thằng Rao 25 xu thì đời tôi đâu có khốn khổ như thế này?
Tôi bỗng nghĩ ra một con đường thứ ba. Nghĩa là không đồng ý mà cũng không từ chối liền. Cứ chơi trò đánh đu để xem thử con tạo xoay vần tới đâu. Tôi nói:
-Ông Bob, thú thật với ông là tôi cần suy nghĩ về vấn đề này. Đây là một quyết định rất quan trọng trong đời tôi. Tôi muốn cần có thì giờ để suy nghĩ.
Ông Bob gật đầu ra dấu thông cảm:
-Tao hiểu. Mày cứ việc nhẩn nha suy nghĩ. Mày là bạn tao mà. Nhưng với kinh nghiệm của tao, tao thấy tao cần phải nói với mày một câu này...
-Sau phát súng đầu tiên, những phát còn lại chỉ là chuyện bình thường thôi...
-Nghĩa là sao?
-Nghĩa là, mày đã bắn một lần, đã giết người một lần rồi thì thế nào mày cũng phải bắn nữa, phải giết nữa. Làm y như nó có cô hồn vậy...
Tôi giật mình, nhớ lại một câu chuyện trong sách quốc văn giáo khoa thư hồi còn nhỏ: Có một người đi đường, ngang qua vùng đất bùn cho nên ông ta rất cẩn thận. Ông nhón gót đi rất chậm, từng bước một để chân khỏi bị lấm bùn. Nhưng một lúc, ông vô ý, để chân mình bị lấm phải bùn. Thế là ông chẳng cần phải cẩn thận nữa, cứ bước bừa đi, mặc cho bùn muốn dính đến đâu thì dính. Đây có phải là trường hợp của tôi không? Tôi không biết nhưng câu nói của ông Bob làm tôi bỗng cảm thấy rùng mình. "Sau phát súng đầu tiên, những phát còn lại chỉ là chuyện bình thường thôi..."
Ông Bob gọi bồi tính tiền rồi nhìn sang tôi:
-Tối nay mày muốn đi du hí với tao không?
-Du hí nữa à. Mà ở đâu?
-Cái chỗ tối hôm qua tao với mày tới đó. Tao xem chừng con nhỏ Việt Nam đó nó cũng thích mày lắm.
Tôi tươi hẳn sắc mặt lên như người bắt được của giữa đàng. Cha nội này quả thật biết cách gãi đúng chỗ ngứa của mình. Tôi nói, giọng hí hửng:
-Trong thế giới này nếu có chỗ nào tôi muốn đi nhất thì đó là chỗ đó. Mình đi liền.
Nói xong là tôi đứng dậy liền, bộ tịch hấp tấp thấy rõ:
-Đi, đi, liền.
Ông Bob cười:
-Từ từ đã mày. Tao còn phải trả tiền đã...
Nửa tiếng đồng hồ sau, tôi và ông Bob đã trở lại chỗ nhảy cỡi truồng của buổi tối hôm trước. Chúng tôi ngồi ở phòng trong để ăn tối luôn. Người bồi cái xuất hiện, ông Bob xí xa xí xô với nó trong khi tôi nhìn quanh quất để tìm Linh.
Quái lạ, nàng đâu nhỉ, sao tôi kiếm mãi không ra.
Thức ăn được mang ra, tôi cũng chẳng thấy nàng. Nhớ quá, tôi gọi bia lia lịa, mới đó mà đã nốc cạn 4, 5 ly. Nhớ Linh quá nên tôi không thấy đói lắm, chỉ ăn uống cầm chừng.
Ông Bob có vẻ không vừa ý với món ăn của mình, vừa ăn vừa phê bình đủ thứ. Ông là xếp nấu ăn của nhà bếp mà, làm sao qua mắt ông được. Tôi chỉ ầm ừ cho qua chuyện, mắt vẫn dõi ra phòng ngoài, chỉ mong nhìn thấy Linh.
Linh ơi Linh, trời ơi, em đâu nhỉ? Cuối cùng, chịu không nổi, tôi gọi một em bồi lại hỏi:
-Em gọi dùm tôi cô Linh được không?
Ông Bob liền đỡ lời:
-Thằng bạn anh nói muốn gọi Linda đó. Tên cô ta là Linda
Con nhỏ lắc đầu liền:
-Linda tối nay nghỉ...
"Linda tối nay nghỉ..." Tôi như người bị sét đánh ngang tai vì câu nói ấy. Sắc mặt tôi chắc phải thảm nảo lắm cho nên ông Bob mới nói:
-Tụi mày yêu nhau rồi à? Sao mà mau vậy?
Tôi không nói gì, chỉ biết lắc đầu, bỏ cái nỉa đang cầm trên tay xuống, đẩy đĩa bít tết tôm hùm sang một bên. Ăn uống gì nổi nữa trong hoàn cảnh này. Ông Bob cười:
-Mau thật. Mày làm tao cũng ngạc nhiên.
Tôi lắc đầu:
-Yêu thì không hẳn là yêu, nhưng tôi nhớ nàng. Ông quen nàng lâu chưa?
-Cỡ vài năm.
-Nàng làm ở đây vài năm rồi à?
-Ừ. Nàng theo chồng sang Mỹ khoảng năm 1972... Hồi đó tao vừa ở Pháp về.
-Ông biết gì nhiều về nàng không?
Ông Bob lại cười:
-Không. Tao không thích gái Á Đông lắm nên không tìm hiểu nhiều.
-Nàng ở đâu? Có ở gần đây không?
-Tao đã bảo là tao không biết nhiều mà...
Cứ như thế, tôi cứ hỏi ông Bob hết câu này đến câu kia, và lần nào ông Bob cũng trả lời là ông không biết. Một lúc, ông bỏ nỉa xuống, nói:
-Có một chi tiết này tao quên. Hình như thằng chồng của nàng là một thằng chẳng ra gì. Một thằng vũ phu đánh vợ...
Câu nói của ông Bob làm tôi muốn nghẹn. Tôi thấy máu trong người mình như muốn sôi lên. Thằng chồng của nàng là một thằng vũ phu đánh vợ sao. Nếu tôi thấy nó đánh nàng thì tôi sẽ giết nó. Tôi thề với trời đất như vậy. Dù chỉ gặp nhau với có một lần, không hiểu sao, tôi thấy hình như giữa tôi và Linh có một sự gắn bó nào đó rất thắm thiết. Tôi hỏi:
-Ông thấy nó đánh Linh hả?
-Không! Chỉ nghe tiếng đồn thôi. Tao nghe con bồ tao nói lại. Mày hiểu, đàn bà họ thường tâm sự với nhau nhiều chuyện...
-Đào ông tên gì?
Ông Bob nhìn tôi một cách khó hiểu:
-Mày muốn biết để làm gì?
-Tôi muốn điều tra.
Ông Bob lắc đầu:
-Cái đó thì không nên. Mày biết đàn bà Mỹ rất tế nhị. Họ không bao giờ muốn dính dáng vào chuyện của người khác. Mà mày muốn điều tra để làm gì? Tính làm cảnh sát hay sao đây?
Tôi không nói gì, cứ ngồi thừ người ra, thất vọng não nề. Thế là buổi đi chơi tối hôm nay đã trở thành vô nghĩa. Tiếng nhạc loạn cuồng từ phía ngoài vọng vào mỗi lúc một dồn dập nhưng tôi không còn để ý đến nữa. Cũng chẳng để ý đến chuyện một em bồi khác đang ngồi trên đùi tôi, âu yếm nói cười. Tôi chỉ muốn uống cho thật say. Phải, tôi cần sự giúp đỡ của men rượu để chiến đấu với nổi nhớ nhung khủng khiếp đang dày vò mình, đang xé nát trái tim tôi ra làm nhiều mảnh.
Thế là gọi bia, lại uống và lại gạ chuyện để ông Bob nói về Linh nhưng ông cũng chẳng biết gì nhiều hơn nữa. Tôi không biết tôi uống bao nhiêu ly nhưng đến một lúc nào đó thì thấy hình như sân khấu của em gái nhảy cỡi truồng ở phía ngoài đã bắt đầu quay vòng vòng... Hay thật, cái sàn nhả to như vậy mà sao tụi Mỹ làm cho nó xoay y như là một cái bánh xe đặt nằm ngang. Tôi nhìn sang chung quanh và cũng thấy cả căn phòng cũng xoay vòng vòng luôn. Kể cả ông Bob. Kể cả con nhỏ tóc vàng đang ngồi trên đùi tôi. Hay thật, tụi Mỹ hay thật. Không hiểu chúng nó làm thế nào mà cái gì cũng xoay hết...
Tối đó, tôi không biết mình về nhà lúc nào và bằng cách nào...
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT