Hôm đó, mẹ Tây vừa thực hiện một ca mổ khoảng tám tiếng đồng
hồ xong, ngất ngay ngoài cửa phòng mổ. Bác sĩ phải cấp cứu suốt hai tiếng đồng
hồ. Bố và Hàng đều tới, bệnh viện cũng cử bác sỹ giỏi nhất, sử dụng trang thiết
bị tiên tiến nhất nhưng không thể cứu được.
Khi mẹ Tây mất, Tây đang phải khóc lóc giữa đám người lạ
hoắc, khóc cho một người mà Tây chẳng hề thân quen. Đương nhiên Tây không thể
khóc ra nước mắt, Quốc cũng vậy, chỉ biết cúi mặt thể hiện đang khóc. Vì chị
dâu khóc rất thảm nên họ không thể không hoà vào nỗi bi thương ấy. Có hai người
chuyên khóc thuê khá cũng tới giúp chị dâu khóc, đúng là chuyên gia có khác,
khóc còn thảm thiết, thê lương và lâu hơn cả người thân của người chết, rồi vừa
khóc vừa kêu những lời kêu khóc đau lòng. Ví như: “Ông đi rồi cháu biết sống
sao đây.” Cũng có thể coi là một loại từ chuyên môn. Nhờ sự có mặt của họ mà
đội ngũ khóc lóc thêm náo nhiệt, không khí buổi lễ cũng long trọng hơn. Ma chay
cưới hỏi có lớn không, người tới có đông không là phụ thuộc vào mức độ quan hệ
và cái duyên của người chủ nhà tạo dựng được. Nhưng sao gia đình chị dâu của
Quốc lại cảm nhận được sự giả dối trong cái náo nhiệt ấy nhỉ? Điều này nói lên
mọi người đối với người mất không hề đau thương, vì thế phải làm cho vở kịch bi
thương này nào nhiệt hơn, như vậy chẳng khác nào đang bổ báng người chết. Hoặc
có thể cái người ta quan tâm không phải là cảm nhận của người chết. Người sống
làm tất cả những điều này cho người chết thực chất là vì những người còn đang
sống. Đương nhiên Tây chỉ dám thầm nghĩ những điều này trong lòng, tuyệt đối
không dám nói ra. Cũng chẳng ai nói ra. Tây không tin Quốc không có cảm giác
như vậy. Cho dù Quốc có thể giữ được sự trầm tĩnh và tự nhiên nhập vai nhưng
Tây thì không thể. Chẳng phải là giả tạo sao? Giả tạo mới dễ làm sao. Chỉ cần
chen vào đám đông này, cúi gằm mặt xuống đừng để ai nhìn thấy vẻ mặt đau thương
của mình là OK. Cứ nghĩ mới thấy khâm phục hai người khóc thuê này vô cùng;
không có tài năng thiên phú, ví như không có khả năng khóc lóc cùng đám đông,
không có một chất giọng lan toả, chân thực hay một bản lĩnh nghề nghiệp rất
tốt, liệu có thể coi đó là một nghề nuôi thân được không.
Tin mẹ qua đời, Hàng không dám trực tiếp báo cho Tây biết, mà
thông báo cho Quốc. Mọi chuyện xảy ra quá đột ngột, hơn nữa – hơn nữa, bất luận
thế nào đi chăng nữa, khi mẹ ra đi, bố và em trai còn được nhìn mặt mẹ lần
cuối, còn Tây thì sao? Khi ra đi mẹ còn khoẻ mạnh, về tới nhà mẹ đã mất rồi.
Hàng chẳng biết phải nói sao với chị. Khi Quốc nhận điện thoại báo, Tây đang
bận bịu nấu cơm cho những người khóc thuê cùng với mẹ chồng. Tây nhận nhiệm vụ
lo cơm nước, khắp mặt mày là tro bụi nên Quốc không dám, cũng không nỡ nói cho
Tây biết sự thật. Chỉ nói là mẹ bị ốm, bố gọi báo hai vợ chồng nên về. Cho dù
nói nhẹ bớt vậy, Quốc vẫn sợ, không biết Tây sẽ phản ứng như thế nào. Dù sao
thì, sự thật cứ chờ về Bắc Kinh nói cũng được vậy. Ở Bắc Kinh còn có bố và em
trai, và còn có các bác sĩ giỏi với điều kiện y tế tiên tiến, nếu Tây quá kích
động mà không kìm chế được, thì cũng dễ xử lý hơn là ở vùng quê nghèo hẻo lánh
này. Quốc nói với bố mẹ là mẹ Tây qua đời, bố mẹ Quốc đều vô cùng kinh ngạc,
vội giục hai vợ chồng mau đi. Trên đường về, Tây như ngồi trên đống lửa, cứ gọi
cho Hàng suốt để hỏi tình hình của mẹ. Quốc đã bàn với Hàng từ trước, nên trong
điện thoại, Hàng chỉ báo với chị là mẹ bị ốm, chứ không dám nói là không nặng,
cũng đã chuẩn bị tâm lý luôn cho chị. Nghe nói mẹ bị bệnh rất nặng, Tây càng
sốt ruột, nhưng Tây không hề được chuẩn bị tâm lý và dự báo rằng sẽ vĩnh viễn
xa mẹ từ lúc ấy.
***
Ở một nơi rất yên bình sau bệnh viện, ở đó có một hàng xe
goòng, nhưng chỉ một xe có người, được phủ khăn trắng, bên trong tĩnh lặng, có
thể do quá xa phố xá, ánh mặt trời cũng ít. Cửa mở ra, người còn dính nguyên
bụi đường, Tây lao vào bên trong, mở chiếc khăn ra và trông thấy người mẹ thân
yêu của mình. Tây chẳng nói được lời nào, ôm chầm lấy mẹ, áp mặt mình lên gương
mặt mẹ, nước mắt như rửa sạch mặt mẹ, song Tây khóc không thành tiếng….
Quốc đứng cách đó không xa cũng đang thầm khóc, còn Hàng đang
đỡ bố đứng bên giường bệnh. Khi nghe tin vợ mất, bố Tây cũng lên cơm đau tim
phải nhập viện.
Tây vẫn không nói gì khiến mọi người lo lắng. Quốc không thể
nhẫn nại hơn nữa liền tiến lại gần, ôm Tây từ phía sau: “Tây à, chúng ta đi
thôi.”
Tây không nhúc nhích, cũng chẳng nói gì, rất lâu, rồi mới khẽ
thì thầm: “Anh Quốc, chúng ta chia tay nhé.”
Quốc lặng người rồi sau đó vội hỏi: “Tây, đây chỉ là chuyện
tình cờ không may mà thôi…”
“Là cái tất nhiên trong cái ngẫu nhiên… Em đã hiểu rõ rồi, sự
khác biệt về hiện thực sống giữa chúng ta quá sâu, sâu tới mức tình yêu của
chúng ta không thể vượt qua được…”
“Tây!”
“Ly hôn đi, chúng ta hãy ly hôn đi, đau một lần còn hơn đau
mãi.”
***
Hai người hoàn thành thủ tục ly hôn rất nhanh. Tài sản chia
cũng đơn giản, của ai người nấy lấy lại. Nhà là Quốc đặt cọc, sau trả dần cũng
do Quốc trả, hơn nữa ở Bắc Kinh Quốc không có nhà nên thuộc về Quốc. Hôm hai
người bước ra khỏi toà án nhân dân, Tây trở về nhà lấy nốt vài đồ cần thiết.
Giờ này chẳng cần phải trống đánh cờ mở để vác đồ về nhà nữa vì Tây sợ bố nghi
ngờ, bố vẫn chưa biết chuyện hai người ly hôn mà. Hiện giờ bố không thể chịu
thêm bất cứ chuyện gì nữa…
Tây khoác hai ba lô đồ rời khỏi nhà Quốc, Quốc tiễn Tây tới nơi, cửa mở ra, Quốc
nhường Tây đi trước nhưng Tây đứng đó rất lâu không di chuyển. Cửa thang đóng
lại, rồi lại đi lên. Quốc không hiểu vì sao, chỉ biết nhìn Tây và khẽ nhắc: “Tiểu
Tây.”
Tây cũng khẽ nói: “… cõng em.”
Trên cầu thang bộ, không một ánh đèn, Quốc cõng Tây xuống
tầng. Không ai nói câu nào. Anh trăng lại chiếu tới cầu thang, từ nơi cửa sổ ở
chiếu nghỉ, tất cả vẫn như trước kia, nhưng lại chẳng như trước nữa. Ánh trăng
chảy vào như nước, âm nhạc như một khúc ca, đó là khúc ca đang tấu lên trong
lòng họ, khúc ca về “câu chuyện tình yêu” của họ. Bỗng nhiên, Tây ôm chặt vai
Quốc, khóc không thành tiếng.
Bố Tây ra viện. Hôm nay, hai chị em Tây cùng vào đón bố về,
Tây nép mình sau bố, một tay nắm thật chặt bàn tay bố. Hàng cứ chạy đi chạy lại
lo chuyện cơm nước cho bố. Không ai nói với ai lời nào. Lúc đó, chuông cửa reo
lên, Hàng vội chạy ra mở cửa, thì ra Giai tới thăm. Hàng cảm thấy không thoải
mái. Và sự không thoái mái ấy hình như thể hiện hơi quá nên Giai cũng cảm nhận
được.
Chuyện của Giai và Hàng vẫn chưa được bố mẹ đồng ý, nhưng sau
đó, vì Giai, Hàng đã quyết làm một “thanh niên nổi loạn” - chuyện của hai người
là chuyện của Hàng và Giai mà thôi, mãi khi mẹ ra đi rồi Hàng mới hiểu, sở dĩ
học làm như vậy vì cả hai đều cho rằng bố mẹ sẽ mãi là bố mẹ, dù thế nào đi
chăng nữa cũng là bố mẹ, sau cùng rồi cũng sẽ bỏ qua cho Hàng, đón Hàng trở về,
chấp nhận Hàng. Cũng vì thế Hàng quyết định cùng Giai chuẩn bị đám cưới, để mặc
bố mẹ ở vào tình thế tiền trảm hậu tấu. Nhưng, sự việc đã dạy cho Hàng biết
không hề đơn giản như vậy, bố mẹ có thể sẽ ra đi bất kỳ lúc nào, cả hai đều đã
già rồi, cuộc sống với họ giờ quá mỏng manh. Có lẽ, những ngày tháng cuối cùng
không giấu giếm bố mẹ về chuyện cưới Giai chính là sự may mắn và là điều Hàng
không hối hận nhất. Nếu Hàng giấu bố mẹ chuyện này, giờ đây Hàng sẽ là kẻ “tiền
trảm” song không còn cơ hội mà “hậu tấu” nữa. Mẹ đã đi rồi, nếu không còn bố
nữa, thì Hàng và chị gái sẽ là hai đứa trẻ mồ côi trên đời.
Hàng đứng chắn trước cửa, không hề có ý định mời Giai vào.
Lập tức thái độ của Giai lúc ấy cũng khách sáo vô cùng: “Bố anh đỡ chưa? Em đến
để đưa bác “sách mẫu”. Đó là cuốn sách bố Tây mới xuất bản. Hàng nhận gói sách
trong tay Giai, đặt ở phía cạnh cửa rồi kéo Giai đi, đóng cửa lại.
“Giai, hiện giờ bệnh tim của bố không tốt, huyết áp không ổn
định.” Giai gật đầu chờ Hàng nói tiếp. Hàng cảm thấy những lời tiếp theo định
nói sao khó thốt thành lời đến thế, nhưng Hàng vẫn phải cắn răng nói ra: “Ý anh
là, chuyện của chúng mình, tạm thời cứ thế đã, em biết thái độ của bố với
chuyện này mà …”
Giai ngắt lời Hàng nói: “Em biết, em cũng không có ý định gì
khác, chỉ là mang sách tới cho bác thôi, em nghĩ có thể điều này sẽ an ủi bác
phần nào…” và còn một cách nghĩ nữa mà ngay đến nghĩ thôi Giai cũng không muốn
nghĩ lại nữa, đó là: Giai vốn định tới là để an ủi Hàng!
Hàng thở dài: “Những chuyện này giờ còn ý nghĩa gì nữa với bố
đâu!”
“Là tại em suy nghĩ không chu đáo. Em xin lỗi. Em đi trước
vậy.”
Hàng nhìn theo Giai với ánh mắt rối bời, trong lòng Hàng thầm
nói: Giai à, anh xin lỗi!
…
Hai ngày sau khi ra viện, bố Tây giục hai chị em đi làm. Khi
mẹ Tây còn sống cũng rất phản đối việc con cái vì chuyện riêng mà bỏ việc, bố
Tây làm vậy cũng chính là làm theo nguyện vọng của vợ. Tây và Hàng không yên
tâm, nên xin nghỉ thêm một thời gian nữa, nếu không thì lần lượt thay nhau nghỉ
ở nhà chăm sóc bố. “Có gì mà không yên tâm, mấy năm nay từ khi nghỉ hưu đến
giờ, lúc nào bố chẳng ở nhà một mình.”
Đôi mắt Hàng và Tây lại hoen đỏ: “Lúc đó khác mà.”
Nhưng bố Tây tỏ thái độ rất kiên quyết: “Cả đời mẹ con không
bao giờ muốn người khác vì mình mà phiền lòng, càng chẳng muốn làm phiền các
con. Vì thế, hai đứa mau đi làm đi. Việc bố phải ở nhà một mình cũng là chuyện
sớm muộn mà thôi. Đã thế thì các con cứ sớm đi làm thì hơn.”
Tây và Hàng không tranh luận lại được với bố nên đành gật đầu
đồng ý. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, cả hai đều nhận ra sự thay đổi của bố, một
sự thay đổi khiên cả hai đều thấy bất an. Đầu tiên là do Tây phát hiện ra. Hôm
đó, vì bận việc công ty nên cả Hàng và Tây đều không về nhà đúng giờ, Tây về
nhà trước, về đến nơi thì trời đã tối mịt. Trong nhà cũng tối om không bật đèn,
bố nói là quên không bật. Lần khác, là do Hàng nhận ra, bố không nghe điện thoại. Hôm đó, ở công trường, rỗi rãi
nên Hàng gọi điện hỏi thăm bố nhưng ở nhà không ai bắt máy. Hàng gọi cho Tây
hỏi bố ra ngoài đi chơi à, nhưng Tây không biết. Sau đó, hai chị em lần lượt
gọi về nhưng cũng không ai bắt máy. Hai chị em đều rất sốt ruột, đều bỏ cơ quan
về nhà. Về đến nhà thì thấy bố đang ngồi trên ghế sô pha. Vừa vào đến nhà thì
chuông điện thoại lại đổ, nhưng bố vẫn ngồi đó yên lặng, mặc cho chuông điện
thoại đổ liên hổi. Khi Tây vào đến nơi nhấc máy lên thì đầu dây bên kia đã ngắt
máy. Tây hỏi bố vì sao không nghe điện, ông nói: “Bố là người đã về hưu, chắc
chẳng ai gọi tới tìm bố đâu.”
“Còn có chúng con mà! Chúng con gọi về mà bố không nhấc máy
làm chúng con lo quá!”
“Lo cái gì? Bố ở nhà rất tốt, làm gì có chuyện gì đâu”
Hàng lúc đó mới lên tiếng: “Bố, hôm nay nắng đẹp, con đèo bố
đi hóng gió nhé.”
“Bố không đi. Không muốn đi. Các con đi làm đi!”
Lúc đó, điện thoại lại đổ chuông. Tây vội ra nghe điện. Trong
điện thoại hỏi đây có phải là nhà bác sỹ Lã không? Họ nói bác sỹ Lã đã chữa
khỏi bệnh cho người nhà họ, họ rất lấy làm biết ơn nên nhờ bạn gửi lên hai
thùng ghẹ biếu mọi người cùng ăn. Tây cảm ơn họ xong mới hiểu rằng vì sao bố
không muốn nghe máy: bố về hưu, 90% cuộc điện thoại gọi tới đều tìm mẹ, và bố
thực sự không thể kìm lòng khi ai đó hỏi thăm “bác sỹ Lã”.
Tối đó, Quốc đến thăm bố Tây, Quốc mang đồ ăn tới và đích
thân xuống bếp nấu cho bố ăn, trong đó có cả món canh đậu phụ bố rất thích ăn.
Nhưng bố chỉ ăn một chút rồi rời khỏi bàn đi ra. Bố đi rồi, Tây kể cho Quốc
nghe tình hình của bố mấy ngày gần đây.
Hôm nay, Quốc tìm được trên mạng một trung tâm tư vấn các vấn
đề về người già, tìm rồi Quốc liền tới hỏi. Ở đó, một chuyên gia nhiều tuổi
trông rất am hiểu và được tín nhiệm ra tiếp Quốc. Sau khi nghe Quốc kể về tình
hình của bố, bác sỹ nói là biểu hiện hết sức bình thường trong hoàn cảnh ấy.
Nghỉ hưu khiến vị trí trong xã hội của một người bị ngừng lại, quan hệ xã hội
cũng ít đi khiến người đó cảm thấy cô đơn, và bố Tây càng cảm thấy cô đơn hơn
người khác. Đàn ông bao giờ cũng có quan hệ xã hội rộng và nhiều hơn phụ nữ,
nói cách khác, đàn ông sẽ thấy cô đơn hơn phụ nữ, nhất là sau khi mất mát gì đó
sẽ cảm giác mình là kẻ đơn độc. đó cũng là lý do vì sao tỷ lệ đàn ông goá vợ
tái hôn nhiều hơn phụ nữ. Ý của ông bác sỹ khuyên là, nhanh chóng tìm cho bố
một người bạn. Quốc nói ngay rằng trước đây hai bố mẹ rất thương yêu nhau, giờ
lại tìm ngày người khác cho bố, em rằng bố không thể chấp nhận được. Nhưng bác
sỹ giải thích rằng: trước đây, mọi người đều cho rằng người già tái hôn chỉ là vì vẫn
đề nhu cầu tình cảm, là để giải toả sự cô đơn, nhưng hiện nay thực tế chứng
mình rằng, người già tái hôn cũng là một cách để dưỡng lão, vì người bạn già
kia có ý nghĩa đặc biệt khác thường đối với người này…
Quốc kể lại cho Tây về những gì được biết khi đi hỏi tư vấn.
Tây về lại kể với Hàng.Và cả hai đều thấy rất buồn. Cứ cho là bác sỹ tư vấn đó
nói đúng thì “người bạn già” ấy đâu phải dễ tìm. Hay là tìm giúp việc, song
giúp việc cũng chỉ là người tới làm thuê, mà hiện giờ, với tình trạng của bố
thì chẳng muốn có người cứ đi lại trong nhà như thế, thậm chí còn mệt mỏi hơn.
Giờ đây bố cần một “người bạn”… có thể chăm sóc bố, một người thân có thể trò
chuyện với bố, làm bạn với bố, mà người bạn này nhất thiết không còn đi làm
nữa, người như thế biết tìm đâu ra? Thậm chí là không có.
Hôm đó là vào ngày chủ nhật, Tây vào bếp nấu canh đậu phụ cho
bố, là Tây học được từ Quốc. Canh nấu lên không đúng vị lắm, song vẫn đành dọn
lên bàn, vì lúc này bố cũng không để tâm nên không nhận ra. Khi ba bố con cùng
ăn cơm thì có người tới. Tây bèn ra mở cửa, và chợt sững người, không phải vì
Quốc tới, mà vì người đang đứng bên cạnh Quốc.
Đó là chị Hạ.
Biết được tình hình của bố, hôm đó, Quốc liền về nhà bàn bạc.
Bây giờ anh trai có thể đường hoàng về nhà ở vì nhà hiện tại là nhà của Quốc mà
thôi, nhưng chẳng hiểu sao cả hai không vì thế mà thấy thoải mái. Ngược lại
càng cảm thấy khó xử, cảm thấy không tự nhiên. Quốc và Thành cùng bàn nhau sẽ
về quê một chuyến để mời Hạ lên. Lần trước về với Tây do vội quá nên cũng chưa
nói được chuyện này. Bây giờ, Quốc quyết định sẽ thực hiện. Anh Thành hỏi Quốc
là có thể tìm người khác không vì Hạ mới bỏ chồng, ở nhà lại không có người
lớn, Hạ lên đây rồi lấy ai chăm sóc con nhỏ. Nhưng Quốc kiên quyết chỉ có Hạ
thôi, vì đây cũng là nguyện vọng sau cùng mà mẹ Tây nhờ Quốc. Hơn nữa Hạ cũng
là người thích hợp nhất để chọn cho bố Tây. Thành suy nghĩ hồi lâu rồi nói nếu
đã vậy thì để chị dâu giúp Hạ chăm sóc con vậy. Thế là cả hai quyết định như
vậy. Hôm đó, Quốc xin nghỉ ở công ty, lái xe về quê…
Biết tin về mẹ Tây, Hạ cũng bật khóc. Hạ quý mẹ Tây lắm vì bà
đối xử với Hạ cũng rất tốt. Lúc đó, trong lòng Hạ có chút ân hận và tự trách
bản thân, Hạ cho rằng nếu mình còn ở đó, mẹ Tây sẽ không ra nông nỗi này. Nhưng
Quốc không để cho Hạ hối hận lâu nữa, bảo Hạ nhanh chóng quyết định lên hay
không. Hạ thật khó quyết định vì còn đứa con gái nhỏ. Trước đây, dù thế nào con
vẫn còn có bố, nhưng giờ giao con cho người khác Hạ chẳng biết có nên không.
Quốc bảo Hạ cứ yên tâm, và bảo đảm với Hạ cả nhà sẽ đối tốt với con gái chị vì
thế cuối cùng Hạ cũng đồng ý lên, đồng ý quay lại nhà Tây làm.
Nhìn thấy chị Hạ đang đứng ngay trước mặt, bố Tây khẽ thốt
lên từ trong cổ họng: “Tiểu Hạ!... Sao cháu tới đây! Nhanh, nhanh vào nhà đi.”
Tây, Hàng và Quốc nữa đều thở dài nhẹ nhõm.
Tây tiễn Quốc về, suốt dọc cầu thang hai người chẳng nói câu
gì với nhau. Ra đến cửa họ chia tay, Tây chỉ nói rất nhỏ: “Cám ơn anh.”
Quốc cũng khẽ nói: “Anh xin lỗi.”
Lần đó, Tây đứng ở cửa dõi nhìn theo bóng Quốc lái xe xa dần…
Nhà có thêm Hạ như có thêm sinh khí. Hạ cũng đã quen đường
quen việc nên không ai phải lo lắng. Tinh thần của bố Tây cũng thoải mái hơn
nhanh chóng. Khi Hạ làm việc, ông giúp Hạ, cùng trò chuyện. Trưa hôm nay, Hạ ở
trong bếp vừa sắc thuốc vừa tách đậu. Bố Tây ngủ trưa dậy lập tức vào bếp giúp
Hạ tách đậu.
“Hạ à, lần này cháu ra đây chồng có đồng ý không?”
Hạ ngập ngừng giây lát: “Cháu ly hôn rồi ạ.” Bố Tây chợt sững
người, thấy vậy Hạ nhanh nhảu kể: “Gia đình anh ấy trách cháu chỉ biết sinh con
gái, bắt cháu sinh thêm đứa nữa, nhưng cháu không muốn. Việc ly hôn này là cháu làm vì con
gái cháu.”
“Vì sao… Ý bác là sao cháu không sinh nữa?”
“Nếu sinh đứa nữa mà vẫn là con gái thì sao? Mà cứ cho là
sinh được con trai, với điều kiện nhà đó, họ chỉ nuôi đứa con trai, vậy thì cả đời
con gái cháu sẽ khổ sao?”
Bố Tây khẽ thở dài tán thưởng: “Hạ à, cháu đúng là không
giống những người phụ nữ nông thông bình thường khác. Cháu nên cho con ăn học
tử tế dù đó là nam hay nữ, không học coi như không có tương lai.”
“Vâng. Lần đó giận quá bỏ đi rồi cháu mới hối hận. Ly hôn rồi làm sao
quay lại được. Mà ở quê cháu, đàn bà ly hôn không được phân ruộng, vì phân ruộng đều theo danh sách tên
của đàn ông mà. Ở quê nông dân mà không có ruộng thì biết làm gì đây…?”
Bố Tây chăm chú nghe Hạ kể chuyện, nghe tới đây ông nói chen
vào: “Ly hôn rồi, cháu lại ra đây thì con ai trông?”
Hạ nói dối: “Người nhà cháu trông ạ.”
Hạ không nói thật vì anh em Quốc đã dặn không được nói, đừng
để bố Tây biết con của Hạ là do chị dâu Quốc chăm sóc. Hạ cho rằng Quốc sợ bố Tây
thấy phiền.
Sắp đến tết. Đâu đâu cũng là những pa nô, quảng cáo, hay các
nữ nhân viên bán hàng mời mua giảm giá đang toét miệng cười trên các mặt báo
lớn nhỏ…
Trong nhà những gì cần thay, cần rửa, cần cọ Hạ đều làm xong
xuôi. Sau đó Hạ đi chợ còn mua thêm một bó hoa loa kèn khiến cả gian nhà thơm
ngát hương hoa và tràn đầy sinh khí. Giờ đây, bố Tây đã giao hoàn toàn tiền
tiêu hàng tháng của cả nhà cho Hạ, mua gì, ăn gì, thậm chí là các hóa đơn thanh
toán hàng tháng đều do Hạ tự chi.
Trong thời gian này, Tây cũng giới thiệu cho bố rất nhiều
người, sau cùng chọn cho bố một bà giáo sư họ Thái, cũng là giáo sư về Trung
văn. Hai người qua lại với nhau một thời gian và đều cảm thấy cũng được, nên
hẹn thứ tư sẽ tới thăm
nhà Tây. Hôm đó, cả nhà ăn cơm xong ra phòng khách xem ti vi, Tây nhắc tới giáo
sư Thái, bảo rằng bố cảm thấy cũng được hay đi làm thủ tục đăng ký đi. Tây còn
bảo người đó rất hợp với bố, trông cũng được và cũng là một giáo sư. Nhưng Hàng
không đồng ý quan điểm của Tây, nói rằng với tuổi này rồi, vấn đề đâu phải xinh
hay không, xấu hay không nữa. Tây chê Hàng coi thường phụ nữ, còn Hàng lại bảo
Tây là đánh giá phiến diện. Bố đành phải xen vào ngăn hai chị em cãi nhau và chuyển về chủ
đề chính. “Chủ đề chính” đó là chuyện hôn nhân của hai đứa. Đều đã lớn rồi, một đứa thì
ly hôn về nhà ở, một đứa thì cứ trì hoãn hôn nhân. Ông trách Tây không cho ông
biết sớm chuyện ly hôn với Quốc, rồi lại trách Hàng bị Giai “làm mê muội”, để
rồi cứ sống như hiện nay, ba bố con dựa vào nhau, ba kẻ cô đơn sống cùng nhau… Đúng lúc ấy, Hạ thu dọn xong xuôi trong bếp
bước ra và xin phép được về quê ăn tết.
Bố Tây chợt thấy hoang mang, ông thực sự không thể tưởng
tượng nổi gia đình sẽ như thế nào nếu thiếu Hạ, hàng ngày biết phải làm sao
đây? Nhưng ông vẫn nói: “Nên thế, nên thế, cháu nên về thăm nhà, cũng đi lâu
rồi mà. Thế cụ thể định bao giờ về?” Hạ bảo muốn bàn với Quốc đã, xem hai anh em Quốc bao giờ về, Hạ sẽ đi
cùng hai người đó.
“Được, thế cũng được.” Bố Tây nói mà trong giọng nói hiện rõ
vẻ hụt hẫng. Tây cũng vậy, cũng hụt hẫng, nhưng hụt hẫng vì biết Quốc cũng sẽ
về quê. Cho dù sau khi gia đình Tây ổn định cuộc sống hơn, đặc biệt là sau khi
bố đã biết hai vợ chồng
chia tay, Tây và Quốc cũng rất ít khi qua lại với nhau. Nhưng dù ít qua lại với
nhau, nhưng Tây biết Quốc vẫn đang sống trong thành phố này, trong lòng cũng
thấy thoải mái hơn, giờ biết Quốc sẽ về quê Tây chợt thấy hụt hẫng, nhất là lại
vào những ngày tết thế này nữa chứ.
Nhưng Thành lại không về quê ăn tết. Vì nếu tết không về mà ở
lại làm sẽ được gấp ba lần lương, bố bảo kiếm thêm chút tiền tốt hơn. Thế là Thành không về
nữa. Tối đó, hai anh em Quốc nói về chuyện này, Quốc chợt nảy ra suy nghĩ hay là đón chị
dâu và các cháu lên Bắc Kinh ăn tết? Thành thực sự không ngờ. Trước nay chưa
bao giờ dám nghĩ tới điều này. Nhưng giờ thấy chuyện này có thể thực hiện được
thì trong lòng vui mừng xiết bao: vợ, con của Thành, có nằm mơ cũng không ngờ
sẽ được lên Bắc Kinh! Hai anh em quyết định xong liền gọi cho Hạ bảo Hạ chủ
động về trước, không phải đợi họ.
Hạ đang bận chuẩn bị về quê ăn tết, mua cho con gái bộ quần
áo mới, truyện tranh và cả tiền lẻ nữa. Hôm đó, Hạ làm xong xuôi mọi việc, xin
phép nghỉ ra ngoài mua cho con gái ít quà. Hạ đi rồi, Tây chỉ biết thở dài: “Chị Hạ đi thật
bất tiện! Định tranh thủ tết nghỉ ngơi chút, giờ thì hết rồi, lại phải làm việc
rồi… Hàng à, em
cũng phải làm đấy nhé! Lần lượt mỗi người một ngày.”
Hàng nói với bố: “Bố, hay bố bảo chị Hạ đừng về. Chúng ta trả
gấp ba lần lương cho chị ấy theo đúng
quy định của nhà nước.”
Bố Tây lắc đầu: “Nhà cô ấy còn có con nhỏ.”
“Đón con cô ấy lên đây.”
Tây xen vào: “Đón con chị ấy lên đây, chưa nói tới chuyện ở
đâu, mà xem lúc đó chị ấy phải trông con hay là làm việc cho chúng ta?”
“Làm cả hai.”
“Làm thế được chắc, ông nội ạ! Đều làm được… em nghĩ người ta là cái máy chắc!”
Khi Tây nói bố không hề nói gì, bởi lúc đó vẻ mặt bố hiện rõ
những hoài niệm linh tinh, bố bắt đầu nhắc lại: “Giờ này năm ngoái, mẹ các con
vẫn còn, hai bố mẹ còn
cùng nhau đi dạo, cùng đi siêu thị, cùng mua sắm đồ tết…”
Cả Tây và Hàng cùng chẳng nói thêm gì nữa. Tối hôm ấy, bố Tây
phát hiện ra chiếc gối của mẹ Tây hằng ngày vẫn đặt bên cạnh gối ông không thấy
đâu nữa. Ông hỏi Hạ và được biết Hạ đã đem đi giặt rồi. Bố Tây cuống lên. “Cái
gối đó không được giặt. Giặt rồi còn đâu mùi của mẹ Tây nữa?” Vì mẹ Tây ra đi
rất bất ngờ, nên ông không có sự chuẩn bị để vượt qua đau thương này, không ngờ
những vật mà người vợ quá cố còn lưu lại hình ảnh mình như nắm tóc, hay chiếc
móng tay đều không có, thậm chí đến dấu tay hay vết chân cũng chẳng còn. Chỉ
còn lại mỗi chút hơi ấm bà để lại nơi vật dụng hàng ngày này. Hơi ấm ấy cũng
bay dần theo thời gian, chỉ còn lại chiếc gối, là còn vương chút hơi người vợ
yêu quý.
Hàng đêm, bố Tây đều ôm nó đi ngủ. Nhưng ông cũng không tiện trách Hạ vì ông có nói cho ai trong nhà về điều này đâu. Đêm hôm đó, huyết áp của ông
lại có dấu hiệu tăng lên. Mỗi lần bệnh tim của bố tái phát là huyết áp
lại tăng lên như vậy. Tối đó, Hạ kê chiếc giường xếp ngủ ngay bên cạnh
cửa phòng bố Tây, để cho ông ngủ yên tâm, nếu bên trong xảy ra chuyện gì thì Hạ có thể thức dậy ngay. Đêm đó, Hạ phải thức dậy ba lần, lấy nước, lấy thuốc và một lần tự dậy để xem tình hình thế nào. Sự chu
đáo và tận tâm của Hạ khiến bố Tây vô cùng cảm động.
Hạ quyết định
không về quê ăn tết nữa. Một là vì Hạ không yên tâm về bố Tây, hai là Hạ cảm thấy lần này ông phát bệnh có một phần trách nhiệm của Hạ, hơi vô
ý. Vì Hạ không về quê được nên anh em Quốc lại gặp chút khó khăn: con Hạ biết tính sao đây? Cả nhà Thành sẽ lên Bắc Kinh ăn tết, không thể để
đứa nhỏ ở nhà với bố mẹ được. Nghĩ mãi rồi Thành bàn hay là thôi không
đưa cả nhà lên nữa.
Quốc lắc đầu: “Bọn trẻ đã nói hết
với mọi người rồi, với cả nhà, thậm chí là với lũ trẻ con, chúng vui
lắm, giờ lại bảo không được có nên không?”
“Hay đưa cả con chị Hạ lên?” Thành bàn.
Quốc im lặng suy nghĩ hồi lâu mới gật đầu đồng ý, vì cũng chẳng còn cách nào khác mà. Sau đó, Quốc gọi cho Hạ nói về ý kiến của hai anh em, nhưng có một điều kiện là con Hạ gia đình Thành sẽ dẫn lên và không được để cho gia đình Tây biết. Gác máy xuống, Thành lập tức hỏi Quốc vì sao phải khổ thế, vì sao không để cho họ biết? Quốc chỉ lắc đầu không
nói gì.
Mùng một tết, bố Tây nhận điện chúc mừng của giáo sư Thái hẹn, nhưng là do Hạ nhận máy. Hạ bảo bố Tây đang mệt nên không tiện nghe máy.Thế là giáo sư Thái hỏi Hạ rất nhiều về tình hình sức khoẻ của Bố Tây khiến Hạ cảm nhận
được sự quan tâm rất chân tình này. Gác máy xuống Hạ lập tức vào kể lại
cho bố Tây nghe và thấy mừng cho ông. Chẳng hiểu vì sao bố Tây không nói lời nào, cũng chẳng hề tỏ ra chút vui mừng. Tối mùng hai tết giáo sư Thái lại gọi điện hỏi thăm sức khỏe bố Tây, sau đó xin lỗi huỷ bỏ cuộc hẹn vào ngày mùng ba. Bố Tây nghe vậy vẫn chẳng nói lời nào. Lúc đó cả Hàng và Tây đều ở đó, và vẫn là Hạ nghe
máy. Tây có hỏi cô Thái trong điện thoại nói vì sao không đến không? Hạ
đáp rằng giáo sư nói "bận". Thông thường nói thế có nghĩa là người ta không muốn tới, thế nên Tây hỏi xem có phải bố và cô Thái đang giận nhau không? Bố Tây lắc đầu cười nói: "Bà ấy đang đánh bài chuồn thôi mà, vì nghe bảo bố con bị bệnh tim mà... người trẻ chọn chồng thường hỏi có tiền không, có đẹp trai không; người già chọn đối tượng thường hỏi có bệnh gì không, cósống được lâu không?" Cả Tây và Hàng đều không hiểu. Bố Tây lại giải thích thêm:
"Các con không hiểu nhưng bố thì hiểu. Người già tái hôn là vì sao? Là để làm bạn và chăm sóc lẫn nhau. Căn cứ vào nhu cầu đó thì, một là
không được quá già, hai là không nên có bệnh gì. Bố cũng vậy. Nhưng nói
đi thì cũng phải nói lại, không già yếu ư? Không bệnh tật ư? Bố con vừa già vừa bệnh tật thế này người ta sao bận tâm được chứ?" Cả Hàng và Tây đều không biết nên nói gì hơn.
Hôm đó, Hàng nói sẽ lái xe đưa cả
nhà mà chủ yếu là bố đi ngắm cảnh, tản bộ. Không đến những nơi ồn ào,
chỉ ngắm nhìn phố phường Bắc Kinh ngày tết cũng
thấy vui rồi. Nhưng Hạ nói không muốn đi, bảo có mấy người đồng hương
lên, tết nên muốn tụ tập với nhau. Hàng bảo sẽ lái xe tiện thể đưa Hạ đi nhưng Hạ lại bảo không tiện đường, Hạ khăng khăng muốn đi xe buýt. Nói rồi ra khỏi cửa và vội đi luôn. Nửa đường Hàng mới chợt thấy vô lí hỏi: Chị Hạ vẫn chưa biết chúng ta đi đường nào sao đã nói là không cùng đường nhỉ? Hay chị ấy không muốn đi cùng chúng ta. Buổi tối,cả nhà về lâu rồi mà Hạ vẫn chưa về, thế nên Hàng và Tây cho rằng Hạ đang đi tìm đối tượng của mình, đang yêu. Cũng vì điều này có thể phân
tích cụ thể răng: thứ nhất, Hạ vốn bảo về quê rồi đột nhiên không về
nữa. Cũng không nên nhỏ nhen mà nghĩ rằng người ta ở lại không phải vì
bố mình, nhưng nếu nói là cả việc công lẫn việc tư thì chắc là không quá đáng, hai là vì sao Hạ không dám đi cùng mọi người? Cả nhà đi ra đường
vốn chưa có đích đến cụ thể nào, vì thế có đưa Hạ đi cũng được chứ sao;
ba là tối thế này rồi mà vẫn chưa về, thực sự là khó lí giải. Tuy nhiên
bố Tây thì không cho rằng Hạ đi hẹn hò, nhưng thấy rất lo vì sao muộn
thế mà vẫn chưa về, nhỡ may gặp người xấu thì sao? Nhất định khi có thời gian phải nhắc nhở Hạ chuyện này. Sau đó cũng chẳng đợi Hạ về và cũng
chẳng nói chuyện này nữa. Ngày hôm sau làm xong mọi việc, Hạ lại xin
phép đi ra ngoài vẫn là lí do đi họp mặt đồng hương, nhưng cũng dặn lại
là sẽ về trước bữa tối, để nấu cơm cho cả nhà. Ngày tết cả nhà Tây trả
lương cho Hạ cao gấp ba lần ngày thường. Nhìn dáng vẻ vội vàng của Hạ, Tây và Hàng đồng thanh nói Hạ đang đi hẹn hò. Chứ không đồng hương gì mà
hôm qua gặp, hôm nay lại gặp. Nhưng bố Tây vẫn không tin, người ở quê
lên Bắc Kinh làm giúp việc thì biết hẹn hò với ai. Hàng bảo có thể hẹn với công nhân. Sao lại không nhỉ? Khi đó bố Tây mới hơi tin, nhưng đồng thời lại mang một mối lo khác, lo
rằng Hạ bị mắc lừa. Và quyết định sẽ phải nói chuyện với Hạ. Thế nhưng
trước mặt Hạ lại chẳng nói được gì. Người ta không hẹn hò mà mình lại bảo người ta đi hẹn hò thì chẳng phải mình không tin người ta
hay sao? Mà Hạ lại là người có lòng tự trọng rất lớn, nếu không đúng thế thì cả hai đều rất khó xử. Thế nên bố Tây quyết định không nói nữa, để
xem tình hình mai thế nào. Không ngờ, hôm nay, sau bữa ăn trưa, Hạ dọn dẹp sạch sẽ tinh tươm rồi lại xin đi
ra ngoài. Lí do vẫn như thế! Nghĩ lại về thái độ của Hạ mấy hôm nay, cứ
như người mất hồn, từ sáng đã bắt đầu nôn nóng chờ tới trưa, mỗi lần
được đi thì vui mừng vô cùng, thế chẳng phải đang hẹn hò thì là gì? Nhưng cũng mong Hạ tìm được một người phù hợp, ai mà
lấy được Hạ kể cũng là có phúc lớn. Thế nhưng mọi người lại nghĩ, nếu Hạ tìm được người yêu, rồi tiếp đó sẽ kết hôn, kết hôn dù Hạ có muốn
sống nhà Tây nữa thì chắc gì chồng Hạ đã đồng ý. Bố Tây nghĩ vậy lại
thấy thất vọng, và trầm lắng. Ông nói nhỏ: "Nếu Hạ thực sự có người
thương, chắc sẽ chẳng ở lâu nhà chúng ta nữa."
"Bố, không sao đâu. Ở nhà có con mà. Con sẽ chăm sóc bố" Tây an ủi bố.
Thế là bao hụt hẫng vì Hạ có thể rời khỏi nhà mình, bố Tây đều trút lên đầu con gái: "Con chăm sóc bố hả? Con thì biết thế nào là "chăm sóc" chưa?"
Trưa hôm nay, Hạ dọn dẹp mọi thứ xong lại xin phép bố Tây ra ngoài. Hạ đi trước Hàng cũng bước ra theo: "Không được, em phải theo xem, em không yên tâm!" Nói vậy, Hàng mặc áo khoác rồi lấy chìa khoá xe đi.
"Con xem cái gì?"
"Bốn ngày liền! Ngày nào cũng đi lại chẳng nói đi đâu!" Hàng nói: "Bố đừng nói con cái gì mà bí mật riêng tư nhé. Hiện giờ chị ấy ở nhà chúng ta. Chúng ta phải có trách nhiệm quan tâm! Bố không thấy người ta nói giúp việc ra ngoài bị người lạ giết đấy à..."
Một tiếng sau, hàng về nhà, vừa về đến nhà liền thông báo: "Chị, chị đoán xem chị Hạ đi đâu?... Tới nhà chị! Nhà anh Quốc!"
Tây sững người hỏi lại: "Quốc và chị Hạ sao?"
"Sao không? Họ là đồng hương, có cùng quan điểm. Anh Quốc đã thất bại với chị, chắc là thất vọng về con gái thành phố lắm rồi."
Tây cảm thấy điều này là không thể, luôn miệng lẩm bẩm: "Không thể,... không thể nào..."
Bố Tây cũng buồn cho
con gái, Hạ là đứa có nhiều ưu điểm, có năng lực, lại thêm yếu tố Hàng
nhắc đến là "Quốc đã thất vọng với con gái thành phố", nếu nghĩ sâu ra
thì chuyện này hoàn toàn có thể. Thế nên ông khuyên con gái: "Tây à, dù
sao con và Quốc cũng li hôn rồi, hai đứa chẳng còn quan hệ gì với nhau,
nó có yêu ai, làm gì chúng ta không quản được, và cũng không có cái
quyền đó."
Hàng bênh chị nói:
"Sao không có quyền chứ? Lấy danh nghĩa mời giúp việc cho chúng ta,
chúng ta bỏ tiền phí đi lại, nuôi ăn, nuôi ở, để cho họ tán tỉnh nhau,
có lừa người ta cũng không lừa theo cách này chứ?"
Bố Tây nhớ ra điều gì nói: "Mà Quốc bảo tết về cơ mà nhỉ? Sao lại không về nữa?"
"Còn sao nữa, vì Hạ chứ sao?"
"Làm gì đến mức đó."
Hàng ấm ức nói: "Đúng là vô duyên, anh ta không biết tìm người tốt hơn à? Nếu là người xinh đẹp, học vấn cao, trẻ trung thì thôi chúng ta chẳng thèm nói, chúng ta mặc kệ, chúc phúc cho hai người họ. Đây lại tìm một người phụ nữ nông thôn không có học vấn - thực sự làm người ta mất mặt quá!"
Bố Tây chau mày: "Hàng, con tức cái gì chứ? Chuyện Quốc giờ chẳng liên quan gì tới gia đình chúng ta cả!"
"Không liên quan?
Liên quan quá đi chứ! Ly hôn với chị, lại tán tỉnh Hạ, điều này nói lên
cái gì? Nói lên là chị Hạ hơn đứt chị Tây rồi. Ít nhất trong tim anh ý
Hạ hơn đứt chị Tây rồi. Mà Hạ thì có gì mà hơn chứ?
"Hạ rõ ràng có những
ưu điểm mà chị con không có, rất hiểu lòng người, rất biết làm việc, nếu Quốc lấy nó, thứ nhất sẽ không cảm thấy áp lực, thứ hai lại được chăm
sóc chu đáo. A mà khi Hạ về đừng ai trong chúng ta đề cập đến chuyện này nhé!"
"Vì sao?"
"Không sao cả, chỉ là làm cho người ta xấu hổ thôi, chuyện này sẽ khiến cả hai ngại ngùng!"
Tới lúc này Tây chẳng nói lời nào nữa, lặng yên và chẳng biết đang suy nghĩ điều gì. Bố và
Hàng đều đang nhìn Tây, và cũng chẳng ai thốt lên lời nào nữa. Cả hai
đều biết Tây vẫn còn yêu Quốc. Tây li hôn với Quốc là vì không thể chịu
đựng thêm được nữa chứ không phải vì không yêu nữa.
Khải Đoạn gọi điện tới tìm Tây, gọi thẳng vào di động của Tây. Đoạn nói nếu tiện
mời Tây ra ngoài một chút, anh ta có chuyện muốn nói với Tây. Nói trực
tiếp. Hàng ngăn Tây đừng đi.
"Chị, chị nói xem liệu có phải anh ta định nhờ chị làm thuyết khách về việc của Giai không?"
"Yên tâm đi. Nếu Giai không muốn quay lại với anh ta nữa, ai có làm thuyết khách cũng thế thôi, là em cũng vậy mà."
Bố Tây nói thêm: "Nói không chừng Khải Đoạn lại thay đổi ý kiến lại muốn lấy Giai cũng nên. Theo cảm giác của bố anh ta rốt cuộc vẫn chưa chịu từ bỏ Giai đâu."
"Không chịu từ bỏ là sự thật. Nhưng lấy nhau thì chắc là không. Người đàn ông như Khải Đoạn, nếu nói cho hay một chút là loại đặt sự nghiệp lên hàng đầu, còn nói
khó nghe một chút là coi tiền là trên hết. Ly hôn rồi phải chia cho vợ
một nửa tài sản, liệu anh ta có làm không? Thực ra anh ta nói đúng, đàn
ông mà không có sự nghiệp thì chẳng có gì. Người mà không có da thì lông để làm gì chứ?" Nói rồi Tây đứng dậy đi.
Vợ của Đoạn qua đời.
Để cứu vợ Đoạn đã cố gắng hết sức vì suy cho cùng đó cũng là vợ của anh ta, mẹ của các con anh ta, giữa họ
có tình cảm rất sâu sắc và còn có cả hai mươi năm đồng cam cộng khổ. Khi nói những lời này, Đoạn đang hẹn Tây ra một quán cà phê. Trông dáng vẻ tiều tuỵ của anh
ta, chắc là đang nói thật. Mà anh ta cũng đâu cần phải giả vờ trước mặt
Tây chứ.
"Thôi được rồi, bây giờ anh đã trở
thành viên kim cương quý, nếu bên cạnh anh có mỹ nhân thì khác nào tiền
hô hậu ủng mà người khác có chạy theo cũng chẳng kịp không?"
"Lúc vợ anh còn anh vẫn là người như vậy mà."
"Vậy anh vì sao cứ nhất quyết phải chọn Giai? Không có ai xinh đẹp và trẻ trung hơn à?"
"Em cho rằng đàn ông lấy vợ chỉ vì trông xinh đẹp thôi sao?"
"Người khác em không biết, còn anh thích lấy người như thế nào?"
"Trong số những người phụ nữ anh đã tiếp xúc, Giai là người duy nhất - là người duy nhất yêu
anh mà không vì tiến của anh". Sau đó, Đoạn nói rõ hôm nay hẹn Tây ra
đây gặp là vì muốn qua Tây nói cho Giai rằng anh ta muốn kết hôn với
Giai, vì Giai vẫn chưa biết tin gì hết.
"Vì sao anh lại tìm em làm chuyện này?"
"Ahh mong em giúp anh. Giúp anh cũng chính là giúp gia đình em. Cả nhà em vẫn luôn phản đối Hàng và Giai đó sao? Nếu Giai đến với anh chuyện của Hàng coi như xong luôn."
Tối hôm đó về nhà, Tây nói lại chuyện này với bố và em trai: "Vợ Khải Đoạn qua đời, anh ta muốn cưới Giai."
"Chị định thế nào, có giúp anh ta thuyết phục Giai không?"
Tây không nói có cũng chẳng bảo không. Mà chỉ nói là: "Căn cứ vào tiêu chuẩn hiện nay thì Đoạn chính là mẫu đàn ông lí tưởng mới."
Hàng cứ truy hỏi: "Vậy nghĩa là chị định giúp anh ta hả?"
Bố Tây lại phải lên tiếng :"Giúp
anh ta chính là giúp con mà! Tục ngữ có câu, muốn biết con chim thuộc về bạn hay không thì đừng nên nhốt nó vào lồng!" Hàng im lặng buồn rầu. Bố Tây đứng lên không quên nói nốt lời cuối cùng:"Nghỉ thôi, không còn sớm nữa."
Tây cũng nói: "Không đợi chị Hạ nữa."
"Tối nay Hạ không về."
"Cái gì?" Tây giật mình kinh ngạc. Mấy ngày nay Tây luôn cố nén cơn bực tức
trong lòng, cố giữ thái độ bằng mặt mà không bằng lòng với Hạ. Giờ thực sự không thể nhịn hơn được nữa, thế nên lập tức cầm điện thoại lên định gọi nhưng bố Tây đã kịp ấn nút tắt.
"Con định làm gì?"
"Con định hỏi chị ý rốt cuộc muốn làm gì?"
"Con có quyền đó không?"
Tây không biết phải nói sao. Hàng cũng bực mình lên tiếng: "Nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua không quan tâm tới như vậy được!Chưa lấy nhau đã ở với nhau dù không phạm pháp nhưng cũng không được phép.
Nếu lỡ có bầu với nhau chẳng phải chúng ta cũng có trách nhiệm hay sao?"
"Ngày mai, để mai hỏi chuyện Hạ xem sao?"
Tây cố nuốt cơn giận vào lòng và bình tĩnh nói: "Ngày mai, lẽ ra tối nay bố không nên cho phép chị ấy được ngủ bên ngoài."
"Bố không ngờ con bé xin phép thế." Bố Tây giải thích: "Bố không được chuẩn bị tư tưởng. Không kịp phản
ứng. Hơn nữa bố cũng nghĩ người ta vì chúng ta mà không về quê ăn tết."
Tây lại giận dữ: "Bố, bố làm vậy là hồ đồ rồi, chị ấy không về quê ăn tết đâu phải vì chúng ta! Là vì chị ấy thôi!"
"Tây à, có phải con vẫn chưa quên Quốc đúng không?
Hai mắt Tây chợt vẫn đỏ.
Lúc đó, Hạ đang ở nhà Quốc. Mọi chuyện cụ thể là thế này: hai anh em Quốc ngủ
trong phòng ngủ, ba mẹ con chị dâu ngủ trên ghế sô pha ngoài phòng
khách, còn hai mẹ con Hạ ngủ ở giương bạt ngoài phòng khách. Đêm đó Hạ khẽ ôm cơ thể bé nhỏ của con gái thì thầm:"Ni Tử, có chật không con?"
"Không ạ, được ngủ với mẹ thật là tốt."
"Ni Tử, mẹ kể một câu chuyện cho con nghe nhé; ngày xửa ngày xưa, trên một ngọn núi có một ngôi đền, trong ngôi đền có một vị hoà thượng già; Lão hoà thượng già nói với một chú tiểu là: Ta sẽ kể cho con nghe một câu chuyện nhé, ngày xửa ngày
xưa, trên một ngọn núi có một ngôi đền..." Kể đến đó cả hai mẹ con cùng
bật cười. Cười rồi, đứa nhỏ hỏi mẹ: "Mẹ ơi! Mai mẹ về với mọi người
nhé!" Trong giọng nói như nghẹn ngào nước mắt. Hạ không nòi gì, lát sau
lại khẽ thì thầm cùng con: "NiTử à, con thấy Bắc Kinh thế nào, có đẹp không?"
"Có ạ."
"Con có muốn lên Bắc Kinh nữa không?"
"Có ạ."
"Mẹ làm là vì muốn con lớn lên được lên Bắc Kinh! Mẹ phải kiếm tiền cho con, cho con lên Bắc Kinhhọc đại học, học xong con có thể ở lại Bắc Kinh giống như chú Quốc vậy."
Con bé nghĩ một lát: "Vì sao bây giờ mình không thể ở lại Bắc Kinh?"
Hạ thở dài, ôm chặt con vào long và chẳng nói nên lời. Chỉ có nước mắt cứ khẽ tuôn rơi...
Hôm sau mãi trưa Hạ mới về nha. Vì Hạ vừa mới ra ga tiễn con, khi chia tay con bé khóc rất nhiều, Hạ cũng khóc. Giờ đây hai mắt Hạ sưng húp lên. Về đến nhà Hạ cảm thấy không khí gia đình có gì đó
không tốt, nhưng Hạ cũng chẳng thể bận tâm tới nhiều chuyện đến thế nên
đi thẳng một mạch vào bếp, chỉ muốn được yên tĩnh một lúc, nhưng Hạ lại
bị Tây gọi giật lại.
"Chị Hạ, chị đã đi đâu về vậy?"
Hạ nói thật: "Chị vừa ra ga." Nghĩ một lát rồi nói tiếp "Chị... người đồng hương của chị hôm nay về quê."
Ánh mắt Tây sắc lạnh: "Nói như thế nghĩa là từ giờ về sau chị không cần phải đi hẹn hò mỗi chiều nữa đúng không?"
"Hẹn gì cơ? Là gặp mặt mấy người đồng hương mà thôi."
"Gặp mặt đồng hương, người thành phố gọi là hẹn hò."
Hạ chẳng biết nói sao. Bố Tây không đành lòng nên ra lời "Hạ à, thực ra cả nhà biết mấy hôm nay cháu đi đâu."
Hạ đầy kinh ngạc. Tây vốn đang chú ý tới Hạ cũng phát hiện ra sự ngạc nhiên ấy: "Chị Hạ, vì sao chị không nói thật với cả nhà?"
Hạ luống cuống vội khai ra hết: "Là hai anh em Quốc không cho chị nói."
"Anh ấy không cho chị nói à? Vì sao không cho chị nói chứ? Hai người quang minh chính dại thì sợ gì? Quốc đã li hôn chị cũng đã li hôn, hai người có quyền tự do riêng mà."
Bây giờ Hạ mới hiểu rõ và vội vàng thanh minh: "Không phải, không phải..."
"Không phải cái gì? Sống cùng nhau việc gì phải giấu giếm chúng tôi, mọi người biết hết rồi!"
Hạ chẳng biết nói thế nào, mặt bỗng đỏ ửng lên. Căn phòng chợt rơi vào yên lặng. Một lúc sau Hạ đột nhiên chạy tới chỗ bình trà, nhấc điện thoại lên và ấn số gọi. Chẳng ai hiểu Hạ định làm gì. Điện thoại đã thông, bên kia có người nhấc máy. Hạ nói
trong điện thoại: "Quốc hả, em mau tới đây đi, nhà bác Cố ý! Có chuyện rồi!" Thái độ của Hạ khẩn trương gấp gáp như sắp khóc.
Quốc tới, và nói hết đầu đuôi mọi chuyện. Nói rồi Quốc hỏi cả nhà, mà chủ yếu là hỏi Tây đã hiểu vấn đề chưa. Tây bảo vẫn chưa hiểu, chưa
hiểu vì sao phải giấu mọi người mà không để chị Hạ nói ra.
"Nếu không phải vì hôm nay khiến em hiểu lầm thì anh không bao giờ định nói ra điều này."
"Vì sao?"
"Anh sợ em hiểu lầm.
Anh không muốn để em hiểu rằng anh vẫn còn hi vọng ở em." Nói rồi Quốc
xin phép về luôn. Cả nhà lại chìm vào yên lặng, không ai dám nhìn ai.
Quốc về đến nhà liền kể lại cho anh nghe chuyện vừa đến nhà Tây. Thành ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bảo, qua
chuyện này cho thấy Tây vẫn còn yêu Quốc. Còn tình cảm Quốc dành cho Tây thì Thành đã quá rõ. Có thể nói khi mẹ ra đi, Tây không thể ở bên đã
khiến Tây tổn thương rất lớn, vì giận quá mà đòi li hôn với Quốc, nhưng
hiện nay mọi chuyên đã qua gần một năm, sự thực đã chứng minh rằng hai người vẫn còn tình cảm sâu sắc với nhau, vậy tại sao không thử nói chuyện với nhau nhỉ? Lúc đó, Quốc mới thổ lộ rằng điều Quốc lo lắng nhất là: Quốc
lo Tây không sinh con được, bố mẹ sẽ không chấp nhận Tây. Mà bố mẹ đã
không chấp nhận, mà giờ Quốc quay lại với Tây thì sau này càng đem lại cho Tây nỗi đau khổ lớn hơn. Thành thực sự không ngờ tới điều này chỉ đứng sững người lúc đó.
Tối đó khi chuẩn bị đi ngủ thì điện thoại của Hàng đổ chuông, là Giai gọi tới. Tết Giai về nhà bố, mai sẽ lên Bắc Kinh, nên gọi điện hỏi Hàng có thể ra sân bay đón mình không. Đó là lần đầu
tiên Giai liên lạc với Hàng kể từ hôm nói với Giai mấy câu khi Giai tới
đưa sách cho bố. Đương nhiên Hàng đồng ý ngay. Không vấn đề gì.
Bố Tây hỏi: "Sao không gọi Đoạn nhỉ?"
Hàng không trả lời, chỉ đi vào buông tắm với tâm trạng rất vui, mọi việc chẳng phải đã rõ sao.
Tây hỏi bố: "Bố, nếu như Giai thực sự cự tuyệt lời cầu hôn của Đoạn..."
"Vậy thì bố yên tâm."
"Ý bố là gì?"
"Điều đó chứng minh con bé yêu Hàng thật lòng."
"Ý bố có phải là, nếu vậy, bố sẽ đồng ý cho chúng nó?" Bố Tây gật đầu. Lúc đó, Tây chợt thấy
ngưỡng mộ xen lẫn thất vọng. "Họ thật hạnh phúc!" Bố Tây cũng khuyên con gái nên nắm bắt có hội đừng kén nữa. Tây cảm thấy trong lòng thật chua xót: "Kén? Con làm gì có tư cách để mà kén chứ? Một phụ nữ hơn ba mươi tuổi đã li hôn, đó là sự thật!"
"Tây à, bố nghĩ con nên chủ đông tìm gặp Quốc nói chuyện!"
Tây lập tức lắc đầu khiến bố bực mình: "Bố giữa chúng con có một kết thúc không thể hoá giải được, con không thể sinh con, mà gia đình Quốc thì không chấp nhận một đứa con dâu không thể sinh con"
Bố Tây chau mày, Chậm rãi nói: "Thằng Quốc này cái gì cũng được, chỉ mỗi tội dính đến chuyện gia đình là trở nên hồ đồ"
"Đúng là bệnh mà!"
Bố Tây vẫn chau máy nói: "Bố vẫn nghĩ thằng Quốc có gì đó khó nói... Tây à, con chủ động đến gặp nó nói chuyện đi."
"Giờ nói để làm gì nữa? Chúng con chia tay rồi mà."
"Chia tay rồi lại tái hợp chứ sao?"
"Con sợ nhất điều
này, anh ấy lại cho rằng con theo đuổi anh ấy! Bố, anh ấy hiện giờ là
giảm đốc giám sát của một tập đoàn lớn, là một lãnh đạo đang độc thân. Trông cũng đẹp trai, chẳng cần nhìn cũng có thể đoán ra có bao nhiêu cô gái đang cố gắng kết thân với anh ấy. Bố không biết chứ, bây giờ con gái chúng nó mạnh mẽ lắm, nếu mà chúng nó thích ai, hoặc thấy ai có thể tốt cho chúng nó, là chúng nó chẳng nghĩ gì tới mình cứ chủ động lao
vào, quyết không chịu buông tay!"
Bố phẩy tay: "Đừng vơ đũa cả năm thế con. Khải Đoạn là một ngoại lệ đó thôi. Thậm chí Đoạn còn thành công hơn cả Quốc, nếu theo lô gic của con thì quanh Đoạn con
gái bám nhiều như ruồi chắc. Vậy mà sau khi mất vợ anh ta lập tức chọn
Giai mà không phải người con gái khác?... Thực ra đàn ông cũng có người
có quan niệm cổ, người đó với những người có quan niệm mới thì có thể là những nhược điểm nhưng cũng chính là ưu điểm đấy"
"Ưu điểm gì ạ?"
"Người quan niệm mới có sự nhiệt tình, nhưng người kia lại có thâm tình, nhưng người kia lại có thâm tình, có thể đỡ mất nhiều công sức" Tây vẫn đợi nghe bố nói tiếp. Tây định phản đối
bố nhưng lại hi vọng bố có thể phản bác lại những ý kiến đối lập của
mình. Bố Tây nói: "Hãy đi nói chuyện với Quốc đi nhé"
Mãi sau, Tây mới mở
miệng nói: "Nhưng con rất sợ gia đình anh ấy. Bố, con nghĩ là nếu ai đó
yêu cả gia đình người đó thì thật là hoang đường, làm sao thế được. Nếu
không phải là Quốc, con có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được rằng
con lại phải qua lại với nhiều người nhà quê đến thế."
"Tây à, về điểm này Giai nó làm tốt hơn con đấy. Nó rất biết nghĩ tới cảm nhận của Hàng. Nó không bao giờ bắt Hàng phải lựa chọn giữa nó và gia đình"
"Làm sao nó dám, nó mà làm thế Hàng bỏ nó ngay."
"Thế nên chúng ta mới phải xem xét. Con không chỉ yêu con trai người ta, mà không cần tới bố
mẹ người ta, điều này có nói thế nào cũng không thuận."
"Nhưng thực sự Quốc đôi khi làm hơi quá đáng!"
"Đúng thế, chuyện này không nhắc lại nữa, bây giờ chúng ta phải làm rõ rằng vì sao Quốc hành động đôi khi quá đáng thế. Tìm ra căn nguyên bệnh mới chữa được bệnh. Nhân lúc nó đi làm, con tới
cơ quan mà gặp nó. Ở nhà nó sống với anh trai, hai đứa nói chuyện không
tiện lắm."
"Gọi điện được mà."
"Chuyện như thế này nói qua điện thoại được không?"
Tây không nói gì nữa.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT