Chàng công tử bỏ tiền ra ngày càng nhiều, bỏ luôn một hơi đến hai mươi vạn lạng bạc. Vãi vung quá xá, chàng bị cha là Di Thân vương nghi ngờ. Thế là ông cật vấn thằng con trai hư đốn và lúc đó ông mới biết bao nhiêu tiền của nhà ông đều chui cả vào cái lỗ nhà Tam cô nương. Bất giác ông nổi máu nóng, chạy như bay đến nhà quan thống lĩnh bộ binh và quan Cửu môn đề đốc, gầm thét một hồi, buộc hai vị quan lớn này tức tốc sai nha dịch quân binh tới nhà Tam cô nương để vừa lấy số tiền lại, vừa đuổi ngay con điếm ra khỏi thành.

Quan thống lĩnh và quan đề đốc nghe nói con điếm bịp bợm ngang tàng đến như vậy, cũng đùng đùng nổi trận lôi đình, lập tức phái nha dịch tới bắt.

Bọn nha dịch quân binh được lệnh của quan trên, hùng hùng hổ hổ xông vào, thấy đồ là đập, thấy người là bắt, chỉ trong chốc lát, tất cả bọn mụ dầu em út, ma cô ma cạo, đều một loạt bị trói gô lại như đàn heo chờ chọc tiết. Chưa xong, bọn nha dịch còn lùng ra nhà sau để tính làm một mẻ nữa cho tỏ đủ cái oai quyền của triều đình. Nhưng vừa tới thềm nhà thì cả bọn đã bị một ông lão giơ tay cản lại. Bọn nha dịch đâu có chịu, xô ông lão ra bên, định cứ xông bừa vào.

Không ngờ ông lão trụ vững như một tảng đá, ba bốn người cùng lúc cũng khó xô cho nhúc nhích được. Cả bọn hầm hè một chặp nhưng chẳng tên nào nhào vô được. Có vài tên tính luồn qua nách ông lão để vào trong, nhưng ông lão sớm biết đã dùng ngón trỏ điểm trúng vào huyệt trên hũm vai, tức thì mấy tên này đứng sững cả lại, mắt trợn ngược, miệng há hốc, chẳng khác gì những bức tượng vô hồn. Bọn nha dịch phía sau, thấy tình hình nguy hiểm, bèn quay lại, chuồn một mạch về nha môn cấp báo.

Quan thống lĩnh bộ binh lúc đó là chú của bà hoàng hậu Phú Sát. Được tin này, ông tức đến chết được, gầm lên như hổ rống beo gào, rồi lập tức đích thân chỉ huy một đội thân binh rầm rộ kéo tới nhà Tam cô nương. Lúc đó trời đã hoàng hôn bên ngoài căn nhà Tam cô nương im ắng khác thường. Tất cả như chìm trong bóng chiều đang nhuộm một màu tang tóc.

Quan thống lĩnh cậy mình là quan lớn nào có ngán ai, nên cứ xông thẳng vào nhà sau. Nhìn qua khung cửa sổ treo bức màn gấm, ông thấy có ngọn đèn le lói, ánh sáng lúc mờ, lúc tỏ, Lại có tiếng phách, tiếng đàn thánh thót vọng ra. Quan thống lĩnh máu sôi sùng sục, đứng ngay giữa sân, quát lớn:

- Bắt lấy nó!

Giữa lúc nguy cấp, bỗng từ trong nhà một đứa con gái chạy thẳng ra trước mặt quan thống lĩnh, đưa cho ông ta mẩu giấy. Quan thống lĩnh xem xong, bỗng giật mình đánh thót một cái, chân như muốn khuỵu xuống. Thì ra trong tờ giấy, quan đọc thấy dòng chữ sau đây: "Ngươi hãy trở về. Ngày mai, trẫm sẽ có chỉ. Khâm thử". Phía dưới mười hai chữ đó, ông thấy dấu son còn tươi của chiếc ngọc tỷ.

Quan thống lĩnh đến lúc này một câu chẳng dám nói, lẳng lặng kéo đội binh trở về nha môn, một mặt biệt phái đội thủ vệ binh âm thầm kéo tới bao vây khắp bốn phía quanh nhà Tam cô nương để bảo vệ cho hoàng đế chơi gái.

Sang ngày thứ hai, quan thống lĩnh vào triều kiến Hoàng đế đang lúc định tẩu khuyên hoàng đế chớ nên vi hành, không ngờ Càn Long đã không cho ông mở miệng mà vừa cười vừa bảo ông:

- Khanh làm việc cần mẫn lắm, nhưng bất tất phải nhìn rõ đến thế, e mất cả cái đẹp đi!

Quan Thống lĩnh nghe đoạn, giật mình phát hoảng rồi đập đầu xin tha tội. Càn Long hoàng đế ngoài miệng tuy nói vậy nhưng trong lòng lại nghĩ là hoàng hậu đã sai quan thống lĩnh tới phá đám. Bởi vậy, ngài bắt đầu chán ghét bà.

Hoàng hậu Phú Sát khi mới lấy Càn Long hoàng đế, ân tình kể ra thắm thiết lắm, nhưng tính bà thẳng thắn đàng hoàng nên thấy hoàng đế hiếu sắc hay sủng ái phi tần thì thường ngầm ngỏ ý khuyên can. Trong cung nhà Thanh có một luật lệ đặc biệt, đó là đọc lời "Tổ huấn" (lời dậy của tổ tiên). Sợ hoàng đế hoang dâm vô độ, cứ mỗi khi được tin hoàng đế ngủ tại phòng bà phi nào mà đến canh năm chưa dậy, tức thì hoàng hậu sai thám giám đầu đội Tổ huấn đi thẳng tới ngoài cửa phông ngủ, quỳ xuống, miệng đọc thao thao bất tuyệt, hết lượt này đến lượt khác. Khi nghe đọc Tổ huấn, hoàng đế lập tức phải mặc áo, xuống giường quỳ nghe. Nếu vẫn mặc kệ, thản nhiên nằm trên giường thì tên thái giám cứ đọc hoài, đọc mãi cho đến lúc hoàng đế phải ngồi dậy mới thôi. Hoàng hậu thường lấy phương pháp đó để trị. Càn Long hoàng đế ghét cay ghét đắng bà là vì thế.

Có một hôm, hoàng đế vừa ở nhà Tam cô nương về, hoàng hậu biết được, bèn bỏ trâm cài đầu đế rủ tóc xuống rồi đem hết lời khuyên can. Hoàng đế thấy vậy, bảo bà một cách lạnh lùng:

- Hậu tính hùa với cả trong lẫn ngoài để áp chế trẫm phải không? Trẫm đâu có phải bọn nhu nhược vô dụng! Hậu nên nhớ điều đó, bất tất phí công vô ích.

Nói đoạn, Càn Long hoàng đế quay mình bước ra khỏi cung.

Từ đó, mỗi lần ngài tới ổ điếm của Tam cô nương tìm vui trở về, đều bị hoàng hậu eo xèo năm ba tiếng chứ chẳng lần nào không. Hoàng đế cảm thấy bị kiềm chế, ở trong cung hết sức bực bội, đến không thể chịu nổi. Bởi vậy, ngài tính phụng thỉnh thái hậu xa giá Nam tuần để nhờ đó có thể toại nguyện bình sinh với cảnh vật, với chùa chiền, với mỹ nhân. Chủ ý đã định. Ngài bèn hạ chiếu tuần hành Giang Nam suốt chuyến đi này. Ngài đem tất cả đại quyền phó thác cho Hoà Khôn.

Ngài cũng cho Lưu Thông Huấn ở cạnh Khôn trông coi việc nước. Lúc đó ngài mới phụng thỉnh Hoàng thái hậu tựu tại cửa Ngọ môn để tiễn đưa. Trong số, độc có mình Hoà Khôn đưa ngài ra mãi tới ngoại ô kinh thành. Càn Long hoàng đế nhìn thấy vẻ mặt Hoà Khôn buồn rầu thê thảm, cho rằng Khôn có ý không muốn rời xa mình, bèn bảo:

- Trẫm đã có ý định cùng khanh đi du ngoạn miền Giang Nam nhưng vì việc nước không người lo liệu, nên đành phải làm phiền khanh. Đợi đến lúc trở về kinh, Trẫm sẽ cùng khanh uống rượu tìm vui, khanh chẳng nên buồn rầu mà làm gì!

Hoà Khôn tâu:

- Chỉ ý của Thánh thượng đâu dám chẳng phụng mạng, nhưng vì trong nhà thần gần đây chết mất một ái thiếp, nên thần buồn bã âu sầu khiến những nét sầu buồn đó hiện ra ngoài mặt, cầu mong hoàng thượng rộng lượng khoan thứ cho.

Càn Long hoàng đế nghe nói phá lên cười:

- Buồn mà làm gì? Miền Giang nam gái đẹp đâu thiếu, trẫm đi chuyến này sẽ tìm giùm khanh một trang mỹ nhân tuyệt sắc để khanh giải mối sầu.

Hoà Khôn nghe xong vội quỳ xuống đất tạ ơn. Càn Long hoàng đế cùng mẹ rời khỏi kinh thành trên hai chiếc thuyền rồng lớn, theo sau là gần trăm chiếc quan thuyền nữa. Đoàn thuyền rồng bơi theo sông Vận Hà, qua Thiên Tân, vào địa phận tỉnh Sơn Đông. Dọc đường bọn quan địa phương hối hả đón giá và cung ứng đầy đủ mọi thứ cần thiết. Bọn buôn muối ở Dương Châu cậy gia tài muôn vạn lượng đều muốn lấy lòng hoàng đế. Trước đây bọn họ đã có lần được vinh hạnh đón giá nay nghe hoàng đế Nam tuần, lại hí hửng xun xoe, chạy vạy hết mình để chuẩn bị tiếp giá và cũng để phô trương cái giàu có của mình. Trong bọn này ta phải kể hai tên cự phách nhất và cũng kình địch nhau nhất là Giang Hạc Đình và Uông Như Long. Trước đây cũng vì chuyện tiếp giá mà hai tay buôn muối này đã kết mối oan cừu. Bây giờ, họ đâu có chịu bỏ lỡ cơ hội. Họ vò đầu bóp óc, đem hết tâm lực ra tìm cho kỳ được một trò vui kỳ diệu nhất để lấy cho bằng được lòng hoàng đế mới nghe.

Bởi thế cho nên đám dân sĩ đất Dương Châu tin tưởng rằng phen này hai họ Giang, Uông thế nào cũng có cách đón giá hết sức tinh diệu tân kỳ.

Số là khi đón giá lần thứ nhất. Uông Như Long đã lo tính tới việc đón giá lần thứ hai. Nàng Tuyết Như từ khi được Càn Long hoàng đế ban ơn mưa móc, nay được Uông Như Long cho ở trong Tảo Thuỷ viên. Hai vai của Long trước đây đã được chính đôi tay của Hoàng đế đặt vào, Long bèn cho thêu ngay hai con rồng nhỏ ở trên đôi vai áo chính xác chỗ đặt tay của hoàng đế. Và từ đó, Uông thân sĩ cũng đổi giọng gọi Tuyết Như là Tuyết nương nương, một niềm kính trọng.

Long còn mua về hai mươi mấy đứa con gái và xin Tuyết Như dạy chúng múa hát. Tuyết Như bèn chọn những điệu múa khúc hát nào mà hoàng đế thích nhất để dạy cho chúng. Nàng cũng còn dạy chúng thêm những điệu múa mới lạ nữa. Uông thân sĩ lại mời khá nhiều danh sĩ sáng tác mấy bài hát mới để dạy chúng ca. Tập luyện vừa thuần thục thì được tin Càn Long hoàng đế ngự giá Nam tuần, Uông thân sĩ vội kéo cả đoàn tới bến Thành Giang đón giá.

Thành Giang vốn là bến sầm uất vào bậc nhất thời đó. Long đã tính đúng. Sau khi thuyền ra khỏi tỉnh Sơn Đông, đi từ Tế Nam tới, bỗng thấy bến này có vẻ đẹp, Càn Long hoàng đế lấy làm thích nên muốn ghé lại ít hôm.

Bởi đã liệu trước điều đó nên Uông thân sĩ đã cho một bọn thợ tới bến sông sửa soạn từ trước, chỉ chờ ngự thuyền tới là có đủ chỗ cho bọn quan viên thân sĩ sắp hàng quỳ một dọc dài như kiểu tràng xà trạm.

Càn Long hoàng đế ngồi trên thuyền, nhìn ra thấy non xa mờ nhạt, cây đứng thành hàng, càng lấy làm thích cái cảnh non sông hùng vĩ. Một lát sau, ngự thuyền ghé sát vào bến.

Đám thần dân chờ chực tiến ra, đồng thanh hô vang dậy:

- Hoàng thái hậu, Hoàng thượng vạn tuế!

Càn Long hoàng đế đang lúc tựa cửa khoang thuyền nhìn lên bờ, miệng cười chúm chím, thì bỗng thấy trên cây đại thụ phía bờ cao treo một trái đào thật lớn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play