Vừa nghe xong kế hoạch của quân sư họ Phạm, Anh Minh hoàng đến như mơ
ngủ bừng tỉnh, vội truyền lệnh để lại năm trăm quân đối phó địch quân ở
mặt nam, một ngàn quân đối phó với giặc ở mặt Khoan Điện, còn tự mình
thì kéo sáu vạn đại quân Bát Kỳ ngày đêm tiến gấp về hướng tây.
Chẳng bao lâu quân Mãn đã kéo tới Giới Phàm Sơn, ung dung hạ trại, xây đồn
luỹ kiên cố. Lúc đó, tướng Minh là Đô Tùng và phó tướng là Lưu Ngô Tiết
đem ba vạn quân đóng tại núi Tát Nhĩ Hử, đối diện với quân Mãn, chỉ cách có con sông Tô Tử.
Vị tướng họ Đỗ này thuộc loại dũng tướng. Tại nơi biên ải, ông đã trải dư trăm trận, không bao giờ tỏ ra sợ hãi, nản
nhụt. Ông có cái tính hết sức kỳ quái là cứ mỗi lần giao chiến đều cởi
bỏ hết quần áo ngoài, để lộ cả thân hình đen thui như đít chảo. Đao
thương nếu có trúng, máu chảy khắp mình, ông cũng chẳng thèm để ý tới.
Bởi vậy, toàn thân không có chỗ nào là không có vết sẹo đao, kiếm,
thương, kích. Cái khoái nhất đối với ông là rượu. Mỗi khi say ông thường cởi hết y phục rồi chỉ từng vết sẹo trên mình, thuật lại những trường
hợp bị thương mà đối với ông, là đáng hãnh diện lắm. Chiến công của ông
thì oanh liệt như thế nhưng thực tế thì bao lần chinh chiến ông chỉ theo bên cạnh chủ soái chứ chưa từng được độc quyền chỉ huy bao giờ. Bởi
vậy, lần này được đeo ấn tiên phong, đích thân chỉ huy đoàn quân tiên
phong, ông cảm thấy sung sướng vô cùng, cho đó là một ân sủng hiếm có
xưa nay, bèn đem quân vượt sông nghênh chiến, phó tướng Lưu Ngộ Tiết
ngăn thế nào cũng không được.
Giữa lúc Tiết còn đang khuyên can
thì quân Minh đã lấy thuyền qua sông đến quá nửa. Đỗ tướng quân có vẻ
khinh khi Tiết, dặn bảo cứ việc ở lại giữ vững sơn doanh. Đỗ còn quát
một tiếng lớn để giục toàn quân xung phong vượt đò cho lẹ.
Anh
Minh hoàng đế ngồi lại trong trướng, được tin quân Minh đã vượt sông bèn để lại Giới Phàm Sơn hai kỳ binh mã, còn toàn quân năm vạn rưỡi người
ngựa, hoàng đế đích thân chỉ huy, hạ lệnh lặng lẽ vượt qua mạn thượng
lưu sông Tô Tử.
Lưu Ngộ Tiết y theo tướng lệnh, cố thủ sơn trại
trên núi Tát Nhĩ Hử. Dọc sông tịch không có một tên quân nào canh giữ,
chẳng ngờ Mãn quân sau khi vượt sông, ùn ùn như nước vỡ bờ kéo xuống.
Lúc đó đã nửa đêm. Tướng sĩ Minh đang khểnh cẳng ngủ kỹ, chỉ nghe tứ
phía một tiếng gầm vang như trời long đất lở, rồi thấy quân Mãn ùn ùn
xông lên đỉnh núi. Tướng Tiết giật mình tinh dậy, thấy nguy, vội nhảy
lên lưng ngựa, xông ra.
Đêm đó trời tối như mực. Mãn quân đốt
đuốc, chia tám lộ xông lên, đứng xa trông chẳng khác gì tám con rồng lửa đang vùng vẫy bay lên trời. Tiết biết thế khó địch, bèn chọn hơn một
vạn quân tìm hướng nào không có lửa sáng để xông xuống. Buồn thay cho
Tiết tuy là tướng nhưng chưa bao giờ đặt chân tới quan ngoại, còn quân
của Tiết lại đều là dân miền Giang Nam, chẳng biết tí địa thế nào ở vùng này. Trái lại Mãn quân thì kẻ nào cũng thuộc đường biết lối, chỉ chọn
những đường lớn xông lên tấn công. Bởi vậy, nhiều quân Minh chỉ vì không biết đường nên chạy lạc vào lòng quân địch, bị đánh tơi bời, một manh
giáp cũng chẳng còn. Hơn một vạn quân do tướng Tiết chỉ huy cũng chỉ vì
không biết đường nên số thì nhào vào bụi rậm, số thì rớt xuống hang hốc, số nữa bị người ngựa đạp lên mà chết. Tướng Tiết xông bên tả, húc bên
hữu, chạy cùng bốn phía tìm đường mà chẳng thấy đường! Tiết chạy suốt
đêm, chạy đến người ngựa mỏi mệt. Rồi bỗng trong nháy mắt Tiết bị dây
thòng lọng trói chặt, bị lôi tuột đến đại doanh của quân Mãn.
Bị điệu vào trước Anh Minh hoàng đế, Tiết thả sức chửi bới. Đại bối lặc cả giận vung đao chém Tiết đứt đôi ngay trước trướng.
Kết quả thật tai hại đối với quân Minh: ba ngàn quân chết, năm ngàn quân
trốn biệt, một vạn quân bị bắt sống, quân Mãn bắt được cờ quạt, chiêng
trống, ngựa lừa vô kể.
Tin đại bại truyền tới trại Đỗ Tùng. Tướng Đỗ hoảng hồn bạt vía, tay chân giật lên thon thót. Quân Đỗ vượt đò sang sông vẻn vẹn mất đúng một ngày trời. Tối đến, mưa lại đổ xuống như
trút, khiến quân sĩ của Đỗ vừa ướt vừa lấm, vừa mỏi mệt lại vừa đói. Từ
tướng đến quân, không một ai là không oán hận Đỗ. Mặc kệ, Đỗ vẫn cho
quân tiến. Nhưng khi gần đến Giới Phàm, Đỗ thấy trong dinh địch không có ánh đèn đuốc nên đâm nghi, vội truyền lệnh dừng quân, rồi sai thám mã
tiến trước thám sát.
Thám mã của Đỗ chưa thấy về, mà phía sau lại cấp báo đoàn quân trên núi Tát Nhĩ Hử bị tiêu diệt không còn lấy một
tên. Đỗ vội truyền lệnh lặng lẽ lui binh về hữu ngạn sông Hỗn Hà. Đỗ
tính như vậy vì cho rằng hữu ngạn sông Tô Tử thế nào cũng có địch quân
ngăn chặn.
Lúc đó, đêm đã sang canh tư. Trên không mây đen che
khắp. Trời tối như mực. Chỉ còn bóng nước sông Hỗn Hà là có chút sáng lờ mờ mà thôi. Đỗ vừa chạy vừa nghĩ bụng: May mà quân địch ở Giới Phàm Sơn không biết, chứ nếu biết, chúng đem quân đuổi đánh thì lúc đó, trước có sông lớn, sau có truy binh, mình không chết dưới đao kiếm thì cũng chết chìm dưới dòng nước. Càng nghĩ, Đỗ càng hú vía. Chẳng mấy chốc, toàn
quân đã tới bờ sông Hỗn Hà. Đỗ hạ lệnh vượt đò sang sông.
Trời
hửng sáng quân của Đỗ mới qua đò được có một nửa. Chính Đỗ cũng đã xuống thuyền ra giữa sông để xem xét. Thuyền bè lúc đó đầy nghẹt người ngựa,
qua lại chi chít. Một nửa quân chưa sang kịp còn đứng cả trên bờ chờ
đợi.
Bỗng phía sau bụi bay mù trời, tiếng hò hét vang dậy. Thì ra đám quân Mãn đông ước vạn rười đang xông tới như một trận cuồng phong,
thấy người là đâm, thấy ngựa là chém. Thương hại thay cho quân Minh, rút chạy suốt đêm, vừa bị mưa gió đói lạnh vừa bị mệt mỏi kiệt quệ, nay lại gặp phải lúc quá nguy ngập, phía trước không có đường chạy, sau có truy binh.
Tướng Đỗ đứng ở giữa sông thấy quân Mãn vô cùng kiêu dũng, chạy nhảy ngang dọc như vào chỗ không người, mà quân mình thì bị tàn
sát thê thảm, chỉ còn cách hô những thuyền quân trên sông chèo vội sang
bờ bên kia trốn chạy mà thôi.
Lát sau, khi đã qua sông, tướng Đỗ
chi thấy một bãi cát phẳng lì, xa tắp. Đỗ lúc đó mới tạm yên lòng. Quay
lại nhìn đoàn quân, Đỗ chỉ thấy năm ngàn người ngựa tơi tả, thiểu não;
không còn lập nổi hàng ngũ. Tuy mệt, nhưng Đỗ vẫn không dám dừng chân,
dẫn quân chạy về phía tây. Chạy ước được mười lăm dặm, đám quân sĩ đã
quá mệt vì đói, đứa thì nằm quay ra đường thiếp đi lúc nào không biết,
đứa thì ngồi bệt xuống mặt đất rồi không đứng lên được nữa. Bọn tướng
lĩnh đến dựng được đứa này thì đứa kia đã đổ xuống, cuối cùng đành
khoanh tay vô phương. Tướng Đỗ thấy cảnh thê thảm đó lấy làm đau lòng,
đành làm ngơ, mặc kệ chúng muốn sao tuỳ ý.
Nhưng giữa lúc mọi
người đang nghỉ ngơi, bỗng một tiếng pháo hiệu nổ vang từ trong khu rừng vọng ra. Thế rồi, quân Mãn ồ ạt kéo tới, cánh tả có Đại bối lặc Đại
Thiện, cánh hữu có Tứ bối lặc Hoàng Thái Cực. Chẳng còn kịp hô quân sĩ,
tướng Đỗ vội mang theo Vương Tuyên và Triệu Mộng Lân cùng năm trăm thân
binh nhảy lên ngựa chạy trốn như một vệt khói dài mất hút.
Hai vị bối lặc thả quân truy lùng lính nhà Minh quanh khu rừng. Quân Mãn mặc sức tung hoành, thẳng tay chém giết.
Tướng Đỗ cưỡi trên mình ngựa, giơ roi quất mạnh, chẳng còn phân biệt là đông, là tây, là nam, là bắc, cứ thấy đường là chạy. Khi tới một eo núi, Đỗ
thấy bóng một chi quân mã xông ra. Rồi dưới bóng tán vàng lọng báu, Đô
nhìn rõ ràng không phải ai xa lạ mà là Khả hãn Kiến Châu ngồi đường bệ
và oai nghiêm trên lưng con bạch mã cao lớn, bên tả có đại tướng Hỗ Nhĩ
Hán, bên hữu có quân sư Phạm Văn Trình.
Hỗ Nhĩ Hán thúc ngựa tiến lên bảo Đỗ Tùng:
- Bọn ta đợi ngươi ở đây đã lâu. Ngươi hãy mau dâng cái đầu lên đi!
Tướng Đỗ biết thế nguy, vội quay đầu ngựa chạy ngược lại. Phía sau quân Mãn
đuổi theo như gió. Đỗ hoảng quá chẳng còn nghĩ đến việc chọn đường, cứ
phóng ngựa như bay vào con đường nhỏ hoang vắng dưới chân núi. Chạy được hai mươi dặm, Đỗ gặp một ngọn núi cao chặn mặt.
Ngọn núi cao
chót vót, vách núi lại dốc đứng. Đỗ không còn biết đi đường nào. Đến lúc này, Đỗ biết rằng tính mệnh mình khó toàn. Bởi vậy Đỗ quay vụt đầu ngựa lại, quát lên một tiếng rồi xông tới đối đầu với quân Mãn. Thế là hai
tướng ác đấu. Đỗ đem tận lực bình sinh xông tả, chém hữu. Quân Mãn không đầy một giờ mà chết cũng khá bộn. Nhưng Vương Tuyên, Triệu Mộng Lân
cũng không thoát chết dưới lưỡi dao của Hỗ Nhĩ Hán. Đỗ nổi giận sôi gan, phóng ngựa lại ác chiến với Hán. Giữa lúc đó, một viên tiểu tướng của
Mãn quân phóng lén một mũi tên trúng ngay giữa yết hầu của Đỗ. Chỉ nghe
một tiếng "ối chao", rồi cả thân hình to lớn đen đủi của Đỗ đổ xuống như một cây thịt.
Ngọn núi này tên gọi ngọn Chước Cầm. Còn viên tiểu tướng quân vừa bắn chết Đỗ Tùng đó chính là cậu con trai thứ mười ba
của Anh Minh hoàng đế nước Kim, tên gọi Lại Mộ Bố. Bố vâng lệnh phụ
hoàng đem hai ngàn người ngựa chờ đợi tại Chước Cầm sơn nên mới có
chuyện chẳng may cho Đỗ.
Đỗ Tùng đã chết. Hai tướng Mãn chặt lấy
thủ cấp, quay về đại doanh dâng công. Anh Minh hoàng đế luận công,
thưởng cho đại bối lặc là lớn nhất. Những chiến lợi phẩm thu được đều
phát thưởng cho tướng sĩ.
Minh tổng binh Mã Lâm đêm đó được tin
toàn quân của tiên phong Đỗ Tùng đã bị tiêu diệt, bèn hành quân tới
Thượng Gián Nhai, đào hào đắp luỹ mười phần kiên cố để tử thủ. Đại bối
lặc Đại Thiện sau khi uống rượu khánh công, bèn tâu với Anh Minh hoàng
đế xin ba trăm kỵ binh ruổi tới Thượng Gián Nhai để diệt Mã Lâm.
Tướng Lâm thấy quân Mãn kéo tới, bèn dàn pháo binh bên ngoài doanh, còn kỵ
binh cho ở bên trong. Lâm còn sai Phan Tôn Nhan đem một cánh quân đóng
tại núi Nghi Phấn về phía tây cách doanh trại ba dặm để làm thế ỷ dốc.
Đại quân của Anh Minh hoàng đế lục tục kéo tới, hợp với quân của Đại bối lặc. Thám mã phi báo:
- Vùng Ngạc Mạc, có tả dự của quân Minh, trung lộ hậu dinh là Cung Niệm
Toại và Lý Hy Bĩ thống lĩnh bộ, kỵ binh một vạn, dùng đẳng bài (khiên
mộc bằng mây, song) bày trận che bên ngoài đại quân.
Kim đế được
tin, liền dặn Đại bối lặc trông coi đại doanh rồi tự mình cùng Tứ bối
lặc đem một ngàn người ngựa đi quan sát cánh quân của Toại. Tứ bối lặc
thấy doanh trại của quân Minh vây tròn như một bức tường thành, bèn quát bảo phóng tên lửa. Trong chốc lát, tên lửa phóng ra như mưa, chẳng khác gì nhưng con hoả long bay vọt sang trại của quân Minh.
Trại Minh bắt lửa, chảy đỏ rực trời. Tứ bối lặc gầm lên một tiếng lớn, phóng ngựa lên trước. Quân sĩ ở phía sau cũng lao mình xông lên. Quân Minh vừa bị
tấn công kịch liệt, vừa bị đằng bài, hào luỹ cản thân không tìm được lối thoát, chết đến quá nửa dưới đao kiếm của quân Mãn. Lý Hy Bí, Cung Niệm Toái, đem tàn lực chống cự cho đến chết.
Anh Minh hoàng đế đứng
trên gò cao nhìn xuống quan sát trận thế, thấy con trai mình xông vào
quân địch như vào chỗ không người, trong lòng lấy làm sung sướng cực độ. Bỗng một kỵ mã phi vụt tới đưa tin:
- Đại bối lặc đang cùng với Mã Lâm tử chiến.
Anh Minh hoàng đế được tin, bỏ Tứ lặc đấy, vội quay về đại doanh, chỉ thấy
quân đội của Mã Lâm trú đóng tại dưới chân Thượng Gián Nhai. Hoàng đế hạ lệnh cho quân sĩ theo phía núi khuất bóng cây bò tới, còn mình đích
thân trèo lên núi phất cờ đỏ chỉ huy quân Mãn xông xuống chân núi. Hai
bên ác chiến, nhưng quân Minh xem bề khó địch nổi, đã tính quay lui.
Giữa lúc gieo neo đó, Đại bối lặc lại thống xuất một vạn thiết kỵ từ mặt chính diện xông tới. Thành thử quân của Lâm bụng, lưng đều chịu địch,
chẳng dám đánh mà tự trốn; quân Kiến Châu của nước Kim đuổi giết một
trận khiến quân Minh tan tác tơi bời, gần như không còn một manh giáp.
Phó tướng Ma Nham của triều Minh cùng một số tướng sĩ đều bị trận vong,
duy chỉ có Mã Lâm là thoát được mà thôi.
Lâm hốt hoảng chạy trốn. Đại bối lặc rượt theo. Quân Minh mỗi lúc một thua, cuối cùng coi như
chết sạch. Lúc đó, Tứ bối lặc cũng đã đắc thắng trở về. Hai cánh quân
hợp lại làm một, rồi quay về hướng ngả Phi Phấn Sơn để tấn công Phan Tôn Nhan.
Địa thế Phi Phấn Sơn rất hiểm trở. Anh Minh hoàng đế hạ
lệnh kỵ binh xuống ngựa, tấn công ngược lên núi. Từ trên núi cao, quân
Minh bắn hoả pháo xuống. Quân Mãn chết khá nhiều. Đại bối lặc và Tứ bối
lặc đành quay về ngự doanh điều động một đại đội cung nỏ tới ứng chiến.
Hai bên giáp chiến, tên bay như cào cào từ dưới lên. Nhưng trận cước
quân Minh vẫn vững chứ không xao động. Quân Minh có lợi thế trông thấy.
Tướng Mãn Hỗ Nhĩ Hán thấy dùng sức mạnh tấn công khó bề thủ thắng, bèn đem
một ngàn tay đao tinh luyện, theo đường nhỏ phía sau núi đánh bọc hậu
trại địch. Khi lên gần tới nơi, Hán cùng với đám quân sĩ gầm lên một
tiếng lớn vang động cả sơn cốc rồi xông vào trại Minh chém giết.
Quân Minh đại loạn.
Quân Mãn dưới chân núi thấy địch quân trên núi rối loạn, trận cước đã xao
động, lại nhất tề liều chết xông lên. Phan Tôn Nhan vốn là một dũng
tướng, bất chấp rối loạn ở mặt sau vẫn quyết liệt cầm cự ở mặt trước.
Khi thấy quân Mãn đã tiến tới lưng chừng núi, Nhan hạ lệnh quân sĩ phóng hoả pháo tới tấp xuống, quân Mãn rụng như sung. Chỉ trong chốc lát mà
quân Mãn đã tử thương ít ra cũng đến vài ba ngàn. Nhan chiến đấu vô cùng dũng cảm. Mãi tới khi quân Mãn do Hỗ Nhĩ Hán chỉ huy chiếm cứ được đỉnh núi, Nhan vẫn còn đích thân khai pháo oanh kích rầm rầm. Quan Mãn đã
kéo tới sau lưng Nhan vẫn khai pháo. Nhưng rồi khẩu đại pháo bị quân Mãn hất tung đi, đồng thời ném cùng cả xác Nhan theo xuống chân núi, lúc đó người ta mới không nghe tiếng nổ ầm ầm nữa.
Toán quân của Mã Lâm coi như hoàn toàn bị tiêu diệt.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT