Vườn viên Minh bị Ba Hạ Lễ đốt cháy rụi… Trong số Tứ xuân, ta có thể nói Mẫu Đơn Xuân là người tốt phúc nhất như hồi trên đã kể. Còn ba nàng
Xuân kia, cuộc đời ra sao?
Trước hết ta kể Hải Đường Xuân. Hải
Đường Xuân từ khi bị đưa vào cung, tưởng nhớ đến người yêu cũ là Kim
Cung Thiềm ngày đêm không dứt, nhiều khi quên cả ngủ, bỏ cả ăn.
Hàm Phong hoàng đế quả đã đem hết lòng sủng ái đối với nàng nhưng mối tình
vương giả đó đã không an ủi được tâm hồn của một con người chỉ sống được nhờ tình. Bởi thế chưa đầy một năm trong cung vàng điện ngọc, nàng quá
buồn rầu mà chết. Dù trong tam cung lục viện có hàng ngàn người đẹp
nhưng cái chết của Hải Đường Xuân quả đã để lại cho Hàm Phong hoàng đế
một nỗi buồn thấm thía.
Đến nàng Xuân thứ ba: đó là Hạnh Hoa
Xuân. Có thể nói rằng Hạnh Hoa Xuân là người đã được hoàng đế cưng yêu
lâu nhất và cũng nhờ đó dành dụm được nhiều tiền hơn cả mọi người. Tuy
giàu nhất nhưng nàng lại cô độc nhất. Trong cung nàng chẳng giao du với
một ai. Bất luận kẻ nào, hễ có ý nhờ nàng tâu giùm hoàng đế, y như phải
có tiền mới được không tiền là không xong. Do đó, trong cung không ai là không giận ghét nàng.
Số tiền dành dụm của Hạnh Hoa Xuân càng
ngày càng nhiều. Nàng đã có tới hai mươi vạn lạng bạc. Nàng gởi ra ngoài nhờ bà chủ mẫu cho vay lãi kiếm lời, món thì năm vạn, món thì ba vạn.
Tiền lời thu được, nàng đều đưa cho tên thái giám tổng quản, đem gởi lấy lãi. Đó mới là tiền. Hạnh Hoa Xuân còn có nhiều vàng nữa. Số vàng của
nàng lúc đó đã tính được đến hai ba ngàn lạng. Ngoài bạc vàng ra, nàng
còn thiếu gì hoa tai vành cánh bằng châu bằng ngọc. Giàu, ai cũng muốn
và cứ tưởng hễ giàu là ai cũng phải luồn cúi mình. Hạnh Hoa Xuân đã lầm ở điểm này. Nàng có tiền, nhưng lại vừa keo kiệt, vừa bất cận nhân tình,
thành thử chẳng ai thèm lui tới giúp đỡ
Ấy chính vì thế mà hôm
loạn ly giặc giã, bọn cung nữ thái giám ai lo phận nấy, tìm đường trốn
chạy, dù có biết cũng mặc kệ, chẳng thèm báo cho nàng hay. Sáng sớm tinh sương, nàng thức dậy thì có ngờ đâu hoàng đế đã ra đi, mọi vật xáo trộn không còn có thể hiểu nổi nữa.
Nàng giật mình hoảng sợ, và cũng
lo cuốn gói theo. Nhưng lúc sắp lên đường nàng thấy một đám cung nữ,
thái giám già hùng hùng hổ bổ xông vào phòng, rồi một tiếng gầm lên, tất cả đều động thủ. Trước hết, chúng thắt cổ cho nàng chết, mắt không kịp
nhắm, miệng không kịp ngáp, chỉ hắt ra được mấy tiếng ặc ặc! Làm cái
việc giết người xong, chúng làm thêm cái việc cướp của! Bao nhiêu vàng
ngọc châu báu của nàng, vơ vét hết ráo. Thật đáng thương cho một kiếp
đào hoa xinh đẹp như mộng, mà thây ma nằm quanh queo trên giường không
chôn cất, để mãi cho đến rữa đến nát, ruồi bọ mang đi.
Số kiếp
Hạnh Hoa Xuân đã thế, thì số kiếp Đà La Xuân cũng chẳng hơn gì. Nàng
sống dưới một cái am nhỏ, lễ Phật, ăn trường chay, hoàn toàn trong
trắng, không bận chút hồng trần. Người trong cung ai thấy nàng cũng lấy
làm thương xót.
Ấy cũng nhờ vậy nên khi hoàng đế đã bỏ chạy lên Nhiệt Hà, nàng được viên tổng quản thái giám ngầm tới báo tin cho hay.
Từ khi bước chân vào cung. Đà La Xuân đã coi cái chết như vô nghĩa, bởi
thế, khi nghe viên thái giám báo tin, nàng chẳng hề hoảng sợ, vẫn thản
nhiên tụng kinh niệm Phật, gõ mõ điểm chuông. Bọn cung nhân và thái giám đã đi hết, nàng bỗng lại thấy một tên tiểu thái giám tới khuyên nàng
nên chạy ra khỏi vườn, còn nói thêm cho nàng biết trong vườn chẳng còn
ai tra xét, có thể yên tâm mà đi thẳng về nhà.
Đà La Xuân nghe
nói có thể về nhà được, bỗng thấy xúc động, lòng nhớ cố hương dâng lên
ào ạt. Thể là nàng gói ghém chút ít đồ đạc quần áo, theo gót tên tiểu
thái giám ra khỏi am. Nàng bước qua từng khu vườn này tới dãy nhà khác,
chỗ nào cũng vắng lặng quạnh hiu, khiến lòng càng thêm ảo não.
Nàng nghĩ thân phận mình: mẹ nàng thì đã vì thương nàng mà chết tại trong
cung, còn nhà thì chẳng có mà về. Lúc này nàng mới cảm thấy mình bạc
phận, nếu có ra khỏi vườn thử hỏi rồi đi đâu nương nhờ qua ngày đoạn
tháng!
Nàng suy nghĩ vẩn vơ như vậy một lát rồi bỗng quyết định
với một ý định liều lĩnh trong trí. Giữa lúc quyết định này chân nàng
cũng vừa bước tới cây cầu Vạn Phương. Tên tiểu thái giám vô tình cứ lẹ
làng bước tới phía trước. Nàng nhân lúc xuất kỳ bất ý, nhón đôi gót ngọc lao mình xuống đáy hồ dưới cầu. Một tiếng bùm vang lên trong cảnh tĩnh
mịch của một khu nhà hoang vắng lặng, mặt hồ vừa bị xao động nay lại đã
khép lại và phẳng lỳ như một tấm thảm xanh. Thế là một cánh hoa xinh
tươi thơm ngát chỉ trong nháy mắt đã trớ thành héo hon tàn úa.
Trong vườn lúc này càng thê lương ghê rợn hơn, không một bóng người, không
một luồng sinh khí, hoa chỉ thấy chập chờn vài cành cây khô trong đám cỏ rậm như những bóng ma.
Tên tiểu thái giám từ xa nghe một tiếng
ùm trên mặt hồ, vội quay lại không còn thấy Đà La Xuân, biết đã xảy ra
chuyện chẳng lành. Hắn vội quay lại, nhưng nàng đã gieo ngọc trầm châu
biết nơi đâu mà tìm. Hắn chỉ còn biết nhìn vào mặt hồ mà bật lên tiếng
nấc để tiễn đưa hồn của một cành hoa tuyệt thế nhưng bạc mệnh từ lúc mới ra đời.
Cái ngày Đà La Xuân chết chìm trong hồ nước chính là ngày thứ bảy trước khi vườn Viên Minh bị Ba Hạ Lễ đốt cháy rụi.
Than ôi! Cả một khu vườn bao la bát ngát, biết bao cung điện lâu đài ao hồ
đều lộng lẫy xinh đẹp, chỉ trong chốc lát đã biến thành một nơi đồng
trống, rải rác đống tro tàn và những cây cột cháy xém chớm chở trên mặt
đất, bỏ mặc cho sương rơi gió hú lúc đêm trường.
Tin vườn Viên
Minh ra tro báo tới tai Hàm Phong hoàng đế, khiến lòng ngài như lửa đốt. Bệnh ngài đó càng nặng thêm. Đã có đôi lần ngài ngất đi trên giường
bệnh. Phi hầu đã có mấy phen giọt ngắn giọt dài.
Trong khi hoàng đế chết đi sống lại tại hành cung Nhiệt Hà thì liên quân Anh Pháp mưu tính tấn công Cấm thành.
Hiếu Trinh hoàng hậu được tin động trời này, hốt hoảng truyền dụ cho Cung vương mau mau nghị hoà với đối phương.
Giữa lúc nguy cấp này, có một viên thiếu tướng nước Nga tên gọi Phổ Tra Khâm nhận thấy đảy là một cơ hội thuận lợi nghìn năm một thuở cho mình: Cho
nên Khâm tới khuyến cáo viên công sứ Nga tên là Y Cách Đa đứng ra điều
giải giữa đôi bên để mở cuộc hoà nghị.
Cuộc hoà hội được tổ chức. Vẫn là hoà ước thời Đạo Quang, nhưng thêm chín khoản nữa. Nước Pháp
cũng tăng thêm mười khoản nữa. Mở cửa Thiên Tân cho người ngoại quốc vào ra buôn bán. Bồi thường cho Anh một ngàn hai trăm vạn lạng bạc chiến
phí. Bồi thường cho Pháp sáu trăm vạn lạng binh khí.
Hoà ước hội được đưa lên Nhiệt Hà. Hàm Phong hoàng đế vội triệu Thuỵ Hoa và Túc Thuận vào cung, thương nghị.
Hoa và Thuận vốn không ưa Cung vương đã từ lâu, cho nên khi nghe xong hoà ước liền nói:
- Giải quyết đại sự như vậy, thì hỏng bét rồi còn gì! Cứ theo hoà ước này, thử hỏi chúng ta còn gì nữa không?
Hàm Phong hoàng đế không có ý gì để quyết định lúc này. Nhân vì ngài thường vời Hiếu Trinh hoàng hậu và Ý quý phi tới bàn soạn triều chính hằng
ngày, cho nên lúc này ngài cũng cho gọi tới để cùng bàn tính, Hiếu Trinh hoàng hậu vốn tính trung hậu, nay gặp chuyện đại sự này, nhất thời
không dám có lời đoán định. Chỉ có một mình Ý quý phi tỏ ra can đảm, cứ
thao thao bàn cãi. Nàng nói:
- Hiện nay quân giặc đã ở chân
thành. Bọn ngoại quốc, nếu không được thoả mãn, ắt chẳng chịu thôi. Việc này thực ra thì hỏng đã từ đầu, do bọn khốn nạn Kỳ Anh, Ngưu Giám, Quế
Lương, Hoa Sạ Nạp gây ra. Lúc đầu, kể ra cũng vẫn có thể giải quyết
được. Nhưng tiếc rằng chúng toàn là một lũ hèn nhát sợ chết, nịnh bọn
ngoại nhân, động tí thì xin hoà, cuối cùng mới sinh ra chuyện nguy khốn
trầm trọng như ngày nay. Nay thiên tử mông trần ở bên ngoài, kinh sự
nguy vong chỉ một sớm một chiều. Phía nam có bọn tóc dài gây hoạ. Phía
bắc thì có bọn thổ phỉ lộng hành. Nội loạn lo chưa xong thì làm sao mà
chu toàn được ngoại hoạ. Chi bằng ta xin Phật gia tuỳ cơ quyết đoán,
chuẩn y hoà ước của chúng. Một là để cho ngoại binh sớm lui hai là để
Phật gia xa giá sớm hồi loan dưỡng bệnh ở trong cung. Còn nếu cứ ở lại
mãi nơi hành cung này thì thử hỏi chúng ta còn làm được gì hơn nữa chứ!
Một thiên đại luận này của Ý quý phi quả đã đánh trúng vào điểm yếu của Hàm Phong hoàng đế. Ngài ốm bệnh ở bên ngoài, ngày đêm chỉ mong trở về
cung, do đó, ngài chuẩn y ngay ý kiến của Ý quý phi, phê ngay vào hiệp
ước, một mặt ngài truyền dụ cho Cung vương sửa sang cung điện, bồi đắp
lại thành quách.
Việc sửa sang, bồi đắp lại ròng rã đến mấy
tháng, suốt từ đầu thu đến cuối đông mới xong. Liên quân Anh Pháp lúc đó cũng đã rút khỏi kinh thành. Cung vương lĩnh chỉ đưa hoàng thượng hoàng hậu xa giá về cung. Không ngờ Hàm Phong hoàng đế bỗng nổi cơn ho hen dữ dội khiến ngài nằm liệt tại hành cung, không đi lại được một bước.
Thế là cuộc hồi loan đành phải hoãn. Ý quý phi bế hoàng tử Đái Thuần sớm
hôm hầu hạ bên giường bệnh của hoàng đế để lo liệu thuốc thang. Hàm
Phong hoàng đế sau một cơn chạy loạn, nhìn thấy Ý quý phi săn sóc bên
giường, nhớ lại tình xưa nghĩa cũ, quên luôn cả mối giận thuở trước, dần dần lại sủng ái nàng.
Ý quý phi thấy mình lại được sủng ái, dại
gì bỏ mất cơ hội. Nàng bèn bỏ tiền túi của mình ra liên lạc với hai tên
tổng quản họ An và họ Thôi ở trong cung. Nàng lại còn giao cho Thôi tổng quản bắt liên lạc ngầm với một người cháu ruột ở bên ngoài tên là Vinh
Lộc.
Ý quý phi vốn có một người anh trai tên gọi là Quế Tường.
Khi còn ở Thiên Địa Nhất Gia Xuân được Hàm Phong hoàng đế rất sủng ái,
nói chi nghe nấy, nàng đã tìm cách đề bạt anh mình làm một viên kinh
quan để thông tin trong ngoài cho mình. Nhưng Tường quả thực là một thứ
ngốc có chuôi ra! Tuy làm kinh quan đấy, nhưng Tường chẳng hiểu một điều gì hết. Nàng thấy anh mình vô dụng, bèn thay đổi phương pháp, quyết đề
bạt người cháu ruột Vinh Lộc.
Khác hẳn cha, Lộc vô cùng giao hoạt thông minh, Lộc có công danh rồi, liền chạy chọt khắp triều đình. Nhiều người thấy Lộc xuất thân trong gia đình được sủng ái, tự nhiên có một
biệt nhãn đối với y. Thế là chẳng bao lâu, Lộc bò lên được cái ghế Mãn
thượng thư. Với địa vị này, Lộc tất nhiên là đã có quyền và thế lớn.
Thấy Cung vương là người thân tín của Hoàng thượng, Lộc tìm cách lân la
giao thiệp, trong khi đó Cung vương quả chẳng bao giờ ngờ tới âm mưu của Lộc. Do đó Lộc và Cung vương thật hết sức ăn ý với nhau.
Thế rồi, ngày nay, Lộc lại được cô ruột mình sai Thôi tổng quản ra bắt liên lạc với mình, thực không còn gì tốt đẹp hơn.
Lộc vội vàng đem tài mình ra giúp cô ruột, liên lạc với Cung vương. Cho nên ít hôm sau, người ta thấy Cung vương trở thành một đảng với Ý quý phi.
Ý quý phi thấy vây cánh trong ngoài đã đủ, bèn nắm quyền trước hoàng đế.
Hiếu Trinh hoàng hậu vốn là người ăn nói kém, cho nên hễ có sớ tấu gì
đưa lên, bà đều giao cho Ý quý phi đọc cho hoàng đế nghe. Hàm Phong
hoàng đế lúc này đã quá suy nhược, việc triều chính đều giao cho Hiếu
Trinh hoàng hậu quyết đoán. Nhưng Hiếu Trinh hoàng hậu thấy Ý quý phi
thông minh và tài cán hơn mình, lại đem hết mọi việc triều chính bàn
soạn với nàng.
Đấy là lúc đầu, mãi về sau, Ý quý phi chấp cả hoàng hậu, độc đoán độc hành, phê đại vào các tờ sớ rồi mới đưa cho hoàng hậu xem.
Hiếu Trinh hoàng hậu không vui lòng, nhưng tính vốn không ham tranh quyền cướp vị, bà để mặc nàng tự ý giải quyết.
Bọn đại thần trong triều được tin Ý quý phi được quyền nghe việc triều
chính, bèn gói ghém một vạn lạng bạc chạy vào ngõ hậu của bọn tổng quản
thái giám An, Thôi, nhờ chúng đem vào hiếu kính nàng.
Ý quý phi
đã nhận tiền người, tất nhiên phải vì ngươi mà làm ơn làm phước. Cũng có khi nàng nói tốt cho họ trước mặt hoàng thượng. Những lần đầu bất ngờ,
hoàng đế quả đã không nghi ngờ gì nàng. Nhưng về sau, thấy nàng toàn nói tốt cho đại thần ngài bỗng sinh nghi, không còn tin nàng và cũng từ đó
đã có ý chán ghét nàng.
Bệnh tình của Hàm Phong hoàng đế lúc này
càng ngày càng thêm nặng. Ý quý phi biết ngài đã đến lúc nguy kịch rồi,
bởi thế nàng nghĩ ngay tới địa vị tương lai của mình. Nàng bế hoàng tử
Đái Thuần ngày nào cũng xúng xính trước giường bệnh của hoàng đế. Nàng
nói:
- Phật gia chỉ có mỗi một hoàng tử. Sau việc bách niên,
tương lai thảy đều do Đái Thuần thừa kế ngôi báu. Hiện nay các đại thần
bên ngoài đều có chủ trương lập trưởng quân, tại sao Phật gia không nhân lúc này mà lập định thái tử, để tránh cho mẹ con tôi gặp phải trở ngại
sau này?
Hàm Phong hoàng đế nghe đoạn, biết thâm ý của Ý quý phi, nhưng ngặt cái ngài chỉ có mỗi một hoàng tử, thì tương lai kế vị quyết
không thoát khỏi tay con nàng. Do đó, ngài chậm rãi gật đầu, lại còn an
ủi nàng không nên bận tâm làm gì, ngôi vị thái tử quyết về tay con nàng, và tất nhiên, nàng sẽ trở thành thái hậu.
Ý quý phi nghe Hàm Phong nói vậy, lúc đó mới yên tâm.
Bệnh của Hàm Phong hoàng đế là một chứng bệnh lao tổn, thân thể càng ngày
càng còm đi, khô đi như con mắm, tinh thần càng ngày càng mệt mỏi yếu
đuối. Tuy vậy, lòng ngài vẫn còn xét đoán minh bạch lắm. Trong lúc đau
yếu ngài lặng lẽ theo dõi những hành động của Ý quý phi. Có lẽ ỷ thế
mình phải là bà thái hậu nay mai, tính nàng đã thấy có vẻ hỗn xược kiêu
căng… Thậm chí, có cả những trường hợp đấu khẩu với Hiếu Trinh hoàng
hậu, không chịu nhường bước. Cũng có khi ngài thấy sớ tâu đưa lên, Ý quý phi không thèm bàn tính với Hiếu Trinh hoàng hậu, tự do độc đoán độc
hành, phê ý mình vào tờ sớ rồi trả về.
Hàm Phong hoàng đế biết Ý
quý phi rồi đây ắt quỷ quái tinh ranh lắm, bởi thế ngài vô cùng tức giận trong lòng. Lừa lúc nàng không có bên cạnh giường. Hoàng đế liền vời
Túc Thuận lại bảo:
- Ý quý phi hỗn xược quá đỗi, nếu để thị lại, tương lai hoàng gia thế nào cũng bị hại lớn. Trẫm đã định lúc trẫm còn
sống đây, hãy cho hắn một cái chết, để trừ hại mai hậu cho nơi cung cấm.
Túc Thuận nghe xong, giật nảy mình, chỉ còn có nước cúi mọp xuống đất, đập
đầu nghe coong coong, miệng chẳng thốt được lời nào. Ngừng một lát,
hoàng đế lại nói:
- Nếu không trẫm sẽ để lại di chiếu, rồi sau khi trẫm chết, triều đình đem Ý quý phi ra tuẫn táng.
Hiếu Trinh hoàng hậu vốn người trung hậu, nghe hoàng thượng nói vậy, ngẫm
lại thương thay cho Ý quý phi, bà cầu ơn đến mấy lần ở hoàng đế. Bà nói:
- Ý quý phi sinh hạ hoàng tử, mẹ sở dĩ quý được là nhờ con. Xin vạn tuế
gia đặc ân, tha cho nàng đôi phần. Nếu vạn tuế gia cho nàng được chết,
về sau hoàng tử lên kế vị, truy niệm sinh mẩu, hỏi còn làm người cách
nào?
Hiếu Trinh hoàng hậu nói đoạn, lệ tuôn ròng ròng trên gò má.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT