Lại nói Diệp Danh Thám gây chuyện rối rắm tại Quảng Đông, khiến các nước Tây phương liên quân đã đánh phá thành Quảng Châu lại còn điều động hải quân tiến bức Kinh, Tân (Bắc Kinh và Thiên Tân). Thanh triều phải phái
hai đại thần Quế, Hoa tới giảng hoà, bồi thường cho họ đến bảy, tám trăm vạn lạng bạc mới hy vọng cuộc chiến tranh nguội đi được.
Trong
hiệp ước giảng hoà có khoản nói rõ là sau khi thanh toán khoản tiền bồi
thường thì Liên quân phải trả thành Quảng Châu lại cho Trung Quốc. Thế
nhưng liên quân chiếm đóng Quảng Châu luôn tới nay đã hai trăm năm rưỡi
mà vẫn ở lỳ, tuyệt nhiên chẳng có ý gì trao trả.
Sự kiện này làm cho một tay anh hùng yêu nước rất lấy làm giận, bấy lâu hậm hực trong lòng không lúc nào nguôi.
Tay anh hùng đó là viên đầu mục Đoàn luyện binh ở trấn Phật Sơn. Viên đầu
mục nọ cho rằng chuyện tai vạ mất Quảng Châu đều là do tên lãnh sự nước
Anh là Ba Hạ Lễ mà ra, khiến nỗi Trung Quốc phải chịu nhục quốc thể cắt
đất bồi thường. Y bèn ra một cáo thị trong quảng đại quần chúng xin đem
một ngàn lạng bạc tiền thưởng cho bất cứ ai chặt được cái đầu lâu của
tên Ba Hạ Lễ.
Ba Hạ Lễ nghe được tin này giật nảy mình đánh thót
một cái, mặt mày xám ngoét lại. Hồi đó công sứ nước Anh còn ở Thượng
Hải. Lễ vội vàng đánh một điện tối khẩn lên Thượng Hải bẩm cáo việc này
cho tên công sứ. Nhận được tin, tên công sứ Anh quốc nổi cơn thịnh nộ
liền gởi văn thư cho Quế Lương yêu cầu tâu về triều cách chức tổng đốc
Lưỡng Quảng là Hoàng Tôn Hán, mặt khác buộc Lương phải giải tán ngay tổ
chức Đoàn luyện.
Quế Lương chẳng biết làm cách nào chỉ đành một
mặt trả lời tên công sứ Anh quốc, một mặt kiểm điểm lại điều ước tạm
thời không thay đổi. Bọn ngoại quốc thấy Lương không chịu thay đổi điều
ước, cho rằng Lương không có chút nào thành ý giảng hoà; thế là tàu binh nước Anh có dịp kéo nhau vào Tràng Giang diễu võ dương oai, suốt một
dọc từ Thượng Hải tới mãi Hán Khẩu. Bọn Pháp bắt chước tụi Anh cũng cho
quân đi khắp nơi xông xáo khiêu khích. Đã phá phách quấy rối, cướp bóc
hiếp đáp, tụi Pháp lại còn ngang nhiên cho bọn cố đạo đi khắp nơi xây
cất nhà thờ đạo Thiên chúa. Bọn quan địa phương sợ quá, đâu có dám sờ
đến lông chân mấy ông cố đạo, chứ đừng nói tới đem lý luật ra mà ngăn
cản.
Nhưng giữa cái đám quan hèn ấy bỗng xuất hiện một vị Mã thân vương tên gọi Tăng Cách Lâm Bật không chịu hèn.
Ông thấy bọn ngoại quốc láo xược, ngang ngược, chẳng coi ai ra gì, chịu
không nổi, bèn nổi cơn thịnh nộ, viết ngay một tờ sớ tâu lên đàn hặc
viên tổng đốc Trực Lệ là Đàm Đình Tương, kết tội Tương không lưu ý gì
tới việc tuần phòng sông bể, đồng thời đích thân sai người tới cửa bể
Đại Cô, xây đắp pháo đài và chôn một hàng cọc gỗ rào hẳn cửa bể lại.
Chưa hết, muốn cho cẩn thận hơn, ông còn cho rèn những cái khoá sắt để
khoá trái cả cửa sông lại.
Đến ngày hội nghị để thay đổi hiệp
ước, binh thuyền các nước đều rầm rập kéo tới Thiên Tân. Bọn quan binh
Trung Quốc đưa thư tới, buộc tất cả các binh thuyền ngoại quốc phải đổi
hướng tới cửa Bắc Đường bỏ neo, chứ không được qua lại cửa Đại Cô.
Nhưng người Anh đâu có chịu, nhất định cho tàu chiến cứ việc xông vào cửa Đại Cô. Cửa Đại Cô đã bị xích sắt chăng kín lại khoá chặt.
Thế là
người Anh khai hoả. Súng đại bác nổ ầm ầm, khoá xúc xích đứt tung, mười
ba chiếc tiểu đĩnh chở nghẹt lính liên tiếp xông vào, trên mũi cắm cờ
hồng, khiêu chiến với pháo đài, chĩa họng súng bắn xối xả vào pháo đài,
vào các trại bộ binh trên bờ.
Vừa xáp lại gần bờ, bọn lính Anh
nhảy lên bờ xông tới cướp pháo đài; súng trên pháo đài lúc này buộc phải bắn trả. Mấy chiếc tiểu đĩnh trúng đạn chìm nghỉm; mặt khác bọn lính
Anh xung kích trên bờ cũng bị quân nhà Thanh giết chết đến mấy trăm tên, ngoài ra còn bắt sống thêm một viên tướng Anh chỉ huy.
Cuộc ác
chiến kéo dài thêm một lúc nữa. Quân Anh bị thảm bại, chỉ còn lại có mỗi chiếc tiểu đĩnh, hoảng hốt chạy như bay ra mãi ngoài khơi. Những chiếc
chiến thuyền lớn của Anh quốc, thấy quân mình đại bại, liền rút lui khỏi cửa Đại Cô kéo tới Lữ Thuận rồi Hải Sâm, quan sát địa hình địa vận rồi
từ từ rút về hướng nam đi mất.
Nhân dân tỉnh Quảng Đông nghe nói
người Anh đại bại, bèn vội vàng đóng tàu sửa thuyền, e rằng bọn "quy
trắng" kéo lại báo thù, trong khi đó, bọn phú thương lại đi quyên tiền
ba trăm vạn lạng, ngầm đưa tới cho người Anh, xin đừng gây chiến nữa.
Bọn công sứ Anh và Pháp chiếu hội với thông thương đại thần là Hà Chiết
Thanh, tình nguyện giữ đúng điều ước tám năm. Thanh chỉ mong hai chữ
"bình an", nhưng phải cái Hàm Phong hoàng đế tín nhiệm Tăng vương, nghe
lời vương nên chẳng thèm trả lời bọn ngoại quốc về việc này, trái lại
chỉ bảo Thanh cứ chiếu theo hoà ước thời Đạo Quang hoàng đế, còn truyền
chỉ cho Thanh vẫn ở lại Thượng Hải để lo liệu việc nghị hoà, không được
quay về bắc, ví thử có tàu binh bọn "quỷ trắng" chạy vào trọng sông thì
thẳng tay tiêu diệt.
Mặt khác Tăng Cách Lâm bật huy động hơn một
trăm vạn nhân công sửa sang lại cửa Bắc Đường. Về sau quả nhiên có kẻ
chủ trương đưa quân địch vào cửa Bắc Đường, và leo lên bờ tại nơi đây.
Hàm Phong hoàng đế lại hạ chỉ triệt thoái hết quân đội tại Bắc Đường,
hàn lâm viện biên tu là Quách Tung Đào vội dâng sớ khuyên can nhà vua.
Thân sĩ Bắc Đường là ngự sử Trần Hồng Dực cũng tâu xin chớ có rút quân
tại Bắc Đường. Nhưng Hàm Phong hoàng đế không nghe.
Chẳng mấy
hôm, một đoàn tàu nhỏ chở đầy lính Anh và lính Pháp kéo tới cửa Bắc
Đường, nhổ hết nhưng cái cọc gỗ để lấy đường sửa soạn tấn công. Tên
tướng Anh Ngạch Nhĩ Kim, tên tướng Pháp Át La đem hơn một trăm chiếc tàu binh đánh thốc lên bờ. Lên được bờ rồi, chúng kéo đại bác lên bắt đầu
khai hoả, tiếng nổ ầm ầm. Quân Tàu hoảng hốt chẳng dám ló mặt ra, chỉ
cho người tới trại quân ngoại quốc báo tới Bắc Kinh trao đổi điều ước
nghị hoà.
Bọn ngoại quốc đến lúc này lâm vào tình trạng cưỡi hổ
khó xuống, đời nào chiều theo. Chúng bất chấp lời đề nghị của bọn Thanh, tức tốc huy động một vạn tám ngàn Liên quân từ Bắc Đường đánh thốc vào
nội địa. Vô phúc cho Liên quân gặp đúng lúc nước thuỷ triều rút xuống,
khiến các chiến thuyền nằm phơi vườn trên bãi sình. Chúng sợ quân Thanh
giáp công từ hai bên bờ liền treo cờ trắng bay phất phới giả bộ cầu hoà. Quả nhiên quân Thanh thấy cờ trắng không dám tấn công thực.
Nước thuỷ triều lại dâng lên ồ ạt. Những chiếc tàu Liên quân này xuất kỳ bất ý xông vào bờ đổ bộ; tiếng súng nổ ầm ầm không ngớt. Quân Thanh bị đột
kích, hốt hoảng bỏ chạy tán loạn. Một vạn tám ngàn Liên quân kéo thẳng
tới vùng Tân Hà.
Tăng vương chỉ huy ba ngàn quân tinh nhuệ kéo
tới để chống cự. Nhưng đại bác của quân ngoại quốc quả lợi hại thật.
Tiếng nổ ì ầm, đạn bay vun vút… Một trận xung kích vô cùng ác liệt xảy
ra. Đáng thương thay cho ba ngàn quân tinh nhuệ của Tăng vương chết
sạch, chi còn sống sót có bảy mống.
Tân Hà bị chiếm, Đại Cô trở
nên nguy ngập. Hàm Phong hoàng đế vội sai đại học sĩ Thuỵ Lân đem quân
Bát Kỳ từ kinh đô ra Thông Châu phòng thủ.
Quả nhiên Liên quân
sau khi đại thắng kéo tới bức Đại Cô nhè trúng pháo đài ở ngạn bắn
trước. Đạn đại bác bay lên bờ vô phúc trúng ngay vào kho thuốc súng của
quân Thanh.
Một tiếng nổ long trời lở đất, xé tan cả một bầu trời đầy mây hôm đó. Rồi trong nháy mắt, ngọn lửa bốc lên cao muôn trượng.
Khói đen toả ra khắp bốn phía, cả một toà pháo đài rộng lớn bị thần hoả ngấu nghiến chẳng đầy một buổi, chỉ còn trơ lại mấy bức tường đất lộn gạch
cháy xém chênh vênh. Quân lính chết chẳng biết bao nhiêu, chỉ cần biết
hôm đó, đề đốc Lạc Thiện đã bị cháy còng queo trong đống thuốc pháo như
con bò thui.
Tăng vương lúc đó đóng quân tại nam ngạn thấy cơ
nguy khủng khiếp như vậy vội lui quân về Thông Châu, cắm tại vịnh Trương Gia. Vương thấy Thiên Tân xem chừng khó giữ, vội cho chạy văn thư cáo
cấp về kinh như bươm bướm.
Hàm Phong hoàng đế xem sớ giật mình
thon thót, lòng nóng như lửa đốt, bất giác bệnh cũ lại tái phát. Ngài
chỉ còn có một cách sai Quế Lương tới Thiên Tân đề nghị hoà.
Quế
Lương tống đạt dấy chiếu hội tới dinh công sứ Anh. Viên công sứ Anh hồi
thư cho Lương biết, phải tăng thêm khoản bồi thường mở cửa Thiên Tân cho người ngoại quốc vào buôn bán. Còn, một điều nữa là phải để cho quân
ngoại quốc kéo tới Bắc Kinh để trao đổi điều ước.
Hàm Phong hoàng đế trong lúc bệnh hoạn tính tình hết sức khó chịu. Ngài nghe nói bọn
quỷ trắng muốn kéo binh vào kinh, hơn nữa tên sứ thần nghị hoà lại là
tên Ba Hạ Lễ ngày nọ, thì tức bực khôn tả liền hạ chỉ cự tuyệt thẳng
tay.
Hàm Phong hoàng đế nghe lời Hiếu Trinh hoàng hậu cho người
cấp tốc về Hà Nam triệu hồi ngay Bảo Thắng về kinh và hạ lệnh đem một
vạn cấm binh tới Thông Châu giao chiến với quân giặc, mặt khác, truyền
cho Di thân vương Tải Viên mở một bữa tiệc cho mời bọn công sứ Anh Pháp
tới dự.
Rượu được mấy tuần, Viên đưa ra việc nghị hoà. Ba Hạ Lễ lớn tiếng đáp:
- Nếu muốn nghị hoà mà không cho gặp mặt hoàng đế Trung Quốc thì nhất
định không được. Ngoài ra, Thanh triều phải để cho mỗi nước đem hai ngàn quân kéo vào Bắc Kinh, lúc đó mới khai hội.
Điều kiện gay cấn
như vậy thử hỏi Tải Viên làm sao mà chấp nhận được, đành phải trả lời là hỏi ý kiến triều đình lại rồi mới trả lời dứt khoát được.
Ba Hạ
Lễ thấy Di thân vương không tự quyết được vấn đề, từ đó không thèm nói
năng gì nữa, mặc cho vương cười nói lấy lòng chi cũng mặc kệ, nhắm mắt
giả ngáy khò khò trên giường. Tải Viên cụt hứng, chẳng còn cách gì hơn,
đành lủi thủi ra về như chó cụt đuôi.
Qua ngày hôm sau, quân tình phi báo về. Kinh càng vô cùng nguy ngập: quân của Bảo Thắng ở Thông
Châu đại bại, quân của Tăng Thuỵ cũng thua lớn. Tướng Anh Ngạch Nhĩ Kim
chỉ huy quân quỷ trắng đang ùn ùn kéo vào kinh thành.
Toàn thể
thành Bắc Kinh được tin động trời này chỉ trong nháy mắt đã biến thành
nồi nước sôi. Đại học sĩ Đoàn Hoa cùng thượng thư Túc Thuận thấy tình
thế quá nguy quá gấp, đang đêm vội chạy vào vườn Viên Minh xin bệ kiến
hoàng đế.
Hàm Phong hoàng đế lúc này bệnh tình đã nặng lắm. Bên
cạnh ngài có Hiếu Trinh hoàng hậu lo lắng nâng giấc. Trong phòng bên có Ý quý phi lo liệu thuốc thang.
Bỗng có tin Đoan Hoa và Túc Thuận
xin vào bệ kiến. Hoàng đế nằm trên giường bệnh liệu rằng việc lớn bên
ngoài có phần chẳng lành, mặt bỗng trắng bệch ra như tuyết, tay chân run lên bần bật.
Hiếu Trinh hoàng hậu một mặt truyền gọi ngự y vào xem mạch hốt thuốc, một mặt cho hai vị đại thần vào gấp long sàng hỏi chuyện.
Túc Thuận liền đem hết tình hình chiến sự bên ngoài kể lại đầy đủ và tâu tiếp:
- Hiện nay thế giặc quá mạnh: hoàng thượng vốn thân vạn thắng, nên sớm liệu xuất thủ, tới một chỗ an toàn nhất mới nên.
Hàm Phong hoàng đế, cất tiếng run run bảo:
- Hiện nay trời còn tối, Trẫm lại bệnh, thân thể hết sức mỏi mệt, chạy tới đâu bây giờ được?
Thế là cả bọn quay lại bàn tính một hồi. Cuối cùng Hiếu Trinh hoàng hậu quyết đoán việc này lên tiếng:
- Chi bằng bọn ta kéo đi Nhiệt Hà!
Hàm Phong hoàng đế nghe xong cũng gật đầu cho là phải.
Bọn ngư y lúc này cũng còn ngồi nơi đây, liền chạy lại tâu xin hoàng thượng uống máu hươu để tinh thần thêm sảng khoái hơn, khí lực mạnh mẽ hơn.
Thế là mấy tên thái giám vội chạy ra ngoài đi tìm hai con hươu chọc huyết lấy máu đem tới, hơi nóng còn bốc lên nghi ngút.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT