Năm thứ mười tám đời vua Đạo Quang, Phiên đỗ tiến sĩ. Đến cuối đời Đạo Quang, Phiên đã leo lên ghế hữu thị lang bộ Lễ. Năm thứ nhất đời vua Hàm Phong, triều đình hạ chiếu cần người nói thẳng, Phiên ứng chiếu, Phiên sớ một bản điều trần ba điểm về thánh đức (đức của nhà vua), và về phong tục lệ. Lời lẽ của Phiên quá thẳng, đến nỗi bị khiển trách và suýt bị tù tội. May được đại học sĩ Kỳ Huề Tảo và vị giám khảo phòng thi hồi gọi là Quy Chi cố công giải cứu nên mới thoát nạn. Phiên về quê chịu tang mẹ giữa lúc loạn Hồng Dương (tức Thái bình Thiên quốc của Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh) nổi lên, khói lửa ngút trời.

Một đạo chiếu chỉ hạ xuống, sai Phiên tiếp tay tuần phủ Trương Lượng Cơ đốc biện việc huấn luyện quân dịch, sưu tra bọn thổ phỉ. Phiên vốn là một danh gia về Lý học, đã xin được phép cư tang, cho nên không muốn dính tới việc quân nữa. Nhưng Phiên có một người bạn tên Quốc Trung Thọ, khuyên Phiên cứ nên vâng chịu, chẳng có gì là trái cổ lệ. Nghe bạn, Phiên rũ áo đứng dậy, mộ đám nông phu làm quân nghĩa dũng, dùng bọn thư sinh làm doanh, bắt chước Thúc Kế Quang đời Minh lập thành cơ ngũ, huấn luyện ngày đêm, thành lập được đến mấy doanh quân Đoàn luyện.

Trong khi Trương Lương Cơ đổi về làm tổng đốc Hồ Bắc thì Lạc Bỉnh Chương về làm tuần phủ Hồ Nam, Phiên với Chương vốn là hai bạn chí thân, mọi sự đều ý hợp, cho nên việc huấn luyện quân nghĩa dũng ngày càng thuần thục, số quân ngày càng đông.

Giữa lúc đó thì thư xin cầu viện của Giang Trung Nguyên gởi tới. Phiên vào gặp Chương nói:

- Giang Mãn Tiều gặp nguy không nên không cứu?

Mãn Tiều chính là tên tự của Giang Trung Nguyên. Khi còn ở kinh, Nguyên đi thi hội có vào yết kiến Phiên. Hai người nói chuyện khá lâu rồi mới từ giã. Phiên thường nói sau này thế nào Nguyên cũng lập danh rỡ tiết.

Phiên cùng với Lục tuần phủ thảo luận kỹ càng rồi mới sai hai ngàn quân nghĩa dũng đất Lương, hai ngàn quân nghĩa dũng đất Sở, cùng với sáu trăm doanh binh giao cho viên tu Quách Trung Thọ, đạo viên Hạ Đình Việt và tri huyện Chu Tôn Di đưa đi cứu viện. Em ruột của Giang Trung Nguyên là Trung Tế cùng với bọn học trò La Trạch Nam cũng dốc suất đám nông dân trong các làng xóm theo đi dẹp giặc.

Vài lời phê bình về sự nghiệp Hồng Tú Toàn của Dương Gia Lạc tác giả bộ Thanh sử thông tục diễn nghĩa do Thế giới thư cục ấn hành:

"Sự khỏi đầu của Tăng Quốc Phiên chính là sự tàn lụi suy vi của Hồng Tú Toàn. Thực ra một phần lớn lỗi lầm là do tự Hồng. Khi định đô ở Giang Ninh rồi, Hồng chẳng thèm quan tâm đền việc được mất, cứ nghiễm nhiên an cư, ăn chơi thoả thích, hoang dâm vô độ. Đã thế quân quốc đại sự, Hồng lại phó mặc cho Dương Tú Thanh. Thanh chuyên quyền, gian dâm bừa bãi cũng như Hồng, Kiều, lại kiêu ngạo còn hơn Hồng. Quân tướng như vậy hỏi thành công sao được.

Lâm Phượng Tường đem quân bắc phạt, chính đó là kế hay của Hồng. Tường đại thắng, vượt qua Hoài vào Biện, đi tới đâu thế đều như chẻ tre. Thực là một đoàn quân tinh nhuệ ít thấy. Thế nhưng Tường có điều thất sách hơn là không nhân lúc quân Thanh chưa tập hợp được, xông thẳng vào Tề, Lỗ, tiên nhắm Yên Kinh mà lại đem quân về hướng tây miền Hoài Khánh quanh đường cố đánh, rồi theo đường Sơn Tây quay vòng vào Trực Lệ, lao lực kiệt sức, thử hỏi làm sao mà chẳng thua. Quân tan vỡ ở Thân Châu, lúc đó mới biết hỏng thì than ôi! Đã muộn.

Hồng còn có một điều thiếu suy nghĩ nữa là khi đắc thắng, vừa chiếm được ít đất, đã vội lợi dụng sức mạnh quân sự và chính trị, bắt buộc dân tộc Trung Hoa phải theo tôn giáo mình.

Nội bộ chia rẽ vì đó, quần chúng bỏ rơi cũng vì đó, một phần lớn nho gia Trung Quốc đương thời nắm vai trò lãnh đạo quần chúng và chính quyền, không chấp nhận một giáo lý mới nên có thái độ bất hợp tác và cuối cùng còn quay giáo lại chống đối kịch liệt là khác. Đó là trường họp của Tăng Quốc Phiên, một nho gia lỗi lạc trong phía Đông Thành đã vang tiếng một thời trong lịch sử Trung Quốc.

Cho nên hồi này coi như một hồi nhắc lại điều đáng tiếc của Hồng, đồng thời cũng để nêu ra một cái lỗi hết sức nặng của Hồng mà hậu thế nên lấy đó làm gương!".

Dân tỉnh Hồ Nam đã lâu nổi tiếng là bài ngoại, nhất là đối với Tây phương. Họ thấy những chuyện gây hấn của Anh, của Pháp, của Hoa Kỳ mà lấy làm tức. Ấy cũng từ đó, họ đã tức lây sang cả tôn giáo Tây phương. Đây là một sự thiệt thòi của Thái Bình Thiên quốc. Ngay sau khi chiếm đóng được nơi nào, giáo chủ đạo mới Dương Tú Thanh tức thì đi truyền đạo Nhưng dân tộc Trung Hoa thẩm thấu tư tưởng Khổng, Mạnh đã quá lâu. Bởi vậy, khi Thanh khuyên họ bỏ đạo cũ, bỏ cả bàn thờ tố tiên để theo đạo mới của Thanh, thì họ đời nào chịu nghe ngay.

Một số lớn, vì lý do đó mà không theo, còn một số khác nữa thì lại cực đoan hơn, quyết chống lại, kịch liệt nhất phải nói là bọn nhà nho, bởi vì rằng bỏ việc thờ cúng tổ tiên là một điều cấm kỵ của những người coi trọng đạo hiếu. Bên ngoài, dân chúng đã không hưởng ứng, bên trong, nhất là hàng ngũ võ quan và binh lính, một khi bị giáo chủ Dương Tú Thanh bắt buộc phải theo đạo mới, thì dần dần băng hoại.

Bởi thế, quân tóc dài dù có những tướng tài như Thạch Đạt Khai, Lâm Phượng Tường cũng đành phải suy bại. Thật đáng tiếc cho sự nghiệp của Hồng Thiên vương! Ví thử Thái bình Thiên quốc chi chú trọng đến việc đuổi Mãn phục Hán theo đúng tôn chỉ của họ ngay từ đầu thì đâu đến nỗi. Người đời thường nói: xây nên thì dễ, mà giữ gìn thì khó, quả có đúng như thế.

Đây là cái lý do chính khiến Tăng Quốc Phiên, một nhà nho trói gà không chặt, đã lên tiếng, có thể hiệu triệu được dân chúng tỉnh Hồ Nam gia nhập hàng ngũ quản Tương, Sở của ông để chiến đấu. Mà một khi quân Tương, Sở của Phiên, dù chỉ là một đoàn ô hợp lúc ban đầu, ôm ấp một lý tưởng trong lòng thì đối thủ nhất định phải vô cùng gian nan vất vả để chống cự.

Lại nói đoàn quân Tương, Sở đến cứu Giang Tây, vừa tới Nam Xương đã gặp ngay sức chống cự dữ dội của quân tóc dài. Hai bên giáp chiến tơi bời. Quân Tương, Sở vừa được luyện tập mới xuất quân lần đầu, làm sao địch nổi quân tóc dài đã bao lần vào sinh ra tử. Hơn nữa, bọn chỉ huy như La Trạch Nam lại đều là bọn văn nhã thư sinh, văn thơ thì hay nhưng thao lược chính chiến đâu được như bọn tướng lĩnh đối phương.

Rốt cuộc quân Tương, Sở đại bại tử thương vô số kể. Song như đã nói, quân Tương, Sở còn có cái lý tưởng để chiến đấu, cho nên thua không nản, họ lại bày trận khác, quyết diệt cho bằng được quân tóc dài.

Thấy thế giặc mạnh, Tăng Quốc Phiên thảo sớ tâu về triều xin viện binh, mộ binh tập luyện, hy vọng có thể quét hết được quân tóc dài tại vùng Tràng Giang. Tờ sớ dài đến vài ngàn chữ, và gởi về đã được hồi tấu ngay. Được chiếu chỉ rồi, Phiên chuyển quân từ Tràng Sa tới Hàng Châu, đóng gấp chiến thuyền, thành lập thuỷ sư. Phiên cho đóng thử nhiều lần, cuối cùng mới quyết định đóng ba loại thuyền: loại thứ nhất gọi là Khoái Giải (con giải lẹ làng), hình dáng to bự cần đến hai mươi tám tay chèo, tám tay lái. Loại thứ nhì gọi là Tràng Long (con rồng dài) nhỏ hơn Khoái Giải một chút, cần đến mười sáu tay chèo, bốn tay lái. Còn loại thứ ba gọi là Tam Bản, nhỏ xíu, chỉ cần có mười tay chèo. Trên mỗi thuyền, đều có một thuyền trưởng chỉ huy, ba tay pháo thủ, hai tay cai chèo, một tay chánh lái và một tay phó lái. Khoái Giải là thuyền dành cho đại bản doanh của doanh quan. Tràng long dùng làm chính tiêu, còn Tam Bản dùng làm phó tiêu.

Phiên chiêu mộ thuỷ quân năm ngàn người. Rồi ngày đêm luyện tập tinh thục, tổ chức thành mười doanh. Sáu doanh toàn là quân mộ từ Hàng Châu. Chỉ huy sáu doanh này có sáu người: Thành Danh Tiêu, Chư Điện Nguyên, Dương Tải Phúc, Bành Ngọc Lân, Trâu Hán Chương, và Long Hiến Thám. Tất cả đều là doanh quan. Còn bốn doanh nữa là: Chữ Nhữ Hàng, Hạ Loan, Hồ Gia Viên, Hồ Tác Lâm: Riêng Chữ Nhữ Hàng đã từng làm đồng tri tỉnh Việt, rất am tường về tổ chức thuỷ sư.

Tăng Quốc Phiên lại tuyển mộ năm ngàn quân lục chiến chia làm mười ba doanh, do một số tướng lĩnh có tên sau đây chỉ huy: Châu Phụng Son, Sư Mai Cung, Lâm Nguyên Ân, Trâu Thế Kỳ, Trâu Thọ Xương, Dương Danh Thanh và cả người em sau rốt của Phiên tên gọi là Tăng Quốc Bảo nữa. Phiên còn đặc cử Tháp Tề Bố làm phó tướng đảm nhiệm chức tiên phong. Như thế, cả đội quân thuỷ lục của Phiên cộng lại được hơn vạn người do chính Phiên tổng hạt, chỉ còn đợi thuyền bè đóng xong, ăn uống đầy đủ, lương thực hoàn bị, nhất tề nhổ neo xuôi theo sông Tương, quyết một phen sống mái.

Quân Tương, Sở và quân tóc dài, quần thảo nhau suốt mười lăm năm, gây bao tai ương khủng khiếp cho dân tộc Trung Hoa. Quân tóc dài thực không phải tầm thường để cho quân Tương, Sở chiến thắng một cách dễ dàng. Phiên tấn công mặt này, thì quân tóc dài chọc thủng phòng tuyến ở chỗ khác. Cái thế chiến đấu cài răng lược giữa đôi bên càng ngày càng khốc liệt Cuối cùng, Tăng Quốc Phiên trí cùng lực kiệt, đành phải án binh chờ đợi. Thái bình Thiên quốc nếu có bị đánh tan, thực phải do bộ óc của một nhà nho khác nữa kế tục sự nghiệp của Phiên. Nhà nho đó chính là Lý Hồng Chương, đã từng định kế để có thể đánh chiếm Nam Kinh, thủ đô của Thái Bình Thiên quốc ở những hồi sau.

Tình thế bất lợi kéo dài cho quân tướng của Phiên nói riêng, cho triều đình nhà Thanh nói chung. Đã thế, đại bản doanh của quân Thanh tại Giang Nam lại bị quân tóc dài đánh cho một trận tơi bời, đến nỗi một manh giáp cũng không còn.

Hướng Vinh làm khâm sai đại thần thống đốc quân Thanh lo quá đến sinh bệnh mà chết.

Hồng Thiên vương Tú Toàn nhờ được thêm trận này, oai thế lại còn rực rỡ hơn xưa. Quân tóc dài mở những cuộc tấn công lớn vào các đoàn quân Thanh bị xé rách tả tơi ở khắp các mặt trận. Đó là tình hình chiến sự khẩn cấp vào năm thứ sáu, niên hiệu Hàm Phong, hồi tháng năm. Tiếp sau đó, quân Thanh lại còn phải lao đao nhiều keo lắm, đến nỗi có người đã e ngại cho cái ngai vàng nhà Thanh khó bề đứng vững.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play