Giữa lúc đắc sủng, Lan quý nhân lại còn được một tin mừng đặc biệt nữa: đó là nàng có thai, sau một năm hầu hạ hoàng đế. Bởi thế nàng vội đem tin mừng này tâu lên hoàng thượng.

Hàm Phong hoàng đế nghe tin vô cùng sung sướng và càng sủng ái Lan quý nhân hơn. Ngài tự nhủ: Đã bao nhiêu năm ngài thưởng thức số người đẹp không đếm xuể, chỉ cầu mong lấy một hoàng nam để kế nghiệp nhà Đại Thanh mà mãi vẫn chưa được. Hiếu Trinh hoàng hậu đối với ngài lại ít dịp ăn ở cùng nhau, chuyện sinh hoàng tử với bà quả là một việc khó khăn lắm… Nay Lan quý nhân có thai, nếu sinh cho ngài một hoàng nam, thì thực chẳng uổng công ngài sủng ái.

Kể từ hôm đó, Lan quý nhân muốn mưa thì được mưa, nàng muốn nắng thì được nắng, không có cái gì là không được. Nàng nói một câu là hoàng đế nghe liền một câu, nói hai câu là hoàng đế nghe ngay hai câu, thực là bảo sao nghe vậy Từ khi có thai, Lan Quý nhân hay chóng mặt, tính tình sầu não, chán cả chuyện chăn gối. Không hoàn toàn là chuyện thay đổi khi mang bầu. Có lê do nàng đã giết quá nhiều gái Hán trong cung. Hằng đêm, vào canh khuya, nàng tỉnh dậy nghe những tiếng ma hú, quỷ gào quanh căn nhà Thiên Địa Nhất Gia Xuân. Đã thế, cái thai của nàng hình như cũng hưng yêu tác quái, khiến nàng nôn nao suốt ngày, nghĩ lằng mình đã bị ma nhập.

Nàng tính toán thấy chi còn vài ba tháng nữa thì lâm bồn. Với nàng thì chẳng sao, nhưng với hoàng đế, nàng sợ ngài sẽ không chờ được, lại triệu hạnh tới bọn Tứ Xuân kia chăng? Cho bằng hãy khuyên ngài về cung nội để xa hẳn bọn yêu nữ đó. Nàng nghĩ là làm ngay.

Đã lâu rồi Hàm Phong hoàng đế chưa về thăm chánh cung hoàng hậu. Lại cũng lâu rồi ngài chưa toạ triều. Thực ra, ngài rất sợ việc này, chỉ thích chơi bời phóng đãng. Ngài chẳng muốn hồi cung chút nào.

Thấy Hàm Phong hoàng đế có ý do dự, Lan Quý nhân càng giục giã không thôi. Nay nàng nói, mai nàng lại nói. Nàng nói mãi cho đến khi hoàng đế phải nghe mới thôi. Nàng tìm mãi để nói lên một lời mà hoàng đế khó thể từ chối:

- Được bệ hạ sủng ái, đó là một vinh hạnh cho tỳ tử. Song tỳ tử cũng xin bệ hạ mở cho một lối thoát: đó là đừng cho nương nương biết là tỳ tử đã làm cho bệ hạ say mê để đến nỗi quên cả cung nội. Ví thử điều tiếng này mà loan truyền ra thì tỳ tử thực không còn mặt mũi nào để làm người nữa.

Lan quý nhân nói đến đây, bỗng hai hàng lệ tầm tã tuôn rơi. Hàm Phong hoàng đế thấy vậy, trong lòng cũng cảm thấy bi thương, có đôi chút bất nhẫn nữa, bèn hứa theo ý nàng, và quyết định chỉ trong vòng ba ngày là sẽ về cung nội.

Văn võ khắp triều được tin hoàng đế trở về cung, ai cũng đều tỏ vẻ cảm kích tấm lòng của Lan quý nhân. Nhưng tại sao họ lại cảm kích như vậy?

Nguyên từ vườn Viên Minh đến kinh thành xa hơn bốn mươi dặm. Bọn triều thần mỗi ngày lên triều bái, tất phải dậy từ nửa đêm, rồi kẻ có xe thì đi xe, người có ngựa thì cưỡi ngựa, lếch thếch kéo nhau để tới cổng vườn, vừa đúng gà gáy sáng. Đến lúc bình minh, bọn đại thần các bộ mới đem mọi việc tâu lên, và sau đó vâng thánh chỉ để quay về kinh thành thì trời cũng vừa trưa. Ngày nào cũng như ngày nào, bọn triều thần đều phải như thế cả. Khổ nhất là vào những ngày đại tuyết, đại vũ, đại hàn, đại thử, bá quan tha hồ mà xông pha mưa, tuyết, mặc sức mà dầu dãi phong sương. Trên con đường bốn mươi dặm ấy, không một ai là không kêu khổ. Ấy thế mà nay, chỉ nhờ có mỗi một lời nói của Lan quý nhân, hoàng thượng đã trở về cung, khiến họ đỡ được tất cả những nỗi cơ cực thử hỏi họ không cảm kích sao được?

Khi trở về đến cung. Hàm Phong hoàng đế thu xếp cho Lan quý nhân ở tại cung Hy Xuân. Ngài còn bảo bọn cung nữ và thái giám tạm thời giấu chính cung, đợi khi Lan quý nhẩn sinh hạ hoàng nam rồi hãy cho biết. Còn ngài vẫn ngày ngày sống bên cạnh Lan quý nhân như cũ.

Lan quý nhân từ khi có tin mừng, lại thường hay bị bệnh. Ngày nào cũng vậy, ngự y luôn luôn phải túc trực để bắt mạch và bốc thuốc. Nhưng phải cái thai hết sức kỳ quái, ba ngày yên thì lại ba ngày phá, và cứ thế kéo dài mãi. Thấy Lan quý nhân như vậy, hoàng đế lại cưng chiều hơn..

Phàm thuốc thang Lan quý nhân uống, đều phải hoàng đế đích thân xem qua trước. Nàng thấy được cưng chiều, lại càng nũng nịu thêm. Nàng thường bắt hoàng đế phải ngồi lại bên giường để trò chuyện cho vui. Ấy cũng vì vậy, nên tại điện Mâu Cần tuy có thiết triều đấy, nhưng mười lần thì ngài chỉ có mặt được một, hai. Những cuộc bê trễ này của hoàng đế thực chỉ làm khổ văn võ bá quan phải chờ đợi rồi lại phải lủi thủi về không.

Nhưng những cuộc bê trễ này cũng đã chọc giận hai vị đại thần được trọng vọng trong triều: một người là đại học sĩ Đỗ Thụ Điền, và một nữa là Tôn thất Túc Thuận. Thế rồi nhân một hôm vào chầu, được bệ kiến nhà vua, đại học sĩ Đỗ Thụ Điền liền trịnh trọng cất lời khuyên can nhà vua một phen. Ông nói:

- Hiện nay mối lo bên ngoài cũng như cả bên trong thực hết sức cấp bách. Đấng thiên tử cần nên chú trọng để mong bảo vệ được cơ nghiệp của tổ tông khỏi đổ nát mới phải.

Hàm Phong hoàng đế vốn kính trọng đại học sĩ Đỗ Thụ Điền. Nay nghe ông khuyên can, lại còn đưa ra cả cơ nghiệp của tổ tông, ngài chẳng biết nói sao, đành phải im lặng. Túc Thuận là người có uy thế hơn, bởi rằng Thuận vốn người tôn thất, hiện đang nắm giữ Tôn nhân phủ. Mọi chuyện trong cung Thuận đều biết hết. Thuận cũng biết rằng gần đây hoàng đế sủng ái một Lan quý nhân, mà Thuận cho rằng không được không nên.

Tại sao vậy? Tại vì trước đây Túc Thuận biết Huệ Trưng là cha ruột của Lan quý nhân có phạm phải một lỗi nhỏ, hơn nữa Lan Nhi ngày trước chỉ là một con tú nữ chuyên dọn dẹp quét tước ở Đồng Âm thâm xứ chứ chẳng phải lá ngọc cành vàng gì. Thuận bèn tìm cách thông tin cho chính cung hoàng hậu. Hiếu Trinh bình nhật vốn ghét bọn gái được hoàng đế quý yêu, nay được biết hoàng thượng say mê Lan quý nhân bỏ hết cả triều chính, thì sao chả nổi giận.

Rồi một buổi sớm, hoàng hậu ngồi trên chiếc xe vàng nhỏ tới cung Xuân Hy quỳ ngay phía ngoái, trước phòng ngủ của hoàng đế, lấy Tổ huân ra, đội lên đỉnh đầu, rồi đọc lên oang oang.

Hàm Phong hoàng đế giật mình đẩy Lan quý nhân ra một bên, nhảy xuống đất quỳ ngay bên cạnh giường để nghe lời răn dạy, một mặt, truyền dụ khuyên hoàng hậu thôi đọc.

Sau đó, hoàng đế vội mặc áo đội mão tới Mâu Cần điện. Tan trào, ngài đã vội chạy tới cung Xuân Hy. Mới tới cửa cung, ngài thấy một tên thái giám hoảng hết chạy ra quỳ xuống đất.

Ngài quát hỏi chuyện gì, thì tên thái giám tâu:

- Hoàng hậu đã chuyển chỉ ý, tuyên triệu Lan quý nhân tới Khôn Ninh cung rồi.

Hàm Phong hoàng đế chưa nghe xong câu nói đã hậm hực giậm chân, miệng nói liên hồi:

- Hỏng bét! Hỏng bét cả rồi!

Thì ra Khôn Ninh cung chính là chính cung của hoàng hậu. Phàm xét hỏi phi tần phải dùng đến hình cụ là đều ở cung này cả.

Hàm Phong hoàng đế nghe tên thái giám nói xong không kịp thay áo đổi mũ nữa, vội chạy đến cung Khôn Ninh, đi thẳng vào phòng giữa, nhìn thấy hoàng hậu mặt hầm hầm, ngồi phía trên, còn Lan quý nhân vừa khóc vừa nói, quỳ ở phía dưới, cái áo dài phía ngoài đã lột bỏ, chỉ còn có một tấm áo mỏng màu xanh lá hẹ lót mình. Hoàng hậu quát một tiếng:

- "Đánh!" tức thì đám cung nữ hai bên tả hữu, tay cầm gậy chu hồng nhè giữa lưng Lan quý nhân giáng thẳng xuống.

Hàm Phong hoàng đế thấy quá gấp, vội nhào tới lấy thân che đỡ Lan quý nhân rồi giơ tay cản mấy chiếc côn, một mặt nói với hoàng hậu:

- Chớ đánh! Chớ đánh! Nàng có thai đã năm tháng rồi đó!

Chỉ có mỗi một câu đó mới làm cho Hiếu Trinh hoàng hậu thất sắc được. Bà vội chạy xuống đất, đích tay nâng Lan quý nhân dậy. Lan Nhi vốn là một cô gái hết sức thông minh và khôn ngoan quỷ quyệt, vội quỳ xuống, trước hết tạ ơn hoàng đế, sau tạ ơn hoàng hậu. Hoàng hậu nói với hoàng thượng:

- Tại sao ngài không nói sớm cho thiếp nghe? Xuân thu bệ hạ đã luống mà vẫn chưa có hoàng nam, bao hy vọng trông ở cái thai của quý nhân đây. Thiếp dùng gậy đánh quý nhân, bất quá chỉ là tuân giữ Tổ huấn. Tuy nhiên nếu lỡ tay đánh quá cái thai bị thương, thiếp chẳng có tội với tổ tiên sao?

Nói đoạn, chính bà cũng xúc động, để đôi dòng lệ tuôn trào trên má. Hàm Phong hoàng đế vốn kính trọng Hiếu Trinh hoàng hậu, thấy bà đang trách mắng đánh đáp Lan quý nhân, mà bỗng bỏ hết giận tức trở lại xúc động thương khóc, ngài cũng lấy lời khuyên can và an ủi bà.

Hiếu Trinh hoàng hậu cũng nhân dịp này khuyên can hoàng thượng nên lưu tâm tới việc triều đình. Bà cho biết hiện bọn giặc tóc dài đã khuấy động can qua ngập trời, mười tám tỉnh đã mất phân nửa, thế mà ngài vẫn không bạ chỉ dụ để bảo toàn cơ nghiệp của tổ tông. Bà còn khuyên ngài chớ nên mê luyến nữ sắc nữa.

Hàm Phong hoàng đế nghe Hiếu Trinh hoàng hậu khuyên răn, bất giác kinh sợ muôn phần. Hiếu Trinh hoàng hậu lúc đó chưa bao tuổi, mới hai mươi ba thôi. Tuy tô son điểm phấn mười phần kiều diễm, nhưng thực ra bà chỉ là một người đàn bà có khuôn mặt xinh xắn mà thôi.

Đã từ lâu hoàng thượng và hoàng hậu không chung chăn chung gối, bởi thế nhân dịp này, hoàng thượng bất giác động lòng yêu thương đối với hoàng hậu. Ngay đem đó ngài ở lại cung Khôn Ninh.

Cái việc bảo hợp giữa hoàng thượng và hoàng hậu nơi cung cấm là một việc lớn chứ không phải chuyện chơi, kính sự phòng có bổn phận phải coi từng giờ, từng phút, từng ngày, từng tháng, từng năm mà ghi chép cẩn thận vào sổ. Hoàng đế ngủ một đêm thì sổ phải chép một đêm, ngủ hai ngây phải chép hai ngày.

Không ngờ hoàng đế với hoàng hậu lâu ngày xa nhau, nay mới gặp lại thành thử tình nồng, duyên thắm. Ngài ngủ hết đêm này rồi đêm khác, ngủ mãi, ngủ hoài, khiến viên thái giám kính sự phòng chép luôn một hơi là nửa năm.

Hiếu Trinh hoàng hậu lúc đó mới khuyên hoàng thượng cần điều dưỡng thân thể cho cường tráng. Bà cho ngài biết máu hươu rất bổ âm. Bởi thế trong cung đem về tới mấy trăm con hươu, mỗi ngày làm thịt mỗi con, lấy máu cho ngài uống.

Đã thế, Hiếu Trinh hoàng hậu cứ mỗi buổi sáng còn giục hoàng đế dậy sớm để toạ trào. Đến lúc đó, Hàm Phong hoàng đế dần dần mới rõ được mọi việc đại sự bên ngoài, nhất là bọn Hồng Tú Toàn đã cướp được Nam Kinh và đang tiến dần vào Bắc Kinh. Hàm Phong hoàng đế hoảng hồn bạt vía, nhưng nhất thời chẳng tìm ra kế sách gì. Thoái trào hồi cung, ngài đem việc triều chính ra bàn với hoàng hậu. Hậu nói:

- Thiếp chỉ là một người đàn bà làm sao hiểu được việc triều đình. Huống hồ cung nhân can thiệp vào triều chính là điều cấm kỵ của tổ tiên, mong bệ hạ chớ nên mưu tính việc lớn với đàn bà. Ngài nên tìm một vài kẻ đại thần nào đó mà bàn tính thì hơn.

Lời khuyên giải đó của Hiếu Trinh hoàng hậu vừa đúng ý, vừa nhũn nhặn, duyên dáng, càng làm cho Hàm Phong hoàng đế thêm phần yêu kính. Ít hôm sau Hàm Phong hoàng đế hạ một đạo dụ sai tổng đốc Trực Lệ là Nột Nhĩ Kính Ngạch làm khâm sai đại thần chuyên biện quân vụ miền Hà Nam để chống lại đoàn quân tóc dài đang xông lên miền Bắc.

Lại nói hồi đó Hồng Tú Toàn đã cướp được Nam Kinh, dựng nước tại đây, mở khoa thi chọn kẻ sĩ, khuyến khích nghề nông, đôn đốc nghề thợ. Bọn ngoại quốc thấy Toàn thanh thế ngày thêm lớn mạnh, quân đội lại đông, bèn hùa vào, miệng khen nào là cách mạng vì giống nòi, nào là vì dân để diệt bạo. Bọn ngoại quốc càng về sau càng tin tưởng Toàn hơn.

Gã ngoại quốc đầu sỏ phải nói là Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sai một chiếm hạm thẳng xuống Nam Kinh. Hồng Nhân Can là em Hồng Tú Toàn biết ngoại ngữ ra tiếp viên thuyền trưởng.

Viên thuyền trưởng dâng quốc thư, gọi Toàn là Thái bình Thiên quốc Thiên vương. Toàn chấp thuận cho người ngoại quốc thông thương với điều kiện là yểm trợ cho Toàn.

Viên công sứ Hoa Kỳ tới Thượng Hải thông cáo cho lãnh sự các nước khác như Anh, Pháp. Thế là đối với Thái bình Thiên quốc, đám ngoại quốc Tây phương ai cũng bằng lòng vừa ý cả.

Hồng Tú Toàn cũng sai Hồng Nhân Can làm khâm sai đi Hoa Kỳ đệ quốc thư. Từ đó, người ngoại quốc bất cứ quốc tịch nào, thảy đều giúp Hồng Tú Toàn chống lại Thanh triều.

Tại Quảng Đông, các viên lãnh sự ngoại quốc chống đối tổng đốc Kỳ Anh, nên Kỳ được rút về kinh làm đại học sĩ, Từ Quảng Tấn ra thay làm tổng đốc Lưỡng Quảng và Diệp Danh Thám làm tuần phủ Quảng Đông.

Chiến thuyền Anh tiến vào Quảng Đông. Tấn đem quân Đoàn dũng chống lại. Quân Anh rút lui. Triều đình hạ chỉ thưởng Tấn tước tử, và Thám tước nam. Về sau, Thám còn được làm tổng đốc nữa.

Không ngờ sau khi được làm tổng đốc, Thám đâm ra kiêu căng, khinh thường hết quân Đoàn dũng. Quân Đoàn dũng tinh Quảng Đông trước đó đã lập được nhiều công, thấy thế đâu có chịu. Do đó, hai tên đầu mục của đoàn quân này là Quan Cự và Lương Tiếp bỏ lên tàu Anh xin hàng, và tình nguyện xin với viên lãnh sự Anh là Ba Hạ Lễ làm hướng đạo cho quân Anh. Viên lãnh sự Anh vốn ghét Thám, nhưng chưa tìm được ra cớ gì. May thay một câu chuyện xảy ra, giúp ích rất nhiều cho y. Số là hồi đó, có mấy chiếc thuyền buôn lậu á phiến giả mạo treo cờ Anh chạy vào bén. Viên chỉ huy tàu binh tuần sông bắt được giữ thuyền lại, trói giật mười ba anh thuỷ thủ Hoa tống vào lao.

Tin này đến tai viên lãnh sự Anh Ba Hạ Lễ. Đây là cơ hội nghìn năm một thuở cho Lễ, dại gì mà bỏ qua. Thế là Lễ viết thơ trách Thám, và bảo đó là thuyền của người Anh.

Thám thấy chuyện chẳng lớn lao gì, bèn hạ chỉ thả hết mười ba thuỷ thủ Hoa bị giam và đưa về cho Lễ. Tưởng thế là yên chuyện, nào ngờ Lễ kiếm chuyện không chịu, bắt viên thuỷ sư đề đốc nhà Thanh phải đích thân tới tạ lỗi trước cửa nhà y, đồng thời phải đưa viên chỉ huy chiếc tàu binh nọ tới cho y xử tội.

Thấy người Anh vô lễ nhưng Thám chẳng thèm chấp và cũng chẳng đề phòng gì. Ba Hạ Lễ bèn yêu cầu viên công sứ Anh ở Hương Cảng đem chiến thuyền tới, đánh phá pháo đài Hoàng Phố. Thám cũng vẫn bỏ qua. Đoàn chiến thuyền Anh tiến đánh pháo đài núi Phượng Hoàng, cướp pháo đài Hải Châu, có ý ngấp nghé thành Quảng Châu. Quan ty đạo trong thành hoảng hốt chạy tới dinh tổng đốc xin yết kiến. Thám tay cầm lá đơn mặt tỉnh bơ, như không có chuyện gì xảy ra.

Bỗng vang lên một tiếng nổ như tiếng sét, chấn động cả thành phố. Thì ra đại bác của chiến thuyền Anh bắn phá thành, khiến bức tường ngoài đổ vỡ tan tành.

Thám lúc đó mới biết sợ, vội cho người đi giảng hoà. Viên lãnh sự Anh bảo viên công sứ Hương Cảng chỉ cần đòi một mình Thám tới nói chuyện mà thôi.

Thám được tin đó lại càng sợ, trốn kỹ trong thành Quảng Châu, không dám ra ngoài nữa. Lúc đầu Thám còn được viên lãnh sự Hoà Kỳ đứng ra điều giải nhưng về sau thấy Thám đã ma bùn lại còn bắc bậc làm cao, viên lãnh sự này khùng lẽn, bèn đi liên hiệp với công sứ Pháp Cát La, công sứ Anh Ngạch Nhĩ Kim, công sứ Nga Bố Quát Đình, công sứ Mỹ Lợi Đặc, nhất tề đem chiến thuyền tới Quảng Châu. Thám lúc đó hoảng hồn bạt vía, nhưng vẫn phải lên tiếng kháng cự. Thám một mặt hạ lệnh cho tổng binh Quỳnh Châu là Hoàng Khải Quảng đem một trăm mấy chục chiến thuyền câu và thuyền mành ra chống giặc, một mặt cho lập đàn "cầu cơ" trong tĩnh thất Thám hôm đó khăn đóng áo dài, quỳ lạy trước bàn thờ, cầu xin thần tiên xuống đàn cho cơ bút. Mấy phút sau, quả nhiên cơ bút hoạt động. Trên một chiếc mâm cát, cơ bút viết lia lịa, bảo cho biết: Ta là tiên ông Lã Đồng Tân. Thám thoạt thấy tiên ông, vội quỳ xuống, thì thụp lạy, chắp tay kính cẩn, miệng nhẩm khấn:

- Đệ tử là Diệp Danh Thám được uỷ nhiệm tới đây giữ chức vị trọng đại. Chẳng may bị bọn mọi hung hãn uy hiếp, thành trì nguy ngập, tình thế như trứng để đầu đẳng. Vậy nên, kính xin tổ sư mau biểu oai thiên, chỉ rõ cơ mưu cho biết phải làm sao.

Thám khấn xong, cơ bút bỗng ngoáy lia lịa, cuối cùng người ta ghi lại được bốn câu như sau:

"Ngày mười lăm, nghe tin tức, việc đã định, khỏi phải gặp"

(Thập ngũ nhật, thính tiêu tức, sự dĩ định, vô trước cấp).

Thám xem lời cơ bút, đoán rằng thần tiên bảo mười lăm ngày sau thì đám giặc ngoại quốc chắc chắn phải rút lui, khỏi cần phải lo sợ. Thám thư tâm, lại vắt cẳng nằm ngủ, bất chấp mọi việc xảy ra.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play