Con gái đến tuổi dậy thì, cô nào chả mơ ước có một đức anh chồng xứng mặt nam nhi. Đó cũng chính là tâm sự của Lan Nhi lúc này.
Từ lúc được cậu cả, con trai ông Đại đài An Khánh ra ơn giúp đỡ, Lan Nhi
cảm kích khôn tả xiết. Hơn thế nữa, cậu cả nhà ta lại trắng trẻo bảnh
trai. Người ta thường chẳng bảo: "Từ xưa, chị Hằng thường yêu chàng trai trẻ" (Tự cổ, Hằng Nga ái thiếu niên).
Câu nói này thật rất đúng
với Lan Nhi. Nàng thấy chàng quả là một trang anh tuấn, trong lòng thật
xao xuyến bâng khuâng. Chỉ có một điều buồn là đôi bên gặp nhau đã muộn
mà lại xa nhau quá lẹ, bầu tâm sự chứa chan thực chưa có dịp bộc bạch ký thác, để thêm hiểu lòng nhau.
Trong thâm tâm Lan Nhi, nàng tin
tưởng rằng chàng công tử nọ (đã là đồng Kỳ) thế nào cũng có ngày lên
kinh. Lúc đó, nếu đã gọi là có nợ có duyên với nhau, thì sở nguyện của
đôi bên làm sao mà chả có cơ thành tựu được. Tuy nhiên tâm sự u uẩn đó
đối với người con gái còn đang khoá kín buồng xuân, đâu có dễ gì mà thổ
lộ với ai.
Thế rồi bỗng hôm nay, nghe mẹ khuyên bảo vào cung, thì nàng hoảng hồn bạt vía, chỉ còn có nước kêu khóc, miệng chối đây đẩy:
- Con không vào đâu! Con quyết không vào đâu!
Bà Đông Giai thấy con gái khóc lóc thảm thiết, cũng đâm ra e ngại, quyết ý của bà đã lung lay lắm. Nhưng cô con gái cưng của bà có biết đâu rằng
chính mình đã tự đưa mình vào chứ chẳng ai khác cả. Lý do chỉ tại có một hôm, nàng không trốn biệt trong xó bếp, mà lại cao hứng đi tìm cô bạn ở gần phố. Chính trong cuộc đi thăm viếng này, có người đã nhìn thấy
nàng, thấy cái khuôn mặt tuyệt thế giai nhân, cái thân hình óng ả lả
lướt như tiên nga giáng thế của nàng.
Điều không may nhất cho
nàng hôm đó, là một tên thái giám trong cung nội đã gặp nàng khi đi
ngang qua Tây trì Tử Hồ đồng. Thấy nàng đẹp quá, hắn nhìn đến ngây
người, quả quyết rằng trong thiên hạ không còn có ai có thể đẹp hơn thế
nữa. Hắn thấy nàng mặc cái áo dài, bỏ một bím tóc lớn ra sau, cắt lớp
tóc trước trán ngang cặp chân mày, và để lộ hắn cổ chân ra đến sáu tấc
thì biết ngay rằng nàng đích thị là một cô gái trong Bát Kỳ.
Tên
thái giám gặp nàng, vội chạy về cung nội báo ngay cho Thôi tổng quản
biết. Viên Tổng quản họ Thôi mấy hôm nay đã tốn biết bao công đi tìm
kiếm gái về cho hoàng đế mà vân chưa có kết quả, cho nên y tỏ vẻ buồn bã kém vui, bỗng nghe tin này lòng như cờ mở, vội chạy tới Tây trì Tử Hồ
đồng.
Thế rồi hôm đó, giữa lúc Lan Nhi đang giặt quần áo thì bọn
thái giám xông vào, dữ tợn như một đàn cọp. Chúng vừa thấy Lan Nhi đã
quay sang hỏi nhau:
- Ai dám bảo nàng không là một tú nữ hạng nhất?
Lan Nhi hoảng quát chạy vào nhà. Bà Đông Giai thì vội chạy ra quát hỏi:
- Bọn ngươi tới đây làm gì vậy?
Viên tổng quản đáp:
- Bà còn không biết trong cung hiện đang tuyển tú nữ sao? Bọn tôi chạy
cùng trời đất mà không tìm ra được một người đáng mặt. Nay biết nhà bà
có một cô nương xinh đẹp lắm, hỏi tại sao lại không báo lên vạn tuế gia
cho ngài biết? Thôi bà để bọn tôi thay bà, đưa cô ta vào cung cho, bảo
đảm với bà là vạn tuế gia mà thấy thì thế nào cũng phong quý nhân tức
khắc, rồi phong phi tử mấy hồi. Lúc đó thì cả nhà sẽ vinh hoa phú quý
biết bao! Rồi bà còn phải cám ơn bọn tôi không hết đó…
Những lời
ba hoa này không ngờ gãi đúng chỗ ngứa của bà Đông Giai, bà tự nhủ: "Gia đình mình đã quá khổ, thằng Quế Tường lại ngây ngô đần độn, chỉ còn hy
vọng vào hai đứa con gái. Nay trong cung tuyển tú nữ, đây chính là một
cơ hội tốt chớ nên để mất! Con Lan Nhi đã không chịu, ta sẽ khuyên bảo
con Dung Nhi.".
Nghĩ vậy bà bèn quay vào kéo Dung Nhi ra bảo:
- Đây, ta đưa nó vào cung với các, ngươi!
Viên tổng quản nhìn Dung Nhi, chỉ lắc đầu. Bọn nhân viên Nội vụ phủ khuyên bà:
- Gia đình bà có con gái vào cung: nếu được vạn tuế sủng ái thì sẽ vẻ
vang biết bao nhiêu! Nhưng con gái bà phải đẹp mới được! Nếu mà không
đẹp thì chỉ có chết già trong cung thôi! Lúc đó, có phải chỉ làm khổ bà
thôi không? Phải cô nương vừa chạy vào nhà đó mới được!
Bọn ngươi bảo con lớn nhà ta được thì hãy để cho ta thu xếp trong hạn kỳ ba ngày, các ngươi trở lại mà nhận tin. Bởi vì con lớn nó khó tính lắm, để ta
khuyên bảo nó dần mới được.
Bọn tổng quản gật đầu, đáp liền mấy tiếng:
- Được lắm. Được lắm!
Rồi kéo nhau trở về.
Bà Đông Giai sau đó quay vào phòng Lan Nhi, khuyên dọc khuyên ngang mãi, cuối cùng bà hờn giận, nói:
- Gia đình ta suy vi nghèo túng quá rồi. Con nghĩ lại xem, lúc cha con
chết đi, khổ sở biết chừng nào! Anh trai con thì ngốc nghếch, đần độn
quá, mẹ thực chẳng mong gì được ở nó.
Mẹ chỉ còn hy vọng vào con
thôi. Con hãy vì mẹ mà vào cung đi Nhờ ở cái sắc của con, cái tính thông minh của con, mẹ tin chắc thế nào cũng có lúc vẻ vang. May được vẻ vang rồi, con đừng quên người mẹ nghèo khổ cô đơn này là được.
Bà Đông Giai nói tới đây hai hàng lệ tuôn trào rơi trên má, Lan Nhi cũng cầm lòng không được, khóc lên thành tiếng.
Lan Nhi khóc một lúc, lòng đã thấy mềm đi. Thế là nàng theo ý mẹ, quyết dứt hẳn tình vào cung làm tú nữ.
Bà Đông Giai thấy Lan Nhi chịu nghe theo lời mình, mừng lắm liền ôm chầm lấy nàng, vừa cười vừa khóc.
Ba ngày sau, viên tổng quản trở lại. Hắn đưa cho Lan Nhi một bộ quần áo
mới để nàng mặc vào. Bà Đông Giai cùng Quế Tường và Dung Nhi đưa nàng
lên xe. Mẹ rồi em, cả nhà bịn rịn gạt lệ lúc chia tay. Mãi tới khi chiếc xe đã đi xa, bà Đông Giai mới dắt các con quay về.
Cuộc tuyển tú nữ lần này không do ý của Hàm Phong hoàng đế mà thực là của bà Hiếu
Trinh hoàng hậu. Bà thấy hoàng đế suốt ngày suốt năm ở lì bên vườn Viên
Minh chơi bời phóng đãng với bọn gái Hán, chẳng những bỏ phế việc triều
chính mà còn bại hoại cả thân thể. Bà tuy là chủ của sáu cung nhưng thực chẳng giữ được hoàng đế. Hơn nữa hoàng đế có ba cung sáu viện đầy đủ,
nhưng chưa từng có một hoàng tử nào. Việc kế vị sau này há chẳng phải là một việc trọng đại đáng lo nghĩ sao?
Loay hoay với chuyện đó
mãi, sau bà mới nghĩ ra một kế. Bà nghĩ rằng hoàng đế là người hiếu sắc, thế thì tại sao bà lại không hạ một chỉ dụ cho Nội vụ tuyển tú nữ, mong có được vài cô tuyệt sắc giai nhân khiến hoàng đế sủng ái, may ra sinh
được một vài hoàng tử thì thực may mắn vô cùng. Bà còn hy vọng thêm một
điều nữa, là nếu ngài say đắm một vài sủng phi nào đó thì bà có thể giữ
chân được ngài ở lại cung nội.
Chủ ý của bà đã định, bà chỉ chờ
khi hoàng đế vào cung là nói cho ngài hay. Hàm Phong hoàng đế đối với
Hiếu Trinh hoàng hậu tuy rất lạnh nhạt về tình ái, nhưng lại rất kính
trọng về đức hạnh. Bởi thế, nghe bà nói, ngài ưng thuận ngay.
Một đạo thánh chỉ ban xuống. Tức thì sáu mươi bốn cô tú nữ đã tuyển lựa cẩn thận được đưa vào thâm cung. Tâm lý Hàm Phong lúc đó đều hướng về gái
Hán, chứ không thèm để ý tới bọn Kỳ nữ, chỉ tại ngài không muốn trái ý
hoàng hậu cho nên đành để cho cuộc tuyển lựa thành hình. Nhưng thực ra
ngài tỉnh chọn lấy vài ba cô thôi, còn bao nhiêu thì sẽ cho về hết.
Sau cuộc tuyển lựa, không ngờ con số lên tới sáu mươi bốn cô. Tất cả đều được đưa vào vườn Viên Minh ở tạm trong đó.
Hàm Phong hoàng đế tuyển lựa xong tú nữ, lại quay về với bọn gái Hán như
cũ. Ngài tìm bọn Tứ Xuân, lại chơi bời, lại yến tiệc say sưa, không
thiết gì tới bất cứ một việc gì nữa.
Lan Nhi tất nhiên cũng có
trong đám sáu mươi bốn cô tú nữ được đưa vào vườn Viên Minh. Nàng được
cho ở trong một ngôi nhà, dưới bóng một khóm cây ngô đồng, cành lá xum
xuê. Đây chính là một nơi nghỉ mát rất tốt trong những ngày hè nóng bức.
Tại đây vốn có bốn cung nữ giữ nhà quét cổng, nay thêm hai nữa, một chính
là Lan Nhi còn một gọi Yến Nhi. Yến cũng như Lan, là tú nữ được tuyển
vào kỳ này. Yến Nhi vốn con nhà khá giả, quần lành áo tốt, được ăn uống
sung sướng, anh em lại đông, bởi thế nàng có một nếp sống hết sức vô tư, vui vẻ. Nhưng từ khi bị tuyển vào cung cấm, cuộc đời Yến Nhi trở nên
buồn tẻ hiu quạnh. Nàng buồn bã rồi nhớ cha thương mẹ, khóc lóc suốt
ngày đêm. Trái lại đối với Lan Nhi, cuộc đời lại khác hẳn. Nàng lúc nào
cũng vui hy vọng tràn trề. Lúc còn ở nhà, nàng đã chịu bao cảnh khổ sở,
nay bỗng được ăn ngon mặc đẹp, lại có cung nữ bên cạnh bầu bạn thì còn
gì vui thú hơn. Tính nàng lại như trẻ con chỉ thích du ngoạn, thêm khu
vườn Viên Minh rộng thênh thang, không biết bao nhiêu là cảnh đẹp, cho
nên ngày ngày nàng nhảy nhót tung tăng trên các lối tắt đường ngang
trong vườn để dạo chơi. Nàng nhởn nhơ chạy nhảy hết khu vườn này tới
rừng cây nọ, thấy thích quá, vui quá, đến nỗi lòng nàng như quên hết đi
quá khứ.
Nàng vốn là một cô gái thông minh, thấy cảnh trì tại nơi đây u nhã, bèn đem giấy bút ra nào viết, nào vẽ. Dưới bóng khóm ngô
đồng sum sê, chung quanh lại nào hoa, nào lá, nàng say sưa với những ý
tưởng trong đầu. Khi ở nhà nàng đã có cái vốn chư nghĩa kha khá, bây
giờ, chịu chuyên tập, chẳng bao lâu nàng có thêm lối viết chữ thảo hết
sức đặc sắc. Chữ đã tốt, hoạ lại càng hay. Nàng vẽ nào là lan, nào là
trúc, trên còn đề thêm ít câu thơ cho tăng phần ý nghĩa và tình tứ. Nàng dùng hoạ phẩm của mình trang điểm cho các khung cửa sổ thêm phần sinh
động và vui mắt thành thử căn nhà có bộ mặt hay đồi khác hẳn. Nó không
còn âm u ảm đạm như xưa, mà sáng sủa rực rỡ và mới mẻ hẳn ra.
Lan Nhi còn trồng ở chung quanh nhà các giống lan tứ quý. Khi bước vào nhà
nàng, không ai không ngửi thấy đủ mùi lan thơm phức vừa thanh nhã vừa di dưỡng được tinh thần. Nàng bắt bọn cung nữ ngày ngày quét dọn cửa nhà
sân vườn hết sức sạch sẽ. Nàng đối đãi với bọn cung nữ y như chị em
trong nhà.
Nhờ cái tình thân mật ấy, bọn chúng đều vui vẻ nghe
nàng sai khiến. Đến ngay cả Yến Nhi suốt ngày nhớ mẹ thương cha lúc này
cũng vui lên, tươi tỉnh bỏ được hết những nỗi sầu buồn như lúc mới bước
vào cung cấm.
Lan Nhi sống một cuộc sống như vậy, phải chăng nàng chỉ định lấy vui chơi làm cứu cánh cho đời mình? Phải chăng nàng không
nghĩ gì tới cha mẹ, anh em, dòng họ, và tương lai của cả chính mình?
Dọn dẹp trang trí cẩn thận, vất vả như thế, thực ra, Lan Nhi có một ý định
sâu xa lắm. Nàng thấy đây là một nơi nghỉ mát rất tốt. Hiện nay, trời
đang vào mùa cuối xuân, chưa nóng bức, nhưng ít lâu nữa hè tới với những buổi trưa ngột ngạt, thì một ngày nào đó, thế nào lại chả có thánh giá
lâm hạnh tới nơi đây. Lúc đó, vạn tuế gia chẳng những sẽ phải để ý tới
ngôi nhà, nàng khóm lan, những bức hoạ… mà còn phải hỏi han đến người
tạo ra những cảnh vật đáng yêu đó nữa. Điểm đáng lo nhất đối với nàng
thực chỉ là việc vạn tuế gia có đặt chân tới đây hay không.
Lan
Nhi sau khi vào cung, đã sắp sẵn kế hoạch, và chỉ có mỗi một hy vọng đó. Là một tú nữ, nàng được cung nội phát lương tháng. Nàng để dành số tiền đó, đến khi đủ vài trăm lượng bạc liền thưởng cho bọn thái giám.
Đối với bọn thái giám, cô cung nữ nào đó cho tiền, nếu không nhờ được việc này, ắt cũng có thể nhờ được việc khác.
Nhưng trường hợp Lan Nhi lại khác. Khi bọn thái giám hỏi nàng cần nhờ việc gì thì nàng đều bảo chẳng có gì cần nhờ cả. Thành thử bọn chúng chỉ cho là nàng tốt, nàng tử tế, rốt cuộc anh nào cũng xử tốt với nàng cả. Nhất cử nhất động của hoàng đế, họ đều báo cho nàng hay. Nhưng khi nghe rồi,
nàng làm bộ thản nhiên như không có điều gì đáng để ý cả
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT