Ngày hôm sau, Tào học sĩ lại ra ngoài phố, hỏi thăm giá cả các món trong quán ăn rồi vào cung báo lại cho hoàng đế Đạo Quang.
- Tiệm ăn Phúc Hương ngoài cửa cung có món đậu hũ nấu với gan heo ăn ngon lắm, mà giá lại rẻ.
Đạo Quang hỏi:
- Đậu hũ nấu gan heo? Trẫm chưa từng được ăn? Chẳng biết bao tiền một bát?
Tào học sĩ tâu:
- Mua tại tiệm này thì giá chỉ bốn mươi đồng một bát thôi.
Hoàng đế nghe xong, nhảy lên vì sung sướng, vội nói:
- Trong thiên hạ này mà có thứ rẻ đến thế sao?
Thế là ngài cho gọi Nội giám tới để truyền lệnh cho nhà bếp từ ngày hôm sau đồ ăn gì không cần, mà chỉ cần một chén đậu hũ nấu gan heo là đủ cho
một bữa cơm.
Bọn nhà bếp lâu nay vốn rành vì hoàng đế ngài hà
tiện quá, chẳng phải nấu nướng gì nhiều. Nay được lệnh ngài, chúng bèn
lăng xăng sửa soạn để đi kiếm đậu hũ nấu gan heo cho ngài. Bữa cơm trưa
hôm sau, quả nhiên có món đó thật. Đạo Quang đế ăn vào, thấy ngon quá,
làm luôn một lèo mười hôm mà vẫn còn thèm. Nội vụ phủ trình lên cho ngài rõ thực đơn với giá cả. Ngài thấy tổng số tiền mua đậu hũ mất hơn hai
ngàn lạng bạc, phía dưới còn ghi thêm nhiều món lặt vặt khác. Thì ra cái đơn ấy ghi như sau; mỗi ngày giết một con heo để làm món đậu hũ gan heo tính giá mười lạng, một đấu đậu vàng giá mười lạng, tiền mướn hai anh
hàng thịt mổ heo cho nhà bếp tính công hết bốn lạng; tiền mướn bốn thợ
làm đậu hũ, mỗi anh mỗi ngày một lạng năm tiền. Ngoài ra, còn phải mua
các thứ dụng cụ như dao mổ heo, nồi niêu xoong chảo, bếp lò, cối tán
đậu, giàn mổ heo, v.v Cộng tất cả là bốn trăm sáu mươi lạng… Đồ gia vị
nào là dầu, mỡ, muối, mắm, dấm, giá cũng lên tới trên một trăm bốn mươi
lăm lạng… Như thế suốt một tháng Ngự thiện với món đậu hũ nấu gan heo,
kể ra phải chi tất cả là hai ngàn năm trăm hai mươi lăm lạng bạc.
Đạo Quang hoàng đế xem tấm thực đơn tới đâu, đấm xuống bàn thình thình tới đó, miệng càu nhàu:
- Hỏng bét! Hỏng bét!
Lập tức, ngài truyền lệnh gọi viên tổng quản nhà bếp lên, cho một bài học nên thân, rồi bảo:
- Tiệm Phúc Hương phía ngoài cửa cung bán có bốn mươi đồng tiền một bát.
Chỉ có một mình trẫm ăn mà tốn hết quá nhiều thế kia ư? Từ nay về sau bỏ cái lối làm ăn này đi. Mỗi ngày chỉ cần bốn mươi đồng tiền, chạy ra
ngoài cổng kia mà mua là được rồi, nghe chưa?
Viên tổng quản nhà bếp hồi tấu:
- Theo thể lệ của Tôn tông thì trong cung không được ra ngoài mua các món ăn nấu chín.
Đạo Quang nghe tấu, khoát mạnh ống tay áo một cái tỏ ý vô cùng bực tức nói:
- Thể lệ với chẳng thể lệ, rẻ là được rồi!
Viên tổng quản nhà bếp nghe xong, chẳng dám nói thêm, chỉ còn cách rút êm ra ngõ sau, bắt buộc tiệm ăn Phúc Hương phải đóng cửa. Y lại còn bắt hàng
xóm láng giềng của tiệm này phải đảm bảo, lúc đó mới trở về cung tâu với Đạo Quang hoàng đế là tiệm đã nghỉ bán, không còn có chỗ nào để mua món đậu hũ nấu với gan heo nữa.
Qua ngày thứ ba Hoàng đế thèm món
đậu hũ quá, bèn sai Tào học sĩ ra ngoài phố xem lại có đúng không, lúc
đó ngài mới chịu tin lời viên tổng quản nhà bếp và đành nuốt nước miếng
đỡ thèm. Nhưng rồi cũng từ đó, ngài dẹp luôn món đậu hũ này. Bọn nhà bếp lại buồn như chấu cắn. Sau lưng ngài chúng hậm hực bảo nhau:
- Bọn mình thế là khốn nạn rồi. Làm cách nào mà sống đây?
Cách một tháng sau, trong cung cử hành lễ Đại khánh. Hồi này, Đại học sĩ
Tràng Linh đã dẹp yên miền Hồi Cương, bắt giải tay đầu đảng là Trương
Cách Nhĩ Hạm về kinh đô.
Đạo Quang hoàng đế ngự giá tới cửa Ngọ
môn để nhận chiến lợi phẩm. Sau đó, ngài cho lệnh bày tiệc ăn mừng trên
núi Vạn Thọ trong Ngọc Lan đường, bảo bọn nhà bếp bầy biện rượu thịt,
nhưng lại sợ bọn này thừa dịp chi tiền quá sộp, ngài bèn truyền chỉ phải hết sức tiết kiệm.
Hôm đó mời khách dự tiệc, ngoài Dương oai
trưởng quân, Đại học sĩ Thy Dũng Công và Tràng Linh, còn có mười lăm lão thần tức là Ngự tiền đại thần Mục Chương A, Đại học sĩ Thái Luật, Đại
học sĩ quân cơ đại thần Tào Chấn Dung, Đại học sĩ Đái Quân Nguyên, Đại
học sĩ tổng đốc Lưỡng Giang Tôn Ngọc Đình, Hộ bộ thưởng thủ quân cơ đại
thần Hoàng Việt, Lễ bộ thượng thư Mục Khắc Đổng Ngạch, Công bộ thượng
thư Sơ Bành Linh, Lý Phiên Viện thượng thư Phú Tuấn, Tả đô ngự sử, Tùng
Dương, quận vương hàm Đô thống Cáp Địch Nhĩ, Đô thống A Na Bảo, Đại học
sĩ Bá Lân, Trí sĩ Đô thống Mục Khắc Đăng Bố.
Tất cả đám đông này
ngồi quây quanh hai thồi. Trên mặt thồi chỉ thấy lơ thơ có vài món ăn
rau dưa rẻ tiền. Bọn đại thần ngồi chung quanh thồi, mặt tần ngần, tay
chẳng muốn gắp chỉ sợ có một đũa là hết sạch, không còn cho người khác,
khó coi lắm!
Đạo Quang hoàng đế ngồi trước mặt, không uống rượu
mà cũng chẳng nhắm, chỉ luôn mồm bàn bạc chuyện võ công của tiên triều
với bọn đại thần. Lâu về sau ngài lại nói đến thơ, rồi còn giở chuyện
câu đối ra nữa. Các ông quan không biết làm thơ, câu đối, đành phải nhờ
các quan văn làm thế. Cuối cùng vua tôi bóp óc mãi cũng xong được một
bài dài tám mươi vần theo thể cổ phong thất ngôn để kỷ niệm cái ngày vui hôm đó. Ngài còn bảo Đại Quân Nguyên vẽ cảnh quân thần đồng lạc đó
thành một bức hoạ. Vua tôi hết chuyện đến thơ, hết thơ đến hoạ, chẳng
mấy chốc đã qua mấy giờ liền, rượu cũng chẳng uống, đồ nhậu cũng chẳng
nếm. Rồi tiệc tan.
Hồi đó lạnh rét căm gan. Đạo Quang hoàng đế thấy bọn đại thần đều mặc áo da chồn kỵ gió khoác ngoài, ngài hỏi:
- Áo da khoác ngoài kỵ gió của các ngươi phải bao tiền một chiếc?
Cả bọn chả anh nào hồi đáp được, chỉ có mình Tào học sĩ là người duy nhất trả lời được:
- Chiếc áo da khoác ngoài kỵ gió của thần có một lượt, giá chỉ có hai chục lượng bạc.
Đại Quang hoàng đế thở phào một cái, vội khen:
- Rẻ quá! Rẻ quá! Mấy hôm trước, trẫm có một chiếc áo da cáo màu đen, chỉ vì nó rộng quá, và muốn thêm một lớp lót, thế mà khi đưa cho Nội vụ đi
sửa, chúng tính những một ngàn lạng bạc kia đấy. Thấy đắt quá, trẫm còn
treo đó chưa sửa vội.
Tào học sĩ nghe đoạn, liền tâu:
- Chiếc áo da của thần không lót cả đâu!
Nói đoạn, ông liền cầm vạt áo kéo thếch lên. Mọi người nhìn xem, quả nhiên
thấy chiếc áo của ông chỉ có bốn chung quanh mép áo là lót, còn phía
giữa, vạt chỉ một lượt đơn mỏng dính.
Đạo Quang hoàng đế cũng
nhìn kỹ, rồi buột miệng khen "Tuyệt, và rẻ nữa". Ngài lại còn khen là
đẹp, là ấm, cuối cùng ngài gục gặc cái đầu tỏ vẻ chịu lắm và bảo thêm
rằng lót hay không lót, kỵ gió hay không kỵ gió, cần gì.
Từ hôm
đó, bọn đại thần mặc áo da khoác ngoài đều chẳng anh nào báo anh nào,
lột cho bằng hết những tấm lót kỵ gió phía trong. Quan to đã thế thì
quan nhỏ cũng phải thế, chẳng mấy chốc nó lan ra như bệnh dịch, người ta chẳng còn thấy cái áo da khoác ngoài nào còn lót nữa.
Đặc biệt
có quan tướng quốc Mạc Chương A, bề ngoài ăn mặc đơn bạc, rét run cầm
cập, nhưng về nhà thì lại có đến ba thê bốn thiếp. Y còn nuôi thêm một
ban nữ nhạc mua vui mỗi khi mời khách chè chén. Đi ngang cổng phủ nhà y, ai lại chẳng nghe những tiếng sênh phách đàn ca. Do đó nhiều vị đại
thần thanh liêm chính trực không kết bạn với y.
Phải cái Đạo
Quang hoàng đế lại hết sức tín nhiệm y. Ngài thường nói với mọi người
rằng y vốn là đại thần cố mệnh của tiên đế, do đó thường nghe lời tâu
bầy của y.
Mục tướng quốc vừa khôn lại vừa ngoan. Ở trước mặt
hoàng đế y khua môi múa mỏ, tung hứng nịnh hót, khiến ngài "phải lòng" y lúc nào chả biết.
Đạo Quang hoàng đế tuy tín nhiệm Chương A,
nhưng Tào học sĩ lại chẳng "khoái" y chút nào. Bởi vậy, hai người thường tranh biện với nhau trước mặt hoàng đế đến nỗi ngài phải ra sức dàn xếp mới ổn thoả được. Mục tướng quốc ngày càng kiêu ngạo, bất luận quan
trong quan ngoài nào cũng đều phải tới hiếu kính, nếu không thì dám bị
cách tuột chức tước lắm. Do đó trong nhà Mục tướng quốc, thường bọn quan ngoài (quan trấn nhậm ở các tỉnh ngoài kinh đô) thường lui tới chạy
chọt, vàng bạc ngọc ngà đem tới nhờ y nhận lo liệu giùm.
Hồi đó
có một vị tiến sĩ miền Phúc Kiến tên gọi Lâm Tắc Từ. Từ đã được bổ nhiệm chức Hàng hồ đạo, sau lại làm Giang tô án sát sứ thành Giang Tây tuần
phủ.
Lâm Tắc Từ làm quan rất công minh chính trực. Tiếng khen đồn khắp trong ngoài rồi đến tai hoàng đế, thế là Từ được trọng dụng.
Cũng hồi đó thuyền buôn của nước Anh thường chở a phiến tới Trung Quốc để
bán. Báo hại người Tầu suốt dọc bờ biền tỉnh Quảng Đông hút phải, thân
hình tiều tuỵ, chỉ còn bộ xương bọc da, trông chẳng khác gì quỷ ốm.
Lâm Tắc Từ dâng sớ tâu:
- Nếu không cấm a phiến ắt nước ngày càng suy dân càng ngày càng yếu. Vài chục năm cả nước lẫn dân đều tiêu vong.
Đạo Quang hoàng đế xem xong tờ sớ, rất quan tâm, bèn thăng nhiệm ông làm
tổng đốc Lưỡng Quảng, về kinh ấp để bệ kiến. Từ vào chầu, đề đạt rất
nhiều kế sách và biện pháp cấm thuốc phiện. Hoàng đế càng lấy làm đắc ý, liền phong luôn cho ông chức "Khâm sai đại thần quan phòng kiểm tra bờ
biển Quảng Đông hải khẩu sự vụ, tiết chế Quảng Đông thuỷ sư".
Thế là Lâm Tắc Từ vận bỗng phát nhanh không tưởng tượng nổi. Điều này không đẹp ý Mục Chương A. Đã thế Từ khi lên kinh lại không có "chè lá" cho A
nên A càng hậm hực bực tức.
Lâm Tắc Từ đáo nhậm Quảng Đông, tức
thì thẳng tay hành động. Ông bắt bọn lái buôn trên thuyền buôn Anh phải
trình xuất hai mươi ngàn ba trăm tám mươi thùng thuốc phiện, rồi phóng
một mồi lửa đốt cháy rụi.
Người Anh giận lắm, lập tức điều động
tàu binh đánh phá miền duyên hải Phúc Kiến, Chiết Giang. Mục tướng quốc
nhờ cơ hội này gièm pha họ Lâm tự tung tự tác, làm hỏng việc nước.
A ngầm sai người tới tư thông với người Anh, xúi họ đem tàu binh tiến
đánh Quảng Đông. Mặt khác, A còn bảo bọn quan lại tỉnh Quảng Đông về
kinh cáo mật.
Có một tên ngự sử người Mãn gọi là Y Thiện, nghe
lời xúi của Mục tướng quốc bèn hùng hùng hổ hổ dâng một tờ sớ đàn hặc
Lâm Tắc Từ. Mục tướng quốc ở bên cạnh lại đánh trống hoạ vào, khiến Đạo
Quang hoàng đế mờ luôn cả đôi mắt.
Ngài hạ một đạo ý chỉ, cách tuột chức tước Lâm Tắc Từ rồi cắt cử Y Thiện đi nhậm chức tổng đốc Lưỡng Quảng.
Y Thiện vừa đáo nhiệm, tức thì giảng hoà với nước Anh ngay, bồi thường
bảy triệu, mở toang cửa Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Kiến, Ninh Ba, Thượng
Hải để cho bọn ngoại quốc dùng làm tô giới. Nhưng người Anh đâu có chịu
thôi. Họ đòi bắt Lâm Tắc Từ để trị tội. Mục Chương A đưa ra một ý, thay
hoàng đế hạ một đạo thánh chỉ tống Lâm Tắc Từ sang mãi Tân Cương sung
quân.
Việc này khiến một vị đại học sĩ nổi giận. Vị này tên gọi
Vương Đĩnh, Đĩnh thấy Từ là một vị đại trung thần, bỗng dưng chịu cảnh
oan ức, đã có đôi lời cãi lý với Mục tướng quốc ngay tại triều đình.
Nhưng Đĩnh muốn nói thì cứ nói, A vẫn làm thinh, không nghe. Có một hôm, Đĩnh với A đều được vời vào trong thư phòng để bệ kiến. Vừa thấy mặt A, Đĩnh vụt cả giận, lớn tiếng quát hỏi:
- Lâm Tắc Từ vốn là một vị đại trung thần. Tại sao người lại cố tình dối hoàng đế để buộc y phải
sung quân đi Tân Cương? Ngươi chỉ là một tên gian thần đại gian đại ác,
thế mà ngươi còn dám làm quan lớn tại triều ư? Ngươi đúng là tên Tần Cối triều Tống. Nghiêm Tung triều Minh. Rồi đây thiên hạ sinh linh thế nào
cũng bị ngươi hại hết!
Mục Chương A nghe xong, bất giác biến sắc
mặt. Đạo Quang hoàng đế thấy tình hình quá căng thẳng giữa hai người,
liền gọi thái giám đưa Vương Đĩnh khỏi cung rồi nói:
- Vương học sĩ say rồi!
Đĩnh bò mọp xuống đất dập đầu xin ngỏ lời, nhưng Đạo Quang hoàng đế đã phất mạnh ống tay áo, quay gót vào cung.
Vương Đĩnh trở về nhà càng nghĩ càng tức. Suốt đêm đó Đĩnh thức đỏ mắt viết
sớ dâng tên, nói Mục Chương A dối vua như thế nào, Lâm Tắc Từ chịu oan
như thế nào, viết luôn một hơi năm ngàn chữ. Rồi Đĩnh cho người đem sớ
vào triều, lặng lẽ quay về phòng thắt cổ chết.
Qua ngày hôm sau,
con trai Vương Đĩnh phát giác bố mình đã chết, vừa thương, vừa sợ. Chiếu theo lệ thì khi có một vị đại thần tự vận, hoàng đế phải tới khám
nghiệm qua rồi mới cho liệm, nhập quan an táng. Nhưng Mục Chương A tai
mắt quá nhiều. Y được tin này, lập tức sai một tên môn khách tới nhà họ
Vương xin cho xem tờ sớ. Vương công tử vốn người thành thật, liền đem tờ sớ đưa cho tên môn khách.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT