Thời kỳ Quan độ đại chiến bắt đầu.

Giai đoạn thế lực họ Viên bị suy giảm, Gia Cát Lượng đang ở Long Trung ngoài thành Kinh Tương hai mươi dặm.

Thường ngày nắng cày mưa đọc sách.

1. Loạn thế anh hùng: tranh xuất đầu

Tai họa bè đảng lần thứ hai sau khởi nghĩa Hoàng Cân, đã dẫn vương triều Đông Hán đến chỗ suy vong. Song năm thứ 6 Trung Bình (năm 189 sau Công Nguyên) Hán Ninh Đế đang khi trai tráng đột ngột ngã bệnh, từ trần ở cung Vĩnh An. Thiếu Đế mới mười bốn tuổi lên kế vị, Hà Tiến là anh Hà thái hậu, là người phái Thanh lưu kết hợp phái ngoại thích, có ý diệt hoạn quan lại một lần nữa mắc sai lầm, dẫn đến sự kiện dẫn quân đốt phá cung Lạc Dương, dìm hoàng cung vào trong biển lửa và thảm kịch chém giết. Cùng với quân Hoàng Phủ Tung bao vây phía ngoài, quân Viên Thiệu và Tào Tháo tràn vào nội cung, hoạn quan bị tóm gọn, song kết quả cuối cùng là cò và trai tranh giành nhau mà ngư ông thì được lợi. Lãnh tụ quân Tây Lương là Đổng Trác, một thế lực rất lớn ở ngoài biên chớp thời cơ dẫn quân vào Lạc Dương, mau chóng độc chiếm chính quyền nhà Hán, phế trừ Thiếu Đế, lập Hiến Đế làm tượng gỗ, dẫn vương triều Đại Hán đã có hơn bốn trăm năm đến chỗ hữu danh vô thực.

Trong thời kỳ Hán Vũ đế trị vì bởi muốn đế quốc Đại Hán cai trị được hữu hiệu đã chia toàn quốc thành mười ba châu, đặt ra chức thứ sử, thay hoàng đế giám sát các quận huyện, bởi không có binh quyền nữa, các châu này không tách được ra khỏi cơ cấu chung. Song theo diễn biến thời gian lực lượng của các thứ sử ngày mỗi lớn, chẳng những nắm chính quyền còn nắm binh quyền địa phương. Đặc biệt là sau khởi nghĩa Hoàng Cân, ở các nơi dân không ngừng sinh biến, để tăng thêm phương tiện chiêu dụ và trừng phạt, năm thứ 5 Trung Bình, chính quyền Đông Hán lần đầu phong các thứ sử ở châu trọng yếu chức Mục, chính thức giao cho quân quyền và quyền hành chính. Không lâu những thứ sử chưa được phong chức Mục cũng tự mình bắt chước nắm lấy quân quyền và hành chính, khiến châu trở thành một cơ cấu địa phương có quyền hành rất lớn, hơn nữa trong tình thế trung ương dần dần không đủ sức khống chế, Châu mục và Thứ sử trở thành “hoàng đế địa phương độc chiếm một vùng”.

Đổng Trác vốn là Thứ sử Ung Châu, là người đứng đầu trong số những Châu Mục rất hùng mạnh, ông ta cầm đầu quân Tây Lương (gồm quân Ung Châu, Lương Châu) bởi nhu cầu phòng ngự dị tộc tây bắc, cho nên rất có thế lực, thành ra một đại quân lớn. Song các đại quân khác lắm bè phái, không mạnh bằng quân Tây Lương đã được rèn giũa, bởi vậy Đổng Trác rất lộng hành, có ý tiếm quyền. Tuy có người nói với Hoàng Phủ Tung về dã tâm của Đổng Trác, song với Hoàng Phủ Tung rất có thanh thế, có thể nhắc nhở các quân khu, việc này cũng thật nan giải. Sau sự biến ở cấm cung, Đổng Trác ỷ thế binh hùng tướng mạnh, nhân lúc loạn mà nắm lấy quyền chánh, hơn nữa lại phế bỏ Thiếu Đế, lập ra Hiến Đế, tự nhiên dẫn đến sự tức tối của các Châu Mục có uy quyền ở các địa phương, được sự thúc đẩy của Viên Thiệu, Viên Thuật và Tào Tháo, các thứ sử châu và thái thú quận huyện, tại Hàm Cốc quân cùng liên minh chống Đổng Trác, tuy họ nêu lá cờ Cần Vương, thực ra chẳng ưa gì chính quyền Trung ương ở Lạc Dương. Quân đoàn này bao gồm Thái thú Bột Hải là Viện Thiệu, tướng quân Viên Thuật là em khác mẹ với Viên Thiệu, Thái thú Hà Bắc là Vương Khuông, Thái thú Trần Lưu là Trương Hùng, Thái thú Đông Quận là Kiều Mạo, Thái thú Sơn Dương là Viên Đại, tướng Tế Bắc là Bào Tín, Thứ sử Dự Châu là Khổng Dữu, Thứ sử Cổn Châu là Lưu Đại. Sau khi Kiêu kỵ Hiệu uý Tào Tháo trốn chạy cũng lập ra đạo quân riêng, tự xưng là Phấn vũ tướng quân, cũng tham dự liên minh quân sự này.

Song thanh thế của liên minh chống Đổng Trác tuy rất lớn, mà không cùng một bụng, không gắn bó với nhau; lại ngần ngừ chờ đợi, bởi vậy tuy họ có mặt ở khắp nơi, có thể thấy ngoài quân của Tào Tháo và quân của Tôn Kiên thái thú Trường Sa từng đã giao chiến với quân của Đổng Trác, liên quân Quan Đông cơ hồ chỉ là tiếng sấm của một cơn mưa bóng mây mà thôi.

Đổng Trác thấy các Châu Mục công khai phản loạn, lại thêm việc Hoàng Phủ Tung, Chu Tuất bất mãn ra mặt, trong ngoài gây áp lực, khiến ông ta có một quyết sách sai lầm nghiêm trọng, vứt bỏ Lạc Dương, rời đô về Tràng An. Nói cách khác ông ấy đã chủ động vứt bỏ nửa phần giang san.

Song đạo quân Quan Đông liên minh chống Đổng Trác cũng chẳng truy đuổi mà lại tranh nhau chiếm đất dẫn đến đấu đá nội bộ, Tôn Kiên là người có công lớn trong việc chống Đổng Trác thậm chí chết trong cuộc giao tranh với Lưu Biểu thứ sử Kinh Châu, dẫn đến mối quan hệ thù địch sâu sắc giữa hai bên sau này.

Đổng Trác ẩn thân ở Tràng An hưởng thụ cuộc sống một hoàng đế không ngai vàng, lại gặp phải họa chẳng ngờ bị Vương Tư Đồ và người con nuôi là Lã Bố liên hợp mưu sát. Song dư đảng của quân Tây Lương lại tràn vào Tràng An, sát hại Vương Tư Đồ đánh đuổi Lã Bố. Khiến cho Hán Ninh đế, hoàng đế cuối triều Đông Hán cũng chịu cảnh lưu ly điên đảo.

Quyền lực vương triều chính thức không còn nữa, các đạo quân cát cứ từng vùng sớm quên mất khẩu hiệu cần vương năm nào lại công nhiên lấy lớn nạt bé, lấy mạnh nuốt yếu khắp nơi, đặc biệt là hai thế lực lớn của anh em Viên Thiệu, Viên Thuật tranh giành rất dữ.

Hán Hiến đế cải niên hiệu thành Kiến An (năm 196 sau Công Nguyên), lúc đó, các châu quận thôn tính lẫn nhau, kết quả là suốt từ bắc đến nam, Trung Quốc bị phân thành mười mấy quân khu, các thủ lĩnh quan trọng gồm có:

Công Tôn Độ chiếm cứ Lưu Đông (nay là Lưu Ninh).

Lưu Ngu, Công Tôn Tỏan chiếm cứ U Châu (nay là Hà Bắc).

Viên Thiệu chiếm cứ Kí Châu, Thanh Châu, Tinh Châu (nay thuộc các tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây).

Tào Tháo, chiếm cứ Cổn Châu (nay thuộc Sơn Đông).

Viên Thuật, chiếm cứ Dương Châu (nay thuộc hạ du sông Hoàng Hà)

Trương Tú, chiếm cứ Nam Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam).

Đào Khiêm, Lưu Bị, Lã Bố trước sau chiếm cứ Từ Châu (nay là tỉnh Giang Tô).

Tôn Sách, chiếm cứ Giang Đông (nay thuộc hạ du sông Trường Giang).

Lưu Biểu, chiếm cứ Kinh Châu (nay là các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam).

Trương Lỗ, chiếm cứ Hán Trung (nay thuộc Thiểm Tây).

Đổng Trác, Lý Xác, Quách Phạm trước sau chiếm cứ Tư lệ quân khu (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây).

Mã Đằng, Hàn Toại chiếm cứ Lương Châu (nay thuộc Cam Túc, Linh Hạ, Thanh Hải).

Bởi những cuộc đao binh tranh giành đất đai, dân cư và tài vật liên tiếp xảy ra, thiên hạ không lúc nào được yên những cuộc sát phạt này khiến những người dân gắn liền với ruộng đất, bị chết hoặc lưu lạc không ít, ruộng vườn hoang phế, sức sản xuất cũng bởi vậy mà bị phá hoại nghiêm trọng. Đúng như Vương Sán, một trong bảy người được gọi là thất hiền có miêu tả trong “Thất ai thi”: “Ra đường nào biết về đâu, quạ kêu, xương trắng dãi dầu bình nguyên”, thật đúng với tình cảnh bi thảm chẳng khác gì địa ngục nhân gian.

Bá chủ Hoa Bắc là Viên Thiệu; trong đám quần hùng cát cứ, thấy nổi trội lên ở hàng đầu là Viên Thiệu và Tào Tháo.

Viên Thiệu tên chữ là Bản Sơ, người vùng Nhữ Nam thuộc Dự Châu, tổ phụ là Viên An từng giữ chức Tư Đồ, thứ tử Viên Sưởng của Viên An cũng làm quan đến Tư không. Con cả Viên An là Viên Kinh làm Thái thú Thục quận, con của Viên Kinh là Viên Thang từng giữ chức Thái úy. Viên Thang có bốn người con là Viên Bình, Viên Thành, Viên Phùng, Viên Khôi. Viên Bình và Viên Thành sớm mất, song Viên Phùng và Viên Khôi đều làm đến chức Tam công, người đời gọi là “bốn đời Tam công” để hình dung quyền thế gia tộc họ Viên. Thân thích, môn sinh của họ Viên đầy cả triều đình, có ảnh hưởng lớn với quyết sách chính trị.

Viên Thiệu là con thứ của Viên Bình, do hình vóc cao lớn tuấn kiệt, khoẻ mạnh lại có uy vũ, trong xã hội thượng lưu vốn trọng hình thức, nên rất được trọng thị. Lại nữa bản thân Viên Thiệu cũng xem trọng kẻ sĩ, bởi vậy nhiều phần tử tri thức về hùa với ông ta, danh tiếng vượt hẳn. Danh tiếng còn vượt hơn cả người em khác mẹ là Viên Thuật, khiến Viên Thuật có vẻ rất tấm tức. Sau loạn Đổng Trác, hai anh em họ Viên xích mích nghiêm trọng, thậm chí hình thành nam bắc đối kháng, kéo dài thù óan chất chứa, nguyên nhân chủ yếu cũng bởi ở đấy.

Do xuất thân từ một gia tộc như thế, con đường công danh của Viên Thiệu rất thuận lợi, mới bước chân vào quan lộ, đã làm bí thư phủ đại tướng, sau khi đã quen với việc quan trường lại được cử làm thị ngự sử (quan kiểm sát). Cuộc đời Hán Ninh đế, để ứng phó với cục diện ngày mỗi không ổn định, đã phải lập ra tám đại quân mới để bảo vệ kinh do bản thân Viên Thiệu và giới quân sự có quan hệ tốt, được bổ nhiệm làm Trung quân hiệu uý, địa vị gần được như đại hoạn quan Kiển Thạc nổi tiếng võ dũng.

Sau khi Ninh đế tạ thế, các quan viên phái “Thanh lưu” lại đối kháng với nhóm Kiển Thạc ngày mỗi lớn, đại tướng quân Hà Tiến dâng thư đề nghị, đề cử Viên Thiệu làm Tư lệ hiệu úy (tư lệnh quân cấm vệ kinh thành); là một tướng lĩnh có thực lực rất lớn trong thành Lạc Dương, lúc đó Viên Thiệu mới có ba mươi lăm tuổi mà thôi.

Đêm trước chánh biến ở cung đình, đấu tranh với hoạn quan, Viên Thiệu là một viên tướng cứng rắn, muốn trừ diệt hoạn quan, thậm chí ông ta còn ủng hộ dẫn quân Đổng Trác vào thành. Tháng 8 năm thứ 6 Trung Bình, ngày 25 đã xảy ra sự biến ở cung đình, Hà Tiến bị hại, Viên Thiệu được sự giúp đỡ của Tào Tháo, trở thành người chỉ huy tối cao của đạo quân chống hoạn quan.

Trong hành động quân sự trừ diệt hoạn quan, anh em Viên Thiệu và Viên Thuật là những diễn viên chính của vở diễn. Song trong hành động quân sự lần này cũng bộc lộ những khiếm khuyết về kinh nghiệm chỉ huy thực tế, bị Tào Tháo cực lực phản đối, anh em họ Viên vẫn kéo quân vào nội cung, vô luận hoạn quan già trẻ chẳng phân biệt xanh, đỏ, trắng, đen thảy đều giết cả, thậm chí còn giết nhầm nhiều người, có một số người trẻ tuổi, bất đắc dĩ phải lộ quần áo, mới thóat tội chết, khắp vùng giết chóc đưa số người chết đến hai ngàn người.

Sau khi Đổng Trác đoạt quyền, Viên Thiệu công khai đối kháng đã chủ động bỏ quan chức chạy về Kí Châu, kết thành tập đoàn chống Đổng Trác, đã được tôn làm minh chủ. Hành động quân sự này đã không thành công. Song Viên Thiệu đã nhân cơ hội đoạt lấy Kí Châu của Hàn Phức, đã thu nạp được huyện trưởng các xứ ở Thanh Châu, chống lại Thứ sử Thanh Châu là Điền Khái, lại dẫn quân sang phía tây lấn chiếm Kinh Châu, đánh nhau ác liệt suốt mấy năm, đánh phá đạo quân của Công Tôn Tỏan hùng cứ bắc phương, bành trướng thế lực của mình dần dần ra khắp bôn châu Ký, U, Thanh, Tinh trở thành một bá chủ hàng đầu trong đám quần hùng cuối đời Hán.

3. Nhà quân sự cứng cỏi kiêm nhà thơ: Tào Tháo

Tào Tháo tên chữ là Mạnh Đức, người ở đất Bái (nay là tỉnh An Huy), tổ phụ của ông ta là Tào Đằng, một đại hoạn quan, bởi có công lao lớn lập ra Hiến Đế có địa vị rất cao trong nội cung. Song Tào Đằng vốn tính ôn hòa và cẩn thận, vẫn né tránh những hành động tranh quyền trực tiếp, cho nên trong cuộc đấu tranh cung đình nghiêm trọng cuối đời Hán, thái độ của Tào Đằng cũng rất khác thường. Phụ thân của Tào Tháo là Tào Tung là con nuôi của Tào Đằng, vốn là họ Hạ Hầu, xuất thân trong gia đình nghèo khổ, tuy tính tình hiền lành, làm việc chăm chỉ song rất thích tài vận, từng đem số tiền mười vạn đồng để mua chức Thái úy, bởi vậy địa vị trong triều tuy cao song không được tôn trọng. Nghe nói Tào Tháo lúc bé vốn thông minh, dũng cảm, lại rất hiếu động, sách “Thế thuyết tân ngữ” có chép ông ta khi ít tuổi đã là người đáng chú ý. Cuốn chính sử Tam quốc chí có chép: “Thái tổ ít để ý đến cái nhỏ, có quyền uy, thích phóng đãng, lại không lo làm việc gì”. Kỳ thực Tào Tháo bề ngoài có vẻ hiếu động song lại là một học sinh dụng công đọc sách, từ lúc bé đã cực kỳ thích binh pháp. Ông ta học đủ các binh pháp Chư Tử, tự mình phân tích, đặc biệt với “Mười ba thiên binh pháp Tôn Tử”, có thê nói là có nghiên cứu rất sâu xa. Sau này Tào Phi trở thành Ngụy Văn đế có nói: “Cha ta khi còn sống rất thích đọc Thi thư và văn học cổ điển, khi ra ngoài tác chiến, thường không rời quyển sách, khi ở nhà thì quý sách như tính mệnh, ông từng nói: “Phải học ngay từ khi còn trẻ. Khi đã lớn tuổi trí nhớ cũng kém đi, thường chỉ thu được một nửa, dù như thế vẫn cần phải cố gắng đọc sách thêm một chút nữa!”.

Kể từ ngày sáng lập thời Quang Vũ Đế trở về sau đã rất xem trọng “khí tiết”, “sĩ phong”, lại lấy tiến cử làm con đường cất nhắc chủ yếu; bởi vậy người đương thời rất chú trọng “nhân vật phẩm giám”; là một người tuổi trẻ sớm được chú ý đến, chớp cơ hội tiến triển, xem ra ông ta đã là người đáng được kể đến vậy.

Do Tào Tháo có cá tính phóng đãng, “Tam quốc chí” cũng ghi rằng, người ta về căn bản đều không có thiện cảm với ông. Song khi ông mới mười lăm tuổi, lại có hai vị danh sĩ phái Thanh lưu, đã tán thưởng Tào Tháo hết mực.

Hà Ngung người Nam Dương, là bạn thân thiết của Lý Ưng và Trần Phiên, từng ở ngôi Tam công với chức Tư không, là một nhân vật được tôn sùng lúc bấy giờ.

Hà Ngung lần đầu thấy Tào Tháo đã cảm khái nói với một người bạn rằng, nhà Hán ắt sẽ diệt vong, muốn an định được thiên hạ, phải có được một người tài như người trẻ tuổi này.

Kiều Huyền là người Lương Châu, từng có công bình định người Khương, làm đến chức Thái uý, con em của ông ta cũng không ít người giữ các chức quan cao trong triều. Kiều Huyền là người khiêm nhường chính trực, làm quan thanh liêm, có thể nói là một bậc gương mẫu, bởi vậy mà rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Khi đối diện với một kẻ chưa nổi danh, lại đối địch với mình bởi là hậu duệ của hoạn quan, với người thiếu niên mới mười lăm tuổi, Kiều Huyền vẫn nói với Tào Tháo những lời khích lệ rằng: “Thiên hạ không lâu nữa sẽ nhiễu loạn, chẳng có cái tài như anh thì chẳng thể giúp đời trị loạn, sau này giúp trăm họ có được hòa bình an lạc, ắt phải cần đến những người như anh!”.

Hứa Thiệu là người Nhữ Nam, là một nhà tướng học có tiếng, ông ta cùng với người anh là Hứa Tĩnh mỗi lần gặp đều bình phẩm về những người trong vùng. Bởi Hứa Thiệu nổi danh, có không ít người ở xa xôi nghìn dặm xin ông đóan giúp, có thể nói đấy là nhà tiên tri nổi tiếng đương thời.

Cuốn “Dị đồng tạp ngữ” của Tôn Thịnh, có chép như sau: “Tào Tháo đến gặp Hứa Thiệu yêu cầu thầy xem tướng cho mình, Hứa Thiệu đáp rằng: “Anh là người sẽ có tài năng thần trị thế, gian hùng ở đời loạn”, Tào Tháo nghe rồi cả cười mà đi”, (tác giả La Quán Trung trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết).

Từ những ghi chép này, chúng ta có thể thấy, Tào Tháo khi còn trẻ đã biểu lộ cá tính rất đặc sắc, ông có tính thích ứng với thời đại rất lớn, hơn nữa có tầm nhìn thấu đáo, những điều ấy gắn liền với cá tính hiếu động hoạt bát, lại cần cù đọc sách của ông.

Những nhận xét của Hứa Thiệu, chủ yếu đã dự trắc trước, Tào Tháo chẳng những giỏi ở ứng biến khôn ngoan hợp lý mà lại có năng lực điều hành trị quốc trong thời bình. Trong thời cục rối ren ông cũng có thể vứt bỏ những hạn chế quy phạm truyền thống, lấy thủ đoạn khác thường để ứng phó với cục diện nhiễu loạn. Ở nhà chính trị trẻ tuổi này, có đầy đủ tầm nhìn xa, năng lực thấu thị, hơn nữa lại sẵn có nhiệt tình vô hạn và tính hoạt bát, tự nhiên nhận được cái nhìn ưu ái và sự tiếp đãi của người có tâm với mình.

4. Từ lý tưởng đến hiện thực

Do tổ phụ và thân phụ có quan hệ với quan lại, Tào Tháo khi hai mươi tuổi, được tuyển làm Hiếu Liêm bắt đầu bước vào đường sĩ đồ. Quan chức đầu tiên của ông ta là Đô uý, đứng đầu tóan quân cảnh bị bắc kinh thành, đấy cũng là một chức quan mà ít người đã có ngay được.

Tào Tháo như con trâu nghé mới vực, có nhiệt tình và dũng khí, chẳng hề nghĩ đến những quan hệ đứt dây động rừng, vị tân quan này như có lửa nóng trong người, quyết làm việc chỉnh đốn đổi mới mà ông ta tâm đắc.

Đầu tiên ông ta đã xử tội chết với người chú của Kiển Thạc, một đại hoạn quan, bởi phạm pháp, khiến cho giới đặc quyền kinh hãi song bởi Tào Tháo là người triệt để đi theo lập trường ủng hộ quyền lực Vương triều, phái đặc quyền cũng không biết làm sao, chỉ điều động ông ta nay đổi chỗ này mai đổi chỗ khác, khi ở trung ương khi ở địa phương, cuối cùng điều làm Nghị Lang một chức không có mấy quyền hành, song Tào Tháo chẳng hề thóai chí, ông lấy thơ ca để thể hiện lý tưởng chính trị của mình ví như hai bài thơ “Đối tửu” và “Độ quan Sơn” khác với những người cho rằng lập trường của ông tất cả vì nhân dân mà chẳng vì quan phủ, thực ra ông cho rằng lấy quyền lực đê tạo phúc cho dân, bởi vậy khi ông làm quan đã khích lệ sự tiết kiệm, khuyên dân giữ đúng phép tắc, ông cũng kịch liệt phản đôi quan lại nhiễu sách nhân dân, nhằm mục đích là dân được yên vui, với dân cùng hưởng. Để giúp bạn đọc hình dung chân thực về Tào Tháo, xin đưa bài châm sau đây:

“Trong khoảng trời đất, con người là quý. Vua sáng chăn dân, làm ra phép tắc. Xe bon ngựa chạy, bốn hướng rõ ràng. Quét sạch bóng đêm, lê dân hòa lạc. Hậu thế ngợi ca, cải phong dịch tục. Dân vì vua sáng, chẳng tiếc sức lực. Đời vua Nghiêu Thuấn, khắp chốn yên vui. Di Tề ở ẩn, gương sáng còn lưu, chớ bày xa hoa, lấy kiệm cần làm đích...”.

Xã hội nhiễu nhương, thời cục ngày mỗi xấu đi, dẫn đến sự biến cung đình, khiến cho Đổng Trác dẫn quân Tây Lương vào cuộc độc chiếm triều đình đoạt được chính quyền vương thất Đông Hán.

Bởi Tào Tháo làm việc tích cực thanh liêm, danh tiếng rất cao, Đổng Trác có ý mượn tay ông ta để đề cao uy quyền của chính quyền mới, bèn cho Tào Tháo làm Kiêu kỵ hiệu uý (quan tư lệnh kỵ binh ở kinh thành). Song Đổng Trác là người bạo ngược, có lý tưởng chính trị trái ngược, Tào Tháo phải vứt bỏ quan chức chạy trốn, khốn khó vô cùng không may bị bắt, song lại được người hữu tâm giúp đỡ mới có thể trót lọt mà trở về quê hương.

Bởi đeo đẳng lý tưởng chính trị Tào Tháo phải tán tận gia tài, được người giàu có ở làng giúp đỡ, chiêu mộ năm ngàn người, lần đầu giương cao cờ nghĩa, công khai trở thành một lực lượng vũ trang chống lại Đổng Trác.

Sau khi bọn Viên Thiệu liên minh Quan Đông Tào Tháo gia nhập với họ, trở thành một trong hai đội quân giao đấu ác liệt với quân Đổng Trác (một đạo quân khác của Tôn Kiên là phụ thân của Tôn Quyền). Bởi vậy ông ta rất thất vọng với đạo quân Quan Đông, lại dẫn quân về Hà Nội chấn chỉnh giáo mác chờ đợi cơ hội.

Khi đó quân Hoàng Cân ở Thanh Châu với mười vạn người đánh vào Cổn Châu cướp lương, quân trấn thủ Cổn Châu do Lưu Đại, Bào Tín cầm đầu liên tiếp đại bại, thủ lĩnh đều giữa trận bỏ mạng, Tào Tháo được sự tiến cử của Bào Tín trước đó tạm lãnh Cổn Châu mục. Bởi Tào Tháo có sự thông cảm với dân biến loạn, chiêu phủ quân Hoàng Cân nhiều lần, ân uy đều có, đã nhanh chóng bình phục được sự kiện này. Tào Tháo phản đối bạo lực mù quáng, lại mở đường cho họ thu nạp ba mươi vạn quân Hoàng Cân đầu hàng vào biên chế, còn những người già yếu, phụ nữ, trẻ em cho về quê cày cấy, những thanh niên trai tráng được huấn luyện quân sự, tạo thành đại quân Thanh Châu. Từ đấy Tào Tháo chẳng những có địa bàn lại có quân lính của mình tranh bá quyền bính với thiên hạ.

Sau khi đặt nền tảng ở Cổn Châu, Tào Tháo quyết định mở rộng địa bàn của mình, mục tiêu của ông ta là Từ Châu ở phía đông, ở đấy Đào Khiêm thứ sử Từ Châu đã toàn tâm phòng bị sẵn, bởi Tào Tung thân phụ của Tào Tháo đang tị nạn ở Từ Châu, Đào Khiêm căn cứ vào truyền thống võ trọng đức, phái bộ tướng Trương Khởi hộ tống Tào Tung xuất cảnh. Gia đình Tào Tung mang theo khá nhiều của cải, Trương Khởi nhân đó chiếm đoạt giết hại Tào Tung và đứa con nhỏ Tào Đức. Tào Tháo nghe tin rất đỗi bi thống, thề rằng tắm máu rửa thù cho cha ở Từ Châu. Đào Khiêm tuy liều mình song hiển nhiên không phải là tay đối thủ, sau khi công phá được vị trí quân sự trọng yếu Đàm Thành, Tào Tháo xuống lệnh hủy diệt toàn thành, nghe nói quân dân Từ Châu bị giết cả ở bên sông Tứ Thủy đến vài vạn người, đến nỗi nước Tứ Thủy không chảy được.

May mà có Tôn Tỏan một chúa công ở Hoa Bắc, phái Lưu Bị đang làm huyện lệnh Bình Nguyên dẫn quân cứu viện, lại thêm ở bản doanh Cổn Châu của Tào Tháo, Trương Mạc cấu kết với Lã Bố làm phản, mới bức được Tào Tháo phải rút quân, song Từ Châu trải qua chiến loạn, nhân dân lưu tán, tài vật tổn thất không kể nổi, bị rơi vào cảnh binh hoang mã loạn, cả nhà Gia Cát Lượng, được ông chú Gia Cát Huyền mang theo, phải dời bỏ quê hương trước đến Dự Chương sau chuyển đến Kinh Tương tránh nạn chính là bởi sự kiện này. Kể từ khi rút binh khỏi Từ Châu, ổn định lại Cổn Châu, Tào Tháo tiếp thu đề nghị của mưu thần Tuân Úc, Trình Dục, thực hiện quyết sách trọng yếu nhất một đời của ông ta là: Nhân Hán Hiến đế đang bị quân Tây Lương bức phải lưu lạc, nghênh tiếp về yên vị ở Hứa Đô, việc làm với ý nghĩa lớn này, sẽ để tiếng lại về sau là uy hiếp thiên tử để sai khiến Chư hầu. Các sử học gia đời sau cho rằng đây là một nước cờ rất thành công trong việc giành bá quyền của Tào Tháo, lại rất ít nhắc đến nỗi đau và hiểm cảnh chẳng mấy ai hay. Lấy cớ phụng giá thiên tử, như vậy ông ta đã chiếm được quyền lực tối cao, đối với một thủ lĩnh đại quân mà nói, đó là một sách lược rất mạo hiểm, ít có khả năng trở thành hoàn hảo, mà lại thành đối tượng bao vây của các đại quân, giống như Đổng Trác năm nào.

Trong đại quân Viên Thiệu, binh lực gấp nhiều lần Tào Tháo; tổng tham mưu cũng bàn bạc kéo dài về đối sách với việc này, để chiếm ưu thế hơn. Song cựu thần Quách Đồ và đại tướng Thuần Vu Quỳnh kịch liệt phản đối, ông cho rằng phụng giá thiên tử, nhìn bề ngoài có ưu thế tuyệt đối song thực tế cũng có thể lập tức trở thành cái đích chịu nhiều mũi tên bắn. Hơn nữa thiên tử đang ở trong vòng, hành động ra sao, về nghi lễ đều phải báo cáo để ông ta rõ, sẽ phá hoại đến tính cơ động và tính bảo mật của quân cơ. Đương nhiên, nghiêm trọng hơn là các công khanh đại thần xung quanh hoàng đế lại không dễ qui thuận, rất khách khí, thì phụng giá thiên tử xét về căn bản chẳng phải là việc dễ dàng. Nếu thái độ cứng rắn quá, những đại thần đó tất nhiên sẽ không bằng lòng, tìm mọi cách chống đối, thế không thể tránh khỏi, chẳng khác gì vướng phải một quả mìn nổ chậm ở bên mình.

Trên thực tế Tào Tháo về sau bị chỉ trích là gian hùng ông ta trường kỳ đấu tranh chính trị với các đại thần dẫn đến sự kiện Đổng quốc cữu và Phục hoàng hậu, đều bởi từ đó mà ra.

Khi đề xuất sách lược phụng giá thiên tử, các tham mưu và tướng lĩnh trong doanh trại Tào Tháo, cơ hồ toàn bộ đều phản đối sách lược quá mạo hiểm đó, song Tuân Úc lại kiên quyết chủ trương: “Nay thiên tử đang ở giữa vạn nỗi gian khó, tướng quân là nghĩa binh hàng đầu, hợp lẽ phụng giá thiên tử, sẽ rất được lòng dân, như thế ắt thuận lợi vậy”.

Rõ ràng rằng nếu đứng trên lập trường quân phiệt cát cứ tự chủ phụng giá thiên tử hại nhiều hơn lợi. Song nếu như lấy việc phục hồi trật tự trong thiên hạ, tiến đến nắm đại quyền quốc gia, xét ở góc độ sách lược, luân lý chính trị và lợi hại chính trị không thể không đi theo. Bởi vậy Tào Tháo bất chấp dư luận, quyết vận dụng đề nghị của Tuân Úc, lại sai tướng quân Tào Hồng hộ giá Hán Hiến đế từ Lạc Dương về Hứa Đô, điều này cho thấy bản chất tư lự chính trị của Tào Tháo, không đồng nhất với tập đoàn quân phiệt Viên Thiệu.

5. Tự cổ dùng binh không ai như Tào Tháo.

Xét về quân sự, tài năng của Tào Tháo đã được khẳng định rõ ràng.

Tô Đông Pha, một trong bát đại gia Đường Tống, từng biểu thị: “Dụng binh từ thượng cổ, Tào Tháo chẳng ai bằng, một chuyện diệt Viên Thiệu, trí lực rõ tài năng”. Điều này cũng được Gia Cát Lượng nói rõ: “Tào Tháo dụng binh phảng phất như Tôn Ngô (chỉ Tôn Vũ và Ngô Khởi)”. Ngoài thực tế chỉ huy tác chiến, cuốn sách “Ngụy Vũ chú Tôn Tử” do Tào Tháo trước tác, trải qua hai nghìn năm vẫn được các nhà quân sự công nhận là từ xưa đến nay, đấy là tác phẩm giải thích rõ nhất về binh pháp Tôn Tử.

Tào Tháo suốt đời cơ hồ không dừng vó ngựa chiến; liên tục Đông chinh, Tây phạt, Nam chinh, Bắc chiến. Ông chẳng những dũng cảm trong hành động, lại có tầm nhìn xa, sách lược thấu thị cùng qui hoạch chiến đấu rõ ràng. Do có một trí lự thiên bẩm, nên suy tư thấu đáo về những nguyên lý nguyên tắc trong binh pháp, ứng dụng dễ dàng, rất kỳ lạ. Trong điều kiện và cục diện ác liệt, cũng thường chuyển bại thành thắng, cuối cùng ông ta trở thành người nổi tiếng nhất giữa đám quần hùng cuối đời Hán.

Trận chiến ở Quan Độ là điểm ngoặt trong sự nghiệp của Tào Tháo. Đối diện với đạo quân của Viên Thiệu hơn hẳn mười lần, với các chiến tướng đông đảo, Tào Tháo đã vận dụng đầy đủ thiên thời, địa lợi của binh pháp; về chiến lược, ông chủ động chọn địa điểm Quan Độ, làm địa điểm quyết chiến triệt để nắm lấy điều kiện địa lợi. Sau đó, ông thực hiện chiến thuật dẫn dụ khiến đạo quân Viên Thiệu không thể không tập trung ở địa khu Quan Độ, gián tiếp tạo thành sự bất lợi cho Viên Thiệu về sự vận chuyển lương thảo.

Sau khi đã bố trí, Tào Tháo dẫn dụ quân Viên Thiệu trúng kế húc vào, quân Nhan Lương và Văn Sú vốn dũng mãnh, đã vượt qua Hoàng Hà mắc phải chiến trường đợi sẵn. Trước sự quyết chiến lớn, với hai đạo quân đột kích đáng sợ, trận doanh của Viên Thiệu ngay từ lúc đầu đã rơi vào tình thế rất bất lợi.

Tiếp đến là cuộc chiến kéo dài hơn bốn tháng, bất luận Viên Thiệu khiêu chiến ra sao, Tào Tháo đều lợi dụng địa hình để cố thủ. Lúc đó đang là cuối hạ đầu thu, lương thực ở Hoa Trung đã thu hoạch xong, kho lương của quân Tào đầy ắp, song quân Viên Thiệu quá đông, bởi đường xá vận chuyển xa xôi, khiến việc bổ sung lương thực thành ra là một vấn đề nghiêm trọng. Việc đánh kéo dài của Tào Tháo, hiển nhiên này là nhằm vào điểm yếu đó, nhờ được tin tình báo của Hứa Du, một hàng tướng đến từ phái Viên Thiệu biết được lương thảo của quân Viên Thiệu để ở Ô Sào, Tào Tháo nhân đó mà có ý định, tự mình dẫn một đạo quân bé đột kích chớp nhoáng đánh vào Ô Sào, dùng hỏa công thiêu cháy hủy hoàn toàn lương thảo của quân Viên Thiệu. Nghe nói lương thực bị hủy sạch, phần lớn quân Viên Thiệu vô cùng kinh hoảng, chẳng còn bụng dạ nào nghĩ đến đánh đấm, trong quân tan rã, dẫn đến việc Trương Cáp một tướng tài dưới trướng đầu hàng Tào Tháo. Viên Thiệu bất đắc dĩ phải vội vàng rút quân về phía bắc, trong khi qua Hoàng Hà, lại bị Tào Tháo truy kích dữ dội, Viên Thiệu chẳng kịp đề kháng, số thương vong có đến hơn tám vạn người, quân tinh nhuệ bị tiêu diệt sạch, Viên Thiệu được quân cận vệ liều chết bảo vệ chỉ cốt chạy tháo thân.

Hai năm sau, Viên Thiệu ngã bệnh từ trần, các con Viên Thiệu đấu đá nhau, Tào Tháo dùng “chiến thuật phân biệt đối đãi”. Hai năm như vậy, để họ tự tàn sát lẫn nhau, thực lực đã hoàn toàn suy yếu, mới dễ dàng bẻ gãy dần quân Viên Đàm, Viên Hy và Viên Thượng, từ đấy ngoài đạo quân Tây Lương của Mã Đằng, Hàn Toại còn chiếm cứ Quang Trung, trên thực tế Tào Tháo đã khống chế khắp cả Nam Bắc Hoàng Hà, chiếm nửa phần Trung Quôc. Từ đại chiến Quan Độ, bắt đầu một thời kỳ mới, đến giai đoạn này thế lực của họ Viên đã bị diệt trừ, Gia Cát Lượng đang ở Long Trung, cách thành Kinh Tương hai mươi dặm, hằng ngày vẫn nắng cày bừa, mưa đọc sách.

6. Nhà chiến lược trẻ tuổi chưa ai biết đến.

Khoảng mười năm kể từ tuổi mười bảy Gia Cát Lượng vẫn ở Long Trung phíạ ngoài thành Tương Dương ở Kinh Châu, hằng ngày cày bừa và đọc sách. Ở phía nam Hán Thủy, Long Trung chỉ có một con đường nhỏ hẹp dẫn vào, thôn Long Trung chạy dọc bên đường ước khoảng vài ba dặm. Đó là một thôn nhỏ vùng núi có sơn thủy diễm lệ. Tam quốc chí có chép, Gia Cát Lượng ở đấy có một ngôi nhà cỏ, hơn nữa lại tự mình cày ruộng, một người trẻ tuổi chẳng có gia sản và có ít quan hệ, tất cả phải dựa vào chính mình chẳng giống như bọn bạch diện thư sinh vẫn được chiều chuộng. Có thể thấy bởi có một đời sống như vậy, Gia Cát Lượng phải tự tay chế tạo công cụ, từ bé phải tự lực cánh sinh có được sức sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú.

Cuốn chính sử “Tam quốc chí” có chép về Gia Cát Lượng khi còn ít tuổi như sau:

“Gia Cát Lượng tự mình cày ruộng, rất thích đọc Lương Phụ Ngâm, thân cao tám thước ta, thường ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị khi xưa, người bấy giờ chẳng mấy ai biết đến, chỉ có Thôi Châu Bình ở Bác Lăng, Từ Thứ (Nguyên Trực) ở Dĩnh Xuyên với Gia Cát Lượng kết bạn tri kỉ; quả thực là vậy”.

Độ cao tám thước ta, có nghĩa là cao 1,8 m bây giờ; có thể nói rằng Gia Cát Lượng chẳng phải như có người nói, kẻ sĩ yếu đuối “trói gà không chặt”, trái lại do sớm lao động từ bé, Gia Cát Lượng lớn lên có một cơ thể đại hán Sơn Đông khang kiện, hùng tráng uy vũ. Ông ta thường ví mình với hai vị danh tướng thời Xuân Thu chiến quốc là Quản Trọng và Nhạc Nghị, cho thấy có chí nguyện từ khi còn trẻ, muốn được lập công nơi trận mạc, là một võ tướng giàu mưu lược; cũng cho thấy thời thơ ấu trải qua loạn lạc khiến ông rất quan tâm đến chiến tranh, bởi vậy thời trẻ đã đọc thuộc lầu binh thư, nghiên cứu sâu xa về binh pháp. Song do hạn chế ở hoàn cảnh, khiến ông lúc nhỏ không có cơ hội tập võ, nay xem kĩ sử liệu, Gia Cát Lượng tựa hồ là người chỉ năng động não, mà không thể làm một đại tướng tự tay múa giáo. Trong những ghi chép còn lại, cũng chưa thấy Gia Cát Lượng cầm đao kiếm bao giờ.

Đời sống gian khổ từ bé, đã nuôi dưỡng ông sớm chín chắn, nghiêm túc cẩn thận mà tôn trọng lễ tiết, tư lự chu đáo và cũng rất tự tin ở mình. Bởi vậy, người mà ông kết giao thường hơn tuổi ông rất nhiều. Theo tư liệu lịch sử thì Từ Thứ hơn Gia Cát Lượng khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, cơ hồ là đàn anh, còn Thôi Châu Bình, Thạch Quảng Nguyên, Mạnh Công Uy lại hơn tuổi Từ Thứ. Còn về sự qua lại với gia tộc Bàng Đức Công nổi tiếng trong vùng, Gia Cát Lượng lúc đó kém Bàng Đức Công khoảng ba mươi tuổi mà đối với Bàng Thống chỉ hơn ông ta ba tuổi, sự tiếp xúc cũng không nhiều, bởi vậy bạn bè với Gia Cát Lượng không nhiều lại ít qua lại, đối với việc Gia Cát Lượng ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị, là chuyện khó tin vậy.

Chẳng qua, Gia Cát Lượng với những người bạn chênh lệch tuổi, thường không một chút tự ti, lại rất hòa đồng với họ, thường cùng có chí hướng thảo luận thời sự và tương lai. Bùi Tùng Chi chú giải “Tam quốc chí” có chép như sau: Từ Nguyên Trực, Thôi Châu Bình, Mạnh Công Uy thường thảo luận với Gia Cát Lượng về học vấn, Từ Nguyên Trực về học vấn có tinh thông hơn ba người kia, nghiên cứu sâu xa về kinh điển, có kiến giải rõ ràng, có lòng vì người giúp đời. Song Gia Cát Lượng khi ấy lại không giống như thế, ông thích đại lược, cũng là nói ông thích mở rộng vấn đề, chú trọng ở ứng dụng thực tế, cốt ở thông hiểu nhiều mật, để có một tri thức toàn diện. Đương nhiên, Gia Cát Lượng có năng lực học tập hơn người, ông tinh thông kinh điển Chư Tử đủ cả nho, pháp, đạo, tạp, đối với thiên tượng địa lý, công trình thổ mộc binh pháp kinh dịch đều có nghiên cứu sâu xa, có thể gọi là một nhà “tạp gia”.

Nói thế để thấy Gia Cát Lượng là người có tâm, chẳng phải như trong “Xuất Sư Biểu” đã nói: “Chỉ lo giữ yên mệnh ở đời loạn chẳng cầu nổi tiếng với chư hầu” phỏng theo các danh sĩ, trái lại ông rất mong đợi ở con đường làm việc nay mai.”

Bùi Tùng Chi có chép: Có một hôm Gia Cát Lượng nói với Từ Nguyên Trực, các anh nay mai làm quan, xem tài cán chắc sẽ làm đến thứ sử hoặc quận trưởng”. Từ Nguyên Trực đáp rằng: “Còn anh thì sao?” Gia Cát Lượng chỉ cười mà không nói. Từ Nguyên Trực sau này ra làm quan với Tào Ngụy đến chức Trung lang tướng kiêm Ngự sử. Mạnh Công Uy thì làm thứ sử Lương Châu. Thạch Quảng Nguyên cũng làm đến quận trưởng, lại thêm chức Điển Nông hiệu uý. Gia Cát Lượng đã ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị, cho thấy hoài bão của ông, vẫn nuôi đại chí muốn làm kẻ bầy tôi chỉ dưới một người trên cả vạn người. Bùi Tùng Chi ngợi ca ông là người tài hơn người đời, khí chất nổi trội, ngay từ thời trẻ đã cho thấy ông có những biểu hiện không giông với người khác.

7. “Lương Phụ Ngâm” và nghi án thiên cổ

Trần Thọ trong “Chuyện Gia Cát Lượng” có chép một đoạn văn khiến người đời sau rất hứng thú, kể việc họ Gia rất thích đọc Lương Phụ Ngâm. Lương Phụ Ngâm đã miêu tả cái gì? Vì sao Gia Cát Lượng khi còn trẻ lại đặc biệt thích đọc nó?

Theo ghi chép sử liệu hiện có, Lương Phụ Ngâm là một bài ca dao cổ của quê hương Gia Cát Lượng vẫn được lưu truyền ở nước Tề, nội dung của nó được miêu tả như sau:

Tề thành - bên cửa dừng chân

Trông vời có phải Đãng Âm phía này

Phải răng ba mộ còn đây

Rưng rưng chợt hiện chuyện ngày xa xưa:

Hỏi quanh:

- Ai đó bấy giờ?

- Điền Cương, Cô Dã sức dư muôn người

Nam Sơn đủ sức chuyển rời

Ngờ đâu tuyệt địa ngậm ngùi tài trai.

Giữa triều quỷ kế đặt bày,

Hai đào, ba mạng chuyện này lạ sao

Hỏi ai bày vẽ mưu sâu?

- Án Anh tướng quốc đứng đầu Tề quan!

Ý tứ của câu ca dao này là: Nếu có ai đó bước tới Đô thành Lâm Chuy nước Tề, nhìn xa về phía nam mà nhớ đến quá khứ, có một nơi gọi là Đãng Âm trong làng ấy có ba ngôi mộ cổ hình thức kiến tạo cơ hồ giống hệt nhau.

Lại thử hỏi phần mộ ấy là của ai, người trong làng sẽ nói cho ta rõ, đấy là mộ phần của các dũng sĩ Điền Cương và Cổ Dã nước Tề đời Xuân Thu (ngoài ra còn có một ngôi mộ nữa là Công Tôn Tiết cũng nổi tiếng lúc bấy giờ). Đấy là ba dũng sĩ sức có thể dời đổi núi Nam Sơn, kiếm thuật tinh diệu vô cùng.

Không may ba người cùng bị lời gièm pha hãm hại chỉ có hai quả đào mà giết hại cả ba dũng sĩ, hỏi ai là tay cao thủ xếp đặt âm mưu này? Đó là quan tể tướng lừng danh nước Tề tên là Án Tử! Câu chuyện bi thảm về hai quả đào giết hại ba dũng sĩ này xảy ra vào cuối đời Xuân Thu. Trong “Án Tử Xuân Thu”, có ghi chép tường tận việc ấy đại khái như sau:

Lúc ấy vào cuối đời Xuân Thu, Tề cảnh Công đang ở ngôi báu, nước Tề đang có ba kẻ dũng sĩ nổi danh, họ tên là Điền Cương, Công Tôn Tiết và Cổ Dã võ dũng hơn người, một người đương nổi nghìn người, tiếc nỗi cá tính của họ kiêu ngạo mà cuồng vọng, nếu như họ cùng hợp lại, có thể uy hiếp được sự an toàn của vương triều nước Tề.

Tể tướng Án Anh nước Tề biết rõ về ba người ấy, họ kiêu ngạo mà sĩ diện, bởi vậy khoét sâu vào nhược điểm ấy, bày mưu để Tề cảnh Công trừ khử ba viên dũng sĩ nọ. Có một hôm, Lỗ Chiêu Công lại thăm, có tặng mấy quả đào tiên, Tề Cảnh Công đã ban phát cho mấy quan đại thần chỉ còn thừa có hai quả đào. Án Tử nhân đó nói với Tề Cảnh Công, không có gì bằng đem hai quả đào này cho mấy viên dũng sĩ đó, để biểu dương khả năng của họ. Tề Cảnh Công lập tức xuống lệnh, các thần dân đều có thể tự biểu dương công lao để giành được vinh dự này. Công Tôn Tiết dướn người lên tâu rằng: “Mấy năm trước, thần hộ giá chúa công đi săn ở Đồng Sơn, gặp phải hổ dữ thần đã ra tay bắt hổ, bảo vệ được chúa công, công đó hỏi có gì bằng?”. Nói xong tiến lên trước cầm một quả đào ăn ngay lập tức.

Cổ Dã nhìn thấy hăng hái đứng dậy nói to rằng: “Bắt hổ có gì là lạ, thần có lần hộ giá chúa công qua Hoàng Hà, gặp phải con rồng tác oai tác quái, tình huống phi thường nguy hiểm, thần đã ra tay chém chết nó, sóng yên gió lặng, cứu nguy được thuyền, công này có gì bằng?”.

Tề Cảnh Công cũng làm chứng rằng: “Đúng vậy, lúc đó sóng gió quá chừng, nếu tướng quân chẳng giết được rồng, chẳng thể giải nguy thực là kỳ công cái thế vậy, đáng được thưởng quả đào này!” Cổ Dã nghe rồi, cũng lập tức tiến lên cầm một quả đào ăn liền. Bỗng thấy Điền Cương chợt nổi xung lên la lớn rằng: “Thần từng phụng mệnh chinh phạt nước Từ, chém được danh tướng, bắt được hơn năm trăm người khiến vua nước Từ khiếp sợ phải chủ động đầu hàng, cầu xin làm nước phụ thuộc, chiến công lần đó, khiến các quốc vương nước Trịnh và nước Cử thảy đều kinh hãi, cùng tôn sùng chúa công làm minh chủ, công lao như vậy cũng đủ tư cách ăn đào lắm chứ!”.

Án Tử cũng nhân đó tâu rằng: “Công lao của Điền Cương thực rất lớn, gấp mười lần hai vị kia, tiếc đào tiên đều ăn hết rồi xin thưởng cho một chén rượu, dịp khác sẽ ban thưởng vậy!”.

Tề Cảnh Công cũng chiều theo: “Công của Tướng quân rất lớn, đáng tiếc nói hơi chậm, giờ chẳng còn quả đào nào nữa để thưởng cho ngươi”.

Điển Cương tuốt kiếm giơ lên mà rằng: “Chém rồng đánh hổ, chỉ là chuyện nhỏ, thần xông pha nghìn dặm đổ máu lập công, lại không được ăn đào tiên, thực là sỉ nhục, chẳng khác gì chuyện hai vua Tề, Lỗ hội yến, khiến cho vạn đại còn đàm tiếu, còn mặt mũi nào mà đứng giữa triều đình”. Nói rồi quay kiếm tự đâm mà chết.

Công Tôn Tiết nhìn thấy thất kinh mà rằng: “Thần công lao bé nhỏ mà cướp lấy phần đào, Điền tướng quân công rất lớn lại không được ăn, thần không nhường phần đào thực chẳng phải kẻ sĩ liêm khiết, thấy người ta chết mà không dám theo thật chẳng phải hành động của kẻ võ dũng”. Nói rồi, cũng tự đâm mà chết.

Cổ Dã vội la lớn rằng: “Ba người chúng thần tình như cốt nhục, thề cùng sinh tử, hai người đã chết, thần đâu dám ham sống chẳng đành lòng vậy!” cũng lại tự đâm mà chết.

Tề Cảnh Công thấy ba người cùng biểu lộ chí khí của kẻ hào kiệt bèn lấy lễ trọng hậu táng; đấy là câu chuyện “Nhị đào sát Tam sĩ” vẫn còn lưu truyền. Các bậc phụ lão nước Tề đôi với ba kẻ hào kiệt, cùng cảm thương người giữ khí tiết mà ngộ nạn, đã làm ra khúc ca dao bi ai “Lương Phụ Ngâm” một mặt khác cũng nói mát Án Tử người vẫn nổi danh là hiền tướng, đã lấy mẹo gian bất nhân hại người vô tội.

Có một số nhà sử học cho rằng Gia Cát Lượng thích đọc Lương Phụ Ngâm chỉ là do nhớ nhung quê hương nên thường ngâm ngợi khúc ca dao quê hương mà thôi, chẳng có nội dung gì khác, thậm chí có người cho rằng Lương Phụ Ngâm là khúc ca dao thông tục của nước Tề. Gia Cát Lượng sở dĩ ngâm ngợi chẳng phải bởi cái tiêu đề “Nhị đào sát Tam sĩ”. Tuy nhiên các sử liệu cũng không đủ bằng chứng để cho rằng Gia Cát Lượng thích đọc Lương Phụ Ngâm bởi bài ca dao ấy nói mát Án Tử, song cá tính đặc dị độc hành của Gia Cát Lượng thời trẻ, qua những dòng ghi chép trân trọng của Trần Thọ cho thấy không chỉ là tượng trưng cho nỗi nhớ quê hương mà thôi.

Án Tử, tên gốc là Án Anh là một tướng quốc nổi tiếng trong lịch sử, từng nhiều lần bằng vào trí tuệ của mình, cứu vớt quốc gia qua những nguy nan. Ông là người chính trực, nổi danh bởi những lời can gián, rất được vua Tề tín nhiệm, có quyền lực bất nhất trong triều ngoài nội. Song An Tử làm quan thanh liêm, bữa ăn thường không có cá thịt, vợ con không mặc áo đẹp, đến cả Khổng Tử rất ít khi ca ngợi các chính khách, cũng có lời khen ngợi ông. Tư Mã Thiên trong “Sử kí”, cũng xếp ông với danh tướng Quản Trọng trong “Quản An liệt truyện” khá thấy Án Tử có địa vị rất cao trong con mắt những học giả lịch sử.

Gia Cát Lượng thích đọc Lương Phụ Ngâm cho thấy ông cảm thụ sâu sắc về sự kiện ấy, ba dũng sĩ bởi sự yên định của quốc gia mà bất đắc dĩ phải hy sinh bi thảm, hình như quan tể tướng Án Tử trí lự có phần tàn nhẫn, lộ ra mặt trái tàn khốc sau những xưng tụng hoa mỹ, đối với nhân vật chính trị này, chẳng thể không luận rõ ứng xử; Gia Cát Lượng khi còn trẻ đã có ý thức về sân khấu chính trị có lãnh hội và giác ngộ triệt để.

8. Bộ ba xe pháo mã.

Cuối đời Đông Hán nhân tài xuất hiện nhiều ỏ Dĩnh Châu và Nhữ Nam (đều ở tỉnh Hà Nam), đặc biệt đại bản doanh của phái Thanh lưu cũng ở đấy; Phạm Bàng, Hứa Nhữ xuất thân ở Nhữ Nam, Lý Ưng thì nổi tiếng ở Dĩnh Châu. Trong thư của Tào Tháo viết cho Tuân Úc, có đề cập rằng: Nhữ Nam, Dĩnh Châu vôn nhiều danh sĩ, muốn Tuân Úc lưu ý nhiều về việc ấy, để đề bạt nhân tài. Tuân Úc và Quách Gia là tay trái, tay phải của Tào Tháo đều xuất thân ở Dĩnh Châu.

Cuối đời Hán, các quân khu cát cứ, các nhân sĩ Dĩnh Châu đều dạt về phương nam hoặc phương đông tị nạn, đặc biệt Lưu Biểu trụ ở Kinh Châu bởi vận dụng sách lược bế quan tự thủ, không bị cuốn vào cuộc đấu đá, trở thành nhân vật rất được ái mộ của phái Thanh lưu. Những người bạn vong niên của Gia Cát Lượng như Từ Nguyên Trực, Thạch Quảng Nguyên đều xuất thân ở Dĩnh Châu, còn Mạnh Công Uy thì xuất thân ở Nhữ Nam, song có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời Gia Cát Lượng lại là “Thủy kính tiên sinh” Tư Mã Huy.

Tư Mã Huy tên chữ là Đức Tháo là một học giả rất nổi tiếng ở Dĩnh Xuyên, thời loạn lạc ông không muốn rời quê nhà, song lúc đó danh sĩ Kinh Tương là Bàng Thống chẳng ngại đường xa nghìn dặm đến Dĩnh Xuyên thăm Tư Mã Huy khuyên ông hãy đến Kinh Châu tạm lánh, sau lại bởi người đồng hương là Từ Thứ nói mãi, đặc biệt là bởi lời của Bàng Đức Công, lãnh tụ phái danh sĩ Kinh Tương. Tư Mã Huy đã rời Dĩnh Xuyên đến Kinh Tương lập trường Tư Thục ở gần nhà Bàng Đức Công, chiêu tập các đệ tử xa gần.

Có thể thấy là cùng với những người khác, Tư Mã Huy rất thích Gia Cát Lượng, ngoài việc giúp đỡ về học thuật còn xếp đặt để Gia Cát Lượng đến Nhữ Nam bái kiến đại sư. Nghe nói đại sư Phong Cửu thông hiểu thao lược, khắp cả bách gia Chư tử môn phái, hơn nữa lại nghiên cứu sâu rộng về binh pháp nổi tiêng là một danh sỉ ở Nhữ Dĩnh. Sau khi Tư Mã Huy đã đến bái kiến ông, ví mình như quả bầu với biển rộng để khen ngợi tài học của Phong Cửu. Bởi Phong Cửu vẫn ẩn cư ỏ Linh Son Nhữ Nam, Tư Mã Huy tự mình dẫn theo Gia Cát Lượng, tiến cử với ông ta, mới được nhập học. Nghe nói Gia Cát Lương thụ giáo được một năm rưỡi, đặc biệt về binh pháp học và đạo học, đã nhận được không ít chất truyền của Phong Cửu.

Tư Mã Huy giỏi ở quan sát con người mà nổi tiếng, bởi vậy được gọi là “Thủy kính tiên sinh”, trở thành một lãnh tụ của những phần tử tri thức ở Kinh Tương. Trong số đàn em, ông rất thích Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Gia Cát Lượng ẩn cư ở Long Trung chịu ân tri ngộ của Bàng Đức Công, được người đời gọi là “Ngọa Long”, còn Bàng Thống là hậu duệ của một dòng họ nổi tiếng, được gọi là “Phượng Sồ”. Sau này Tư Mã Huy đã đề cử với Lưu Bị cả hai người thanh niên anh tuấn, bởi họ có mưu lược, có tầm nhìn xa, lại thức thời đáng mặt tuấn kiệt, nổi trội hơn nhũng phần tử khác trong phái Thanh Lưu.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play