Đại phàm tình người, ai mà chẳng ghét chia ly thích hội họp,
nhất lại là trong chuyện yêu đương nam nữ. Nhưng cũng lại bởi sự thể bó
buộc, không thể nào chỉ có hội ngộ, không có chia ly. Có khi tạm phải
rời xa để rồi tụ họp, hoặc là mãi mãi chia lìa rồi mới có xum vầy. Hoặc
có khi có thể chịu đựng chuyện sinh ly cũng còn hơn phải tử biệt. Đối
với việc lìa xa mãi mà sau lại gặp gỡ, cũng chẳng khác nào từ cõi chết
mà lại được trở về. Điều này là có ý trời ở bên trong qua những đổi thay đó mà thử thách tình người, thấy rõ cái còn cái mất, cái giữ cái buông. Hãy thử xem như phường liễu ngõ hoa tường, cũng có khi vẫn giữ được chữ tình chung không hề mai một, để rồi cuối cùng đoàn viên. Lại thêm nếu
là bậc phi tần ở ngôi tôn quý, trong cơn hoạn nạn, cuối cùng không đến
nỗi hại thân, vẫn giữ được chữ tiết, trở về với chủ cũ, lại càng trân
trọng biết bao. Nói chi đến kẻ ngày thường cậy mình được sủng ái nuôi
lòng ghét ghen, lúc gặp biến đã chẳng giữ được thân mình, chẳng thể nào
so được với kẻ bị ghen ghét, nay lại nguyên trở về ngồi cạnh ngôi chí
tôn. Âu cũng là một sự khoái ý vậy?
° ° °
Hãy tiếp chuyện Đường Túc Tông nghe tin Đông Kinh báo tin thắng trận, liền sai ngay Thái tử thái sư Vi Kiến Tố vào Tây Thục
tâu lên thượng hoàng, xin thượng hoàng hồi loan. Sau đó lại sai hàn lâm
học sĩ Tần Quốc Mô, Tần Quốc Trinh đi theo ngay để đón xa giá.
Tần Quốc Trinh tâu rằng Đông Kinh mới khôi phục, cũng nên sai
quan tới đó mang chiếu ủy lạo tướng sĩ, vỗ yên trăm họ. Túc Tông nghe
theo, liền sai trung sứ Đạm Đình Giao cùng với Quốc Mô vào Thành Đô đón
thượng hoàng. Đổi cho Quốc Trinh từ chức hàn lâm học sĩ chuyển sang làm
Đông Kinh Tuyên úy sứ, lại sai thêm Vũ bộ viên ngoại lang La Thái làm
Tuyên úy phó sứ, cùng đem chiếu tới Đông Kinh, ngay ngày hôm sau cả hai
lên đường.
La Thái vốn dòng dõi cố tướng quân La Thành, với Quốc Trinh
chính là anh em họ ngoại vậy. Cả hai được cùng lên đường, rất là vừa ý.
La Thái nói với Quốc Trinh:
- Thuở xưa cao tổ tiểu đệ là Vũ Nghị Công có hai phu nhân, một vị họ Đậu, một vị họ Hoa. Mỗi vị đều sinh một con trai. Người em trai
con bà họ Hoa cũng lại có một con trai, truyền mãi đến đời ông nội của
tiểu đệ không có con trai mà chỉ một người con gái, tên lúc nhỏ là Tố
Cô, lấy chồng khá xa là nhà họ Bạch làm thứ sử quê ở huyện Lan Dương, Hà Nam, không có con, chồng lại mất sớm, giữ chí mà không tái giá, rất
thích chuyện tu tiên học đạo. May được gặp đạo sư La Công Viễn với họ La nhà tiểu đệ vốn cùng họ, nhân kính trọng Tố Cô là hàng tiết phụ, biếu
một viên đơn sa, uống vào chẳng bệnh tật gì mà lại sống lâu. Chuyện này
xảy ra cách đây đã hơn sáu mươi năm, sau đó tìm đến tu trong am Tu Chân
Quán ở dãy núi Bạch Vân ngay ở vùng đó, được dân chúng rất tôn kính. Từ
ngày Đông Kinh loạn lạc, không thấy có tin tức gì, thư từ gì cả. Nay
tiểu đệ đi chuyến này, công việc xong xuôi, cũng muốn tìm thăm xem sao.
Quốc Trinh cũng nói:
- Đạo cô là cô của hiền đệ, thì cũng chính là cô ngoại tiểu
đệ. Từ nhỏ, tiểu đệ đã được nghe cô góa thủ tiết, nhưng chưa biết gặp
tiên tu đạo sau này. Mai kia tới đó, anh em ta cùng tới thăm xem sao!
Đường dài rong ruổi, chẳng mấy ngày đã tới Đông Kinh, các quan ra đón chiếu thư, vào thành tuyên đọc.
Chiếu rằng:
"Tây Kinh thắng lớn, tiếp đến Đông Kinh, khen thay tướng soái mưu thần, lại được quân binh hết sức. Cho nên nước nhà dựng lại, đều nhờ công sức của các khanh cả đó vậy.
Nay trẫm đã viết biểu tâu lên thượng hoàng, luận công để
ban thưởng, vỗ về tướng quân, an ủi các quận huyện. Các vùng khi thu
phục thành trì, nhớ trích một nửa tiền của ở kho tàng để khao thưởng
quân sĩ, tuyệt nhiên không được sách nhiễu trăm họ.
Trẫm nghe biết ở Cấp Quận, một ẩn sĩ tên là Nhân Tế, cùng một
quan tư nghiệp Quốc Tử Giám là Tô Nguyên Minh, chính lúc Đông Kinh rơi
vào tay giặc, hai người này không chịu khuất thân thờ giặc, tiết tháo
rất đáng khen. Vậy xuống chiếu, đặc cử Nhân Tế làm bí thư lang, Nguyên
Minh làm khảo công lang, kiêm việc thảo chế cáo lập tức phải vào kinh
nhận việc.
Còn lũ Đạt Hề Tuân ba trăm tên quan viên theo hàng giặc thì giải ngay về kinh xét xử."
Nguyên Nhân Tế là người rất trung trực, ngay từ lúc An Lộc Sơn
chưa làm phản, đã nghe tiếng, đem lễ vật đến mời về làm thư ký. Nhân Tế
cũng biết Lộc Sơn khác lòng, nên thác rằng mình bị bệnh cuồng, đóng cửa
không chịu đi. Đến khi Lộc Sơn tạo nghịch, sai sứ giả cùng với hai vũ sĩ chuyên việc hành hình, cầm kiếm sắt mà tới triệu Nhân Tế ưỡn ngực chịu
chém, không nói một lời, sứ giả cho rằng quả có điên thật, nên quay về
phục mệnh, nhân đó mà thoát chết.
Còn Tô Nguyên Minh, quê ở Hà Nam, bỏ quan về nhà, đến lúc loạn
An Lộc Sơn gọi đến phong tước cao. Nguyên Minh cũng vịn cớ bệnh tật
không nhận dù giặc nhiều lần đến ép buộc. Từ lâu Túc Tông đã được nghe
gương tiết nghĩa của hai người, vì vậy trong tờ chiếu này đã nói ngay
tới việc khen thưởng. Từ quân sĩ cho đến dân chúng nghe được chiếu, đều
vui mừng tung hô: "Vạn tuế!".
Lại nói chuyện Tần Quốc Trinh, cùng với La Thái, việc công xong
xuôi, quay về công quán, nghỉ ngơi hai ngày, rồi rủ nhau đi thăm Tố Cô,
tìm đường tới huyện Lan Dương, lại tới nhà quán địch nghỉ ngơi.
Ngày hôm sau, hai người sắp sẵn lễ vật, thay mũ áo, dẹp bớt lũ
tùy tùng, chỉ đem theo vài gia nhân, cưỡi ngựa đi vào núi Bạch Vân phía
trước. Hỏi rõ thổ dân, quả nhiên trong vùng núi sâu thẳm có am Chân Tu
quán, tên chữ là Tiểu Bồng Doanh, trong am có một lão tiết phụ tu hành,
mọi người kính cẩn gọi là Bạch Tiên Cô. Thổ nhân còn nói thêm rằng:
- Bạch Tiên Cô tuổi đã nhiều, ít khi chịu tiếp khách tới viếng thăm. Gần đây lại còn đóng cả cổng am không cho người thường vào. Hai
vị quan nhân muốn tìm tới, chỉ sợ mất công.
La Thái đáp:
- Tiên Cô chính là cô của ta, nhất định không từ chối cho gặp đâu?
Liền cùng Quốc Trinh, gia nhân ruổi ngựa vào núi, vượt đèo,
lội suối mới tới được trước cửa am, xuống ngựa. Cửa am đóng chặt, gia
nhân gõ nhẹ, hai ba lần, mới thấy một bà già, tóc bạc trắng bước ra, mở
cửa mời vào, hỏi ngay:
- Các ngài ở đâu đến. Đạo cô trụ trì ở đây tuổi nhiều, lại
thêm ốm đau, chỉ đóng cửa tĩnh dưỡng, không tiếp khách thăm bao giờ, xin các vị hãy quay về thì hơn.
La Thái giảng giải:
- Ta không như các khách khứa đâu. Xin mời lão đạo cô thưa hộ
cho một lời, ta họ La tên Thái, vốn ở Trường An, là cháu của Tiên Cô trụ trì ở đây, riêng tới thăm cô, nhất định Tiên Cô sẽ cho gặp mặt.
Bà già nghe xưng là họ hàng với Tiên Cô, không dám từ chối,
đành phải mời hai người vào nhà. Cảnh tượng trong am, thật quả là mười
phần u nhã, có bài từ "Tây Giang Nguyệt" sau đây làm chứng:
Lư hương thơm nức miếu thần
Trang nghiêm tượng thánh giữa gian cao ngồi
Hoành phi một bức chạy dài
"Tiểu Bồng Danh " nét chữ ngời ngời soi
Trước sân hạc trắng xếp đôi
Một hàng tùng cổ xanh chồi hiên ngang
Lặng im trống ngọc chuông vàng
Tiên Cô tĩnh tọa đạo đàn phải chăng?
Bà già cẩn thận đóng cổng am, rồi lặng lẽ vào trong thưa lại.
Một lúc sau, ra nói có lệnh của Tiên Cô, mời khách vào thảo
đường ngồi chờ, Tiên Cô sẽ ra sau. Lại một lát sau, nghe tiếng chuông
gióng, Tiên Cô mặc một áo dài nửa lam nửa trắng hòa nhau, đầu đội khăn,
chân đi dép bện bằng sợi móc, tay cầm phất trần, nhẹ nhàng bước ra, dung mạo rất thanh thoát, cử chỉ nhẹ nhàng, chẳng có dáng gì của một bà già
đã hơn sáu mươi tuổi cả, quả là do sức thần đơn sa của La Công Viễn tiên sư vậy.
Chính là :
Son phấn thôi rồi buổi thiếu niên
Chân tu lánh tục giải ưu phiền
Xanh xanh mai tóc, thân khang kiện
Mà rượu tiên đành kém thuốc tiên.
La Thái cùng Quốc Trinh bước lên làm lễ ra mắt. Tiên Cô vội vàng đáp lễ, mời ngồi uống trà cùng La Thái hàn huyên một hồi.
Tiên Cô chỉ tay về phía Quốc Trinh mà hỏi:
- Vị khách này là ai vậy?
La Thái đáp:
- Đây chính là người bên ngoại của họ La ta ngày trước, chính là Tần Trạng nguyên, tên Quốc Trinh.
Tiên Cô nói:
- Nguyên là quan nhân họ Tần.
Nói xong, nhắc đi nhắc lại chữ "Tần" như nghĩ ngợi điều gì.
Quốc Trinh thưa:
- Cháu vốn từ lâu đã nghe tiếng hiền thục của cô, chỉ giận
chưa một lần bái kiến tôn nhan. Nay mới được gặp gỡ, trong cảnh núi sông cách trở này, như lại được thấy cảnh thoáng đãng vậy! Có gì đường đột,
xin cô hãy tha tội.
Nói rồi cả hai sai gia nhân mang lễ vật dâng lên. Tiên Cô nói:
- Hai vị từ xa tới thăm, thế cũng đủ thấy trân trọng, cần gì phải có lễ vật thế này?
Hai người thưa:
- Chút lễ mọn không đủ giải bày lòng tôn kính, chỉ xin cô đừng khước từ.
Tiên Cô hai ba lần nhún nhường, rồi mới nhận, nhân đó hỏi:
- Hai vị nhân có việc gì mà lại tới vùng này vào lúc này?
La Thái thưa:
- Cả hai chúng cháu đều vâng lệnh làm khâm sai đem chiếu thư
tới đây. Xin được hỏi cô những ngày loạn lạc vừa qua, ở đây có đáng ngại lắm không?
Tiên Cô đáp:
- Vùng này hẻo lánh, thuở trước La Công Viễn tiên sư đã từng
ghi dấu nơi đây. Tiên sư có nói rằng đây là nơi Lưu Hầu Trương Tử Phòng
đời nhà Hán tịch cốc tu luyện đạo tiên. Cho nên ở đây có thể qua mọi cơn binh lửa, cũng nhân hai vị đây đều là họ hàng thân thích, già này lại
là bậc huynh trưởng, nên đừng ngại ngùng giữ lễ quá hãy cứ tự nhiên cho!
Liền gọi đạo cô già, cùng mấy nữ đồng bày cơm chay, rồi mời cả hai vào phía sau xem cảnh.
Thấy lan can khuất khúc, suối chảy quanh co từ trên sườn núi về
phía sau, thật là mát mẻ, thanh tịnh. Đi qua một dãy viện các dài, gặp
một con đường nhỏ, dẫn đến ba gian nhà nằm khuất hẳn một góc, cửa đóng
kín, có cả khóa cẩn thận, chỉ thấy một cửa sổ, nhưng cũng có ván gỗ che
kín. Hai người nhìn vào, nghĩ là phòng riêng tĩnh dưỡng của Tiên Cô.
Đang đứng ngắm, thì bỗng thoảng một trận gió đưa mùi thơm của hoa mai,
Quốc Trinh lên tiếng:
- Ở đây có hoa mai sao? Nay đang giữa mùa đông sao lại có hoa mai được. Hay ở vùng này hoa mai nở sớm chăng?
Tiên Cô lặng lẽ cười, đưa phất trần chỉ ba gian nhà trước mặt mà rằng:
- Hương hoa mai là từ trong ba gian nhà này bay ra đấy? Nhưng không trồng ở trong ấy, cũng chẳng phải trồng ở ngoài này đâu?
La Thái hỏi:
- Thế thì thật lạ quá. Không phải là do trồng mà có, thì ở đâu ra?
Quốc Trinh tiếp:
- Trong nhà nếu có hoa mai, lại có thể xem được, thì xin cô cho được thấy hoa lạ!
Tiên Cô đáp:
- Trong nhà có người, không thể tự tiện vào được?
Hai người đều vội hỏi:
- Người nào thế?
Tiên Cô đáp:
- Nói ra thì dài lắm, xin mời ra ngoài này ngồi rồi thuật kỹ để hai vị cùng nghe.
Ba người lại quay về trung đường ngồi.
Tiên Cô cất lời:
- Chuyện này thật là kỳ quái, nói ra thật khó tin. Từ trước
đến giờ già này chưa từng kể cho ai nghe cả, nay chẳng phải giữ gìn nên
xin kể hai vị nghe rõ. Già lúc mới tới đây. La Công Viễn tiên sư đã từng dặn rằng: "Ngày sau sẽ có hai người đàn bà đến đây tạm lánh, đệ tử hãy
nhớ cho kỹ, hai người này không phải loại người tầm thường. Về sau họ có nơi nương thân xứng đáng". Mãi tới khi An Lộc Sơn phản nghịch, Tây Kinh thất thủ, thì bỗng thấy có một người đàn bà, tuổi khoảng ngoài ba mươi, trang điểm rất sơ sài, cưỡi một con lừa trắng, ruổi nhanh tới cổng am.
Già này đang đi dạo trong sân, thấy khách đến có vẻ lạ kỳ, vội chạy ra
giúp khách xuống lừa. Khách vừa chạm đất, con lừa bỗng bay lên trời,
khoảng lưng trời hình như biến thành một con chim, bay về phía tây. Già
hoảng hốt, hỏi khách là ai. Khách không chịu nói rõ lai lịch, chỉ đáp:
"Thiếp họ Giang, là người của họ Lý, nhân bởi Tây Kinh bị giặc chiếm,
mấy lần suýt chết. May gặp một tiên nữ đến cứu, lấy một con lừa trắng
cho thiếp cưỡi, rồi bảo thiếp nhắm mắt lại, đừng để ý xung quanh. Thấy
như người bay lên không chẳng bao lâu rơi xuống, đây chẳng hiểu là đâu.
Chỉ nghe tiên nữ dặn rằng: nơi này có thể yên thân. Nay đã đến đây,
chẳng hiểu thật giả ra sao nữa!". Già này luôn nhớ lời dặn của Tiên sư
La Công Viễn, nghĩ rằng người đàn bà này không phải người thường, nên
giữ lại cho ở trong nhà riêng phía sau đó. Không hề cho ai người ngoài
biết cả, còn người trong am thì giấu hẳn, chẳng kể về chuyện con lừa
trắng. Người này từ ngày ở nhà riêng đó, cũng chẳng bao giờ ra ngoài.
Già từ đó đóng chặt cửa am, không có việc gì thì chẳng bao giờ mở. Chẳng ngờ mấy ngày sau, lại thấy có một người đàn bà còn trẻ đẹp, diện mạo
rất đẹp, gõ cửa vào xin ở nhờ. Người đàn bà này vốn là họ hàng Đạt Hề
Tuân tiết độ sứ Hà Nam, tiểu tự Doanh Doanh, xưa nay vẫn ở Tây Kinh, đã
từng lấy chồng, cũng bởi chồng mới chết ở xa, cha mẹ lại đều chết cả,
đành phải nương nhờ Đạt Hề Tuân, theo tới nhiệm sở. Không ngờ Đạt Hề
Tuân chẳng chút nghĩa khí ra hàng giặc. Doanh Doanh biết ngay tai họa sẽ đến, liền quyết chí bỏ nhà xuất gia, nghe tin am này u tĩnh, thanh
khiết, xin với Đạt Hề Tuân tới đây. Già này vẫn nhớ lời La Công Viễn
tiên sư, có những hai người đàn bà đến trốn tránh, liền cho Doanh Doanh ở lại cùng với người đàn bà họ Giang kia ở trong ba gian vắng vẻ vừa rồi, cả hai đóng cửa ngồi nhàn, thức ăn đồ uống đều từ cửa sổ mà đưa vào.
Hai tháng trước đây, La Công Viễn tiên sư cùng với một đạo hữu nữa, tên
gọi là Diệp Pháp Thiện tôn sư, có dạo qua mấy gian nhà này. Họ Giang từ
lâu có biết tiếng hai tôn sư tài đạo khác thường, liền cùng Doanh Doanh
mở cửa bái yết. Diệp tôn sư liền ngửa mặt lên trời làm phép, lấy ngay
xuống một cành hoa mai, đưa cho họ Giang mà nói: "Quý nhân vốn thích
loài hoa này, nay xin một cành tặng quý nhân. Cành hoa này tươi quanh
năm, lúc nào cũng hương thơm tỏa ngát, chẳng khi nào tàn. Mãi tới ngày
quý nhân được trở về đất cũ lại gặp chúa xưa, hưởng phúc đủ đầy, thì hoa mới cùng tàn với kiếp người đã mãn vậy thôi!". Từ đó cành mai này luôn
được cắm trong bình ở ba gian nhà đó, hương vẫn tỏa ngát mãi đến giờ.
Gần đây hương lại càng bay xa, càng thơm hơn nhiều. Các vị thấy lạ lùng
chưa?
La Thái, Quốc Trinh đều không giấu nổi kinh ngạc, bàng hoàng:
- Tất cả chuyện này đều thật lạ lùng!
Nhân đó hỏi:
- Thế hai vị tôn sư thấy Doanh Doanh mà không cho vật gì cả sao?
Tố Cô đáp:
- Già này đã kể hết đâu. Lúc ấy La Công Viễn tiên sư lấy bút
mực, đề tám câu thơ ngũ ngôn luật, đưa cho Doanh Doanh mà báo rằng:
"Tương lai của phu nhân cũng tốt đẹp, đều được ghi rõ trong bài thơ này. Bao giờ phu nhân có được cuộc gặp gỡ thì cũng là lúc Giang Quý nhân
được quay về nơi cũ. Nói xong, cả hai tiên sư đều phất áo mà đi ngay.
Quốc Trinh lại hỏi:
- Tám câu thơ thế nào, chúng cháu có thể xem một chút chăng!
Tiên Cô đáp:
- Thủ bút của tiên sư, hai người này quý lắm, chẳng cho ai xem cả đâu. Nhưng bài thơ thì già này thuộc. Để già đọc rồi hai vị
thử đoán xem sao nhé! Bài thơ như thế này:
Tránh đời không tránh Tần
Người Tần mà rất thân
Giang sơn khéo xoay chuyển
Phong cảnh giả thành chân .
Thấy rau La rau Thái
Hái mặt sóng ngọn Tần
Chúa tôi mừng tái ngộ
Duyên nợ xe nên gần.
Hai người lắng nghe kỹ, đều trầm ngâm nghĩ ngợi, Quốc Trinh cười nói:
- Cháu họ Tần, nên hình như hai câu đầu nói về cháu thì phải.
Nếu không thì sao nói chuyện tránh loạn đời Tần ngày xưa mà lại tiếp là
"Người Tần rất thân".
Tiên Cô đáp:
- Lại có thế nữa sao! Già này vừa nghe những lời của Tần quan
nhân, mới sực nhớ ra rằng, lúc ấy Doanh Doanh xem mấy câu thơ này, có
nói riêng với già rằng, hồi ở kinh sư, có một vị triều quan họ Tần, đã
từng cùng mình tính chuyện hôn nhân; nay xem mấy câu thơ của tôn sư La
Công Viễn hoặc giả sau này được đoàn viên chăng. Những câu nói già còn
nhớ kỹ, không ngờ hôm nay lại có vị quan nhân họ Tần tới đây!
La Thái lại thêm:
- Điều này lại càng lạ hơn nữa. Nay các quan trong triều, mà
mang họ Tần, chỉ có hai anh em Tần hiền huynh đây là danh tiếng đâu đâu
cũng nghe. Chẳng biết thuở xưa đã từng có cuộc gặp gỡ nào với họ Đạt Hề
chưa?
Quốc Trinh trầm ngâm một hồi, rồi cất tiếng rằng:
- Họ Đạt Hề đã nói như thế, xin phiền Bạch Tiên Cô tìm cho một đôi câu. Dạo ở kinh, họ Đạt Hề ở phố nào, phường nào; Người họ Tần ấy
tên tuổi là gì, chức tước gì, thì mọi chuyện sẽ rõ ràng ngay.
Tiên Cô đáp:
- Điều này thì chẳng có gì là khó. Già này xin hỏi ngay.
Liền đứng dậy đi vào bên trong, chẳng bao lâu đã thấy quay ra, nói ngay:
- Tiên sư nói nghiệm rất đúng cả rồi? Họ Tần này chính là Tần
quan nhân đây. Doanh Doanh nói trước kia ở phường Tập Khánh, đã từng
cùng trạng nguyên Tần Quốc Trinh gặp gỡ vậy.
Quốc Trinh nghe ra, rạng rỡ mặt mày:
- Thì ra người xưa kia tiểu đệ gặp lại là Đạt Hề Doanh Doanh, năm năm vẫn không quên, ai ngờ lại gặp ở nơi này!
Quốc Trinh xin ra được gặp mặt. Tiên Cô đáp:
- Chưa được đâu. Già này vừa nói rằng Tần Trạng nguyên đang ở
đây Doanh Doanh vẫn chưa tin, còn nói rằng: "Thiếp nay đã xuất gia rồi,
há lại còn khơi lại chuyện cũ làm gì mà gặp mặt!"
La Thái cười:
- Hiền huynh thuở xưa có những cuộc gặp gỡ kỳ thú đến như thế. Nay lại thêm chuyện "Thiên lý tha hương ngộ cố tri", nghìn dặm quê
người, nhận bạn xưa, quả là duyên kỳ ngộ. Sao Doanh Doanh lại còn kiếm
lời từ chối. Hai người ngày xưa nhìn mặt nhìn mày, há lại không có lời
gắn bó, nay chỉ xin nhắc lại lời thề xưa, thì mọi sự xong xuôi ngay chứ
gì!
Quốc Trinh cũng cười đáp:
- Những lời này thì dẫu có cũng khó mà mở miệng nói cho được.
Họ Tần liền xin giấy bút viết một bài tuyệt cú sau đây:
Tập Khánh phường xưa ai nhớ không
Lầu cao ước hẹn sợi tơ lòng
Tình xưa nay được duyên tiên nối
Lá thắm vẫn tươi, ý vẫn nồng.
Viết xong, gấp lại cẩn thận, lại xin Tiên Cô đưa vào cho Doanh Doanh. Doanh Doanh xem xong, trầm ngâm không nói, Tiên Cô bèn khuyên:
- Phu nhân mà xuất gia được cũng tốt, nhưng chưa rõ ràng như
lời các tiên sư, chỉ sợ duyên trần chưa dứt, xuất gia chẳng trọn. Cứ
theo ý này thì hãy nối lại duyên xưa là hay hơn cả.
Chẳng rõ Doanh Doanh có quyết chí xuất gia chăng, nhưng chỉ
biết là từ ngày cùng Quốc Trinh gặp gỡ, giờ khắc nào quên, luôn mong
ngày tái hợp. Nay lại thêm chồng đã qua đời, cha mẹ đều mất cả người chú họ là Đạt Hề Tuân giờ đây chẳng còn nương tựa gì được nữa, coi như đã
cách tuyệt hẳn. Gặp lại người xưa, chẳng phải là chuyện quá may mắn hay
sao. Về phía Quốc Trinh, thì tưởng không nói hết nỗi mừng, nhưng trên
mình vẫn còn mệnh vua chưa trả, không thể đưa Doanh Doanh về theo, nên
phải thưa với Tiên Cô, hãy xin tạm để Doanh Doanh ở lại am Tiểu Bồng
Doanh, đợi cả hai về triều phục mệnh, thưa lại với Quốc Mô, sau đó sẽ
sai người tới đón. Còn bây giờ chỉ gặp nhau qua cửa sổ, Doanh Doanh thấy hiện nửa người, mà vẫn không chịu ra. Quốc Trinh thấy Doanh Doanh vẫn
chẳng khác xưa, nhưng khăn áo theo kiểu đạo gia, nên càng giống như tiên nữ giáng trần. Bốn mắt nhìn nhau, buồn vui lẫn lộn, chẳng ai nói một
lời.
Chính là:
Tương tư tình ý không cùng
Lặng im mà chứa muôn lòng ái ân.
Đêm hôm đó, Quốc Trinh cùng La Thái không thể ra đi kịp, phải ở lại trong am, Bạch Tiên Cô thắp sáp, pha trà, cùng hai người bàn chuyện xa gần. Sau đó, nói tới mấy câu thơ của La Công Viễn.
Quốc Trinh suy luận:
- Hai câu đầu thế là ứng rồi. Hai câu tiếp "Phong cảnh giả
thành chân", tưởng cũng chẳng cần nói nữa. Chỉ còn bốn câu sau không
biết nên lý giải ra sao. Nay Doanh Doanh cùng với họ Giang cùng ở một
nơi, sắp phải chia tay, thế thì sao lại có câu "Giang sơn khéo xoay
chuyển".
Tiên Cô cũng bàn thêm:
- Cứ xem cách Giang Quý nhân đến đây, cưỡi lừa trắng, lừa bay
lên không mà biến mất, lại xem cử chỉ lâu nay, rõ ràng không phải người
thường. Già nào ngờ rằng có khi tiên nữ bị đày xuống trần. Nhưng còn
thêm câu nói của La Công Viễn tiên sư với Doanh Doanh:
"Bao giờ phu nhân có được cuộc gặp gỡ thì cũng là lúc Giang Quý nhân được quay về nơi cũ". Thì ý tứ câu này ra sao đây?
Hai người bàn luận, chỉ thấy La Thái cúi đầu ngẫm nghĩ, bỗng dậm chân mà nói rằng:
- Đúng rồi! Đúng rồi! Cháu nghĩ ra rồi!
Tiên Cô vội hỏi:
- Nghĩa ra sao nào?
La Thái thì thầm:
- Giang Quý Nhân đã từng nói với Bạch Tiên Cô rằng mình là
người của họ Lý. Thế thì rất có thể là Giang Thái Tần của hoàng thượng
vậy. Hãy đọc những câu thơ này xem, rõ ràng hiện đủ cả ba chữ Giang Thái Tần, Giang Phi nổi tiếng yêu hoa mai, ở trong cung đã từng dược tôn
xưng là Mai Phi. Trước đây khi lũ nghịch tặc vào cung, có thấy một xác
cung nữ đã thối rữa, cho là Mai Phi, sau đó lại có tin đồn là Mai Phi
chưa chết, mà đã trốn được vào dân chúng, biết đâu chính là gặp người
tiên cứu cũng nên, rồi mang đến tránh trong am này, đợi ngày trở về cung cấm, gặp lại thượng hoàng, chẳng khác gì Doanh Doanh gặp lại Tần hiền
huynh vậy thôi. Không như thế, thì sao lại có câu: "Chúa tôi mừng tái
ngộ" cho được?
Quốc Trinh gật đầu:
- La hiền đệ phân giải quả không sai, nhưng cứ như tiểu nhân
này nghĩ, thì hiền đệ họ La tên Thái. Bài thơ lại có câu: "Thấy rau La
rau Thái, hái mặt sóng ngọn Tần", thì hình như có ý nói hiền đệ đưa
Giang Quý nhân về triều thì phải?
Tiên Cô cũng nói:
- Nếu quả là Giang Quý phi thật, thì rõ ràng La quan nhân thấy Quý phi ở đây lẽ tự nhiên phải tâu với triều đình để đợi lệnh đón về
rồi!
La Thái đáp:
- Chỉ cần hỏi cho thật đúng, cháu xin làm biểu tâu ngay về triều đình!
Tiên Cô tiếp:
- Hỏi chuyện này cũng không khó. Giang Quý nhân thấy Doanh
Doanh không chịu ở cùng người chú họ đã theo giặc, nên rất kính yêu có
chuyện gì chắc cũng chẳng giấu. Chỉ cần già này hỏi Doanh Doanh, là biết ngay hư thực.
Đêm ấy không có chuyện gì khác.
Ngày hôm sau, Tiên Cô ra nhà tìm Doanh Doanh hỏi chuyện:
- Chẳng mấy chốc phu nhân sẽ chia tay với Giang Quý nhân. Quý
nhân từ ngày tới đây, không hề chịu nói rõ lai lịch. Quý nhân rất thân
thiết với phu nhân, nhất định có kể rõ nguồn cơn. Thế thì xin phu nhân
hãy cho nghe xem sao?
Doanh Doanh cười thưa:
- Lâu nay họ Giang cũng chẳng nói gì cả đâu, nhưng mãi hôm qua mới kể rằng, xin đạo cô đừng lấy làm thường, họ Giang không phải ai
khác, chính là Mai Phi Giang Thái Tần, người trước đây rất được hoàng
thượng yêu quý đó. Thiếp cũng đang định đem chuyện này thưa để đạo cô rõ ngay.
Tiên Cô nghe ra, vừa kinh ngạc vừa vui mừng, dậm chân:
- Vị cháu họ La của già này tính không hề sai vậy!
Nguyên là Mai Phi trước đây vẫn ở cung Thượng Dương, cam chịu
những ngày lạnh lùng, nghe tin An Lộc Sơn phản loạn, càng thêm giận con
tiện tỳ phì nộn Dương Ngọc Hoàn, thủ phạm gây ra cơn trốn chạy vào Thục. Vua những muốn cho Mai Phi cùng đi, nhưng bị Quý Phi ngăn trở, đành bỏ
mặc mà thoát một mình. Lúc này các cung, các viện thi nhau trốn chạy.
Mai Phi nghĩ ngợi: "Thuở xưa mang ơn thương yêu của thánh đế, nay tuy bị bỏ quên, nhưng nào phải vua phụ ta đâu, chính ta phụ vua đấy! Nếu bằng
không sớm tìm cái chết mà thoát, tất rơi vào tay giặc làm hoen ố". Khóc
lóc một hồi, lấy một dải lụa trắng, ra ngay cây mai già trước sân thắt
cổ mà chết. Hơi như đã tàn, bỗng có người cứu xuống, mở mắt ra nhìn, thì một người đàn bà mặt mũi rất thùy mị, đội mũ vân quan đứng ngay trước
mặt. Mai Phi khẽ hỏi:
- Khanh có phải người trong cung không?
Người này đáp:
- Thiếp không phải cung nữ đâu. Mà chính là Vi Thị, vợ của
Trương Quả tiên sinh, vốn lâu nay ở Vương Ốc Sơn. Hiện nghe theo lời của Trương tiên sư cưỡi mây đến đây, để cứu Quý Phi. Mai này Quý Phi còn
duyên phận với thánh thượng, chưa nên tìm đường chết. Thiếp sẽ đưa Quý
Phi đến một nơi có thể tạm nương thân, đợi ngày đoàn viên.
Liền lấy ngay trong tay áo ra một con lừa cắt bằng giấy, đặt
trên mặt đất, chúm môi thổi nhẹ, biến ngay thành một con lừa trắng vừa
to vừa đẹp, đủ cả yên cương, đỡ ngay Mai Phi lên, dặn kỹ:
- Quý Phi hãy nhắm cả hai mắt. Cứ mặc cho con lừa bay. Chẳng bao lâu sẽ đến một nơi, đã có người đón tiếp Quý Phi.
Nói xong, vỗ vào mông lừa một cái, lừa dậm chân bay thẳng lên không .
Mai Phi dẫu có sợ hãi, nhưng cũng chẳng xuống được nữa, chỉ
còn cách tay nắm chặt dây cương lụa, nhắm tít hai mắt, nghe tiếng gió
rít mạnh, biết là đang bay rất nhanh. Chẳng mấy chốc, đã xuống tới đất
mở mắt ra nhìn bốn bên đều là núi, lừa cứ thẳng phía trước mà đi ngay
vào cổng am Tiểu Bồng Doanh, gặp ngay La Tố Cô ân cần tiếp đãi giữ lại.
Lúc này vẫn còn chưa dám nói rõ lai lịch, cũng bởi Tố Cô thấy con lừa
trắng bay vút lên trời ngỡ Mai Phi là tiên nữ, nên không dám cặn kẽ hỏi
nguồn gốc.
Trong bài thơ của La Công Viễn, quả có chứa đủ ba chữ Giang
Thái Tần, mọi người chưa hiểu, nhưng Mai Phi thì biết rõ. Nay thấy người đến am là La Thái, lại càng hợp với mấy câu thơ. Doanh Doanh thì lại đã cùng Quốc Trinh gặp gỡ, những điều trong bài thơ đã bắt đầu ứng nghiệm. Lại nghe hai kinh đã khôi phục, thượng hoàng sắp trở về, nên mới đem
thực tình nói với Doanh Doanh, Doanh Doanh thưa lại với Tố Cô, để nhờ La Thái tâu lên triều đình. Vừa may La Thái đoán ra mọi sự, Tố Cô hỏi lại. Nghe Doanh Doanh kể rõ đầu đuôi, Tố Cô mười phần vui mừng, kinh hãi,
gặp Mai Phi làm lễ triều kiến. Mai Phi nâng dậy mà rằng:
- Ơn nặng còn đó, một chút chưa báo, hãy xin nhớ bạch Tiên Cô với La sứ giả, hãy vì ta mà làm biểu tâu với triều đình.
Tiên Cô nhận lời, quay ra bàn bạc với La Thái. La Thái cùng
Quốc Trinh xếp đặt, trước tiên trình bày cho Quảng Bình Vương rõ ràng
mọi sự. Quảng Bình Vương liền tuyển cung nữ ở Đông cung, tìm những người hầu hạ cũ ở nội cung, đến ngay Tiểu Bồng Doanh, nhận mặt rõ ràng là Mai Phi, rồi liền đăng biểu trình Túc Tông. Về phía La Thái, cũng viết biểu lên Túc Tông, việc Quốc Trinh gặp gỡ, Doanh Doanh định về với Quốc
Trinh làm vợ thứ, nhưng vì can qua ngăn trở, nay may cũng gặp lại ở Tu
Chân quán, tuy là cháu họ của Đạt Hề Tuân, nhưng trong lòng vẫn ghét
việc hàng giặc của Tuân, nên đã nguyện làm đạo cô, tự thề sẽ trọn đời tu luyện, với khí tiết như thế, tưởng cũng nên gia ơn.
Túc Tông xem cả hai tờ biểu, một mặt sai người thưa với thượng hoàng, một mặt sai hai nội giám dẫn theo cung nga mấy người, đến Bạch
Vân Sơn, am Tiểu Bồng Doanh đón Mai Phi về cung cũ, sẵn đợi thượng hoàng hồi loan. Lại dặn quan sở tại, hậu thường cho La Tố Cô chờ ngày thượng
hoàng tuyên dương sau. Cũng không quên ban ngay chỉ, cho phép Đạt Hề
Doanh Doanh về với Tần Quốc Trinh làm vợ thứ, vẫn được cáo phong đấy đủ.
Lúc này Quốc Trinh cùng La Thái quay lại Tiểu Bồng Doanh chào
Bạch Tiên Cô, lên ngựa về triều, giữa đường vừa gặp chiếu ban xuống,
liền sai người về ngay Tiểu Bồng Doanh, hãy đem theo vài gia nhân của
Đạt Hề Tuân rồi cùng với đoàn nội giám đón Mai Phi về kinh. Mai Phi cùng Doanh Doanh liền từ biệt Bạch Tiên Cô, ngay ngày hôm sau lên đường. Mai Phi đã có nội giám cùng cung nga hộ tống hương xa bảo mã, nhằm Tây Kinh mà đi. Doanh Doanh cùng gia nhân cũng theo sau thành một đoàn. Mai Phi
đi trước, có nội giám giữ bình cắm cành mai, hương bay mấy dặm, ai ai
cũng ngạc nhiên, ngợi ca. Trước lúc lên đường, Mai Phi còn kịp làm tờ
sớ, sai trung sứ ngày đêm mang về trình Đường Minh Hoàng.
Chính là:
Nhớ thuở Đông Lâu xưa hiến phú
Còn nay cổ miếu lại dâng thơ.
Chẳng biết về sau sự thể ra sao, xin xem hồi tiếp theo.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT