Từ rằng:

Ân sâu ái sâu

Tìm tha ý thiết

Riêng ta với nhau

Dưới trăng sao nhất tịch

Thề nguyền khăng khít

Chỉ có Ngưu Lang, Chức Nữ trên cao

Được biết

Biết thời bình, biết thế bình

Quên dân, quên nước, quên mình, say mê

Cần Cầm, Chính Chính, là gì?

Cái tên thực, nghĩa thì trống không 1

Vua già, ngại việc phải chăng?

Theo điệu "Túy thái bình"

Đạo Phật rất trọng sự thề nguyền, một người nào đó buông lời thề nguyền, chỉ mình mình biết, nhưng đã có quỷ thần chứng minh, kiếp này, kiếp sau tất phải làm bằng được như lời thề. Thực ra cũng còn phải xem xét lời thề đó nội dung ra sao, có hợp lý hay không, có thể thực hiện được hay không. Nhược bằng không có lý, không làm được thì lời thề đó, có cũng như không. Đại để trong việc thề nguyền, phần lớn là thề nguyền của trai gái, nào chỉ non thề biển, đều trong cảnh khác thường đêm hôm, một mình hoặc với một người biết với nhau. Trong việc này lại còn phải tính đến những lời thề đó có chính đáng nữa không, có thay đổi hay không thay đổi, còn nếu như đường đường ngôi thiên tử, sáu cung phi tần mỹ nữ không kể hết, mọi chuyện đều phải đường đường chính chính thì dùng những lời "thệ hải minh sơn", thề riêng nguyền kín ấy làm gì. Chẳng qua vì sự đam mê thái quá, chết đuối trong sắc dục, đem sự yêu thương của cả ba ngàn cung nữ dồn vào một người 2, thì quả là hưởng lạc kiếp này chưa thỏa, lại muốn kiếp sau cứ thế mà thỏa lòng dục tiếp nữa sao? Nào có biết rằng cuộc gặp gỡ ở kiếp này, chính là bởi kết quả của những đức tính kiếp trước, vốn là "túc thế tiền duyên" thôi, vậy thì kiếp này còn mơ ước viển vông gì nữa, mà vẫn đắm mê trong vòng sắc dục, chỉ một mực nghe theo lời lẽ của kẻ nữ nhân, ngày càng xa xỉ, những tưởng là phong lưu, thanh cao. Đem việc lớn của xã tắc phó mặc cho lũ tiểu nhân, thiên hạ điên đảo như trong vạc dầu sôi mà vẫn ảo tưởng là thái bình thịnh trị, vẫn "cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm", thì thật chẳng khác gì mấy con chim yến chim sẻ trên nóc nhà vậy thôi!

° ° °

Hãy nói Huyền Tông nghe theo lời tâu của An Lộc Sơn, đem ba trấn hiểm yếu, thay tướng coi giữ toàn bằng người Phiên. Vi Kiến Tố can gián không nghe.

Một hôm, Kiến Tố cùng Dương Quốc Trung đều có trước điện, Cao Lực Sĩ bên cạnh. Huyền Tông phán rằng:

- Trẫm xuân thu càng cao, công việc triều chính ngày càng mỏi mệt, nay đem mọi sự phó cho tể tướng, việc biên cương thì đã có các tướng trông coi, thật cũng chẳng còn gì đáng lo nữa vậy!

Lực Sĩ tâu:

- Cũng mong được như lời thánh dạy, nhưng gần đây nghe Nam Chiếu làm phản, bao nhiêu lần đánh bại quân triều đình. Lại thêm các tướng biên trấn, binh quyền quá lớn, triều đình phải có cách để trói buộc, không thì sợ tai họa sẽ đến.

Huyền Tông phán:

- Khanh hãy khoan tâu những chuyện ấy, tể tướng sẽ có cách để phân xử.

Vốn là dân Nam Chiếu, nay là vùng Vân Nam, dân vùng Nam này xưng vua của họ là "Chiếu". Cả vùng có sáu Chiếu, trong số đó có Mông Xá Chiếu, ở tận vùng cực nam, nên còn xưng là Nam Chiếu mạnh hơn cả, còn năm Chiếu kia, đều yếu nhỏ. Vua Nam Chiếu tên là Bì La Hạp, hối lộ bọn quan viên biên trấn, để dồn cả sáu Chiếu vào một. Triều đình nghe theo, ban hiệu là Quy Nghĩa, phong làm Vân Nam Vương. Về sau cậy mạnh thế, dấy binh phản nghịch.

Kiến Nam tiết độ sứ là Tiên Vu Trọng, kéo binh đánh mấy lần, đều bị Quy Nghĩa đánh bại, tướng sĩ, quân lính chết nhiều không đếm hết. Dương Quốc Trung vốn là chỗ quen biết cũ của Vu Trọng, nên che giấu ngay việc bại trận, lại còn tâu rằng nhiều chiến tích, lệnh cho lưu thú Kiếm Nam là Lý Mật dẫn bảy vạn lính tiến đánh, vẫn thua to toàn quân tan nát. Quốc Trung cũng giấu kỹ, chuyển thành thắng lớn, lại điều đại binh đánh tiếp. Cho nên người chết chẳng ai lường nổi, cũng chẳng ai dám bàn luận. Nay Cao Lực Sĩ bỗng nói tới, Quốc Trung vội vàng lấp liếm:

- Bọn Nam di bội phản, vương sư chính thảo, mọi chuyện sẽ yên ngay, bệ hạ hà tất phải lo. Riêng việc các tướng Phiên trấn uy quyền quá lớn thì quả là đúng vậy: Ví như An Lộc Sơn hùng cứ cả ba trấn lớn rộng, binh cường ngựa khỏe, rõ ràng là có ý khác, không thể không coi.

Huyền Tông nghe xong, trầm ngâm không đáp.

Kiến Tố lại tâu:

- Thần có một kế, có thể làm mất hẳn những ý định đen tối của An Lộc Sơn.

Huyền Tông hỏi:

- Kế ra sao?

Kiến Tố thưa:

- Nay chi bằng thăng An Lộc Sơn làm Bình chương sứ, triệu vào cung đình rồi đưa ngay cho ba đại thẩn cai quản ba trấn Phạm Dương, Bình Lư, Hà Đông. Thế là binh quyền của Lộc Sơn mất hết, mưu gian cũng chẳng thể còn.

Quốc Trung phụ họa:

- Kế này hay lắm?

Huyền Tông tuy bằng lòng, nhưng thực vẫn do dự chưa quyết. Về cung, nói rõ cho Dương Quý Phi biết. Quý Phi tuy lòng rất muốn Lộc Sơn về triều để cùng tình tự, nhưng lại sợ khó thoát khỏi mưu hại của Quốc Trung, liền tâu riêng với Huyền Tông:

- An Lộc Sơn chưa lộ rõ mặt phản loạn, vì sao trăm quan lại vẫn đoán chắc rằng Lộc Sơn thoán nghịch đến nơi. Nay Lộc Sơn cầm quân ở biên cương chẳng có cớ rõ ràng, gọi về thì rõ ý nghi ngờ, sợ hãi, chi bằng sai sứ ra xem xét thực tình, nhược bằng đáng ngờ thì hãy triệu về, xem Lộc Sơn đối phó ra sao!

Huyền Tông lại nghe theo lời, sai ngay nội thị Phụ Cầu Lâm, đem theo một số hoa quả thật quý, đến ban cho Lộc Sơn, ngầm xem sự thể ra sao. Cầu Lâm vâng mệnh, đến thẳng Phạm Dương. Lộc Sơn đã được tin báo từ trong cung ngay từ trước, biết rõ nguyên do có mặt của Cầu Lâm, nên bày vẽ khoản đãi Cầu Lâm rất long trọng, lại đem vàng ngọc, các đồ quý tặng để nhờ Cầu Lâm chu toàn cho. Cầu Lâm nhận hối lộ, hứa làm hết sức mình, ngày đêm trở lại triều đình, ngợi ca Lộc Sơn một lòng trung với xã tắc, không hề có chuyện hai lòng.

Huyền Tông nghe vậy, tin ngay, triệu ngay cho Quốc Trung đến trước ngự tiền mà dụ ràng:

- Quốc gia đãi An Lộc Sơn rất hậu, Lộc Sơn rất hết lòng vì triều đình, quyết chẳng dám phụ trẫm. Trẫm có thể đứng ra bảo cử cho Lộc Sơn. Các khanh bất tất đa nghi.

Quốc Trung không dám cãi, chỉ ậm ừ rồi quay ra ngay.

Từ đó, Huyền Tông càng tin biên cương yên ổn, chẳng ngó ngàng chi đến, lại nữa tuổi ngày càng cao, chỉ nghĩ đến chuyện kịp thời hưởng lạc. Suốt ngày đêm cùng phi tần, nội thị với bọn Lê Viên tử đệ, những ca cùng múa, mười phần khoái ý.

Dương Quý Phi cùng Quắc Quốc phu nhân, Hàn Quốc phu nhân, mặc sức kiêu sa dâm dật, ở ngay Hoa Thanh cung dựng mười sáu phòng tắm thơm, cực điểm xa hoa, sắp đầy phi tần, cung nga để lúc nào cũng có thể tắm rửa. Bể tắm của nhà vua, được xây bằng đá quý Văn Giao bảo thạch, nước nóng thơm Ngọc Liên dẫn vào tận nơi, lại lấy gỗ quý khắc thành hình chim cu, chim nhạn, uyên ương, cò trắng và các loại chim nước, bọc kín bên ngoài bằng gấm thêu, cho bày nổi trên mặt nước. Mỗi lần gặp ngày ấm áp, sau khi rượu đã hơi tỉnh rồi, nước bể vừa nóng, Huyền Tông cùng Quý Phi đều mặc áo lót ngắn, cưỡi thuyền nhỏ dạo quanh bể, đến những chỗ cảnh tượng thanh tú, kín đáo, cũng là lúc đã nóng bức, liền lệnh cho cung nga đỡ Quý Phi xuống tắm.

Mỗi lần chị em họ hàng tắm như vậy xong, nước trong bể theo ngòi mà chảy ra ngoài cung, Vòng vàng, hạt châu theo nước trôi, người đi đường có khi nhặt được. Thật không thể nói hết sự xa hoa.

Dương Quý Phi vì đẫy đà, nên rất sợ nóng nực, mỗi khi mùa hạ tới chỉ mặc áo lụa mỏng, bắt cung nga thay nhau quạt, mà vẫn không hết mồ hôi. Nhưng lại cũng là một sự kỳ quái không hai, mồ hôi trên người Quý Phi khác hẳn của mọi người, mang màu hồng hồng lại thơm nức, thử lấy khăn mà chùi, chẳng khác gì màu hoa đào, rõ là vật quý của trời sinh ra vậy, chứ người ta thì không thể nào làm được những điều kỳ diệu này. Lại thêm có bệnh khô háo phổi, thường phải ngậm ngọc cá ở trong miệng, để lấy khí mát mà chữa bệnh phổi. Một hôm Quý Phi đau răng, không thể ngậm ngọc cá được, bèn lấy tay đỡ má đào, buồn rầu ngồi trước cửa sổ. Huyền Tông thấy thế, lại càng cho là tuyệt thế, vừa thương, vừa yêu, vỗ về:

- Trẫm chỉ giận không thể chia nỗi đau này cùng ái khanh!

Người đời sau có vẽ bức tranh Dương Quý Phi đau răng, Phùng Hải Túc có đề lên bức tranh này bốn câu thơ:

Cung Thanh Hoa một cái răng đau

Gò Mã Ngôi một cái thân đau

Trống trận Ngư Dương vang dữ dội

Thiên hạ đau!

Mùa hạ năm thứ mười đời Thiên Bảo, Huyền Tông cùng Quý Phi đi tránh nắng ở Ly Sơn cung. Cung này có mật điện, tên gọi Trường Sinh điện, rất cao, rất rộng, rất mát. Đêm mùng bảy, tháng bảy năm ấy, là đêm "xin khéo" 3, tiết trời nóng nực, Huyền Tông ngồi hóng mát ở Trường Sinh điện, Quý Phi ngồi hầu bên cạnh, mãi đến hết canh hai, mới vào nội cung nằm, cung nga cũng mới được nghỉ ngơi. Quý Phi nóng bức, ngủ không yên giấc, đến kéo Huyền Tông dậy, cũng chẳng gọi cung nga theo hầu, hai người cùng ngồi mãi tới khuya. Trời vẫn còn nóng, tay phẩy quạt nhẹ, ngửa mặt nhìn trời sao, lúc này cảnh vật yên tĩnh. Ngồi một lát nữa, trời đã mát dần, Huyền Tông nói rất khẽ:

- Đêm nay hai sao Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau, không hiểu họ có mừng không?

Quý Phi thưa:

- Chuyện Ô thước bắc cầu qua sông, không hiểu có thực không, nếu đúng vậy, thì sự vui sướng ở thiên đình không thể nào so với trần gian được!

Huyền Tông cười:

- Thật họ gặp nhau thì ít, xa nhau thì nhiều, sao cho bằng trẫm cùng ái khanh, ngày đêm vui vầy.

Quý Phi thưa:

- Hoan lạc ở nhân gian, thế nào mà chẳng nát tan, sao bằng như hai vì sao trên thiên đình, mãi mãi là vợ chồng.

Nói xong bất giác thở dài. Huyền Tông cũng cảm động ngậm ngùi:

- Trẫm cùng ái khanh yêu thương đến chừng ấy, sao nỡ xa cách. Đêm nay dưới trăng sao, trẫm cùng khanh hãy riêng cùng thề nguyền, hết kiếp này sang kiếp khác, mãi mãi là vợ chồng!

Quý Phi nghe Huyền Tông nói thế, gật đầu mà thưa:

- Quý Phi này cũng xin thề như vậy, có Chức Nữ, Ngưu Lang làm chứng?

Huyền Tông thấy Quý Phi thề, mừng lắm.

Về sau, Bạch Cư Dị, trong bài "Trường hận ca" cũng có nói tới việc này:

Là đêm trùng thất nguyền chung

Trường sinh sẳn điện vắng không bóng người

Xin kết nguyện chim trời liền cánh

Xin làm cây cành nhánh liền nhau. 4

Cũng sau này, có người làm thơ châm biếm Huyền Tông, say đắm riêng tây, mơ ước hão huyền:

Hoàng hậu khi không bị biếm oan

Vợ chồng đạo nghĩa kiếp này tan

Quý Phi riêng được thề khăng khít

Kiếp nối kiếp ân ái chứa chan!

Lại còn có cả thơ cười Dương Quý Phi:

Thề riêng để hận muôn đời

Điện Trường Sinh luống thẹn lời Ngưu Lang

Duyên Huyền Tông chẳng bẽ bàng

Nợ Lộc Sơn hỏi là vàng hay thau?

Huyền Tông ngày càng say đắm Quý Phi. Tháng chín, mùa thu năm ấy, cam cùng quýt ở cung Bồng Lai rất sai quả, các giống cây quý này đều do vùng Giang Lăng tiến cống từ năm Khai Nguyên, vốn vị rất ngọt, mùi thơm. Huyền Tông sai đem mấy gốc trồng ở cung Bồng Lai, nhưng từ bấy đến nay chỉ nở hoa mà không bao giờ kết quả, có năm ngay cả hoa cũng chẳng thấy. Năm nay, không hiểu sao đậu tới hơn hai trăm quả, so với cam quýt vùng Giang Lăng, Thục xuyên chẳng kém gì. Huyền Tông mừng lắm, tự thân ra xem, lệnh hái xuống đem ban cho các quan. Dương Quốc Trung dẫn các quan, dâng biểu, phủ phục ở thềm vàng chúc mừng, tờ biểu đại lược như sau:

"Muôn tâu

Trộm nghĩ:

Ơn trời chăm bón thì muôn vật không thay đổi tinh thường, vật nào xưa nay chưa từng có thì phải xem đó là vật phi thường báo trước điềm lành, phúc lớn vậy

Cam quýt thật là nhiều loại

Bắc Nam tên gọi khác nhau

Bởi bệ hạ vòi vọi đức cao, sáu cõi gom về một mối

Nên mưa móc thu về, khắp vùng trời chói lọi

Cỏ cây xúm lại, hưởng khí đất tràn trề

Cây quý từ miền Nam đất thánh

Quả lành sinh ở giữa cung thần

Cuống biếc sáng ngời

Thơm tràn điện gấm

Võ vàng lấp lánh

Sắc ửng sân hoa

Chúng thần nay:

Ơn trên ban cấp

Thẹn chẳng công lao

Vui mừng chiêm ngưỡng bệ cao

Run sợ kính dâng lời mọn

Cẩn tấu!"

Huyền Tông xem xong, vừa lòng lắm, ban lời ngợi khen.

Trong số những quả này, có hai quả dính nhau, người đời thường gọi là quả "Hợp hoan", nghĩa là cùng xum vầy, vui vẻ. Tả hữu mới dâng lên, Huyền Tông lại càng thích ý, cùng Quý Phi ngắm nghía mãi, Huyền Tông còn phán:

- Hai quả này thực là khéo biết chìu người, Trẫm với ái khanh cũng chẳng khác gì một thân hình, hệt như hai quả "Hợp hoan" này vậy Khanh hãy ăn cùng trẫm, để ứng với điềm lành này.

Liền kéo Quý Phi cùng ngồi, bóc quýt ra, rồi mớm cho nhau. Sai thợ vẽ ngay một bức tranh "Hợp hoan cam quất đồ" để truyền cho đời sau, Quốc Trung lại dâng lời tán tụng, xin cho mở yến tiệc cho trăm quan, bách tính cùng được vui mừng bởi điềm lành của buổi thái bình:

Chính là:

Đời hoàng đế, có thiên khuất dật 5

Trỏ lũ gian vạch mặt tỏ tường

Báu gì cam quýt nhà Đường

Khua môi múa mép toàn phường bất nhân.

Huyền Tông nghe theo những lời nịnh hót của Quốc Trung, liền giáng chỉ ban yến tiệc cho dân chúng. Chọn ngày lành, kéo phi tần cùng các vương ra Cần Chánh lâu, đủ đội Lê Viên ca múa, tấu nhạc, bày hàng trăm trò, tùy ý vui chơi cùng với trăm họ.

Nhà nhà trong kinh thành, già trẻ trai gái, kéo đến trước lầu, muôn phần náo nhiệt. Trong bọn Lê Viên, có một người đàn bà, tên gọi Vương Đại Nương, có tài múa sào. Với một sào trúc dài tới một trượng tám thước, đội ngay trên trán một đầu sào trúc dựng đứng, đầu kia đặt một tòa núi đẽo bằng gỗ, theo dáng đảo Doanh Châu Phương Trượng 6. Lại có một đứa trẻ, ôm lấy sào trúc mà trèo lên, trèo vào động trong đảo Doanh Châu bằng gỗ đó, miệng hát véo von. Vương Đại Nương đội cây trúc trên trán như thế, vẫn múa rất thoải mái theo đúng như điệu hát của đứa trẻ trên cao.

Huyền Tông cùng phi tần, các vương đều không ngớt khen ngợi. Lúc này lại có thần đồng Lưu Yến, mới chín tuổi, thông minh hơn người, nhân triều tiến cử, đã được làm Bí thư tỉnh chính tự, hôm ấy cũng được Huyền Tông triệu đến hầu yến, liền lệnh cho Lưu Yến làm thơ vịnh Vương Đại Nương biểu diễn. Lưu Yến làm ngay bài tứ tuyệt như sau:

Tài giỏi trăm trò diễn trước sân

Múa sào tài nghệ thật như thần

Dẫu nhờ gấm vóc thêm màu sắc

Chính bởi lòng người nặng nhẹ cân.

Mọi người thấy Lưu Yến mẫn tiệp, lời thơ bao hàm cả ý hài hước, nên càng tán thưởng. Dương Quý Phi ôm Lưu Yến cho ngồi trên lòng, âu yếm chải tóc cho. Chải xong, Huyền Tông gọi đến bên, thân cầm tay mà hỏi đùa rằng:

- Khanh tuổi còn nhỏ, quan tới chức chính tự, vậy có biết bao nhiêu chữ "chính" cả thảy.

Lưu Yến tâu ngay:

- Các chữ đều "chính" cả, chỉ có mỗi chữ "bằng" là xiên mà thôi!

Câu trả lời này lại còn hàm ý chỉ ở triều đình lúc này chia bè kéo cánh, chẳng còn ra thể thống gì nữa, hệt như hình dáng khác thường của chử "bằng", không đứng thẳng nghiêm chỉnh như các chữ khác. Huyền Tông nghe xong, ngợi khen không ngớt, quay nhìn xung quanh mà phán:

- Thằng bé này không những thông minh, mà còn hiểu biết khác thường. Mai kia làm việc quan nhất định sẽ tha hồ rạng rỡ.

Mọi người đều dâng lời mừng triều đình được người tài phù trợ. Huyền Tông bằng lòng lắm, truyền đem hốt ngà, cẩm bào ban cho, rồi phán tiếp:

- Trẫm nghĩ mai kia khanh sẽ làm nên, chẳng bao giờ chịu đứng nép bóng kẻ khác.

Người đời sau có thơ khen Lưu Yến:

Đồng đạo đồng tâm xứng đáng thay

Chính là rành rọt, hẳn nên tài

Chữ "bằng" phải viết cho ngay ngắn

Vua có ngay thì tôi mới ngay.

Hôm ấy yến mãi tới tối mịt, trên lầu đèn treo lên, xanh đỏ lóa mắt. Huyền Tông đang ngắm nghía, thấy ở dưới lầu huyên náo, tiếng cười đùa gọi nhau chí chóe, thật khác hẳn ngày thường. Huyền Tông hỏi nguyên do, nội thị tâu rằng trăm họ đang xem đèn dưới lầu, chen chúc nhau, hò hét để dẹp vẫn không được.

Huyền Tông phán:

- Phải lệnh các quan, cùng thị vệ ra uy dẹp cho yên. Nếu vẫn không xong, bắt ngay vài tên mà nghiêm trị làm gương cho tất cả.

Lưu Yến vội tâu:

- Dân chúng tụ tập đông, không thể coi thường mà trừng trị được. Huống chi hôm nay bệ hạ cùng trăm họ vui chơi, đã lệnh cho dân chúng như vậy, sao lại nỡ trị tội. Cứ như ý của thần, chi bằng sai Lê Viên tử đệ, ra trước lầu biểu diễn tài nghệ, truyền dụ trăm họ yên lặng, không được lớn tiếng. Dân chúng vì được nghe những thứ chưa nghe bao giờ, lập tức sẽ yên lặng ngay.

Huyền Tông gật đầu:

- Đúng lắm thay!

Nội thị nói thánh ý cho dân chúng rõ. Lê Viên tử đệ, người người áo mũ lấp lánh, đem các loại nhạc khí, ra ngay trước lầu, xếp hàng nghiêm chỉnh, dưới ánh đèn. Dân chúng quây lại xem, tiếng cười đùa tuy chưa tắt ngay, nhưng đã khác trước. Cao Lực Sĩ thưa:

- Trong số nhạc công, duy chỉ sáo Khương của Lý Mô là nổi tiếng hơn cả, trăm họ thích nghe nhất, nay hãy nói rõ, dưới lầu sẽ yên ngay.

Huyền Tông nghe theo, truyền Lý Mô hãy một mình thổi sáo. Lý Mô vâng lệnh, ra ngay trước lầu, lên tiếng dõng dạc:

- Ta là Lý Mô, vâng thánh chỉ, xin ra thổi sáo Khương để ai nấy nghe. Các người nếu quả biết thưởng thức, xin hãy im lặng.

Nói rồi nâng ngay sáo làm bằng loại trúc Tử Vân ở Vân Mộng lên, tiếng nghe réo rắt trong trẻo, như thấu đến chín tầng trời cao, hạc múa phượng vũ. Dưới lầu hàng nghìn hàng vạn người, đều lặng như tờ, nghiêng tai lắng nghe, không một tiếng động nhỏ. Huyền Tông càng khoan khoái.

Chính là:

Đừng bảo ồn ào khôn cấm chỉ

Một lời lặng ngắt cả muôn lời.

Vì sao tiếng sáo Lý Mô huyền diệu đến thế? Cũng bởi Huyền Tông rất hiểu âm nhạc. Từ các loại đàn dây, cho đến nhạc hơi đều rất thành thạo. Có khi còn tự chế ra các khúc điệu, tùy trong đục, thấp cao mà thay đổi. Trong các loại nhạc cụ đó, lại thường không thích các thứ đàn dây, cứ mỗi lần nghe tiếng đàn, liền bắt cử ngay loại nhạc khác để rửa tai, thường gọi là "tẩy uế". Thích nhất là nghe trống của tộc Yết Thất, cùng tiếng sáo của tộc Khương, cho hai thứ này là đứng đầu trong bát âm, vì vậy bọn nhạc công đều giỏi hai loại này. Mỗi lần có yến tiệc trong nội cung, Huyền Tông thường tự mình đánh trống, hoặc thổi sáo ngọc hòa theo. Dương Quý Phi cũng rất giỏi thổi sáo!

Đầu năm thời Thiên Bảo, gặp thượng tuần tháng hai, sáng ra, rửa mặt chải tóc xong, trời mới mưa xong, cảnh sắc trong sáng, tươi mắt, sân điện nội cung, liễu hạnh vừa môi nhú mầm xanh, Huyền Tông thư thái nhìn bốn phía, thong thả phán:

- Cảnh vật như thế này, chẳng thể ngồi yên cho được!

Liền lệnh Dương Quý Phi thổi sáo ngọc, rồi bước ra ngoài hiên, gõ một hồi trống Yết Thất, theo điệu "Xuân qua hảo", cũng là điệu do Huyền Tông tự đặt ra vậy. Tiếng trống vừa dứt, nhìn ra trước sân, lá liễu cành hạnh như vươn dài thêm, mặt rồng hớn hở, cười chỉ cho phi tần trông thấy mà phán:

- Chỉ riêng việc này, trẫm cũng đáng là bậc sáng tạo rồi còn gì!

Mọi người đều quỳ xuống tung hô:

- Vạn tuế!

Lại một hôm, Huyền Tông ngủ ngày ở Ngọc Thanh cung, bỗng thấy mấy tiên nữ, từ từng không bay xuống, dung mạo cực kỳ xinh đẹp tay đều cầm nhạc cụ, đến trước Huyền Tông vừa múa vừa cử nhạc. Tiếng nhạc nghe rất khác thường, trong đó, nổi rõ tiếng sáo Khương lại tuyệt diệu hơn cả. Tiên nữ thưa:

- Đây chính là những điệu nhạc thần tiên, tên gọi "Tử Vân hồi". Bệ hạ rất hiểu âm nhạc, xin hãy nhớ cho kỹ.

Huyền Tông tỉnh mộng, tiếng nhạc nghe như còn bên tai, liền lấy ngay sáo ngọc ra tập, nhớ rất kỹ từng tiết tấu. Sau hai ba ngày, nhân đêm trăng sáng, Huyền Tông cùng Cao Lực Sĩ thay đổi y phục, ra khỏi cung vi hành tìm thú vui.

Đi qua mấy phố, lại quay về cầu lớn ngay cạnh tường cung điện đứng ngắm trăng, bỗng nghe xa xa tiếng sáo vẳng véo von, nghe kỹ ra, thì chính là điệu "Tử Vân hồi". Huyền Tông kinh ngạc mà rằng:

- Đây chính là điệu nhạc trẫm được truyền trong mộng, rồi tự mình tập luyện thành thục mấy hôm này, chưa hề dạy cho kẻ khác, làm sao ở bên ngoài cũng đã có người biết được?

Lệnh ngay Cao Lực Sĩ:

- Ngày mai phải tra cho ra kẻ thổi sáo. Nhưng không được làm y kinh hãi, rồi dẫn vào gặp trẫm.

Lực Sĩ vâng mệnh, sáng ngày mai đem theo tay chân, tìm đến chỗ thổi sáo tối qua, gõ cửa từng nhà mà hỏi, có người mách:

- Ở đây có thiếu niên họ Lý, thổi sáo rất giỏi, nếu thổi sáo đêm qua thì đúng là người này rồi!

Lực Sĩ sai dẫn đến nhà họ Lý, lấy lệnh thiên tử, triệu vào cung gặp Huyền Tông. Vua hỏi:

- Điệu sáo thổi đêm qua, học được ở đâu?

Thiếu niên thưa:

- Thần họ Lý, tên Mô, từ nhỏ đã rất thích thổi sáo, vì vậy cũng biết được ít nhiều. Mấy đêm trước, tình cờ đi dạo trên cầu gần cung điện, nghe trong cung vẳng ra tiếng sáo, lắng kỹ ra, âm điệu rất khác thường, thật ra chưa hề thấy ở cõi người, nên cố nhớ kỹ, lại thầm nhớ bằng đốt ngón tay, về nhà lập tức theo điệu mà thổi thử, càng thấy kỳ lạ. Đêm qua lại tự luyện, không ngờ đến tai thánh chúa. Tội thần thật đáng chết, xin bệ hạ tha cho!

Huyền Tông khen có tài âm nhạc, lệnh cho cai quản đội Lê Viên tử đệ, vẫn thường được hầu hạ bên mình. Đó chính là việc mà bài "Liên xương cung từ" đã nói tới:

Cách tường tiếng sáo Lý Mô

Nhập thần khúc mới điệu sao tài tình!

Từ đó Lý Mô được học hết những điệu nhạc nội cung, tài nghệ càng tinh diệu. Đêm ấy biểu diễn trước lầu Cần Chánh, vạn dân đều nghe, thiên tử càng đẹp dạ. Tiếng sáo vừa tắt, các nhạc cụ khác hòa theo, thật là rộn ràng, dân chúng dưới lầu đều nghiêm chỉnh đứng xem, tai nghiêng lắng kỹ từng khắc, không chút ồn ào, Huyền Tông cùng vui vẻ, mãi tới chuông báo sáng gióng giả mới quay về nội cung.

Chính là:

Câu ca tiếng nhạc bên lầu

Cần chẳng phải, chính ở đâu chẳng cần!

Không biết sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.

--------------------------------

1Trường Sinh điện: điện sống lâu mãi mãi. Cần Chánh lâu: Cần là siêng năng, Chánh hay Chính chỉ công việc chung, việc nước, Lâu: lầu gác, gác cao. 2Hồi thứ bảy mươi chín, Dương Quýnh đã nói: "Thần thấy tần phi ở các cung, có đến hơn ba vạn người!". 3"Xin khéo" Tục "khất xảo", đêm mùng bảy, phụ nữ Hán lấy chỉ ngũ sắc, thi xâu kim bảy lỗ dưới ánh trăng. Bày hoa quả ra giữa sân, nếu có nhện giăng lên là tốt. Giữa trưa thì đặt một cái chén giữa sân, thi thả kim, làm thế nào để kim nằm trên mặt nước không chìm. (Tầm nguyên từ điển) 4Bản dịch của Tản Đà, Thơ Đường II. Bạch Cư Dị: 772-846 người Thiểm Tây, đỗ tiến sĩ làm đến Thượng thư bộ Hình. Có công đề xướng phong trào thơ hiện thực đời Đường, bản thân thơ ông cũng có tính hiện thực cao. Là một trong ba nhà thơ lớn thời Đường. Nổi tiếng nhất là bài "Trường hận ca" này và bài "Tỳ bà hành". (Thơ Đường I) 5Cỏ khuất dật: Theo truyền thuyết, loài cỏ này chỉ đúng mặt lũ gian nịnh trong triều, có ở thời Tam Hoàng, Ngũ Đế, thuộc cổ đại Trung Quốc (Bác vật chí...) 6Doanh Châu: Biển Bột Hải, tương truyền có ba đảo có tiên ở: Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu. (Tầm nguyên tử điển

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play