Theo điệu "Thái bình thời"
ruồi, nên cứ nhìn mà cười. Thủ Khuê nói:
Xưa nay, kẻ sĩ cùng thông, hiển loạn, đều bởi chữ thời, chữ
mệnh, không thể nào cậy vào tài trí, sức lực. Dẫu có mệnh, nhưng chúng
gặp thời, cũng chẳng thể nào là tung hoành, đó là lẽ thường, chẳng có gì lạ. Cái chính là ở chỗ người đàn bà, dù quý dù tiện, chẳng kể gì đến
ngôi thứ, thân hèn nhưng vẫn giữ được nhân cách thanh cao, ngược lại,
ngôi sang lại làm đủ điều ô nhục. Giả như Võ Tắc Thiên, Vi Hoàng Hậu,
Thái Bình công chúa, An Lạc công chúa, là những đàn bà dâm loạn, để
tiếng xấu, tiếng cười cho muôn đời trong sử sách. Nhưng đáng tiếc, đáng
giận là đến đời Đường Huyền Tông, lại vẫn còn sinh ra một Dương Quý Phi
nữa. Họ Dương thân chịu ơn sâu chẳng ai quý hiển cho bằng, huống chi
thiên tử lúc này vốn là bậc phong lưu khác thường, thế mà vẫn chưa vừa
lòng, vừa thấy thằng nô bộc mọi rợ ở biên ải An Lộc Sơn, lại đã cùng y
thông tư, làm bẩn cả cung khuyết, để dẫn đến họa không nhỏ sau này,
chuyện thế cũng đủ lạ lùng rồi.
° ° °
Nay hãy nói chuyện An Lộc Sơn, là giống người Di ở
Doanh Châu, vốn là họ Khang, lúc đầu tên là A Lạc Sơn, cũng bởi mẹ tái
giá với họ An nên mới đổi họ An, tên đổi Lộc Sơn, vốn tính tình gian xảo giỏi dò ý tứ kẻ khác. Về sau bộ lạc của y tan vỡ, chạy tới U Châu, tìm
đến tiết độ sứ Trương Thủ Khuê, Thủ Khuê đem lòng yêu, nhận làm con
nuôi, ra vào hầu hạ.
Một hôm, Thủ Khuê rửa chân, Lộc Sơn đứng hầu ở bên, thấy Thủ
Khuê ở gan bàn chân trái có tới năm nốt ruồi, nên cứ nhìn mà cười. Thủ
Khuê nói:
- Năm nốt ruồi này của ta, mọi người đều nói là quý tướng, sao ngươi lại cười?
Lộc Sơn đáp:
- Con là bậc hèn hạ, mà ở cả hai gan bàn chân đều có tới bảy
nốt ruồi kia. Nay thấy ân tướng là bậc quý nhân, dưới gan bàn chân cũng
có nốt ruồi đen, nên bất giác không nhịn được cười.
Thủ Khuê nghe nói, bèn bảo cởi ngay giày xem sao, đúng là dưới gan cả hai bàn chân của Lộc Sơn đều có bảy nốt ruồi, xếp thành hình
thất tinh 1 so với Thủ Khuê còn to hơn, liền lấy làm kỳ lạ, vì vậy lại càng yêu quý Lộc Sơn hơn. Rồi nhờ mấy lần có quân công, liền đưa Lộc Sơn làm tới
Bình Lô thảo kích sứ. Lúc này, có một bộ lạc thuộc Khiết Đan, làm loạn
xâm phạm biên giới. Thủ Khuê lệnh cho Lộc Sơn dẫn binh lính tiễu trừ.
Lộc Sơn cậy khỏe không chịu nghe theo mưu kế của Thủ Khuê, dẫn binh coi
thường xông vào, bị Khiết Đan đánh cho đại bại phải trốn chạy về. Thủ
Khuê vốn nghiêm minh, các tướng mà phạm quân lệnh đến nỗi bại trận, đều
chiếu theo pháp quân mà trị tội. Lộc Sơn cũng không vì là con nuôi mà
được giảm nhẹ, một mặt viết sớ tâu về triều đình, một mặt lôi Lộc Sơn ra trước hàng quân để chịu chính pháp. Đến lúc lâm hình, Lộc Sơn hét to
trước mặt Thủ Khuê rằng:
- Ân tướng định dẹp giặc, tại sao lại nhẹ dạ giết cả đại tướng?
Thủ Khuê cũng động lòng, liền lệnh hoãn gia hình, đem Lộc Sơn
giải về kinh sư, chờ thánh ý định đoạt. Lộc Sơn hối lộ bọn nội thị, nhờ
che chở cho trước mặt Huyền Tông. Lúc này, triều thần đều đồn là Lộc Sơn coi thường phép quân đến nỗi bại trận, đáng nên chém đầu, lại thêm có
tướng làm phản, không nên để sống mà gây họa về sau. Huyền Tông bởi
trước đó đã nghe lời ton hót của bọn nội thị, nên cuối cùng không chịu
nghe lời tâu của trăm quan, giáng chỉ tha tội chết cho Lộc Sơn, lại cho
giữ nguyên chức Bình Lô thảo kích sứ, được đái tội lập công.
Lộc Sơn vốn thừa mưu mẹo nịnh hót, giả dạng hiền lương, trở về
Bình Lô, phàm có bọn tay chân của Huyền Tông ghé qua, đều được tiếp đãi
quà cáp rất hậu. Cho nên trong tai Huyền Tông chỉ thường được nghe những lời ngợi khen Lộc Sơn càng ngày càng tin y hiền đức, được thăng thưởng
luôn luôn, chẳng mấy chốc đã tới Doanh Châu đô đốc Bình Lô tiết độ sứ.
Đến năm thứ hai đời Thiên Bảo 2triệu vào kinh, rồi được giữ lại kinh làm thị ngự. Lộc Sơn vốn giảo hoạt, bề
ngoài ra vẻ ngu đần, ngay thẳng, nên được Huyền Tông cho là thành thực,
ngày càng sủng ái, gặp mặt rồng lúc nào cũng được, nội cung nghiêm cấm
là thế, nhưng muốn ra vào lúc nào cũng xong.
Một hôm, Lộc Sơn kiếm được con chim anh vũ lông trắng, rất giỏi
nói tiếng người, liền nhốt trong một cái lồng đan bằng sợi vàng, định
dâng lên Huyền Tông. Biết vua đang ngoài ngự uyển, nên xách lồng chim
tìm đến. Huyền Tông đang cùng Thái tử dạo trước các luống hoa, Lộc Sơn
liền treo lồng chim lên cành cây, chạy đến quỳ lạy Huyền Tông, mà không
hề chào hỏi Thái tử. Huyền Tông hỏi:
- Sao khanh không bái lạy Thái tử?
Lộc Sơn giả vờ hỏi:
- Thần vốn ngu độn, không hiểu Thái tử là loại quan chức gì? Mà đấng chí tôn lại lệnh cho bái lạy?
Huyền Tông cười đáp:
- Thái tử là bậc trừ quân 3 không phải là quan tước gì cả, mai kia mà trẫm thiên thu vạn tuế, là vua kế tục trẫm, sao khanh lại không lạy chào?
Lộc Sơn thưa:
- Thần vốn nòi man di, lâu nay chỉ biết có mỗi một mình hoàng
thượng, chúng thần phải tận tâm báo đền ơn đức, mà chưa biết rõ Thái tử
cũng là bậc đáng kính như hoàng thượng vậy!
Huyền Tông quay lại bảo Thái tử:
- Người này quả thật là quá thật thà!
Chim anh vũ trong lồng bỗng cất tiếng:
- An Lộc Sơn mau bái Thái tử đi!
Lộc Sơn đến trước Thái tử lạy chào, rồi mới đem dâng anh vũ.
Huyền Tông hỏi:
- Chim này không những nói được tiếng người mà còn hiểu được cả ý người ta nữa. Khanh kiếm được ở đâu thế này?
Lộc Sơn liền khoác lác:
- Thần dạo trước chinh phạt Khiết Đan, đến mãi quận Bắc Bình
nằm mơ thấy danh thần đã mất của triều trước là Lý Tĩnh, đòi thần phải
cúng lễ, thần liền làm ngay. Trong lúc đang bái lạy trước đàn, bỗng anh
vũ từ trên trời bay xuống, thần cho là điềm lành, bắt lấy nuôi, nay đã
thuần thục, mới dám dâng lên.
Anh Vũ cất tiếng:
- Thôi đừng nhiều lời. Quý Phi Nương nương đã tới kia kìa!
Lộc Sơn đưa mắt trông ra, thấy rất nhiều cung nga theo hầu xung
quanh một hương xa, kẻ trước người sau rộn ràng. Gần tới nơi, Dương Quý
Phi xuống xe, cung nga đỡ lấy trước Huyền Tông lạy chào. Thái tử cũng
làm lễ xong, mọi người ngồi. Lộc Sơn tránh mặt phía sau, Huyền Tông lệnh cho đứng lại ra mắt. Lộc Sơn liền tiến lại, lạy chào Quý Phi rồi đứng
vòng tay hầu dưới thềm. Huyền Tông chỉ lồng anh vũ, nói với Quý Phi:
- Con chim này nói tiếng người rất thạo, lại còn biết cả ý người nữa kia đấy!
Rồi nhìn Lộc Sơn, nói tiếp:
- Chính là An Lộc Sơn này dâng, nên đem vào trong cung mà nuôi.
Quý Phi thưa:
- Anh vũ vốn là loài chim dễ học tiếng người, nhưng giống lông trắng như thế này hiếm lắm, nếu lại biết cả ý người nữa thì thật quý
giá.
Liền sai cung nữ Niêm Nô xách về cung, nhân đó liền hỏi:
- Đây chính là An Lộc Sơn sao, hiện làm quan gì?
Huyền Tông đáp:
- Thuở trước vốn là con nuôi của Trương Thủ Khuê, nay hầu hạ trẫm đây, tức cũng như con nuôi trẫm vậy.
Quý Phi thưa:
- Nếu thực sự như ý thánh thượng, thì người chính là con nuôi thiếp sao?
Huyền Tông cười:
- Quý Phi nếu thấy có thể nhận làm con được thì cứ nhận mà nuôi.
Quý Phi thấy Huyền Tông nói thế, nhìn thật kỹ Lộc Sơn, cười mà không đáp. Lộc Sơn vội tiến sát điện, bái lạy Quý Phi mà thưa:
- Con mong quốc mẫu sống nghìn năm!
Huyền Tông cười:
- Lộc Sơn, khanh sai lễ rồi, muốn bái lạy quốc mẫu, trước tiên phải bái lạy phụ hoàng đã chứ!
Lộc Sơn quỳ lạy thưa;
- Thần vốn là người Hồ, phong tục Hồ trước mẹ rồi sau mới cha.
Huyền Tông nhìn Quý Phi, phán:
- Người này thực thà quá?
Tả hữu bày xong yến, Thái tử nhân mới ốm khỏi không thể ngồi
lâu xin về Đông cung trước. Huyền Tông liền lệnh cho Lộc Sơn đứng hầu,
nhân lúc rót rượu dâng lên, liếc trộm dung mạo Quý Phi, thật quả là:
Son thoa quá thắm
Phấn dồi quá trắng
Thêm vào quá dài
Cắt đi quá ngắn
Xem ra đầy đặn
Nhưng rất nhẹ nhàng
Muôn vàn kiều diễm
Dung nhan sáng ngời
Hỡi trời ơi! Hỡi vua ơi!
Nghiêng thành nghiêng nước
Nào phải riêng ai thẫn thờ!
Từ lâu Lộc Sơn đã nghe nói đến vẻ đẹp của Quý Phi, nay bỗng được thấy, mười phần say mê, lại được nhận làm mẹ con, tha hồ mà gần gũi, vì vậy lòng này đã nảy ngay những ý định bất lương. Về phía Quý Phi thì
vốn phong tình quen thói, chẳng còn gì phải xem mặt mới chọn người, chỉ
cần trai khỏe mạnh càng hay, nay thấy Lộc Sơn thân hình nở nang, mũi má
đầy đặn, cường tráng, tưởng như có thể vốc được, liền động ngay tà tâm.
Chính là:
Sắc đẹp vốn quý thật rồi
Chê là ngắm vuốt xui người động tâm
Huyền Tông dễ dãi là nhầm
Xem hai con thú đã ngầm hẹn nhau.
° ° °
Chuyện chia hai mối, nay hãy khoan nói việc An Lộc
Sơn thân cận với Dương Quý Phi, hãy nói chuyện năm nay là có kỳ thi hội, Lễ bộ vâng mệnh mở khoa thi lấy nhân tài, nên lệnh cho các châu quận,
truyền cho sĩ tử về kinh ứng thí.
Lúc này ở Cẩm Châu thuộc Tây Thục, có một bậc tài tử, họ Lý tên
Bạch tự Thái Bạch, nguyên là cháu chín đời chúa Tây Lương Lý Cao, mẹ nằm mộng thấy sao Trường Canh rơi xuống bụng mà sinh, vì vậy mới lấy tên
thế 4. Lý Bạch sinh ra thiên tư mẫn tiệp, tính cách thanh kỳ, nghiện rượu hay
thơ, khinh tài nghĩa hiệp, tự lấy hiệu là Thanh Liên Cư sĩ, ai nấy thấy
phong điệu khác thường nên gọi là Lý Trích Tiên 5. Họ Lý cũng chẳng cầu quan chức, chỉ thích ngao du bốn bể, xem kỳ hết
núi sông kỳ vĩ trong thiên hạ, nếm cho khắp rượu ngon của chín châu.
Trước đã trèo núi Nga Mi, rồi dạo vùng Vân Mộng, sau đó đặt chân đến
Trúc Khuê, cùng với Khổng Sào Phù, Hàn Chuẩn, Bùi Chính, Trương Thúc
Minh, Đào Miện, tối ngày uống say, mang tên là nhóm "Trúc Khuê lục dật". Nhân thấy mọi người nói rượu ở Ô Trinh vùng Hồ Châu cực ngon, không
ngại xa cách ngàn dặm tìm đến. Đang lúc say sưa, trong quán rượu, vừa
uống vừa ngâm thơ, coi xung quanh như không có người. Tư Mã Thích Châu
là Ngô Quân, tình cờ đi qua, nghe giọng ngâm như người cuồng, sai người
tra hỏi, Thái Bạch thuận miệng đọc ngay một bài thơ tuyệt cú thất ngôn
để trả lời:
Cư sĩ Thanh Liên, hiệu Trích Tiên
Ẩn danh quán rượu ba mươi niên
Hồ Châu tư mã hỏi gì đấy
Kiếp trước Như Lai ấy thực tên.
Ngô Quân nghe ra, vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, nói rằng:
- Thì ra Lý Trích Tiên sao! Nghe tiếng đã lâu, sao giờ có may mắn gặp ở đây!
Liền xuống xe, mời về thư phòng trong dinh tư mã trò chuyện,
uống rượu làm thơ, giữ suốt ngày này sang ngày khác. Ngô Quân mấy lần
khuyên Lý vào ứng thí, Lý Bạch đem việc lâu nay thi cử chẳng công minh
gì, ý không muốn nghe. Trong lúc trù trừ, lại khớp Ngô Quân được thăng
về kinh, ngay ngày hôm sau phải lên đường, liền kéo cả Lý Bạch theo về
luôn.
Một hôm, tình cờ dạo chơi ở Tử Cực cung, gặp thiếu giám Hạ Tri
Chương, xưng hô họ tên, lập tức kính mộ lẫn nhau. Tri Chương mời Lý Bạch vào lầu rượu, cởi ngay thắt lưng vàng, đổi lấy rượu cùng uống, thật say sưa, vui vẻ mới chia tay.
Kỳ thi tới gần, triều đình chấm Tri Chương làm Tri cống cử, lại
ra đặc chỉ, mệnh Dương Quốc Trung, Cao Lực Sĩ làm nội ngoại giám đốc
kiểm điểm xếp quyển thi để quan chủ khảo phê duyệt. Hạ Tri Chương thầm
nghĩ: "Nay ta phụng mệnh làm Tri cống cử, nếu Lý Bạch vào thi, nhất định là ta phải tiến cử rồi. Nhưng họ Lý vốn là một kẻ cao ngạo, nếu nói
chuyện này với các quan trong trường thi thì họ Lý sẽ xem như bị coi
thường lại không chịu thi. Thơ văn của họ Lý, nghìn người đều thấy, cũng chẳng cần gì phải nói trước với ai, vẫn đậu mà thôi. Chỉ cần quyển thi
được các quan giám đốc sắp xếp đưa sang, nên ta cần nhắc Quốc Trung cùng Lực Sĩ, cho hai người này để ý cho là xong thôi."
Thế rồi một mặt nói với Ngô Quân, cố khuyên giải Lý Bạch ra ứng
vào trường thi. Nào ngờ họ Dương, họ Cao nguyên cùng cánh với Hạ Tri
Chương, vốn tiểu nhân lấy cái hẹp hòi của mình để đo lòng người quân tử, những tưởng rằng Tri Chương nhận hối lộ của người ta rồi, lại chỉ dùng
lời suông để thương lượng với bọn chúng, chúng bèn nhớ kỹ tên họ Lý
Bạch, tìm cách làm hại. Đến ngày thi, Lý vào trường, qua mấy vòng thi,
lần nào cũng chỉ cần vẫy bút là xong, giao nạp quyển thi đầu tiên bao
giờ cũng là Lý Bạch. Dương Quốc Trung thấy quyển thi đề tên họ Lý, chẳng kể hay dở, cầm bút sổ toẹt, mà rằng:
- Quyển này chữ viết ngoằn nghèo, làm sao mà đưa sang được.
Lý Bạch đứng bên định cãi, Quốc Trung lớn tiếng nạt.
Cao Lực Sĩ cũng nói thêm vào:
- Mài mực cũng không đáng, chỉ đáng cởi giày cho ta thôi!
Rồi quát tả hữu, kéo ngay Lý Bạch ra.
Chính là:
Vân chương bẻ họng
Tranh cãi ra sao
Dẫu rằng tài cao
Sổ ngang đáng hỏng.
Lý Bạch ra khỏi trường thi, tức giận thấu trời, Ngô Quân phải
khuyên giải mãi. Họ Lý thề rằng, mai kia có ngày đắc chí, nhất định sẽ
bắt Dương Quốc Trung mài mực, Cao Lực Sĩ cởi giày, mới hả lòng uất ức ở
trong trường thi, Hạ Tri Chương duyệt quyển, cũng đã để ý tìm xem sao,
gặp quyển nào có vẻ tài năng, vẫn ngờ rằng của Lý Bạch chăng. Mãi tới
khi phóng bảng, tìm khắp cũng chẳng thấy tên của họ Lý đâu cả, trong
lòng vô cùng băn khoăn, kinh ngạc. Mãi khi ra khỏi trường thi, mới rõ
chuyện họ Dương họ Trương vứt quyển làm nhục, mọi chuyện lại chính do
bởi sự dặn dò gửi gắm mà ra. Tri Chương vô cùng ân hận, không nói cũng
rõ.
° ° °
Lại nói đậu đầu là Tần Quốc Tinh, người anh Tần Quốc Mô, đậu tiến sĩ thứ năm, cả hai là huyền tôn 6 của Tần Thúc Bảo, tài năng từ nhỏ. Anh em đều đậu cao, người người đều
ca ngợi. Đến hôm vào điện thí, cả hai vào sân hầu đối sách, mãi tới
trưa, mới nạp quyển ra khỏi cung khuyết, người nhà đã trực đón sẵn. Đi
đến phường Tập Khanh, nghe chiêng trống rầm trời, thì ra đó là ngày mở
hội Thái Bình, lập tức bị cuốn vào đám người đông nghịt, anh em, thầy tớ mỗi người lạc mỗi nơi. Qua được đám hội, Quốc Trinh đã không thấy anh
đâu nữa, đành một mình tìm đường về.
Một tiểu đồng bước tới thưa:
- Công tử, chủ nhân của tiểu nhân có lời mời, hiện đang ở trong vườn hoa đợi công tử!
Quốc Trinh hỏi:
- Chủ nhân của ngươi là ai?
Tiểu đồng đáp:
- Công tử cứ tới sẽ biết ngay.
Quốc Trinh cũng nghĩ đây chính là bậc tôn quý trong triều nào, nhân việc thi cử gì đó muốn hỏi chuyện, nên không dám từ. Tiểu đồng dẫn di vào một ngõ nhỏ, qua một cổng kín đáo, đi thêm vài bước, thấy một
tường hoa rất cao, cứ men theo tường mà đi nữa, thì đến một vườn hoa cây cối tươi tốt, hồng đưa, biếc đón, một con đường nhỏ, lát bằng đá trắng, phía trước là hồ hai bờ trồng toàn đào, dương liễu men hồ là chim loan, chim hạ dạo nhởn nhơ, từng đôi một tình tứ Trên hồ lại có cầu, lan can
màu đỏ uốn vòng xinh đẹp. Đi một đoạn nữa, lại qua một lần cửa, tiểu
đồng quay người khóa ngay lại, bên trong có hành lang dài, xung quanh
lầu trồng toàn trúc, một mầu xanh lục khắp vườn, từng bước lên cầu cao,
có bức đại tự đề ba chữ lớn: "Tử Hư đình", chú rõ "Tây Châu Lý Bạch đề", phía sau lầu lại là bức tường cao ngất, có hai tấm cửa bằng đá đóng kín mít. Tiểu đồng thưa:
- Xin mời công tử ngồi chờ đây một lát, chủ nhân sẽ ra ngay.
Rồi chạy ngay vào dinh trong nữa. Quốc Trinh nghĩ ngợi: "Đây
không hiểu là dinh của ai, mà có cả vườn hoa đến thế này?". Còn đang băn khoăn, bỗng hai tấm cửa đã mở ra, một cô hầu mặc áo xanh, nhìn Quốc
Trinh một thoáng lặng lẽ cười rồi thưa:
- Chủ nhân có mời công tử vào dinh trong gặp gỡ!
Quốc Trinh hỏi:
- Chủ nhân là ai? Sao lại sai ra mời ta?
Cô hầu không trả lời, chỉ khẽ cười, đưa Quốc Trinh qua cổng đá lầu hoa cao ngất. Trước lầu, hoa muôn màu đua nở, từ trên lầu hai cô
hầu khác đi xuống, cùng đón Quốc Trinh lên lầu, tiếng rèm ngọc khẽ động, trong lồng, chim anh vũ cất tiếng:
- Có khách! Có khách!
Quốc Trinh đưa mắt nhìn, trên lầu trần thiết vô cùng hoa lệ,
bình phong hoa lê, rèm châu ngọc, thủy tinh, óng ánh phản chiếu lóa mắt. Trên bàn hương khẽ đưa mùi long điên hương ngây ngất cả người. Một cô
hầu báo phu nhân đã ra, ở cửa phía trái, một cô hầu khác đỡ một mỹ nhân
thong thả bước ra, hình dáng ra sao:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Lưng eo như liễu, mặt gương hoa đào
Nét cò lả yêu kiều say tỉnh
Búi tóc mây khánh ngọc rung rinh
Phất phơ tà áo bên mình
Nhà vàng có phải, người quỳnh đây chăng?
Quốc Trinh thấy vậy, vội quay ra. Hầu gái giữ lại thưa:
- Phu nhân đang cần gặp công tử!
Quốc Trinh đáp:
- Tiểu sinh này là ai, mà dám đường đột gặp phu nhân?
Vị phu nhân lên tiếng:
- Công tử là ai, hãy xin cho biết tên tuổi vậy?
Quốc Trinh vừa kinh ngạc, vừa nghi ngờ, không dám nói họ tên
thật, liền đem chữ "Tần" họ mình, chữ "Trinh" tên mình, theo kiểu chiết
tự mà dẫn rằng:
- Tiểu sinh họ Dư, tên Trinh Mộc 7chưa đến trường quận bao giờ, nhân dạo chơi, gặp tiểu đồng dẫn vào dinh, ngửa xin phu nhân tha tội, ban cho được quay ra!
Nói xong liền cúi chào rất thấp, phu nhân cũng vội vái trả lễ,
đưa mắt liếc nhìn, thấy Quốc Trinh mặt mũi tuấn tú, cử chỉ khiêm nhường
lễ phép, mười phần vừa ý, liền bước lại gần bên, giơ cánh tay trắng như
ngọc mời Quốc Trinh ngồi. Quốc Trinh lúng túng từ tạ:
- Tiểu sinh đường đột vào đây, đội ơn phu nhân không bắt tội, đâu lại dám mong được cùng ngồi?
Phu nhân đáp:
- Thiếp đêm qua mơ thấy một con chim thanh loan, bay vào trong gác nhỏ, hôm nay công tử tới đây, chính là ứng vào giấc mơ
lành này. Mai kia công tử nhất định là đại quý, chẳng cần phải quá khiêm tốn đến thế!
Quốc Trinh đành ngồi xuống, hầu gái dâng trà, phu nhân truyền lệnh dọn tiệc rượu. Quốc Trinh đứng dậy cáo từ, phu nhân cười:
- Chồng thiếp hiện đi xa, ở đây chẳng ai khác, cứ việc ở lại
chẳng có gì đáng ngại. Huống chi cửa khóa mấy từng, công tử đòi đi đâu
bây giờ?
Quốc Trinh nghe ra, cũng liều mọi sự mà ngồi xuống. Hầu gái
bày bàn xong, phu nhân kéo Quốc Trinh cùng ngồi ăn uống, chẳng cái phải
kể hết sơn hào hải vị, các hầu gái đứng xung quanh. Quốc Trinh lên tiếng hỏi:
- Xin mạo muội thưa phu nhân họ gì? Chủ nhân hiện giữ quan chức gì?
Phu nhân cười:
- Công tử có duyên thế này, lại được người đẹp ngồi bên tiếp tận tình, thế đủ thỏa nguyện, hà tất phải tra hỏi nhiều.
Quốc Trinh không nói họ tên thật của mình, thấy cũng không nên hỏi kỹ. Hai người hết chén này đến chén khác, uống mãi tới chiều tối,
đèn nến thắp lên, cả hai đã ngà ngà. Quốc Trinh nói:
- Tiệc rượu đã xong, xin cho tiểu sinh ra về.
Phu nhân cười:
- Hứng rượu tuy đã cạn, là lúc sóng tình nồng đượm, sao lại
nói tới chuyện đi về! Gặp gỡ như hôm nay cũng là vạn nhất tình cờ, đêm
khuya thanh vắng, sao lại nỡ để trôi qua vô tình cho được.
Mãi đến ngày hôm sau, phu nhân cũng chưa chịu cho Quốc Trinh
về, Quốc Trinh cũng quyến luyến, không nói lời từ biệt, cứ thế mãi bốn
năm ngày. Nào ngờ đến ngày phóng bảng thi đình, Tần Quốc Trinh trúng
trạng nguyên cập đệ, Tần Quốc Mô trúng đệ nhị giáp tiến sĩ, đệ nhất danh 8.
Truyền lô, khắp thành đều biết. Các vị tân tiến sĩ đều tới chờ
sẵn ở điện, nhưng mãi vẫn không thấy tân trạng nguyên đâu cả, bộ Lễ liền sai ngay quan đi tìm khắp nơi.
Huyền Tông nghe biết Tần Quốc Mô là anh ruột Tần Quốc Trinh, liền truyền chỉ.
- Không thể để em lại trên anh. Nay nhân Quốc Trinh chưa thấy
đến, có thể thay Quốc Mô là trạng nguyên, tới dự yến ngay ở vườn Quỳnh
Lâm.
Quốc Mô tâu rằng:
- Em trai thần ngay hôm vào điện thí ra khỏi cung, đến phường
Tập Khánh, gặp đám hội lớn, tụ tập rất đông, anh em lạc nhau, đến nay
vẫn chẳng thấy về. Thần sai gia đồng đi tìm khắp nơi, vẫn chẳng thấy
tung tích, lòng thần thảng thốt không yên. Xin hoàng thượng hãy phá lệ
cũ, tạm hoãn cuộc ban yến ở Quỳnh Lâm, đợi lúc nào em thần quay về. Thần đâu dám thay đổi thứ tự khoa danh.
Huyền Tông chuẩn tấu, cho ngừng cuộc ban yến, lệnh cho Cao Lực Sĩ, tập hợp nha dịch, kéo về phường Tập Khánh, lùng khắp các ngõ phố,
tìm trạng nguyên Tần Quốc Trinh, hạn trong ngày phải tìm cho ra về trình lại hoàng thượng.
Việc kỳ lạ này, vang động kinh thành, sớm có người thưa đến
tai phu nhân. Phu nhân xem đó như một tin mới lạ, thuật lại cho Quốc
Trinh nghe:
- Công tử có biết ở bên ngoài hiện không thấy tân trạng
nguyên, triều đình phải sai thái giám Cao Lực Sĩ đi khắp kinh thành tìm
cho ra. Thật là chuyện buồn cười.
Quốc Trinh vội hỏi:
- Tân khoa trạng nguyên là ai?
Phu nhân đáp:
- Cũng là người đứng đầu bảng thi hội, Tần Quốc Trinh, quê ở Tế Châu, trú quán Trường An, dòng dõi Tần Thúc Bảo.
- Trạng nguyên không thấy, việc ban yến ở Quỳnh Lâm sẽ ra sao?
Phu nhân đáp:
- Nghe nói triều đình định đưa người đậu đầu bảng hai là Tần
Quốc Mô lên thay trạng nguyên. Nhưng Quốc Mô từ chối, tâu xin hoãn cuộc
ban yến Quỳnh Lâm, đợi tìm thấy trạng nguyên, sẽ xin vâng mệnh dự yến?
Quốc Trinh nghe xong, vội cúi lạy phu nhân mà rằng:
- Quý phu nhân, xin cứu tiểu sinh với.
Phu nhân nâng dậy hỏi:
- Có chuyện gì?
Quốc Trinh đáp:
- Thực không dám giấu nữa, hôm trước mới gặp không dám nói rõ họ tên, tiểu sinh thực là Tần Quốc Trinh vậy!
Phu nhân nghe xong, ngẩn người một lúc lâu, nhìn Quốc Trinh mà rằng:
- Nay công tử đã là quan trạng rồi, triều đình hiện đang tìm
gấp. Thiếp cũng chẳng dám lưu giữ nữa, đành phải cùng quan trạng từ biệt thôi, thật còn khổ sở nào hơn!
Vừa nói, nước mắt lặng lẽ hoen đầy hai má đào. Quốc Trinh cũng cảm động không giấu dược:
- Tiểu sinh cùng phu nhân ân ái chừng ấy, may ra có dịp gặp
lại cũng chẳng nên phiền não làm gì. Nhưng nay thánh thượng sai Cao thái giám tìm tiểu sinh, chuyện thành to, chẳng may trên có cật vấn, thì làm thế nào bây giờ?
Phu nhân nghĩ ngợi một hồi:
- Không can chi, thiếp đã có cách đây rồi!
Liền gọi ngay hầu gái cầm ra một bức tranh, giở ra cho Quốc
Trinh xem, phía trên là những đám mây ngũ sắc bồng bềnh, phía dưới là
lầu gác vườn hoa, đình tạ, lại có cả một mỹ nhân đang dựa lan can ngắm
hoa, Phu nhân chỉ bức họa mà rằng:
- Quan trạng tới trước mặt rồng, chỉ cần tâu rằng gặp một bà
già nói: "Phụng mệnh tiên nữ triệu công tử". Rồi dẫn tới thấy cảnh như
thế này, người đẹp như thế này, khắp nơi, khắp chốn, từ nhà lầu cho đến
đồ dùng nhỏ nhặt hàng ngày đều thật đẹp đẽ khác thường, bị giữ luôn mấy
ngày không dám xưng họ tên thật cũng chẳng hỏi được lai lịch người đẹp.
Mãi đến hôm nay được thả cho về, nhưng cũng bị họ lấy khăn bịt kín đầu,
sai người dắt ra nên cũng chẳng biết đường lối nhà cửa ra vào làm sao.
Quan trạng cứ thế mà tâu, nhất định sẽ chẳng tội tình gì cả.
Quốc Trinh hỏi:
- Cảnh này là ở đâu, người đẹp trong tranh là ai, tại sao nói rằng gặp họ thì vô sự được?
Phu nhân đáp:
- Không cần nói nhiều, quan trạng hãy nhìn cho kỹ, nhớ cho đủ
rồi cứ như lời thiếp mà tâu, thiếp sẽ dặn dò cho vàng ngọc bọn nội thị,
chúng sẽ ở ngay trong triều chu toàn cho. Đáng ra phải bày yến tiệc lớn
để tiễn quan trạng, nhưng kỳ hạn tìm đã hết, hôm nay là ngày thứ hai
rồi, không thể để lỡ. Chỉ xin được dâng ba chén rượu vậy!
Liền lấy chén vàng, rót rượu đưa mời. Lệ ngọc nhỏ cả vào chén
rượu, Quốc Trinh cũng nghẹn ngào rơi nước mắt. Cả hai cùng uống hết bầu
rượu. Quốc Trinh cất tiếng:
- Quý phu nhân, tiểu sinh nay dã đem họ tên thật nói rõ cùng
quý phu nhân rồi, quý phu nhân cũng hãy nói cho tiểu sinh biết họ tên
thật đi nào! Để rồi tiểu sinh còn biết mà ngày ngày tụng niệm.
Phu nhân đáp:
- Chồng thiếp cũng là bậc tôn quý trong triều, thiếp không
tiện nói. Quan trạng nếu không quên được những ngày ân ái, hãy lo đến
chuyện gặp gỡ sau này thì hơn.
Cả hai lưu luyến không rời. Phu nhân thân tiễn Quốc Trinh ra
cửa, không phải đường ngõ lúc vào mà là quanh co hơn, rồi cũng theo một
cổng nhỏ mà ra phố.
Vị phu nhân này là ai thế? Nguyên là mang họ kép: Đạt Hề, tên
tự Doanh Doanh, cũng là phu nhân của một quý quan trong triều. Vị quý
quan này đã già, không có con, nên mới sai người ra bên ngoài rồi cho
Doanh Doanh riêng ở một nơi, cố tìm lấy một cách để có người nối dõi
dòng giống.
Chính là:
Những mong kiếm được con nòi
Được ngày tân trạng dạo chơi vườn nhà.
Chính lúc Quốc Trinh ra cửa, cũng đã chập choạng tối, bước thấp, bước cao, trên đường dân phố tụm năm tụm ba, trao đổi chuyện trò. Có
người nói:
- Tại sao có mỗi một ông trạng tân khoa, mà tìm mãi không ra, đã hai ngày nay rồi, chứ ít ỏi gì nữa dâu!
Người khác tiếp:
- Triều đình sai Cao thái giám, khắp nội ngoại thành, chùa
chiền, quán trọ, cho đến các tiệm trà, nhà kỹ nữ, khắp nơi tra xét,
chẳng khác nào lùng giặc cướp vậy.
Quốc Trinh nghe ra, lặng lẽ cười. Lại qua một phố, một đội cầm côn sơn đỏ, có đến hai ba chục quân lính cỡi ngựa theo sau một vị thái
giám, rầm rập kéo đi. Quốc Trinh hoảng hốt, tránh không kịp, đâm sầm
ngay vào toán lính đi đầu, bọn này quát tháo om sòm, còn định giơ côn
đánh. Quốc Trinh vội kêu:
- Ối? Ối! Đừng đánh!
Lại thêm ngay bên cạnh một ngõ hẻm, cũng có người kêu giùm:
- Không nên đánh! Không nên đánh!
Ngõ hẹp, tường cao, tiếng kêu như phát ra từ núi sâu thẳm.
Viên thái giám cưỡi ngựa, chính là Cao Lực Sĩ, vâng mệnh đi tìm tân
trạng, Cao thái giám một mặt thân đi tìm khắp nơi, mặt khác sai tiểu
đồng nhà họ Tần theo với bọn công sai cùng nhau rải khắp chốn. Bọn họ
Tần, nhìn xa đã nhận ra chủ nhân, vội la tướng lên để cứu, khi thấy Quốc Trinh sắp bị bọn lính đánh, bọn tiểu đồng chạy như bay, hét lớn:
- Quan trạng nhà ta đây rồi!
Mọi người nghe nói, vây kín ngay lại. Cao Lực Sĩ xuống ngựa chào hỏi:
- Không biết là quan tân khoa trạng nguyên, nên lỡ xúc phạm.
Cao thường thị này không chỗ nào là không tìm. Mấy ngày hôm nay tân khoa trạng nguyên ở đâu?
Quốc Trinh đáp:
- Nói ra thật kỳ quái! Không biết có phải là gặp thần thánh
không mà bị giữ lại, mãi đến hôm nay mới được tha về, làm phiền quan
thái giám khó nhọc, thật đáng tội. Nay phải vào triều ngay ra mắt chúa
thượng, xin quan thái giám chỉ đường vạch lối cho.
Cao Lực Sĩ đáp:
- Hiện nay chúa thượng đang ngự ở Hoa Ngạc lâu, hãy tới đó ngay.
Rồi cưỡi ngựa cùng đi. Đến trước lầu, Lực Sĩ vào trước tâu trình.
Huyền Tông liền lệnh cho Quốc Trinh đến trước lầu làm lễ rồi hỏi:
- Khanh mấy ngày nay ở đâu?
Quốc Trinh cứ nghe lời Doanh Doanh mà tâu lên. Huyền Tông nghe thế, khẽ cười mà rằng:
- Cứ như lời khanh, thì đúng là khanh gặp tiên rồi, không phải hỏi kỹ làm gì nữa.
Tại sao Huyền Tông lại không muốn hỏi kỹ, vốn là Dương Quý Phi còn ba chị em, đều nổi tiếng tài sắc, vì Huyền Tông vô cùng sủng ái Quý Phi, nên cả chị em đều được đặc ân, đều được vinh phong, được gọi là
"Di". Dì lớn được phong Hàn Quốc phu nhân, dì thứ ba được phong Quắc
Quốc phu nhân, dì thứ tám phong Tần Quốc phu nhân. Các dì mỗi lần được
Quý Phi triệu vào cung, cũng đều cùng Huyền Tông đùa nghịch đủ trò,
chẳng trừ một chuyện gì.
Trong số đó, Quắc Quốc phu nhân, phong lưu, phóng đảng hơn cả vì vậy Huyền Tông cũng thường hay bỡn cợt hơn cả, phàm ở trong cung có
thức ăn, đồ dùng gì đặc biệt, đều được vua sai ban cho, lại được đặc ân
xây dinh ngay ở phường Tập Khánh, phu nhân đa tình, thường dụ dỗ bọn
thiếu niên con nhà tới dinh thự cùng nhau vui chơi, hưởng lạc, điều này
Huyền Tông biết, nhưng chẳng muốn câu thúc phu nhân quá đáng. Mẹ đẻ của
Doanh Doanh đã từng ở trong phủ Quắc Quốc phu nhân, làm bảo mẫu thêu
thùa kim chỉ, nên biết rõ những chuyện này. Bức họa kia, chính là vật
của Quắc Quốc phủ, người mẹ ngẫu nhiên cầm về cho con gái bày biện, mỹ
nhân trong tranh chính là Quắc Quốc phu nhân. Cho nên khi Quốc Trinh
theo lời tâu trình, Huyền Tông nghi ngay là chuyện do Quắc Quốc phu nhân làm nên chẳng tiện hỏi kỹ. Nào ngờ lại là diệu kế của Doanh Doanh để
khỏi bị tra vấn.
Chính là:
Bác Trương uống rượu, bác Lý sai điên
Chú Ba đẻ mà chú Năm nhận phần.
Huyền Tông liền truyền chỉ: Trạng nguyên Tần Quốc Trinh đã về tới ngay dự yến Quỳnh Lâm. Quốc Trinh tâu:
- Hôm vừa rồi, đội ơn thánh thượng đưa anh thần Quốc Mô làm
trạng nguyên, anh thần chối từ không nhận. Nay xin thánh ân hãy định lại việc này, tiểu thần quả không dám là em lại đứng trước anh vậy
Huyền Tông phán:
- Anh em đều khiêm nhường, thật đáng tuyên dương!
Truyền lệnh ban trạng nguyên cập đệ cho cả hai, anh em Quốc
Trinh tạ ơn. Nội thị liền sắp sẵn hai áo bào, hai đóa hoa vàng, đem đến
Quỳnh Lâm, ban cho hai anh em họ Tần, thật chẳng còn vinh diệu nào bằng.
Trời đã tối, khắp yến tiệc đèn nến thắp lên, treo lên, các vị
tân khoa tiến sĩ cùng quan trường mới ngồi vào tiệc. Sau đó cùng vào ngự uyển thưởng hoa, khoa này cũng là xem đèn nữa. Đợi đến trước cửa ngọc
điện, đọc rõ bảng vàng, ai nấy mới kinh ngạc, một khoa mà có hai trạng
nguyên, thật là một sự lạ, chẳng thấy xưa nay!
Ngày hôm sau, hai trạng nguyên dẫn các tân khoa tiến sĩ vào
triều tạ ơn. Được thánh chỉ ban ra: Tần Quốc Mô, Tần Quốc Trinh đều được làm Hàn lâm thừa chỉ, còn những người khác cứ theo lệ mà nhận chức.
Chuyện không nói nữa.
° ° °
Lại nói chuyện trong cung bày yến tiệc thưởng hoa
Dương Quý Phi triệu Quắc quốc phu nhân cùng dự. Minh Hoàng thấy Quắc
quấc phu nhân, nghĩ ngay tới lời tâu của Quấc Trinh, nhân lúc Quý Phi
đứng dậy vào trong thay áo, mới cười hỏi phu nhân:
- Dì ba cớ sao dám giấu thiêu niên vào trong nhà?
Nào ngờ quắc quốc phu nhân mấy hôm nay cũng được giữ rịt con
trai quan Thiên ngự vệ ngay trong dinh mình, nghe Minh Hoàng nói như
thế, nghĩ ngay rằng vua biết chuyện này, bèn cúi đầu, tay miết dải áo,
khẽ chớp làn mi, tủm tỉm cười mà thưa:
- Cũng là chuyện nữ nhi thường tình, không thể tự trói buộc, cúi xin thánh thượng rộng ơn đừng hỏi kỹ.
Huyền Tông lấy ngón tay dí vào trán mà đùa:
- Hãy bỏ qua cho lần này!
Nói xong, cùng nhìn nhau mà cười.
Chính là:
Các dì phóng túng
Anh dượng cũng chìu
Tất cả cùng liều
Nam Kha một giấc.
--------------------------------
1Thất tinh: bảy ngôi sao, chỉ bảy ngôi của chòm bắc đẩu, xếp thành hình chiếc ghế dựa, còn gọi là chòm Đại hùng.
2Tức năm 743 sau công nguyên. Việt Nam đang thuộc Đường, Bắc thuộc lần thứ ba.
3Trừ quân: chuẩn bị lên ngôi vua, hoàng tử.
4Trưởng Canh: tức sao Kim, ngôi sao gần quả đất nhất của hệ mặt trời, nên ánh
sáng rất rõ. Còn gọi là Thái Bạch, Kim Tinh, Minh Tinh, Khai Minh (Từ
Hải).
5Lý Trích Tiên: Ông tiên bị đày xuống trần họ Lý.
6Huyền tôn: cháu sáu đời của Thúc Bảo, bảy đời của Tần thái thái, vậy hai
người này là cháu nội của cặp sinh đôi nói ở hồi bảy mươi tư.
7Cho "Tần" bớt nét thành chữ "Dư", chữ "Trinh" là gốc là cột, chia đôi thành chữ "mộc" và chữ "trinh" đồng âm, mang nghĩa chung thủy trinh tiết.
8Đệ nhất giáp: gồm trạng nguyên, bâng nhãn, thám hoa. Đệ nhị giáp là những
tiến sĩ còn lại. Số một của đệ nhị giáp tiến sĩ, ở Việt Nam còn gọi là
hoàng giáp.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT