Thời Xuân Thu, có chuyện Biện Trang một lúc đâm được hai con
hổ, Biện làm thế nào mà giết được cả hai. Thì ra là hai hổ đang đánh
nhau, con nhỏ chết, con lớn bị thương, con chết thì cần gì phải phí sức
nữa, chỉ còn phải đâm một nhát vào con bị thương. Mà nó đã bị thương thì cũng cần gì phải nhiều sức cho cam, đúng mới là "nhất cử lưỡng đắc"
vậy?
° ° °
Nói chuyện Vương Thế Sung, đem tất cả các nơi hiểm
yếu phó thác cho anh em, con cháu trong nhà, để đến nỗi Tần Vương đụng
vào thì đông phá tây vong. Thế Sung ngồi ở Lạc Dương, chẳng biết cậy ai, chỉ đành đem vàng ngọc, châu báu, sai Trưởng Tôn Thế An đi cầu viện Hạ
Vương Đậu Kiến Đức, khiến cho Tần Vương bỗng được rơi vào cảnh "dĩ dật
đãi lao, phản khách tác chủ".
Từ Mậu Công sợ Vương Bộ cùng La Sĩ Tín không làm được việc, nên
lãnh quân bản bộ đến ngay Thiên Kim Bảo, nào ngờ Sĩ Tín đã dùng kế phá
xong thành. Vào được thành, quân dân, bất kể già trẻ, đều giết sạch
không còn một ai. Mậu Công vì thế xót xa mãi không thôi. Vương Bộ cũng
đã tới được Hổ Lao, đem một nghìn tinh binh, giả làm quân nhà Trịnh,
đang đêm lừa cho mở thành, rồi trói ngay được Vương Hằng Bản đang còn
ngủ, chiếm được thành.
Mậu Công vui mừng, nói với Vương Bộ:
- Đất này tuy đã yên, nhưng Thế Sung đã sai Đại Vương Uyển,
Trưởng Tôn Thế An đi cứu viện Kiến Đức, chẳng biết Kiến Đức bằng lòng
phát binh nhiều ít. Ta hãy đem công lao của hai hiền huynh, báo cho Tần
Vương biết, xem Tần Vương định liệu ra sao.
Trưởng Tôn Thế An vâng mệnh Thế Sung, mang theo rất nhiều của
báu, tìm đến Lạc Thọ, trước tiên đem ngay biếu các tướng. Tướng nào cũng nhận quà, duy chỉ Tế tửu Lăng Kính là không chịu nhận, đại tướng Tào
Đán cũng sai người đem trả lại lễ vật. Ngày hôm sau, Thế An vào gặp Hạ
Vương sớm, đưa trình văn thư cùng lễ vật, Hạ Vương phán:
- Lân bang xin cứu viện, lẽ nên vâng mệnh, nhưng chỉ ngại lâu
nay cô với nhà Đường vẫn đi lại tốt đẹp, chẳng có cớ gì để khởi binh?
Phương chi, cô lại vừa phá Mạnh Hải Công thắng trận trở về chưa được bao lâu, cũng thật chưa nên làm khó nhọc quân sĩ, xáo động dân tình!
Thế An thưa:
- Trịnh với Hạ thật là như môi với răng. Môi hở răng lạnh, là
lẽ tất nhiên. Nay Hạ không cứu Trịnh, Trịnh tất diệt. Trịnh mà mất thì
sợ rằng Hạ cũng mất theo.
Hạ Vương phán:
- Túc hạ hãy lui, để cô cùng trăm quan bàn kỹ xem sao.
Thế An tạm ra khỏi triều. Hạ Vương cùng công khanh bàn bạc.
Các tướng đều đã được vàng bạc của Thế Sung, liền tìm lời phỉnh nịnh:
- Nhà Tùy mất nước, thiên hạ nát tan. Quan Trung thuộc về nhà
Đường, Hà Nam về nhà Trịnh, Hà Bắc thuộc nhà Hạ, chân vạc thế là thành
rồi. Nay Đường phạt Trịnh, đất nhà Trịnh đã bị quân nhà Đường chiếm đến
hai ba phần mười rồi, nay lực Trịnh không đủ, tất bị Đường diệt. Trịnh
đã mất đi, Đường chỉ còn đối địch với Hạ, Hạ cũng khó mà một mình địch
nổi Đường. Chi bằng nay nên phát binh cứu Trịnh, nội ngoại giáp công,
thì có thể thắng. Nếu thắng Đường, uy danh thuộc về Hạ, thừa thế mà lo
chuyện lấy cả Trịnh nữa, hợp cả hai đạo quân, thừa sức để đánh được quân Đường đã mệt mỏi, Quan Trung lấy được, thì việc bình thiên hạ có thể
xong!
Chỉ có mấy câu, khiến cho Kiến Đức cũng vỗ tay mà khoái ý:
- Chư khanh nghị luận thật là tuyệt diệu, nhưng chỉ sợ cô lực không thể làm nổi vậy!
Lăng Kính thưa:
- Lời của chư tướng, sợ có chỗ không xong. Nay quân nhà Đường
vây kín Đông Đô, còn đại tướng thì đóng ngay ở Hổ Lao quan, phát bao
nhiêu binh để đối phó cho vừa. Chi bằng nên kéo đại binh qua sông, lấy
đất Hoài Châu, Hà Dương, đem nhiều binh tướng mà giữ lấy. Sau đó gióng
trống khua chiêng, vượt qua Thái Hằng vào Thượng Đẳng, truyền hịch cho
các châu quận, tiến vào Hổ Khẩu, làm kinh động Bộ Tân, thì lấy được đất
Hà Đông dễ như nhặt hạt cải, đó chính là thượng sách. Làm như thế có ba
điều lợi: Quân nhà Đường đều đương ở Lạc Dương, trong nước trống không,
nên có đem binh đánh thì tha hồ mà yên ổn, điều lợi thứ nhất. Cướp đất
được, giành dân được mà mất ít tâm lực, điều lợi thứ hai. Tần Vương biết quân ta vào xâm chiếm đất nhà Đường tất phải dẫn quân về cứu, Trịnh
được giải vây, điều lợi thứ ba. Mất cơ hội này, nghi hoặc không quyết,
thì đúng như câu ngạn ngữ: "Trời cho mà không lấy, ngược lại phải chịu
tội. Xin chúa công xem xét minh bạch.
Các tướng thưa:
- Tự xưa tới nay, cứu binh như cứu hỏa, nếu cứ như lời Tế tửu
Lăng Kính, mà đi vòng vèo như thế, ngày dài đợi lâu, chuyện nước Trịnh
là chuyện cấp thiết, lúc nào mới được giải cứu? Vạn nhất bị quân nhà
Đường đánh bại, Vương Thế Sung bị giải về Trường An, thì thật là "thần
vong xỉ hàn". Lúc ấy ai cũng chê chúa công là thất tín với thiên hạ vậy.
Kiến Đức cũng không nói gì, bỏ vào hậu cung. Tào Hậu từ sau bình phong ra đón, hỏi:
- Vừa rồi trong triều bàn bạc ra sao?
Kiến Đức đem mọi chuyện kể một lượt. Tào Hậu nói:
- Trăm quan bàn đều không phải. Chỉ có kế của Lăng Tế tửu là hay hơn cả, bệ hạ nên nghe theo.
Kiến Đức phán:
- Đó là những lời vu khoát!
Tào Hậu cãi:
- Từ Lạc Khẩu lặng lẽ kéo binh dần mà lên, lấy mạn Bắc, nhân
đó chiêu dụ được Đột Quyết, tập kích vào Quan Trung, quân Đường tất phải quay về, quân Trịnh không phải cứu mà vẫn được giải vây, đâu phải là
chuyện vu khoát?
Kiến Đức vẫn đáp:
- Cô đã có chủ ý, quốc mẫu không phải lo lắng.
Sáng ra chầu sớm, Trường Tôn Thế An lại vào kêu xin. Hạ Vương
liền sai Tào Đán làm tiên phong, Lưu Hắc Thát làm Hành quân tổng quản,
Hạ Vương cùng với Tôn An Tổ làm hậu đội dẫn mười lăm vạn binh mã, theo
Hổ Lao quan mà tiến. Công chúa Dũng An, từ đêm thấy được thư La Thành,
quá thương cảm đến nỗi sinh ốm, thì cùng với Tào Hậu, Lăng Kính, ở lại
trông coi quốc gia.
Sớm hôm sau dã có tin báo cho Tần Vương, các tướng sợ chuyện
trước ngực, sau lưng đều có giặc, lấy làm lo lắng, chỉ riêng Tần Vương
thì mừng. Lý Tĩnh cười:
- Không ngờ lần này bệ hạ xuất sư, một mũi tên mà bắn được hai chim cắt.
Ký thất Quách Hiếu Khắc thưa:
- Lạc Dương bị phá tan, chỉ ngay trước mắt. Kiến Đức không
lường được, từ xa đến cứu, đó thật là trời xui cho bệ hạ diệt dược cả
hai nước. Cơ hội này thực không nên dễ mất.
Tiết Thu nói:
- Thế Sung đang lúc nguy cấp, tướng sĩ lại đều ở vùng Giang
Hoài, tuy quen chiến trận, nhưng lương thực lại không đủ, nên cố mà giữ
thành, bó tay chờ chết. Nếu Kiến Đức tái hợp lực, lại đem theo cả lương
thực chi viện cho Thế Sung, thì thế giặc quả có mạnh hơn. Không nên coi
thường!
Lý Tĩnh bàn:
- Nay tốt hơn cả là nên chia binh ra vây chặt Lạc Dương. Điện
hạ lĩnh quân tinh nhuệ, chiếm ngay lấy Thành Cao, nuôi giữ lấy nhuệ khí, "dĩ dật đãi lao", xuất kỳ kế một lần mà có thể bắt được Kiến Đức. Kiến
Đức đã bị phá rồi, uy danh của nhà Đường càng lừng lẫy. Thế Sung nghe
ra, thì chằng cần phải đánh cũng phải tự trói mình mà xin hàng dưới
trướng điện hạ.
Tần Vương cả mừng mà rằng:
- Lời khanh nói thật là vừa lòng ta, nhưng đất vùng này từng từng, lớp lớp, nhờ khanh hãy trù tính cẩn thận cho một phen.
Lý Tĩnh thưa:
- Không phải cần đến điện hạ lo nghĩ. Cái kết cục của Kiến Đức đều đã được định đoạt bởi uy lực của chúa thượng, còn Thế Sung thì sẽ
không khỏi bị bắt vậy!
Tần Vương yên lòng, đem theo Thúc Bảo cùng Uất Trì Kính Đức,
còn các tướng khác đều đóng ở Lạc Dương. Tần Vương dẫn theo năm nghìn
quân Huyền Giáp binh, kéo thẳng tới Hổ Lao, cùng với Mậu Công, các tướng gặp gỡ. Mậu Công thưa:
- Thần biết thế nào điện hạ cũng tới, nên cùng hai tướng đến đây quân giặc sẽ phá trong sớm tối.
Tần Vương đáp:
- Nghe nói Hạ Vương kéo mười vạn quân đến, không hiểu thật hư ra sao?
Mậu Công thưa:
- Chẳng cần phải biết chúng binh tướng bao nhiêu. Thần đêm nay chỉ cần khoảng ba nghìn người sẽ làm cho chúng khiếp đảm kinh hồn.
Mậu Công rút một cây lệnh tiễn, giao cho La Sĩ Tín và dặn:
- Tướng quân hãy cùng phó tướng Cao Táng Sinh lĩnh một ngàn
quân, lên đường ngay, lẻn vào phía nam núi Thước Sơn mai phục. Đây là
một cái thiếp, tướng quân hãy cầm lấy, cứ theo như trong thiếp mà làm.
Lại cũng đưa một lệnh tiễn, một cái thiếp cho Thúc Bảo cùng phó tướng Lương Kiến Phương và dặn:
- Phiền nhị vị tướng quân dẫn một ngàn quân, đến một núi đất,
phía đông bắc sông Dĩ Thủy mai phục, hãy nhanh chóng xếp đặt, cứ theo
cách ghi trong thiếp mà làm, rồi về dâng công!
Thúc Bảo, Kiến Phương lập tức dẫn quân đi. Mậu Công lại lấy
một lệnh tiễn một lá thiếp nữa, nói với Uất Trì Cung cùng phó tướng Bạch Sĩ Nhượng:
- Nhị vị tướng quân hãy kéo quân tới góc phía tây Hổ Lao, cũng theo trong thiếp dặn mà làm. Nếu đánh đến Thước Sơn mà gặp Sĩ Tín;
không bàn thắng bại, cứ lập tức quay ra.
Uất Trì Cung, Sĩ Nhượng lĩnh mệnh mà đi.
Sĩ Tín cùng Táng Sinh về trại, mở thiếp ra xem thấy ghi rõ mỗi binh sĩ phải có sẵn một cây đèn, cổ ngựa phải buộc thật nhiều lục lạc
đồng, hễ thấy trong quân nổ hai phát pháo lệnh, thì phải đem hỏa thương
quay về bản trận.
Thúc Bảo cùng với Kiến Phương về trại, cũng mở thiếp ra xem, thì thấy viết: mỗi binh sĩ phải có một quả hỏa cầu, một cái thanh la nhỏ,
hễ nghe ba phát pháo lớn nổ, lập tức xông ra, cùng với hỏa thương, đèn
sáng, cứ thế mà chém giết.
Mậu Công sai quân sĩ, ngay ở Nam Sơn làm một giàn trúc cao, lệnh Vũ Văn Sĩ Cập cùng với hai nghìn quân Huyền giáp coi giữ.
° ° °
Lại nói tướng tiên phong của Hạ Vương là Tào Đán đến
Hổ Lao, đóng trại cách đó khoảng hai mươi dặm, mỗi ngày đều tới trại
quân Đường khiêu chiến, nhưng chẳng thấy ai ra, thì nghĩ rằng nhà Đường
biết Hạ Vương kéo đại quân tới, nên không dám ra. Cũng có ý phòng chuyện cướp trại, nhưng thật ra quân sĩ đều vừa lười nhác vừa coi thường quân
Đường. Đêm hôm ấy, cởi giáp trụ ngủ yên, bỗng nghe một tiếng pháo lớn,
tiếng hò hét rấm trời, Tào Đán vội chạy lên ngựa ra khỏi trại, đã thấy
vô số hỏa thương, dẫn đầu là một tướng vừa cao vừa đen. Tào Đán xông lại giơ thương đâm, viên tướng nhà Đường giơ cao roi, quất ngay vào giữa
ngực: Tào Đán vội nghiêng mình tránh, lại bị hỏa thương bắn vào ngay
giữa mặt, cháy trụi cả tóc râu. vội lủi chạy vào trong đám quân lính.
Kiến Đức dẫn một nghìn lính, đông xung tây đột, chẳng ai dám
ngăn cản, đánh thẳng đến Thước Sơn, thì nghe tiếng pháo lớn thứ hai, Sĩ
Tín ngồi trên mình ngựa, khắp nơi là đèn đỏ lấp lánh, lục lạc vang tai,
chẳng khác gì thiên binh vạn mã kéo tới. Thấy vậy tướng nhà Hạ là Cao
Nhã Hiền, dẫn người ngựa ra tiếp ứng, nhưng không đỡ nổi cây thương của
Sĩ Tín, khác nào như rồng ra khỏi huyệt, gặp đâu giết đấy, cứ như xông
vào chốn không người. Nhã Hiền bèn nói với Hắc Thát:
- Đại huynh nhìn trên núi Nam Sơn, có đèn hồng, nhất định là
ám hiệu của quân Đường, tiểu đệ cùng đại huynh hãy bắn rơi đèn này, thì
binh mã của chúng tất sẽ tán loạn cả.
Nói xong, cả hai liền ruổi ngựa lên trước. Hắc Thát giương cung, bắn một phát tên đi, đèn đỏ rơi xuống, lại thấy một đèn khác kéo lên,
Nhã Hiền đang định bắn một phát nữa thì nghe một tiếng pháo lớn thứ ba,
rồi vô số hỏa cầu từ trên không ném xuống, một viên đại tướng xông ra,
miệng thét lớn:
- Tần Thúc Bảo đây! Lũ giặc chúng mày hãy xem đôi giản của ta!
Nhã Hiền vội đón đánh, bị Thúc Bảo đánh gãy thương, ngã xuống
ngựa, Kiến Phương đang định xông tới đâm chết, may được Hắc Thát cứu
thoát, bèn rút chạy. Thúc Bảo cùng Uất Trì Cung, Sĩ Tín hợp cả ba cánh
quân chẳng khác gì có tới hàng vạn người ngựa, tả xung hữu đột, hoa rơi
nước chảy. Đang giữa lúc hăng hái, quân Đường đã nghe tiếng chiêng thu
quân, cả bọn quay ngựa về trại.
Tần Vương cùng Mậu Công bày tiệc rượu ăn mừng, chờ sẵn Thúc
Bảo, Uất Trì Cung cùng các tướng về trại kiểm điểm người ngựa, ba nghìn
cả thảy mà không hề tổn thương lấy một. Tần Vương đem dê, rượu, cùng
ngân bài thưởng cho tướng sĩ. Mậu Công nói:
- Lần ra tay đêm nay, chẳng qua là để bắn tin cho chúng biết,
quân tướng nhà Đại Đường lợi hại ra sao. Rồi chỉ cần một trận ngày mai,
các tướng cùng quân sĩ cố gắng thêm chút nữa, thành bại mới quyết được.
Tần Vương còn lo cả ở Lạc Dương, nên cũng muốn thư hùng một trận quyết chiến.
° ° °
Lại nói Kiến Đức, nhân trận đêm qua, người ngựa bị
quân Đường quấy đảo một phen, nên canh tư hôm đó, truyền lệnh cho quân
sĩ ăn uống, đem quân Hắc Thát làm tiền đội, Tào Đán làm trung doanh, từ
Bản Chữ đến Ngưu Khẩn Cốc chia binh đóng giữ, phía Bắc thì đến tận sông, phía Nam kéo tới Thước Sơn, dài đến hơn hai mươi dặm. Kiến Đức vẫn thấy binh lính lội qua Dĩ Thủy. Quân Tần Vương thấy binh tướng Hạ Vương oai
hùng, trong lòng cũng có khiếp sợ. Nhưng Tần Vương thì không nao núng,
cùng với Mậu Công, trèo lên một gò cao, dừng ngựa trông xuống. Mậu Công
thưa:
- Bọn giặc này từ Sơn Đông kéo quân xuống, chẳng qua mới chạm
trán với lũ giặc cướp vài trận mà chưa từng gặp đối phương ra trò, nay
kết thành trận lớn, nhưng đội ngũ không chỉnh, kỷ luật không nghiêm,
thành ra cũng dễ phá.
Lại thấy cả Đại Vương Uyển, cũng đem theo người ngựa tùy tòng, đứng ở sau trận giám chiến. Uyển đội mũ kim quan, cẩm bào khoác người,
bên ngoài áo giáp vàng, cưỡi ngựa thanh tông, vốn là của nước Đại Uyển
xưa dâng cho Tùy Dượng Đế, phía sau là cờ bay phơ phất. Tần Vương khen:
- Viên tiểu tướng này cưỡi con ngựa đẹp quá?
Uất Trì Cung đứng lên bèn nói:
- Điện hạ nói là ngựa đẹp hay sao. Hãy đợi tiểu tướng lấy về.
Tần Vương vội can:
- Không nên! Không nên?
Uất Trì Cung đáp:
- Không hề gì đâu!
Uất Trì Cung hai chân thúc ngựa, phi thẳng đến trận quân Hạ,
hai tướng đứng bên là Táng Sinh cùng Nghĩa Phương, sợ Uất Trì Cung có sơ hở gì chăng, cũng ruổi ngựa đuổi theo. Uyển đang cầm dây cương, quan
sát trận chiến, bỗng nghe như tiếng sét bên tai:
- Chạy đi đâu?
Rồi chẳng khác gì con gà nhép, bị Uất Trì Cung túm lấy ngựa,
không chạy nổi. Uất Trì Cung giằng ngay dây cương, Táng Sinh cũng vừa
tới kịp, kéo lấy ngựa cùng về bản trận. Trong trận quân Hạ, thấy tướng
nhà Đường, ngay phía hậu quân, cướp cả người ngựa của Uyển đi đều gào
thét kinh hoàng, chẳng còn lòng nào muốn đánh nhau, hoảng hốt rút chạy.
Mậu Công liền lớn tiếng:
- Lúc này không thừa thế xông lên giết giặc, còn đợi lúc nào nữa!
Rồi tự mình cầm dùi đánh trống lớn, các tướng Bạch Sĩ Nhượng,
Dương Vũ Uy, Vương Bộ, Đào Vũ Khâm, cùng tất cả binh lính tinh nhuệ nhất tề xông lên. Tần Vương dẫn lính khinh kỵ, cùng Uất Trì Cung, Thúc Bảo,
Sĩ Tín, lội qua Dĩ Thủy, đánh vào hậu quân nhà Hạ, giương cao cờ Đại
Đường, trước sau cùng giáp công. Quân sĩ nhà Hạ hoảng sợ, đành vừa đỡ
vừa lui. Quân nhà Đường đuổi đến hơn ba mươi dặm, chém đến hơn một vạn
thủ cấp, Kiến Đức chạy dài, vội vứt áo mũ vương vị, cải trang làm một
viên tướng, vừa đỡ che vừa rút, không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện
đánh chác, thì gặp ngay vợ chồng Sài Tự Xương, dẫn một đội "Nữ tử quân", dũng mãnh khôn đương. Kiến Đức đang chống đỡ, bị ngay một thương, vội
tìm người cứu nhưng quân sĩ trong lúc hỗn loạn, mạnh ai nấy chạy, ai
cũng còn lo chống đỡ cho mình không xong, nên riêng mình Kiến Đức chống
trả chẳng nổi, lại thêm một vết thương nữa, may mà chưa nguy đến tính
mạng.
Bỗng thấy cửa hang Ngưu Khẩu, vi lau rậm rạp, có thể lẩn trốn,
liền kéo ngựa lại tìm một cái hang, bọn "Nữ tử quân" cũng không kịp nhận ra, cứ thế xông lên phía trước. Không ngờ áo giáp vàng trên lưng Kiến
Đức, chiếu ánh sáng loáng, làm quân nhà Đường trông thấy, biết ngay có
tướng nhà Hạ trốn ở trong. Bạch Sĩ Nhượng, Dương Vũ Uy cưỡi ngựa xông
vào, cầm giáo dài cứ đám lau lách mà gạt tìm kiếm, Kiến Đức nằm bên
trong dẫu có muốn chống cự thì người đầy thương tích, cũng chẳng chống
nổi, nếu cứ nằm yên, lại sợ giáo đâm trúng, nên đành lớn tiếng:
- Ta là Hạ Vương đây! Tướng quân mà cứu được ta, đất Hà Bắc cùng chia, phú quý cùng hưởng.
Dương Vũ Uy đáp:
- Cần ra ngay đã. Ta sẽ cứu người!
Kiến Đức kéo ngựa bước ra, tết cả xúm lại trói nghiến, rồi dặt lên mình ngựa, vừa kịp một toán quân nữa kéo đến, áp giải về đại trại.
Lại thấy Uất Trì Cung xách về thủ cấp Hắc Thát, Vương Bộ thì xách thủ
cấp Phạm Nguyện, Sĩ Tín bắt sống được tướng Trịnh Trường Tôn Thế An, đều đến dâng công.
Đáng thương thay nhà Hạ, mấy chục vạn hùng binh, một trận sống
mái sớm tiêu vong, chỉ chạy thoát mỗi Tôn An Tổ, đem khoảng hai ba chục
kỵ binh chạy về Lạc Thọ.
Tần Vương ở đại trại, thấy tùy tướng vào thưa, đã bắt được Hạ
Vương về. Các tướng không tin, Tần Vương cũng còn ngờ vực, thì thấy
Dương Vũ Uy cùng Bạch Sĩ Nhượng áp giải Kiến Đức vào trung quân. Ai nấy
nhìn kỹ, quả đúng Hạ Vương Đậu Kiến Đức. Hạ Vương không chịu quỳ, Tần
Vương cười phán:
- Ta chinh phạt Vương Thế Sung, can gì đến ngươi vượt đường xa tới đây để mắc phải tinh binh của Đại Đường?
Kiến Đức chẳng nói gì, chỉ lẩm nhẩm vài tiếng như tỉnh, như mê :
- Nay chẳng tự đến, lại phải đi xa đem về!
Tần Vương lại cười, hỏi hai tướng Vũ, Bạch:
- Làm sao mà các ngươi lại bắt được Hạ Vương?
Sĩ Nhượng thưa:
- Gặp chỗ Sài Quận mã thống lãnh đội "Nữ tử quân" đuổi đánh
quân Hạ tới Ngưu Khẩu cố, Sài Quận mã ruổi lên phía trước, Hạ Vương chạy trốn trong đám lau sậy, bị chúng tiểu tướng bắt được. Đúng như lời dân
chúng vẫn nói: "Đậu vào mồm bò" 1. Thế quả là không thoát khỏi lời đồng dao.
Tần Vương cả cười, rồi sai giam sau trại.
Rủ áo ung dung đất Bác Hà
Không dưng thù oán nổi can qua
Khoe sức cậy tài, không người cứu
Chịu kiếp cầm tù thật xót xa.
Binh tướng Kiến Đức bị bắt, có tới hơn năm vạn, Tần Vương phán:
- Giết thì cũng đáng tiếc, chi bằng thả, mặc cho chúng quay về quê quán.
Các tướng sợ tha về lại sẽ quay ra chống trả, Mậu Công đáp:
- Đậu Kiến Đức cũng là bậc anh hùng nơi thảo trạch, có đến hai mươi vạn binh trong tay, mà tan nát đến thế, thì còn kẻ nào dám thu
thập tàn binh để đánh lại chúng ta. Thả ra chính là truyền được ân uy
của điện hạ vậy! Vùng Sơn Đông, Hà Bắc chẳng cần đánh mà cũng sẽ ra hàng cả thôi!
Các tướng đều thấy đúng. Tần Vương bèn bàn tới việc khác:
- Sài Quận mã dẫn binh tới đây, sao không thấy lại gặp gỡ, hay lại gặp dư đảng của Hạ Vương lừa đi đâu rồi?
Liền sai người đi hỏi các tướng sĩ ở tiền quân, có người nói
đã kéo đi Lạc Dương. Tần Vương không hỏi nữa, mà chỉ nói với Mậu Công:
- Ta ở lại đây, chỉnh đốn người ngựa. Khanh trước khi đi Lạc
Dương, hãy về Lạc Thọ, thu thập sổ sách của nhà Hạ, phủ dụ các quận
huyện, rồi mau chóng tới Lạc Dương hội quân.
Mậu Công lĩnh mệnh, ngày hôm sau, đem quân bản bộ lên đường.
Chưa đến một ngày, đã tới Lạc Thọ, Mậu Công giao một cây lệnh tiễn cho
Vương Bộ, sai đi hiểu dụ quân sĩ, không được sát hại một người, không
được sách nhiễu bách tính, vi phạm lập tức chém đầu.
Dân chúng trong thành Lạc Thọ, nghe tin dữ của Hạ Vương, chỉ
lo quân nhà Đường đến sẽ tàn hại dân chúng, không ngờ quân sĩ Mậu Công
phép tắc nghiêm minh, phủ dụ trăm họ, di đứng đàng hoàng, nên từ già tới trẻ, đều hân hoan vui mừng, ra đường chào đón Mậu Công vào thành, mở
cửa kho tàng, tra xét minh bạch. Lại mời mấy vị kỳ lão, khai đủ tên họ
rồi giao lương thực, quần áo, để họ cấp cho dân chúng túng đói. Năm sáu
vị kỳ lão, cúi lạy sát đất, khóc mà thưa:
- Hạ Vương trị nước vốn thương dân, tiết kiệm tiêu dùng, giữ
gìn con đỏ, ai cũng mang ơn trạch. Nay chẳng may mất nước, chúng tôi
cùng trăm họ, như mất cha mẹ, được tướng quân đến phủ dụ bách tính, tơ
hào không phạm, may mắn chẳng ngờ. Nay xin gửi lại số lương thực này, để nuôi quân sĩ. Dân Lạc Thọ dẫu chưa được hưởng những thứ này, cũng đủ
cám ơn đức của tướng quân.
Mậu Công gật đầu khen phải, rồi cứ thế niêm phong kho tàng cẩn thận. Vào trong cung của Kiến Đức, thấy ngay trước triều đường, một
viên quan mặc hồng bào, thắt cổ chết ở thượng lương phía tây, sắc mặt
vẫn như còn sống. Trên tường lại còn viết một bài tuyệt cú rằng:
Phơi gan trải mật mấy thu tròn
Công nghiệp thôi rồi bỗng vỡ tan
Xuống trước suối vàng đền nghĩa bạn
Non xanh đâu biết khóc cô hồn.
Tế tửu nhà Hạ, Lăng Kính đề
Mậu Công dọc xong, than tiếc không nguôi, gọi ngay quân sĩ,
mang quan tài khâm liệm. Đi vào nội cung, các cửa đều mở toang, rèm màn
lụa là vẫn y nguyên, ngoảnh về phía nam, một người phụ nữ đội mũ phượng, thắt cổ chết trên thượng lương, hai bên là bốn cung nữ, sắc mặt bình
thường như sống, cũng thắt cổ chết từ lúc nào.
Mậu Công biết ngay là Tào Hậu, vội sai người hạ xuống, đem
quan tài khâm liệm chu đáo. Tìm khắp hậu cung, thấy chỉ còn khoảng mười
cung nữ. Mậu Công sực nhớ: "Nghe nói Đậu Kiến Đức có một con gái, dũng
cảm khác thường, sao chẳng thấy đâu?" Hỏi tra bọn cung nữ, có kẻ đáp:
- Mấy hôm trước Tôn Tổ An về, nói rõ phụ hoàng bị bắt, ngay
tối hôm ấy công chúa cùng Hoa Mộc Lan ra đi, chẳng biết về hướng nào!
Mậu Công nói với Vương Bộ:
- Đậu Kiến Đức bên ngoài có lương thần, nội cung có hiền phụ,
cùng nhau trị nước, có thể coi là toàn thiện. Thế mà chỉ vì thiên mệnh
chẳng nên, một sớm bị bắt, đúng là mệnh, là số, người chẳng làm gì nổi
vậy?
Thuở trước ngọc tỷ truyền quốc, cùng những báu vật của nhà
Tùy, Kiến Đức phá được Vũ Văn Hóa Cập, đều đem về Hạ. Mậu Công cũng nhất nhất cất giữ cẩn thận cùng với các loại giấy tờ, sổ sách.
Mậu Công biết rõ có Tả bộc xạ Tề Thiện Hằng, danh tiếng trong
sạch, về chí sĩ tại nhà, đến mời Thiện Hằng ra trông coi Lạc Thọ. Thiện
Hằng chối từ:
- Thiện Hằng này tuổi cao, nhiều bệnh, từ lâu đã tránh xa cõi
tục xin tướng quân chọn bậc hiền tài, để Thiện Hằng này được mừng thấy
cảnh yên vui.
Mậu Công đáp:
- Trước mắt nào thấy người hiền tài nào? Tướng công không nên chối từ.
Thiện Hằng nói:
- Có một người, xin tiến cử trước tướng quân, có thể làm tốt việc này!
Mậu Công hỏi:
- Xin tướng công chỉ giùm?
Thiện Hằng đáp:
- Người này tên họ không rõ. Ai nấy đều gọi là Tây Bối Sinh,
nghe nói trước từng dưới trướng Ngụy Công, làm chức tham quân, nay ẩn cư ở Quyền Thạch thôn, xem bói qua ngày. Người này thực có tài, cúi mình
mà mời, nhất định sẽ được lòng dân chúng.
Mậu Công bàn:
- Nay xin tướng công hãy cứ ra trông coi tạm cho, đợi ta đi mời Tây Bối Sinh về, tướng công sẽ về nghỉ, có được chăng?
Thiện Hằng bất đắc dĩ phải nhận lấy ấn tín, lo lắng mọi việc vậy. Mậu Công chỉnh đốn quân mã lên đường, hỏi thổ dân:
- Quyến Thạch thôn ở đâu?
Thổ dân thưa:
- Qua Lôi Hạ, đi bốn năm dặm nữa, thì gặp Quyền Thạch thôn!
Mậu Công liền lệnh cho Vương Bộ làm tiền đội đi trước. Mấy
ngày sau, Vương Bộ báo đã lên Quyền Thạch thôn. Mậu Công tìm một ngôi
chùa lớn đóng quân, rồi thay mũ áo, giả dạng thư sinh, cùng với hai tiểu đồng, đi vào thôn. Thôn này vốn có khoảng ba trăm bộ, cũng đã là một
thị trấn. lớn, vào đến chợ, thấy một biển hàng cao chọc trời, trên đề rõ ràng.
Tây Bối Sinh
Tài trùm vương hầu
Bói kinh quỷ thần
Kẻ nghèo đặt quẻ
Không lấy một phân.
Mậu Công hỏi dân thôn:
- Tây Bối Sinh ở chỗ nào?
Người này giơ tay chỉ phía tây, đáp:
- Đi về phía này, khoảng ba bốn nhà nữa!
Mậu Công vào ngõ, tìm đến nhà thứ tư, thấy ngay trước cổng, có một đôi câu đối:
Đành thua Gia Cát tam phân nghiệp
Hãy học Văn Vương bát quái từ.
Mậu Công biết ngay nhà này, đẩy cửa vào thấy một tiểu đồng, bước ra mời:
- Mời quý khách ngồi, tiên sinh ra ngay!
Mậu Công chờ một lát, thấy một người đội khăn vuông, mặc áo rộng, vén mành bước ra. Mậu Công nhìn kỹ vỗ tay mà cười:
- Tiểu đệ tưởng ai, hóa ra Giả hiền huynh!
Giả Nhuận Phủ cười đáp:
- Tiểu đệ cũng đã biết trước, thế nào quân sư cũng tới đất này, nên bỏ việc bói toán, ngồi đây chờ!
Hai bên cùng lạy chào, Nhuận Phủ cầm tay Mậu Công, mời vào "Độc Dịch hiên" ngồi, Nhuận Phủ lên tiếng:
- Xin có lời mừng quân sư, công thành danh toại, mai kia bậc công huân của nhà Đại Đường, thì thứ nhất là phải nói đến quân sư.
Mậu Công đáp:
- Hiền huynh là bậc tri kỷ từ xưa, nói gì đến công huân, danh tiếng, chẳng qua cũng là trọn được cái chí mình mà thôi?
Uống trà xong, tiệc rượu dọn ra, Mậu Công không lời từ chối, cạn ngay mấy chén. Nhuận Phủ hỏi:
- Quân sư việc quân không rõ, cớ sao lại tới thôn vắng này làm gì?
Mậu Công đem chuyện bắt Kiến Đức, gặp Thiên Hằng, kể một lượt Nhuận Phủ cười nghiêng ngửa mà rằng:
- Tiểu đệ từ ngày Ngụy Công xảy biến, lòng đã như cành khô,
tro nguội, dứt hẳn chuyện lợi danh, chỉ nghĩ đến chuyện nơi sông núi,
sống cảnh ngư tiễu. Không ngờ gặp được kỳ nhân, truyền cho tiên thiên số học, thật thấy huyền diệu thâm sâu. Tiểu đệ nghĩ kỳ thuật này, có thể
cứu người, lợi vật, chẳng còn lo gì đến kiếp sống thừa, thì vừa gặp quân sư tìm đến.
Mậu Công nói:
- Tài năng kinh bang tế thế như hiền huynh, tiểu đệ thật bội
phục. Nhưng không hiểu cái học lý số huyền diệu này, hiền huynh được ai
truyền cho, xin được nghe thật!
Nhuận Phủ đáp:
- Xin quân sư uống hết ba chén lớn, rồi tiểu đệ nói thì nhất định quân sư phải bái phục.
Mậu Công liền nâng uống ngay ba chén lớn.
Nhuận Phủ nói:
- Ban đầu, có một lão tướng nhà Tùy là Dương Nghĩa Thần, "hung trung thao lược", thấu hiểu thiên văn lý số, nhân Tùy triều hỗn loạn,
không ra làm quan nữa, ẩn cư trong vùng hồ đầm Lôi Hạ.
Mậu Công ngắt lời:
- Đúng là Dương Nghĩa Thần, tiểu đệ trước đây cũng có được
biết, lại được chỉ giáo ít nhiều. Thế là Nghĩa Thần lão tướng truyền thụ cho hiền huynh sao?
Nhuận phủ đáp:
- Không phải. Dương Thái bộc có một người cháu gái, họ Viên,
tên gọi Tử Yên, nhà Tùy kén làm cung nữ. Cô gái này ngay từ nhỏ chẳng
thiết nữ công, chỉ thích xem trăng ngắm sao, cùng là chuyện tính toán
kinh vĩ độ số, cái gì cũng thông thạo, vì vậy Tùy Dượng Đế phong làm Quý nhân. Gặp loạn thí nghịch của Vũ Văn Hóa Cập, Tử Yên tìm cách trốn về
với Nghĩa Thần, ý muốn cạo đầu đi tu. Nhưng Nghĩa Thần tính rằng còn gặp được quý nhân để nên duyên chồng vợ, hưởng lộc suốt đời. Năm trước tiểu đệ ngẫu nhiên ẩn cư ở Lôi Hạ, làm láng giềng với Nghĩa Thần, sớm hôm
quấn quýt, tiện nội lại mến Tử Yên, vì vậy mà được học hỏi ít nhiều.
Mậu Công hỏi:
- Nay Dương Thái bộc còn không?
Nhuận Phủ đáp:
- Dương lão tướng đã quy tiên rồi? Viên Quý nhân cùng mẹ con phu nhân, hiện đều đang thủ mộ.
Mậu Công hỏi:
- Mộ ở đâu?
Nhuận Phủ đáp:
- Ngay trong rừng, là phần mộ của Dương lão tướng, gia quyến ở ngay cạnh bên.
Mậu Công nói:
- Dương Thái bộc tuy mất, nhưng tiểu đệ đã từng được biết thái bộc lúc sinh tiền, nay đến trước mộ viếng thăm, cũng là mong gặp quý
nhân một lần, không biết nên chăng?
Nhuận Phủ đáp:
- Cũng nên!
Mậu Công bèn sai tiểu đồng sắp đủ lễ vật, cùng Nhuận Phủ đi bộ tới, thấy mấy mẫu gò hoang, một nắm đất nhỏ, dẫu là cành lá rườm rà,
khó tránh cáo thỏ dẫm đạp. Mậu Công than:
- Kết cục của bậc anh hùng, chẳng qua cũng đến thế này!
Nhuận Phủ vội vào báo cho Viên Tử Yên, Tử Yên gọi ngay Hinh
Nhi thay tang phục, đến trước mộ đáp lễ, vái mời vào hương đường. Mậu
Công xin được gặp Tử Yên, Tử Yên cũng không phải loại phụ nữ quá nhút
nhát sợ người lạ, liền mặc áo tang trắng ra tiếp. Mậu Công nhìn kỹ thấy
dung mạo đoan trang, thùy mị, nhan sắc thật mười phần diễm tuyệt, hoàn
toàn khác hẳn với vẻ đẹp hào nhoáng phù hoa, không giấu dược kính phục,
mà thưa:
- Hạ quan vâng vương lệnh về Lạc Thọ trông coi việc nhà Hạ,
trong nội cung của Tào Hậu có thấy một cung nữ, tên là Thanh Cầm, vốn là cung nữ cũ của Tùy triều, nói là người hầu của phu nhân, ca tụng nhiều
tài học của phu nhân, ngay cả bậc nam nhi cũng ít người có. Hạ quan định đưa Thanh Cầm về để hầu hạ bên phu nhân, nhưng chưa biết ý phu nhân ra
sao?
Tử Yên đáp:
- Thiếp chỉ ngại Thanh Cầm rơi vào tay bọn lính ngỗ ngược,
cũng không ngờ lại ở trong nội cung. Nhưng hiện nay thiếp cũng cảnh lâm
tuyền thảo dã, heo hút một thân, thân mình còn chẳng giữ nổi, lại còn
đeo thêm việc cơm áo nữa sao, thật phụ lòng quan thiết!
Nói xong, đứng dậy giã từ.
Mậu Công như tỉnh như mê, hồn vía bay biến đâu cả, chỉ đành quay ra, nói với Nhuận Phủ:
- Tiểu đệ lãng tử giang hồ, cũng bởi chí chưa toại, nên chưa
nghĩ đến chuyện gia thất, nay gặp Tử Yên, thật xứng tâm hợp ý, chỉ mong
hiền huynh làm nguyệt lão, không biết có thể thỏa nguyện được chăng?
Nhuận Phủ đáp:
- Đó là một việc rất đẹp, tiểu đệ không dám chối từ, còn việc
có thành hay không, xin quân sư cứ về nhà cỏ của tiểu đệ ngồi chờ. Tiểu
đệ xin đi một chuyến xem sao, rồi sẽ về thưa lại.
Mậu Công thong thả cùng Nhuận Phủ trở về. Mậu Công ngồi chờ một hồi lâu, Nhuận Phủ quay lại mặt mày hớn hở báo tin:
- Viên Quý nhân lúc đầu vẫn giữ ý ở vậy suốt đời, tiểu đệ phải ba bốn lần khuyên giải mới bằng lòng. Nhưng đòi phải ưng thuận ba điều, kể ra thì những điều này, quân sư cũng dễ nghe theo thôi!
Mậu Công hỏi:
- Là những điều gì vậy?
Nhuận Phủ đáp:
- Thứ nhất, phải chờ mãn tang Dương lão tướng thì mới về thờ
quân sư. Thứ hai, phải đưa theo cả mẹ con Hinh Nhi cho đến khi thành
đạt. Thứ ba, gần đây có am Nữ Trinh, là nơi tu của bốn phu nhân của Tùy
Dượng Đế, cùng với Viên Quý nhân là chị em khác họ, trước kia thì Dương
lão tướng cấp thức ăn vật dùng đầy đủ, nay nếu nhận lời Châu Trần, quân
sư phải nhận làm tròn lời hứa đó của Dương lão tướng, cũng là để giữ
được gắn bó chị em giữa Viên Quý nhân cùng các phu nhân. Chỉ có ba điều
vậy thôi, nếu quân sư nghe theo, thì Viên Quý nhân là người của quân sư
rồi đó.
Mậu Công vui mừng mà nói ngay:
- Chả phải ba điều, dẫu có bao nhiêu điều nữa tiểu đệ cũng xin nghe theo?
Rồi gọi tiểu đồng, đến ngay chỗ Vương Bộ, lấy hai trăm lạng
bạc, mười tấm gấm, cởi đai ngọc đang đeo trên người, đưa cho Nhuận Phủ
mà rằng:
- Việc quân bận rộn, không kịp lo cho đầy đủ, chỉ có thế này, xin hiền huynh lo hộ cho!
Nhuận Phủ nhận, rồi cùng tiểu đồng đưa đến tận thảo đường của
họ Dương, nói rõ Mậu Công xin theo cả ba điều. Tử Yên nhận lễ vật lấy ra một quả cầu Thái ất hỗn thiên, rút trên đầu một cành trâm vàng, đưa cho Nhuận Phủ, nhờ giao lại cho Mậu Công. Mậu Công nói:
- Ơn hiền huynh lo cho chuyện gia thất, mai kia tiểu đệ xin có lễ mọn dâng hiền huynh, rồi cả văn thư về việc quản hạt Lạc Thọ nữa
cũng sẽ đưa tới luôn, chúng ta cùng phụng sự minh quân, cũng là một việc tốt đẹp vậy.
Nhuận Phủ đáp:
- Chuyện này hãy khoan nói tới. Chỉ xin hỏi quân sư, Vương Thế Sung phá xong nay mai, thì liệu Đơn nhị ca sẽ ra sao?
Mậu Công nhăn mày đáp:
- Nếu bàn chuyện Đơn viên ngoại, sợ sẽ chẳng nên công chuyện gì cả ?
Mậu Công đem chuyện Hùng Tín đuổi bắt Tần Vương như thế nào, kể lại tỉ mỉ một lượt. Nhuận Phủ dậm chân mà than:
- Nếu mà như thế, việc Đơn nhị ca quả là đáng lo. Quân sư cùng với Tần Thúc Bảo thuở trước đều có lời thề sinh tử, cũng nên nghĩ cách
thế nào để cứu vãn được ít nhiều chăng!
Mậu Công đáp:
- Điều ấy thì đương nhiên rồi!
Trời đã chiều, thấy có nhiều xe ngựa đến đón, Mậu Công đành
phải chia tay với Nhuận Phủ. Sau đó đem ấn tín, sổ sách của Lạc Thọ,
cùng với thư và hai trăm lạng bạc, đem theo một trăm lạng vàng, cùng với cung nữ Thanh Cầm, giao cho Viên Tử Yên. Hai tiểu đồng về thưa:
- Cung nữ cùng lễ vật, phu nhân đều đã thu nhận.
Còn sai quan thì trình rằng:
- Đem văn thư, lễ vật đến nhà Giả tiên sinh, thì cửa đóng kỹ, không một bóng người, đành phải quay về.
Mậu Công kinh ngạc:
- Chẳng nhẽ mấy hôm trước ta gặp ma hay sao?
Vội cưỡi ngay ngựa lên đường đi Quyền Thạch thôn, thì quả thế
thật. Hỏi láng giềng đều nói canh năm đêm trước đã lên đường cả nhà, nói là đi dâng hương ở Thiên Đài. Mậu Công than thở:
- Giả hiền huynh sao bất tình đến thế!
Trong lòng nghi hoặc, lần đến nhà Dương Thái bộc. Viên Tử Yên
gọi Hinh Nhi thay áo mũ màu ra đón, Mậu Công cầm tay hỏi han mấy câu,
rồi lên ngựa, về ngay Lạc Dương.
Chính là:
Giữa đường nên nghĩa ruột rà
Chia tay non nước, đậm đà tình ai!
--------------------------------
1"Đậu" trong họ Đậu Kiến Đức, trùng với "Đậu" là cây đậu. Ngưu Khẩu cốc: cửa Mồm Bò. "Trâu bò được ngày phá đỗ..."
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT