Lại nói chuyện Dượng Đế rời khỏi Đông Kinh, đi xe
rồng ra sông Biện, không ghé vào hành cung nào cả, lên ngay thuyền rồng
cùng với Tiêu Hậu dùng mười chiếc thuyền rồng đệ nhất đẳng. Phu nhân
mười sáu viện, tiệp dư, quý nhân, mỹ nhân, chia vào thuyền rồng đệ nhị
đẳng gồm năm trăm chiếc. Còn có tới mấy nghìn thuyền khác chở bọn nội
giám, các công sai, tạp dịch, các bộ phận cung ứng ăn uống. Lại đặc cấp
cho vợ chồng Vương Nghĩa ba thuyền, để y tuần tiễu hộ vệ quanh mười
thuyền rồng đệ nhất đẳng. Còn văn võ trăm quan thì cưỡi ngựa, binh lính
hộ vệ, theo hai bờ đê mà hành quân đóng trại, nếu không có lệnh triệu,
không được tự tiện lên thuyền.
Mười thuyền rồng đệ nhất đẳng, đều dùng dây lụa kết thành một
khối, đi ở chính giữa. Năm trăm thuyền rồng đệ nhị đằng, chia một nửa đi trước, một nửa đi sau, tuần tự mà tiến. Mỗi thuyền đều có cắm cờ hiệu,
ghi rõ số mục, đoàn đội, các phu nhân, mỹ nhân cứ đối chiếu số mục đó mà nhận ra thuyền mình để dễ dàng mỗi khi có thánh chỉ gọi đến. Các thuyền còn lại cũng phải cắm các cờ màu vàng, chiếu theo các thuyền rồng mà
đặt các số hiệu nhỏ hơn, theo đúng hiệu lệnh sai phái, không được đi
nhanh hơn, cũng không cho đi chậm quá. Thuyền lớn bắn một hiệu pháo, thì các thuyền khác cứ theo lệnh đó mà tiến theo luồng nước. Một hồi thanh
la nổi, tất cả các thuyền đều phải cặp neo vào bờ, không được làm cản
trở lối đi chính. Một hiệu lệnh của thiên tử đã ban ra, tất tất nghiêm
chỉnh nghe theo, không ai dám nhỏ to, rối loạn.
Thật đúng là:
Lệnh vua nghiêm tựa sấm ran trời
Muôn chiếc thuyền rồng một dãy xuôi
Đừng tưởng có tài thì nước trị
Hay đâu mất nước chính do tài.
Dượng Đế đang ngồi trong thuyền rồng, thì Cao Xương dẫn cả một
nghìn cô gái trong đội "Điện cước nữ" tới triều kiến. Dượng Đế thấy các
cô gái, ăn mặc theo kiểu Ngô, kiểu Việt xếp hàng đứng ngay trên bờ phong tư yểu điệu, mười phần đáng yêu, nên trong lòng rất hả hê, mới hỏi Cao
Xương:
- Bọn họ đã chia thành các đội ngũ chưa?
Cao Xương quỳ thưa:
- Vương Hoằng phân chia đã xong, chỉ chưa kịp đưa trình bệ hạ xem qua.
Dượng Đế phán:
- Chẳng cần phải xem làm gì. Đợi đến ngày mai kéo thuyền trẫm dựa lan can mà ngắm là được lắm rồi!
Đội "Điện cước nữ được lệnh, ai về thuyền nấy. Hôm đó, trời đã
về chiều, thuyền chưa thể nhổ neo, liền bày yến tiệc ngay trên thuyền,
trước là tuyên triệu, bá quan văn võ cùng ăn uống, sau đó là Tiêu Hậu
cùng các phu nhân, cung nữ, tiệc tùng mãi tới nửa đêm mới tan.
Ngày hôm sau, thánh chỉ truyền nhổ neo, lại gặp phải ngày không
hề có một chút gió gọi là, chẳng thể nào giương buồm, chỉ còn cách kéo
mà thôi. Trước tiên là lấy nghìn con dê béo khỏe, mỗi thuyền chia đều
một trăm con, đuổi cho chạy trước. Rồi đến đội "Điện cước nữ", cũng đều
lên bờ kéo theo. Bọn "Điện cước nữ" đã qua diễn tập, tô son điểm phấn
xinh đẹp mười phần, cứ theo số hiệu thuyền, thứ tự riêng mà xếp thành
đội ngũ. Thuyền rồng đi đầu nổi hiệu, "Điện cước nữ" đều ra sức kéo, bầy dê cũng căng dây lụa ngũ sắc mà chạy. Mười chiếc thuyền rồng lớn được
một trăm sợi dây đồng loạt kéo đi, từ từ, nhẹ nhàng tiến lên phía trước. Dượng Đế cùng với Tiêu Hậu, ngồi trên thuyền chăm chú theo dõi, thấy
hai bờ dây ngũ sắc, màu áo, màu quần sặc sỡ, tiếng ngọc, tiếng vàng xen
lẫn, thật đủ vẽ phong lưu, nghìn vẻ diễm kiều, từ xưa tới nay, chưa từng thấy cảnh kỳ thú như thế bao giờ.
Chỉ thấy:
Mày ngài thành đội, ngàn dây leo gấm kéo tay tiên
Son phấn xếp hàng, trăm bộ lưng ong gò đón chúa
Kỳ hương tỏa ngát, đôi bờ lan xạ ngát lừng
Diễm sắc đua chen, một dải the là tha thướt
Gặp khúc quanh, chân vàng rươn rướn
Tràn sóng vỗ, cánh ngọc cong cong
Lả lơi như trăng vờn nước mà không mờ
Uốn éo như hoa rung rinh mà chẳng tiếng
Thẹn thùng đỉnh Giáp non Thần
Dẫu Hằng Nga điện Quảng Hàn cũng thua
Anh Tương Phi Lạc Thủy mờ
Phi tần cung Hán thẫn thờ lảng xa
Buồn thương xuân vội vàng qua
Kéo dây ngũ sắc, căng ra lại chùng
Những lo người đẹp vẫy vùng
Dây tơ hồng buộc chân cùng, người ơi!
Thướt tha yểu điệu đi đời.
Dượng Đế cùng Tiêu Hậu dựa lan can nhìn ra, lòng hoan hỉ vô hạn. Giữa lúc chăm chú nhìn, thì đội "Điện cước nữ", kéo được khoảng trên
dưới nửa dặm dường, má hồng hoen ố mồ hôi, bắt đầu thở không ra hơi.
Nguyên do lúc này đã là cuối tháng ba, trời bắt đầu nóng, sáng ra, mới
có bóng mặt trời phía đường đông, thì cũng chưa đáng sợ nhưng tới lúc
mặt trời lên giữa đỉnh đầu, đội "Điện cước nữ" này đều là các cô gái
mười sáu, mười bảy yểu điệu, làm sao chịu nổi.
Dượng Đế thấy thế, trong lòng thầm nghĩ: "Bọn con gái này, khi
mà phấn điểm mày chau trông cũng ra dáng lắm, nhưng mồ hôi giọt này nối
giọt khác thế kia, kéo lê từng bước khó nhọc, cũng chẳng còn thú vị gì
nữa". Liền lập tức ra lệnh nổi hiệu dừng thuyền. Thuyền rồng đi đầu vội
nổi thanh la, hai bên bờ, đội "Điện cước nữ" lập tức chùng dây, cùng
nhau lên tiếng thở phào khoan khoái. Một hồi thanh la nữa vang lên, mọi
người liền dùng dây buộc neo thuyền lại. Lại một hồi thanh la thứ ba, ai nấy thu dây kéo thuyền gọn gàng rồi lên thuyền của mình. Tiêu Hậu thấy
vậy, bèn lên tiếng hỏi:
- Mới đi được một đoạn ngắn, sao bệ hạ lại lệnh cho dừng lại?
Dượng Đế đáp:
- Hoàng hậu không thấy đội "Điện cước nữ" sao, mới có nửa dặm
đường, mà họ đã thở hổn hển thế kia. Chỉ cần đi một hồi nữa, mồ hôi
thánh thót một hồi nữa, thì quang cảnh sẽ ra sao. Trời nóng nực thế này, lại thêm ánh nắng gay gắt, vì vậy trẫm phải ra lệnh tạm dừng, nhất định phải tìm ra cách nào đó mà thay đổi chuyện này mới được.
Tiêu Hậu cười thưa:
- Thì ra bệ hạ thương hại bọn họ, sợ họ bị nắng thiêu đen cháy. Thiếp có một cách này, chẳng biết có vừa ý bệ hạ không?
Dượng Đế hỏi:
- Hoàng hậu có kế gì hay?
Tiêu Hậu thưa:
- Đội "Điện cước nữ" này, cả hai tay đều mắc cầm dây kéo
thuyền, không còn tay nào để mà che ô, che lọng gì được, thì làm thế nào cho khỏi nắng chiếu. Cứ như ngu ý của thiếp, ta ở trên thuyền rồng cho
hết mùa hạ, đợi đến mùa thu hãy đi, thì dẫu có nắng nữa cũng không đáng
sợ.
Dượng Đế cười:
- Hoàng hậu lại nói chuyện đùa rồi. Trẫm cũng chẳng thương hại gì họ đâu, chẳng qua trông cảnh này chẳng đẹp đẽ chút nào cả.
Tiêu Hậu cũng cười:
- Thiếp không dám đùa bệ hạ, nhưng quả thực là chẳng có cách nào che nắng cho họ cả đâu.
Dượng Đế nghĩ ngợi một hồi, chẳng tìm ra cách gì cả, liền
triệu quần thần đến thương nghị. Chẳng mấy chốc, quần thần đã tới đông
đủ. Dượng Đế nói rõ chuyện mồ hôi giọt ngắn giọt dài của "Điện cước nữ"
truyền bá quan tìm diệu kế thay đổi hiện tình. Mọi người ra vẻ nghĩ ngợi hồi lâu, nhưng chẳng ai tìm được kế sách gì. Chỉ có Hàn lâm học sĩ Ngu
Thế Cơ tâu rằng:
- Chuyện này không có gì khó. Chỉ cần đem liễu trồng kín hai
bên bờ, bóng râm nối bóng râm, xanh mượt hai hàng, thì chẳng sợ gì nắng
nóng nữa. Chẳng những đội "Điện cước nữ" được mát mẻ, mà những cây liễu
này bốn mùa xanh tốt, lại còn giữ cho hai bờ đê thêm vững chãi, khó mà
sụt lở cho được, lá lại có thể dùng làm thức ăn cho đàn dê nữa.
Dượng Đế cả mừng:
- Thật là kỳ kế, nhưng chỉ ngại đê dài đến thế, làm sao mà trồng cho khắp được?
Thế Cơ thưa:
- Nên chia ra cho các quận huyện từng đoạn, nơi này thúc bách
nơi kia. Nhược bằng bệ hạ sợ kéo dài, thì bất luận dân chúng hay quan
nha, cứ trồng một cây liễu, thưởng một tấm lụa, trăm họ nghèo khổ sẽ vì
lợi mà quên cả khó nhọc, trồng cả ngày lẫn đêm, thần tính rằng chỉ năm
sáu ngày, công việc sẽ xong xuôi.
Dượng Đế vui mừng phán:
- Khanh thật chân tài đắc dụng.
Chỉ truyền đến hai bộ Binh, bộ Công, hỏa tốc viết cáo thị hiểu
dụ trăm họ thôn hương, cứ trồng một cây liễu lớn, thưởng một tấm lụa.
Lại sai bọn thái giám, cùng với bộ Hộ, sắp sẵn lụa tiền, cứ theo đúng số cây đã trồng mà cấp. Thực là tiền tài có sức mạnh của quỷ thần, chỉ vì
để lấy thưởng mà chẳng nghĩ đến tính mạng, từ già chí trẻ, suốt ngày
suốt đêm, từng đoàn từng lũ, kéo đi không ngớt. Có những nơi không có
cây, phải khiêng vác từ nơi xa hàng bốn năm mươi dặm tới. Cây nhỏ thì
còn dễ, những cây một người ôm không hết, thì phải xúm nhiều người đào
đào bới bới rất kỳ công mà khiêng đến.
Dượng Đế từ trên gác cao của thuyền rồng nhìn ra, thấy dân chúng lũ lượt từng đoàn như ong như kiến tới trồng liễu, lòng vô cùng hân
hoan, nói với quần thần:
- Ngày xưa Chu Văn Vương có công đức với thần dân, dân vì Văn
Vương mà xây đài điện, đào ao hồ, chẳng khác gì con làm cho cha, nghìn
đời vẫn coi đó là tấm gương tốt đẹp. Các khanh nhìn trăm họ hai bên bờ
sông kia, tranh nhau kéo đến trồng liễu, thì nào có khác gì cảnh xưa.
Trẫm cũng nên thân hành trồng một cây, để ai nấy đều thấy được vua tôi
cùng vui cảnh thái bình thịnh trị! Âu cũng là một việc tốt đẹp vậy!
Rồi dẫn quần thần, kéo lên bờ, trăm họ trông thấy, đều quỳ lạy sát đất. Dượng Đế truyền lệnh đứng dậy phán rằng:
- Trăm họ phải trồng cây khổ cực, trẫm thấy áy náy không yên.
Trẫm muốn cùng dân chúng trồng một cây, để tỏ ý thương yêu dân chúng
vậy.
Rồi đến bên hàng liễu, chọn một cây, định tự tay bưng đi đặt
xuống hố đã đào sẵn, thì đã có rất nhiều bọn nội giám đỡ lấy mang đi đặt xuống hố, lấp đất xong ngay. Dượng Đế chỉ còn đưa tay vuốt ve mấy cái,
thế là cây đã trồng xong. Trăm họ xúm lại tung hô vạn tuế. Sau đó đến
lượt các vị dại thần, theo cách đó, mỗi vị trồng một cây. Trăm họ la hét ầm ĩ, cũng chẳng ra ca, cũng chẳng ra hát, mà chỉ là thuận miệng làm
mấy câu nôm na:
Trồng liễu, trồng liễu!
Bàn tay kheo khéo
Đã có bóng mát, lại nhiều củi đun
Vua trồng lại các quan trồng
Nào mời trăm họ cùng trồng liễu đi!
Dượng Đế nghe thế, lòng càng hớn hở, sai lấy rất nhiều tiền bạc, thưởng cho mọi người, sau đó cùng kéo lên thuyền. Dân chúng được lợi
chẳng ngại gần xa, đều kéo tới trồng liễu rất đông, nên chỉ hai ba ngày
sau, hai bờ đê dài hàng nghìn dặm, đều đã được phủ xanh mượt mà, bóng
râm mát che khắp mặt đường, ngọn đâm thẳng trời xanh. Gió khe khẽ lay
động, càng thêm mát mẻ, đêm tới, trăng lên cảnh càng mơ màng huyền ảo.
Dượng Đế cùng Tiêu Hậu dựa lan can mà ngắm nhìn không chán. Dượng Đế nói với Tiêu Hậu:
- Liễu rũ thật thướt tha, chẳng khác gì một tấm màn màu thanh thiên vậy!
Tiêu Hậu đáp:
- Màn thanh thiên làm gì có được vẻ tự nhiên phong lưu thế được!
Dượng Đế tiếp:
- Trẫm phải phong cho giống liễu này một chức quan nào đó. Nay nhân những hàng liễu chen lẫn lộn xộn với đám cung nữ thế kia, trông
quả có chỗ không được tao nhã, trẫm ban cho những cây liễu này họ vua,
gọi Dương Liễu là hợp hơn cả?
Tiêu Hậu cười đáp:
- Bệ hạ thưởng công lao của cây cỏ, mà cũng đúng thể chế lắm!
Dượng Đế sai lấy văn phòng ngự bảo, tự tay viết hai chữ to:
"Dương Liễu" trên đoạn màu hồng, sai tả hữu treo lên một cây liễu cao
nhất phía trước, coi như làm lễ ban quốc tính họ Dương cho giống liễu
vậy.
Mọi chuyên xong xuôi, ra lệnh nhổ neo, thuyền rồng đi đâu nổi
một hồi trống,"Điện cước nữ" cứ thứ tự mà kéo dây lụa ngũ sắc. Giờ thì
đã có hai hàng dương liễu che, màu xanh dày kín, bóng nắng không xuống
được đến mặt đường, chỉ nghe tiếng gió thổi rì rào, thật là mát mẻ khoan khoái. "Điện cước nữ" cũng vì vậy mà thoải mái hơn nhiều, không còn khó nhọc lắm, trông dáng điệu lại càng thướt tha, vừa kéo vừa cười cười,
nói nói. Dượng Đế thấy thế, trong lòng vô cùng thanh thản, liền gọi phu
nhân mười sáu viện, cùng các mỹ nhân tới vừa uống rượu, vừa thưởng
ngoạn.
Dượng Đế uống đến nửa say nửa tĩnh, thấy lòng hớn hở, đem theo
Bảo Nhi đi khắp các thuyền rồng, xem các đội "Điện cước nữ ", chỉ thấy
các cô gái đất Ngô, đất Việt lụa là rực rỡ, phất phới bay theo chiều
gió, càng hiện rõ vẻ yêu kiều trong hàng liễu xanh tươi, thật là trăm
hoa đua nở. Đến thuyền rồng đệ nhất đẳng thứ ba, thấy một cô gái, mười
phần xinh đẹp, lưng cong uốn éo, cốt cách duyên dáng, khuôn trăng đầy
đặn, da trắng như tuyết, đôi mắt đen lay láy như sơn. Dượng Đế thấy thế, kinh ngạc thốt lên:
- Cô gái này dáng vẻ thần tiên, chẳng khác gì Tây Thi, Vương
Chiêu Quân, sao lại lẫn lộn trong đám này. Người xưa nói: "Tú sắc khả
san", sắc đẹp có thể no được. Nay đứng trước thiên hương quốc sắc thế
này, không thể không nâng chén được vậy.
Bảo Nhi thưa:
- Cô này quả hơn hẳn mọi người, chúa thượng thưởng giám không sai!
Tiêu Hậu thấy Dượng Đế lâu không quay về, liền sai Quý Nhi, Dã Nhi mời về uống rượu, Dượng Đế đời nào chịu về, chỉ chăm chú nhìn người dẹp không chớp mắt. Quý Nhi mời không được, liền quay về thưa với Tiêu
Hậu, Tiêu Hậu cười:
- Hoàng đế lại bị ma quỷ nào ám rồi đây!
Liền dẫn đám phu nhân đến thuyền rồng thứ ba xem xét ra sao.
Thấy cô gái này quả là nghiêng nước nghiêng thành, Tiêu Hậu lên tiếng:
- Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi chúa thượng chăm chú đến thế, cô gái này quả là đẹp thực.
Dượng Đế cũng cười đáp:
- Trẫm nhìn có bao giờ sai đâu?
Tiêu Hậu thưa:
- Bệ hạ chưa nên vội vàng như thế, nhìn xa thì hay thế, nhưng
xem gần chưa chắc ra sao. Sao bệ hạ không triệu cô ta lên thuyền xem thế nào?
Dượng Đế bên sai nội giám gọi lên. Ban đầu Dượng Đế nhìn xa,
chẳng qua chỉ nhận ra dáng điệu chung chung, nay đến trước mặt, thì mới
thấy hai hàng lông mày vừa đen vừa dài, như hai vành trăng non, hàm răng đều đặn trắng óng ánh như ngọc, vẻ đen trắng càng lộ rõ, một vẻ đẹp
thơm ngát như tỏa ra từ làn da, từ dáng điệu. Dượng Đế thấy thế, mười
phần hớn hở, liền nói với Tiêu Hậu:
- Không ngờ hôm nay lại gặp được bậc mỹ nhân như thế này.
Tiêu Hậu cười đáp:
- Bệ hạ thật có phúc hưởng chuyện phong lưu. Cho nên trời sinh người đẹp, đem tới để bệ hạ thưởng ngoạn vậy!
Dượng Đế hỏi cô gái:
- Khanh người ở đâu? Tên gọi là gì?
Cô gái thẹn thùng thưa:
- Tiện thiếp người vùng Ngô Quận, họ Ngô, tên là Giáng Tiên.
Dượng Đế lại hỏi:
- Năm nay mười mấy tuổi?
Giáng Tiên thưa:
- Tiện thiếp năm nay mười bảy tuổi?
Dượng Đế liền tiếp:
- Đúng ở tuổi đẹp nhất?
Rồi cười hỏi:
- Đã lấy chồng chưa?
Giáng Tiên nghe hỏi, bất giác xấu hổ, cúi đầu không đáp, Tiêu Hậu cười nói:
- Chẳng việc gì phải e thẹn, chỉ sợ rồi đêm nay phải đi lấy chồng thôi?
Dượng Đế cười:
- Hoàng hậu giống như người làm mối vậy!
Tiêu Hậu thưa:
- Thì cũng không thể không nói bệ hạ giống như chú rể vậy!
Lương phu nhân thưa:
- Chúng thiếp sợ không có dịp để uống rượu mừng thôi!
Các phu nhân được dịp nói cười ầm ĩ. Trời đã về chiều, lệnh
dừng thuyền ban ra, lại một hồi thanh la, dây kéo nhất tề cuốn lại, các
"Điện cước nữ" được về thuyền.
Tiệc rượu được bày ra, Dượng Đế cùng Tiêu Hậu ngồi ở ngôi cao, phu nhân mười sáu Viện, cùng tài nhân, quý nhân ngồi thành hai hàng.
Quý Nhi dẫn theo Triệu Vương, lúc nào cũng ở bên cạnh Sa phu nhân. Các
mỹ nhân chỉnh tề đứng hầu phía sau, hết hát lại đàn, hết đàn lại múa,
rồi cùng nhau say sưa ăn uống. Dượng Đế tuy uống rượu nhưng lòng thì
nghĩ đến Ngô Giáng Tiên, cầm chén rượu nhưng trầm ngâm. Tiêu Hậu thấy
vậy, biết ngay nguyên do, bèn lên tiếng thưa:
- Bệ hạ chẳng cần phải nghĩ ngợi. Người mới so làm sao được
với người cũ. Ngô Giáng Tiên vừa được vào cung, sao không cho lên ngồi
một bên bệ hạ, để cùng uống một chén rượu hợp cẩn?
Dượng Đế bị Tiêu Hậu nói một câu trúng ngay nỗi lòng, nên cất
tiếng cười vang. Tiêu Hậu liền gọi Giáng Tiên rót một chén rượu, đưa mời Dượng Đế, Dượng Đế một tay đỡ lấy chén rượu, còn tay kia nâng dải tóc
của Giáng Tiên rồi hỏi:
- Hoàng hậu cho khanh ngồi một bên, khanh thấy thế nào?
Giáng Tiên thưa:
- Thiếp vốn phận nghèo hèn, được đứng hầu ở đường sau đã là vạn hạnh, đâu dám ngồi.
Dượng Đế mừng đáp:
- Thế là khanh cũng biết nghi lễ, ngồi hay không cũng không sao, nhưng rượu không uống được một chén sao?
Liền gọi tả hữu, rót một chén rượu, ban cho Giáng Tiên, Giáng
Tiên không dám chối từ, đỡ lấy uống cạn. Các phu nhân thấy Dượng Đế có
vẻ cuồng đãng, đều cùng hứng khởi, người này chuốc một chén, người kia
dâng một chén, chẳng mấy lúc, Dượng Đế đã say mềm, bèn đứng dậy, bọn
cung nhân nhanh nhẩu đưa Giáng Tiên, cùng về phía hậu cung.
Tiêu Hậu miễn cưỡng cùng ăn uống với chúng phu nhân, Tử Yên
lấy cớ đau bụng, xin phép về thuyền trước. Nói rằng trên thuyền rồng đệ
nhất đẳng, được làm như cung như điện, nhưng vì khoảng rộng có hạn, làm
sao cho bằng cung điện ở trên mặt đất cho được, tường ngăn vách cách,
mặc sức cười đùa, chẳng ai nghe thấy. Ở đây, tuy Dượng Đế cùng Giáng
Tiên về hậu cung, nhưng cũng trong gang tấc, gió đưa mây thoảng trước
sau, sau trước đều yên tĩnh một vùng, nên tiếng cười tiếng nói líu lo,
nghiêng tai nghe rõ. Dã Nhi lên tiếng:
- Đã làm người thì không nên làm đàn bà. Vì đàn bà phải chịu không biết bao nhiêu chuyện nổi trôi sóng gió.
Tiêu Hậu đáp:
- Làm đàn ông chưa chắc đã hơn làm đàn bà đâu. Đàn bà không
phải lo nhiều chuyện, chỉ cần lo giữ tiết hạnh thói thường, ngộ biến
tòng quyền, mặc cho biển biếc thành nương dâu, ta chỉ như con thuyền
theo gió, gặp đâu cũng vừa lòng, cũng thoải mái.
Lý phu nhân đáp:
- Hoàng hậu nói đúng lắm!
Tần phu nhân quay nhìn Sa phu nhân, Sa phu nhân lại quay nhìn
Địch phu nhân, Hạ phu nhân. Im lặng hồi lâu. Tiêu Hậu đứng dậy chúng phu nhân đưa tiễn ra thuyền rồng đệ nhất đẳng, rồi ai về thuyền ấy. Sa phu
nhân nói với Tần, Hạ, Địch, ba phu nhân:
- Chúng ta lại xem Viên Quý nhân, vì sao lại đau bụng đi!
Các phu nhân vừa mới tới thuyền Tử Yên, thì thấy trên không
một tiếng sét lớn, chẳng khác nào trời long núi sập, các phu nhân người
ngã lăn quay, hàng trăm chiếc thuyền cửa đập rầm rầm, rèm màn, xiêm y
bay tứ tung, Dượng Đế vội vàng gọi nội giám truyền lệnh:
- Vương Nghĩa cùng bá quan, xem xét ngay chung quanh, sét đánh nơi nào, có gây hỏa hoạn, cứ phải thực mà tâu ngay.
Vương Nghĩa vâng, cùng các quan tuần sát một vòng. Bốn vị phu nhân, sau khi đã trấn tĩnh được cơn sợ hãi, liền hỏi bọn cung nữ:
- Viên Quý nhân đã đi ngủ chưa?
Cưng nữ thưa:
- Viên Quý nhân hiện đang ở trên "Quan Tinh đài" từ lâu.
Vốn ở thuyền rồng của Tử Yên, có dựng cả một gác cao xem trăng sao. Cả bốn vị phu nhân cùng kéo lên dài, thì thấy Tử Yên, Quý nhân dẫn Triệu Vương, theo sau là vợ Vương Nghĩa, Khương Đình Đình. Sa phu nhân
nói với Triệu Vương:
- Ta đang đi tìm con. May con lại ở đây sao?
Đình Đình lạy chào Sa, Tần, Hạ, Địch, bốn vị phu nhân, Đình
Đình trước kia vốn cũng là cung nữ, các phu nhân cho phép cùng ngồi. Hạ
phu nhân hỏi Tử Yên:
- Quý nhân vừa rồi cáo đau bụng, sao lại lên đài làm gì?
Tử Yên cười đáp:
- Thiếp không phải phường nghiện rượu Cao Dương 1 cũng không phải anh hề Mạn Thiến 2. chúa thượng đã trở về hậu cung, bọn ta đương nhiên cũng nên cáo lui,
dồn cả lại một nơi, định để làm gì. Lại thêm, đêm qua thiếp xem thiên
văn, thấy vùng Khảm đàn khí sắc không tốt, không ngờ lại ứng vào lúc vừa rồi, chỉ sợ tử vi đàn lung lay không biết lúc nào, có lẽ cũng chẳng lâu nữa đâu. Làm thế nào bây giờ, tính toán ra sao đây?
Sa phu nhân hỏi Đình Đình:
- Chúng ta ở trong cung cấm, chẳng hiểu sự thể bên ngoài ra sao?
Đình Đình thưa:
- Cảnh tượng bên ngoài, chỉ còn có mỗi chúa thượng là chẳng
thấy gì cả thôi. Công việc chín châu, cứ như vợ chồng kẻ ngu ngốc này
được nghe, được thấy, thì không phải chỉ thở dài nữa, mà thực là phải
khóc rống lên mới đáng!
Tần phu nhân thất kinh hỏi:
- Sao lại đến thế kia ư?
Đình Đình đáp:
- Triều đình năm này liền năm khác hưng công dựng đài xây
điện, đào sông quật biển, du ngoạn liên miên, đến nỗi trăm họ nhà tan,
thân chết. Gần đây lại khắp nơi giặc giã, trộm cướp, lừa đảo, cướp đoạt
giết chóc, chẳng mấy chốc sẽ dẫn đến việc giặc cướp còn nhiều hơn cả dân chúng.
Tử Yên hỏi:
- Trước đây chúa thượng có sai Dương Nghĩa Thần đi dẹp giặc cướp ở vùng Hà Bắc, chẳng biết sự thể ra sao rồi?
Đình Đình đáp:
- Dương lão tướng thu được rất nhiều công trạng. Diệt được
Trương Kim Xứng, đang tìm cách trừ nốt Đậu Kiến Đức. Không ngờ có kẻ
ganh ty với công lao của lão tướng, nói lão tướng binh quyền quá lớn,
bắt về hưu trí rồi tìm người khác thay mất.
Địch phu nhân nói:
- Xưa nay vốn vui quá hóa buồn. Tiệc rượu nào là tiệc rượu chả tan. Nhưng chẳng biết rồi đám chúng ta đây gửi mảnh xương tàn ở đâu
được hay cũng đến vùi lấp ở ngòi rãnh nào đó thôi!
Quý Nhi lên tiếng:
- Sống chết, vinh nhục trên đời này, lòng trời đã xếp đâu đó
cả rồi. Chẳng cần phải ngồi để chờ làm người tù nước Sở ngồi nhìn nhau
làm gì. 3
Chuyện trò một hồi, rồi ai về thuyền nấy. Thôi chẳng nói nữa!
° ° °
Lại nói Dượng Đế được người đẹp Giáng Tiên, vui vầy
được bảy tám ngày, thì cũng vừa lúc thuyền đến Thư Dương, nhân thấy sông đào rất cạn, lại biết long mạch thành Thư Dương chưa bị đào bới gì cả,
tìm nguyên do, sai bắt Lệnh Hồ Đạt đến tra hỏi ngay trước ngự tiền.
Lệnh Hồ Đạt đem chuyện Ma Thúc Mưu ăn thịt trẻ con, thông đồng với Đào Liễu Nhi gian trá, ăn tiền của dân sở tại. Lệnh Hồ Đạt cũng
không quên thưa: mình đã dâng ba lần tấu chương kể rõ, đều bị Trung môn
sứ Đoàn Đạt, ăn của Ma Thúc Mưu hàng nghìn lạng vàng, nên những tờ giấy
tấu chương đó bị giữ lại không được đến tay vua.
Dượng Đế đùng đùng nổi giận, liền sai Lưu Sầm tra xét công thự của Ma Thúc Mưu, xem có những gì làm tang chứng. Lưu Sầm đi không lâu
đã thấy đem những vàng bạc châu báu của Thúc Mưu về trình trước mặt vua. Thì thấy có ba nghìn lạng vàng, ngọc trắng mà Thái thường khanh Ngưu
Hoàng đem đến tế ở đền Lưu Hầu cũng thấy ở đây, lại còn thấy cả con dấu
ngọc truyền quốc từ đời này sang đời khác. Dượng Đế thất kinh:
- Ngọc tỷ này chính là vật báu truyền quốc của trẫm. Dạo trước bỗng nhiên mất, trẫm đã tìm khắp trong cung, tịnh không dấu vết, không
ngờ thằng giặc già này sai Đào Liễu Nhi ăn trộm về đây. Cung cấm thâm
nghiêm đến thế, chúng dùng cách gì mà vẫn lấy được. Hiểm nguy đến thế!
Liền truyền lệnh cho nội sứ Lý Bách Nhạc, dẫn một nghìn quân
kỵ mã đến vây kín thôn Thượng Mã, huyện Ninh Lăng, bắt cả nhà Đào Liễu
Nhi. Vì không biết gì cả, bị quan quân vây kín thôn, kín nhà, toàn bộ họ hàng già trẻ, cộng tám mươi bảy người, đều bị bắt gọn. Lại thêm bọn tay chân Trương Yến Tử cũng đều bị giải đến, các quan đại thần được lệnh
tra kháo tàn khốc, bắt khai mọi chuyện, rồi trở về tâu lại Dượng Đế.
Dượng Đế ra lệnh: Tất cả nhà Đào Liễu Nhi đem ra chợ chém đầu. Ma Thúc Mưu chém một nhát ở cổ, một nhát ở lưng, chia làm ba đoạn, ứng
đúng như lời Hoàng Phủ Quân nói với Địch Khứ Tà: "Sang năm ta sẽ tặng Ma Thúc Mưu hai lưỡi dao vàng". Đoàn Đạt ăn hối lộ, dối vua, tội đáng chém đầu, nhưng vì trước cũng có nhiều công lao, tha cho tội chết, giáng làm Giám môn lệnh Lạc Dương.
Chính là:
Lưới trời thật rộng
Quả báo rất gần!
--------------------------------
1Phường nghiện rượu Cao Dương: Nguyên văn là "Cao Dương tửu đồ". Trâu Sinh xin
gặp Lưu Bang hỏi Trâu Sinh là ai, bọn tay chân thưa: "Giống nhà nho",
Lưu Bang nói: "Ta không tiếp, việc của ta là cả thiên hạ, không rỗi hơi
đâu mà tiếp mấy anh nhà nho".
2Mạn Thiến: tên của Đông Phương Sóc, giỏi văn chương, hài hước, làm quan thi trung thời Hán Vũ Đế. Thường được xem như anh hề mua vui cho các bậc
vua chúa. (Từ Hải)
3Tả truyện: Tấn Hầu ngồi trong phủ, thấy Chung Nghi liền hỏi: "Người bị
trói, đội mũ phương Nam kia là ai?". Bọn tay chân thưa: "Đó là người tù
nước Sở..."
Thế thuyết: Những kẻ chạy giặc Hồ về nam, gặp ngày đẹp trời, tụ
nhau uống rượu ở Tân Đình rồi nhìn nhau mà khóc. Vương Thừa tướng biến
sắc mặt mà nói: "Phải ra sức giúp vua, lấy lại chín châu, sao lại làm
người tù nước Sở nhìn nhau mà khóc thế này" (Từ Hải).
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT