Xưa này tính mệnh các bậc trung thần nghĩa sĩ, mỗi khi gặp
bước gian nan như không còn lối thoát, thì bỗng lại như được trời che
đất chở, "tuyệt lộ phùng sinh", cho nên giữa lúc họ chưa tìm thấy đường
sống, thì bỗng đâu cứu tinh xuất hiện, người quân tử vẫn hoàn bậc quân
tử.
Thúc Bảo lúc đầu cũng có bao giờ tính đến sẽ có Lý Huyền Thúy, Sài Tự Xương chu toàn cho, mà chính là trời đất chu toàn cho Thúc Bảo,
vậy, nên mới dành sẵn hai vị cứu tinh ở đấy. Hôm ấy tiệc rượu cho đến
tận nửa đêm, Hùng Tín cùng bạn bè kéo về Giả gia điếm nghỉ ngơi. Từ Hồng Khách thì về Nhan gia điếm chờ Thúc Bảo đưa thư đến, bọn Phàn Kiến Uy
cũng ai về nhà nấy.
Sáng sớm hôm sau, Hùng Tín đã giục Huyền Thúy cùng Tự Xương chạy đi lo chuyện cho Thúc Bảo. Hai người bèn mỗi người mỗi đường. Huyền
Thúy đến tìm gặp Lai Tổng quản, nói rõ chuyện đến Tế Châu dự lễ mừng thọ gặp phải chuyện lôi thôi ra sao, nhờ Lai Tổng quản tìm cách kéo ra khỏi đám cháy, tránh khỏi chuyện vạ lây. Nghe xong mọi chuyện, Lai Tổng quản đáp:
- Thúc Bảo là một võ tướng có khí phách, tiểu đệ cũng rất để ý nâng đỡ, chẳng may gặp phải chuyện này, chỉ riêng chuyện tìm cho ra
người ra của cũng không phải là khó, nhưng phủ đường Tế Châu gây đủ
chuyện phiền hà. Tiểu đệ cũng có thể kiếm một cớ nào đấy để đòi Thúc Bảo về, nhưng chỉ sợ Tế Châu vẫn không chịu cho về.
Nghĩ ngợi một hồi, Lai Tổng quản nói tiếp:
- Có thể vịn vào cớ này là tiện hơn cả: Mới rồi đây Ma Tổng
quản đưa công văn đòi tới dưới trướng Ma Tổng quản năm trăm quân tướng,
để làm việc đốc thúc xây dựng cung điện ở Lạc Dương, do công trình ngày
càng nhiều người, nhiều việc. Nay tiểu đệ bổ nhiệm Thúc Bảo vào việc cầm đầu toán quân này, cấp văn thư cho Thúc Bảo đi ngay. Đây lại là công vụ rất khẩn cấp, Lưu Thái thú vẫn có muốn giữ cũng không dám. Nhược bằng
Lưu Thái thú vẫn giữ, tiểu đệ sẽ có cách thương lượng: ban đầu thì bảo
rằng Thúc Bảo thông đồng với bọn cướp, nên không chịu làm, sau đã trách
phạt đến nơi, bọn cướp vẫn không tìm thấy. Ở phủ đường nguyên có cả hai
đô đầu, một đội bắt cướp lâu nay, sao lại còn xin bằng được. Rồi lại tìm cách gây khó dễ cho gia tướng của soái phủ. Vịn cớ là tướng tâm phúc
dưới trướng Tổng quản, gọi ngay Thúc Bảo về chuẩn bị nhung trang, hành
lý, rồi làm văn thư đi ngay.
Lai Tổng quản cố giữ Huyền Thúy lại, nhưng Huyền Thúy một mực chối từ:
- Chỉ xin đại huynh để ý chu toàn cho Thúc Bảo là tiểu đệ cảm tạ muôn phần rồi!
Tuy thế Lai Tổng quản vẫn nhiệt tâm, khi công việc xong xuôi,
mời Huyền Thúy lại soái phủ chơi vài ngày, chuyện trò, Huyền Thúy kiếm
cớ từ tạ:
- Chỉ ngại Lưu Thứ sử có công văn lên thẳng chỗ tổng lý Vũ Văn Khải, họ Vũ Văn tìm cách thẩm tra lại chuyện này, nên tiểu đệ cũng còn
có việc phải lưu tâm, không thể ở lâu hơn được nữa.
Lai Tổng quản bèn sai lấy lễ vật, lại tận Giả gia điếm đáp lễ, cùng đem quà biếu Huyền Thúy lên đường, tặng mấy trăm lạng bạc làm tiền lộ phí. Chuyện này của Thúc Bảo chính là:
Lưới Thang mở ba mặt
Khó bắt được chim hồng
Thợ săn đành trố mắt
Nhìn chòm mây bềnh bồng. 3
Nói chuyện Tự Xương đến gặp Lưu Thứ sử, Thứ sử cũng vì thấy Tự
Xương là con rể của quan trực tiếp cai quản mình, nên nhất định bày tiệc rượu khoản đãi. Trước tiên là Lưu Thứ sử kể chuyện mình cai quản Tế
Châu trong sạch như nước thế nào, rồi sau đó đến việc nạp bạc vừa rồi
không hề tư túi, cho nên hoàn toàn không một lời kêu ca, phàn nàn, cũng
chẳng có chuyện mất mát, trách phạt gì cả. Không ngờ xảy ra chuyện phủ
bên mất cướp ra sao, quan trên bắt phủ Tế Châu này bồi thường, bắt cướp
thế nào, lâu nay tận tình điều tra, truy lùng mà vẫn không tăm hơi, đêm
ngày lo lắng vất vả thật chẳng lúc nào yên. Tự Xương nghe xong, liền
nhân đó nói:
- Chính vì trong số những người bắt cướp có Tần Quỳnh, mà gần
đây là công vụ tới Trường An, vốn cùng tiểu nhân đây là bạn bè "bát bái
chi giao". Mới rồi đây tiểu nhân tới Tế Châu này để dự lễ mừng thọ Tần
mẫu, mới biết chuyện Tần Quỳnh bị dính dáng rất khổ vì chuyện này, nên
hôm nay tiểu nhân đặc biệt đến dây, để xin Thứ sử hãy tìm cách giải
thoát cho Tần Quỳnh khỏi chuyện phiền toái này.
Lưu Thứ sử đáp:
- Nhân huynh ở xa, có điều không rõ, bọn Tần Quỳnh này chuyên
thông đồng với tụi cướp, dung túng cho chúng để rồi cùng nhau chia của
cướp được cốt tìm mọi cách lên được tới chức kỳ bài quan, lại tìm cách
kết giao với bọn lục lâm ở khắp các châu quận xa gần. Tiểu đệ đã hỏi rõ
chuyện này, vì thế mới nhất quyết khoác chặt việc bắt bọn cướp vào cổ
Tần Quỳnh. Nhược bằng không bắt được bọn cướp thì phải làm bồi thường số bạc. Nếu cứ như lời nhân huynh mà khoan dung cho Tần Quỳnh, thì cướp
làm sao mà bắt được, khi đó thì số bạc ba nghìn lạng, tiểu đệ sẽ phải
bồi thường. Tiểu đệ định ngày mai làm công văn, giải Tần Quỳnh đi Đông
Kinh cho tổng lý Vũ Văn Thuật xử lý. Hôm nay nhân huynh nói thế, tiểu đệ chỉ có thể gia hạn cho Tần Quỳnh để có thêm thời gian bắt cướp tìm bạc
mà thôi.
Tự Xương nói:
- Tiểu đệ tưởng rằng, Đông Kinh chỉ cần có bạc cho đủ là được, người có hay không, chỉ cần nói rõ trong công văn là được rồi.
Lưu Thứ sử đáp:
- Thì cái khó ở chỗ ba nghìn lạng bạc. Tiểu đệ thì lấy đâu ra
mà đền. Cứ bổ đầu các huyện đâu phải dễ dàng, tiền bạc là xương máu của
dân, họ đâu phải dễ kiếm, dễ nạp. Vì vậy mới phải cố sống cố chết mà bắt cho kỳ được bọn cướp.
Tự Xương thấy rõ ý của Lưu Thứ sử, chỉ cần bọn Thúc Bảo có đủ số bạc ba nghìn lạng là được, vì vậy Tự Xương cười mà rằng:
- Thế bọn này lo đền một nửa số bạc thì xong xuôi mọi sự nhé!
Lưu Thứ sử đáp:
- Làm sao mà xong được, còn một nửa nữa mới đủ, bảo tiểu đệ lấy đâu ra?
Tự Xương nói:
- Còn một nửa, chia đều tất cả trong đội lính bắt cướp có được không?
Lưu Thứ sử đáp:
- Bọn này có bồi thường như vậy, thì cũng chẳng sao, chúng đều được bọn cướp lâu nay chia cho chẳng nhiều thì ít, nên có phải bồi
thường thay cho chúng cũng đúng thôi.. Hơn nữa không bồi thường, bọn này đều phải giải đi Đông Kinh, mà đã giải đi, mười chết một sống, chỉ cần
tiền lộ phí thôi cũng tốn kém không biết bao nhiêu rồi.
Nay nhân huynh đứng ra thương lượng chuyện này, ngoài chuyện
bồi thường như vậy, nhân huynh phải đòi chúng biếu nhân huynh ít ra năm
trăm lạng bạc, coi như là tiền tiểu đệ kính lễ nhân huynh. Ngày mai,
tiểu đệ sẽ không bắt bọn này đến để đổi trát nữa, mà chờ chúng nạp đủ
tiền là được, khi bắt được bọn cướp sẽ theo giấy đó mà hoàn lại bạc vậy.
Tự Xương khẽ cười đứng dậy:
- Chỉ sợ bọn này đều nghèo, liệu có bồi thường nổi không đây.
Lưu Thứ sử đáp:
- Số bạc công này không thể thiếu được đâu. Chả cần Tần Quỳnh
làm giấy tờ, tên nào nạp bao nhiêu, tiểu đệ sẽ theo giấy này mà đòi là
xong. Số bạc năm trăm lạng phần nhân huynh cũng thế, đừng có nghe chúng
xoen xoét nghèo khổ mà lấy thiếu.
Tự Xương đáp:
- Chỉ cần trả xong số bạc ba nghìn lạng. Còn tiểu đệ đã lấy cho phần mình ngay từ đầu.
Rồi cáo từ ra khỏi phủ đường, Lưu Thứ sử tiễn ra đến tận cửa.
Chính là:
Chỉ cần Thứ sử lành ung nhọt
Mặc kệ ai người róc thịt da.
Tự Xương về đến Giả gia điếm, thì cũng là lúc Lai Tổng quản đã
cho người mang công văn tới, chỉ cho Tự Xương về, để biết tin tức trong
phủ cùng đến nhà Thúc Bảo. Huyền Thúy đưa công văn cho Tự Xương xem, rồi nói:
- Đang chờ đại huynh trở về, ta cùng đến nhà Thúc Bảo, để Thúc Bảo còn lên đường cho kịp.
Tự Xương xem xong, thở dài mà than:
- Lâu nay người đời khinh thường bọn võ quan thì giờ này bọn này lại tỏ ra hào hiệp hơn nhiều. Bọn văn quan bẩn thỉu quá chừng.
Bàn cãi đủ chuyện, kết cục là bắt đội thổ binh phải bồi thường số bạc, cấp cho bọn này giấy biên nhận, sau đó sẽ trả lại nếu bắt được
bọn cướp.
Hùng Tín lên tiếng:
- Đó cũng chỉ là những chuyện suông thôi. Còn thực là bọn thổ
binh này, trừ Thúc Bảo, Kiến Uy, Vạn Nhẫn, Cự Chân ra đều nghèo khổ
ngoài cái áo che thân ra còn có gì khác nữa đâu, ăn còn chẳng được no,
lấy đâu ra tiền bạc.
Bá Đương nói:
- Chính đây mới là chuyện chúng ta phải tính toán giúp cho họ.
Giảo Kim bàn:
- Chả cần phải bàn cãi gì lắm. Chuyện này chính tiểu đệ gây
ra, thì tiểu đệ xin gánh chịu vậy. Xin Vưu viên ngoại về ngay nhà, tìm
cách bù cho đủ số bạc đã tiêu, đem số bạc ấy đến đây để cứu Thúc
Bảo đại huynh cho kịp.
Vưu Thông đã đứng lên chuẩn bị lên đường lập tức, thì Tự Xương lên tiếng.
- Chuyện này tiểu đệ cũng đã nói rồi, tiểu đệ sẽ lo đầy đủ tất cả.
Công Cẩn băn khoăn:
- Sao lại đổ cả mọi chuyện lên đầu đại huynh cho đáng.
Tự Xương đáp:
- Chẳng còn gì đáng phàn nàn đâu. Đó cũng là tiền của Thúc Bảo đại huynh cả đấy thôi.
Bá Đương hỏi:
- Sao tiền của Thúc Bảo mà lại ở chỗ đại huynh được?
Tự Xương đáp:
- Chả là dạo Thúc Bảo đại huynh cứu nhạc phụ ở Tra Thụ cương,
rồi gặp tiểu đệ ở Báo Đức tự, tiểu đệ có viết thư báo, sau đó nhạc phụ
cho người đem thư từ cùng vàng bạc tới Báo Đức tự, Thúc Bảo đã về Tế
Châu mất rồi, mãi đến giờ, tiểu đệ mới có dịp mang tới. Đang định sau lễ mừng thọ, sẽ đưa tặng Thúc Bảo, nhưng chỉ sợ Thúc Bảo đường đường một
bậc hảo hán, cứu người không vì chuyện đền ơn, sẽ không chịu nhận số bạc này, chi bằng đem quách số bạc đó dùng vào việc này là tiện hơn cả!
Hiển Đạo, Nhuận Phủ cùng hưởng ứng:
- Thế thì hay lắm!
Bội Chi cười:
- Thế mới biết dạo ấy Giảo Kim hiền đệ có mắt nhìn xa, cứ thế
mà xông vào chém giết, cuối cùng có người thay lo ổn cả mọi chuyện.
Giảo Kim cười ha hả:
- Thế là tiện cho tiểu đệ cả hai đường.
Đó là:
Ông Trương nốc rượu mà ông Lý lại say
Nước Sở mất con khỉ mà để cháy lây ra cả khu rừng.
Đang lúc chuyện trò, thấy đầy tớ bên ngoài vào thưa:
- Có Lưu Thứ sử lại thăm!
Mọi người đều tránh vào nhà trong, chỉ để mình Tự Xương ra
tiếp đón, sau khi vái chào chủ khách ngồi uống trà, Lưu Thứ sử lên
tiếng:
- Chuyện này hạ quan đã tính toán kỹ càng. Xin nhân huynh cứ
lấy cho kỳ được năm trăm lạng bạc, lúc đó hạ quan mới cho người thu đủ
số bạc, viết giấy biên nhận. Nếu không thấy chúng đưa bạc cho nhân
huynh, xin nhân huynh đừng nghe, hạ quan sẽ cho giải cả năm mươi tên này lên Đông Kinh, sẽ chẳng còn mong ngày về, mà chỉ có chết!
Tự Xương đáp:
- Tiểu đệ cảm tạ thịnh tình của Thứ sử!
Lưu Thứ sử tiếp:
- Nhân huynh thấy chúng nạp không đủ, lại cho rằng hạ quan nói lấy lòng nhân huynh. Ở cái đất sỏi đá khổ sở này, nếu không làm cho ra
nhẽ như thế thì mình chẳng bao giờ được miếng nào cho ra hồn đâu, xin
nhân huynh đừng lưỡng lự.
Nói xong từ biệt, trèo lên kiệu về.
Bí quyết làm quan phải rất keo
Nửa đồng tiền rút chẳng tha đâu
Rút bòn khố rách quần manh cả
Để cổ quan bà vàng ngọc đeo.
Mọi người đều nghe cuộc đối đáp này, nên ai nấy đều căn dặn Tự Xương:
- Vừa rồi Lưu Thứ sử khuyên đại huynh đừng lưỡng lự nghĩa là thế nào?
Tự Xương đáp:
- Thứ sử bảo tiểu đệ đòi Thúc Bảo tạ ơn năm trăm lạng, số bạc
này Thứ sử sẽ không đụng đến, chỉ cần tiểu đệ nhận đủ thì báo với Thứ sử để Thứ sử mới làm các việc khác cho Thúc Bảo.
Huyền Thúy lên tiếng: .
- Nếu thế đại huynh cứ lấy năm trăm lạng vậy.
Tự Xương bèn gọi gia nhân đem bạc ra, cùng Hùng Tín, Huyền
Thúy, Bá Đương, bốn người ra cửa đến nhà Thúc Bảo. Kiến Uy vì đã được
tay chân tâm phúc của Thứ sử đến báo cho biết về chuyện đòi tiền bồi
thường, và cả năm trăm lạng biếu Tự Xương, đã chạy phần mình, nhưng vẫn
còn thiếu ba trăm lạng, không kiếm đâu ra, đến bàn bạc với Thúc Bảo, vừa may gặp lúc bọn Tự Xương. Sau khi chào hỏi xong xuôi, Huyền Thúy đưa
công Văn của Lai Tổng quản ra cho mọi người xem, thấy ghi:
"Khâm sai Tô Châu tổng quản phủ. Lai tướng quân cấp tờ phê sau:
Theo lệnh của bản chức: Tần Quỳnh, đốc lĩnh kỵ binh của bản châu, gồm năm trăm tên có danh sách rõ ràng kèm theo, đến giao nộp ở dinh quan lớn họ Ma là khâm sai Hà đạo đại
tổng quản, không được gây việc chậm trễ. Đi qua đâu, bất kỳ cửa sông,
cửa thành cũng không được cản trở.
Nay cấp tờ phê này cho lãnh quân hiệu úy là Tần Quỳnh tuân theo như hạn định.
Đại Nghiệp 4 năm thứ sáu, tháng chín ngày hai mươi ba".
Huyền Thúy nói:
- Lai Tổng quản sẽ cho điểm người ngựa đủ số. Khoảng trong vòng ba ngày, đại huynh đã phải lên đường.
Thúc Bảo xem xong cũng không ngạc nhiên gì lắm, chỉ có Kiến Uy là kinh sợ hỏi:
- Xin có lời mừng đại huynh, được cử đi làm việc vinh hạnh
này, rời được nơi nước sôi lửa bỏng. Còn chúng tôi thì không biết làm
thế nào để có thể bồi thường được đủ ba nghìn lạng bạc. Lại còn năm trăm lạng để đưa cho Sài đại huynh đây nữa.
Hùng Tín hỏi:
- Kiến Uy cũng biết rõ chuyện này rồi sao?
Kiến Uy đáp:
- Tiểu đệ có rất nhiều bạn bè thân tín ở trong phủ đường. Ngay sau khi Sài đại huynh nói chuyện xong, đã có người ra nói cho tiểu đệ
rõ mọi điều. Sau đó Lưu Thứ sử lại sai tay chân ra nói, nên cũng chưa
biết nên đối phó ra sao, phải ra bàn với Thúc Bảo đại huynh.
Bá Đương nói với Kiến Uy: .
- Kiến Uy đừng hiểu lầm chuyện này, Sài đại huynh không bao
giờ lại thèm đến bạc của các bạn đâu. Số bạc ba nghìn lạng kia cũng
chính đại huynh sẽ xuất ra.
Kiến Uy ngạc nhiên:
- Làm sao lại có chuyện này được!
Thúc Bảo lên tiếng
- Có chuyện này nhưng không có lý này. Tiểu đệ không dám để
Sài đại huynh bỏ bạc ra, cũng không dám để Kiến Uy phải đóng góp. Nhà
nào giàu có thì bỏ ra, nếu chưa đủ thì tiểu đệ sẽ có cách.
Tự Xương nói:
- Số bạc này, nguyên là của đại huynh chứ không phải của ai đâu.
Tự Xương bèn đem thư của Đường Công Lý Uyên ra, rồi sai gia nhân mang túi, mang hòm vào, mở ra. Tự Xương nói:
- Đây chính là thư của nhạc phụ tiểu đệ gửi tới Báo Đức tự,
thì đại huynh đã về Tế Châu. Tiểu đệ đã nhiều lần định mang tới, nhưng
chưa có dịp nào, lần lữa mãi tới nay.
Thúc Bảo xem thư thì thấy viết:
"Việc cũ Quan Trung, ơn sâu ghi dạ. Những muốn đền ơn mà
chưa thỏa. Vừa tiếp được thư của con rể tới, rất lấy làm mừng rỡ. Nay có ba nghìn lạng bạc, gọi là chút lễ mọn, mừng tuổi tướng quân.
Hẹn rằng bèo nước,
Gặp mặt tạ ơn."
Thúc Bảo xem xong biến sắc mặt nói:
- Sài đại huynh, thế này thì lệnh nhạc 5 coi thường tiểu đệ quá. Kẻ trượng phu hành động trên đời nào phải để chờ báo ơn đâu?
Tự Xương cười nói:
- Tần đại huynh làm việc đó không phải chờ báo ơn. Nhưng về
phía nhạc phụ tiểu đệ phải biết đến chuyện báo ơn đó. Có như thế thì mọi chuyện mới thỏa đáng chứ.
Hùng Tín nói:
- Thúc Bảo hiền huynh không khi nào đòi chuyện này khi cứu
nguy giữa đường, cũng không có lý nào lại bắt Sài đại huynh mang số bạc
này trở về. Nay đang phải cần làm cho xong chuyện này, cứu cho được hơn
năm mươi mạng người, cùng với gia đình họ hàng của họ. Còn hiền huynh
chẳng mảy may cần đến, cho nên lấy hay không lấy, hiền huynh cũng đừng
cố chấp.
Kiến Uy nói:
- Đại huynh Thúc Bảo định làm chuyện bán chuông mua đồng. Đây
chính là tính mạng cả năm mươi anh em chúng tôi. Sài đại huynh đã bằng
lòng, tưởng Tần đại huynh cũng nên bằng lòng mới phải.
Thúc Bảo vẫn không quyết hẳn. Hùng Tín khuyên:
- Thúc Bảo cùng Kiến Uy đều đang gánh việc công, cả hai hãy thu lấy số bạc này mà nạp quan cho gọn chuyện đi!
Bá Đương cũng giục:
- Trong chuyện tiền bạc này, Sài đại huynh thêm vào một tý, thì mọi người lại bớt ra một tẹo, cũng thế cả thôi mà!
Mọi người cùng cười. Thúc Bảo vẫn nói:
- Nhưng riêng tiểu đệ vẫn chưa yên tâm.
Rồi đi vào nhà trong, đem ra ba trăm lạng bạc, nói với Kiến Uy:
- Tiểu đệ cũng nghe Lưu Thứ sử định chia phần bắt mọi người
phải đền, cũng biết hiền đệ còn thiếu ba trăm lạng, nên đã định đem ba
trăm lạng này đưa hiền đệ, để khỏi dính dáng người khác. Chứ cũng không
nghĩ là tìm nơi đi cho xong quách đâu.
Chính là:
Nghìn vàng xem tựa mây lông
Nghĩa nhân sáng rực đuốc hồng nghìn thu.
Kiến Uy đáp:
- Một mình tiểu đệ cũng lo không nổi, xin đại huynh cứ nhận
cho, đợi tiểu đệ gọi Vạn Nhẫn cùng mọi người lại, để họ được thấy nghĩa
khí của đại huynh.
Thúc Bảo bèn thu nhận số bạc, rồi dọn tiệc rượu mời mọi người,
Giữa lúc ăn uống, thì thấy Vưu Thông cùng Giảo Kim tới để từ biệt ra về. Lúc đầu Giảo Kim giữa đường đón đánh Sài Tự Xương, rồi đánh bại Bội
Chi, Quốc Tuấn, nhưng lại bị Bá Đương đánh bại, trong lòng đã có chỗ
không thoải mái, nay thêm chuyện giết người cướp của vỡ lở Giảo Kim càng thấy đứng ngồi không yên. Vưu Thông lại càng lo nghĩ hơn, cũng miễn
cưỡng phải dự lễ mừng thọ cho xong để về cho chóng. Giảo Kim lên tiếng.
- Thấy rõ cảnh lao đao của Thúc Bảo đại huynh, tiểu đệ càng thấy mình không thể làm lụy đến đại huynh.
Đến khi Tự Xương cùng Huyền Thúy lo lắng được hiểm lớn nữa,
thì Vưu Thông, Giảo Kim lại sợ lúc đi đứng, ăn uống, nói năng có điều gì sơ xuất mà lộ chuyện ra, sẽ bị bắt bớ, vì vậy cả hai xin về trước.
Nhuận Phủ sợ bị liên lụy, cho nên cũng không giữ.
Thúc Bảo lưu lại, cùng ngồi tiệc rượu. Vì có Kiến Uy nên cả hai bên đều không nói chuyện gì khác.
Thúc Bảo nói;
- Tiểu đệ cũng muốn lưu hai vị lại chuyện trò vài ngày. Chỉ vì ngày mai đã phải lên đường, cho nên cũng không dám giữ.
Sắp chia tay, Thúc Bảo mới vào nhà trong lấy một ít lễ vật,
đưa Giảo Kim đem về biếu Trình mẫu và cả quà của Tần mẫu gửi riêng cho
Trình mẫu. Rượu đã say rồi. Vưu Thông, Giảo Kim cùng Hùng Tín về Giả gia điếm. Sáng canh năm. Vưu Thông cùng Giảo Kim lên đường.
Sương giăng, trăng tỏa sáng đầy thềm
Eo óc gà đâu rộn cuối đêm
Lọt lưới kỳ lân nhanh gót thoát
Cây cong vội tránh nhẹ thân chim.
Cũng sáng hôm ấy, biết Lưu Thứ sử chỉ cần đến đủ bạc, cũng chẳng để ý gì đến mình, nên Thúc Bảo chỉ đến tạ ơn Lai Tổng quản.
Lai Tổng quản nói:
- Ta lúc ấy không giữ được ngươi, đến nỗi ngươi gặp
phải toàn chuyện nhục nhã, thôi thì bây giờ ngươi hãy tạm đi. La Tướng
quân cùng Lý Huyền Thúy đều đã có lời, đến lúc trở về, ta sẽ thực sự lo
lắng chuyện cất nhắc cho ngươi. Ngươi cũng chẳng phải ngồi dưới người
khác lâu nữa đâu.
Thúc Bảo khấu đầu từ tạ ra về.
Thúc Bảo mở một tiệc lớn, mời khách xa, thêm Kiến Uy, Vạn
Nhẫn, Cự Chân. Ba người này hết lời tạ ơn Tự Xương, họ không hiểu rằng,
nếu không có Thúc Bảo, thì làm gì Tự Xương chịu xuất ra số bạc đó. Thúc
Bảo lại nhờ Huyền Thúy viết luôn ba thư: một cái nhờ Tự Xương đem về cảm tạ Đường Công, một bức thư gửi Uất Trì Nam đem về trình La Tướng quân,
cùng với lễ vật về Tần phu nhân, và một thư gửi em con cô con cậu La
Thành. Lúc này cả đám bạn bè, hào kiệt mới thư thái uống hết chén này
đến chén khác, hết mâm này đến mâm khác, kể chuyện cũ, nói chuyện mới,
vui nhộn, thoải mái hơn nhiều.
Cạn chén trăng gần lặn
Nghiêng bầu ráng đã hồng
Chuyện dài đêm quá vắn
Chim ríu rít ven rừng.
Mãi sáng ra, tiệc rượu vẫn chưa tàn, thì đã nghe ngoài cửa người ngựa huyên náo, chính là số năm trăm người ngựa được lệnh Lai Tổng quản kéo tới để cùng Thúc Bảo đến dinh Ma Đại tổng quản. Thúc Bảo nai nịt
nhung phục, đứng trên thềm nhà gọi các thập trưởng, đội trưởng tới bên.
Vừa đủ mười một đội trưởng, năm mươi thập trưởng, đội đội, hàng hàng
đứng đầy sân. Điểm đủ quân số Thúc Bảo dõng dạc nói:
- Lai Tổng quản đã ra lệnh, sáng ngày mai sẽ lên đường. Các
anh đã lĩnh lương thực lên đường, hãy về chuẩn bị hành trang chu đáo
sáng mai chờ sẵn ở cửa tây để khởi hành.
Quân sĩ nghe xong nhất tề giải tán. Hùng Tín nói với Thúc Bảo:
- Ngày trước Hùng Tín này từng đã dặn hiền huynh: "Cầu vinh
bất tại chu môn hạ", nếu hiền huynh nghe ra, thì đâu đến nỗi thế này.
Thúc Bảo đáp:
- May mà có được Sài, Lý, nhị vị đại huynh nên chuyện họa thành chuyện phúc.
Huyền Thúy nói:
- Kẻ đại trượng phu, sự nghiệp chẳng biết thế nào mà lường trước được!
Ai nấy lại về Giả gia điếm lấy thêm lễ vật lại mừng Thúc Bảo.
Thúc Bảo cũng đem lễ vật ra để gửi các bạn ra về, cả hai bên chẳng ai
chịu nhận. Bá Đương nói:
- Thúc Bảo đại huynh mấy ngày vừa qua rất lo lắng, bận rộn.
Chúng ta cũng chẳng nên ở mãi quấy rầy, để còn thu xếp hành trang lên
đường, lại còn trò chuyện dặn dò bá mẫu cùng tẩu tẩu 6. Ngày mai sẽ ra cửa tây lên đường, chúng ta cũng ở gần đó, sáng mai cùng ra cáo biệt ở ngoài ấy là tiện nhất.
Mọi người cùng cười rồi chia tay.
Thúc Bảo gói ghém đồ đạc, xếp đặt công việc nhà. Gọi Kiến Uy
đến nhận số bạc phải bồi thường đem đi, mãi tới sáng mà công việc vẫn
chưa xong. Đã thấy đội trưởng tới tận nhà đón mời ra chỗ tập trung, Thúc Bảo đốt vàng, thắp hương khấn vái, từ biệt Tần mẫu cùng Trương Thị, nai nịt gọn gàng, đội mũ lớn, khoác áo ngoài màu hồng có thêu hoa, thắt
lưng nạm bạc óng ánh, cưỡi ngựa hoàng phiêu, tập hợp số năm mươi đội
trưởng, thập trưởng ở sân nhà, rầm rộ kéo ra cửa, so với lúc mặc áo
xanh, đội mũ nhỏ ở châu thì đã khác rồi.
Có bài thơ "Tập cổ thi" ghi lại cảnh này như sau:
Ngựa hí mừng vạn dặm
Gươm sáng chói trời xanh
Trượng phu trả nợ nước
Hơn hẳn đời thư sinh.
Ra cửa tây, đến bên cầu treo, hai bên người ngựa xếp thành hàng
dài. Phía đầu phố là chùa Nghênh Ân, Thúc Bảo xuống ngựa, vào chùa. Sợ
có kẻ không chịu đến tập trung, Thúc Bảo lấy danh sách, điểm danh từng
người. Rồi lấy tiền của mình ra: Đội trưởng thì phát cho ba tiền, thế
cũng mất tất cả năm sáu chục lạng bạc. Lại tuyển lấy hai mươi anh trai
trẻ, khỏe mạnh làm gia đinh, theo bên để sai phái và cũng thưởng thêm
tiền. Xong xuôi, trước tiên đến uống rượu tiễn biệt với các bạn cùng làm kỳ bài quan dưới trướng Lai Tổng quán, ai nấy cùng cạn ba chén rượu rồi chia tay. Sau đó là đến bọn Đơn Hùng Tín, mỗi người cũng nâng đủ ba
chén. Thúc Bảo nói:
- Ơn các bạn ở xa tới, nên hãy còn dịp được ra đi thế này. Chỉ vì có Huyền Thúy đại huynh nghĩ ra chuyện tới Lai Tổng quản, nên tiểu
đệ sớm phải lên đường, không được hội ngộ lâu hơn cùng các bạn.
Lại nói với Tự Xương:
- Sài đại huynh, xin nhờ đại huynh lo liệu. Nếu công việc chưa xong với Lưu Thứ sử, tiểu đệ đi rồi chỉ sợ lại có việc khổ đến Kiến Uy
chăng?
Tự Xương đáp:
- Tiểu đệ còn phải lấy giấy biên nhận cho được đã, xin đại huynh đừng lo.
Thúc Bảo lại nói với Uất Trì Nam, Uất Trì Bắc:
- Xin nhờ nhị vị thưa lại với La tướng quân cùng Tần phu nhân, tiểu đệ việc công gấp rút, không thể đến tận U Châu tạ ơn được.
Lại nói với Bá Đương cùng mọi người khác:
- Chẳng mấy khi mà anh em hè bạn lại có thể tụ họp thế này,
đáng nên phải trò chuyện lâu hơn nữa mới phải, không ngờ đã phải chia
tay.
Rồi nhờ Nhuận Phủ, Kiến Uy.
- Mẫu thân tuổi cao, xin nhờ nhị vị chăm sóc thường xuyên cho.
Ai nấy chia tay, lên ngựa, súng nổ ba phát làm hiệu khởi hành.
Chính là:
Trông mặt cả cười
Chưa no con mắt, chưa vơi nỗi lòng
Cuối thu kia dải rừng phong
Lá rơi hay giọt lệ hồng chia phôi
Cầm tay không nói nên lời...
Thúc Bảo đi rồi, Tự Xương còn ở lại Tế Châu ngày hôm đó để thu
xếp xong công việc tiền bạc, rồi cũng lên đường luôn. Nhuận Phủ sắp đủ
lễ vật bày tiệc rượu tiễn hành chu đáo, Tự Xương lên đường đi Phần
Dương. Anh em Uất Trì, Sử Đại Nại, cả ba người vì còn việc quan không
dám lần lữa, nên theo đó Trương Công Cẩn, Bạch Hiển Đạo cũng cùng đi
luôn về Ung Châu. Chỉ còn Lý Huyền Thúy, Đơn Hùng Tín, Kim Quốc Tuấn,
Đổng Bội Chi cùng nhau một đoàn.
Không biết về sau thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT