Đường Túc Tông nóng lòng muốn lấy lại hai kinh Trường An và Lạc Dương bị An Lộc Sơn tranh chiếm mất. Vào tháng 12 âm lịch năm 756 sau Công
nguyên, Đường Túc Tông hỏi ý kiến Lý Tất. "Nay quân địch đương mạnh lại
chiếm cứ kinh thành, lúc nào thì ta có thể tiến đánh để giành lại?".
Lý Tất bình tĩnh đáp rằng: "Tất cả của cải, mỹ nữ An Lộc Sơn cướp được đều đã chuyển về sào huyệt Phạm Dương như vậy chí lớn hùng cứ bốn biển, mưu đồ bá chủ toàn quốc liệu có còn chăng? Tuy hiện nay chiến tướng như
mây, mưu sĩ vô số nhưng những kẻ sẵn lòng chết vì chủ thì có thể đếm
được trên đầu ngón tay, còn lại đều là do thời thế bắt buộc, miễn cưỡng
khuất phục mà thôi. Do đó, theo tính toán của thần, chỉ cần hai năm sau
sẽ chẳng còn tên đạo khấu nào".
Đường Túc Tông vui mừng hỏi "Tại sao? "
Lý Tất đáp rằng: "Các dũng tướng của An Lộc Sơn chẳng qua chỉ có Sử Tư
Minh, An Thủ Trung, Điền Càn Chân, An Chí Trung, A Sử Na Thừa Khánh.
Hiện nay có thể lệnh cho đại tướng Lý Quang Bật đến Thái Nguyên đánh
Tỉnh Hình (Tỉnh Hình, Hà Bắc ngày nay) ở phía bắc; ở giữa cho danh tướng Quách Tử Nghi từ Phùng Dực tiến vào Hà Đông (phía tây huyện Vĩnh Tế,
Sơn Tây ngày nay). Như vậy Sử Tư Minh, An Chí Trung đang trấn giữ ở Phạm Dương không dám rời khỏi Phạm Dương và Thường Sơn ở phía bắc; An Thủ
Trung, Điền Càn Chân không dám rời khỏi Trường An - hai cánh quân đã
ngăn bốn mãnh tướng, An Lộc Sơn sẽ chẳng làm nổi gì. Quách Tứ Nghi thì
không được lệnh giành lấy Hoa âm, nghe theo An quân, giữa Trường An và
Lạc Dương thông suốt không có trở ngại gì. Bệ hạ thì có thể xuất đại
quân đóng ở Hiệp Phong, từ đường nam quấy nhiễu Trường An. Như vậy cả ba đường nam, bắc, trung không ngừng đe dọa phiến quân, chỉ công thành mà
không ngừng liên lạc với nhau, làm cho quân giặc mệt mỏi vì phải phụng
mệnh bôn tẩu suốt chiến tuyến hàng vạn dặm. Đợi đến mùa xuân lại lệnh
cho Kiến Ninh Vương (con trai thứ của Đường Túc Tông) làm Tiết độ sứ
Phạm Dương, từ cửa ải Bắc xuất kích cùng với Lý Quang Bật đánh chiếm
Phạm Dương, lật đổ sào huyệt của phiến quân. Như vậy, An Lộc Sơn đường
lui cũng không có, mà ở lại cũng không yên, chỉ có thể bó tay chịu trói.
Lý Tất đánh trúng vào đặc điểm của địch và ta, tìm ra một
phương án đập nát sào huyệt của địch, sau cùng bao vây tiêu diệt sạch
quân địch. Đường Túc Tông nghe thấy hợp tình hợp lý lại thấy chỉ trong
vòng hai năm có thể dẹp được loạn An - Sử nên rất đỗi vui mừng, chỉ
tiếc rằng chưa suy nghĩ cẩn thận, tường tận về kế hoạch của Lý Tất.
Sau đó, Lý Quang Bật giết được hơn 7 vạn quân địch ở gần Thái Nguyên, bảo
đảm thế tiến công có lợi cho quân Đường tiến vào Hà Bắc đánh thẳng tới
Phạm Dương, Trương Tuần tử thủ ở Tùy Dương (phía nam huyện Thương Khâu,
Hà Nam ngày nay), tuy vì lương thực trong thành đã cạn, viện binh chưa
đến mà bị quân An đánh bại sau 10 tháng cố thủ, nhưng cũng đã tiêu diệt
được hơn 12 vạn quân địch, yểm trợ cho việc tây vận đến Tô Ung, Giang
Hoài của nhà Đường, làm thay đổi tương quan lực lượng giữa hai bên. Đến
tháng 2 năm 757 sau Công nguyên, lính ở Lũng Hữu, Hà Tây, An Tây, Tây
Vực và lương thảo ở Giang Hoài đều đã tập hợp đầy đủ ở địa điểm dự định. Mà sĩ khí của An quân vì phải bôn tẩu mệt mỏi nên đã suy sụp, hơn nữa
trong tháng giêng An Lộc Sơn lại bị chính con trai An Khánh Tự mưu sát.
Thời cơ để quân Đường phản công một trận lớn đã chín muồi.
Thế
là Lý Tất xin với Đường Túc Tông cứ theo kế hoạch đã nói, sai binh mã An Tây và Tây Vực bao vây Tái Bắc đánh thẳng vào sào huyệt Phạm Dương để
cắt đứt đường lui của địch, mở ra tình thế đóng cửa bắt giặc, giành lấy
kết quá huy hoàng. Không ngờ Đường Túc Tông thấy cơ hội chiến thắng đã
nằm trong tầm tay, chỉ lo cái lợi trước mắt, quay ngược lại nói với Lý
Tất "Nay đại quân đã tập hợp, lương thực đã đủ nên thừa thế đánh thẳng
vào tâm gan địch, thu lấy hai kinh. Nếu dẫn quân đến Tắc Bàn ngoài ngàn
dặm, đánh Phạm Dương trước có phải là hơn không"
Lý Tất nghe xong rất lo, vội vàng trình bày:
- Hiện nay đại quân ép địch thì việc giành được hai kinh Trường An, Lạc
Dương là điều chắc chắn, không còn nghi ngờ gì nữa. Song tuy hai kinh có thể giành được nhưng quân địch cũng sẽ còn nơi để mà khôi phục, chúng
ta sẽ lại bị rơi vào cảnh khó khăn, quyết không phải là cách làm hay lúc này. Cái mà chúng ta dựa vào lúc này là binh mã của Tây Bắc và Chư Hồ,
đặc điểm của họ là chịu được lạnh nhưng không chịu được nóng, nếu ta
mượn nhuệ khí của họ, từ Phạm Dương đánh quân địch lúc chúng đang lười
nhác, thế tất sẽ như chẻ tre. Mà hiện nay ở chỗ hai kinh mùa xuân sắp
qua, mùa hè sắp đến, cho dù có đánh hạ được thì binh lính đều muốn trở
về Tây Bắc, mà lúc đó quân địch sẽ thừa thế từ sào huyệt quay trở lại.
Như vậy cuộc chinh phạt vừa mới bắt đầu đã chẳng có kết cục. Xin bệ hạ
nhất thiết phải dùng lính Tây Bắc để đánh vào sào huyệt quân địch trước, sau đó tập trung giết hết quân địch để trừ cỏ tận gốc.
Lý Tất
đã hết lời van nài nhưng Đường Túc Tông vẫn cố giữ sai lầm mà không chịu tỉnh ngộ: "Ta ngày đêm mong đợi giành lại được hai kinh, quyết tâm đã
định, không thể đợi được đến lúc đó".
Lý Tất biết rằng Đường Túc Tông đã kiên quyết muốn tiến công từ chính diện, bỏ qua kế cắt đường
lui của địch, đóng cửa bắt giặc, đành phải lắc đầu không nói gì nữa. Sự
việc quả đúng như Lý Tất dự đoán, quân Đường tuy nhanh chóng chiếm lại
được hai kinh nhưng loạn An - Sử thì còn lâu mới kết thúc. Sau loạn An - Sử kéo dài 8 năm, bề ngoài đã bình định được nhưng mầm họa của loạn An - Sử thì vẫn chưa bị trừ bỏ tận gốc. Các bộ hạ của An - Sử bề ngoài
tỏ vẻ đầu hàng triều đình nhưng thực tế thì vẫn sôi sục tìm cách cát cứ, cuối cùng dẫn đến việc nhà Đường bị tiêu diệt.
Khi đọc đến đoạn sử này người ta thường cảm thán mãi không thôi. Nếu như Đường Túc Tông
theo kế "cắt đường rút lui, đóng cửa giết giặc" của Lý Tất để tiêu diệt
triệt để phiến quân thì có lẽ đã phải viết lại cuốn sử khác về lịch sử
triều Đường.
Kế thứ 22 "Đóng cửa bắt giặc" trong "36 kế" có
nghĩa là đối với những kẻ địch yếu nhỏ phải bao vây lại để tiêu diệt.
Bởi vì kẻ địch phân tán lẻ nhỏ tuy là thế yếu lực mỏng nhưng nếu để
chúng tự do hành động, chạy trốn đi nơi xa thì lúc đó sẽ gian trá khó
phòng, rất bất lợi khi phải truy đuổi. Muốn kế "bao vây bắt giặc" đạt
được thành công thì điều quan trọng là phải lật đổ sào huyệt, cắt đứt
đường về của chúng.
Kế "cắt đứt đường lui, bao vây bắt giặc" có
thể dùng rộng rãi trong kinh doanh thương mại. Nhưng việc dùng kế này
trong kinh doanh không chỉ bó hẹp để đối phó với "tiểu địch" mà sau khi
dành được quyền chủ động cũng có thể dùng để đối phó với những đối thủ
mạnh hừng hừng khí thế, cũng không nên chỉ lý giải rằng đợi đến sau khi
đối thủ vào "trong nhà" mới "đóng cửa" mà hoàn toàn có thể chủ động tạo
ra những cái túi, dụ địch vào "phòng" một cách có kế hoạch sau đó bất
ngờ cắt đứt đường lui.
Ở Ý có một chợ chuyên bán các sản phẩm
mới - chợ Laiven. Có một số sản phẩm mới bán rất chạy, rất nhiều khách
hàng tranh nhau mua, nếu không mua được họ đề nghị chợ nhập thêm hàng.
Thế nhưng câu trả lời lại là: "Rất xin lỗi, chợ này chỉ bán hàng đợt
đầu, không nhập thêm hàng, thôi thì hàng bán chạy cũng đành tình nguyện
vứt bỏ vậy." Có một số khách hàng không thể lý giải được câu trả lời đó
lại kể lại với người khác. Có điều thú vị là từ đó về sau, những người
"không lý giải được", những người "nghe kể lại" càng thường xuyên đến
chợ đó và một khi thích cái gì thì mua ngay không hề do dự.
Hàng hóa "chỉ bán đợt đầu" của chợ Laiven đã là một kế "cắt đứt đường lui",
bao vây bắt giặc cao minh. Vì nếu muốn mua được đồ mới mẻ, ưa thích thì
phải mua ngay tại chỗ chớ không có đường lui.
Còn có chỗ dùng kế này tuyệt vời hơn. Trong một hành lang trưng bày ảnh ở Bỉ có một người
ấn Độ mang theo ba bức tranh với giá 250 đô la. Các cửa hàng tranh dù
nói thế nào đi nữa cũng không chịu mua với giá cao như vậy. Người Ấn Độ
đó tức lên, đùng đùng chạy ra ngoài, đốt ngay một bức tranh trong số đó. Cửa hàng bán tranh tiếc mãi không thôi, vội vàng hỏi xem hai bức còn
lại bán với giá bao nhiêu. Người Ấn Độ đó nói 250 đô la, không cần trả
thêm dù chỉ hào. Chủ cửa hàng tranh lắc đầu muốn mặc cả tiếp. Người Ấn
Độ đó lại đem đốt tiếp một bức nữa, chủ cửa hàng thấy vậy kinh ngạc thất sắc, đành phải cầu xin: "Đừng đốt nốt bức cuối cùng!". Sau đó lại hỏi
xem muốn bán bao nhiêu tiền? Người đó lại nói: "250 đô la không bớt hào, hoặc là mua ngay, hoặc là đốt nốt, khỏi phải nói nhiều!" Chủ cửa hàng
vội vàng cầm lấy bức tranh gọi thuộc hạ lập tức trả đủ số tiền mà người
đó đưa ra.
Hoặc là mua ngay lập tức, hoặc là vĩnh viễn không bao giờ có được Người Ấn Độ đó đã dùng kế này thật gọn gàng, sạch sẽ đâu
vào đấy.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT