Sau khi Võ Tắc Thiên lên ngôi, bà ta đã dùng những biện pháp cứng rắn,
nói một là một, hai là hai để bồi dưỡng những người thân tín, bài xích
những kẻ trái ý mình. Trong số các hoàng đế đời Đường, Võ Tắc Thiên là
người đã sát hại nhiều quan đại thần nhất, ngay cả với con đẻ của mình
cũng không nương tay. Nhưng đối với họ hàng thân tín thì bà luôn luôn
tạo điều kiện trọng dụng, cất nhắc. Đặc biệt là với hai anh em Trương
Dịch Chi, Trương Xương Tông thì không chỉ rất tín nhiệm, thiên vị, muốn
làm gì thì làm mà ngay cả khi phạm tội đáng chém đầu, Võ Tắc Thiên cũng
chẳng nể nang gì thả họ ra từ công đường, từ nhà lao để ngày đêm ở bên
mình.
Đối mặt với chính sách cứng rắn của Võ Tắc Thiên, họ tộc
nhà Lý tỏ ra rất nhu nhược, không hề có ý chí và quyết tâm phản kháng.
Con trai Võ Tắc Thiên là Lý Đán, Lý Hiển lại càng nhu nhược, dù đã lên
ngôi hoàng đế mà vẫn cam chịu để Võ Tắc Thiên nắm hoàng quyền. Võ Tắc
Thiên muốn phế họ, họ cũng chẳng dám biện bạch lấy một lời. Trong số các đại thần hết lòng vì nhà Lý Đường cũng có những người dám nói dám làm
nhưng một thân một mình, không ai là không phải chết vì những mánh khóe
cứng rắn của Võ Tắc Thiên và sự phản đối yếu ớt của các đại thần. Và cứ
thế, một người chỉ muốn thử mùi vị của ngôi nữ hoàng như Võ Tắc Thiên,
biết lấy cứng để trị mềm đã ngồi lên ngai vàng một cách ổn định suốt 15
năm. Vả lại cái quyền muốn làm gì thì làm, thì chủ yếu thuộc về các vị
hoàng đế là nam.
Năm Tự Thánh Võ Tắc Thiên thứ 22 (năm 705 sau
Công nguyên) phe cứng rắn do Tể tướng Trương Giản Chi đứng đầu đã quyết
định lấy mạnh đối mạnh, dùng các thủ đoạn cứng rắn buộc Võ Tắc Thiên
phải nhường ngôi cho thái tử Lý Hiển khôi phục lại thiên hạ của nhà Lý.
Trương Giản Chi là người mưu trí, sâu sắc, quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Tuổi
tuy đã ngoài 80 nhưng ông không hề muốn từ bỏ ý định khôi phục nhà
Đường. Từ khi còn làm quan thứ sử ở Hà Châu, ông đã cùng với quan thường sử Dương Nguyên Diễm ở Kinh Châu hứa với nhau khi bơi thuyền du ngoạn
rằng: "Nếu một ngày nào đó chúng ta có quyền hành thì sẽ cùng giúp nhau
khôi phục nhà Lý". Không lâu sau khi Trương Giản Chi được vào triều làm
Tể tướng đã lập tức tiến cử Dương Nguyên Diễm làm tả vũ lâm tướng quân.
Đồng thời ông cũng ngầm câu kết với một số bộ phận quan trọng, chờ thời
cơ để hành động.
Lúc đó Võ Tắc Thiên đang bệnh nặng, anh em
Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông sợ rằng nếu Võ Tắc Thiên tạ thế thì
họ cũng không còn đường sống nên cũng đã âm thầm chuẩn bị. Trương Giản
Chi cho rằng thời cơ đã đến, không thể trì hoãn thêm nên cố tình gài
những người cùng hội cùng thuyền với mình vào vũ lâm quân làm tướng quân để trực tiếp khống chế cấm quân bảo vệ hoàng cung.
Mọi việc
chuẩn bị xong xuôi, ông dẫn đầu hơn 500 quân tả hữu vũ lâm xông thẳng
vào cửa Huyền Vũ, đồng thời sai người áp tải thái tử Lý Hiển lúc đó đang run rẩy để cùng đạp cửa xông vào nội cung. Anh em họ Trương nghe tiếng
ồn ào vội vàng chạy ra ngoài phòng Võ Tắc Thiên để thám thính tình hình
thì đúng lúc gặp phải Trương Giản Chi. Trương Giản Chi không do dự hạ
lệnh chém đầu tại chỗ. Sau đó xông vào điện Trường Sinh nơi ngủ của Võ
Tắc Thiên. Thị vệ ở trước điện vội xông ra ngăn cản nhưng Trương Giản
Chi một mặt thét "lui quân" một mặt dẫn quân vào gõ cửa phòng ngủ của Võ Tắc Thiên.
Võ Tắc Thiên nghe thấy tiếng lộn xộn bên ngoài đoán
ngay là có biến bèn cố gắng ngồi dậy, nghiêm giọng hỏi: "Kẻ nào dám to
gan làm loạn?" . Trương Giản Chi lúc này đưa thái tử có quân lính vây
xung quanh đến trước giường Võ Tắc Thiên tâu rằng "Anh em Trương Dịch
Chi, Trương Xương Tông mưu phản, thần được lệnh của thái tử trừng phạt
hai kẻ phản nghịch, nhưng sợ lộ thiên cơ nên không dám báo trước..."
Võ Tắc Thiên vẫn giữ nguyên thái độ cứng rắn, trừng mắt nhìn thái tử "Con
dám làm thế sao? Nhưng dù sao tên đó cũng chém rồi, lập tức trở về Đông
cung ngay!".
Trương Giản Chi cũng vẫn cương quyết nói: "Thái tứ
không thể lại trở về Đông cung, trước đây Thiên hoàng Đường Cao Tông đã
gửi gắm con trai cho bệ hạ, nay tuổi đã lớn mà làm thái tử cũng đã lâu,
hạ thần không quên được ơn sâu của Thái Tông, Thiên hoàng nên đã tâu với thái tử trừ gian, mong bệ hạ lập tức truyền ngôi cho thái tử, trên hợp ý trời, dưới đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân".
Võ Tắc Thiên không đời nào để cho uy phong của một nữ hoàng đế bị dập tắt như vậy
nên đương nhiên không chịu nhường ngôi ngay, nhưng không ngờ mình đã
cứng rắn như vậy mà đối thủ lại còn cứng rắn hơn, lại có ý không thành
công cũng thành nhân. Hơn nữa lại thấy lòng người náo loạn, gươm đao
loang loáng, Võ Tắc Thiên đành phải buông xuôi, lẩm bẩm nói: "Được rồi,
được rồi!", sau đó lại chui vào phía trong giường.
Hôm sau,
Trương Giản Chi đã bắt tay ngay vào việc giết những kẻ trái ý mình, giải quyết gọn gàng để trừ bỏ hậu họa, sau đó để Thái Bình công chúa trực
tiếp đi khuyên Võ Tắc Thiên truyền ngôi. Chẳng bao lâu, Đường Trung Tông Lý Hiển được phục ngôi, thực sự nắm hoàng quyền.
Đương nhiên là với những người dám nghĩ dám làm, nói một là một hai là hai, nhất là
trong suốt 5 năm đó luôn giữ thái độ cứng rắn để khống chế việc triều
chính và lại rất thành thạo như Võ Tắc Thiên, nếu dùng những cách thức
mềm yếu để buộc bà ta nhượng bộ thì chỉ có thể làm cho Võ Tắc Thiên càng thêm cứng rắn, càng muốn gì được nấy. Trong cuộc chiến quyền lực tranh
giành ngôi vị hoàng đế này, nhóm do Trương Giản Chi đứng đầu đã chọn
cách làm quyết đoán, mạnh mẽ, không chịu thỏa hiệp, nhượng bộ, quyết
không nương tay, không nể nang nên đã thành công trong việc khôi phục
nhà Đường. Có thể nói cách làm đó của Trương Giản Chi là cách làm sáng
suốt nhất vào thời điểm đó.
Tháng 7 năm 1984, Trung Quốc đã có
cuộc tiếp xúc với phía công ty STAP của Tunizi về việc thành lập nhà máy sản xuất phân hóa học, hai bên đã ra những hạng mục trên cơ sở tận dụng những điều kiện ưu việt của đảo Tần Hoàng. Đến tháng 10, Kuwait cũng
tham gia vào việc hợp tác thành lập nhà máy phân hóa học. Trong lần đàm
phán đầu tiên giữa ba bên, chủ tịch hội đồng quản trị công ty hóa dầu
Kuwait với một thái độ võ đoán cứng rắn vừa mới bắt đầu đã lớn tiếng nói rằng: "Tất cả những việc mà các ông làm trước đây chẳng có tác dụng gì, cần phải làm lại từ đầu" .
Lúc đó, không chỉ phía Trung Quốc mà cả phía bạn Tunizi đều ngớ người ra. Cần phải biết rằng, chỉ riêng việc lập ra báo cáo nghiên cứu có tính khả thi hai bên đã phải cần đến hơn
10 chuyên gia, tốn hơn 200.000 đô la và khoảng thời gian hơn ba tháng
mới hoàn thành xong. Việc phủ nhận hoàn toàn để làm lại từ đầu đương
nhiên là rất vô lý, là cách làm cứng rắn rõ ràng muốn ỷ thế của mình để
buộc người khác phải làm theo. Song không ai dám bác bỏ ý kiến của người đó. Bởi vì danh vọng của ông ta quá cao, ở Kuwait, vị trí của ông ta
chỉ đứng sau người đứng đầu ngành dầu khí và lại là chủ tịch của tổ chức công nghiệp phân hóa học.
Bầu không khí nặng nề bao trùm buổi
đàm phán. Ai nắm quyền chủ động trong cuộc đàm phán sẽ là người quyết
định khi mà bầu không khí nặng nề đó tiêu tan hết. Nhưng nếu nói về cách mà ông chủ tịch hội đồng quản trị tại Kuwait đã tạo ra thì mọi người
đều hiểu rằng nếu hai bên còn lại có hành động tỏ ra nhượng bộ thì sẽ
càng thúc đẩy cái kế cứng rắn mà ông ta đã sử dụng đi đến thành công và
ông ta sẽ khống chế xu hướng của phần đàm phán tiếp theo.
Một vị thị trưởng tham gia đàm phán của phía Trung Quốc trong khi đang cố gắng làm thế nào phá vỡ bầu không khí nặng nề đó đã nghĩ ra cách để giành
lại quyền lợi và khí thế mà mình đáng phải có.
Ngài thị trưởng
đột nhiên đứng dậy nói: "Để xây dựng nhà máy phân hóa học này, chúng tôi đã bố trí một nhà xưởng có vị trí địa lý rất tốt, gần cảng. Cũng là tôn trọng tình hữu nghị giữa chúng ta, chúng tôi đã từ chối rất nhiều doanh nghiệp liên doanh khi họ muốn giành quyền sử dụng mảnh đất đó. Nếu theo như ý của ngài Đổng sở trưởng đây thì không biết là việc này sẽ còn kéo dài đến bao giờ nên tôi chỉ có thể nhanh chóng để miếng đất này cho
người khác. Rất xin lỗi các ngài nhưng bây giờ tôi còn phải đi lo việc
khác, xin phép rời khỏi cuộc họp. Chiều nay tôi lại xin được đến để nghe cao kiến".
Ngài thị trưởng nói xong thì cầm cặp đi ngay. Nửa
tiếng sau, một người trợ lý chạy đến tìm thị trưởng, vui mừng nói: "Quả
là kỳ diệu! Ngài vừa ném quả pháo ra thì tình hình đã thay đổi ngay, vị
Đổng sở trưởng đó bảo rằng phải nhanh chóng mời thị trưởng quay lại,
chúng tôi cần nhanh chóng trưng dụng mảnh đất ở đảo Thái Hoàng đó".
Thông qua hai ví dụ cổ kim, có thể thấy đối với những đối thủ cứng rắn, chẳng có gì trở ngại mà không dùng cách cứng rắn, ngược lại còn thu được kết
quả kỳ diệu.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT