Năm Đại Nghiệp thứ 11 đời Tùy Dạng Đế, Lý Uyên nhậm chức quan đại sử yên dân ở vùng Sơn Tây, Hà Đông và phụng mệnh dẹp yên đạo tặc. Đối với bọn đạo khấu tầm thường như Vô Đoan Nhi hay Kính Bàn Đà... thì chỉ cần một cái phẩy tay mà không hề tổn hao công sức, nhưng đối với quân Đột Quyết ở phía bắc, vì chúng có kỵ binh tinh nhuệ giỏi cưỡi ngựa bắn cung thì lại khiến Lý Uyên rất đau đầu, đã nhiều lần giao chiến mà thắng thì ít, thua thì nhiều. Quân Đột Quyết rất ngang ngược, không biết sợ là gì nên Lý Uyên luôn coi chúng là kẻ thù không đội trời chung.

Năm 616, Lý Uyên được sắc phong làm quan trấn thủ ở Thái Nguyên, quân Đột Quyết lại đang dùng hàng vạn binh mã tấn công vào thành trì Thái Nguyên, Lý Uyên đã phải sai bộ tướng Vương Khang Đạt dẫn hơn ngàn quân ra nghênh chiến mà vẫn thất bại thảm hại. Về sau phải khéo léo dùng kế nghi binh mới đuổi lui được quân Đột Quyết. Đáng ghét hơn là bọn đạo khấu Lưu Vũ Chu bất thình lình tiến đánh cung Phần Dương do Lý Uyên quản (là một trong những cung Tùy Dạng Đế hay di giá tới), bọn chúng còn bắt phụ nữ trong cung để dâng tiến cho Đột Quyết. Người Đột Quyết liền phong cho Lưu Vũ Chu làm Định Dương Khả hãn. Ngoài ra còn có bọn Quách Tử Hòa, Tiết Cử được sự ủng hộ và bao che của Đột Quyết nên thi nhau khởi binh gây chuyện, Lý Uyên phòng ngự một cách yếu ớt và lúc nào cũng có thể bị Tùy Dạng Đế mượn cớ không hoàn thành nhiệm vụ để lấy đầu.

Ai cũng nghĩ Lý Uyên ôm mối thù khắc cốt ghi xương sẽ quyết một trận sống còn với Đột Quyết. Không thể ngờ rằng Lý Uyên lại cho mưu sĩ là Lưu Văn Tịnh làm sứ giả sang bên Đột Quyết để xin làm bề tôi, còn hứa đem gái đẹp và ngọc ngà châu báu sang để tặng cho Khả hãn Thủy Tất.

Đến con trai của Lý Uyên cũng cảm thấy bị sỉ nhục trước hành vi nhượng bộ khúm núm của ông ta. Lý Thế Dân sau khi đã được kế vị ngôi vua vẫn chưa thể nào quên nỗi nhục đó: "Quân Đột Quyết ngang ngược, Thái Thượng hoàng (chính là Lý Uyên)... xưng thần với chúng, trẫm chưa có lúc nào thôi đau lòng!".

Lý Uyên thì "mọi người đều say, riêng một mình ta tỉnh", ông ta có kế hoạch riêng của mình, khúm núm nhượng bộ tuy bộ dạng hơi khó coi một chút nhưng có thể nhẫn nhịn, có thể tồn tại mới trở thành đại trượng phu.

Thì ra Lý Uyên đã căn cứ tình hình chung mà dứt khoát quyết định khởi binh phản Tùy. Thái Nguyên là một trọng điểm quân sự nhưng vẫn chưa phải là nơi lý tưởng để xây dựng cơ đồ vì thế muốn khởi binh thành một phong trào lớn bắt buộc phải tiến về phía tây vào Quan Trung. Đã vào đến Quan Trung thì Thái Nguyên lại là căn cứ địa không thể mất của đạo quân Lý Đường. Vậy phải làm thế nào mới có thể vừa giữ được Thái Nguyên vừa tiến công về phía tây một cách thuận lợi?

Lúc bấy giờ binh tướng trong tay Lý Uyên không quá 3- 4 vạn người, cho dù có dốc toàn bộ lực lượng để giữ Thái Nguyên, ứng phó sự gây chiến bất kỳ lúc nào của Đột Quyết, đồng thời lại phải truy dẹp bọn đạo khấu vốn được sự nâng đỡ của Đột Quyết thì cũng đã sức tàn lực kiệt. Chưa kể nếu tiến đánh Quan Trung thì hiển nhiên không thể giữ quân ở lại để trấn thủ Thái Nguyên. Vì vậy biện pháp duy nhất là phải áp dụng chính sách cầu hòa, để cho Đột Quyết "ngồi mát ăn bát vàng" . Cho nên Lý Uyên đã không đắn đo nhượng bộ tự xưng làm ngoại thần, đích thân viết bức thư tay rằng: "Muốn đại cử nghĩa binh nghênh tiếp chúa thượng, lại muốn xin hòa với quý quốc như thời Văn Đế vậy. Đại hãn mà chịu đem quân tới tiếp ứng giúp ta hành sự ở phía nam thì thật may cho bách tính thoát khỏi nạn binh đao. Nếu chấp nhận hòa thì có thể ngồi không mà hưởng châu báu, đó chính là số mệnh của đại hãn". Lý Uyên thỏa thuận với Đột Quyết cùng định kinh sư, đất đai thuộc về Đường công còn gái đẹp và lụa là châu báu thì dâng cho Khả hãn.

Lùi một bước thấy biển rộng trời cao. Khả hãn Thủy Tất hám lợi quả nhiên đã hòa hảo với Lý Uyên. Trong khoảng thời gian khó khăn nhất của Lý Uyên là lúc từ Thái Nguyên tiến vào Trường An, ông ta chỉ để Lý Nguyên Cát - con trai thứ ba của mình với một số ít binh mã ở lại chốt giữ Thái Nguyên, lại từ chỗ đang bị Đột Quyết xâm chiếm nay bọn Lưu Vũ Chu (trước vốn ỷ thế Đột Quyết làm càn) cũng đã bớt gây chuyện đi nhiễu. Lý Nguyên Cát vì thế mà đã có thể liên tục chuyển người và lương thảo từ Thái Nguyên ra tiền tuyến. Cho đến năm 619, khi Lưu Vũ Chu đánh Phổ Dương thì Lý Uyên đã kịp thiết lập nên vương triều nhà Đường tại Quan Trung. Lúc này vua Đường không những đã có thể đứng vững ở Quan Trung với một căn cứ địa là một vùng lãnh thổ rộng lớn, mà lúc này Lưu Vũ Chu không còn là đối thủ của Lý Uyên nữa, con trai Lý Uyên là Lý Thế Dân vừa xuất mã, chẳng tốn nhiều công sức đã thu phục được Quan Trung.

Ngoài ra, vì Lý Uyên cam lòng nhượng bộ nên đã nhận được sự giúp đỡ không nhỏ của Đột Quyết. Thủy Tất Khả hãn tặng cho Lý Uyên không ít ngựa và quân lính, Lý Uyên cũng nhân cơ hội này mà mua được rất nhiều ngựa chiến. Điều này không chỉ đặt nền móng cho việc củng cố sức chiến đấu của các kỵ binh mà còn tự nhiên làm tăng thêm thế lực cho Lý Uyên rất nhiều do hàng ngũ quân lính của Lý Uyên có thêm nhiều kỵ binh Đột Quyết vốn rất dũng cảm và thiện chiến.

Hành vi khúm núm nhượng bộ của Lý Uyên đã khiến mọi người không ai buồn đếm xỉa đến. Nhưng đối với tình hình bấy giờ thì đó lại là một kế sách hữu hiệu giúp cho đội quân nhỏ bé của họ Lý có thể bảo vệ bình an cho căn cứ địa hậu phương đồng thời lại có thể tiến về phía tây đánh chiếm Quan Trung một cách thuận lợi. Nếu nhìn xa hơn một chút, Đột Quyết sau này lại chả phải cầu hòa xưng bề tôi với vua Đường, Thủy Tất Khả hãn có khi còn phải nhảy múa phục tùng theo sự sai bảo của Lý Uyên!

Từ đó cho thấy, tạm thời nhượng bộ để có thể nhận được sự trợ giúp của đối thủ rồi không ngừng phát triển sau đó lật ngược tình thế khiến đối thủ phải khúm núm nhượng bộ với mình, là một mưu kế rất hữu dụng. Trong cạnh tranh buôn bán, hiện tượng này không phải là hiếm.

Năm 1983, giám đốc điều hành kiêm giám đốc công ty ôtô General của Mỹ là Smith đã đưa ra một quyết sách quan trọng sau khi đã suy nghĩ kỹ càng: Tách một xưởng sản xuất ôtô của công ty tại thành phố Fimebu thuộc bang California ra để sát nhập với công ty Toyota của Nhật để sản xuất Ô tô con hiệu Toyota. Khi đó xe Toyota của Nhật với chất lượng cao giá rẻ đã có mặt tại châu Mỹ. Được sản xuất ôtô ngay trên nước Mỹ là điều mà công ty Toyota hằng mong muốn, vì thế phía Mỹ vừa đề nghị thì phía Nhật đã đưa vội công nhân và thiết bị sang Mỹ để thiết lập nhà máy rồi.

Người Mỹ từ lâu đã rất ghét hãng xe của Nhật sang xâm chiếm thị trường và tước mất vị trí độc quyền trong cả nước về ôtô của họ, thế mà Smith lại công nhiên mời công ty của Nhật sang để sản xuất ôtô, đây chẳng phải sự hạ mình khiến "nước nhục vì mất quyền" thì cũng là bước nhượng bộ "cõng rắn cắn gà nhà". Vì thế khắp nước Mỹ, nhất là giới ôtô ai ai cũng tỏ ý phản đối và khiển trách Smith.

Rốt cuộc thì đây là cõng rắn cắn gà nhà, sự nhượng bộ đơn thuần hay là sự nhẫn nhục có dụng ý? Smith có dự định và cách nghĩ riêng của ông ta. ông ta hiểu rõ rằng sở dĩ giới ôtô Mỹ bó tay bất lực trước sự tấn công của ôtô Nhật, một lý do rất quan trọng đó là Mỹ trước đây quá khinh địch. Khi ôtô Nhật mới bắt đầu xuất hiện tại châu Mỹ thì dường như tất cả các hãng ôtô Mỹ đều cho rằng ôtô Nhật chẳng qua chỉ là thứ đồ chơi của những kẻ mới vào nghề, là thứ hàng hóa rẻ tiền mà thôi. Họ chưa có nhận thức và thái độ đúng đắn đối với những đặc điểm như giá rẻ, tính năng tốt và ít hao nhiên liệu của xe Nhật. Đến khi xe Nhật ngày càng bán chạy ở thị trường Mỹ thì nước Mỹ cũng chỉ biết ngồi nhìn mà không tìm ra được biện pháp nào. Đến nay, xe Nhật về mọi phương diện đều chiếm ưu thế, không thừa nhận điều đó thì quá ư tự cao tự đại. Tranh thủ sự giúp đỡ về kỹ thuật của Nhật để tăng cường thực lực cạnh tranh của hãng xe mình mới là con đường đúng đắn duy nhất để lấy lại thể diện và lấy lại lợi nhuận.

Vì vậy việc Smith cho sát nhập với công ty Toyota của Nhật, bề ngoài như có vẻ cõng rắn cắn gà nhà nhưng thực tế lại là một bước tiến "mời thầy giáo đến nhà", có vẻ như là hạ mình khúm núm trước hãng xe Nhật nhưng thực chất là tìm hiểu kỹ thầy, học tập thầy để rồi sau đó trò sẽ giỏi hơn thầy mà qua mặt thầy một cách dễ dàng.

Đến nay thì bất kỳ nhà sản xuất nào cũng đều biết, muốn cạnh tranh với xe Nhật thì buộc phải hạ giá thành và nâng cao chất lượng xe như ôtô của Nhật vậy, chỉ có cách đồng thời thực hiện hai nguyên tắc đó mới có thể giành được sức cạnh tranh trên thị trường. Và đến đầu những năm 80, công ty xe ôtô General của Mỹ đã khéo léo đi theo con đường này và có thể cạnh tranh được với xe Nhật, cuối cùng đã đứng vững được trên thị trường ôtô nước Mỹ và dần dần loại bỏ được xe ôtô Nhật.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play