Thang tổng trấn bàn bạc với hai con thu xếp hành lý
để về. Lôi tri phủ đưa ra bốn lạng bạc nhờ bọn bếp của Thang làm một bữa tiệc rồi mời Thang đến nha môn của mình ăn. Hôm Thang lên đường, các
quan trong thành đều đi tiễn. Thang đi đường thủy đến Thường Tức, qua hồ Động Đình theo Trường Giang về Nghi Trưng. Trên đường vô sự. Thang hỏi
hai con về việc học hành hàng ngày và ngắm xem phong cảnh trên sông.
Trong vòng hai mươi ngày đến đảo Sa Mã, Thang sai một người đầy tớ về
nhà trước để chuẩn bị đón tiếp. Lão Lục nghe tin liền đến bến Hoàng Nê
đón, chào chú và hai em họ và nói chuyện ở nhà. Thang thấy hắn ăn nói
liến thắng nên rất bực và nói:
- Ta đi đã ba mươi năm về thấy mày đã lớn, nhưng mày học ở đâu cái lối ăn nói hạ lưu ấy?
Rồi Thang để ý thấy thằng cháu hễ mở miệng thì một là "bẩm cụ" hai là "bẩm cụ" nên nổi giận:
- Đồ hạ lưu! Sao mày ăn nói như thế! Tao không phải chú của mày sao? Tại sao mày không gọi tao là "chú" mà cứ gọi là "cụ".
Nhưng Lão Lục thì vẫn cứ nói với hai công tử là "ông cả" "ông hai". Cái đó càng làm cho Thang tổng trấn nổi giận hơn nữa:
- Đồ ăn cướp, mày đáng chết! Mày đã không lo dạy dỗ em họ mày, lại gọi nó là ông cả, ông hai à!
Lão Lục bị mắng mất hồn cúi mặt xuống.
Về đến nhà, Thang tổng trấn lạy tạ tổ tiên và mở hành lý ra. Người anh
nguyên là tri huyện Cao yếu nay cũng cáo lão về nhà, anh em gặp nhau rất vui mừng, cùng uống rượu mấy ngày liền. Thang không đi ra phố cũng
không đi lên phủ thăm các quan, chỉ ở trong cái biệt thự gần bờ sông,
vui chơi cầm sách và dạy con học. Tuy vậy sau ba bốn tháng, y vẫn không
vừa lòng về những bài văn bát cổ của con mình. Y nghĩ bụng:
- Văn chương như thế này thì không bao giờ thi đỗ! Bây giờ nhân lúc ở nhà, ta phải tìm cho chúng một thầy học.
Và trong lòng y cứ lo lắng về việc ấy.
Một hôm người giữ cổng đi vào báo:
- Có ông Tiêu thứ hai ở Dương Châu đến thăm. Thang tổng trấn nói:
- Đó là con ông bạn ta, nhưng không biết khi gặp anh ta, ta có nhận ra được không?
Bèn bảo mời ngay vào, Tiêu Bá Tuyền vào chào. Tổng trấn thấy y đẹp trai và
ăn mặc rất lịch sự; tổng trấn đáp lễ, hai người ngồi xuống. Tiêu Bá
Tuyển nói:
- Xin chúc mừng chú đã về. Cháu đáng lý phải đến sớm
hơn để hầu thăm. Nhưng gần đây ông cụ Cao hàn lâm thị giảng ở Nam Kinh
về hưu, cụ Cao đi qua Dương Châu nên cháu có giữ cụ ở lại ít hôm. Vì vậy cháu đến đây hơi muộn.
- Anh đã thi đỗ vào trường chưa? - Cháu được may mắn là ông chủ khảo trước đây đã lấy cháu vào ở trường bác sĩ. Tuy điều này không phải là hiếm nhưng cháu rất mừng là cách đây ba hôm
cả thành đều học văn chương của cháu, điều đó chứng tỏ nhận xét và sự
cân nhắc của quan chấm thi không phải là thiên lệch.
Thang tổng
trấn thấy y ăn nói linh lợi, nên giữ lại thư phòng ăn cơm, gọi hai con
ra tiếp. Chiều hôm ấy, Thang nói với y rằng mình muốn tìm một thầy học
để giảng cử nghiệp cho hai con. Tiêu Bá Tuyền nói:
- Cháu gần
đây có biết một người, ông ta tên là Dư Đặc, tự là Hữu Đạt người huyện
Ngũ Hà đỗ khoa minh kinh, rất thông thạo về cử nghiệp. Hiện nay ông ta
dạy trong nhà một người buôn muối, nhưng ở đấy ông ta không vừa ý lắm.
Nếu chú muốn mời thầy dạy thì mời ông ta là hơn cả. Chú gửi một cái thư
cho ông ta và cho một trong hai anh cùng đi với cháu thì ông Dư sẽ đến
ngay. Tiền nuôi mỗi năm chẳng qua chỉ đến năm mươi lạng bạc thôi.
Thang tổng trấn nghe vậy rất mừng, giữ Tiêu Bá Tuyền ở luôn hai đêm, sau đó
viết thư mời và bảo người con cả thuê một chiếc thuyền con cùng đi với
Tiêu đến Dương Châu, đến cái nhà ở bên bờ sông của một người buôn muối
họ Ngô để thăm Dư tiên sinh. Tiêu Bá Tuyền bảo Thang Do viết một tờ danh thiếp đề "văn sinh", sau này ông Dư đã làm thầy rồi thì sẽ đổi là "môn
sinh, Thang Do nói:
- Ông ta vừa là thầy vừa là bạn mà thôi. Bèn viết "bạn học và em".
Tiêu Bá Tuyền không làm thế nào được, đành phải miễn cưỡng cầm danh thiếp và cùng đi đến nhà Dư. Người giữ cửa đưa thiếp của Tiêu và mời vào thư
phòng. Thấy Dư đi ra đầu đội mũ vuông, mình mặc áo màu lam, chân đi giày đỏ, da mặt trắng, râu ba chòm, mắt cận thị, trạc độ năm mươi. Sau khi
vào thư phòng, Dư chào hai người và ngồi xuống:
- Anh Bá Tuyền! Hôm trước anh đi Nghi Trưng phải không? Anh về đây từ bao giờ thế?
- Tôi đi Nghi Trưng thăm chú tôi là Thang tổng trấn. Chú tôi giữ tôi lại mấy hôm. Đây là người con của chú tôi là anh Thang Do.
Tiêu lấy ở trong ống tay áo ra một tờ danh thiếp. Sau khi nhìn tờ danh thiếp Dư đặt nó trên bàn nói:
- Như thế này thật là hân hạnh cho tôi quá! Tiêu nói Thang tổng trấn muốn mời Dư làm thầy dạy học!
- Vì thế cho nên chúng tôi đến đây. Nếu anh vui lòng nhận, tôi sẽ đưa thư và tiền.
Dư Hữu Đạt cười, nói:
- Cụ nhà làm quan cao, các công tử lại tài giỏi, tôi già nua và dốt nát dám đâu dạy! Xin để cho tôi suy nghĩ rồi sẽ trả lời.
Hai người từ biệt ra đi. Hôm sau, Dư Hữu Đạt đến thăm Tiêu Bá Tuyền, Dư nói:
- Anh Bá Tuyền ạ! Tôi không thể làm được việc anh nói hôm qua.
- Tại sao thế?
- Nếu ông ta đã nhận tôi làm thầy, tại sao lại viết danh thiếp đề là
"em". Rõ ràng ông ta không muốn học gì ở tôi. Sự việc là như thế. Tôi có một người bạn cũ nay làm tri châu ở châu Vô Vi. Hôm trước đây, tôi có
nhận được thư của ông ta mời tôi đến đấy, cho nên tôi định đến thăm. Nếu ông ta giúp đỡ tôi một ít thì còn hơn là dạy học một năm. Trong vài
ngày nữa tôi sẽ từ biệt ra đi. Nhờ anh thưa lại và tiến cử người khác
cho quan tổng trấn.
Tiêu Bá Tuyền biết không sao ép nài được nữa, nên nói lại với Thang Do để tìm người khác.
Vài hôm sau quả nhiên Dư Hữu Đạt cáo từ nhà chủ, thu xếp hành lý để trở về
ngũ Hà. Nhà Dư ở đường Kim Gia. Mới bước ra cửa, người em ruột đã chạy
ra. Người này là Kim Trì tự là Hữu Trọng cũng là một trong những người
tú tài giỏi nhất ở Ngũ Hà.
Bấy giờ ở ngũ Hà, họ Bành có mấy người đỗ tiến sĩ, hai người được vào hàn lâm. Người ở Ngũ Hà vốn tầm mắt hẹp
hòi, cho nên tất cả huyện đều kính phục họ. Lại có một gia đình khác họ
Phương, người Huy Châu, mở hiệu cầm đồ ở Ngũ Hà, sau chuyển sang buôn
muối, mạo nhận là người ở địa phương và muốn lấy người địa phương đó.
Trước đây, họ Dư ở đường Dư Gia vẫn đời đời kết hôn với gia đình họ Ngu
là gia đình hương thân. Lúc đầu, cả hai họ đều không muốn kết hôn với họ Phương. Nhưng về sau, cũng có một vài người bất tài và vô liêm sỉ tham
của hồi môn của họ Phương nên bắt đầu lấy con gái họ Phương và hai bên
thành bà con. Nhưng sau nhiều đám cưới như thế thì họ Phương không những không cho của hồi môn mà lại nói vung lên rằng họ Dư và họ Ngu tham
tiền họ Phương nên đến cầu thân.
Trong họ Ngu và họ Dư có hai
hạng người không kể gì đến thể diện ông cha. Một bọn là bọn ngốc. Hành
động của họ tóm lại trong tám chữ "Lấy gái họ Phương, chơi bạn họ Bành". Một bọn thì tinh ranh hơn, hành động của họ tóm lại trong tám chữ "Bụng nghĩ họ Phương, miệng nói họ
Bành". Hai câu đó đủ nói lên họ là
người vô sỉ như thế nào. Giả thử không phải họ Phương mà mạo nhận là
người Ngũ Hà thì chắc họ sẽ không sao có vợ, và nếu họ Bành không có ai
đỗ tiến sĩ cả thì họ sẽ không có bạn. Bọn này trong bụng chỉ toàn nghĩ
đến thế lợi. Nhưng kỳ thực chỉ là bọn ngốc thượng hạng. Còn như bọn gian giảo thì trong bụng muốn lấy con gái họ Phương, nhưng họ Phương lại
không thèm. Đã không dám nhận việc đó cho rồi, chúng lại mở miệng nói
quanh nói quẩn để lừa người khác. Người thì nói: "Cụ Bành là thầy học
của tôi! Ông Bành thứ ba có mời tôi vào thư phòng, chúng tôi nói chuyện
tâm sự nửa ngày trời. Người thì nói: "Ông Bành thứ tư ở Bắc Kinh mới
viết cho tôi một lá thư:
Nhờ cách ăn nói như vậy cho nên khi họ
được mời đi dự tiệc, họ thường đem những câu chuyện ấy nói trong bữa
tiệc để loè người khác. Phong tục ở Ngũ Hà xấu như vậy.
Nhưng anh em Dư Hữu Đạt và Dư Hữu Trọng thì vẫn giữ lời giáo huấn của ông cha,
cho nên đóng cửa đọc sách, không nghĩ gì đến việc thế lợi bên ngoài. Dư
Hữu Đạt tuy trong lúc giao du quen nhiều người làm quan ở các phủ, châu, huyện nhưng khi nào về thì không bao giờ ông ta nhắc đến họ. Lý do là
vì dân Ngũ Hà yên chí rằng ai đỗ cử nhân, tiến sĩ thì cũng như là tri
châu, tri huyện vậy. Khi những người này xin xỏ việc gì, thì nhất định
quan tri châu, tri huyện phải y. Nếu có ai nói cho họ biết quan huyện
kính trọng người nào đấy vì phẩm hạnh của ông ta hay quan chơi với người nào đấy vì ông ta là một danh sĩ, thì họ sẽ cười méo cả miệng. Đó là
không nói đến những người thi hỏng. Nếu họ đưa danh thiếp vào thì dân
Ngũ Hà, nói chung, cho rằng gặp tri huyện không phải là việc dễ. Về phẩm hạnh và văn chương, hai anh em họ Dư xưa nay không mấy ai bằng. Nhưng
vì quan huyện không bao giờ đến thăm họ và họ cũng không lấy con gái họ
Phương, không chơi với họ Bành nên mặc dầu bà con không dám khinh nhưng
cũng không kính trọng họ.
Hôm ấy Dư Hữu Trọng đưa anh vào nhà,
chào và sửa soạn cơm rượu để tiếp anh. Hai anh em vừa ăn vừa nói chuyện
việc xảy ra trong năm. Uống rượu xong, Dư Hữu Đạt không vào phòng nghỉ
mà ở lại thư phòng cùng ngủ một giường với em. Đến đêm, Hữu Đạt nói ý
định của mình đi châu Vô Vi thăm một người bạn. Dư Hữu Trọng nói:
- Anh ở nhà một thời gian nữa chứ! Em muốn lên phủ thi một chút, anh đợi khi nào em về hẵng đi.
- Em không biết bao nhiêu tiền dạy học ở Dương Châu ta tiêu hết ráo cả
rồi à! Bây giờ phải đi ngay đến châu Vô Vi lấy ít tiền để tiêu vào mùa
hạ đây! Em cứ lên phủ mà thi. Ở nhà đã có vợ và chị lo liệu cho. Anh em
mình bấy lâu vẫn cứ đóng cửa mà sống. Vậy em cần anh ở nhà làm gì?
- Lần này anh đi, nếu có được vài chục lạng thì khi trở về chúng ta có
thể chôn cất cho thầy mẹ. Quan tài cha mẹ mười mấy năm nay ở trong nhà.
Mỗi khi nghĩ đến việc đó là em không sao an tâm được.
- Phải
đấy! Khi nào trở về, ta phải làm việc ấy ngay. Vài ngày sau, Dư Hữu Đạt
đi châu Vô Vi. Mười hôm sau, quan chủ khảo đến Phượng Dương. Dư Hữu
Trọng thu xếp hành lý đến đấy thuê một cái phòng để ở. Hôm ấy là ngày
mồng tám tháng tư. Hôm mồng chín, quan chủ khảo hành hương. Mồng mười,
treo bảng nhận đơn. Ngày mười một, niêm yết số học sinh tám huyện ở
Phụng Dương được thi. Ngày mười lăm công bố người đỗ: Mỗi huyện ba người đỗ, trong đó có Dư Hữu Trọng. Ngày mười sáu, thi phúc thí. Ngày mười
bảy, công bố kết quả. Hữu Trọng đỗ thứ hai trong số hạng nhất. Y ở Phụng Dương đến ngày hai mươi tư tiễn quan chấm thi xong mới trở về Ngũ Hà.
Khi người anh là Hữu Đạt đến châu Vô Vi, tri châu ở đấy nhờ tình bạn cũ, giữ lại mấy ngày nói:
- Tôi mới làm quan ít lâu nên không có tiền cho anh. Nay có một việc anh có thể giúp và tôi sẽ chuẩn y. Con người ấy có thể đưa ra bốn trăm lạng chia cho ba người. Như vậy, phần của anh là một trăm ba mươi lạng. Khi
trở về anh có thể dùng số tiền ấy để chôn cất hai bác. Sau này tôi sẽ
giúp anh việc khác nữa.
Hữu Đạt mừng lắm cám ơn tri châu và tìm
bị cáo. Hắn là Phong Ảnh can tội giết người. Dư nói giúp hắn Quan tri
châu chuẩn y. Hắn đưa tiền ra và Dư từ biệt tri châu, thu xếp hành lý để về nhà.
Đường về đi qua Nam Kinh, Hữu Đạt nghĩ bụng: Đỗ Thiếu
Khanh bây giờ đang ở cái nhà bên sông gần cầu Lợi Thiệp. Ông ta là em họ mình; mình nhân tiện đến thăm chơi.
Hữu Đạt bèn vào thành đến tìm Đỗ Thiếu Khanh. Thiếu Khanh ra tiếp. Thấy Dư, Đỗ Thiếu Khanh mừng rỡ.
Chào nhau xong, hai người cùng ngồi, ôn lại những chuyện xảy ra hơn mười năm từ khi xa nhau. Dư thở dài mà rằng:
- Cả cái cơ nghiệp đồ sộ như thế, thật là đáng tiếc. Em trước là con một ông quan, nay phải viết văn mà sống. Cuộc đời sa sút như thế thì chịu
làm sao được!
- Tôi ở đây vui với bạn bè sông núi. Bây giờ cũng
quen rồi. Không giấu gì anh, tôi là cái thằng quê mùa mộc mạc, vợ chồng
nuôi mấy đứa con, áo vải ăn rau, trong lòng bình thản. Việc cũ đã qua có tiếc cũng vô ích.
Nói xong Thiếu Khanh bưng trà mời anh họ uống. Uống trà xong, Đỗ đi vào nhà hỏi vợ xem có thể dọn một bữa tiệc mời Hữu Đạt ăn không. Bấy giờ Đỗ Thiếu Khanh đã nghèo, không dọn được tiệc nên
đang nghĩ đến việc đem cái gì để cầm. Hôm ấy là mồng ba tháng năm, vừa
gặp lúc nhà Trang Trạc Giang gửi đến một gánh lễ vật tết Thiếu Khanh.
Người đầy tớ mang một cái quả trong có một con cá, hai con vịt rán, một
trăm bánh nếp, hai cân đường trắng, lại có bốn lạng bạc. Đỗ Thiếu Khanh
nhận lễ vật xong viết thiếp cảm ơn và đưa cho người đầy tớ cầm về. Đỗ
Thiếu Khanh nói với vợ:
- Thế là có thể tiếp khách rồi đấy!
Thiếu Khanh sai mua thêm ít thức ăn nữa và vợ Đỗ thân hành dọn tiệc. Trì Hành Sơn và Vũ Thư vẫn ở cạnh. Thiếu Khanh cũng viết giấy mời họ đến gặp Dư
Hữu Đạt. Khi họ đến, hỏi thăm sức khoẻ xong mọi người cùng ngồi vào bàn
uống rượu. Trong khi ăn tiệc, Dư nhắc đến ý định của mình muốn tìm một
chỗ để chôn cất cha mẹ. Trì Hành Sơn nói:
- Này anh! Miễn là đất khô ráo, không có gió và mối là anh có thể chôn cất hai cụ. Còn cái
chuyện phát phú, phát quí, hoàn toàn là bịa đặt tất.
Dư nói:
- Đúng thế! Nhưng ở quê tôi, người ta chú ý việc này lắm. Do việc tìm
đất rất khó khăn nên họ thường hoãn việc chôn cất cha mẹ. Tôi không bao
giờ để tâm đến việc phong thủy. Các anh có biết nguồn gốc câu chuyện về
Quách Phác 1 như thế nào không?Trì thở dài:
- Từ khi chức quan coi việc chôn cất bị bỏ bê, lệ chôn theo họ 2 không được tôn trọng nữa. Nhiều người có học thức cũng chạy theo thuyết phong thủy. Nhưng càng chạy theo phong thủy thì càng tỏ ra bất hiếu.
Dư kinh ngạc:
- Anh nói gì thế?
- Để tôi đọc anh nghe mấy câu thơ:
Khí tản gió xông đất chẳng lành
Tiên sinh điểm huyệt lẽ sao đành?
Giữa trưa chưa khỏi vòng tai nạn.
Người thế tin gì sách táng kinh!
Đó là một bài thơ của một nhà thơ viết trên mộ Quách Phác. Không điều gì
làm tôi bực mình hơn là bọn thầy địa lý ngày nay, chúng chỉ mượn lời
Quách Phác nói: đất này phát tiến sĩ, đất này phát trạng nguyên. Tôi hỏi anh: danh hiệu trạng nguyên là bắt đầu từ đời Đường mới có. Như thế thì Quách Phác sống ở đời Tần làm sao biết được danh hiệu đó mà lại nói đất thế nào thì phát trạng nguyên? Thật là buồn cười vô cùng. Nếu từ xưa có thể đoán được công danh theo địa lý thì tại sao Hàn Tín lúc chôn mẹ tìm một nơi cao ráo rộng rãi, sau đó làm đến Hoài âm hầu nhưng vẫn không
khỏi bị tru di tam tộc? Như thế thì đất kia tốt hay xấu? Lại càng buồn
cười hơn khi những cái bọn tục nhân kia nói rằng lăng mộ triều ta là do
Lưu Cơ chọn đất. Lưu Cơ là con người đại hiền nhất trong triều đại ta.
Ông ta lo việc binh, nông, lễ, nhạc, còn chưa đủ thì giờ, hơi đâu mà lo
đến việc chôn đất? Không! Khi Hồng vũ lên ngôi thì việc chọn đất là việc bọn thuật sĩ làm chứ Lưu Cơ không có liên quan gì đến đó hết.
Dư Hữu Đạt nói:
- Anh giảng giải như vậy thật là rõ ràng, điếc cũng phải tỏ, mù cũng phải sáng.
Vũ Thư nói:
- Lời của anh Hành Sơn thật là không sai chút nào. Năm trước đây có
trong thành này có một chuyện xảy ra, tôi xin nói các anh nghe.
Hữu Đạt nói:
- Tôi muốn nghe lắm, anh nói đi.
- Ở cầu Hạ Phù ngõ Thi gia có nhà thi ngự sử...
Trì Hành Sơn nói:
- Cái việc của Thi ngự sử tôi cũng có nghe nhưng không rõ lắm.
Vũ Thư nói:
- Thi ngự sử có một người em, anh này cho rằng Thi ngự sử đỗ tiến sĩ mà
mình thì không đỗ là vì mồ mả bà mẹ không tốt nên chỉ phát về phía người anh mà không phát về phía người em. Ông ta mới nuôi một thầy phong thủy ở trong nhà và suốt ngày bàn bạc về việc chôn cất mẹ. Ngự sử nói: Mẹ
chôn cất đã lâu rồi không nên dời đi nơi khác nữa. Nói rồi khóc lóc van
xin người em, nhưng người em vẫn cứ đòi dời mả mẹ đi. Anh chàng phong
thủy kia dọa dẫm: Nếu ông mà không dời mả mẹ đi thì không những ông hai
không bao giờ làm quan mà còn sẽ bị mù mắt. Người em lại càng hoảng sợ,
liền nhờ thầy phong thủy đi khắp nơi tìm đất. Người em nuôi sẵn một thầy phong thủy trong nhà nhưng lại quen rất nhiều phong thủy ở ngoài. Khi
ông thầy phong thủy này đã tìm ra được đất, người em mời thêm mấy thầy
phong thủy khác đến xem. Trò đời thật buồn cười! Mấy ông thầy kia cứ chê bai lẫn nhau chẳng ai chịu ai! Khi một thầy phong thủy tìm được đất
này, thì tức khắc thầy phong thủy kia cho đất ấy hỏng.
Cuối cùng, ông thầy phong thủy lại tìm một nơi khác. Hắn đút tiền cho một người
thân thích ở bên trái miếng đất kia tung tin rằng một đêm nằm mê thấy bà cụ ông ngự sử mặc áo lễ, đội mũ phượng đã chỉ miếng đất ấy cho hắn, ý
muốn được cất mộ ở đấy. Vì chính bà cụ đã chọn đất cho mình, nên tất cả
các thầy phong thủy kia không nói vào đâu được. Thế là dời mả mẹ đến để
vào đó. Hôm ấy, Thi ngự sử và người em quỳ bên cạnh mả mẹ. Khi mả vừa
đào lên thì hơi nóng trong quan tài phụt ra, đập vào mắt người em. Người em mù ngay tại chỗ. Nhưng hắn lại càng yên chí rằng ông thầy phong thủy của hắn là một ông thầy biết cả quá khứ lẫn tương lai. Sau đó, hắn trả
cho ông ta mấy trăm lạng.
Dư Hữu Đạt nói:
- Dân ở chỗ tôi rất thích việc dời mả. Anh Thiếu Khanh! Theo anh như thế là đúng hay sai?
- Tôi xin nói thẳng: triều đình phải ra một cái luật bắt buộc ai muốn
dời mả thì phải làm một cái đơn đưa đến nha môn và người thầy phong thủy phải cam đoan rành mạch rằng trong quan tài có bao nhiêu tấc nước, có
bao nhiêu đấu mối. Nếu mở ra mà quả như vậy thì được. Trái lại nếu có
mối có nước mà khi khai quật lên không có, thì người đao phủ đứng bên
cạnh sẽ chặt ngay đầu thầy phong thủy chó má, còn người cất mả sẽ bị xử
vào tội con cháu mưu giết ông cha và bị xẻo ra từng mảnh. Có thể, cái
trò phong thủy mới có thể chấm dứt được.
Dư, Vũ, Trì vỗ tay reo:
- Hay, hay, phải uống một chén rượu mới được!
Nói chuyện một hồi, Dư đem việc Thang tổng trấn mời mình dạy hai người con ra nói, và cười:
- Rõ thật là vũ phu!
Vũ Thư nói:
- Cũng có những người vũ phu nhưng lại nhã hết sức.
Vũ Thư đem chuyện Tiêu Vân Tiên ra kể lại và nói:
- Anh Thiếu Khanh, anh đem tập tranh ấy đưa cho anh Dư xem.
Thiếu Khanh đem tập tranh ra. Sau khi nhìn bức tranh, Hữu Đạt đọc mấy bài thơ của Ngu bác sĩ và của những người khác. Và nhân hơi men, Hữu Đạt làm
thêm một bài thơ họa theo vần của mọi người. Ba người kia khen ngợi. Họ
uống mãi đến nửa đêm và Dư ở lại với Đỗ liền ba ngày.
Ngày thứ ba, một người buôn vịt ở Ngũ hà đến, mang một bức thư của Hữu Trọng. Khi Dư Hữu Đạt giở ra đọc thì mặt tái ngắt.
Muốn biết nội dung bức thư thế nào, hãy xem hồi sau phân giải.
--------------------------------
1Quách Phác người đời Tần; tục truyền là tổ phong thủy; làm sách táng kinh. Sau bị Vương Đồn giết khi chính trưa.
2Thời xưa có lệ chôn cất theo họ, trong vòng năm đời chôn ở một nơi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT