Thành Nam Kinh mỗi năm từ rằm tháng tư trở đi, phong
cảnh sông Tần Hoài càng thêm xinh đẹp. Ở ngoài sông, thuyền đều cất lầu, gác mui và chèo ra giữa sông. Mỗi thuyền ở giữa khoang đặt một cái bàn
vuông thiếp vàng. Trên bàn bày một ấm Nghi Hưng, những chén sứ xinh xắn
từ thời Thành Hóa, Tuyên Đức. Trà là thứ ngon hạng nhất pha bằng nước
mưa. Khách chơi thuyền mang theo rượu, trong khi thuyền từ từ qua sông.
Đến tối, mỗi thuyền treo hai cái đèn lồng hình bánh ú, đi đi lại lại,
ánh sáng phản chiếu xuống dòng sông. Từ cầu Văn Đức đến cầu Lợi Thiệp,
cửa Đông Thủy, đêm đến tiếng sáo tiếng hát không lúc nào ngớt. Lại có
những du khách mua thứ "pháo chuột’ ném xuống sông. Khi ném xuống "pháo
chiếu sáng loè từ mặt nước bay lên như những cành hoa lê. Đêm nào cũng
vui chơi đến canh tư mới thôi.
Sinh nhật của giám sinh Vũ Thư vào cuối tháng tư. Nhà Vũ thư nghèo, không mời khách được. Đỗ Thiếu Khanh
phải sửa soạn các thứ quả, mấy cân rượu, gọi một chiếc thuyền bồng nhỏ
cùng Vũ Thư đi chơi ở giữa sông. Từ sáng sớm, Thiếu Khanh đã mời Vũ Thư
đến ăn cơm ở cái nhà bên sông. Rồi hai người theo cửa sau xuống thuyền.
Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Anh Vũ Thư, chúng ta đến nơi nào yên tĩnh mà chơi đi!
Thiếu Khanh bảo chủ thuyền chèo đến khúc Tiến Hương, rồi lại quay về. Hai
người khoan thai uống rượu. Đến chiều, cả hai ngà ngà say. Thuyền đỏ ở
cầu Lợi Thiệp, hai người lên bờ nhìn thấy ở bến có một cái biển trên
viết "Thẩm Quỳnh Chi" người nữ sĩ ở Tỳ Lăng, thạo nghề thêu thùa viết
thơ trên quạt, ở tại bên ao Vương Phủ ngõ Thủ Bạc. Khách hàng nhớ để ý
đến "Tỳ Lăng Thẩm".
Vũ Thư xem xong cười rộ: - Anh Đỗ! Anh thấy ở Nam Kinh có nhiều việc lạ không? Những nơi này chỉ có gái điếm ở thôi.
Cô này xem ra cũng là gái điếm thôi, nhưng lại treo biển thì thật là
buồn cười!
- Đó là việc người ta, liên quan gì đến mình? Ta cứ trở về thuyền pha trà uống đi!
Hai người xuống thuyền, không uống rượu nữa, pha trà uống rồi nói chuyện
suông. Một lát, quay đầu nhìn vầng trăng đã hiện lên, ánh bạc chiếu sáng khắp mạn thuyền. Con thuyền cứ từ từ trôi trên mặt nước, đến ao Nguyệt
Nha, thấy bao nhiêu thuyền đang chơi pháo hoa ở đấy. Ở trong số này có
một chiếc thuyền lớn, treo bốn cái đèn ú to, đang bày tiệc rượu. Trên
thuyền trải một chiếc chiếu. Có hai người khách ngồi ở phía trước, đằng
sau là một người ngồi địa vị chủ, đầu đội mũ vuông, mình mặc áo sa
trắng, chân đi giày mùa hè, da mặt vàng, gầy gò, râu bạc thưa thớt. Bên
cạnh là một chàng thanh niên lún phún mấy sợi râu, da mặt trắng đang
liếc ngang liếc ngửa nhìn những cô gái trên các thuyền. Khi chèo lại
gần, Đỗ Thiếu Khanh và Vũ Thư nhận ra hai người khách trong thuyền lớn
kia là Lư Tín Hầu và Trang Thiệu Quang, còn hai người nữa thì không nhận ra là ai. Trang Thiệu Quang trông thấy hai người liền đứng dậy gọi:
- Anh Thiếu Khanh! Mời anh sang đây chơi!
Đỗ Thiếu Khanh cùng Vũ Thư đi sang cái thuyền lớn, chủ khách chào nhau. Người ngồi địa vị chủ hỏi:
- Cho biết quí tính?
Trang Thiệu Quang nói:
- Vị này là ông Đỗ Thiếu Khanh ở Thiên Trường, vị này là ông Vũ Thư.
Người chủ nói:
- Ông Đỗ! Trước đây có một vị làm Thái thú ở Cống Châu có phải là người nhà của ông không?
Đỗ Thiếu Khanh kinh ngạc nói:
- Thưa đó là cha tôi.
- Cách đây bốn mươi năm tôi cùng ông cụ nhà chơi với nhau suốt ngày. Đứng về mặt ngôi bực mà nói cụ nhà anh là anh họ tôi.
Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Thế cụ có phải là cụ Trang Trạc Giang không?
- Chính tôi.
- Lúc ấy cháu còn bé, cháu chưa dược gặp chú, hôm nay may mắn được gặp.
- Ông ta là cháu tôi, lại là học trò của phụ thân tôi. Tôi với ông ta xa nhau đã bốn mươi năm nay, gần đây ông ta mới ở Hoài Dương lại.
Vũ Thư nói:
- Còn vị này?
Trang Trạc Giang đáp:
- Đó là con tôi.
Người thanh niên bước ra chào. Tất cả ngồi xuống. Trang Trạc Giang bảo lấy
rượu mới ra mời các vị cùng uống. Trang Trạc Giang hỏi:
- Anh Thiếu Khanh đến đây từ bao giờ? Hiện nay anh ở đâu?
Trang Thiệu Quang nói:
- Ông ta ở Nam Kinh đã bảy tám năm nay, hiện nay nhà ở gần sông ...
Trang Trạc Giang kinh ngạc nói:
- Nhà của ông có vườn, nhà nghỉ mát, cây cối vào hạng nhất ở Giang Bắc, tại sao ông lại dời lên đây?
Trang Thiệu Quang kể lại những cử chỉ hào hiệp của Thiếu Khanh, do đó ngày
nay tiền bạc hết nhẵn. Trang Trạc Giang khôn xiết thán phục nói:
- Tôi còn nhớ cách đây mười bảy, mười tám năm, khi tôi còn ở Hồ Quảng,
ông Vi ở Ô Y có viết cho tôi một bức thư nói rằng tửu lượng của ông ta
rất khá, hai mươi năm nay chưa có một bữa nào thật say. Chỉ có một lần ở Tứ Thư Lâu ở phủ Thiên Trường được uống một chum rượu giữ chín năm là
say mềm một đêm. Ông ta thích quá nên cách xa ngoài ba ngàn dặm, viết
thư cho tôi. Bấy giờ tôi không biết ai là chủ nhân ở phủ ấy. Nay nhắc
đến, biết ngay là anh Thiếu Khanh chứ chẳng còn ai vào đấy.
Vũ Thư nói:
- Ngoài ông ấy ra, còn ai dám chơi nhã như thế nữa? Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Bác Vi cũng bạn với chú sao?
Trang Trạc Giang nói:
- Chúng tôi quen nhau từ thời còn để chỏm. Lúc cụ nhà ta còn nhỏ, thật
là một vị hiền công tử, không ai không kính trọng. Bây giờ nhìn hình
dung, diện mạo ông, tôi nhớ lại như thấy cụ nhà ở trước mặt.
Lư Tín Hầu và Vũ Thư nói đến việc tế ở đền Thái Bá. Trang Trạc Giang vỗ đùi than:
- Tiếc quá! Một việc quan trọng như thế mà mình lại đến chậm không dư
được! Thế nào tôi cũng phải tìm một việc gì lớn để hội họp tất cả các vị thì mới thích!
Bốn năm người kể lại chuyện cũ, cùng uống mãi đến nửa đêm. Trước nhà Đỗ Thiếu Khanh ở bên sông, những ngọn đèn lồng ở
giữa dòng sông còn le lói; nhưng tiếng đàn, tiếng ca đã dần dần tắt.
Chợt bên tai nghe tiếng sáo ngọc, mọi người nói:
- Thôi chúng ta chia tay.
Vũ Thư cũng lên bộ đi về.
Trang Trạc Giang tuy đã già nhưng rất kính cẩn lễ phép với Trang Thiệu Quang. Khi thuyền đến nhà, Đỗ Thiếu Khanh từ biệt về nhà, Trang Trạc Giang
tiễn Trang Thiệu Quang đến cầu Cửa Bắc rồi hai người cùng lên bộ. Người
nhà cầm đèn lồng đưa Lư Tín Hầu đến nhà Trang Thiệu Quang rồi mới trở
về. Trang Thiệu Quang giữ Lư Tín Hầu ở lại một đêm, sáng hôm sau hai
người lại ra vườn hoa giữa hồ chơi. Hôm sau Trang Trạc Giang cùng con
cầm tờ thiếp rủ Trang Thiệu Quang và con là Phi Hùng đến thăm Đỗ Thiếu
Khanh. Thiếu Khanh lại đến cầu Liên Hoa đáp lễ và ở lại nói chuyện một
ngày.
Thiếu Khanh cũng đến hồ Hậu Hồ gặp Trang Thiệu Quang, Trang Thiệu Quang nói:
- Anh cháu họ tôi không phải là tay vừa. Cách đây bốn mươi năm anh hùn
vốn với một người khác mở một hiệu cầm đồ ở Tứ Châu. Người kia bị sa
sút, anh đem tất cả số tiền kiếm được là hai vạn lạng bạc và cả hiệu cầm đồ nhường cho, rồi vai mang hành lý cưỡi một con lừa gầy, ra khỏi Tứ
Châu. Mười mấy năm nay, anh buôn bán miền Việt, miền Sở lại kiếm được
mấy vạn lạng bạc, dựng lên được sản nghiệp và đến ở Nam Kinh. Anh ngày
thường rất tốt với bạn và tôn trọng luân lý. Khi phụ thân anh mất, anh
một mình lo việc tang lễ không hề bắt anh em phải chịu một đồng tiền. Có nhiều người bạn quen chết không có họ hàng thân thích thì anh chôn cất
giúp. Anh rất kính trọng lời dạy của thầy tôi, rất quí người văn nhân và ham mê không di tích cổ. Hiện nay anh bỏ ra ba, bốn ngàn lạng bạc để
xây miếu Tào Vũ Huệ Vương 1 ở núi Kê Minh. Anh Thiếu Khanh! Khi nào miếu làm xong anh nói với anh Hành Sơn lo việc tế lễ giúp anh ta nhé!
Đỗ Thiếu Khanh nghe vậy trong lòng vui vẻ. Nói chuyện xong Thiếu Khanh từ biệt ra về.
Thấm thoắt hạ qua thu tới, gió hiu hắt báo trước mùa lạnh đã về. Cảnh sông
Tần Hoài lại thay đổi hẳn. Người Nam Kinh đều thuê thuyền, nhờ các hòa
thượng treo tranh đức Phật ở trên thuyền, đặt đàn tụng kinh niệm phật;
họ rải những đồ cúng chúng sinh từ cửa Thủy Tây đến mãi quãng sông Tiến
Hương. Trong vòng mười dặm, khói hương nghi ngút bay lên như mây mù.
Tiếng thanh la, não bạt và tiếng tụng kinh không lúc nào đứt. Đến tối
người ta thả những chiếc đèn hoa sen rất đẹp trôi trên sông. Lại có
những chiếc thuyền giấy rất lớn để siêu độ những cô hồn lên trời theo
thuyết ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân của đạo Phật. Vì vậy, sông
Tần Hoài ở Nam Kinh biến thành nước Tây Vực và Thiên Trúc. Vào ngà hai
mươi chín tháng bảy, có lễ Địa Tạng ở núi Thanh Lương. Người ta nói rằng Địa Tạng Bồ Tát nhắm mắt quanh năm, chỉ đến đêm hôm ấy mới mở mắt. Nếu
thấy nhân dân cả thành phố bày hương hoa đền sáp thì Bồ Tát sẽ cho rằng
suốt năm đều như thế, người sẽ phù hộ. Vì vậy đêm ấy khắp Nam Kinh trước cửa nhà nào cũng bày hai cái bàn trên có một cái lư hương và thắp hai
ngọn đèn sáp suốt đêm. Trên con đường dài bảy tám dặm từ cầu Đại Trung
đến núi Thanh Lương đèn sáng rực như một con rồng bạc.
Mùi hương
xông lên ngào ngạt dù gặp gió to cũng không thể thổi bạt đi được. Tất cả con trai con gái trong thành đều ra đốt hương xem hội.
Thẩm
Quỳnh Chi ở một cái phòng ở bên ao Vương Phủ, cùng đi ra với vợ chủ nhà
để đốt hương. Từ khi Thẩm Quỳnh Chi đến Nam Kinh đến nay cũng có khách
đến thuê làm thơ, viết chữ và thêu thùa. Lại có những bọn vô lại gây sự, kẻ này kháo với kẻ khác kéo nhau đến ngắm sắc đẹp của nàng, điều này
xảy ra không phải chỉ một hai ngày. Hôm ấy Quỳnh Chi đi đốt hương về, ăn mặc xinh đẹp nên đằng sau có đến hơn trăm người đi theo. Trang Phi Hùng cũng theo sau. Thấy nàng đến bên ao Vương Phủ, trong lòng Phi Hùng nghi hoặc. Hôm sau Phi Hùng đến nhà Thiếu Khanh nói:
- Cô Thẩm Quỳnh Chi ở bên ao Vương Phủ có một bọn vô lại chạy theo trêu thì cô ta mắng
lại. Con người này xem ra kỳ lạ lắm. Anh Thiếu Khanh, ta hãy đến đó xem
sao?
- Tôi cũng nghe nói thế. Thời này có nhiều người không vừa
ý, biết đâu cô ta không phải vì lánh nạn mà đến nơi đây? Tôi cũng định
đến hỏi thăm cô ta.
Thiếu Khanh giữ Phi Hùng ở lại nhà bên sông
xem trăng non mới lên, lại mời thêm hai người khách nữa là Trì Hành Sơn
và Vũ Thư. Sau khi nói chuyện suông một hồi Trang Phi Hùng lại đem việc
Thẩm Quỳnh Chi bán thơ ra nói. Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Vô luận cô ta là người như thế nào, nhưng nếu biết thơ văn thì cũng là hiếm có.
Trì Hành Sơn nói: - Anh không biết thành Nam Kinh thế nào ư? Danh sĩ bốn
phương ở đây kể không hết, ai còn hơi đâu xem thơ văn của đàn bà làm
quái gì? Đó chẳng qua là mượn cớ để làm cái mồi nhử người ta thôi. Có
làm được hay không thì cũng mặc người ta!
Vũ Thư nói:
-
Việc này cũng lạ! Một người con gái trẻ tuổi, không có bạn bè gì, lại
sống bằng cách bán thơ văn, đó là điều không có trên thế gian này! Chắc
có ẩn tình gì đây! Nếu cô ta đã biết làm thơ thì tại sao ta không mời cô ta đến làm thơ chơi?
Mấy người nói chuyện và ăn cơm chiều. Mặt trăng lưỡi liềm đã từ lòng sông nhô lên soi sáng trên cầu. Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Anh Vũ Thư! Hôm nay đã muộn rồi. Ngày mai, anh đến nhà tôi ăn cơm sáng, rồi cùng đi thăm cô ta.
Vũ Thư bằng lòng cùng Trì hành Sơn và Trang Phi Hùng từ biệt ra về.
Hôm sau Vũ Thư đến nhà Đỗ Thiếu Khanh. Sau bữa cơm sáng, hai người cùng đến Vương Phủ, chỉ thấy một gian nhà lụp xụp ở trước cửa có hơn chục người
đang hò hét om sòm. Vũ Thư và Thiếu Khanh đến gần, thấy ở trong nhà có
một cô gái trạc mười tám, mười chín tuổi, đang mắng nhiếc. Tóc cô ta
chải theo lối con gái nhà nghèo, người mặc áo sa rộng màu lam, cổ
tròn... Đỗ Thiếu Khanh và Vũ Thư nghe một lát mới hiểu có người đến mua
những túi thêu đựng hương, nhưng có mấy tên vô lại vô cớ mắng nhiếc họ,
và bị Quỳnh Chi mắng cho một trận. Hai người nghe tất cả rồi mới bước
vào. Bọn kia thấy hai người vào bèn lảng ra dần.
Thấy hai người
thanh nhã khác thường bước vào. Thẩm Quỳnh Chi vội vàng ra kính cẩn vái
chào. Sau khi nói mấy câu chuyện, Vũ Thư nói:
- Ông Đỗ Thiếu Khanh đây là thi bá trong thi đàn, hôm qua chúng tôi nghe nói cô thơ hay cho nên đến đây thỉnh giáo.
- Tôi tới Nam Kinh đã hơn nửa năm nay. Ai đến đây nếu không cho tôi là
con gái giang hồ thì cũng nghi là bọn trộm cắp. Những người như thế tôi
không thèm chấp. Hôm nay hai vị đến đây không có ý dọa nạt tôi, cũng
không nghi ngờ tôi. Tôi thường nghe cha tôi nói: "Danh sĩ Nam Kinh tuy
nhiều nhưng chỉ có ông Đỗ Thiếu Khanh là người hào kiệt" Câu nói đó quả
không lầm. Nhưng tôi không biết ông lên đây chơi hay là cả phu nhân cũng lên ở Nam Kinh?
- Nhà tôi cũng lên Nam Kinh với tôi, hiện nay ở cái nhà bên bờ sông.
- Nếu vậy tôi đến quí phủ thăm phu nhân, kể lại tâm sự của tôi có được không?
Đỗ Thiếu Khanh vui lòng nhận lời cùng Vũ Thư từ biệt đi ra.
Vũ Thư nói với Thiếu Khanh:
- Theo tôi, cô ta quả là một người lạ! Nếu cô ta là hạng giang hồ thì
tại sao không có chút gì dâm đãng. Nếu là hạng tỳ thiếp chạy trốn, thế
tại sao không có chút gì tỏ ra hèn hạ? Tôi thấy cô ta tuy là hạng đàn bà nhưng vẫn cóvẻ hào hiệp. Cô ta ăn nói đơn giản, bề ngoài có vẻ thuỳ mị
nhưng nhìn hai cánh tay thì phải là tay thạo nghề quyền thuật. Cố nhiên ở thời bây giờ cũng vị tất đã có những người hiệp nữ như Sa Trung Nữ Tử,
Hồng Tuyến trong tiểu thuyết đời Đường, 2 nhưng tôi cho cô ta là một người bị bạc đãi hành hạ nên trốn nhà ra đi. Khi nào cô ta đến chơi, anh thử hỏi xem con mắt nhận xét của tôi có
đúng không?
Đang nói chuyện, hai người đã đến cửa nhà Đỗ. Nhìn thấy bà Diêu đang đeo một cái giành hoa đi lại, Đỗ nói:
- Bà Diêu! Bà đến đúng lúc quá. Hôm nay tôi có một người khách lạ, bà ở đây mà xem.
Đỗ mời Vũ Thư vào nhà ngồi và cùng bà Diêu vào nói chuyện với vợ. Một lát
sau, Thẩm Quỳnh Chi đi kiệu đến. Đỗ Thiếu Khanh mời vào nhà trong, ở đấy vợ Đỗ tiếp và mời uống trà. Thẩm Quỳnh Chi ngồi ghế khách, bà Đỗ ngồi
ghế chủ, bà Diêu ngồi tiếp. Đỗ Thiếu Khanh ngồi bên cửa sổ. Sau mấy câu
chuyện suông bà Đỗ hỏi:
- Cô Thẩm! Tôi thấy cô còn trẻ như thế tại sao lại ở đây một mình nơi đất khách? Cô có ai là bầu bạn không?
Trong nhà ta ông cụ bà cụ vẫn còn cả chứ? Cô đã hứa hôn với ai chưa?
- Cha tôi bao nhiêu năm đi dạy học ở xa, mẹ tôi đã qua đời. Từ bé, tôi
có học qua nghề thêu thùa cho nên đến Nam Kinh làm nghề đó để sinh sống. Vừa rồi, tôi được Đỗ tiên sinh hạ cố đến nhà và hẹn tôi lại đây chơi,
nay lại được phu nhân tuy mới gặp lần đầu nhưng đã xem như người thân,
thật là người tri kỷ ở nơi góc biển chân trời!
Bà Diêu nói:
- Cô Thẩm thêu đẹp tuyệt trần! Hôm qua con được xem bức tranh thêu "Quan Âm tống tử" ở nhà ông Cát Lai Quan ngay trước cửa nhà ta. Bà Cát mới
mua về, nói là của cô thêu. Thực là không bức tranh nào đẹp bằng!
Thẩm Quỳnh Chi nói:
- Tôi làm liều đấy, nó chỉ mua cười mà thôi. Bà Diêu đi ra. Thẩm Quỳnh
Chi quì dưới chân bà Đỗ, Bà Đỗ hoảng sợ đỡ dậy. Thẩm Quỳnh Chi đem
chuyện tên buôn muối lừa bắt làm thiếp và nàng mang theo đồ tế nhuyễn
rồi trốn đi như thế nào kể lại một lượt.
- Tôi chỉ sợ hắn theo dõi, tìm ra tung tích. Vậy xin phu nhân cứu tôi với!
Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Bọn buôn muối giàu có, xa hoa, nhiều bọn sĩ đại phu thấy vậy mà kinh
hồn hoảng vía. Nàng là một người con gái yếu đuối lại coi chúng như cỏ
rác, thực là đáng kính vô cùng. Cố nhiên, hắn sẽ dò la tung tích, tai
họa của nàng ắt không xa. Nhưng cũng không có gì mà phải lo lắm.
Vừa lúc ấy, thì một người đầy tớ vào báo với Thiếu Khanh.
- Ông vũ muốn nói gì với ông.
Đỗ đi ra phòng ngoài, thấy hai người buông thõng tay đang đợi ở cửa giống như hai sai nhân. Đỗ giật mình hỏi:
- Các anh ở đâu đến? Làm sao lại vào mãi đây?
Vũ Thư nói:
- Tôi bảo họ vào đấy! Lạ quá! Quan huyện Giang Đô có giấy bắt cô ta bảo
rằng cô ta là nàng hầu của người buôn muối họ Tống trốn đi. Anh thấy tôi xét có đúng không?
- Cô ta hiện nay ở trong nhà tôi. Nếu tôi
đưa ra chả hóa ra tôi gây ra việc này sao? Việc này mà truyền đến Dương
Châu thì người ta sẽ cho rằng tôi đã giấu cô ta trong nhà. Cô ta trốn
hay không cái đó không quan hệ gì đến tôi, nhưng giao cô ta cho sai nhân thì không được.
Vũ Thư nói:
- Vì vậy tôi mới bảo sai
nhân vào đấy! Anh Thiếu Khanh ạ. Bây giờ tốt nhất là đưa cho họ một tí
tiền, bảo trở về bên ao Vương Phủ. Khi nào cô ta về nhà hãy bắt.
Thiếu Khanh nghe lời Vũ Thư thưởng cho sai nhân bốn đồng cân bạc, sai nhân ra đi, không dám trái lời. Đỗ Thiếu Khanh lại vào nói với Thẩm Quỳnh Chi.
Vợ Đỗ và bà Diêu rất kinh hoảng. Thẩm Quỳnh Chi đứng dậy nói:
- Cái đó không can gì. Sai nhân đâu rồi? Tôi xin cùng đi với họ.
Đỗ Thiếu Khanh nói: - Tôi đã bảo sai nhân đi rồi. Cô hãy ở đây ăn cơm.
Ông Vũ Thư có một bài thơ muốn tặng cô. Cô hãy đợi ông ta viết xong đã.
Thiếu Khanh bảo vợ và bà Diêu ngồi tiếp, còn mình ra phòng ngoài lấy một tập
thơ đã khắc cùng với bài thơ của Vũ Thư và cân bốn lạng bạc gói lại bảo
người đầy tớ đưa cho bà Đỗ biếu Thẩm Quỳnh Chi gọi là món quà khi chia
tay.
Thẩm Quỳnh Chi từ biệt lên kiệu đi thẳng về ngõ Thủ Bạc. Hai tên sai nhân đứng sẵn trước cửa cản lại:
- Cô muốn đi kiệu hay là đi bộ theo chúng tôi? Cô không cần phải vào nhà làm gì?
- Các ông ở nha môn quan huyện đến hay ở nha môn quan tuần, quan án đến? Tôi không phải là người phạm pháp, lại không phải là can án gì quan
trọng, lẽ nào các ông lại ngăn cản tôi không cho tôi về nhà? Cái lối dọa nạt của các ông chỉ dọa được những người nhà quê ngờ nghệch mà thôi!
Nói xong Quỳnh Chi xuống kiệu khoan thai bước vào nhà. Hai người sai nhân phải để cho nàng đi.
Sau khi đã mang theo tập thơ và tiền bạc bỏ trong một cái hộp nữ trang, Quỳnh Chi đi ra, nói:
- Phu kiệu! Cáng tôi lên quan huyện!
Phu kiệu đòi tiền thêm. Sai nhân vội vàng nói:
- Này cô! Ai sai đâu thì sai chứ bọn "sai nhân" thì không"nói sai" đâu
đấy! Chúng tôi dậy từ sáng sớm đứng đợi nửa ngày trước nhà ông Đỗ. Lại
muốn giữ thể diện cho cô, chúng tôi để cô đi kiệu về nhà. Cô là đàn bà
con gái lẽ nào lại không biết đến việc thết chúng tôi hay sao?
Biết rằng bọn sai nhân đòi tiền, nàng không thèm để ý chỉ cho những người
khiêng kiệu thêm hai mươi bốn đồng tiền bảo họ đưa nàng đến huyện. Bọn
sai nhân không biết nói sao, chạy vào huyện bẩm:
- Chúng con đã mang Thẩm thị về đây.
Tri huyện nghe nói, sai gọi đến công đường để hỏi. Khi dẫn lên, tri huyện nhìn diện mạo cũng khá bèn hỏi:
- Nàng đã là đàn bà tại sao không chịu ở trong chốn buồng the lại lấy trộm vàng bạc nhà họ Tống rồi trốn đến ở huyện ta làm gì?
Thẩm Quỳnh Chi nói: - Tống Vi Phú ép buộc con gái nhà lương thiện làm
thiếp, cha tôi đi kiện ông ta, ông ta đút tiền cho quan nên cha tôi thua kiện. Nó là kẻ thù không đội trời chung của tôi. Vả chăng, tôi tuy bất
tài cũng biết qua dăm ba chữ. Tại sao một người con gái có thể lấy
Trương Nhĩ lại đi làm nô tỳ cho Ngoại Hoàng? 3 Vì vậy cho nên tôi bỏ trốn. Đó là sự thực.
- Việc này là việc tri huyện Giang Đô ta không xét? Nếu nàng biết chữ, vậy có thể làm một bài thơ ngay trước mặt ta không.
- Xin quan cứ ra đề để tôi được thỉnh giáo.
Tri huyện liền chỉ cây hoè ở dưới sân:
- Lấy cây hoè làm đầu đề.
Thẩm Quỳnh Chi không chút sợ sệt, ngâm một bài thơ bát cú, đã lanh lại hay.
Tri huyện tán thưởng, sai người mang hành lý của nàng để ở ngoài sân vào khám xét. Khi mở hộp đồ trang sức thấy một gói bạc vụn, một cái gói
trên viết "món quà lên đường’ trong có một quyển sách, một quyển thơ.
Tri huyện xem xong, biết nàng đã xướng họa với các danh sĩ ở Nam Kinh. Y viết công văn và dặn sai nhân:
- Chúng bay mang Thẩm Quỳnh Chi
đến huyện Giang Đô. Trên đường đi phải săn sóc cô ta, không được gây sự, đến nơi phải lấy giấy chứng nhận đem về đây.
Tri huyện này là
bạn đồng khoa với tri huyện Giang Đô, y bí mật viết một cái thơ kèm vào
tờ công văn dặn tri huyện tha nàng, trả về với cha nàng để nàng lấy
chồng khác.
Thẩm Quỳnh Chi và hai sai nhân ra khỏi huyên. Nàng
thuê kiệu đến ngoài cửa thủy Tây, xuống thuyền đi Nghi Hoàng là người
giàu và ngốc, sau người ấy lấy Trương Nhĩ được phong làm Triệu Vương.
Trưng. Sai nhân để hành lý ở đầu thuyền và nằm nghỉ ở đấy. Thẩm Quỳnh Chi ở
khoang trong. Nàng vừa ngồi xuống thì thấy có một chiếc thuyền bồng chờ
hai người đàn bà đến, một người trạc hăm sáu, hăm bảy, một người trạc
mười bảy, mười tám. Họ ăn mặc mộc mạc, nhưng điệu bộ có vẻ lẳng lơ.
Người đàn ông đi theo đội mũ lông chiên đã rách, mặt đỏ như say rượu,
lông mày rậm. Y mang hành lý đưa vào khoang. Hai người đàn bà cùng ngồi
cạnh Quỳnh Chi và hỏi:
- Cô đi đâu? - Tôi đi Dương Châu. Có lẽ cùng đi một đường với hai chị.
Người đàn bà lớn tuổi hơn nói: - Chúng tôi đến Nghi Trưng không đi Dương
Châu. Một lát sau, người chủ thuyền đòi tiền. Hai người sai nhân nhổ
toẹt một cái và đưa công văn ra:
- Coi này! Cái gì đây! Chúng tôi đi việc công không hỏi tiền anh là may rồi! Anh còn hỏi tiền chúng tôi sao?
Chủ thuyền không dám hỏi tiền nữa. Quay lại hỏi tiền những người khác.
Thuyền đỗ ở mỏm Yến Tử. Trong đêm đó, gió tây nam thổi, sáng sớm, thuyền đến bến Hoàng Nê. Sai nhân đòi tiền Thẩm Quỳnh Chi.
Quỳnh Chi nói: - Hôm qua tôi nghe rõ ràng các anh nói là việc công không phải trả tiền đò kia mà!
Sai nhân nói:
- Cô Thẩm! Cô cay nghiệt vừa vừa chứ! Chúng tôi giữ chùa thì ăn oản chứ! Nếu ai cũng như cô cả, không chịu mất một đồng nào thì chúng tôi hớp
gió mà sống à!
Thẩm Quỳnh Chi nghe vậy nói:
- Tôi không cho các anh tiền, các anh làm gì tôi?
Nàng ra khỏi khoang, nhảy lên bờ, hai chân nhỏ xíu chạy như bay. Sai nhân
vội vàng xách hành lý chạy theo, nhưng khi vừa túm được thì liền bị mấy
cái đấm ngã hẳn xuống đất. Khi họ đứng dậy thì nàng kêu la ầm ĩ đến nỗi
cả chủ thuyền và người đội mũ lông chiên rách phải chạy lại can và thuê
cho nàng một cái kiệu. Hai tên sai nhân lẽo đẽo chạy theo.
Người đội mũ lông chiên kia đưa hai người đàn bà đi qua đập Đầu Dạo, thẳng đến ngõ Phong Gia. Vương Nghĩa Ân ra đón nói:
- Cô Tế và Cô Thuận đến đấy phải không? Ông Lý thân hành dẫn đến đây
chứ. Công việc làm ăn ở cửa Thủy Tây ở Nam Kinh gần đây ra sao?
Lý Lão Tứ nói:
- Gần đây bọn con hát ở cầu Hoài Thanh nó phá đám nên phải chạy đến nhờ ông đây.
- Tốt lắm! Ở đây đang thiếu hai người!
Vương nghĩa An đưa hai người gái điếm vào một cái nhà tranh ba gian có phên
ngăn ra từng buồng, đằng sau có một cái bếp. Một người đang rửa tay ở
đấy. Nhìn thấy hai người gái điếm, y vui mừng khôn xiết. Chỉ nhân phen
này khiến cho:
Trong làng hoa nguyệt, chỉ ưa cậy thế khoe quan,
Giữa đám bút nghiên, có lúc vì hoa nể liễu.
Muốn biết việc sau thế nào hãy xem hồi sau phân giải.
--------------------------------
1Tào Bân danh tướng đời Tống lúc chết được phong làm Huệ Vương.
2Hai nữ hiệp ở trong tiểu thuyết đời Đường. Xa Trung Nữ Tử có thuật phi hành nhanh như bay, cứu người trong chốn ngục sâu. Hồng Tuyến đã từng đêm
khuya lẩn vào nhà hào phù lấy trộm hộp vàng bên gối nó. Từ đó nhà hào
phú sợ không dám giết hại người nữa.
3Thời chiến quốc, có một người đàn bà không chịu lấy Ngoại
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT