Đỗ Thận Khanh và Quý Vi Tiêu gặp nhau rất là ý hợp tâm đầu. Chiều ấy, vì Quý Vi Tiêu ở trọ lại chùa Thừa Ân, ở trong thành cho nên thấy trời
tối, Vi Tiêu vội vàng trở về thành. Bão Đình Tỷ theo Đỗ Thận Khanh về
nhà. Đỗ Thận Khanh mua rượu cho Bão Đình Tỷ uống và hỏi:
- Ông
Vi Tiêu là người như thế nào? Đình Tỷ kể lại việc ngày trước Quý được
Hướng tri phủ lấy đỗ đầu, sau đó Quý lấy cháu gái Vương quản gia tức là
cháu của Bão. Năm nay, cụ Tuân làm Diêm vận sứ cho Vi Tiêu mấy trăm lạng bạc. Nhờ thế, Vi Tiêu, vừa mới cưới một cô vợ họ Vưu ở Dương Châu. Bão
kể lại từ đầu đến cuối một lượt. Đỗ Thận Khanh nghe vậy mỉm cười và nhớ
tất cả. Đỗ giữ Bão ở lại nhà mình nghỉ. Đêm ấy, Bão Đình Tỷ lại kể
chuyện Hướng tri phủ đối đãi với mình tốt như thế nào. Đỗ Thận Khanh
khôn xiết bùi ngùi. Bão lại nói đến chuyện mình lấy Vương thị vất vả như thế nào. Đỗ Thận Khanh cười vang. Sau đó hai người đi ngủ.
Sáng
hôm sau, Quý Vi Tiêu và một người họ Tôn trước làm việc ở vương phủ cùng đến thăm. Hai người bước vào, vái chào và ngồi xuống. Tôn kể lại chuyện mình xướng họa ở kinh đô với bảy người danh sĩ họ Vương, họ Lý ở phủ
Triệu Vương 1
Đỗ Thận Khanh nói:
- Ông Phụng Châu và ông Vu Lân là chú của tôi.
Tôn nhắc đến người thứ ba là Tôn Tử Lương. Đỗ nói:
- Ông Tôn là bạn đồng khoa với thầy tôi.
Nhưng khi Tôn nói rằng mình là người anh em họ với Tôn Tử Tương thì Đỗ Thận
Khanh không đáp. Người nhà bưng trà lên. Uống trà xong, Tôn về trước để
Quý Vi Tiêu ở lại nói chuyện. Đỗ Thận Khanh nói:
- Anh Vi Tiêu! Tôi rất ghét những người hễ mở miệng ra là nói đến bọn mũ sa 2. Vừa rồi, cái ông kia nói rằng ông bác tôi là Tôn Tử Tương lại là anh em với ông ta. Tôi chỉ sợ ông bác tôi xấu hổ vì đã có một người anh em hèn hạ như thế!
Đang lúc nói chuyện, cơm dọn lên. Hai người ngồi ăn. Người đầy tớ vào bẩm:
- Có bà Thẩm đợi ở ngoài.
- Gọi bà ta vào. Có ngại gì việc ấy?
Người đầy tớ ra đưa bà Thẩm vào. Đỗ Thận Khanh bảo:
- Đem một cái ghế dài cho bà ta ngồi.
Bà Thẩm hỏi:
- Vị này là ai?
- Đó là ông Quý ở An Khánh. Việc tôi nhờ bà thế nào rồi?
- Tôi đến đây chính vì việc ấy đấy. Sau khi ngài nói việc ấy với tôi,
tôi tìm gần khắp thành Nam Kinh cho ngài một người. Bởi vì ngài là một
người hết sức lịch sự, sang trọng xem chừng không có cô nào xứng đôi,
cho nên tôi không dám đến đây nói. Nay nhờ công phu tìm kiếm, tôi đã tìm được một cô ở Hoa Bài Lâu. Cô này họ Vương, làm nghề dệt lụa, thực là
tài mạo tuyệt vời, không ai sánh kịp, năm nay mười lăm tuổi. Còn nói cô
ta đẹp như thế nào thì chỉ nhìn người em trai cô ta kém cô ta một tuổi
là đủ biết. Nếu anh ta ăn mặc áo quần đẹp, trang điểm vào thì tất cả
những người đóng vai con gái ở trong mười ban hát ở cầu Hoài Thanh cũng
đều không thấm vào đâu. Anh ta biết hát, biết diễn tuồng. Cô này với
ngài thực là xứng đôi vừa lứa. Ngài có đi xem mặt không?
Đỗ Thận Khanh nói:
- Bà nói với cô ta ngày mai tôi lại.
Bà Thẩm vâng dạ đi ra. Quý Vi Tiêu nói:
- Tôi có lời mừng anh.
Thận Khanh cau mày:
- Anh ạ! Đây cũng chỉ vì muốn có con trai nối dõi, không biết làm thế nào. Nếu không tôi lấy hầu làm quái gì!
- "Trai tài gái sắc phải vui chơi kịp thời" chứ! Tại sao anh lại nói ngược đời như vậy?
- Anh Vi Tiêu! Anh nói thế là chưa hiểu tôi. Thái Tổ Cao hoàng đế chúng ta 3 nói: "Nếu ta không phải do người đàn bà đẻ ra thì ta đã giết tất cả
những người đàn bà trong thiên hạ rồi". Làm gì có người đàn bà tốt! Tính tình của tôi không chịu họ được. Họ ở cách xa ba gian phòng, tôi đã
ngửi thấy mùi hôi thối của họ rồi!
Quý Vi Tiêu chưa hỏi tại sao thì người đầy tớ đã đưa một tờ danh thiếp vào và nói:
- Ở bên ngoài có ông Quách ở Vu Hồ đến thăm.
Đỗ nói:
- Tôi không quen ai họ Quách ở Vu Hồ cả.
Quý Vi Tiêu cầm tờ thiếp xem và nói:
- Ông ta tên là Quách Thiết Bút, chủ một hiệu khắc dấu ở ngoài cửa chùa. Chắc ông ta đã khắc cho hai ông con dấu vuông nên đến chào chứ gì. Cứ
gọi ông ta vào!
Đỗ Thận Khanh bảo đầy tớ mời Quách Thiết Bút vào. Quách Thiết Bút vào vái chào, nói một tràng dài tỏ lòng ngưỡng mộ:
- Gia đình ông "Một nhà ba giáp bảng, bốn đời sáu thượng thư". Còn học
sinh và tôi tớ thì ở khắp cả thiên hạ: Số người làm tổng đốc, tuần vũ,
bố chánh, thủ đạo, đếm không hết. Cả những người quản gia, khi ra khỏi
nhà cũng được hàm cửu phẩm. Này ông Quý: Khi nhỏ tôi vẫn nghe người ta
nói người con cụ Đỗ là bậc thiên tài giỏi nhất trong thiên hạ, thế nào
ông ta cũng đỗ trạng nguyên.
Quách nói xong, lấy ra một cái hộp
bọc gấm, ở trong có hai con dấu vuông, ở ngoài viết hai chữ "Đài Ấn".
Quách cầm hai tay đưa cho Đỗ. Đỗ Thận Khanh nhận lấy. Nói chuyện suông
một lát, Quách bước ra. Đỗ tiễn ra rồi quay trở lại nói với Quý Vi Tiêu:
- Hắn vừa mới gặp ta đã nói lải nhải khó chịu. Nhưng điều hắn nói kể ra đúng sự thực cả.
Quý Vi Tiêu nói:
- Chuyện trong quý phủ ai mà chả biết!
Đỗ mời Quý ở lại ăn cơm. Rượu bưng lên, hai người ngồi uống rượu nói chuyện tâm sự. Quý Vi Tiêu nói:
- Bình sinh anh có thích chơi sơn thủy không?
- Sức khỏe tôi kém cho nên trèo núi, chơi trên sông cũng đều miễn cưỡng.
- Thế anh có thích âm nhạc không?
- Ngẫu nhiên mà nghe thì cũng được. Còn nghe lâu thì thấy nó ầm ĩ inh tai.
Hai người lại uống thêm vài chén. Đỗ ngà ngà say bỗng thở dài mà rằng:
- Anh Vi Tiêu! Từ xưa đến nay người ta đều bị chữ tình làm luỵ.
Quý nói:
- Tình con người ta chẳng qua là tình trai gái; nhưng theo anh vừa nói, thì anh không thích đàn bà.
- Tại sao anh lại nói tình người ta chẳng qua là tình trai gái? Tình bạn bè chẳng hơn tình trai gái sao? Chẳng cần nói gì chỉ xem chuyện "Chiếc
chăn thêu" của Ngạc Quân thì đủ rõ 4. Cứ như ý tôi trong thiên hạ chỉ có vua Ai Đế nhà Hán nhường ngôi cho Đồng Hiền 5 là người hiểu tình yêu một cách đúng đắn mà thôi. Nghiêu, Thuấn nhường
ngôi cho nhau chẳng qua cũng là như vậy. Đáng tiếc người đời không ai
hiểu!
- Anh nói như vậy đúng lắm! Thế nhưng bình sinh anh đã gặp ai hiểu lòng mình chưa?
- Nếu trong thiên hạ có con người như vậy, sống chết có nhau thì tôi đã
không buồn bã, ốm đau như thế này! Vì tôi, duyên ôi, phận hẩm chưa hề
gặp được người tri kỷ cho nên nhìn bóng trăng mà ngậm ngùi, nghe tiếng
gió mà rơi lệ.
- Muốn tìm một người bạn thì phải tìm trong đám con hát.
- Anh Vi Tiêu! Anh nói câu ấy lại càng ra ngoài đề nữa. Tìm người bạn
trong đám con hát, chẳng khác gì người thích sắc đẹp mà tìm tình yêu
trong chốn thanh lâu. Như thế chẳng là sai lầm vô cùng sao? Phải là
những người gặp nhau ở trong gan ruột, cảm nhau bên ngoài hình hài,
những kẻ cao quý nhất trong thiên hạ thì mới có được cái tình yêu như
vậy.
Nói xong, Đỗ lại vỗ đùi mà than: - Nhưng trong thiên hạ
không có con người như thế. Ông xanh kia bắt Thận Khanh này đành ôm mối
sầu dằng dặc, cô độc một mình. Nói xong, sa nước mắt. Quý Vi Tiêu nghĩ
bụng:
"Lão này xem ra điên rồi. Ta phải chơi cho hắn một mẻ mới được".
Bèn nói:
- Anh không nên nói trong thiên hạ không có người nào. Tôi đã được gặp
một trang thanh niên, anh ta không phải là con hát, cũng không phải như
bọn ta, mà là một đạo sĩ. Con người này phong lưu tao nhã, nhưng không
phải là xinh đẹp theo kiểu đàn bà, mà xinh đẹp theo kiểu đàn ông. Hễ tôi nghe ai khen một người đẹp trai mà nói đẹp như đàn bà là bao giờ tôi
cũng nổi giận. Thật là buồn cười! Ai thích cái đẹp đàn bà thì cứ việc
ngắm đàn bà là đủ rồi. Nhưng trong thiên hạ lại còn có cái đẹp đàn ông
mà ít ai nhận thấy.
Đỗ đập tay vào bàn nói:
- Câu này phải khuyên mấy khuyên. Anh nói ai đấy?
- Ông ta là hạng khác thường! Có nhiều người tìm cách làm quen với ông
ta, nhưng ông ta không chịu dễ dàng nói cười với ai. Ông ta lại rất quý
trọng tài năng, vì tôi hơn ông ta mấy tuổi, nên trước mặt ông ta, tự
biết mình xấu xí, tôi không dám mơ đến việc làm quen. Này anh! Anh có
muốn đi xem ông ta như thế nào không?
- Khi nào anh đưa ông ta đến đây?
- Nếu tôi đưa ông ta đến đây thì chẳng có gì lạ hết. Anh phải thân hành đến tìm ông ta chứ.
- Ông ta ở đâu?
- Ở Thần Lạc Quán.
- Tên họ là gì?
- Tên họ thì nay chưa thể nói được. Nếu "tiết lộ thiên cơ", ông ta mà
biết thì sẽ trốn ngay mà anh muốn gặp cũng không thể gặp được nữa. Bây
giờ tôi viết tên họ ông ta vào một tờ giấy, bỏ vào phong bì dán kỹ đưa
cho anh. Khi nào anh đến cửa Thần Lạc Quán mới được phép mở, xem xong,
đi tìm ngay thì anh sẽ gặp ông ta một cách dễ dàng.
Đỗ vừa nói vừa cười:
- Được lắm!
Quý Vi Tiêu liền vào trong phòng đóng cửa lại một hồi lâu, viết vào một tờ
giấy rồi niêm phong cẩn thận. Trên phong bì lại viết hai chữ "sắc lệnh", rồi đưa cho Đỗ và nói:
- Bây giờ tôi phải đi ngay. Độ đến mai khi anh đã gặp con người kỳ lạ này rồi, tôi sẽ trở lại mừng anh.
Nói xong Vi Tiêu ra về.
Đỗ Thận Khanh tiễn Vi Tiêu ra cửa rồi vào nhà bảo đầy tớ:
- Sáng ngày mai mày đến ngay nhà bà Thẩm nói rằng sáng mai tao không có
thì giờ rỗi để đến Hoa Bài Lâu xem mặt cô ấy. Bà hãy đợi đến ngày kia.
Ngày mai bảo người khiêng kiệu đưa ta đến Thần Lạc Quán thăm một người
bạn.
Chiều hôm ấy, không có việc gì xảy ra. Sáng hôm sau, Đỗ lấy
xà phòng rửa mặt mày, thay quần áo mới, bôi nước hoa đầy người thơm phức rồi bỏ bức thư của QuýVi Tiêu vào trong ống tay áo, lên kiệu đi thẳng
đến Thần Lạc Quán. Kiệu dừng ở ngoài cổng, Đỗ đi bộ vào, lấy bức thư ra
xem. Trên bức thư đề "Đi đến đạo viện Quế Hoa ở đầu hành lang phía bắc,
hỏi đạo sĩ là Lai Hà Sĩ ở Dương Châu đến".
Đỗ Thận Khanh bảo
người khiêng kiệu đợi. Còn mình đi theo một con đường quanh co vào trong chùa. Ở trong chùa nghe có tiếng âm nhạc. Ở trước mặt là một cái lầu.
Cửa lầu mở rộng. Ở trong có ba gian phòng. Ở gian giữa có một quan Thái
giám lo việc coi sóc lăng tẩm, mặc một cái áo thêu rồng, đang ngồi đó. Ở bên phải có hơn chục người con hát. Bên trái là bảy tám đạo sĩ nhỏ ngồi trên một dãy ghế dài đang hát và chơi nhạc. Đỗ trong lòng nghi hoặc
"không biết ông Lai Hà Sĩ có ở đây không!".
Đỗ đưa mắt nhìn tất
cả những người đạo sĩ trẻ một lượt nhưng vẫn không thấy ai xuất sắc. Lại quay đầu nhìn tất cả con hát, cũng toàn là những người tầm thường. Đỗ
nghĩ bụng: Lai Hà Sĩ đã là người cao thượng, tự trọng, chắc là không
thèm chơi với bọn này. Ta đến Quế Hoa Viện hỏi xem. Đỗ đến Quế Hoa Viện
gõ cửa. Một đạo sĩ mời vào ngồi. Đỗ Thận Khanh nói:
- Tôi đến thăm ông Lai Hà Sĩ mới ở Dương Châu đến đây.
- Ông Lai Hà Sĩ ở trên lầu. Ông cứ ngồi đây. Tôi đi mời ông ta xuống.
Người đạo sĩ kia đi được một lát thì thấy một vị đạo sĩ béo phị ở trên lầu đi xuống, đầu đội mũ đạo sĩ, mình mặc áo màu gỗ trầm hương, mặt đen láng
như dầu, lông mày rậm, mũi to, râu ria xồm xoàm trạc độ năm mươi tuổi.
Vị đạo sĩ vái chào hỏi:
- Ngài ở đâu đến, quý tính là gì?
- Tôi họ Đỗ người ở Thiên Trường. - Chúng tôi có nhận được một số tiền
của Đỗ Phủ ở Thiên Trường. Có phải là của quý chủ không?
- Vâng. Đạo sĩ vui mừng lộ ra nét mặt cung kính nói: - Tôi không biết ngài ở
đây, đáng lý tôi phải đến quý phủ bái kiến, nay lại bắt ngài phải mất
công giáng lâm như thế này...
Và vội vàng bảo đạo nhân pha trà
mời và đem đồ tráng miệng đến. Đỗ Thận Khanh nghĩ bụng: "Đây chắc là
người sư phụ của Lai Hà Sĩ". Bèn hỏi:
- Ông Lai Hà Sĩ là học trò hay là cháu ông? Đạo sĩ kia đáp:
- Tôi chính là Lai Hà Sĩ.
Đỗ Thận Khanh nhìn kinh ngạc nói:
- A! Thế ra ông là ông Lai Hà Sĩ sao?
Bấy giờ Đỗ không nhịn được, cứ lấy ống tay áo che miệng mà cười. Đạo sĩ
không biết việc gì, sai đem các đĩa quả đến pha trà, lại lấy trong ống
tay áo ra một tập thơ, yêu cầu chỉ giáo. Thận Khanh không biết làm sao,
đành phải gắng gượng xem một lượt. Uống xong hai chén trà, Đỗ liền đứng
dậy cáo từ. Đạo sĩ nhất định đòi cầm tay tiễn ra ngoài cửa, đạo sĩ hỏi:
- Có phải ông ở chùa Báo Ân không? Ngày mai tôi sẽ đến đấy ở chơi vài hôm với ông.
Đạo sĩ tiễn Đỗ ra cửa, chờ cho Đỗ lên kiệu rồi mới trở vào nhà. Đỗ Thận
Khanh lên kiệu trên đường nhịn cười không được, nghĩ bụng: lão Quý Vi
Tiêu chó má thực, chỉ toàn nói bậy!
Đỗ vừa vào nhà, thì người đầy tớ nói:
- Có mấy người khách ở trong nhà.
Đỗ đi vào thấy Tiêu Kim Huyễn, Tân Đông Chí, Kim Ngụ Lưu và Kim Đông Nhai
đến thăm. Tân Đông Chi đưa ra một bức đại tự, Kim Ngụ Lưu đưa ra một đôi câu đối, Kim Đông Nhai đưa ra quyển "Tứ thư giảng chương" do y soạn để
nhờ xem hộ. Vái chào xong, mọi người ngồi xuống. Mấy người đều kể lai
lịch của mình. Uống trà xong mọi người ra về. Đỗ Thận Khanh khịt mũi một cái, quay vào nói với đầy tớ:
- Một anh chàng thư biện lại về nhà lo giảng "Tứ thư". Sách thánh hiền lại đến hạng này giảng sao!
Đang lúc ấy thì có người đầy tớ của Tôn mang đến một phong thư và một bức
tranh để nhờ Đỗ đề vài chữ. Đỗ Thận Khanh chán ngán đành phải nhận và
viết thư trả lời để cho người đầy tớ mang về nhà. Hôm sau, Đỗ đi xem mặt người thiếp. Viết giấy định ngày, chọn ba ngày sau đưa dâu về, bận rộn
về việc dời đến ở cái nhà bên sông để đón người thiếp về ở đấy.
Hôm sau, Quý Vi Tiêu đến mừng Đỗ Thận Khanh. Đỗ Thận Khanh ra đón vào. Vi Tiêu nói:
- Tôi xin lỗi hôm qua không đến mừng anh được, hôm nay mới đến có hơi chậm, xin thất lễ!
- Chiều qua tôi không dọn tiệc nên cũng không dám mời anh.
Vi Tiêu cười hỏi: - Hôm trước anh đã thấy con người kỳ lạ ấy chưa? - Anh thực là chó má, tôi muốn đánh cho anh một trận. Nhưng thôi tha cho vì
cái vố anh chơi tôi cũng thú vị đấy.
- Tại sao anh lại đánh tôi? Tôi nói ông ta đẹp theo lối đàn ông chứ không phải đẹp theo lối đàn bà. Không phải như thế sao?
- Chính vì thế nên tôi muốn đánh cho anh một trận. Hai người cười rộ.
Vừa lúc ấy, Lai Hà Sĩ và Bão Đình Tỷ cùng bước vào để chúc mừng. Hai
người lại càng nhịn cười không được. Đỗ Thận Khanh ra hiệu cho Quý Vi
Tiêu không được cười nữa. Bốn người vái chào cùng ngồi. Đỗ Thận Khanh
giữ họ lại ăn cơm. Ăn cơm xong, Đỗ kể chuyện hôm đến Thần Lạc Quán thấy
một người Thái giám ngồi dưới lầu, ở bên trái hắn ta có những người hát
tuồng, ở bên phải có những người đạo sĩ chơi đàn và ca hát. Quý Vi Tiêu
nói:
- Thú vui kia mà chỉ dành riêng cho bọn ấy chơi sao? Thật là đáng bực!
Đỗ Thận Khanh nói: - Anh Vi Tiêu! Tôi có một việc này rất ít có, muốn bàn với anh.
- Việc gì vậy?
Đỗ Thận Khanh hỏi Bão Đình Tỷ:
- Ở cửa Thuỷ Tây và bên cầu có tất cả bao nhiêu gánh hát?
- Trên một trăm ba mươi gánh.
- Tôi định chọn một ngày nào đó mở một hội vui ở một nơi thật rông rãi,
mời tất cả những người đóng vai đàn bà trong số một trăm mấy mươi gánh
hát đến. Mỗi người ra đóng một trò. Tôi với anh Vi Tiêu ở bên cạnh nhìn
xem vóc dáng người và dáng điệu người diễn. Vài ngày sau, sẽ định thứ
bực; rồi viết lên một cái bảng. Ai mà nhan sắc và tài nghệ đều tuyệt thì sẽ được ghi vào bảng và yết ở nơi đông người qua lại. Cố nhiên, ai đến
cũng có tiền. Mỗi người được biếu năm mươi đồng, hai cái túi, một cái
quạt đề thơ. Chơi như thế có được không?
Quý Vi Tiêu mừng rỡ:
- Sao anh không nói điều ấy với tôi sớm hơn? Thế tin vui chết đi được.
Bão Đình Tỷ cười và nói:
- Để tôi đi gọi họ. Mỗi người được năm mươi đồng và sau này khi được các ngài chọn, yết tên vào bảng thì sẽ nổi danh. Tôi không dám nói chứ ai
được yết tên vào bảng thì sẽ được đi lại với các quan và sẽ kiếm được
nhiều tiền. Họ mà biết thế thì ai mà chả kéo đến đây để diễn tuồng.
Lai Hà Sĩ vỗ tay nói:
- Tuyệt! Tôi cũng muốn xem lắm! Không biết hôm đó các ngài có cho đạo sĩ này xem không?
Đỗ Thận Khanh nói: - Tại sao lại không? Chúng tôi sẽ gửi giấy mời tất cả các bạn hữu đến dự tiệc.
Quý Vi Tiêu hỏi: - Bây giờ chúng ta định làm ở đâu? Đình Tỷ nói:
- Tôi sống ở cửa Thuỷ Tây biết cửa Thuỷ Tây rất rõ. Tôi xin đi mượn một cái đình ở Mạc Sầu Hồ. Nơi đó rộng rãi và mát mẻ lắm.
- Cố nhiên là chú Bão phải đi loan báo các diễn viên. Nhưng chúng ta
cũng phải viết một tờ yết thị chứ. Chúng ta chọn ngày nào đây?
Lai Hà Sĩ nói: - Hôm nay là ngày 20 tháng 4. Ông Bão còn phải đi loan báo
mấy ngày. Loan báo xong, cũng mất độ mười ngày. Như thế thì định vào
ngày mồng ba tháng sau là vừa.
Đỗ Thận Khanh nói: - Anh Vi Tiêu! Lấy một tờ giấy đỏ ra đây! Tôi đọc cho anh viết.
Quý Vi Tiêu cầm bút, Đỗ Thận Khanh đọc: "Quý Vi Tiêu ở An Khánh và Đỗ Thận
Khanh ở Thiên Trường chọn ngày mồng 3 tháng năm mở hội ở Mạc Sầu Hồ. Báo cho tất cả các con hát trong các ban hát trong tỉnh, ai muốn đến dự thi thì ghi tên và ngày ấy đến Mạc Sầu Hồ. Mỗi người diễn một tấn tuồng tùy ý mình. Ai diễn cũng được năm mươi đồng, một cái túi, một cái quạt đề
thơ, ba cái khăn tay. Nếu nhan sắc và tài nghệ đều khá thì được thưởng
thêm. Cuộc thi vẫn tiếp tục không kể mưa gió. Báo cho tất cả mọi người
biết".
Vi Tiêu viết xong đưa ngay cho Bão Đình Tỷ. Thận Khanh sai đầy tớ ra phố mua hơn một trăm cái quạt về. Đỗ Thận Khanh, Lai Hà Sĩ và Quý Vi Tiêu mỗi người chia nhau mấy chục cái để đề thơ. Sau đó, họ bàn
việc mời khách. Vi Tiêu lấy tờ giấy đỏ ra đặt trước mặt và viết: "Tôn
tiên sinh, Tân tiên sinh, Kim Đông Nhai tiên sinh, Kim Ngu Lưu tiên
sinh, Tiêu Kim Huyễn sinh, Gia Cát tiên sinh, Quý tiên sinh, Quách Thiết Bút, vị tăng, Lai đạo sĩ, ông Bão và hai chủ nhân nữa tất cả mười ba
người. Họ viết mười một thiếp lấy tên hai người để mời.
Đang khi
chuẩn bị thì Vương Lưu Ca người thiếp của Đỗ Thận Khanh mang lễ vật đến
thăm chị: Hai con vịt, một cặp gà con, một miếng thịt, tám thứ bánh và
một bình rượu. Đỗ nói:
- Em đến đây đúng lúc quá.
Vương
Lưu Ca vái chào Đỗ Thận Khanh, Đỗ cầm lấy tay và nhìn một lượt. Rõ ràng
là một người thiếu niên đẹp trai, có phần đẹp hơn cả chị. Đỗ bảo Vương
trở lại sau khi đã thăm chị. Đỗ dặn người nhà làm thịt con gà và con vịt Vương vừa đem đến để nhắm rượu. Khi Vương Lưu Ca trở lại, Đỗ nói đến ý
định mình muốn mở hội ở cái đình trên hồ. Lưu Ca reo lên:
- Tuyệt quá! Tôi cũng xin diễn một đoạn.
Quý Vi Tiêu nói:
- Thế thì hôm nay anh hãy hát một bài cho chúng tôi nghe với.
Vương Lưu Ca cười. Chiều hôm ấy sau khi đã uống rượu, Bão Đình Tỷ chơi sáo,
Lai Hà Sĩ gõ nhịp và Vương Lưu ca hát bài "Tiễn biệt ở Trường Đình" lấy
trong Tây Sương Ký. Bài hát rất du dương. Hát xong một lúc, tất cả mọi
người đều say khướt và trở về.
Đến ngày mồng ba hai hòm đựng áo
quần của hai ban tuồng được mang đến Mạc Sầu Hồ. Quý và Đỗ hai người chủ đến trước. Khách khứa cũng lần lượt đến. Bão Bình Tỷ đem đến độ sáu bảy mươi người hát tuồng. Họ đều là những người đã ghi tên vào tờ giấy hôm
trước. Họ đến chào Đỗ Thận Khanh, Đỗ bảo họ trước tiên ăn cơm rồi trang
sức lần lượt đi ra trước đình để cho các quan khách xem một lượt kỹ rồi
mới vào diễn. Mọi người vâng dạ bước ra. Các danh sĩ nhìn Mạc Sầu Đình,
thấy cửa bốn phía mở toang, bốn bề là nước hồ bao bọc. Ngọn gió nhẹ làm
rung rinh mặt nước, những làn sóng gợn lăn tăn. Trên cái cầu ván ở bên
ngoài đình, những người diễn tuồng đã trang sức đẹp đẽ. Họ đều đi qua
cầu ấy đi vào. Đỗ bảo đóng cửa giữa lại. Những người diễn tuồng sau khi
đi qua cầu, đi vòng qua hành lang một lượt theo cái cửa phía đông vào
trong đình rồi đi ra cái cửa phía tây. Như thế, tất cả các quan khách
đều có thể thấy rõ điệu bộ và dung nhan của họ.
Ăn cơm xong, mọi
người trang điểm đẹp đẽ, đội mũ mới, mặc áo mới, lần lượt đi qua cầu vào đình rồi đi ra. Trong khi đó Đỗ và Quý cầm bút trong tay. Lát sau tiệc
dọn ra, tiếng trống và tiếng thanh la nổi lên và mỗi người hát tuồng
bước lên diễn một vở. Người này diễn vở "Bữa tiệc", người kia diễn vở
"Chàng hát say". Người nọ diễn đoạn "Giết hổ", người thì diễn đoạn "Xin
uống trà". Không có đoạn nào trùng nhau. Vương Lưu Ca diễn vở "Nhớ đến
cảnh phàm tục". Đêm đến, mấy trăm ngọn đèn cái cao cái thấp chiếu sáng
như ban ngày. Giọng hát réo rắt cao vút trời xanh những người giàu có
làm ở các nha môn, các hiệu buôn và những người chủ hiệu buôn ở trong
thành nghe nói ở Mạc Sầu Hồ có hội, đều thuê thuyền treo đèn lồng, chèo
ra giữa hồ xem. Khi nào cao hứng thì họ đồng thanh leo lên. Chơi mãi đến khi trời sáng, cửa thành đã mở, họ mới trở về thành. Một ngày sau, ở
cửa Thuỷ Tây có một cái bảng đề: Thứ nhất Trịnh Khôi Quan ở ban Phương
Lân, thứ hai: Cát Lai Quan ở ban Linh Hòa, thứ ba Vương Lưu Ca v.v...
Hơn sáu mươi người khác cũng đều được xếp theo thứ tự như vậy. Bão Đình
Tỷ đem Trịnh Khôi Quan đến yết kiến Đỗ Thận Khanh. Đỗ Thận Khanh cân ra
hai lạng vàng bảo Bão Đình Tỷ đem ra hiệu hàng vàng làm một cái chén
vàng trên khắc bốn chữ: "Đẹp hơn anh đào" để tặng riêng cho Trịnh Khôi
Quan. Những người khác cũng đều được thưởng túi bạc, khăn tay và quạt
thơ. Sau khi xem bảng, các vị quan quen thân với mười người hát tuồng
được đứng đầu bảng rất là vui mừng. Có người kéo họ về nhà uống rượu. Có người mua rượu ở ngoài tiệm đem về cùng uống. Tiệc tùng kéo dài ba bốn
ngày. Từ đó, tiếng truyền khắp cửa Thuỷ Tây lan đến cầu Hoài Thanh. Danh tiếng của Đỗ Thận Khanh làm náo động cả Giang Nam.
Chỉ nhân phen này, khiến cho:
Ở ngoài phong lưu tài tử, lại có người kỳ;
sau khi hoa rượu vui tình, còn nhiều vận sự.
Muốn biết sự việc như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT