Tuy sau đó Hoàng đế bệ hạ vẫn không rõ tại sao ta khóc, nhưng biết ta không hề khóc vì trên người có chỗ đau hay vì cung nhân làm cáu gắt, nên cũng thở phào nhẹ nhõm, “Thạch Thanh nói phụ nữ mang thai vui buồn thất thường, quả đúng như vậy.” Hắn ôm ta trong lòng, giọng nói xót xa đến tận xương tủy.

Ta đương nhiên ngượng ngùng không dám nói, có lẽ sự thật khác hoàn toàn, chỉ là ở bên cạnh hắn quá lâu, nhất thời không đề phòng nên những thói xấu trước kia đã quay lại.

Hồi nhỏ ta có rất nhiều thói xấu, ăn uống kén chọn, hung hăng ương bướng, gây rối xong bị la mắng, bàn tay cha còn chưa hạ xuống người, tiếng khóc của ta đã váng trời váng đất…

Bác Đồng vội vã tiến tới bảo vệ ta.

Dân gian có câu “nghiêm phụ từ mẫu”.

Có lẽ bác Đồng đã sắm vai “từ mẫu”, che chở cho ta bất chấp nguyên tắc.

Nhưng cha thừa hiểu rõ ta đây trẻ con, lúc còn bé cũng từng nhân nhượng, ta càng lớn, ông quản giáo càng nghiêm, những thói xấu dần dần thay đổi, gần đây mới hết hẳn.

Chỉ là ta đâu biết rằng, ở bên Hoàng đế bệ hạ chưa đầy một năm, những thói xấu này bỗng dưng xuất hiện trở lại.

Cha còn dùng gậy trừng trị, nhưng bệ hạ xưa nay không bao giờ đánh ta, phương pháp quản thúc cũng dừng ở hù dọa ngoài miệng hoặc suốt ngày cấm túc.

Thời gian trôi qua, ta không còn sợ hắn chút nào. Khi hắn nghiêm mặt, ta liền tiến lên quấy rối nửa ngày trời, cho dù hắn tức giận tới mức nào thì nộ khí cũng tan biến như mây khói.

Từ sau khi Đức phi mất, ta chưa từng hỏi hắn xử lý gia quyến của chư vương ra sao, đó là việc trong triều, chẳng can hệ gì tới ta. Ta chỉ ở hậu cung lặng lẽ dưỡng thai, mong chờ một sinh mạng mới chào đời

Vào tháng Chạp, nghe nói trong triều quần thần dâng tấu, mong được tổ chức yến tiệc xa hoa để chúc mừng lần tiêu diệt phản tặc vừa rồi. Nhưng ta luôn cảm thấy một năm nay trôi qua chẳng hề yên ả, nghĩ tới sự ồn ào rườm rà của yến tiệc cung đình đã không chịu nổi, chỉ tựa trên ghế dài cau mày nhăn nhó. Bất chợt Hoàng đế bệ hạ nhìn thấy, hắn bỏ tấu chương xuống, lại gần ôm ta, thăm dò: “Dật Nhi chắc không thích yến tiệc?”

Ta tựa người vào phía sau, cả cơ thể rúc vào lòng hắn, mệt mỏi đáp: “Năm hết Tết đến, phải đi xã giao với một đám người không liên quan, nghĩ đã thấy mệt. Chi bằng phu thê hai ta đóng cửa lại, lặng lẽ đón năm mới nhé?”

Nghĩ kĩ đây đúng là mong ước viển vông.

Từ lúc ta mang thai đến nay, Hoàng đế bệ hạ đã ra lệnh không cho phép ngoại mệnh phụ tiến cung thỉnh an. Vậy nên đương nhiên là vào ngày Tết, thần tử đều mong có cơ hội để gia quyến tiến cung chuyện trò cùng ta, nhân tiện quan sát tâm tư của Hoàng đế bệ hạ.

Nào ngờ Phượng Triều Văn khẽ mỉm cười, thơm một cái lên giữa trán ta: “Chuyện này có gì khó?”

Giao thừa năm nay, trong Trùng Hoa điện bầu không khí hòa thuận ấm áp. Ta và Phượng Triều Văn ngồi đối diện bên chiếc nồi lẩu nhỏ xinh, xung quanh bày đầy rau quả thịt cá. Hắn gắp một miếng thịt dê bỏ vào chiếc nồi sôi ùng ục, chấm tương rồi gắp vào đĩa ta. Miếng thịt mềm mại thơm ngon, ta khẽ cắn thịt dê, nhìn hắn qua hơi nóng hừng hực bốc lên từ nồi lẩu, dường như có thể thấy cả đóa hoa hiện lên trên gương mặt hắn.

Trong Trùng Hoa điện, ngoài vài ba câu truyện trò và tiếng nhai nhẹ nhàng của hai người chúng ta ra, thì không có gì khác xen vào.

Đám cung nhân hầu hạ đã sớm bị xua đi hết, cung điện to vậy mà chỉ còn hai phu thê, cảm giác năm tháng thật êm đềm, kiếp này thật bình yên, thứ mà ta mong ước nửa đời có lẽ chính là đây.

Sau bữa cơm, bọn ta mỗi người khoác một chiếc áo lông cáo dày, hắn đỡ ta đi bộ quanh cung điện. Chỉ vì Hoàng đế bệ hạ hạ chỉ, Hoàng hậu thân mang long thai, không được kinh động tới nàng, bởi vậy giao thừa lần này trong cung cấm không đốt pháo hoa. Ngoài các cung nhân luân phiên túc trực ra, bốn bề đều im ắng, không nghe thấy một tiếng hoan hô nói cười.

Ta men theo con đường trong cung mà hồi bé thường đi dự tiệc bước thẳng xuống, vừa kéo cánh tay Hoàng đế bệ hạ, cười khẽ: “Hồi nhỏ, thiếp rất thích vào cung dự tiệc, vừa được ăn vừa được chơi, người người náo nhiệt, pháo hoa thì tuyệt đẹp… Khi ở trong cung, giọng cha nói với thiếp cũng dịu dàng hơn nhiều…”

Có điều, trước giờ ta chưa từng nghĩ có một ngày mình sẽ sống lâu dài tại nơi đây, coi nơi đây là nhà.

Hoàng đế bệ hạ mỉm cười, tâm trạng rất tốt: “Nghe nói nàng hồi nhỏ rất bướng…”

Ta gật đầu, cực kỳ cao hứng tiếp lời hắn: “Thiếp xuống sông mò cá, trèo cây bắt chim, đánh nhau gây lộn suốt ngày, lúc mười tuổi đã tự mình cưỡi ngựa phi ra ngoài thành, ngã đến nỗi mặt mũi bầm dập, khi về nhà bị cha nổi trận lôi đình…”

Trên gương mặt hắn thoáng ý cười ấm áp mơ hồ, lời nói tiếc nuối: “Ta hồi nhỏ… chưa từng chơi những trò đó, toàn đọc sách cùng thái Phó, hoặc là cùng thầy dạy võ nghệ luyện kỹ thuật cưỡi ngựa bắn tên…”

Ta đã từng nghe Điền Bỉnh Thanh kể, mẹ ruột của Phượng Triều Văn mất sớm, lúc nhỏ đã sống dưới sự kìm kẹp của mẹ kế. Hoàng đế Đại Tề lại rất sủng ái người mẹ kế này. Những gian khổ hắn phải chịu khi đó không cần nói cũng có thể đoán được.

Đúng là nhờ hồng phúc của Thái hậu nương nương, nếu không có người mẹ kế như bà ta, thì làm sao có được Phượng Triều Văn vẫy vùng nơi chiến trường, ngạo nghễ nhìn thiên hạ như hôm nay?

Nhưng giờ ta thấy Hoàng đế bệ hạ càng ngày càng hợp mắt, cứ như hắn sinh ra đã là một phần thân thể ta, tách rời suốt bao nhiêu năm, nay vừa mới quay trở lại. Cảm giác mãn nguyện và hạnh phúc không thể nói bằng lời, ta chỉ mỉm cười kéo tay hắn lắc lắc: “Nếu bệ hạ và thiếp quen biết nhau từ nhỏ thì tốt biết mấy, như vậy thiếp sẽ có thể đưa bệ hạ đi chơi rồi!”

Mắt phượng của hắn lấp lánh rực rỡ, trong khoảnh khắc, dường như có ngàn vạn ánh sáng dịu dàng lan tỏa. Hắn nắm chặt tay ta, ánh mắt dán lên gương mặt ta từ đầu đến cuối nhưng không nói một lời. Mãi lâu sau, hắn mới cười vang: “Đồ ngốc! Ngộ nhỡ hồi nhỏ gặp nhau mà đánh lộn suốt ngày thì còn làm ăn gì nữa? Vẫn là bây giờ gặp mặt tốt hơn, nàng và ta còn cả nửa đời sau kìa!”

Ta cũng biết đó chỉ là kẻ si tình nói lời khờ dại, nhưng khi đặt một người vào trong tim, lúc nào cũng chỉ muốn dâng tặng những gì tốt đẹp nhất trên thế gian này đến trước mặt người ấy, nhớ những khi đói khi no của người ấy, nhớ trăm ngàn gian khổ người ấy từng trải qua. Thậm chí còn nảy sinh lòng thương xót cho quá khứ mình từng không biết, cho những tổn thương người ấy phải chịu đựng khi còn quá nhỏ.

Ta từng thực tâm không màng tất cả, thời niên thiếu không hiểu chuyện, sống nhiệt huyết không biết sợ là gì, song cái giá phải trả là sự đau đớn và bi thảm đến cùng cực. Ta nghĩ mình nhất định phải dùng quãng đời còn lại để tự hối lỗi những sai lầm đó. Nhưng, Phượng Triều Văn hình như không định để ta tiếp tục sai lầm như thế nữa, hắn kéo ta ra khỏi vũng đầm lầy tội lỗi, cầm lấy tay ta từng bước đi tới cuộc sống mới.

Ta cảm thấy gò má hơi nóng, nhưng trong lòng lại ngọt ngào như mật ong tan chảy.

Quay đầu nhì lại trên lớp tuyết đầu mùa mỏng tang vừa mới rơi lúc hoàng hôn, in hai hàng dấu chân sóng bước bên nhau, một lớn một nhỏ, bước đi bình thản, in lên con đường vẫn thường dạo qua, xa xa nhập vào bức tường hoàng cung.

Qua tháng Giêng, Hoàng đế bệ hạ lại bắt đầu bộn bề chính sự.

Sức khỏe của ta đã ổn định, thai nhi trong bụng thỉnh thoảng khua tay hất chân, kẽ đạp bụng ta mấy lần. Ngoại mệnh phụ lại đưa thiệp xin được tiến cung diện kiến, sau khi được phê chuẩn, họ lần lượt vào cung.

Cũng không biết do cái chết của Đức phi kích động đến những phụ mẫu có con gái này, hay là do thái độ của Hoàng đế bệ hạ đối với ta đã ảnh hưởng tới họ, ngoài Trấn Quốc Công phu nhân nhắc chuyện muốn đưa con gái vào cung hầu hạ Hoàng hậu nương nương ra, đa phần chỉ vây quanh bụng ta suy đoán thai nhi là nam hay nữ. Có điều những suy đoán này nghìn lời một điệu, không ngoài các câu: Thai nhi này của nương nương chắc chắn là tiểu điện hạ.

Thật ra Hoàng đế bệ hạ chưa từng nói ta phải sinh tiểu điện hạ cho hắn, có lúc hắn lại buồn buồn hồi tưởng: “Lúc ta còn nhỏ, phụ hoàng rất thương yêu Mẫn An…”

Mỗi khi như vậy, ta liền cười hi hi an ủi hắn: “Sau này bệ hạ chắc chắn sẽ là một phụ hoàng tốt”.

Chỉ là những ngoại mệnh phụ này đương nhiên không hiểu tâm tư của Hoàng đế bệ hạ. Tán dương hài nhi trong bụng ta xong xuôi, họ liền nhắc chuyện trong nhà còn có con gái chưa xuất giá, hy vọng Hoàng hậu nương nương ban hôn.

Tuy hiện giờ ta đã cai quản hậu cung Đại Tề một cách thành thạo, nhưng quả thực không dám chắc khiêm nổi cả vai trò nguyệt lão. Ta rất muốn thật lòng khuyên nhủ các phu nhân rằng “Hôn nhân đôi bên tương ái, phu thê thương yêu tôn trọng nhau mới có thể vui vẻ hòa thuận”, chứ không phải kiếm nguyệt lão không xứng đáng với trách nhiệm rồi ghép đôi bừa bãi là có thể vạn sự hòa hợp.

Phượng Triều Văn sau khi tan triều cười nhạo một trận, tỏ vẻ không tán thành lắm với việc ta đang ễnh bụng còn đòi xơ múi làm nguyệt lão. Hắn thấy ta cứ buồn phiền mãi, cuối cùng đã tốt bụng nhắc ta một câu: “Chẳng phải An Lạc Hầu còn chưa thành thân sao?”

Ta kinh ngạc nhìn sang hắn: “Không thể chứ? An Lạc không quyền không thế, nói trắng ra chỉ là chức quan nhàn hạ lĩnh một ít bổng lộc, những mệnh phụ kia đều là gia quyến của trọng thần, đâu để ý đến nó?”

Hết cách, thứ tốt đẹp trong mắt ta không nhất quán với thứ tốt đẹp trong mắt thế nhân.

An Lạc lớn lên cùng ta từ nhỏ, cho dù trong mắt ta nó tốt bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không ngăn được người đời đem quyền thế và công lao ra so sánh, khăng khăng rằng nó mang thân phận nhạy cảm, ngoài làm kẻ nhàn rỗi phú quý ra thì chẳng còn con đường nào khác.

Những phu nhân này từ nhỏ đã là khuê nữ nhà quan, hôn nhân đương nhiên coi trọng môn đăng hộ đối, nghe nói An Lạc xưa nay không thích sống trong khu quyền quý ở kinh thành, những phu nhân này khinh thường. Hoàng hậu ta đây còn mang thân phận hàng thần, chẳng lý nào lại xem trọng đứa con riêng như An Lạc?

Hoàng đế bệ hạ nhéo mũi ta một cái, vung nắm đấm thép của mình hệt như một tên du côn vô lại: “Chính quyền thuộc về bạo lực, kẻ không sợ cường quyền có mấy người? An Lạc Hầu không quyền không thế, nhưng tỷ tỷ của hắn có quyền có thế còn gì.”

Tuy bây giờ hắn đã quen với đấu đá trong triều, trên triều đường hắn phấn khích tranh đấu với đám thần tử, cãi vã suốt ngày để triều thần hiến kế xung bạc cho quốc khố, hết tu sửa sông ngòi, cứu trợ thiên tai, lại đến ổn định người dân lưu lạc trong chiến tranh… chẳng có việc nào không cần dùng đến bạc. Nhưng suy cho cùng, thiên hạ này vẫn do hắn rong ruổi trên yên ngựa, đao kiếm giao tranh, giành được bằng chính thực lực của mình.

Ta tán thưởng câu nói thậ lòng thật dạ này của Hoàng đế bệ hạ, ôm lấy cánh tay hắn nịnh bợ: “Người có quyền có thế là bệ hạ, không phải tỷ tỷ của An Lạc.” Câu này làm hắn được một trận cười vang thoải mái.

Ta thích nhất là nhìn nụ cười hài lòng sau khi được tâng bốc của Hoàng đế bệ hạ.

Điểm quan trọng nhất của hạnh phúc trong hôn nhân là: Làm đối phương luôn cảm thấy tâm trạng vui vẻ.

Chỉ cần Hoàng đế bệ hạ tâm trạng vui vẻ, hắn sẽ không bao giờ nảy sinh ý nghĩ kiểm duyệt một lượt sắc đẹp hậu cung của mình.

Ta sống ở đời hai mươi năm, đúng là mèo mù vớ cá rán vì đã may mắn gặp được người đặc biệt như Hoàng đế bệ hạ, bỗng nhiên đầu óc hắn có vấn đề nên cũng lại vừa mắt người như ta. Ngoài việc giữ chặt hắn trong tay không buông, thì ta chẳng nghĩ ra nổi cách nào khác để có thể kéo dài mãi cuộc sống hiện tại – một cuộc sống hạnh phúc tới nỗi ta ngủ say rồi cũng sẽ mỉm cười với thực tại.

Đã đến lúc lo cho An Lạc tiến cung rồi.

Từ sau vụ mưu sát kia, đây là lần đầu tiên nó tiến cung, bọn ta cũng đã mấy tháng rồi chưa gặp. Lúc mới đầu nhìn thấy ta, nó rất xúc động, quan sát ta kỹ lưỡng hết lần này đến lần khác rồi mới nhớ ra phải hành lễ.

Hoàng đế bệ hạ bị ám sát, nó phải tránh bị nghi ngờ, đương nhiên không thể tiến cung thăm hỏi, những chuyện này ta đều hiểu.

Mặc dù tình nghĩa giữa ta và nó không giống người bình thường, nhưng nay bọn ta còn có thể vô ưu vô lo, được sống bình yên trên thế gian này đã là phúc phần lớn lắm rồi. Việc còn lại là gắng nhét mình vào trong chiếc khung thế tục, dù hơi chật chội khó chịu, cũng buộc phải nhẫn nhục chịu đựng.

Nó nhấn mạnh chuyện bác Đồng nhớ mong ta ra sao, ta chỉ mỉm cười yên lặng lắng nghe, không nhịn được liền quan sát nó tỉ mỉ.

Hồi nhỏ An Lạc là một thằng bé mập béo trắng, rất đáng yêu, Sau này bị ta nuôi dưỡng nên ốm nhom ốm nhách, thật là đáng thương. Bây giờ cuộc sống yên ổn, nó đã lớn lên thành chàng trai uy vũ tuấn nhã… Xưa nay tại kinh đô đế vương không thiếu những con mắt nhận ra cái đẹp và quyền thế.

Ta đợi nó kể xong, không nén được liền hỏi một câu: “Bây giờ đệ đệ tuổi cũng không còn nhỏ, chắc đã có dự tính về hôn sự của mình?”

Nó như thể bị ta làm cho hoảng sợ, “Tỷ tỷ, đến tỷ cũng hỏi đệ câu này sao?”

Bấy giờ ta mới biết bắt đầu từ sau Tết, ngưỡng cửa của Hầu phủ suýt bị bà mai của kinh thành san bằng. Nó bỗng trở thành quý tộc mới khét tiếng trong kinh, là đối tượng thông gia đắt giá của các gia đình quyền thế.

Hoàng đế bệ hạ quả nhiên có con mắt nhìn xa trông rộng.

Sau khi những bà mai kia bị cự tuyệt, các phu nhân mới nghĩ ra phải di chuyển mục tiêu, nhân lúc tiến cung thỉnh an, khéo léo nhắc chuyện con gái khuê các nhà mình chưa đính hôn, mong ta có thể làm nguyệt lão biết cách nhìn người giúp con gái họ.

An Lạc sau khi hết hoảng sợ, nháy mắt cười với ta: “Nghe nói Trấn Quốc Công phu nhân chỉ nhắc sơ sơ trước mặt tỷ tỷ là muốn đưa con gái tiến cung để hầu hạ bệ hạ, ngày kia liền được hạ chỉ ban hôn cho một sĩ tử thi rớt. Tỷ tỷ ghen tuông ghê thật đấy!”

Tin tức này ta cũng mới nghe lần đầu.

Trấn Quốc Công phu nhân nhắc đến con gái lúc đó, chỉ nói Hoàng hậu nương nương bây giờ hầu hạ bệ hạ có phần bất tiện, con gái thần nguyện chia sẻ phần nào gánh nặng cho nương nương, vân vân… Tuy lòng ta chẳng vui vẻ gì, chỉ bởi đến nay ta chưa gật đầu, nên Trấn Quốc Công phu nhân vẫn không có quyền đem con gái đưa đến trước mắt ta mà ấm ức. Nhưng ta có nhắc qua chuyện này một chút trong bữa tối với Phượng Triều Văn, vậy mà hắn đã hành động rồi, quả là mau lẹ.

Lòng ta rất bình tĩnh. Nhưng bị An Lạc trêu chọc nên khá lúng túng, bèn sờ bông hoa mẫu đơn cỡ bự được thêu chỉ vàng trên y phục Hoàng hậu của mình, hơi do dự nói: “Bản cung thấy, mấy vị tiểu thư nhà Quốc Công phu nhân cũng không tồi, An Lạc Hầu đã đến tuổi thành gia lập nghiệp, chi bằng lấy thêm mấy người về nhà, sinh cho An gia thêm người kế tục hương hỏa?”

An Lạc bỗng quay đầu liếc nhìn tiểu đạo cô Tiểu Ngũ đứng phía sau, nàng bây giờ tuy đang mặc trang phục thị nữ bình thường, nhưng sát khí trên mặt đột nhiên trỗi dậy.

An Lạc rụt cổ lại, ta cười đầy mãn nguyện.

Lúc những phu nhân kia lại lần nữa tiến cung thỉnh an, ai nấy đều hết sức cung kính cẩn trọng, hoàn toàn không giống với lần chuyện trò vui vẻ trước đó. Trấn Quốc Công phu nhân đặc biệt tạ ơn ta, cảm tạ Hoàng đế bệ hạ thay họ tìm một người con rể tốt.

Ta rất vui vẻ yên tâm.

Mắt nhìn người của bệ hạ thật độc đáo, trông bộ dạng cảm kích đến rơi nước mắt của Trấn Quốc Công phu nhân là biết hôn sự lần này vô cùng mỹ mãn.

Những người yêu nhau cuối cùng cũng được nên vợ nên chồng chính là niềm vui mừng trong thiên hạ.

Đợi họ đi khỏi, Nga Hoàng than phiền với ta, những ngoại mệnh này cuối cùng đã biết phép tắc quy củ.

Từ nhỏ thường đùa nghịch trong cung đình, đã thấy nhiều người vẻ ngoài thì cung kính mà trong lòng oán hận coi khinh, nên đương nhiên ta hiểu rõ sự thay đổi tinh vi giữa bên trong và bên ngoài ấy. Ban đầu, chắc những ngoại mệnh phụ này thật sự xem thường ta đôi chút, bởi nghĩ ta là Hoàng hậu chẳng có chỗ dựa dẫm, lại còn là hàng thần triều trước, không tôn trọng một chút thì có làm sao?

Nhưng họ không hiểu, chỗ dựa lớn nhất của ta không phải là một nhà ngoại quyền thế, mà là sự che chở bất chấp nguyên tắc của Hoàng đế bệ hạ.

Hắn giang rộng đôi tay ngăn lại tất cả những mưa gió chuẩn bị xối lên người ta, dâng trái tim hắn đến trước mặt ta. Bây giờ đã tiếp nhận trái tim hắn rồi, có đi mà không có lại là vô lễ, ta liền khâu trái tim kia của mình lại rồi tặng cho hắn làm quà đáp lễ.

Ta và hắn, mỗi người sống trong tim của đối phương.

Giữa chốn hồng hoang này, đôi ta là chỗ dựa của nhau.

Tháng ba, cỏ mọc xanh tươi, chim oanh bay lượn, tại vùng Tây Bắc gặp bão tuyết nghiêm trọng năm ngoái, bọn người man di đã khơi dậy chiến tranh, biên giới cấp báo nên Yến Bình xung phong nắm giữ ấn soái rồi xuất chinh.

Ngày thứ năm sau khi hắn đi, Ngọc phi cầu kiến.

Ta đã hoàn toàn hết hứng thú ứng đối với kẻ địch lâu năm này. Vết sẹo mà nàng ta từng lưu lại trên trái tim ta đã được sự dịu dàng quan tâm của Hoàng đế bệ hạ là phẳng.

Nàng ta chỉ là người qua đường chẳng hề liên quan đến ta mà thôi.

Lúc Ngọc phi tiến vào, nàng mặc y phục giản dị, bước đi thướt tha duyên dáng. Nêu bỏ đi lớp áo ngoài ngạo nghễ trên người kia, nàng ta cũng chỉ là một tấm bèo giữa thời buổi loạn lạc, cảnh đời hết sức đáng thương, bản thân không thể tự quyết định vận mệnh của mình.

Khi nàng cung kính hành lễ, quỳ rạp xuống chân ta, ta bỗng trở nên từ bi hiếm thấy. Có lẽ hài nhi trong bụng ngày một lớn, trái tim cũng sẽ mềm yếu đi, bởi vậy hai chúng ta không mấy khi xảy ra xung đột.

Ánh mắt Ngọc phi chăm chú liếc chiếc bụng tròn xoe của ta trong chốc lát, Nga Hoàng vội lấy chăn mỏng đắp lên, làm ta bật cười.

Đến nay nàng đâu đáng để ta căng thẳng nữa?

Ta mỉm cười mời nàng ta ngồi xuống, Tần Ngọc Tranh tạ ơn ta xong liền thản nhiên ngồi, trên gương mặt tiều tụy hiện lên nụ cười gượng gạo: “Từ khi thần thiếp quen biết nương nương, nương nương đã sống tự do bất kham, làm theo ý thích, bao nhiêu năm rồi vẫn không thay đổi, điểm này thần thiếp quả thực ngưỡng mộ!”

Liệu có nên khoe khoang một chút rằng cha ta đã dốc hết tâm sức tính toán kế hoạch lâu dài cho một đời của con gái, chứ đâu giống người cha bán con cầu vinh của nàng ta?

Làm như vậy hình như quá độc ác.

Chỉ cần lòng mình rõ mình có người cha tốt là được rồi.

Khoe khoang chuyện này có hơi ấu trĩ một chút.

“Hoàn cảnh cá nhân không giống nhau mà thôi.”

Ta trả lời nàng một cách mập mờ, chầm chậm vuốt ve bụng bầu của mình. Bây giờ ta phải tích phúc cho đứa trẻ trong bụng, nói lời cay độc làm tổn thương người khác là không đúng, Phật tổ sẽ không tha thứ đâu.

Ngọc phi nở nụ cười lạnh lẽo đến cực điểm, như thể đang nghĩ rằng không thể bàn chuyện lới với kẻ kiến thức nông cạn là ta. Sau đó nàng quỳ lạy ta, xin được xuất gia đến chùa Bảo Tế hầu hạ Thái hậu nương nương.

Ta và nàng trước kia chưa từng có cơ hội hiểu nhau, cũng chưa từng có mong muốn hòa giải, nay tuy đã sống trong cùng một cung điện, nhưng rốt cuộc hoàn cảnh vẫn khác nhau một trời một vực.

Có cung nhân từng đến báo, trước khi Yến soái xuất chinh, Ngọc phi nương nương đã chặn đường Yến soái trong ngự hoa viên rồi khóc lớn một trận, không biết họ đã nói những gì.

Chuyện này Hoàng đế bệ hạ cũng biết.

Nhưng chắc hắn đã quen với việc bị cắm sừng, chẳng hề phẫn nộ mà giao lại cho ta xử lý.

Một dạo ta nghi ngờ nam nhân này có vấn đề, thắc mắc không hiểu: “Hình như bệ hạ rất thích bị cắm sừng, không thấy người tức giận gì cả để thiếp còn an ủi người. Sau này e là có một ngày nào đó thiếp thật sự cắm sừng bệ hạ, cũng vẫn được tiếp tục sống yên ổn mà không sợ bị rơi đầu.”

Lúc đó Hoàng đế nổi giận, liền… đẩy ta ngã trên giường.

Nhưng vì bụng ta quá to nên đã gặp trở ngại, hắn chỉ có thể kéo tai ta, sầm mặt cảnh cáo: “Nữ nhân của kẻ khác ra sao trẫm không quan tâm, còn nếu nàng dám cắm sừng trẫm… cận thận hai cái chân của nàng!”

…Đùa giỡn nửa ngày trời, thì ra những nữ nhân trong hậu cung là nữ nhân của kẻ khác, hoàn toàn không liên quan đến hắn á?

Bệ hạ à, người lãng phí thóc gạo để nuôi nữ nhân của người khác, rốt cuộc là vì điều gì?

Ta không dám hỏi câu này, đành im lặng dằn lòng.

Có những lúc hắn tức giận trông rất đáng sợ. Ta không thể tùy tiện vuốt râu hùm được.

Vào một ngày xuân mưa phùn rả rích, Tần Ngọc Tranh rời khỏi hoàng cung đến chùa Bảo Tế.

Cung nhân tiễn nàng xuất cung hồi báo, ngày hôm đó, Ngọc phi nương nương lệ tuôn ngàn hàng, quay lại nhìn cung điện, ánh mắt lưu luyến như không nỡ rời xa, chưa biết chừng là muốn từ từ bày mưu tính kế cùng Thái hậu nương nương, nghĩ cách quay trở lại.

… Đứa trẻ này, ngươi nghĩ quá nhiều rồi!

Có lẽ nàng ta cảm thấy từ nay về sau không thể tình cờ gặp Yến lang của nàng trong ngự hoa viên nữa nên đau lòng mà thôi.

Bị nhốt trong chiếc lồng vàng son lộng lẫy này suốt ba năm, trái tim nàng chưa từng dành cho Phượng Triều Văn.

Mọi người đều rõ điều này.

Năm xưa khi Duệ Vương gia đưa nàng vào cung đã biết con gái si mê Yến Bình chứ không để mắt tới người khác.

Phượng Triều Văn cũng biết đây chẳng qua là bày tỏ lòng hữu hảo thần phục nên tùy ý tặng một món quà nhỏ mà thôi.

Ngọc phi là người hiểu rõ trái tim mình nhất.

Nhưng loạn thế chiến tranh, gia quốc thiên hạ, phú quý giàu sang, đâu chấp nhận nổi những suy nghĩ hão huyền như nhi nữ tình trường?

Ta có được vận may như ngày hôm nay, sao ông trời tốt với ta đến vậy?!

Cuối tháng Năm, Yến Bình báo tin thắng trận, đại quân thế như chẻ tre, bình định bọn man di vùng Tây Bắc. Bọn chúng gửi thư xin hàng, cúi đầu tự nguyện từ nay đời đời quy phục Đại Tề, cống nạp hằng năm và xin được kết thành thông gia.

Đầu tháng Bảy, ngày đại quân thắng trận trở về triều, ta ở Trùng Hoa điện đau đến nỗi sống không bằng chết, vùng vẫy hồi lâu. Trong tiếng đập cửa đầy lo lắng của Hoàng đế bệ hạ, dưới sự chung sức đồng lòng suốt đêm của ma ma đỡ đẻ và Thái y viện, ta đã sinh được một bé trai.

Nghe nói đại quân vào thành, văn võ bá quan trong triều ra hết bên ngoài để nghênh đón, chỉ còn Hoàng đế bệ hạ ở lại. Lúc này, hắn đang ở bên ngoài Trùng Hoa điện, sốt ruột đi qua đi lại như kiến bò chảo nóng, hoàn toàn không còn phong thái sừng sững ngạo nghễ như thường ngày.

Nga Hoàng nói: “Tại vì nương nương kêu la thảm thiết quá, cứ như đau sắp chết đến nơi. Bệ hạ thấy vậy còn đau hơn cả nương nương, mặt mũi phờ phạc.”

Nha đầu này không biết mình đã phạm phải điều kiêng kị, lại vui vẻ nói tiếp: “Nương nương lúc đau đúng là ‘gáy một tiếng người người kinh ngạc’!”

Nàng ấy còn nhớ ngày trước ta không biết đau.

Con trai ta tên là Phượng Khinh Quân.

Hoàng đế bệ hạ nói, mong rằng nó sẽ hiểu: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”[1]

[1] Câu nói của Mạnh Tử, nghĩa là trong nước nhân dân là quan trọng nhất, thứ đến mới là quốc gia xã tắc, vua là thứ bậc xem nhẹ nhất. Bởi dân vốn là gốc nước, có dân mới có nước, có nước mới có vua, ý dân là ý trời.

Ta nhìn đứa trẻ bụ bẫm trắng trẻo nằm trong tã quấn, kỳ vọng vào nó cao như vậy, chỉ thấy nó mang trách nhiệm nặng nề mà đường thì xa, khó tránh khỏi giữa đường mệt mỏi, thản nhiên thiếp đi.

Xưa nay mong ước luôn tốt đẹp, nhưng hiện thực thì luôn tàn khốc.

Khinh Quân lớn dần lên, tính tình bướng bỉnh lại rất nghịch ngợm, đặc biệt thích làm trái ý ta. Bao nhiêu thoại bản[2] ta sưu tầm cất trong điện chưa xem xong, cả mặt nạ đuổi tà và bùa trừ tà ta mua về nhân dịp tế lễ mùa xuân cải trang xuất cung, không chú ý một cái, liền bị nó thiêu sạch.

[2] Thoại bản: Là một hình thức tiểu thuyết Bạch thoại phát triển từ thời Tống, chủ yếu chuyện lịch sử và đời sống xã hội, thường dùng làm cốt truyện cho các nghệ nhân sau này.

Ta không thể chịu đựng nổi, cầm thước đuổi nó chạy khắp hoàng cung, cung nhân theo sau muốn cản mà không dám.

Lúc này ta nhớ đến cảnh cha ta ngày trước vung gậy đuổi ta, trong lòng có phần xúc động.

Thật ra hồi nhỏ ta cũng gây ra không ít những chuyện kiểu này…

Ta nghĩ trước kia cha ta không phải không muốn dùng phương pháp nhẹ nhàng để giáo dục, mà là ta quả thực không biết tốt xấu, cứ phải làm ông mất hết kiên nhẫn, đành chọn cách đàn áp bằng vũ lực.

Lúc thằng bé còn được quấn trong tã, nhìn nó trắng trẻo vô hại, đáng yêu vô cùng. Nhưng bỗng một ngày nó xuống được mặt đất, sức phá hoại to lớn cùng óc tưởng tượng vĩ đại của nó quả thực khiến người ta phải thay đổi suy nghĩ.

Hoàng đế bệ hạ đã quen với việc suốt ngày ta chạy đuổi theo Khinh Quân khắp hoàng cung. Hắn thì hay rồi, chẳng những không giúp ta một tay, mà còn ngồi xuống vừa cười híp mắt vừa xem trò vui, sai cung nhân quạt mát rót trà, vừa nói nhỏ với Điền Bỉnh Thanh: “Hoàng hậu ở lâu trong Trùng Hoa điện, không chịu ra ngoài vận động, cách này của Khinh Quân rất hay…”

Ta vung thước xông tới chất vấn: “Khinh Quân nghịch ngợm như vậy đều là do ý chỉ của bệ hạ?”

Hắn nhìn ta, ánh mắt vô tội: “Hoàng hậu cứ đùa, sao trẫm có thể cố tình dạy hư con được? Chỉ là thấy Hoàng hậu chạy quanh Ngự hoa viên, khí sắc hồng hào hơn nhiều, còn khỏe hơn cả trẫm, hai ba hôm nữa phải hỏi Thạch Thanh cách ăn uống tẩm bổ thôi.” Bộ dạng hắn nghiêm túc ra vẻ vì muốn tốt cho ta.

Khinh Quân thò đầu ra từ khóm cây đằng sau lưng hắn: “Phụ hoàng cứu mạng!” Nó nhào tới nhanh như thỏ, lao vào lòng Phượng Triều Văn.



Cuối cùng nó vẫn cứ bị ăn đòn.

Phượng Triều Văn tuy nuông chiều con, nhưng còn có chút nguyên tắc, chẳng bằng bác Đồng, luôn bao che ta bất chấp nguyên tắc gì.

Hắn nâng lòng bàn tay bị ta đánh đỏ lừ của Kkinh Quân, thổi phù phù, khuyên răn năm lần bảy lượt: “Mục đích làm cho mẫu hậu ra khỏi Trùng Hoa điện, vận động một chút ở Ngự hoa viên là tốt, nhưng con đốt đồ đạc mà mẫu hậu một mình xuất cung mua về thì cũng không nên… Lần sau phải nhớ, chỉ cần khiến mẫu hậu chạy đuổi theo con là được rồi, tuyệt đối đừng phá hoại đồ đạc…”

Ta: “…”

Hắn giáo dục con cái như vậy sao?

Chẳng trách Khinh Quân càng ngày càng nghịch ngợm, hoàn toàn không chịu coi lời ta ra gì!

Ta lo lắng hết sức cho thiên hạ Đại Tề, giả dụ Hoàng đế bệ hạ đem thái độ vòng vo kiểu này đi cai quản nước nhà, e rằng cuộc sống an nhàn của ta chẳng còn bao lâu nữa!

Khinh Quân bĩu đôi môi xinh xắn, thì thầm xúi bẩy Hoàng đế bệ hạ: “Mẫu hậu lén xuất cung, đã không dẫn theo con, lại không đi cùng phụ hoàng. Phụ hoàng cấm túc mẫu hậu đi, phạt mẫu hậu chép Nữ giới!” Đôi mắt to chớp chớp, trộm nhìn về phía ta.

Ta nghiến răng, tỏ vẻ hung ác với nó. Nó lập tức hoảng sợ, thu mình vào lòng Hoàng đế bệ hạ.

Lời xúi bẩy của Kinh Quân không lâu sau đã thực sự ứng nghiệm.

Ta mang thai lần nữa, hơn nữa thai nhi bất ổn, ta lại lần nữa bị Phượng Triều Văn cấm túc trên long sàng.

Có điều lần này sau khi bị cấm túc cũng có cái hay, ta không cần đuổi theo Khinh Quân nữa, chỉ ra lệnh một tiếng, Hoàng đế bệ hạ sẽ dùng đôi chân dài chạy theo bắt nó, xách con khỉ này mang đến tận nơi cho ta đánh.

Ta giơ tay lên, làm ra vẻ chuẩn bị đánh, hai cha con nhìn ta tha thiết giống hệt nhau.

Phượng Triều Văn: “Dật Nhi, Thạch Thanh nói nàng phải bớt giận dữ, nghỉ ngơi cho tốt. Đánh tiểu tử này chỉ phí sức thôi, không có lợi cho thai nhi trong bụng nàng, hay là để sau… sau lập thu rồi đánh?”

Nó là phạm nhân bị bộ hình giam giữ chắc, mà phải để sau lập thu mới xử.[3]

[3] Trong xã hội phong kiến, việc kết án xử phạt phạm nhân, đặc biệt là án tử hình thường được diễn ra vào mùa đông và mùa thu, do mùa hạ và mùa xuân là hai mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật xanh tươi, thực vật và động vật đều phát triển thuận lợi, nên kiêng kị giết chóc, lâu dần việc này trở thành thông lệ trong xã hội phong kiến.

Sao bệ hạ không nói rằng sẽ đánh nó hộ ta?

Hoàng đế bệ hạ nam chinh bắc chiến, giết người vô số, đối với nhi tử ngay đến một ngón tay cũng không hạ xuống nổi?

Quả thực khiến người ta khó lòng tin được!

Khinh Quân mở to đôi mắt đen lay láy, gắng sức rặn ra tí nước mắt, nghẹn ngào: “Từ sau khi mẫu hậu có muội muội thì không thương Khinh Quân nữa rồi… Lẽ nào con là con người nhặt về sao?”

… Mục đích của hai người chỉ là để tránh cho tiểu tử này khỏi bị ăn đòn à?

Ta không kìm nổi, bật cười thành tiếng, vỗ nhẹ một phát lên cái mông bụ bẫm của nó: “Thằng oắt này, sao ngươi biết nó là muội muội?”

Nó thôi nức nở, lau sạch nước mắt, cọ cọ vào ta làm ta mềm lòng, thơm hết lần này đến lần khác lên má ta, nịnh bợ: “Mẫu hậu, sinh cho con một muội muội chơi cùng nhé, muội muội xinh xắn trắng trẻo ấy, phải xinh hơn muội muội nhà người ta…”

Trong buổi yến tiệc mừng năm mới, có mệnh phụ dắt bé gái tiến cung thỉnh an, nhưng tiểu cô nương đó lớn hơn Kinh Quân đúng ba tuổi.

Điều gì khiến nó nghĩ rằng có thể gọi tiểu cô nương đó là “muội muội”?

Nghe Nga Hoàng nói, thậm chí ở trong cung, nó gặp tiểu cung nữ nào hơi xinh đẹp một chút, đều sẽ gọi là “muội muội”, đây đúng là tật xấu khiến người khác phải đau đầu.

Ta cũng mong rằng mình sẽ sinh bé gái, giúp Khinh Quân sửa tật xấu này.

Lúc Tâm Nhụy chào đời, Phượng Triều Văn và Khinh Quân rất vui mừng.

Ta cũng luôn nghĩ rằng, sinh được con gái Tâm Nhụy chính là sự bù đắp cho bốn năm vất vả và dưỡng dục Khinh Quân của ta.

Tâm Nhụy xinh đẹp đáng yêu tựa như một đóa hoa, ngoài điểm thích khóc ra, những điểm khác đều dễ làm cho người khác yêu thích.

Có điều, bốn năm nay ta đã quen đánh đòn Khinh Quân khỏe mạnh, bỗng dưng lại nuôi dạy thêm một bé gái yếu đuối, ta chân tay mạnh bạo, e rằng chăm sóc Tâm Nhụy sẽ có chút thiếu sót.

Lúc ta bế Tâm Nhụy, ngay cả Nga Hoàng cũng run rẩy hoảng sợ đứng bên cạnh trông chừng: “Nương nương cẩn thận chút, tiểu công chúa không dễ nuôi như Thái tử điện hạ, con gái va quệt phải đâu là sẽ hủy hoại dung nhan đó…” Nàng lải nhải mãi, như gà mẹ bảo vệ cho gà con.

Phượng Triều Văn hàng ngày tan triều xong, nhất định phải đích thân bế ẵm Tâm Nhụy. Sau khi có con gái, cuối cùng hắn đã nhận ra phương châm sai lầm của bản thân mình trong vấn đề giáo dục con trai. Hắn liền kịp thời điều chỉnh, đưa Khinh Quân đi học vỡ lòng.

Hắn chọn Yến Bình làm Thái phó của Thái tử, đồng thời hỏi ta có ý kiến gì không. Ta thiết nghĩ Yến Bình một bụng chữ nghĩa, lại văn võ song toàn, bèn ra sức đề nghị Thái phó dạy cả văn cả võ, không cần câu nệ sách vở. Ta còn đặc biệt dặn dò Hoàng đế bệ hạ, nhất định phải truyền đạt ý kiến của ta với Thái phó: Thái tử điện hạ sinh lực dồi dào, lại vốn ham học, mong Thái phó phải hà khắc một chút trên trường luyện võ, Thái tử mới có thể thành người tài.

Thiên hạ thái bình, càng cần chú trọng văn trị võ trị, không thể trọng văn khinh võ.

Khinh Quân mếu máo rời đi.

Hoàng đế bệ hạ bế Tâm Nhụy, khẽ cười: “Dật Nhi là do không thể đuổi bắt nổi nó, muốn mượn tay người khác trừng trị tiểu tử này à?”

Phượng Khinh Quân xưa nay chỉ gây chuyện trong Trùng Hoa điện, thứ chưa từng phá hoại cũng chỉ mới có đồ cất giữ của ta. Khi ra khỏi điện, nó đều đối xử tử tế với cung nhân, ai ai cũng đều khen ngợi.

Ta ra vẻ “Hoàng hậu cai quản việc trong cung”, nghiêm túc trả lời hắn: “Bệ hạ hẹp hòi quá rồi đấy! Thần thiếp vì giang sơn trường tồn nghìn thu của Đại Tề mà mong Thái tử học hành thành tài kế thừa giang sơn xã tắc, có gì sai ư?”

Ta và hắn đều biết đây chỉ là cái cớ quang minh chính đại mà thôi. Từ lâu trong cung đã trách móc Hoàng hậu đối xử thô bạo với Thái tử điện hạ, thậm chí tin vịt còn truy xét cả quá trình trưởng thành của Hoàng hậu. Nghe nói những đứa trẻ lớn lên trong gia đình bạo lực, tương lai sau khi kết hôn, hoặc là trở thành kẻ ngược đãi, hoặc là trở thành kẻ chịu ngược đãi.

Rất dễ nhận thấy, Hoàng hậu không thuộc vế sau.

Hoàng đế bệ hạ biết rõ những tin đồn này trong hậu cung, nhịn cười phụ họa: “Sai thì không sai! Hoàng hậu bây giờ cũng biết tính toán tỉ mỉ, để Thái phó dạy cả văn lẫn võ thì bớt được một thầy dạy võ, trẫm giảm được một khoản chi tiêu, quả nhiên không hổ danh ‘Hoàng hậu hiền đức’!”

… Rõ ràng hắn đang mỉa mai ta!

Nghĩ đến Khinh Quân sắp trải qua tất cả những chuyện này trong phòng luyện công, ta không thể kìm nổi, vỗ giường đen đét vì vui sướng, nhất thời ta quên mất Tâm Nhụy trong lòng Phượng Triều Văn. Tiếng cười làm nó hoảng sợ nên cứ khóc mãi, Hoàng đế bệ hạ vội luống cuống dỗ dành nó, ta ở bên long sàng cười đến nỗi nước mắt sắp trào ra đến nơi.

Những ngày tháng hạnh phúc dường như kéo dài vô tận, ngọt ngào tới nỗi nước mắt lã chã tuôn rơi.

Tết Thanh Minh năm sau, chắc ta đã có thể quỳ trước phần mộ của cha ta, thì thầm với ông rằng, ta đang trải nghiệm từng bài học trong đời mà năm xưa ông dốc lòng dốc sức truyền đạt, mỗi một trải nghiệm, đều là một câu chuyện truyền kì của hạnh phúc.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play